* Phái đoàn Nga gặp đại diện Hamas tại Matxcơva
* Mỹ tiếp tục khẳng định sẽ bảo vệ Hàn Quốc sau khi Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân dưới nước
* Chính quyền ông Biden xóa thêm 74.000 khoản nợ sinh viên
* Mỹ nói Israel không phản đối giải pháp 2 nhà nước
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19-1 đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau gần 1 tháng.
Cuộc nói chuyện diễn ra một ngày sau khi ông Netanyahu tuyên bố phản đối chủ quyền của Palestine. Tuy nhiên sau cuộc điện đàm, ông Biden cho biết ông Netanyahu có thể đồng ý một hình thức nào đó của giải pháp 2 nhà nước, vốn đã được tranh luận trong nhiều thập kỷ như một cách để chấm dứt căng thẳng ở Trung Đông.
"Có một số loại giải pháp 2 nhà nước. Có một số quốc gia là thành viên của Liên Hiệp Quốc… không có quân đội riêng. Và vì vậy, tôi nghĩ có nhiều cách để có thể thực hiện được điều này", Hãng tin AFP dẫn lời ông Biden nói. Khi được hỏi liệu điều này có phải "bất khả thi" khi ông Netanyahu còn tại nhiệm, ông Biden trả lời "không".
Dù vậy, Nhà Trắng nói rằng Mỹ vẫn phản đối lệnh ngừng bắn ở Gaza, cho rằng điều này sẽ có lợi cho Hamas. "Như tôi đã nói, chúng tôi ủng hộ việc tạm dừng nhân đạo để cố gắng đưa con tin ra ngoài và viện trợ nhiều hơn, nhưng chúng tôi không ủng hộ lệnh ngừng bắn vào thời điểm này", Nhà Trắng nói.
* Israel đánh mạnh vào phía nam Gaza. Các lực lượng Israel tiến sâu hơn về phía nam Gaza, các cuộc không kích và giao tranh cận chiến đang áp sát các khu vực đông dân của khu vực, nơi hơn 1 triệu người Palestine đang ẩn náu. Các tổ chức viện trợ cảnh báo các chiến dịch lớn tại khu vực có đông dân và dễ bị tổn thương như vậy là "rất đáng lo ngại", bởi hiện chỉ vài bệnh viện còn hoạt động. Số người thiệt mạng tại Gaza đến nay đã vượt hơn 25.000 người.
* Phái đoàn Nga gặp Hamas, yêu cầu thả con tin. Bộ Ngoại giao Nga xác nhận Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov của nước này đã tiếp ông Abu Marzouk, thành viên cơ quan chính trị của phong trào Hồi giáo Hamas, tại Matxcơva ngày 19-1.
"Phía Nga nhấn mạnh cần phải nhanh chóng thả những thường dân bị bắt trong các cuộc tấn công ngày 7-10-2023, trong đó có ba công dân Nga", Matxcơva phát đi thông cáo. Cùng ngày, ông Bogdanov cũng gặp đại sứ Israel tại Nga là Simona Halperin.
* Liên minh châu Âu sản xuất 1,3 triệu viên đạn pháo vào cuối năm nay. Ủy viên thị trường nội bộ Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton khẳng định EU sẽ đạt tốc độ sản xuất 1 triệu viên đạn/năm vào tháng 3 hoặc tháng 4-2024. "Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất của mình, có thể khoảng 1,3 đến 1,4 triệu viên... vào cuối năm nay và tiếp tục tăng đáng kể trong năm tới", ông Breton nói, tuy nhiên từ chối tiết lộ quy mô sản xuất hiện tại.
Số đạn dược sản xuất sẽ được EU ưu tiên gửi đến Ukraine để chiến đấu với Nga. Thời gian qua, châu Âu đang nỗ lực để vừa trang bị vũ khí cho Kiev vừa bổ sung kho dự trữ của mình.
Phát biểu cùng ông Breton, Thủ tướng Kaja Kallas của Estonia cũng nhắc đến ước tính gần đây của Hàn Quốc rằng Triều Tiên đã cung cấp hơn 1 triệu viên đạn pháo cho Matxcơva để đổi lấy thông tin về công nghệ vệ tinh quân sự.
"Nếu Triều Tiên có thể làm được thì châu Âu chắc chắn có thể làm được. Nga là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của NATO… Tất cả chúng ta phải làm nhiều hơn vì mối đe dọa là có thật", Hãng tin AFP dẫn lời bà Kallas nói.
Tàu vũ trụ Nhật Bản đáp xuống Mặt Trăng nhưng thiếu năng lượng
Ngày 20-1, Nhật Bản đã trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới đưa tàu vũ trụ lên Mặt trăng, nhưng các vấn đề về năng lượng Mặt trời đang đe dọa rút ngắn sứ mệnh của nước này nhằm chứng minh công nghệ hạ cánh "chính xác" và khôi phục chương trình không gian đang gặp nhiều khó khăn.
Theo Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), tàu SLIM đi vào quỹ đạo từ ngày 25-12-2023 đã đáp xuống bề mặt Mặt Trăng lúc 0h20 ngày 20-1, giờ Nhật Bản. Tuy nhiên, tấm năng lượng Mặt trời trên tàu không thể tạo năng lượng, nhiều khả năng do đặt sai góc. Do đó, ưu tiên hiện giờ của sứ mệnh là chuyển dữ liệu về Trái đất vì pin của tàu chỉ còn "vài giờ" và hy vọng có thể khôi phục hoạt động khi ánh Mặt trời đổi góc.
JAXA hy vọng cuộc thám hiểm này sẽ góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc của Mặt Trăng bằng cách tiến hành phân tích thành phần của các loại đá được cho là một phần của bề mặt thiên thể này qua những tính năng ưu việt của SLIM, con tàu được mệnh danh là "Người bắn tỉa Mặt trăng". Trước đó, Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã có các cuộc đổ bộ thành công lên Mặt trăng.
* Mỹ nhấn mạnh cam kết với Hàn Quốc sau khi Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân dưới nước. Trong tuyên bố ngày 19-1, giờ địa phương, Lầu Năm Góc khẳng định sẽ bảo vệ Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với cả Chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản để giải quyết các mối đe dọa do Triều Tiên gây ra", Hãng tin Yonhap dẫn lời cơ quan này cho biết.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Triều Tiên cùng ngày thông báo đã thử nghiệm hệ thống vũ khí hạt nhân dưới nước trong tuần qua để đáp trả cuộc tập trận của Mỹ, Nhật, Hàn. Triều Tiên được cho là đã thử nghiệm hệ thống thiết bị không người lái Haeil-5-23 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
* Chính quyền ông Biden xóa thêm 74.000 khoản nợ sinh viên. Theo thông báo của Nhà Trắng ngày 19-1, khoảng 74.000 người Mỹ đã được xóa khoản nợ thời sinh viên, với tổng khoản nợ 5 tỉ USD. Khoảng 30.000 người đã phải trả nợ trong suốt 20 năm qua. Những người được xóa nợ bao gồm các nhân viên công như lính cứu hỏa, y tá, giáo viên... đã làm việc trên 10 năm.
Trước khi nhậm chức, ông Biden hứa sẽ xóa khoản vay sinh viên liên bang trị giá 430 tỉ USD cho gần 40 triệu người vay. Tuy nhiên, kế hoạch này bị Đảng Cộng hòa phản đối, buộc chính quyền của ông đưa ra giải pháp giảm khoản phải trả hằng tháng cho những người vay.