* Pháp tuyên bố không tấn công vào Yemen cùng Mỹ, Anh để tránh leo thang chiến tranh
* Matxcơva sẽ không từ bỏ những gì "chiến dịch quân sự đặc biệt" gặt hái được
* Sau khi đuổi Pháp đi, Niger bắt tay quan hệ quân sự với Nga
Mỹ tiếp tục tấn công Houthi tại Yemen
Theo Hãng tin Reuters, ngày 16-1, Nhà Trắng tuyên bố quân đội Mỹ vừa tiến hành cuộc tấn công mới nhắm vào bốn tên lửa đạn đạo chống hạm chuẩn bị được phiến quân Houthi phóng từ khu vực kiểm soát của nhóm này trên lãnh thổ Yemen.
Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết: "Chúng tôi đang không tìm cách mở rộng [xung đột tại Biển Đỏ]. Nhóm Houthi cần đưa ra quyết định và họ vẫn còn thời gian để đưa ra quyết định đúng đắn. Đó là việc ngừng các cuộc tấn công liều lĩnh này".
Cũng trong ngày 16-1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định Paris không tham gia các cuộc tấn công của Mỹ nhắm vào nhóm Houthi nhằm tránh leo thang căng thẳng khu vực. Pháp có cách tiếp cận "mang tính phòng thủ" với Biển Đỏ và sẽ kiên định với quan điểm này, theo ông Macron.
Israel - Hamas đạt thỏa thuận tăng cường viện trợ cho người dân Gaza
Qatar và Pháp vừa làm trung gian giúp Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đạt thỏa thuận quan trọng về việc viện trợ cho người dân Gaza. Hamas sẽ tiến hành chăm sóc y tế khẩn cấp cho 45 con tin Israel còn bị nhóm này bắt giữ, đổi lại Israel sẽ tạo điều kiện để hàng cứu trợ nhân đạo và y tế cho nhóm thường dân dễ bị tổn thương vào Dải Gaza.
Doha và Paris khẳng định các lô hàng cứu trợ sẽ rời Qatar để đến Ai Cập trong ngày 17-1. Từ Ai Cập, số hàng này sẽ đi qua cửa khẩu Rafah để đến tay những người Palestine ở Gaza.
Nga nhận định cuộc họp tìm hòa bình của Ukraine "vô nghĩa"
Ngày 16-1, Matxcơva khẳng định kế hoạch giải quyết cuộc chiến kéo dài gần hai năm ở Ukraine của tổng thống nước này, ông Volodymyr Zelensky, không thể thành công.
Bình luận trên website của mình, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định các cuộc họp tìm kiếm hòa bình do Ukraine tổ chức, trong đó có cuộc họp vừa kết thúc tại thị trấn Davos, bang Graubünden (Thụy Sĩ) ngày 14-1, là "vô nghĩa và có hại".
Thay vì đưa Kiev gần với hòa bình hơn, bộ này cho rằng cuộc họp trên đã phơi bày sự khác biệt giữa hàng chục quốc gia và vấn đề Ukraine, đồng thời không khiến những phương án kết thúc chiến tranh của chính quyền ông Zelensky được ủng hộ hơn.
Cũng trong ngày 16-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sự tồn tại của Ukraine dưới tư cách một quốc gia có thể đối mặt "tổn thương không thể chữa lành" nếu tình hình chiến sự hiện tại vẫn tiếp tục.
Người đứng đầu Điện Kremlin tuyên bố đanh thép rằng Matxcơva sẽ không từ bỏ những gì "chiến dịch quân sự đặc biệt" gặt hái được.
Nga và Niger đạt thỏa thuận phát triển quan hệ quân sự
Ngày 16-1, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này và chính quyền quân sự tại Niger đã đạt thỏa thuận phát triển quan hệ hợp tác quân sự.
"Các bên ghi nhận tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ Nga - Niger trong mảng quốc phòng và thống nhất tăng cường hành động chung nhằm làm ổn định tình hình trong khu vực", bộ này tuyên bố.
Cơ quan này cũng nhấn mạnh Matxcơva và Niamey sẽ duy trì đối thoại nhằm "tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu" của quân đội Niger.
Hồi tháng 7-2023, quân đội Niger lật đổ tổng thống Mohamed Bazoum và nắm quyền điều hành đất nước.
Chính quyền quân sự Niger đã đuổi quân đội Pháp đóng tại nước này, đồng thời chấm dứt nhiều thỏa thuận an ninh với Liên minh châu Âu (EU). Điều này khiến nhiều nước phương Tây lo ngại nước này sẽ thành "bàn đạp" mới của Nga tại khu vực Tây Phi.
Nga - Triều Tiên ca ngợi tình đồng chí
Ngày 16-1, ông Putin đã có cuộc hội đàm hiếm hoi với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui.
Theo Điện Kremlin, trọng tâm của cuộc họp là báo cáo với tổng thống Nga kết quả cuộc họp vừa kết thúc giữa ông Lavrov và bà Choe. Ngoài ra, chưa có thông tin cụ thể nào thêm.
Trước đó, trong cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng hai nước, bà Choe đã ca ngợi việc tiến hành những thỏa thuận được Matxcơva và Bình Nhưỡng ký kết trong chuyến công du Nga của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hồi tháng 9-2023.
"Việc hai ngoại trưởng thường xuyên gặp gỡ và làm sâu sắc mối quan hệ đồng chí là minh chứng cho quan hệ hữu nghị Nga - Triều, vốn đã có lịch sử giao hảo và truyền thống, đang tiến về phía trước dựa trên những kế hoạch đã được các nhà lãnh đạo thống nhất", bà Choe chia sẻ.
Hãng tin Reuters khẳng định một trong những điều nhiều khả năng sẽ được bàn luận trong cuộc họp giữa ông Putin và hai vị ngoại trưởng là chuyến thăm chính thức của tổng thống Nga đến Triều Tiên.
Trong chuyến công du đến Nga hồi tháng 9-2023 của ông Kim, ông Putin đã nhận lời mời thăm Bình Nhưỡng từ nhà lãnh đạo Triều Tiên.