Nga và Ukraine vẫn tranh cãi qua lại, thậm chí đưa nhau ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc quanh vụ một máy bay Nga chở tù binh Ukraine bị bắn hạ trên không phận Nga hôm 24-1.
Ukraine được cảnh báo máy bay chở tù binh sắp vào?
Theo Hãng tin Reuters, ngày 25-1, Ủy ban điều tra Nga cho biết máy bay chở tù binh Ukraine đã bị tên lửa đất đối không do Ukraine sản xuất tấn công.
Nghị sĩ Andrei Kartopolov, một cựu tướng lĩnh có quan hệ mật thiết với Bộ Quốc phòng Nga, nói với các nhà lập pháp: "Phía Ukraine đã chính thức được cảnh báo và 15 phút trước khi máy bay đi vào khu vực, họ đã được cung cấp thông tin đầy đủ". Ông cho biết bộ chỉ huy quân sự Ukraine xác nhận đã nhận được cảnh báo.
Khẳng định của ông này mâu thuẫn với tuyên bố của tình báo quân đội Ukraine, rằng Nga đã không thông báo cho họ về việc sắp xếp chuyến bay.
Người phát ngôn tình báo quân đội Ukraine Andriy Yusov cho biết trái với thông lệ trước khi hoán đổi tù binh như trước đây, Kiev không nhận được yêu cầu nào từ Matxcơva về việc kiềm chế các cuộc tấn công vào không phận máy bay bị bắn rơi.
Liên Hiệp Quốc nói gì?
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã họp ngày 25-1 theo yêu cầu của Nga để thảo luận về chiếc máy bay bị bắn rơi. Người đứng đầu các vấn đề chính trị của Liên Hiệp Quốc Rosemary DiCarlo nói với Hội đồng Bảo an rằng Liên Hiệp Quốc không có thẩm quyền xác minh hoàn cảnh của vụ tai nạn.
"Để tránh leo thang hơn nữa, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế các hành động, lời lẽ hoặc cáo buộc có thể thúc đẩy thêm cuộc xung đột vốn đã nguy hiểm", bà DiCarlo kêu gọi.
Nga có quyền tiếp cận duy nhất địa điểm xảy ra vụ tai nạn, nơi các hình ảnh truyền hình cho thấy các mảnh vỡ nằm rải rác trên cánh đồng tuyết. Hãng thông tấn TASS cho biết hộp đen máy bay đã được tìm thấy và sẽ được đưa tới Matxcơva để kiểm tra.
Ukraine bị tấn công mạng quy mô lớn
Ngày 25-1, tất cả các tổ chức nhà nước lớn của Ukraine đã báo cáo về các cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống của họ. Một nguồn tin thân cận với Chính phủ Ukraine đổ lỗi cho tình báo Nga.
Công ty năng lượng nhà nước Ukraine Naftogaz cho biết một trong những trung tâm dữ liệu đã bị tấn công bởi một "cuộc tấn công mạng quy mô lớn".
"Các trang web và trung tâm cuộc gọi của chúng tôi hiện không hoạt động", công ty này cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.
Dịch vụ bưu chính quốc gia Ukraine Ukrposhta thì báo cáo "lỗi kỹ thuật nghiêm trọng" trong hệ thống công nghệ thông tin của mình. Ukrtransbezpeka, một cơ quan an toàn giao thông nhà nước, cũng báo cáo sự cố với trung tâm dữ liệu của mình.
Hãng tin Interfax Ukraine sau đó dẫn lời CERT-UA, cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chống lại các cuộc tấn công mạng, cho biết các chuyên gia của họ đang làm việc để giải quyết vấn đề.
Mỹ lập kênh liên lạc thiệt hại dân sự với Israel
Ít nhất hai quan chức Mỹ thạo tin tiết lộ với Reuters rằng Mỹ đã tạo ra một kênh liên lạc với Israel để thảo luận về những lo ngại xảy ra sự cố ở Gaza, trong đó dân thường bị giết hoặc bị thương bởi quân đội Israel và các cơ sở dân sự bị tấn công.
Kênh này được thành lập sau cuộc họp hồi đầu tháng này giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và nội các chiến tranh của Israel. Trong đó ông Blinken bày tỏ lo ngại trước các báo cáo "liên tục" về các cuộc tấn công của Israel nhằm vào các địa điểm nhân đạo, hoặc dẫn đến số lượng lớn dân thường thiệt mạng.
Kênh này được thiết lập như một phản ứng trước áp lực ngày càng tăng đối với chính quyền Joe Biden về thương vong nặng nề đối với dân thường Palestine trong chiến dịch của Israel. Hơn 25.000 người đã thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột giữa Israel với lực lượng Hamas.
Mỹ - Nhật Bản lại sắp họp thượng đỉnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đón Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thăm chính thức nước này vào ngày 10-4, Nhà Trắng thông báo ngày 25-1.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết ông Biden và ông Kishida sẽ thảo luận về "những nỗ lực tăng cường mối quan hệ chính trị, an ninh, kinh tế và giao lưu nhân dân" nhằm cải thiện an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm đầy thách thức đối với cả hai nhà lãnh đạo, những người có tỉ lệ tín nhiệm thấp ở trong nước. Tổng thống Biden có thể phải đối mặt với một cuộc bầu cử căng thẳng vào tháng 11 với Donald Trump của Đảng Cộng hòa. Trong khi đó, ông Kishida đang giải quyết hậu quả từ vụ bê bối gây quỹ, khó khăn kinh tế.
Thổ Nhĩ Kỳ chính thức phê chuẩn Thụy Điển vào NATO
Ngày 25-1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chính thức phê chuẩn luật, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển.
Công báo chính thức của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ Resmi Gazete cho biết: "Sắc lệnh của Tổng thống phê chuẩn nghị định thư về việc Thụy Điển gia nhập NATO đã được công bố trên Công báo của Chính phủ". Như vậy, quá trình Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận tư cách thành viên của Thụy Điển trong NATO đã chính thức hoàn tất.
Đây có thể xem là bước tiến mạnh mẽ, đưa Thụy Điển vượt qua hòn đá tảng lớn nhất trong quá trình gia nhập NATO sau khi nước này liên tục lo ngại về cuộc xung đột Nga - Ukraine.