Matxcơva
theo dõi sát sao các diễn biến chính trị hiện nay tại Pháp. Thắng lợi
của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc – Rassemblement National (RN) trong kỳ
bầu cử Quốc Hội Pháp, diễn ra hai vòng ngày 30/6 và 7/7, sẽ là một tin
tốt lành cho điện Kremlin. Dù vậy, giới phân tích Nga cũng nghi ngại
rằng ít có khả năng có những thay đổi đường hướng triệt để của Pháp
trong việc hậu thuẫn Ukraina.
Kết quả bầu cử Nghị Viện Châu
Âu tại Pháp với thắng lợi của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc
(Rassemblement National – RN) và thông báo giải tán Quốc Hội của tổng
thống Pháp Emmanuel Macron được truyền thông, giới phân tích và chính
trị gia tại Nga bình luận nhiều trong những ngày qua.
Bầu cử châu Âu: RN về đầu, Nga xoa tay vui mừng
Chủ tịch Quốc Hội Nga nói đến sự “phá sản chính trị”
của tổng thống Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz. Bà chủ tịch Hội
Đồng Liên Bang Nga thì cho đấy là dấu hiệu của một xu hướng “suy yếu tính chính đáng của những ai cắt đứt mối liên hệ với cử tri”.
Tờ báo thân điện Kremlin, Komsomolskaia Pravda khẳng định, kể từ giờ ông Emmanuel Macron “không còn tính chính đáng”
giống như đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky, người mà nhiệm kỳ tổng
thống đã kết thúc từ hôm 20/5. Cựu tổng thống Nga Dmitri Medvedev còn
đi xa hơn khi viết trên mạng xã hội X rằng “Đã đến lúc từ chức! Đáng vứt vào thùng rác lịch sử!”
Về
phần điện Kremlin, không một lời bình luận về sự trỗi dậy của phe cực
hữu tại Pháp cũng như thông báo tổ chức bầu cử sớm Quốc Hội khi xem đấy
là “chuyện nội bộ ở Pháp”. Tuy nhiên, phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov tuyên bố Nga “cẩn trọng theo dõi mọi diễn biến do thái độ cực kỳ thiếu thân thiện, thậm chí thù địch, của các nhà lãnh đạo Pháp” đối với Nga.
Cũng theo ông Peskov, điện Kremlin theo dõi sát sao “động thái của các đảng cánh hữu, hiện đang lan rộng” tại châu Âu và Pháp, những đảng mà “cùng với thời gian sẽ theo gót chân của các đảng ủng hộ châu Âu”.
Theo
giới quan sát tại Pháp, những phát biểu trên của phát ngôn viên điện
Kremlin, dường như cho thấy Nga phần nào đã bị bất ngờ trước kết quả
cuộc bầu cử, nhưng cũng không che giấu niềm hân hoan về cuộc khủng hoảng
chính trị hiện nay ở Pháp.
Bởi vì, trong nhãn quan giới chức Nga,
tổng thống Pháp Emmanuel Macron, giờ bị coi như là ngọn lao chống Nga
trong lòng khối Liên Hiệp Châu Âu, theo như nhận định của nhà nghiên cứu
Igor Delanoë, phó giám đốc Đài Quan Sát Pháp – Nga với RFI Tiếng Việt.
Igor Delanoë: “Rõ
ràng là có một kiểu hài lòng, đó là vì ông Emmanuel Macron những tháng
gần đây đã đưa ra nhiều quan điểm thật sự là gay gắt đối với Nga. Ông ấy
đi từ ‘không nên làm bẽ mặt nước Nga’ cho đến ‘không thể để cho Nga
thắng’, rồi ‘điều chuyên viên quân sự Pháp đến Ukraina’. Chỉ trong vòng
hai năm mà lập trường Pháp đã thay đổi nhiều. Do vậy, lẽ đương nhiên là
Kremlin cần theo dõi xem các cuộc bầu cử này sẽ diễn ra như thế nào,
cuộc bầu cử lập pháp sẽ có tiến triển ra sao.”
Nguy cơ RN cầm quyền: Hồi kết cho viện trợ Ukraina?
Truyền
thông Pháp, các cuộc tranh luận công khai là những đối tượng được Nga
quan tâm đến nhiều nhất. Trên đài phát thanh France Culture, nhà báo
Paul Gogo, thông tín viên cho nhiều kênh truyền thông Pháp ở Matxcơva
nhận định, tại Nga, người ta xem các cuộc tranh luận công khai như là “một cuộc xung đột tiềm tàng”, “một chiếc gai trong gót chân ban lãnh đạo Pháp, một khe hỡ của các nền dân chủ cần được khai thác”.
Rõ ràng, đà thắng thế của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc – RN ở Pháp là “một tin tốt lành” cho Nga. Ông Maxim Yusin, một cây bút bình luận của tờ báo Nga Kommersant FM, cho rằng, “trong
tương lai gần, tổng thống Pháp sẽ không thể tập trung nhiều cho Ukraina
cũng như không thể thiết lập một liên minh chống Nga, như ông ấy đã
hoạt động tích cực trong nhiều tháng gần đây.”
Đối với nhiều
nhà phân tích tại Nga, giả thuyết đảng RN – một đảng chính trị có những
đường lối chính sách gần gũi với Nga – lên cầm quyền có thể được xem như
là hồi kết cho chính sách hậu thuẫn Ukraina. Bởi vì, đường lối chính
trị của RN là bằng cách này hay cách khác, cuộc xung đột ở Ukraina phải
được giải quyết và nước Pháp không thể lãng phí hàng tỷ euro tiền thuế
của người dân để chi viện cho Kiev.
Giới chuyên gia Nga nhận định
rằng đường hướng chính trị của RN khác xa với chính sách của Macron.
Theo học giả Nikolai Topornin, giám đốc trung tâm thông tin châu Âu,
giáo sư thỉnh giảng Viện Quan hệ Quốc tế Nga, thân cận với điện Kremlin,
được tờ Le Figaro trích dẫn, “Le Pen và Bardella, có ý tưởng đưa
hai bên tham chiến đến bàn đàm phán hòa bình, và không cung cấp cho
Ukraina các phương tiện chiến tranh lâu dài”.
Trước khả năng xảy ra một cuộc “sống chung”
chính trị tại Pháp, liệu rằng tương lai sự hậu thuẫn của Paris dành cho
Kiev có thể trở nên mờ mịt như trông đợi từ Matxcơva hay không? Về điểm
này, chuyên gia Igor Delanoë, giải thích thêm:
Igor Delanoë: “Điều
này khó đoán vì ở Pháp, hệ thống chính trị được thiết lập theo cách mà
mọi thứ phụ thuộc vào việc chính sách đối ngoại và quốc phòng vẫn nằm
trong tay tổng thống nước cộng hòa. Đây là những lĩnh vực mang tính đặc
quyền và cụ thể hơn, khi nói về vấn đề Nga, ông Emmanuel Macron, trên
thực tế đã tập trung, tuy không phải là tất cả các quyền lực, nhưng
trong mọi trường hợp, là tất cả các cơ chế ra quyết định tại điện
Elysée. Bộ Ngoại Giao, vốn có những quyền hạn rất ít về hồ sơ này cùng
với bộ Quốc Phòng là những bên thực hiện các lệnh từ tổng thống.
Vì
thế, tôi nghĩ là sẽ không có sự thay đổi triệt để nào. Nhưng chúng ta
có thể hình dung rằng ông Bardella, nếu trở thành thủ tướng, sẽ có thể
tham gia vào đời sống chính trị theo kiểu của thủ tướng Ý Meloni hiện
nay. Nghĩa là ông ấy sẽ không hẳn phá dỡ hay tìm cách tháo dỡ hết những
gì đã được thực hiện trước đây trên phương diện chi viện cho Ukraina.
Tôi không rõ là họ có mong muốn hay chí ít là sẽ có các phương tiện để
thực hiện. Còn phải chờ xem thế cân bằng quyền lực trong Quốc Hội như
thế nào. Nhưng có lẽ về cơ bản đảng RN sẽ giữ y nguyên những gì đã làm
được cho đến hiện tại.”
Cực hữu RN, cỗ máy tuyên truyền cho luận điệu Nga
Dẫu
sao thì đối với tổng thống Nga, sự trỗi dậy của phe cực hữu tại Pháp và
trong chừng mực nào đó là phe cực tả - đảng Nước Pháp Bất Khuất, những
đảng chính trị có những đường lối chính sách gần gũi với Nga, có những
mối liên hệ chặt chẽ với Nga đã là một “cơ hội ngoài mong đợi”.
Theo
nhận định từ nhà báo Paul Gogo, nếu về đầu cuộc bầu cử lập pháp lần
này, đảng RN của bà Marine Le Pen sẽ đảm nhận nhiều vị trí quan trọng
hơn trong Quốc Hội, và như vậy, điều này sẽ tiếp thêm nhiều sức cho điện
Kremlin. Tổng thống Nga xem đảng RN tại Pháp như là một “cỗ máy” phát lại các tuyên truyền của điện Kremlin.
Về điểm này, nhà nghiên cứu Igor Delanoe nhấn mạnh thêm rằng, đảng RN trong tương lai có thể sẽ đóng vai “kẻ thọc gậy” gây khó khăn cho các chính sách của Liên Âu, nhất là trong việc hỗ trợ Ukraina hiện nay.
Igor Delanoë:: “Đối
với những khoản viện trợ trong tương lai, đảng RN sẽ nỗ lực gây cản
trở hoặc chí ít là dùng khoản viện trợ này để mặc cả việc thông qua
viện trợ để đổi lấy những tiến bộ trên phương diện chính trị nội bộ
chẳng hạn. Do vậy, tôi không nghĩ là trong tức thì sẽ có những thay đổi
triệt để.
Hơn nữa, tôi cũng không nghĩ rằng Nga tin sẽ
có những thay đổi cơ bản tiến trình của mọi việc. Rõ ràng, trong bản đồ
các nước hoài nghi tại châu Âu đối với việc hỗ trợ Ukraina như cung cấp
vũ khí cho Kiev chẳng hạn, thì một chính phủ do đảng RN lãnh đạo sẽ làm
gia tăng thêm hàng ngũ những nước hoài nghi đó.”
Dù vậy, ông
Igor Delanoë cảnh báo rằng, ngay cả những nước hoài nghi nhất như
Hungary của thủ tướng Viktor Orban, dù ra sức cản trở mãnh liệt, nhưng
cuối cùng cũng phải thuận theo ý của Ủy Ban Châu Âu. Cũng theo ông
Delanoë, việc RN có lên cầm quyền sau kỳ bầu cử, đó chưa hẳn là một cuộc
cách mạng đối với Nga.
Đây cũng là quan điểm này của nhà chính trị học người Nga Nikolai Topornin, được Le Figaro trích dẫn, “các
biện pháp trừng phạt do Mỹ và châu Âu áp đặt nhằm vào Nga là rất nghiêm
khắc. Sự trỗi dậy duy nhất một chính phủ thân Nga hơn có lẽ sẽ chẳng
làm thay đổi gì trong tình huống hiện nay. Emmanuel Macron vẫn sẽ là
tổng thống và chính sách đối ngoại là nằm trong tay nguyên thủ quốc gia
theo như Hiến Pháp. Rất ít có khả năng giọng điệu giữa Pháp và Nga sẽ
được cải thiện trong tức thì. Nhưng ít ra chúng ta có thể hy vọng rằng
mối quan hệ giữa hai nước sẽ không trở nên tồi tệ hơn”.
Nhà
chính trị học Alexei Chikhachev đưa ra kịch bản tồi tệ hơn, khi không
loại trừ khả năng rằng, nếu lên cầm quyền, nhà lãnh đạo trẻ của RN sẽ nỗ
lực “đưa ra các phát biểu hiếu chiến hơn với Matxcơva nhằm làm trong sạch mình”.
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà nghiên cứu Igor Delanoë, phó giám đốc Đài Quan Sát Pháp – Nga đã tham gia chương trình.