Bakhmut oằn mình trong mưa pháo
Quân đội Ukraine hôm 19.4 cho biết trong vòng 24 giờ Nga đã triển khai 60 đợt không kích vào Bakhmut. Tuy nhiên, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar nói rằng phía Nga hứng chịu tổn thất cao tại thành phố của Donetsk.
"Đối với họ (người Nga), đây có lẽ là một trong những chiến dịch đắt đỏ nhất vì tổn thất quá nhiều vũ khí và thiết bị", Đài CNN dẫn lời bà Maliar.
Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 419 có diễn biến gì nóng?
Cùng ngày, Nga triển khai máy bay không người lái Shahed do Iran sản xuất cho chiến dịch bắn phá thành phố cảng Odessa. Tướng Mykola Oleshchuk, tư lệnh không quân Ukraine, sau đó cho biết lực lượng phòng không nước này đã phá hủy 10/12 UAV cảm tử trong cuộc tấn công. Nga chưa lên tiếng về vụ việc.
Hiện Đức đã chuyển giao một hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine và hệ thống này đã tham chiến. Ở miền nam Tây Ban Nha, 6 xe tăng Leopard 2 đang chờ ở cảng chuẩn bị vận chuyển đến Ukraine.
Cũng trong ngày 19.4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến biên giới tây bắc của Ukraine, giáp Ba Lan và Belarus. Tại đây, nhà lãnh đạo thị sát hoạt động phòng thủ của các đơn vị biên phòng.
Bên kia biên giới, Bộ Quốc phòng Bealrus tuyên bố tổ chức hoạt động diễn tập quân sự từ ngày 19-22.4 với sự tham gia của các tiểu đoàn phòng không được trang bị S-300 và Tor-M2K, theo TASS.
Tổng thống Hàn Quốc nói gì về khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine?
Nga gửi vũ khí cho Triều Tiên nếu Hàn Quốc viện trợ Ukraine
Moscow có thể cung cấp vũ khí tối tân cho CHDCND Triều Tiên nếu Hàn Quốc bắt đầu viện trợ quân sự cho Ukraine, Hãng RT dẫn lời ông Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga hôm 19.4.
Trước đó trong ngày, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol úp mở khả năng thay đổi chính sách viện trợ Ukraine. Trả lời phỏng vấn Hãng Reuters trước thềm chuyến thăm Mỹ vào tuần sau, ông Yoon cho hay chính quyền Seoul có thể thay đổi quan điểm từ viện trợ tài chính hoặc nhân đạo sang một hình thức phù hợp nhất trong trường hợp Nga tổ chức nhiều vụ tấn công quy mô lớn vào dân thường.
Ngày phản công của Ukraine bị tiết lộ từ tài liệu mật Lầu Năm Góc rò rỉ?
Liên quan đến phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc, Điện Kremlin nhận định chính quyền Seoul đã chuyển sang quan điểm không thân thiện với Nga về chiến sự Ukraine. Đồng thời, chính quyền Moscow cảnh báo rằng Nga sẽ xem việc Hàn Quốc viện trợ vũ khí cho Ukraine là hành động can dự cuộc chiến.
Sau đó, Văn phòng tổng thống Hàn Quốc khẳng định những gì ông Yoon trao đổi không có nghĩa là Hàn Quốc muốn thay đổi chính sách về vấn đề Ukraine.
Thụy Điển gia nhập NATO trước tháng 7?
Trong chuyến thăm Thụy Điển, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bày tỏ sự mong đợi của chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng nước chủ nhà sẽ gia nhập NATO trước khi cuộc họp thượng đỉnh của khối diễn ra vào tháng 7. Ông Austin cũng cam kết sẽ thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary phê chuẩn Thụy Điển gia nhập.
Cùng với Phần Lan, Thụy Điển nộp đơn gia nhập NATO vào tháng 5 năm ngoái. Quy trình xét duyệt của Phần Lan được thông qua với tốc độ kỷ lục và nước này chính thức là thành viên 31 của khối hồi đầu tháng.
Bị Mỹ chỉ trích, Tổng thống Brazil lại được Nga ca ngợi về đề xuất cho Ukraine
Trong khi đó, nỗ lực của Thụy Điển bị trì hoãn bởi sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ sớm đón chào Thụy Điển trở thành thành viên thứ 32 (của NATO). Để rõ ràng, chúng tôi mong đợi việc này sẽ diễn ra trước cuộc họp vào tháng 7”, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Austin phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng cấp nước chủ nhà Pal Jonson.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tình cờ diễn ra vào thời điểm Thụy Điển đăng cai hoạt động diễn tập quân sự quy mô lớn nhất trong hơn 25 năm là Aurora 23.
Khoảng 700 lính thủy đánh bộ Mỹ tham gia cuộc diễn tập với lính Anh, Phần Lan, Ba Lan, Na Uy, Estonia, Latvia, Lithuania, Ukraine, Đan Mạch, Áo, Đức và Pháp.
Diễn ra từ 17.4 đến 11.5, Aurora 23 chứng kiến sự tham dự của khoảng 26.000 quân nhân của các nước trong những hoạt động diễn tập trên bộ, trên biển và trên không.
Lực lượng tinh nhuệ Nga củng cố vai trò tại điểm nóng xung đột Ukraine
Cũng trong ngày 19.4, hoạt động kiểm tra tàu hàng chở ngũ cốc Ukraine từ các cảng Biển Đen đã được nối lại sau khi Liên Hiệp Quốc làm trung gian khôi phục thỏa thuận. Dù vậy, Kyiv vẫn đối mặt thách thức trong việc kéo dài thỏa thuận này trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước châu Âu quyết định cấm các mặt hàng nông sản Ukraine trung chuyển qua lãnh thổ của họ.
Bulgaria là thành viên thứ tư của Liên minh châu Âu tạm thời cấm ngũ cốc của Ukraine nhằm bảo vệ sinh kế của nông dân trong nước.