* EU vẫn tính dùng lợi nhuận từ tài sản Nga bị đóng băng để tái thiết Ukraine
* Mỹ quyết tìm cơ hội cho thỏa thuận ngừng bắn 6 tuần ở Gaza
* Israel tuyên bố tìm và diệt Hezbollah ở bất cứ nơi nào trên trái đất
Xung đột Israel - Hamas
* Ngoại trưởng Mỹ đến Trung Đông thúc đẩy đề xuất ngăn khủng hoảng. Theo Hãng tin AFP, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên đường đến Trung Đông hôm 4-2, tìm cách thúc đẩy đề xuất ngăn chặn cuộc xung đột và đổi lấy sự tự do của các con tin đang bị lực lượng Hamas bắt giữ ở Dải Gaza.
Ông Blinken dự kiến sẽ đến Israel, Ai Cập, Qatar, Saudi Arabia. Đây là lần thứ 5 ông đến khu vực kể từ xung đột Israel - Hamas nổ ra vào sự kiện ngày 7-10-2023.
Chuyến thăm diễn ra vài ngày sau khi Mỹ thực hiện các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến Iran ở Iraq và Syria - sự leo thang mới nhất trong cuộc xung đột ở khu vực.
Đề xuất đang được thảo luận, có khả năng sẽ đưa đến một lệnh tạm dừng giao tranh trong 6 tuần, lực lượng Hamas sẽ trả tự do cho các con tin ở Gaza để đổi lấy tù nhân Palestine.
Các cuộc đàm phán đã diễn ra cách đây một tuần tại Paris (Pháp) với sự tham gia của lãnh đạo Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và các quan chức Israel, Qatar, Ai Cập.
Hàng trăm người đã biểu tình vào tối 3-2 ở Tel Aviv (Israel) yêu cầu hành động nhanh chóng để giải thoát các con tin cũng như tổ chức bầu cử sớm, khi họ cho rằng chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu không thể giành được tự do cho các con tin.
* Mỹ nói trách nhiệm nằm trong tay Hamas. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 4-2 thừa nhận đang có những tranh cãi trong nội bộ Israel liên quan đến thỏa thuận với Hamas, và nhấn mạnh "trách nhiệm hiện tại thuộc về Hamas".
Nói trên kênh CBS, ông Sullivan cho biết Ngoại trưởng Blinken sẽ gây sức ép để Israel cho phép bổ sung thêm thực phẩm, nước uống, thuốc men và nơi trú ẩn ở Gaza.
Các quốc gia và các nhóm viện trợ đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra nạn đói ở Gaza với tình trạng thiếu lương thực và nước uống trầm trọng do chiến dịch của Israel.
* Israel tuyên bố cứng rắn với Hezbollah. Theo Hãng tin Reuters, quân đội Israel cho biết kể từ hôm 7-10-2023, họ đã tấn công hơn 50 mục tiêu ở Syria có liên quan đến lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn.
"Hezbollah ở bất cứ đâu, chúng tôi sẽ ở đó. Chúng tôi sẽ hành động ở mọi nơi cần thiết ở Trung Đông" - người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari tuyên bố.
Bên cạnh đó, lực lượng Israel đã tấn công 3.400 mục tiêu Hezbollah ở Lebanon, bao gồm 120 tiền đồn giám sát biên giới, 40 kho tên lửa và các loại vũ khí khác cũng như hơn 40 trung tâm chỉ huy. Ông Hagari cũng tuyên bố Israel đã tiêu diệt hơn 200 thành viên Hezbollah.
Ba sư đoàn của Israel đã được triển khai dọc biên giới với Lebanon. Israel cảnh báo leo thang giao tranh ở Lebanon trừ khi Hezbollah rút lực lượng khỏi biên giới. Đồng thời, Tel Aviv cũng tìm kiếm sự hỗ trợ của phương Tây về giải pháp ngoại giao ở Beirut.
Hezbollah đã bắt đầu tấn công vào Israel, không lâu sau khi Hamas thực hiện cuộc tấn công bất ngờ vào Israel hôm 7-10-2023.
Cuộc tấn công của Hamas đã khiến hơn 1.100 người ở Israel thiệt mạng, trong khi Hamas tố cáo các chiến dịch tấn công trả đũa của Israel ở Gaza đến nay đã khiến hơn 27.000 người thiệt mạng.
EU đề xuất gói trừng phạt thứ 13 với Nga
Các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sẽ không bổ sung bất kỳ lệnh cấm nhập khẩu mới nào trong gói trừng phạt tiếp theo đối với Nga, trong khi gói đề xuất thứ 13 đang được hoàn thiện.
EC và các quốc gia thành viên EU muốn nhanh chóng thông qua loạt biện pháp mới để đánh dấu 2 năm Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
Theo Hãng tin Reuters, dù một số nước EU kêu gọi cấm thêm các mặt hàng xuất khẩu của Nga như nhôm, EC vẫn sẽ đề xuất một gói trừng phạt mà họ hy vọng sẽ gây ra ít tranh luận giữa các quốc gia thành viên để nó được thông qua nhanh chóng.
Các quốc gia thành viên EU cần bỏ phiếu nhất trí để thông qua các biện pháp trừng phạt mới.
EU đã cấm nhiều mặt hàng có giá trị lớn như nhập khẩu dầu từ Nga bằng đường biển và gần đây nhất là kim cương.
EU cũng sẽ sớm thông qua luật bước đầu để dự trữ lợi nhuận từ số tài sản trị giá 300 tỉ euro của Nga đang bị đóng băng (chủ yếu ở châu Âu), hy vọng có thể dùng khoản này để hỗ trợ tái thiết Ukraine. Con số này có thể lên tới 15 tỉ euro trong 4 năm.
Các tin tức khác
* Cháy rừng lịch sử gây thương vong lớn, Chile công bố quốc tang. Theo chính quyền Chile ngày 4-2 (giờ địa phương), cháy rừng quét qua miền trung Chile đã khiến ít nhất 99 người thiệt mạng, trong đó đã xác định danh tính của 32 thi thể, và hàng trăm người khác vẫn mất tích.
Tổng thống Gabriel Boric cảnh báo nước này đang đối mặt với "một thảm kịch lớn" và tuyên bố 2 ngày quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân thảm họa cháy rừng tại thành phố Valparaíso và khu phụ cận.
Đồng thời, nước này đã đưa ra lệnh giới nghiêm vào lúc 21h ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và đã cử quân đội đến giúp lính cứu hỏa ngăn đám cháy lan rộng. Các trực thăng cũng được điều động để dập tắt đám cháy.
Cháy rừng bắt đầu vài ngày trước đang đe dọa khu vực rìa ngoài của Vina del Mar và Valparaiso, hai thành phố ven biển nổi tiếng với khách du lịch. Hơn 1.000 ngôi nhà bị hư hại. Các quan chức hôm 3-2 cho biết hơn 90 đám cháy đang hoành hành trên khắp Chile.
* Paris bỏ phiếu tăng gấp 3 lần phí đỗ xe SUV. Theo Hãng tin Reuters, người dân Paris (Pháp) đã bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 4-2, về việc tăng gấp 3 lần phí đỗ xe với những chiếc SUV cỡ lớn. Việc này diễn ra trong bối cảnh thủ đô của nước Pháp đang thúc đẩy các kế hoạch để trở thành một thành phố thân thiện với xe đạp.
Kết quả cho thấy 54,5% người dân ủng hộ biện pháp này, trong khi 45,5% phản đối, theo kết quả chính thức. Tuy nhiên, tỉ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu chỉ có 5,7%.
Mục đích của việc tăng phí là để hạn chế xe cồng kềnh, gây ô nhiễm, cụ thể là tăng gấp 3 phí đỗ xe cho xe từ 1,6 tấn trở lên, với mức phí 18 euro/giờ (khoảng 19 USD). Mức phí mới cũng áp dụng cho xe điện từ 2 tấn trở lên.