Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trước đó tiết lộ về việc thiết lập bộ chỉ huy phụ trách vấn đề hỗ trợ an ninh cũng như huấn luyện cho Ukraine, đồng thời cam kết tiếp tục sự hỗ trợ bền bỉ cho Kiev.
Ukraine là một trong các chủ đề chính trong hội nghị thượng đỉnh năm nay của NATO, đánh dấu kỷ niệm 75 năm lịch sử liên minh quân sự này.
Nước chủ nhà Mỹ đã đưa ra những cam kết với Ukraine, và kêu gọi sự đoàn kết của NATO trước các thách thức hiện nay.
Giới quan sát cũng cho rằng đây là dịp để Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tranh thủ sự ủng hộ, kêu gọi các nước thuộc NATO gửi thêm vũ khí và tài chính, cũng như những đảm bảo về an ninh cho Ukraine.
Ông Zelensky cũng tìm cách thúc giục các nước xem xét tư cách thành viên NATO cho Ukraine. Dù vậy, việc gia nhập NATO sẽ mất nhiều thời gian cũng như cần sự chấp thuận của toàn bộ thành viên.
Bản thân Tổng thư ký NATO Stoltenberg hôm 10-7 thừa nhận chuyện khó xảy ra sớm, dù việc Ukraine gia nhập NATO là tất yếu và sẽ nhận được sự ủng hộ của các nước.
Trước mắt, ông Zelensky có thể tập trung vào vũ khí viện trợ từ NATO, bao gồm quyết định cung cấp thêm máy bay F-16 cho Ukraine. Tổng thống Ukraine cho biết ông kỳ vọng quyết định chuyển giao F-16 sẽ được đưa ra trong ngày 11-7.
Reuters trong khi đó dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói F-16 đang trên đường tới Ukraine từ Đan Mạch và Hà Lan, khẳng định các chiến đấu cơ này sẽ bay trên bầu trời Ukraine trong mùa hè năm nay.
Ukraine đang bước vào năm thứ ba cuộc xung đột với Nga. Hiện nay Kiev đang gặp khó khăn trước việc Nga tiến quân ở đông bắc, đông và đông nam nước này.
Bất lợi về quân số và khí tài của Ukraine đang khiến các nước phương Tây lo lắng, vì họ vẫn chọn cách tiếp cận thận trọng khi chỉ hỗ trợ Ukraine thay vì trực tiếp tham chiến - một kịch bản mang rủi ro khiến chiến tranh lan rộng.
Nói cách khác, dù đã hé lộ về việc lính phương Tây xuất hiện trực tiếp hỗ trợ huấn luyện và hậu cần cho Ukraine, kịch bản được giới học giả và chuyên gia quan hệ quốc tế của phương Tây mong muốn nhất vẫn là Ukraine có thể trụ vững và "chiến thắng". Để làm được điều đó, Mỹ và các thành viên khác của NATO đã viện trợ quân sự hàng trăm tỉ USD cho Ukraine trong ba năm qua.