Dồn dập diễn biến ở miền đông
Theo Reuters, Tỉnh trưởng Serhiy Haidai của Luhansk ngày 17.2 nói Nga đã gia tăng đáng kể các hoạt động, bao gồm cả pháo kích, dọc theo chiến tuyến tại đây và khiến tình hình trở nên rất khó khăn. Ông Haidai cũng cho biết Nga đang nỗ lực chọc thủng phòng tuyến của Ukraine với các cuộc giao tranh gần thành phố Kreminna của Luhansk.
Xem nhanh: Chiến dịch ngày 358, Ukraine nói Nga 'nướng quân' ở Bakhmut; lính Wagner giảm sức mạnh
Trong bối cảnh kỷ niệm 1 năm bắt đầu chiến dịch quân sự 24.2 đang đến gần, Nga đã tăng cường tấn công khắp miền đông và miền nam Ukraine trong những ngày gần đây. Hiện Nga vẫn chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát thành phố Bakhmut của tỉnh Donetsk. Tuy nhiên, mưa tên lửa vẫn thường xuyên được dội xuống khắp Ukraine, với đợt tấn công mới nhất ngày 16.2 đã đánh trúng nhà máy lọc dầu lớn nhất của Ukraine.
Cố vấn của tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, trong một cuộc phỏng vấn với AP ngày 16.2 nói rằng Nga đã đổi chiến thuật. Theo ông Podolyak, Nga đã sử dụng tên lửa không có đầu đạn nổ và bóng bay để áp đảo các hệ thống phòng không của Ukraine bằng cách tạo ra quá nhiều mục tiêu. Từ đó, Nga có thêm cơ hội đánh trúng các cơ sở hạ tầng. Cố vấn Podolyak cho rằng tình trạng cạn kiệt tên lửa đã buộc Nga phải làm điều này. Nga chưa lên tiếng trước các thông tin trên.
Tờ The Guardian đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 16.2 cho biết Nga đang tiếp tục triển khai một số lượng lớn binh sĩ ở Ukraine. Tuy nhiên, những binh sĩ này được huấn luyện và trang bị kém, dẫn đến Nga phải gánh chịu nhiều thương vong. Ông Austin cũng dự đoán tình trạng này sẽ tiếp tục trong tương lai.
Lính Ukraine nói Nga 'nướng quân' ở Bakhmut; Wagner nói cần thêm vài tuần
Bộ Quốc phòng Anh ngày 17.2 nhận định quân đội Nga và các nhóm đánh thuê có thể đã thương vong 175.000 - 200.000 người kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu, trong đó có khoảng 40.000 - 60.000 binh sĩ thiệt mạng. Anh cũng chỉ ra rằng tỷ lệ thương vong của Nga tăng đáng kể sau lệnh động viên một phần của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các con số trên còn cho thấy tỷ lệ người thiệt mạng khá cao, gần như chắc chắn là do cung cấp y tế yếu kém.
Ukraine tạm dừng phản công
Trước tình hình ở chiến tuyến, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu tối 16.2 thông báo ưu tiên của ông là ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga và sẵn sàng cho cuộc phản công cuối cùng của Ukraine. Theo Reuters, các quan chức Mỹ đã khuyên Ukraine tạm dừng các cuộc phản công cho đến khi Mỹ chuyển thêm vũ khí và đào tạo xong cho các binh sĩ.
Trong cuộc phỏng vấn cùng ngày với Đài BBC, ông Zelensky cũng khẳng định Ukraine sẽ không từ bỏ vùng lãnh thổ nào nếu ký kết thỏa thuận hòa bình với Nga. Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley trong phỏng vấn với tờ Financial Times nhận định cả Nga và Ukraine đều không có khả năng đạt được các mục tiêu quân sự và ông tin rằng xung đột sẽ kết thúc trên bàn đàm phán.
Mỹ, Anh huấn luyện lính Ukraine chiến đấu "kiểu phương Tây" để dùng đạn dược hiệu quả
Căng thẳng giữa Nga và Mỹ đã tăng cao trong ngày 17.2 sau khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố Mỹ ủng hộ Ukraine tấn công các cơ sở quân sự Nga trên bán đảo Crimea. Bà Nuland cũng nói rằng Crimea phải được phi quân sự hóa như một phần trong giải pháp cho cuộc xung đột.
Các phát biểu trên đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói tuyên bố của bà Nuland cho thấy Mỹ có liên quan đến cuộc xung đột. Hãng tin TASS cũng dẫn lời Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban về các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Nga Dmitry Novikov cho biết phát biểu của bà Nuland mang tính khiêu khích và sẽ khiến các bên ngày càng rời xa việc giải quyết mâu thuẫn.
Hội nghị an ninh Munich sẽ bàn gì về xung đột Ukraine?
Chiến sự Ukraine phủ bóng Hội nghị An ninh Munich
Theo Reuters, các chính trị gia, sĩ quan quân đội và nhà ngoại giao hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới đang tập trung tại Đức để tham dự Hội nghị An ninh Munich. Sự kiện kéo dài từ ngày 17 - 19.2, có sự tham gia của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị và các quan chức cấp cao Ukraine. Năm nay, Nga không được mời tham dự sự kiện.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ phải tìm cách giải quyết hàng loạt hệ lụy của xung đột tại Ukraine, đồng thời thảo luận về tác động toàn cầu sâu rộng của chiến sự, từ nguồn cung năng lượng đến giá lương thực. Hội nghị cũng sẽ nói về tương lai của NATO, tình hình ở Trung Đông, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và việc khắc phục hậu quả động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.