Tìm thấy mảnh vỡ tên lửa Triều Tiên ở Ukraine
Theo Hãng tin Reuters ngày 29-4, cơ quan theo dõi việc tiến hành các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc khẳng định tìm thấy mảnh vỡ một tên lửa đạn đạo Hwasong-11 do Triều Tiên sản xuất tại thành phố Kharkov (Ukraine)
Báo cáo trước Ủy ban giám sát các lệnh trừng phạt Triều Tiên thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cơ quan trên khẳng định "mảnh vỡ thu được từ tên lửa hạ cánh xuống thành phố Kharkov thuộc tên lửa dòng Hwasong-11 của Triều Tiên". Việc sử dụng tên lửa này vi phạm lệnh cấm mua bán vũ khí với Bình Nhưỡng.
"Thông tin về quỹ đạo tên lửa được cung cấp bởi chính quyền Ukraine cho thấy vũ khí trên được phóng từ lãnh thổ Liên bang Nga. Nếu thật sự tên lửa Hwasong-11 thuộc sở hữu của các lực lượng Nga, thông tin địa điểm trên có thể chứng minh việc người Nga đã mua bán loại vũ khí này".
Trong nhiều tuần qua, Mỹ và các nước phương Tây đã liên tục cáo buộc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine. Đến nay, cả Matxcơva và Bình Nhưỡng đều phủ nhận thông tin này.
Hiện chưa rõ phản hồi của Nga về báo cáo trên.
Ukraine tố Nga dùng bom chùm đánh cơ sở giáo dục ở Odessa
Ngày 29-4, Thống đốc vùng Odessa (Ukraine) Oleh Kiper khẳng định tên lửa Nga đã đánh trúng một trường đào tạo luật tư nhân gần một công viên hướng biển được yêu thích ở cảng Odessa.
Vụ tấn công làm chết ít nhất 4 người và 32 người khác bị thương. Một học viên tại trường luật trên khẳng định: "Trước mắt tôi, một tên lửa rơi xuống. Ngay trước mặt tôi. Cửa phòng tôi bị thổi tung và kính rung động. Sau đó, tôi thấy [học viện bị hư hại nặng nề vì bị trúng tên lửa]".
Phát biểu trên Telegram, người phát ngôn Hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk khẳng định tên lửa sử dụng trong cuộc không kích trên thuộc dòng tên lửa đạn đạo Iskander-M và được trang bị đầu đạn chùm.
Đây là dạng đầu đạn chứa nhiều bom con nhỏ bên trong. Khi gần đến mục tiêu, bom mẹ sẽ bung ra, làm văng bom con khắp nơi. Điều này khiến đầu đạn chùm gây sát thương cực lớn với con người.
Matxcơva chưa phản hồi với những thông tin trên.
Lãnh đạo EU nói phe cực hữu châu Âu nghe lời ông Putin
Ngày 29-4, trong buổi tranh luận với một số ứng viên chủ tịch Ủy ban châu Âu nhiệm kỳ tới, chủ tịch đương nhiệm Ursula von der Leyen công kích các đảng cực hữu tại lục địa già vì có thái độ cảm tình với Matxcơva và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trả lời câu hỏi của ông Anders Vistisen - ứng viên từ đảng Nhân dân Đan Mạch, bà von der Leyen khẳng định: "Khi tôi nhìn vào những gì các đồng nghiệp của ông trong đảng AfD (đảng cựu hữu đang rất được ủng hộ ở Đức) đã làm, tôi thấy họ bị điều tra với cáo buộc bị ông Putin thao túng".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu khi ấy ám chỉ trường hợp một trợ lý của ông Maximilian Krah, ứng viên hàng đầu của đảng AfD, vừa bị bắt cách đây ít ngày với cáo buộc gián điệp.
"Nếu nhìn vào chương trình nghị sự của phe cực hữu, các bạn sẽ thấy chúng giống những lời dối trá và tuyên truyền của Điện Kremlin. Hãy 'dọn dẹp lại nhà của các bạn' trước khi chỉ trích chúng tôi", bà von der Leyen tuyên bố.
Mỹ phản đối lệnh điều tra Israel của ICC
Trong buổi họp báo ngày 29-4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre tuyên bố: "Chúng tôi đã bày tỏ rõ quan điểm về lệnh điều tra [Israel] của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) rằng chúng tôi không ủng hộ chúng. Chúng tôi không nghĩ rằng họ có thẩm quyền".
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh giới chức Tel Aviv đang lo bị ICC phát lệnh bắt giam để xét xử về những hành vi chống lại người Palestine ở Dải Gaza và Bờ Tây. Báo New York Times cho biết Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có thể là một trong những người bị ICC truy tố.
Trang tin Axios khẳng định hôm 28-4, ông Netanyahu đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden để yêu cầu ông Biden ngăn ICC phát lệnh bắt giam các quan chức Israel. Bà Jean-Pierre từ chối xác nhận thông tin này trong buổi họp báo trên.
Trước đó, hôm 26-4, thủ tướng Israel đã đăng trên mạng xã hội X: "Chừng nào tôi còn nắm quyền, Israel sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ nỗ lực có thể làm suy yếu quyền tự vệ rõ ràng nào đến từ phía ICC".
Trước đây, ICC từng nhiều lần ra lệnh bắt giam các nguyên thủ quốc gia. Hồi tháng 3-2021, cơ quan này từng phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, các lệnh này thường không dẫn đến việc bắt giữ thực tế, song vẫn làm giảm uy tín các chính khách này và gây cản trở cho họ trong việc công du đến các nước thành viên ICC.
Houthi tấn công hai tàu khu trục Mỹ
Sáng sớm 30-4, người phát ngôn nhóm vũ trang Houthi thân Iran Yahya Sarea tuyên bố đã phát động cuộc tấn công vào hai tàu khu trục Mỹ và tàu dân sự CYCLADES trên Biển Đỏ. Nhóm này cũng tấn công tàu MSC Orion trên Ấn Độ Dương.
Trước đó ít giờ, Bộ Quốc phòng Ý thông báo tàu hải quân nước này đã bắn hạ một máy bay không người lái (drone) của Houthi.
Khi bị bắn, drone trên đang nhắm vào một tàu hàng châu Âu. Địa điểm bắn hạ là gần eo Bab-el-Mandeb gần ngõ vào phía nam của Biển Đỏ.
Điều này cho thấy nhóm Houthi đã hoạt động tích cực trên Biển Đỏ một lần nữa từ sau khi tạm dừng hồi tháng 2 nhằm theo dõi tình hình lính Mỹ rút quân khỏi Iraq.
Cựu nhân viên tình báo lĩnh 22 năm tù vì định làm gián điệp cho Nga
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết ông Jareh Sebastian Dalke, 32 tuổi, lĩnh án 21 năm 10 tháng tù với hành vi truyền tải thông tin mật cho đối tượng bị cho là gián điệp Nga.
Trước khi bị bắt, ông Dalke là nhân viên thiết kế hệ thống bảo mật thông tin cho Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) của Mỹ. Trong khoảng tháng 8, tháng 9 năm 2022, ông Dalke đã nhiều lần dùng email cá nhân chuyển thông tin từ ba tài liệu mật cho cá nhân mà ông tin là gián điệp của Nga.
Tuy nhiên, thực chất, khách hàng mà ông Dalke trao đổi lại là một nhân viên ngầm của Cục điều tra liên bang (FBI) và ông đã bị bắt không lâu sau đó.
Phản hồi với bản án trên, Giám đốc FBI Christopher Wray tuyên bố: "Bản án này nên là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc đến những ai được trao trọng trách bảo vệ thông tin quốc phòng rằng việc phản bội niềm tin ấy sẽ dẫn đến hậu quả lớn".
Giải nóng mùa hè