Năm cột khói bốc lên từ một sườn đồi phía bắc Bakhmut, thành phố nông nghiệp đã bị Nga bắn phá suốt nhiều tuần qua.
"Đây không còn là cuộc sống của chúng tôi. Không có nơi nào an toàn. Tôi thực sự ước gì cuộc sống của mình kết thúc", Anna Ivanova, cụ bà 86 tuổi lưng còng chống gậy nhổ cỏ dại trong vườn, nói khi hai máy bay gầm rú trên đầu.
Mười phút sau, năm tiếng nổ lớn vang lên từ những cánh đồng hướng dương ở phía tây. Bất kỳ ai đến gần khu vực tiền tuyến ở Donbass, từ thành phố Sloviansk ở phía bắc tới các ngôi làng gần Donetsk ở phía nam, đều có thể chứng kiến những cuộc bắn phá dữ dội của lực lượng Nga.
Nhưng ở một góc cánh đồng lúa mì phía ngoài Donetsk, Dmitro, chỉ huy một đơn vị pháo binh Ukraine, cho thấy một bức tranh khác về tình hình chiến sự. "Họ không khai hỏa liên tục. Tần suất bắn của pháo binh Nga đã giảm một nửa, thậm chí khoảng 2/3", anh nói.
Dmitro nói khi đứng cạnh một khẩu pháo tự hành hướng về phía nam lãnh thổ mà Nga kiểm soát. Đó là pháo Caesar, một trong số những vũ khí hiện đại phương Tây xuất hiện ngày càng nhiều trên chiến trường Ukraine. Dmitro và nhiều người ở Donbass tin rằng những vũ khí này đang giúp Ukraine đảo ngược tình thế.
Với một tiếng nổ chói tai, khẩu Caesar khai hỏa một quả đạn nhắm vào đơn vị bộ binh Nga và một khẩu đội pháo cách đó 27 km.
"Chúng tôi giờ tập kích chính xác hơn nhiều. Chúng tôi có thể tấn công họ từ khoảng cách xa hơn", Dmitro nói. Chỉ trong một phút, khẩu pháo tự hành của Dmitro bắn thêm hai quả đạn và nhanh chóng di chuyển trước khi quân Nga có cơ hội phản pháo.
Trong vài tuần gần đây, người dân và binh sĩ Ukraine vui mừng khi xem các video được đăng trên mạng xã hội cho thấy nhiều vụ nổ lớn tại lãnh thổ mà Nga kiểm soát. Nhiều thông tin cho hay đây là những kho đạn lớn cách xa tiền tuyến của Nga.
"Hãy lắng nghe sự im lặng đó", Yuri Bereza, chỉ huy một đơn vị tình nguyện có nhiệm vụ bảo vệ Sloviansk, cho biết. "Tất cả là nhờ những khẩu pháo có độ chính xác cao mà chúng tôi được cung cấp. Trước đây, một khẩu pháo của chúng tôi phải đấu với 50 khẩu pháo Nga, nhưng giờ tỷ lệ này còn khoảng 1/5. Lợi thế của họ giờ không đáng kể và thậm chí có thể xem là cân bằng với chúng tôi".
Nhưng giống như Dmitro, Bereza nhấn mạnh rằng Ukraine cần nhiều vũ khí phương Tây hơn để phát động một cuộc phản công hiệu quả.
"Họ không thể đánh bại chúng tôi và chúng tôi hiện chưa thể đánh bại họ. Chúng tôi cần thêm nhiều thiết bị, đặc biệt là xe thiết giáp, xe tăng, phòng không. Nếu không có, thiệt hại về người sẽ rất lớn", Bereza nói.
"Lý tưởng nhất là chúng tôi có lượng vũ khí phương Tây nhiều gấp ba số đã gửi", Dmitro cho hay.
Nhưng vũ khí không phải là rào cản duy nhất với nỗ lực giành lại lãnh thổ của Ukraine. Dù mức độ bắn phá giảm, lực lượng Nga vẫn tiếp tục tiến gần hơn tới thành phố chiến lược Bakhmut, khiến quân Ukraine lo ngại.
Nhiều thành viên lực lượng Ukraine là lính tình nguyện và mới được huấn luyện cơ bản vài tháng. Ukraine gần đây ký thỏa thuận với phương Tây để tổ chức khóa huấn luyện 5 ngày cho binh sĩ.
"Tất nhiên, mọi thứ rất đáng sợ. Tôi chưa từng trải qua chiến tranh trước đây", một binh sĩ 22 tuổi cho biết.
Andy Milburn, một sĩ quan thủy quân lục chiến Mỹ về hưu, hiện điều hành nhóm Mozart hỗ trợ huấn luyện quân sự cho các binh sĩ Ukraine. "Đó chỉ như muối bỏ bể, nhưng vẫn mang đến sự khác biệt ở quy mô nhỏ", Milburn nói khi theo dõi một buổi huấn luyện.
Ông nhấn mạnh rằng nhóm Mozart của ông không liên kết hoặc nhận hỗ trợ từ chính phủ Mỹ. Đồng thời, Milburn chỉ trích các chính phủ phương Tây khi từ chối tham gia trực tiếp hơn vào xung đột Ukraine.
"Thật nực cười. Quân đội Ukraine đã mất nhiều người đến mức họ không có đủ binh sĩ để huấn luyện. Phương Tây cần có kế hoạch cho điều đó ngay bây giờ", ông nói.
Thanh Tâm (Theo BBC)