Đài CNN ngày 9.5 dẫn lời giới chức cấp cao Mỹ cho hay nước này chưa phát hiện dấu hiệu di chuyển hay thay đổi của lực lượng hạt nhân của Nga, dù giới chức tại Moscow có những phát biểu gay gắt.
Do đó, Mỹ cũng không điều chỉnh thế trận hạt nhân của mình. "Chúng tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga thay đổi thế trận lực lượng chiến lược, và chúng tôi đang tiếp tục theo dõi tình hình. Chúng tôi chưa thấy điều gì dẫn đến việc buộc phải thay đổi thế trận lực lượng của mình vào lúc này", theo một quan chức cấp cao Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ.
Xem nhanh: Ngày 439 chiến dịch, Nga duyệt binh đơn giản; Ukraine lo không chống được vũ khí mới
Trước đó cùng ngày, Nga tổ chức kỷ niệm ngày Chiến thắng phát xít (9.5) và trong phần diễu hành có một phần của lực lượng hạt nhân, trong đó có hệ thống phòng không S-400 và tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars.
Giới lãnh đạo Nga trong vài tháng qua cũng nhiều lần nhắc về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân. Với mỗi lời đe dọa, Mỹ và các đồng minh đều theo dõi lực lượng hạt nhân Nga xem có dấu hiệu di chuyển hay chuẩn bị điều động không.
Cuối tháng trước, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói rằng mối đe dọa xung đột hạt nhân "gia tăng từng ngày". Hồi tháng 1, ông đăng trên Telegram về việc Mỹ và NATO hỗ trợ Ukraine kèm nội dung nói rằng "thất bại của một thế lực hạt nhân trong chiến tranh quy ước có thể châm ngòi chiến tranh hạt nhân".
Ukraine thận trọng chuẩn bị phản công
Trang Sky News ngày 9.5 dẫn lời Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho hay nước này đang chuẩn bị đợt phản công "rất quan trọng" nhằm chống lại lực lượng Nga, và sự phản công phải "thể hiện thành công".
Tổng thống CH Czech nhắc Ukraine đừng vội vàng mà phản công thất bại
Trong lúc thăm doanh trại ở Salisbury Plain (Anh), nơi các binh sĩ Anh và New Zealand đang giúp Ukraine huấn luyện tân binh, Thủ tướng Ukraine Shmyhal cho biết chiến dịch phản công sẽ được triển khai vào thời điểm phù hợp.
Trước câu hỏi tại sao đã lâu nhưng Ukraine vẫn chưa bắt đầu cuộc phản công, ông Shmyhal trả lời: "Chúng tôi chuẩn bị rất kỹ càng vì đây là chiến dịch tối quan trọng và chúng tôi hiểu rằng nên chiến thắng vì quốc gia của chúng tôi, cũng như đối với các đối tác và cả thế giới, bao gồm kẻ thù".
Trong khi đó, chiến sự vẫn tiếp diễn và quân đội Ukraine ngày 9.5 cho hay phía Nga đã tấn công vào 10 tỉnh của Ukraine trong vòng 24 giờ, bao gồm Kyiv, Sumy, Cherkasy, Chernihiv, Kharkiv, Kherson, Zaporizhzhia, Dnipropetrovsk, Luhansk và Donetsk.
Theo giới chức địa phương, có 17 dân thường bị thương trong các đợt tấn công trên. Bộ Quốc phòng Ukraine cho hay Nga tấn công 139 khu vực, dùng súng, súng cối, súng phóng lựu, xe tăng, pháo, hệ thống tên lửa phòng không và máy bay không người lái (UAV). Theo báo cáo, có 104 cơ sở hạ tầng bị thiệt hại.
Về phía Moscow, Reuters tối 9.5 đưa tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng nước này đã phóng tên lửa tấn công các mục tiêu khắp Ukraine vào đêm hôm trước, làm gián đoạn việc cung ứng đạn dược và di chuyển của binh sĩ Ukraine.
Ngoài ra, phía Nga còn cho biết giao tranh tiếp diễn tại khu vực phía tây thành phố Bakhmut. Hãng TASS dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho hay lực lượng phòng không Nga đã bắn rơi một máy bay Su-25 và ngăn chặn 3 rốc két, một tên lửa đạn đạo của Ukraine trong ngày. Moscow lâu nay phủ nhận việc tấn công nhằm vào dân thường.
Trung Quốc và Đức tranh cãi về Ukraine
Theo AFP, Trung Quốc và Đức ngày 9.5 đã có lời qua tiếng lại về vấn đề Ukraine, trong đó Bắc Kinh cảnh báo EU về những lệnh cấm vận nhằm vào các công ty Trung Quốc, trong khi Berlin cũng nêu vấn đề trách nhiệm của Bắc Kinh.
Trong cuộc gặp lần thứ 2 trong vòng 1 tháng, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương tranh cãi về trách nhiệm của các nước lớn trên trường quốc tế.
Ông Tần cảnh báo EU về các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty Trung Quốc liên quan Nga, đồng thời cho biết Bắc Kinh sẽ hành động để bảo vệ lợi ích. Hiện EU đang cân nhắc cấm vận 8 doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có nhiều doanh nghiệp bị cáo buộc đã bán qua Nga các thiết bị có thể được sử dụng trong vũ khí.
Tại Berlin, ông Tần khẳng định rằng Bắc Kinh luôn thúc đẩy đối thoại hòa bình để chấm dứt chiến sự ở Ukraine. Ông cho biết Trung Quốc sẽ cử một đặc phái viên đến Ukraine về điều này, đồng thời kêu gọi Đức hành động nhiều hơn nhằm thúc đẩy hòa đàm và ngừng bắn.
Tuy nhiên, bà Baerbock cho rằng Trung Quốc cần có quan điểm rõ ràng hơn đối với Nga. Trước đó, phát biểu tại Nghị viện châu Âu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng "sự kình địch và cạnh tranh của phía Trung Quốc chắc chắn đã tăng lên".
Lãnh đạo EU đến Ukraine
Theo báo Kyiv Independent, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đến Kyiv và gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 9.5. Hai bên đã thảo luận kế hoạch cung cấp đạn dược của EU, gói cấm vận mới nhằm vào Nga và lệnh cấm đối với lương thực xuất khẩu từ Ukraine.
Hai nhà lãnh đạo còn thảo luận về hỗ trợ tài chính cho Kyiv và tiến trình của nước này trong việc gia nhập EU, một ngày sau khi Tổng thống Zelensky ký sắc lệnh về việc kỷ niệm Ngày châu Âu (9.5) ở Ukraine.
Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp, ông Zelensky cảm ơn bà von der Leyen về việc EU sẵn sàng cung cấp cho Ukraine 1 triệu viên đạn pháo, được thông qua hồi tháng 3 và đang triển khai.
Về xuất khẩu của Ukraine, bà von der Leyen cam kết sẽ tạo "nền tảng điều phối" chung để xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine "hoàn toàn hoạt động trở lại", dù bà mô tả rằng đó là một "tình huống thách thức".
Nghi vấn phần mềm của gián điệp Nga
Theo Reuters ngày 9.5, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết đã phát hiện một phần mềm độc hại được sử dụng bởi những gián điệp tinh nhuệ Nga.
Giới chức thực thi pháp luật Mỹ cho hay các chuyên gia tại FBI đã vô hiệu hóa mã độc của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) nhằm vào một số lượng chưa tiết lộ các máy tính ở Mỹ.
"Chúng tôi đánh giá đây là công cụ gián điệp hàng đầu của họ", một trong các quan chức Mỹ nói với báo giới và cho biết chính phủ Mỹ hy vọng hoạt động này sẽ "xóa bỏ nó khỏi chiến trường ảo".
Một quan chức Mỹ cho rằng các gián điệp FSB đứng sau mã độc mang tên Snake thuộc về nhóm tin tặc khét tiếng Turla. Nhóm này trong 2 thập niên qua đã hoạt động nhằm vào những mục tiêu liên quan NATO, các cơ quan chính phủ và công ty công nghệ Mỹ.
Các nhà ngoại giao Nga không lập tức phản hồi đề nghị đưa ra bình luận. Moscow trước nay thường bác bỏ cáo buộc tiến hành các chiến dịch gián điệp mạng.