Một bài viết ngày 23/04/2024 của Viện Hòa Bình Hoa Kỳ (US Institute of Peace) nhắc lại “NATO
hợp tác với bốn nước Châu Á-Thái Bình Dương này từ đầu những năm 2000
nhưng cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraina, những thách thức về an ninh
xuất phát từ Trung Quốc và sự cạnh tranh chiến lược đã dẫn đến cam kết
mạnh mẽ hơn”.
Nga - Trung Quốc - Bắc Triều Tiên : Những mối quan hệ nguy hiểm cho NATO
Bị
phương Tây cấm vận, bị tiêu hao trong hai năm chiến tranh, Nga đẩy
nhanh chính sách hướng Đông, tìm hỗ trợ ở Teheran, Bắc Kinh và Bình
Nhưỡng. Trung Quốc bị cáo buộc nằm trong số “những nước” dường
như đã cung cấp công nghệ drone, tên lửa, hình ảnh vệ tinh, thiết bị,
linh kiện không sát thương nhưng giúp Nga xây dựng quân đội để tiếp tục
cuộc chiến ở Ukraina.
Trong thư trả lời Reuters ngày 09/07, dù
không nêu đích danh Trung Quốc nhưng thủ tướng Nhật Bản Kishida cho rằng
hành động này là “chiếc phao cứu sinh”, giúp Nga sử dụng vũ
lực để thay đổi nguyên trạng, trái với luật pháp quốc. Gần đây, Trung
Quốc tập trận chung với Belarus - đồng minh của Nga - ngay tại biên giới
với Ba Lan, sườn đông của khối NATO.
Bắc Triều Tiên bị Hoa Kỳ cáo
buộc cung cấp tên lửa, đạn dược cho Nga để tấn công Ukraina, đổi lại
Matxcơva chuyển giao nhiều công nghệ lõi. Tháng 06, trong chuyến công du
Bình Nhưỡng lầu đầu kể từ 24 năm qua, tổng thống Nga đã được tiếp đón
nồng nhiệt. Hai bên kí hiệp ước phòng thủ chung và lãnh đạo Kim Jong Un “hoàn toàn ủng hộ” Nga
trong cuộc chiến ở Ukraina. Đây là mối đe dọa không chỉ cho khu vực,
đặc biệt đối với hai nước sát sườn Hàn Quốc và Nhật Bản, mà cho cả châu
Âu khi vũ khí của Bắc Triều Tiên được sử dụng tại Ukraina.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh với Reuters “thế
giới không thể dung túng những âm mưu của một số nước nhằm làm đảo lộn
trật tự quốc tế… Ukraina hiện nay có thể là châu Á trong tương lai”. Đối với ông, cần phải có những biện pháp phòng ngừa, răn đe hơn là để chuyện xảy ra bởi vì “biên
giới địa lý “châu Âu-Đại Tây Dương” hay “Ấn Độ-Thái Bình Dương” không
còn thích hợp để bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới. Trong viễn cảnh
đó, Nhật Bản và các đối tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương có thể đóng một vai
trò quan trọng cho các đồng minh NATO”.
NATO - IP4 cùng chung quan ngại về Nga - Trung
Mối
quan hệ giữa Nga, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên liên quan đến chiến tranh
Ukraina đẩy NATO và nhóm 4 nước Ấn Độ-Thái Bình Dương phải chung sức đối
phó. Theo AP ngày 09/07, tại hội thảo ở viện Brookings vào tuần trước,
ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh “ngày càng có nhiều đối tác
ở châu Âu cho rằng những thách thức ở đầu bên kia thế giới, ở châu Á
cũng liên quan đến họ. Tương tự, các đối tác ở châu Á coi những thách
thức ở đầu bên kia thế giới, ở châu Âu, cũng là những thách thức của họ”. Vì vậy, “Hoa
Kỳ cố tháo dỡ rào cản giữa những liên minh châu Âu, liên minh châu Á và
những quan hệ đối tác khác trên khắp thế giới. Việc này nằm trong diện
mạo mới, một cấu trúc mới mà chúng tôi (Mỹ) đã triển khai”.
Việc
bốn nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand tham dự thượng đỉnh NATO
được Luis Simon, giám đốc Trung tâm Đối ngoại và Chiến lược An ninh tại
Vrijie Universiteit Brussel, đánh giá là cơ hội để “đáp trả Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên và Iran”. Trên trang War On the Rocks chuyên về quốc phòng và ngoại giao, ông nhận định “việc
các mối liên minh Châu Âu-Đại Tây Dương và Ấn Độ-Thái Bình Dương được
cấu trúc quanh một điểm tựa rõ ràng - sức mạnh quân sự Mỹ - giúp chúng
gắn kết hơn và tạo một lợi thế về chiến thuật so với kiểu quan hệ đối
tác đan chéo giữa Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Triều Tiên”.
Tuy nhiên, theo Mirna Galic, nhà phân tích chính trị về Trung Quốc và Đông Á tại Viện Hòa Bình Hoa Kỳ, “quan
hệ đối tác không biến NATO thành một nhân tố trực tiếp trong vùng Ấn
Độ-Thái Bình Dương nhưng cho phép khối này phối hợp với 4 nước đối tác
về những vấn đề có lợi chung. Ví dụ họ có thể chia sẻ thông tin và sát
cánh trong một số hành động như ban hành trừng phạt, cung cấp hỗ trợ
nhưng không can thiệp vào các cuộc khủng hoảng quân sự bên ngoài khu vực
của họ”.
Ngoài an ninh, NATO và nhóm IP4 còn tăng cường hợp
tác để đối phó với những vụ tấn công tin học, thông tin sai lệch, công
nghệ mới như trí thông minh nhân tạo và những vấn đề khác có thể gây tổn
hại cho an ninh. Đối với thủ tướng Nhật Bản, “thượng đỉnh
Washington là cơ hội quan trọng cho Nhật Bản, Hoa Kỳ và các đồng minh
NATO đối mặt với những thách thức cho trật tự thế giới và tái khẳng định
những giá trị và nguyên tắc đã tạo nên hòa bình và thịnh vượng trên thế
giới”.
Trung Quốc không muốn “NATO Thái Bình Dương” hoạt động sát sườn
Tuy
nhiên, nhìn từ Trung Quốc, Washington đang tạo dựng một kiểu liên minh
như NATO ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trong buổi họp báo ngày 08/07,
tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lý giải việc “Iran, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc ủng hộ và tạo điều kiện cho cuộc chiến xâm lược bất hợp pháp của Nga tại Ukraina” cho thấy rằng “an ninh của chúng ta không chỉ còn ở cấp vùng mà trên toàn thế giới”. Dó đó, cần phải mời 4 nước Châu Á-Thái Bình Dương không phải là thành viên NATO tham dự thượng đỉnh.
Theo
AFP, phát biểu này không lọt tai Bắc Kinh. Ông Lâm Kiếm (Lin Jian),
người phát ngôn của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, kêu gọi NATO “ngừng tạo ra kẻ thù tưởng tượng ở khắp nơi”, trong khi liên minh quân sự này cũng “âm mưu mở rộng quyền lực ra ngoài phạm vi của khối, gây đối đầu và hăm dọa”. Bắc Kinh “phản
đối việc NATO sử dụng Trung Quốc làm cái cớ để mở rộng sang phía đông
Châu Á-Thái Bình Dương và kích động căng thẳng ở trong vùng”. Quan chức ngoại giao Trung Quốc đổ lỗi cho NATO khi cho rằng “cái
gọi là an ninh của NATO được hình thành nhưng gây bất lợi cho an ninh
của những nước khác và hành động của khối này gây ra những rủi ro an
ninh vô cùng lớn cho thế giới và khu vực”.
Ông Zhu Fent, trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Nam Kinh, cho rằng “NATO
cần coi Trung Quốc là một sức mạnh tích cực cho hòa bình và ổn định ở
trong vùng, cũng như cho an ninh của thế giới… Trong một thế giới bất ổn
và suy yếu như hiện nay, châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc nên tăng cường
hợp tác ở cấp thế giới và khu vực”.
Nhưng hành động của Trung
Quốc đi ngược với những phát biểu trên. Theo trang NHK của Nhật Bản,
Tokyo nhiều lần cảnh báo cuộc xung đột ở Ukraina cũng có nguy cơ xảy ra ở
Đông Á, nơi Trung Quốc có lập trường ngày càng hung hăng với những yêu
sách chủ quyền ở biển Hoa Đông, đối với Đài Loan hoặc ở Biển Đông, mà ví
dụ gần đây nhất là vụ ẩu đả, tấn công thủy thủ, chiếm tàu của
Philippines.
Cuối cùng, cũng chính Trung Quốc là yếu tố gây chia
rẽ trong NATO. Từ năm 2023, ý tưởng thành lập văn phòng liên lạc tại
Nhật Bản đã được đưa ra, bất chấp chỉ trích của Bắc Kinh, nhưng chính
Pháp là bên phản đối.