Trong
một bài báo đăng trên tờ Diplomat gần đây, tác giả Vũ Xuân Khang cho
rằng Hoa Kỳ nên xuất khẩu vũ khí và thiết bị an ninh cho Bộ Công an
(BCA) Việt Nam, tuy nhiên, một số học giả và nhà quan sát khuyến nghị
Washington chỉ nên xuất khẩu một cách có chọn lọc để tránh tình trạng
lạm dụng.
Trong bài báo mang tựa đề “Why the US Should Cooperate
More Closely With Vietnam’s Public Security Ministry” (tạm dịch: Tại sao
Hoa Kỳ nên hợp tác chặt chẽ hơn với Bộ Công an Việt Nam), nghiên cứu
sinh tiến sĩ Vũ Xuân Khang tại Đại học Boston (Hoa Kỳ) cho rằng có nhiều
điểm thuận lợi trong việc xuất khẩu các trang thiết bị quân sự của Mỹ
cho Việt Nam sau khi hai quốc gia cựu thù nâng cấp quan hệ ngoại giao
lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến viếng thăm Hà Nội của Tổng
thống Joe Biden hồi tháng 9/2023.
Bắt đầu bằng việc mua vũ khí hạng nhẹ
Trong
chuyến thăm duy nhất tới Hà Nội năm 2016, Tổng thống Barack Obama đã
tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Do vậy, về
mặt nguyên tắc, Hoa Kỳ có thể xuất khẩu nhiều loại vũ khí và thiết bị
của mình cho nhà nước độc đảng ở Đông Nam Á.
Trong bài báo, tác
giả cho rằng bắt đầu từ việc mua vũ khí hạng nhẹ cho BCA như quân dụng,
thiết bị bay điều khiển từ xa (drone) hay robot sẽ là bước đi cần thiết
đầu tiên để Việt Nam có được trải nghiệm thực tế với vũ khí của phương
Tây, phù hợp với học thuyết chiến tranh nhân dân như trong cuộc chiến
Biên giới phía Bắc với Trung Quốc năm 1979.
Giáo sư Carl Thayer từ
Học viện Quốc phòng Úc, cho biết trong chuyến thăm Hà Nội năm ngoái,
ông Biden và Nguyễn Phú Trọng đã đồng ý thiết lập Đối thoại An ninh và
Thực thi Pháp luật giữa các cơ quan thực thi pháp luật, an ninh và tình
báo, trong đó có Bộ Công an.
Bình luận về việc Hoa Kỳ xuất khẩu vũ
khí và thiết bị an ninh cho lực lượng thực thi pháp luật ở Việt Nam, vị
học giả từ Canberra nói trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày
09/4:
“Hoa Kỳ nên cho phép các nhà thầu an
ninh xuất khẩu thiết bị và công nghệ liên quan để trợ giúp Bộ Công an
chống tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển, rửa tiền, buôn người, buôn bán
trái phép ma túy và tiền chất, tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao,
và khủng bố và tài trợ khủng bố.”
Theo vị
chuyên gia về chính trị Việt Nam, việc xuất khẩu chỉ nên giới hạn ở
những thiết bị kiểm soát đám đông không gây sát thương để cung cấp cho
các đơn vị cảnh sát cơ động mới thành lập có nhiệm vụ đối phó với tội
phạm bạo lực, bạo loạn và khủng bố.
Ông cho biết sau cuộc gặp giữa
quan chức của Bộ Công an và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (US ABC)
ngày 18/3 vừa qua, dự thảo của bản ghi nhớ giữa hai bên xác định năm
lĩnh vực quan tâm của phía Hoa Kỳ, đó là công nghệ phát hiện và phòng
ngừa tội phạm, phân tích dữ liệu lớn, dịch vụ hàng không (trực thăng) và
an ninh mạng.
Trong bài viết của mình, Vũ Xuân Khang nói việc Hoa
Kỳ trang bị cho BCA để giúp Hà Nội duy trì an ninh nội bộ trước “thế
lực thù địch” là tín hiệu cụ thể cho thấy Mỹ tôn trọng chế độ hiện tại,
giúp xoa dịu nỗi lo sợ của giới lãnh đạo cộng sản về một “cuộc cách mạng
màu” do Mỹ hậu thuẫn.
Giáo sư Carl Thayer đồng ý với ý kiến này,
đồng thời cho rằng Hoa Kỳ có thể giúp BCA nâng cao năng lực trong việc
giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, ví dụ như các phương
pháp điều tra hình sự tiên tiến của Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI).
Giá đắt, nhân quyền, hay lòng tin chính trị là trở ngại?
Vấn
đề mua sắm vũ khí của Mỹ cho quân đội nhân dân Việt Nam vốn sẽ gây tức
giận cho láng giềng Trung Quốc đang có sẵn những bất đồng ở Biển Đông,
thì việc mua sắm trang bị cho BCA để đảm bảo an ninh nội địa sẽ ít bị
Bắc Kinh hoài nghi nhất.
Theo tác giả Vũ Xuân Khang, những vũ khí
hạng nhẹ sẽ không phù hợp để tiến hành một cuộc hải chiến giả định với
Trung Quốc, và nó cũng sẽ không thu hút nhiều sự chú ý không cần thiết
như việc mua F-16 cho quân đội, trong khi Việt Nam vẫn có thể vun đắp
quan hệ quốc phòng với Mỹ.
Vũ khí, trang bị an ninh của Hoa Kỳ nổi
tiếng là đắt đỏ đặc biệt là đối với Việt Nam, quốc gia chỉ có GDP là
430 tỷ USD năm 2023, theo báo cáo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái hồi đầu
năm.
Theo Hunter Marston- nghiên cứu sinh tiến sĩ từ Đại học Quốc
gia Australia, giá cao là rào cản chính cho Việt Nam để mua vũ khí Mỹ.
Ông nói trong tin nhắn gửi RFA ngày 09/4:
“Theo sự hiểu biết
của tôi, trở ngại chính là giá cả. Nhân quyền và niềm tin chính trị là
những vấn đề đáng lo ngại nhưng không còn là vấn đề không thể vượt qua.
Ví
dụ, Việt Nam đã cân nhắc mua máy bay chiến đấu của Mỹ trong những năm
gần đây nhưng được cho là đang xem xét mua máy bay của Hàn Quốc do giá
tương đối thấp hơn và chất lượng cao để thay thế cho công nghệ của Nga.”
Ông
cho biết Hoa Kỳ đã xuất khẩu thiết bị bay điều khiển từ xa sang Việt
Nam và ông hy vọng nước này sẽ mua thêm công nghệ quốc phòng vì tốc độ
tăng trưởng kinh tế ấn tượng cho phép Việt Nam xem xét mua hàng cao cấp
hơn.
Giáo sư Zachary M. Abuza tại Đại học Chiến tranh Quốc gia
(NWC) ở Hoa Kỳ, cho rằng Việt Nam đang muốn đa dạng hoá nguồn cung vũ
khí sau nhiều thập niên phụ thuộc vào Nga.
Tuy nhiên, khó khăn
hiện tại là sản phẩm quân sự của Mỹ quá đắt và khó có thể tích hợp vào
hệ thống vũ khí Nga Xô, đồng thời quá trình xuất khẩu của Mỹ chậm và rất
rườm rà, trong khi Việt Nam muốn được chuyển giao nhiều công nghệ để có
thể tự sản xuất trong nước.
Ông nói Hoa Kỳ muốn xuất khẩu thiết
bị không phải là vũ khí sát thương cho Việt Nam, do vậy, có đề xuất bắt
đầu bằng việc bán trang bị cho Bộ Công an, phù hợp với nhu cầu mua trực
thăng để trang bị cho lực lượng cảnh sát cơ động.
Ba năm trước, Bộ
Công an thành lập Trung đoàn Không quân trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát
cơ động, và đang xúc tiến xây dựng sân bay riêng cho lực lượng công an ở
huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
"Đàm phán đang được thực hiện
hiện nay là dành cho trực thăng Mỹ… Quân đội Nhân dân thường không muốn
tham gia vào việc giải quyết tình trạng bất ổn trong nước ở những nơi
như Tây Nguyên nên Bộ Công an muốn có năng lực vận tải riêng," Giáo sư Zachary M. Abuza nói.
Lo ngại về vấn đề nhân quyền
Trong
bài viết của mình, tác giả cho rằng các hợp đồng bán vũ khí cho công an
nếu có, cũng chứng tỏ rằng Hoa Kỳ không coi nhân quyền là trở ngại lớn
cho quan hệ hai nước bất chấp các báo cáo nhân quyền hàng năm của Bộ
Ngoại giao và một số nhà quan sát bày tỏ quan ngại về nhân quyền nếu Hoa
Kỳ bán vũ khí cho công an Việt Nam.
"Sự hợp tác giữa các cơ
quan thực thi pháp luật của Hoa Kỳ và Việt Nam cũng sẽ khẳng định cam
kết của Hoa Kỳ hỗ trợ Hà Nội trấn áp các tổ chức khủng bố mà Hà Nội
tuyên bố có trụ sở tại Hoa Kỳ, sau vụ tấn công ở Đắk Lắk vào tháng 6 năm
2023. Các cuộc đối thoại thường xuyên giữa Hoa Kỳ và Bộ Công an sẽ là
một bước đi đúng hướng," ông Vũ Xuân Khang nhận định.
Vị
nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành An ninh quốc tế không trả lời câu hỏi của
phóng viên liên quan đến các quan ngại về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của
Việt Nam.
Trong nhiều năm gần đây, chính quyền độc đảng tăng cường
đàn áp giới bất đồng chính kiến, Facebooker và cả xã hội dân sự có đăng
ký với nhà nước.
Hàng chục người bị bắt và kết án tù dài hạn với
tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lợi dụng quyền tự do dân
chủ” vì các hoạt động ôn hoà cổ suý nhân quyền và dân chủ hay đăng tải
những bài viết chỉ trích chế độ trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó,
nhiều lãnh đạo xã hội dân sự hoặc nhà bảo vệ môi trường bị kết án về tội
danh “trốn thuế” trong các dự án phi lợi nhuận.
Các quốc gia dân
chủ như Hoa Kỳ, Canada, khối EU, và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế
thường xuyên chỉ trích Việt Nam về các vụ bắt giữ và kết án nói trên.
Trong
một số trường hợp, lực lượng an ninh đã sử dụng vũ khí nhập khẩu hiện
đại để trấn áp dân chúng, như hệ thống LRAD - thiết bị phát ra âm thanh
công suất lớn tầm xa gây chói tai vốn được trang bị cho cảnh sát biển để
giải tán biểu tình ôn hoà ở Nghệ An năm 2017 và Đồng Tâm năm 2020.
Một
sỹ quan quân đội đã nghỉ hưu ở Hà Nội, người muốn ẩn danh vì lý do an
ninh, cho rằng Hoa Kỳ nên thận trọng trong việc bán vũ khí-thiết bị an
ninh cho Công an Việt Nam vì có thể nó bị sử dụng sai mục đích.
Dẫn chứng các vụ đàn áp gần đây liên quan đến cưỡng chế đất đai ở Văn Giang (Hưng Yên) và Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), người này nói:
“Tôi
cho rằng Hoa Kỳ cần hết sức cân nhắc, thận trọng trong việc bán vũ khí
cho Bộ Công an của Việt Nam vì trên thực tế, trong nhiều năm trở lại
đây, các ‘chiến dịch’ có quy mô lực lượng, phương tiện lớn nhất mà công
an Việt Nam tiến hành đều nhằm trấn áp những người dân lương thiện đang
bảo vệ lợi ích chính đáng của mình chứ không nhằm vào bọn tội phạm.”
Trong
nhiều năm gần đây, Việt Nam tăng cường nguồn lực cho ngành công an vốn
được coi là “thanh gươm và lá chắn” của chế độ. Ngân sách dành cho Bộ
Công an năm 2024 là 113 ngàn tỷ đồng, tăng 14 ngàn tỷ đồng so với một
năm trước đó và chỉ đứng sau Bộ Quốc phòng và gấp hơn 10 lần so với ngân
sách dành cho giáo dục hoặc y tế.
Giáo sư Zachary M. Abuza cho
rằng việc tìm kiếm vũ khí và thiết bị an ninh cho lực lượng công an sẽ
gây quan ngại về nhân quyền và Quốc hội Hoa Kỳ sẽ tăng cường giám sát
việc xuất khẩu này.
Theo ông, Quốc hội Hoa Kỳ có lo ngại rằng phía
hành pháp đã hạ thấp tình hình nhân quyền của Việt Nam, và do vậy, cơ
quan lập pháp của Hoa Kỳ, vốn phê chuẩn tất cả các thương vụ bán vũ khí
lớn, sẽ cân nhắc về tình hình nhân quyền của Việt Nam.
Cùng chung
nhận định về vấn đề nhân quyền, nghiên cứu sinh Hunter Marston cho rằng
Hoa Kỳ liên tục thể hiện sự tôn trọng đối với hệ thống chính trị của
Việt Nam nhưng đồng thời nhấn mạnh sự quan ngại sâu sắc về hồ sơ nhân
quyền của Việt Nam.
Theo ông, mục tiêu bao trùm trong chính sách
của Hoa Kỳ là giúp Việt Nam tăng cường quyền tự chủ và an ninh để Hà Nội
có thể chống lại sức ép từ bên ngoài (tức là Trung Quốc) nhưng không
cho phép chế độ độc đảng đàn áp những người bất đồng chính kiến hoặc mở
rộng tầm ảnh hưởng của nhà nước an ninh Việt Nam lên chính công dân của
mình. Việc tránh những phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc cũng không phải
là ưu tiên hàng đầu.
Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer cho rằng Hoa Kỳ và Việt Nam có nhiều lĩnh vực để tăng cường quan hệ song phương như "giải
quyết các vấn đề di sản chiến tranh, quân y, hỗ trợ trong các hoạt động
gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp quốc, thực thi luật hàng hải và an ninh
hàng hải, bao gồm cả nhận thức trong lĩnh vực hàng hải."
Ông
cho rằng Công an Việt Nam thường coi các đối thủ chính trị và những
người chỉ trích chế độ là những kẻ khủng bố, chẳng hạn như việc gắn nhãn
cho đảng Việt Tân, do vậy, việc trợ giúp Việt Nam trấn áp các “thế lực
thù địch” sẽ đồng nghĩa giúp Bộ Công an có toàn quyền làm những gì mình
muốn.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ quán Mỹ
tại Hà Nội để hỏi về thông tin xuất khẩu vũ khí cho BCA Việt Nam nhưng
chưa nhận được câu trả lời. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chưa lập tức
phản hồi email.
Và để giải thích thêm về lý do tại sao Mỹ nên hợp tác chặt chẽ hơn với Bộ Công an Việt Nam, tác giả Vũ Xuân Khang cho rằng, "...
từ góc độ chính trị, Hoa Kỳ chỉ có thể cải thiện quan hệ với Việt Nam
nếu có thể làm cho ĐCSVN cảm thấy an toàn như ở nhà bằng cách giúp đỡ và
tôn trọng những nỗ lực hiện đại hóa kho vũ khí của công an Việt Nam."