Kết
thúc tuần lễ công du Hoa Kỳ, thủ tướng Nhật ra về với khoảng 70 thỏa
thuận hợp tác quốc phòng, hoàn thành mục tiêu đưa quan hệ song phương
lên hàng « đối tác toàn diện về kinh tế, kỹ thuật và an ninh ». Mở rộng
quan hệ quốc phòng với Mỹ là đòn bẩy cho ngành công nghiệp quốc phòng
của Nhật vốn đang bị Trung Quốc bỏ xa lại phía sau. Bắc Kinh đứng trước
thách thức Tokyo trở thành một nhà máy sản xuất, một kho vũ khí ngay sát
cạnh.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vừa kết thúc chuyến
công du Hoa Kỳ từ ngày 10 đến 13/04/2024. Giới quan sát phương Tây đồng
loạt đánh giá đây là một chuyến đi lịch sử với hai cột mốc quan trọng là
thượng đỉnh song phương tổng thống Mỹ Joe Biden và cuộc họp tay ba với
nguyên thủ Hoa Kỳ và tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos Jr. tại
Nhà Trắng.
Lần đầu tiên từ Thế Chiến Thứ Hai, Mỹ-Nhật thắt chặt
hợp tác quốc phòng « chặt chẽ » chưa từng thấy. Trong những tuần lễ sắp
tới Lầu Năm Góc cùng với các bộ Quốc Phòng và Công Nghiệp Nhật Bản đi
sâu thêm vào chi tiết cụ thể các chương trình hợp tác, song báo chí tại
Washington và Tokyo nói đến « khoảng 70 thỏa thuận hợp tác quốc phòng »
đã được thông qua.
Viễn cảnh Nhật sản xuất vũ khí cạnh Trung Quốc
Những
thỏa thuận nói trên xoay quanh ba trục : Ưu tiên « nâng cao hiệu quả
khả năng tương tác » giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, nghĩa là để các đơn vị
của Mỹ tại Nhật Bản bớt phụ thuộc vào bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ
đặt tại Hawaii, cách thủ đô Tokyo đến 6.000 cây số.
Trục thứ nhì là tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh mạng và chiến lược bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Vế
thứ ba liên quan đến hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng hai
nước. Washington và Tokyo cam kết « cùng nhau phát triển, sản xuất tên
lửa, cùng nhau bảo trì chiến hạm và máy bay quân sự của Mỹ tại Nhật
Bản ». Ngành công nghệ quốc phòng của hai nước « phối hợp chặt chẽ với
nhau hơn » ở nhiều khâu, từ nghiên cứu khoa học kỹ thuật đến khả năng
sản xuất những thiết bị trong công nghệ không gian phục vụ cả các mục
tiêu dân sự và quân sự… Kết hợp với Mỹ, Nhật Bản khai thác những thế
mạnh của mình để trở thành một nguồn sản xuất và cung cấp vũ khí trên
thế giới- kể cả cho Hoa Kỳ.
Trả lời RFI Việt ngữ, nhà báo Pierre
Antoine Donnet nói đến một thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên. Ông Donnet
từng điều hành các văn phòng của hãng tin Pháp AFP tại Bắc Kinh và
Tokyo, và hiện là một cây bút chính của báo mạng chuyên về châu Á,
Asialyst :
Pierre Antoine Donnet : «
Một trong những vế chính của hàng loạt những thỏa thuận quốc phòng song
phương là Mỹ -Nhật cùng nhau sản xuất các loại vũ khí thế hệ mới. Đây
là điều hoàn toàn mới mẻ đối với cả Washington lẫn Tokyo. Hợp tác quân
sự lại càng khắn khít hơn khi đôi bên đồng ý nâng cấp cơ chế chỉ huy
quân sự của Mỹ tại Nhật, với một mục đích rõ ràng là đối phó với hiểm
họa Trung Quốc. (...)
Tôi nghĩ rằng lợi ích ở đây là cả
đối với hai phía Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hiện tại, nền công nghiệp quốc
phòng của Nhật chậm phát triển hơn nhiều so với của Trung Quốc và còn
kém cỏi so với một số quốc gia khác nữa. Trái lại, đội ngũ kỹ sư của
Nhật được đào tạo và có chuyên môn rất cao. Từ nhiều thập niên qua Nhật
Bản luôn dẫn đầu về công nghệ mới. Thành thử khi mà Mỹ, Nhật hợp tác với
nhau để cùng chế tạo thiết bị quân sự hay vũ khí thì hai nền công
nghiệp này sẽ bổ sung cho nhau, họ sẽ nhanh chóng sản xuất được nhiều và
với giá rẻ. Thêm một lợi thế khác nữa là vũ khí sẽ sản xuất trên lãnh
thổ Nhật Bản. Điều này cho phép nền công nghiệp quốc phòng của Nhật
nhanh chóng phát triển và có nhiều tiến bộ trong một thời gian ngắn. Nói
cách khác đây là một thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên ».
Đành
rằng trong thông cáo chung, tổng thống Biden và thủ tướng Kishida cùng
nhấn mạnh chủ đích của đôi bên là « tăng cường khả năng răn đe », để bảo
đảm Ấn Độ-Thái Bình Dương là một vùng biển « tự do và rộng mở trước
những thách thức ngày càng lớn đối với an ninh khu vực ». Nhà báo Pierre
Antoine Donnet mục tiêu răn đe đó của Hoa Kỳ và Nhật Bản trực tiếp nhắm
vào Trung Quốc.
Pierre Antoine Donnet : «
Trong những ngày vừa qua chúng ta thấy rõ tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden
và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cùng quyết tâm thiếp lập một liên
minh quân sự càng lúc càng chặt chẽ giữa hai quốc gia đồng minh này và
cùng với một số nước khác trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương để cưỡng lại
áp lực đang lớn mạnh từ phía Trung Quốc. Áp lực đó ngày càng rõ nét để
trở thành một mối đe dọa về mặt quân sự. (...)
Một trong
những người đầu tiên chủ trương tái vũ trang Nhật Bản là cố thủ tướng
Shinzo Abe và như đã biết, ông đã bị ám sát hồi năm 2022. Giờ đây thủ
tướng đương nhiệm, Fumio Kishida, khẳng định rằng mối đe dọa xuất phát
từ Trung Quốc đã lớn đến mức mà Nhật Bản cần nhanh chóng hiện đại hóa
quân đội để có thể đối phó trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang.
Chính ông Kishida quyết định đẩy ngân sách quốc phòng của Nhật đang từ 1
% GDP lên thành 2 % trong một thời gian rất ngắn và đây là điều chưa
từng xảy ra tại một quốc gia có bản Hiến Pháp chủ hòa như ở Nhật từ khi
kết thúc Thế Chiến Thứ Hai năm 1945 ».
Từng công tác lâu năm
tại Bắc Kinh và Tokyo, Pierre Antoine Donnet không quên yếu tố
Philippines trong những tính toán của cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản như đã được
ghi nhận nhân thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật và Philippines hôm 11/04/2024
vừa qua :
Pierre Antoine Donnet : «Thực
ra thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật và Philippines quan trọng không kém, vì
Biển Đông trải rộng trên diện tích khoảng 4 triệu cây số vuông là nơi mà
Trung Quốc không ngừng phô trương thanh thế, lắp đặt các cơ sở quân sự…
Đây là một khu vực quan trọng bậc nhất về mặt địa chính trị và là một
ngả giao thương quốc tế, mà hàng tỷ đô la hàng hóa đi qua. Những hành vi
hù dọa, uy hiếp tàu thuyền Philippines từ hơn một tháng nay là nhằm thị
uy, để Manila tách rời khỏi Washington và công nhận Trung Quốc là ông
chủ trong vùng biển này. Qua đó Philippines phải thuần phục Bắc Kinh,
thuần phục đảng Cộng Sản Trung Quốc »..
Chiến lược phát triển công nghiệp vũ khí của Nhật
Để
trở thành « đối tác toàn diện về kinh tế, kỹ thuật và an ninh » của Hoa
Kỳ, Nhật Bản đã có những bước chuẩn bị dài hơi : tháng 12/2023 chính
quyền Fumio Kishida thông qua ngân sách quốc phòng hơn 50 tỷ đô la cho
giai đoạn 2024-2025, tăng 17 % so với một năm trước đó.
Tokyo từ
2022 trong hai tài liệu về Chiến Lược Quốc Phòng và Chiến Lược An Ninh
Quốc Gia đã đề ra mục tiêu dành đến 2 % GDP cho các chi phí quân sự mà
chủ yếu là « tăng tốc hiện đại hóa quân đội » như vừa nói có nghĩa là,
thiết kế tàu chiến thế hệ mới, trang bị hệ thống tên lửa chống hạm Aegis
của Mỹ, tăng cường khối lượng dự trữ tên lửa, mua thêm tên lửa hành
trình Tomahawk của Mỹ, phát triển hệ thống phòng không chống tên lửa
siêu thanh... Tokyo cũng dành hẳn nhiều ngân sách cho các vế sản xuất
drone, mở rộng các hoạt động về an ninh mạng và mảng « công nghệ không
gian phục vụ các mục tiêu quân sự ».
Nhà nghiên cứu Marianne Péron
Doise, chuyên về an ninh biển ở khu vực Đông Bắc Á trường Khoa Học
Chính Trị Sciences Po. Paris lưu ý, Nhật Bản là một quốc gia duy nhất
trên thế giới quyết định « tăng chi phí quốc phòng tương đương với 1 %
GDP lên thành 2 % tổng sản phẩm nội địa trong vỏn vẹn 5 năm ». Đó là yếu
tố đầu tiên khiến Mỹ rất hài lòng.
Hơn nữa, do cuộc chiến
Ukraina, Tokyo đã nới lỏng một số nguyên tắc cho phép chuyển giao thiết
bị quân sự, chuyển giao công nghệ quốc phòng cho một số quốc gia. Từ
2014 Nhật Bản đã bắt đầu xuất khẩu thiết bị quân sự với điều kiện đó
không là vũ khí sát thương, nhưng đến cuối 2023 thì danh sách hàng được
xuất khẩu trong lĩnh vực này đã được mở rộng thêm và bao gồm cả 80
« loại vũ khí và thiết bị sát thương, 13 quốc gia được giao dịch với các
tập đoàn Nhật Bản trong lĩnh vực này ». Hãng tin Kyodo khẳng định
« Nhật Bản, tựa như Hoa Kỳ hay Pháp muốn trở thành một nguồn xuất khẩu
vũ khí trên thế giới và đây sẽ là một bước ngoặt lịch sử »
Những
thay đổi nói trên vừa là cơ sở vừa là cơ hội cho các chương trình hợp
tác tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Mỹ và Nhật Bản.
Ẩn số về tiềm lực của mạng lưới công nghiệp Nhật Bản
Câu
hỏi còn lại là liệu rằng các tập đoàn công nghiệp của Nhật như Toshiba,
Mitsubishi Electric hay Subaru, Daikin có đủ sức và dễ dàng chấp nhận
lao vào cuộc chơi cộng tác rồi cạnh tranh với những « ông lớn » trong
ngành như Lockheed Martin của Mỹ hay BAE Systems PLC của Anh hay không ?
Theo
một điều tra của Reuters (26/03/2023) nếu như trong nhiều thập niên qua
các tập đoàn nói trên, với tên tuổi rất quen thuộc với người tiêu dùng,
đã « kín đáo trang bị cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản, tăng công suất
để trở thành những con chim đầu đàn trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí
không là chuyện dễ vì số này sợ rằng sẽ mất đi cảm tình của người tiêu
dùng bình thường tại một quốc gia mà công luận có khuynh hướng chủ hòa.
Một nhà báo độc lập tại Tokyo được báo The Diplomat hôm 10/04/2024 trích
dẫn lo ngại về khả năng sản xuất của các tập đoàn công nghiệp Nhật Bản
vừa phục vụ các mục tiêu dân sự và quân sự có hạn.
Thí dụ như
Mitsubishi Heavy Industries sản xuất máy bay phản lực và tên lửa để răn
đe Trung Quốc nhưng hoạt động chính của tập đoàn này là chế tạo động cơ
máy bay dân sự và trang thiết bị cho các nhà máy điện, sản xuất máy móc
cho các dây chuyền lắp ráp xe ô tô … Các hợp đồng với chính phủ Nhật chỉ
chiếm « 10 % doanh thu của đại công ty này ».
Không chắc các
thỏa thuật phát triển vũ khí chung với Mỹ mà thủ tướng Fumio Kishida vừa
đạt được nhanh chóng cho phép đảo ngược thế cờ.
Dù vậy nhìn từ
Bắc Kinh, viễn cảnh Nhật Bản và Mỹ hợp tác để trở thành những nguồn cung
cấp vũ khí cho thế giới, viễn cảnh tên lửa hiện đại hay các hệ thống
phòng thủ chống tên lửa siêu thanh sắp ra đời ngay trên lãnh thổ Nhật
Bản gần sát Trung Quốc không là một điềm lành.
Đây sẽ là một yếu
tố mới gây thêm hiềm khích giữa Tokyo và Bắc Kinh, nhất là vào thời điểm
mà kinh tế Nhật Bản thì đã nhanh chóng phục hồi sau đại dịch Covid, các
chỉ số chứng khoán của Tokyo đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác. Trái lại
không khí trên các sàn chứng khoán Trung Quốc vẫn khá ảm đạm.
Do
vậy giới phân tích chờ đợi Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư nhằm tăng cường
tiềm năng công nghiệp quốc phòng để vẫn giữ được thế thượng phong so
với các tập đoàn của Nhật, để không bị ảnh hưởng vì chiến thuật « răn
đe » từ phía các đồng minh của Hoa Kỳ.