* Nhà Trắng cũng tố Nga sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) mua từ Triều Tiên
* Lãnh đạo Triều Tiên tố Hàn Quốc đã kích động sự đối đầu và chạy đua vũ trang
* EU cảnh báo sẽ điều tra việc Microsoft đầu tư vào OpenAI
40 nước ra tuyên bố chỉ trích Nga bắn tên lửa Triều Tiên ở Ukraine
Theo Hãng tin Reuters, ngày 9-1 (giờ địa phương), Nhà Trắng tuyên bố Nga đã bắn nhiều tên lửa do Triều Tiên sản xuất về phía Ukraine trong ngày 6-1, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc buộc Matxcơva phải chịu trách nhiệm về hành động này.
Ngay sau đó, Mỹ cùng hơn 40 nước đồng minh đã ra tuyên bố chung chỉ trích việc Nga mua vũ khí từ Triều Tiên và sử dụng chúng chống lại Ukraine.
Trong nhiều tháng qua, Mỹ và các nước phương Tây thường xuyên cáo buộc Matxcơva và Bình Nhưỡng tiến hành trao đổi vũ khí.
Hồi đầu tháng 1, Nhà Trắng cũng tố Nga sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) mua từ Triều Tiên để tấn công Ukraine trong các ngày 30-12 và 2-1.
Cả Nga và Triều Tiên đều phủ nhận những cáo buộc trên.
Tuyên bố chung trên nêu: "Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những hệ lụy mà sự hợp tác này có thể mang đến ở châu Âu, trên bán đảo Triều Tiên, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Chúng tôi chỉ trích ở mức độ cao nhất có thể việc Triều Tiên xuất khẩu và Nga mua tên lửa đạn đạo của Triều Tiên".
Tuyên bố trên được ký bởi Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Úc, Đức, Canada và gần 40 nước khác.
Ông Zelensky nhận định công nghiệp quốc phòng Nga đi xuống
Trong thông điệp thường nhật tối 9-1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có một số nhận xét liên quan đến nền công nghiệp quốc phòng Nga.
"Rõ ràng là nền công nghiệp quốc phòng Nga đang có sự chậm lại. Tuy nhiên, để các biện pháp trừng phạt có thể đạt hiệu quả 100%, các lỗ hổng trong những biện pháp này cũng cần được loại bỏ 100%", ông Zelensky khẳng định.
Tuy nhiên, tổng thống Ukrane không đưa ra bất kỳ dẫn chứng nào cho những nhận định trên của mình.
Hồi tháng 12, ông Sergei Chemezov, người đứng đầu tập đoàn công nghiệp quốc phòng quốc doanh Rostec của Nga, báo cáo với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng việc sản xuất những trang thiết bị cơ bản đã tăng đáng kể từ khi "chiến dịch quân sự đặc biệt" bắt đầu hồi tháng 2-2022.
Cụ thể, việc sản xuất vũ khí cầm tay và đạn pháo đã tăng hơn 50 lần. Trong khi đó, sản lượng xe bọc thép hạng nhẹ tăng 5,5 lần và xe tăng tăng 7 lần.
Triều Tiên gọi Hàn Quốc là "quốc gia thù địch nhất"
Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA ngày 10-1 dẫn lời lãnh đạo nước này, ông Kim Jong Un, khẳng định đã đến lúc Bình Nhưỡng xem Seoul là "quốc gia thù địch nhất" với mình.
Ông Kim cũng tố Hàn Quốc đã kích động sự đối đầu và chạy đua vũ trang. Ông cũng yêu cầu toàn bộ đất nước tăng cường việc củng cố sức mạnh quân sự và năng lực hạt nhân.
Những tuyên bố trên được ông Kim đưa ra trong chuyến thị sát nhiều nhà máy sản xuất vũ khí hồi đầu tuần.
Tại chuyến công tác, nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh việc quan hệ giữa hai miền bán đảo đi xuống là "giai đoạn đổi thay mới" và là "thực tiễn không thể tránh".
"Chúng ta sẽ không bao giờ đơn phương dùng sức mạnh áp đảo trên bán đảo Triều Tiên để tạo ra một sự kiện lớn, nhưng chúng ta cũng không có ý định tránh né một cuộc chiến tranh", ông Kim khẳng định.
Ông Blinken khuyên Israel đưa ra quyết định khó khăn, hợp tác với người Palestine
Tại buổi họp báo trong chuyến công du Israel ngày 9-1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Israel phải đưa ra "quyết định khó khăn, lựa chọn khó khăn" nếu muốn bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng Trung Đông.
Việc hội nhập khu vực là một trong những mục tiêu chính của Chính phủ Israel, vốn mong muốn tăng cường quan hệ giao thương với các nước lân cận. Tuy nhiên, quá trình trên đòi hỏi "lộ trình thực tế" dẫn đến việc thành lập một nhà nước của người dân Palestine, theo ông Blinken.
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng Tel Aviv sẽ cần hỗ trợ những nhà lãnh đạo Palestine "sẵn sàng chung sống trong hòa bình với Israel", ám chỉ Chính quyền dân tộc Palestine (PA).
"Israel phải ngừng việc kìm kẹp khả năng tự quản lý mình của họ (người Palestine)... PA cũng có trách nhiệm tự cải tổ và cải thiện khả năng quản trị", ông Blinken nói thêm.
Ngoại trưởng Mỹ không quên chỉ trích những hành vi bạo lực chống lại người Palestine của bộ phận người di cư Do Thái đến Bờ Tây, đồng thời phản đối việc bành trướng, đuổi đánh người Palestine của người Israel.
EU cảnh báo sẽ điều tra việc Microsoft đầu tư vào OpenAI
Ngày 9-1, cơ quan chống độc quyền của AI cảnh báo Microsoft rằng việc hãng công nghệ này đầu tư vào công ty phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) OpenAI có thể vi phạm quy định của EU về việc sáp nhập doanh nghiệp.
Năm 2023, Microsoft đã đầu tư hơn 10 tỉ USD vào OpenAI và có một ghế không có quyền biểu quyết trong hội đồng quản trị công ty này. Microsoft khẳng định đây chỉ là đầu tư và không sở hữu bất kỳ cổ phần nào của OpenAI.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu vẫn khẳng định đang theo dõi vụ việc này chặt chẽ.
"Ủy ban châu Âu đang kiểm tra liệu việc Microsoft đầu tư vào OpenAI có cần được xem xét lại dưới Quy định sáp nhập của EU hay không", cơ quan hành pháp của EU tuyên bố.
Đối tượng vũ trang chiếm đài truyền hình quốc gia Ecuador
Theo Hãng tin Reuters, một bản tin truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia Ecuador TC ngày 9-1 đã bị gián đoạn bởi một nhóm người có vũ trang xông vào trường quay.
Nhóm người này đeo khăn bịt mặt, hầu hết mặc đồ đen, được trang bị súng cỡ lớn. Ống kính trường quay ghi nhận tiếng súng nổ, tiếng quát nạt nhân viên đài của những kẻ đột nhập trước khi tín hiệu truyền hình bị cắt.
Ngay sau đó, cảnh sát quốc gia Ecuador tuyên bố trên mạng xã hội rằng đang sơ tán trường quay công lập ở thành phố Guayaquil, đồng thời khẳng định trong quá trình xác nhận tình hình nhân viên đài và "tái thiết lập trật tự".
Vụ việc trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Ecuador Daniel Noboa ban hành t tình trạng khẩn cấp quốc gia sau khi trùm băng đảng tội phạm Adolfo Macias, người từng bị truy nã gắt gao nhất nước này, trốn ngục hôm 8-1.