Việc
Nga và Trung Quốc xích lại gần sắp tròn 10 năm và đã bị đánh giá thấp.
Tiến trình này thường bị xem là một « cuộc hôn nhân theo lý trí », đơn
giản theo hoàn cảnh, bị giới hạn ở sự hợp tác năng lượng và quá bất cân
xứng để mà tồn tại. Giờ người ta còn nói đến Nga trở thành « chư hầu »
của Trung Quốc, một tình trạng cũng sẽ không thể trụ lâu.
Nhưng
theo nhà Trung Quốc học Alice Ekman, việc đặt cược nhiều vào những hạn
chế của sự xích lại gần giữa Trung Quốc và Nga cũng chứa đầy nhiều rủi
ro lớn cho phương Tây.
Trong một bài tham luận tựa đề « Trung – Nga : Bước lớn xích lại gần »,
do nhà xuất bản Gallimard ấn hành hồi tháng 12/2023, nữ chuyên gia về
Trung Quốc, tiến sĩ về Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu An ninh của
Liên Hiệp Châu Âu, trình bày một số phân tích cho thấy một số nhà quan
sát phương Tây đã có những cái nhìn « lệch lạc » về quan hệ Trung - Nga trong suốt gần 10 năm qua.
An ninh chính trị là một ưu tiên
Mối quan hệ này chưa bao giờ mang tính « tạm thời »
như nhiều nhận định kể từ khi Nga bắt đầu chuyển hướng sang Trung Quốc
với việc ký kết nhiều thỏa thuận năng lượng quan trọng sau vụ Nga sáp
nhập bán đảo Crimée năm 2014. Bước xích lại gần này còn được củng cố hơn
trong bối cảnh Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraina năm 2022.
Nga và Trung Quốc đã tuyên bố « tình hữu nghị vô bờ bến »
bên lề Thế Vận Hội Mùa Đông ở Bắc Kinh. Bất chấp cuộc chiến tàn khốc
tại Ukraina, Trung Quốc chưa bao giờ lên án hành động xâm lược này, mà
luôn khẳng định rằng Nga là « đối tác chiến lược quan trọng nhất » của Bắc Kinh. Trung Quốc từ chối nói đến « chiến tranh Ukraina », chỉ xem đấy là « khủng hoảng » hay sử dụng lại cụm từ « chiến dịch quân sự đặc biệt » của Nga.
Theo
Alice Ekman, mối quan hệ hợp tác song phương không đơn giản chỉ là một
cơ hội cho kinh tế hay năng lượng, mà đúng hơn mang tính thiết yếu để
bảo đảm điều gọi là « an ninh chính trị » trong dài hạn, được
giới lãnh đạo chính trị hiện tại coi là điều cần thiết cho việc duy trì
quyền lực. Điều này đã được Tập Cận Bình khẳng định chẳng chút vòng vo
trong những năm gần đây, khi tuyên bố rằng củng cố « an ninh chính trị » là một ưu tiên.
Cả
hai nguyên thủ quốc gia Nga và Trung Quốc cùng phản đối mọi sự thay đổi
chế độ, nhất là trên chính lãnh thổ của họ. Dường như nỗi sợ lớn nhất
của giới lãnh đạo Trung Quốc là việc Hoa Kỳ ủng hộ một sự thay đổi chế
độ trên lãnh thổ. Và nỗi lo này càng được củng cố với cuộc chiến tại
Irak, xung đột ở Syria, hay cái chết bi thảm của nhà độc tài Kadhafi ở
Libya năm 2011.
Phương Tây : Kẻ thù chung
Tiến trình xích lại gần giữa Nga và Trung Quốc được xây dựng dựa trên cùng cảm nhận và chỉ định một kẻ thù chung là « phương Tây ».
Chuyến công du cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình đến Nga gặp đồng nhiệm
Vladimir Putin hồi tháng 3/2023 đã cho thấy rõ sự đồng nhất quan điểm
địa chiến lược này giữa Bắc Kinh và Matxcơva.
Do vậy, theo nhà
phân tích Alice Ekman, việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng về ba nghị quyết
lên án cuộc chiến xâm lược tại Ukraina năm 2022, trên thực tế không phải
là một hình thức giữ khoảng cách với Nga theo như cách diễn giải từ
nhiều nhà quan sát. Cử chỉ này đã được Trung Quốc thể hiện ngay từ năm
2014 sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimée.
Cùng là thành viên thường
trực tại Hội Đồng Bảo An, Nga và Trung Quốc ngày càng phối hợp chặt chẽ
hơn trong nhiều hồ sơ chiến lược như Bắc Triều Tiên, Iran và Syria…, và
cùng bảo vệ một phân tích chung về nhiều xung đột trên thế giới, khi
chỉ định một cách có hệ thống Mỹ và các đồng minh là những kẻ gây rối.
Trên
kênh truyền hình quốc tế France 24, chuyên gia về Trung Quốc Alice
Ekman nhận định lập trường này của Nga và Trung Quốc sẽ còn được liên
kết chặt chẽ hơn nữa trong tương lai :
«Tiến trình xích lại
gần giữa Trung Quốc và Nga phần lớn được củng cố do sự đối kháng với Mỹ,
nghĩa là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong dài hạn. Cuộc đọ sức
này được thấy rõ ở nhiều cấp độ : Thương mại, công nghệ, chính trị, và
trong một chừng mực nào đó là ý thức hệ.
Đối diện với
cuộc cạnh tranh này lâu dài này – vốn dĩ hoàn toàn độc lập với kết quả
cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cho dù là sẽ có một tác động nhưng chúng ta
thấy là có một sự đồng thuận lưỡng đảng ở Washington, cùng xem Trung
Quốc như là một mối đe dọa – ,Trung Quốc đã cho rằng mối quan hệ với Nga
có vai trò hàng đầu để giành thắng lợi sau cùng trong cuộc đọ sức dài
hơi với Mỹ. Và do vậy cần phải lập mặt trận chung đối phó Mỹ và rộng hơn
nữa là phương Tây.
Mục tiêu của Trung Quốc từ mười năm
qua là tìm cách giảm thiểu thế cô lập, nghĩa là xây dựng một liên minh
các nước mà trong đó Nga là một cột trụ chính. Chúng ta thấy rõ là có
một sự điều phối ngày càng nhiều giữa Bắc Kinh và Matxcơva tại Liên Hiệp
Quốc, chẳng hạn về vấn đề bán đảo Triều Tiên, bởi vì
cả hai nước đều phản đối việc thông qua lệnh trừng phạt nhắm vào Bắc
Triều Tiên sau các vụ thử vũ khí năm rồi và hiện nay.
Cả
hai nước có cùng chung lập trường trên gần như tất cả các hồ sơ và các
xung đột khu vực cũng như là thế giới hiện nay. Trung Quốc thực sự hậu
thuẫn Nga về mặt chính trị và ngoại giao từ khi Nga tiến hành cuộc chiến
xâm lược Ukraina. »
Trái với nhiều phân tích cho rằng bước
tiến gần nhau Nga – Trung có những hạn chế do thiếu một liên minh quân
sự, do các tranh chấp biên giới, cũng như sự mất cân đối giữa hai cường
quốc trên bình diện kinh tế và dân số, Alice Ekman đã phản đối những kết
luận vội vã, đánh giá Nga đã trở thành một « chư hầu » của Trung Quốc.
Nữ chuyên gia này lưu ý rằng sự bất cân xứng đó không hiện diện trên tất
cả các lĩnh vực:
« Trung Quốc là điểm đến hàng đầu cho dầu
lửa Nga. Dĩ nhiên, Bắc Kinh khá thông minh để thương lượng các mức giá
có lợi trong các thỏa thuận năng lượng, Ấn Độ cũng vậy. Trên thực tế,
nền kinh tế Nga và Trung Quốc bổ sung cho nhau. Hơn nữa, Nga vẫn là một
cường quốc không gian, cường quốc hạt nhân, chứ không chỉ là cường quốc
quân sự mà cả dân sự nữa. Trung Quốc hiểu rõ điều đó. Ngoài ra, Nga là
một thị trường hấp dẫn cho ô tô Trung Quốc, nhất là xe điện.
Trên
bình diện chính trị, ngoại giao, các cuộc gặp và trao đổi giữa hai
nguyên thủ quốc gia, cũng như ở cấp bộ trưởng, ngày một nhiều (…) Nếu
chỉ cho rằng đó chỉ là những cuộc gặp thông thường thì không đúng. Những
cuộc gặp này diễn ra đều đặn, dày đặc hơn, và mối quan hệ hợp tác kinh
tế đã được lên kế hoạch cho dài hạn.
Chỉ cần nhìn vào
những tài liệu chung được ký kết và thông qua sau mỗi cuộc gặp, chúng ta
thấy rõ có một kế hoạch cho 20, 25 năm. Mối quan hệ hợp tác, không chỉ
trong năng lượng, công nghệ mà cả trong nông nghiệp, được vạch ra hoàn
toàn độc lập với tiến triển cuộc chiến tại Ukraina. Đấy mới là điều cần
lưu ý ! »
Ngoài ra, Nga và Trung Quốc cam kết sẽ không đối
chọi nhau trong nhiều hồ sơ liên quan đến những ưu tiên của hai nước nằm
trong khu vực lân kề của họ. Điều này được thể hiện rõ trong việc hai
bên đã nhanh chóng xử lý các vấn đề tranh chấp biên giới ngay từ những
năm 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ.
Trung Á : Nga – Trung « phân chia » công việc
Bắc Kinh và Matxcơva cũng đồng thuận « phân định vai trò »
của họ tại Trung Á: Nga chấp nhận ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc,
trong khi Bắc Kinh thừa nhận ảnh hưởng quân sự của Matxcơva, nhằm giảm
thiểu khả năng « cạnh tranh gay gắt » như nhiều nhà phân tích nói đến.
« Sự
cạnh tranh tại Trung Á không cản trở tiến trình xích lại gần giữa Nga
và Trung Quốc. Người ta thường nói rằng mối quan hệ này không thể lâu
bền, bởi vì chúng chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn, Nga không có chọn lựa
nào khác, khi thường xuyên nêu ra hai điểm căng thẳng giữa Nga và Trung
Quốc.
Đầu tiên hết là họ nói đến căng thẳng về dân số tại
Siberia. Nhưng khi nhìn rõ các con số, đúng hơn là có một sự sụt giảm
số dân Trung Quốc tại Siberia, chỉ vì mức lương ở Trung Quốc giờ hấp dẫn
hơn so với ở phía Nga vì nhiều lý do khác nhau. Do vậy, chẳng có một
hiểm họa, một sự xâm lược nào từ phía người dân Trung Quốc ở Siberia và
đây không là một điểm căng thẳng quan trọng (..)
Tiếp
đến, ở cấp độ biên giới, rõ ràng Nga và Trung Quốc không còn các tranh
chấp. Ngay từ những năm 1990 và dần dần cả hai nước đã làm mọi cách để
bình ổn đường biên giới và điều này là quan trọng bởi vì đây là điều
đang xảy ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Hai bên vẫn còn đang có những
tranh chấp, thậm chí gây chết người trong những năm gần đây. Điều này
không còn nữa giữa Nga và Trung Quốc.
Điều đáng quan tâm
là các nhà ngoại giao Trung Quốc vẫn thường xuyên đề cập đến đường biên
giới quan trọng này và ý chí mang tính lịch sử đó để bình ổn mối quan hệ
hiện nay, trong khi vấn đề này vẫn đang đặt ra nhiều nghi vấn ở Trung
Quốc.
Liên quan đến Trung Á, đương nhiên có một sự cạnh
tranh giữa Nga và Trung Quốc trong vùng, nhưng đáng chú ý là Trung Quốc
làm mọi cách để dàn xếp với Nga trong khu vực. Chẳng hạn, Bắc Kinh nhấn
mạnh đến vai trò bổ sung của Nga với các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn
khổ Con Đường Tơ Lụa Mới trong khối Hợp tác Thượng Hải. Rồi còn có
những cuộc tập trận chung được tiến hành trong vùng một cách tương đối
hài hòa. »
Chống Mỹ và các đồng minh: Nga,Trung sát cánh
Từ
những quan sát này, Alice Ekman cho rằng những nhận định nói rằng Nga
trở thành « chư hầu » của Trung Quốc là sai lệch. Trong các tuyên bố,
ngành ngoại giao Trung Quốc luôn có sự sắp xếp với Nga và tránh tối đa
xem Nga như là một cường quốc yếu thế. Một lần nữa, nữ chuyên gia nhấn
mạnh, Nga và Trung Quốc không cảm thấy bên này hay bên kia là một mối đe
dọa. Ngược lại, cả hai nước cùng xác định Mỹ và các đồng minh là những
mối đe dọa hàng đầu đối với những lợi ích cơ bản của Nga và Trung Quốc.
Điều
này giải thích cho lập trường nước đôi của Bắc Kinh trong việc Matxcơva
luôn đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraina. Bắc Kinh có vẻ cảm
thấy bất bình nhiều hơn với việc tầu ngầm hạt nhân của Mỹ đến Hàn Quốc
hồi tháng 7/2023 hơn là những lời dọa dẫm từ Nga. Trên đài France 24,
Alice Ekman giải thích :
« Các nhà ngoại giao Trung Quốc không
nói đến điểm này nhưng giới phân tích Trung Quốc thường nói nửa vời là
họ cảm thấy khó chịu về cuộc xâm lược Ukraina của Nga, rằng vấn đề hạt
nhân là trọng tâm, hay như họ phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân, hay dọa
dùng vũ khí hạt nhân, kể cả trong bối cảnh cuộc xâm lược Ukraina.
Vấn
đề này cũng đã được ông Tập Cận Bình đề cập đến trong chuyến thăm cấp
nhà nước đến Nga và trong cuộc gặp với Vladimir Putin hồi tháng 3/2023.
Tuy nhiên, hai tuần sau, Nga thông báo triển khai vũ khí hạt nhân trên
lãnh thổ Belarus, nhưng Trung Quốc không tỏ ra khó chịu, cũng không công
khai bày tỏ bất mãn, chỉ trích…
Đây không phải là chủ
đề gây cản trở cho việc Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau. Ngược lại,
mối quan hệ quân sự còn được tăng cường và các cuộc tập trận chung giữa
hai nước vẫn tiếp diễn. Tôi thực sự có cảm giác rằng đó chỉ là những
tuyên bố bề ngoài về tầm quan trọng của việc không sử dụng vũ khí hạt
nhân, nhưng trong sâu thẳm, có một sự hậu thuẫn thực sự và được Trung
Quốc khẳng định với Nga, quốc gia luôn chỉ trích NATO, phương Tây, liên
minh phương Tây như là bên chịu trách nhiệm đầu tiên cho những gì đang
diễn ra ở Ukraina.
Đương nhiên, tình hình phức tạp hơn
nhiều, nhưng phát biểu chống phương Tây ngày càng trở nên dữ dội tại
Trung Quốc hiện nay và tất nhiên là rất gay gắt ở Nga. Ở đây, có một
đồng nhất trong các phát biểu cũng như lập trường về chủ đề này. »
Tóm
lại, theo Alice Ekman, sự xích lại gần giữa Nga và Trung Quốc đã chống
chọi được với bài trắc nghiệm chiến tranh Ukraina và tiếp tục được củng
cố hơn sau cuộc tấn công của phe Hamas chống Israel. Nga và Trung Quốc
kể từ giờ có thể cùng đẩy lùi sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của các nước
phương Tây tại nhiều nơi trên thế giới, kềm hãm hay ngăn chặn thế chủ
động ngoại giao của phương Tây. Sự đồng nhất trong những tuyên truyền,
khuyến khích sự trỗi dậy tại một số nước « phương Nam », các quan điểm chống phương Tây ngày càng mang tính chất thuyết âm mưu và dữ dội.
Nỗi
căm ghét chung nhằm vào Mỹ và các đồng minh, mong muốn làm suy yếu và
gạt ra bên lề phe phương Tây – cách thức duy nhất để có thể bảo đảm tính
ổn định chính trị của họ theo đánh giá của hai đối tác này – là những
yếu tố thúc đẩy hai nước xích lại gần nhau hơn và liên kết họ chặt chẽ
hơn bao giờ hết. Bởi vì, trong nhãn quan của Vladimir Putin và Tập Cận
Bình, đây là lúc cho sự lên ngôi của một thế giới hậu phương Tây và họ
hy vọng rằng có thể cùng nhau đạt được điều đó !