* Mỹ vẫn chưa gật đầu với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Dải Gaza
* Tổng thống Ukraine cho rằng phía Nga đang chậm lại trong hoạt động quân sự
* Liên quân bảo vệ Biển Đỏ nhanh chóng vượt hơn 20 thành viên
Trung Quốc cấm xuất khẩu công nghệ xử lý đất hiếm
Theo Hãng tin Reuters, ngày 21-12, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu công nghệ chiết xuất và tách các loại đất hiếm - tên gọi chung của 17 nguyên tố kim loại đặc biệt quan trọng trong quá trình sản xuất nam châm sử dụng trên xe điện, tuốc bin gió và nhiều loại linh kiện điện tử.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nước phương Tây đang nỗ lực đẩy mạnh nền công nghiệp khai thác và xử lý đất hiếm của riêng mình. Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc là quốc gia giữ thế độc quyền hầu như tuyệt đối trong lĩnh vực này, đặc biệt là với các loại "đất hiếm nặng" dùng trong động cơ xe điện, thiết bị y tế và vũ khí.
Do đó, đây được xem là động thái mới nhất trong nỗ lực bảo vệ vị trí độc tôn chiến lược trên của Bắc Kinh.
Tổng thống Ukraine khẳng định kế hoạch quân sự của Nga "chậm dần"
Trong bài phát biểu thường nhật vào đêm 21-12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định Kiev nhận thấy các kế hoạch và hoạt động quân sự của Nga đang chậm lại.
Ông Zelensky chia sẻ: "Một báo cáo riêng của bộ phận tình báo thuộc Bộ Quốc phòng (HUR) cho thấy các kế hoạch và hoạt động của nền công nghiệp quốc phòng Nga đang chậm dần. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ sự chững lại đó".
Tổng thống Ukraine không cung cấp thêm thông tin cho những phát hiện trên. Hiện chưa rõ phát biểu của ông Zelensky ám chỉ riêng ngành công nghiệp quốc phòng Nga hay bao hàm của những chiến thuật và mục tiêu của Matxcơva.
Nga chưa phản hồi về thông tin trên.
Thành viên NATO phủ nhận chiến sự tại Ukraine là chiến tranh
Ngày 21-12 (giờ địa phương), Thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định các hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine là "chiến dịch quân sự", giống với quan điểm của Điện Kremlin.
Ông Orban phát biểu tại buổi họp báo cuối năm thường niên: "Chừng nào hai bên chưa tuyên bố chiến tranh, đó sẽ còn là chiến dịch quân sự. Khi người Nga tuyên bố chiến tranh với Ukraine, nó mới trở thành chiến tranh".
Thủ tướng Hungary cũng cho rằng những điều ông vừa nói là điều đáng mừng khi đó không phải cuộc chiến. "Nếu có chiến tranh thì sẽ có lệnh tổng động viên và tôi không muốn ai phải đối mặt với nó", ông cho biết.
Ông Orban là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) duy nhất còn duy trì quan hệ thân thiết với Matxcơva sau khi Nga bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine hồi cuối tháng 2-2024.
Hơn 20 quốc gia gia nhập liên quân bảo vệ Biển Đỏ
Hãng tin Reuters ngày 21-12 (giờ địa phương) dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Pat Ryder khẳng định hơn 20 quốc gia đã gia nhập liên quân bảo vệ tuyến đường giao thương trên Biển Đỏ do Washington lãnh đạo.
Trước đó, hôm 18-12, Bộ trưởng bộ này Lloyd Austin đã tuyên bố thành lập liên quân trên với tên gọi chính thức là "Chiến dịch người bảo vệ thịnh vượng". Khi đó, liên quân chỉ có 10 nước tham gia.
Liên quân này nhằm bảo vệ các tàu thuyền đi lại trên một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, sau nhiều tuần bị nhóm phiến quân Houthi đến từ Yemen liên tục tấn công, uy hiếp.
Ngày 9-12, Houthi của Yemen đe dọa sẽ tấn công bất kỳ tàu nào qua Biển Đỏ và hướng đến Israel cho đến khi thực phẩm và thuốc men được phép đi vào Dải Gaza.
Trong thông báo ngày 21-12, ông Ryder cho biết liên quân sẽ "hoạt động giống một đội tuần tra đường cao tốc". Tàu chiến, máy bay chiến đấu của các nước thành viên sẽ quần thảo trên khu vực Biển Đỏ và vịnh Aden để kịp thời hỗ trợ các tàu thương mại đi trên vùng biển chiến lược này.
Mỹ vẫn chưa chịu dự thảo nghị quyết Liên Hiệp Quốc về Dải Gaza
Ngày 21-12 (giờ Mỹ), Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Robert Wood cho biết Washington vẫn chưa đồng ý với dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng bắn và đẩy nhanh việc vận chuyển hàng viện trợ vào Dải Gaza của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Từ ngày 18-12 đến nay, cơ quan trên đã phải hoãn biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết trên ít nhất ba lần, nhằm chỉnh sửa văn bản cho vừa ý Washington. Trong vài tuần qua, Mỹ đã liên tục phủ quyết các dự thảo về Dải Gaza được đưa ra bầu.
"Chúng ta vẫn chưa đến gần nó (dự thảo được Mỹ đồng ý). Hiện vẫn còn nhiều nghi ngại nghiêm túc và rộng rãi về việc dự thảo nghị quyết này có thể sẽ làm chậm quá trình đưa hàng hóa viện trợ [vào Gaza]. Chúng ta phải đảm bảo bất kỳ nghị quyết nào cũng giúp cải thiện tình hình, thay vì làm xấu nó", ông Wood cho biết.
Gaza là nơi nguy hiểm nhất lịch sử với nhà báo
Ngày 21-12, Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ, trụ sở tại Mỹ) cho biết 10 tuần đầu tiên của cuộc chiến Israel - Hamas là khoảng thời gian ghi nhận nhiều thương vong với nhà báo nhất trong lịch sử.
Từ khi chiến sự bùng nổ ngày 7-10 đến nay, có đến 68 nhà báo đã thiệt mạng tại nơi diễn ra chiến sự, trong đó có đến 61 người Palestine. CPJ cho biết "đặc biệt nghi ngại có một dấu hiệu lặp đi lặp lại rõ ràng cho thấy quân đội Israel đang nhắm vào các nhà báo và gia đình họ".
"Chiến tranh Israel - Hamas là sự kiện nguy hiểm với nhà báo nhiều nhất mà chúng tôi từng thấy. Các số liệu cho thấy rõ điều đó. Quân đội Israel đã khiến nhiều nhà báo thiệt mạng trong vòng 10 ngày hơn bất kỳ quân đội hay tổ chức nào từng làm trong một năm. Với mỗi nhà báo thiệt mạng, việc ghi chép và hiểu rõ cuộc chiến này càng khó khăn", ông Sherif Mansour, điều phối viên chương trình Trung Đông và Bắc Phi của CPJ, chia sẻ.
Israel hiện chưa phản hồi những tuyên bố trên.