* Phần Lan đóng biên giới với Nga 1 tháng do dòng người tị nạn tăng nhanh
* Israel bổ sung thêm 7 tỉ USD cho ngân sách thời chiến
* EU điều tra kho ứng dụng của Apple và Google
Tin tức thế giới nổi bật: Trung Đông và xung đột Israel - Hamas
* Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói Mỹ có trách nhiệm đảm bảo lệnh ngừng bắn ở Gaza. Ngày 14-12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Mỹ có "trách nhiệm lịch sử" trong việc đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài ở Dải Gaza càng sớm càng tốt, theo Hãng tin Anadolu.
Ông Erdogan chỉ ra có thể đạt được lệnh ngừng bắn nhanh chóng nếu Mỹ rút lại "sự ủng hộ vô điều kiện" dành cho Israel.
Ông Erdogan và ông Joe Biden đã có cuộc điện đàm để thảo luận về các cuộc tấn công của Israel vào các vùng lãnh thổ của Palestine, đặc biệt là Gaza, quan hệ song phương cũng như nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển.
* Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Israel cẩn thận hơn nhằm bảo vệ dân thường ở Gaza. "Tôi muốn họ tập trung vào cách cứu sống dân thường, tức sẽ không ngừng truy lùng Hamas mà cần cẩn thận hơn" - ông Biden nói trước báo giới ngày 14-12.
* Israel bổ sung ngân sách thời chiến năm 2023. Ngày 14-12, Quốc hội Israel đồng ý bổ sung 25,9 tỉ shekel (7 tỉ USD) vào ngân sách quốc gia năm nay để giúp trang trải chi phí trong cuộc chiến ở Gaza, chẳng hạn như bồi thường cho quân dự bị và cung cấp chỗ ở khẩn cấp cho những người phải sơ tán, theo Hãng tin Reuters.
Người phát ngôn Quốc hội Israel thông tin sự điều chỉnh này đã tăng ngân sách năm 2023 lên 510 tỉ shekel (139 tỉ USD). Israel đã thông qua ngân sách năm 2023 cùng ngân sách năm 2024 hồi tháng 5.
* Phiến quân ở Yemen bắn tên lửa vào tàu chở hàng ở Biển Đỏ. Theo Hãng tin AFP, một quan chức Mỹ và một công ty tình báo tư nhân cho biết nhóm phiến quân Houthi của Yemen - nhóm được Iran hậu thuẫn - đã bắn một tên lửa về hướng tàu chở hàng Maersk Gibraltar trên đường tới Saudi Arabia vào hôm 14-12 nhưng bắn trượt. Không ai bị thương trong vụ việc.
Các tin tức thế giới khác
* EU cho phép đàm phán kết nạp Ukraine, bất chấp sự phản đối của Hungary. Ngày 14-12, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra quyết định lịch sử là mở các cuộc đàm phán tư cách thành viên với Ukraine, bỏ qua sự phản đối từ Hungary và mang lại cho Kiev động lực chính trị to lớn trong lúc cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn.
Tổng thống Volodymyr Zelensky ca ngợi đây là "chiến thắng" dành cho Ukraine và châu Âu, còn Nhà Trắng gọi đây là quyết định lịch sử của EU.
Mặc dù có thể phải mất nhiều năm nữa Ukraine mới có tư cách thành viên EU, nhưng quyết định trên - được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels - đã đưa Ukraine tiến gần hơn đến mục tiêu chiến lược lâu dài của nước này là "neo mình ở phương Tây và tự giải phóng khỏi quỹ đạo của Matxcơva", theo Hãng tin Reuters.
* Phần Lan lại đóng cửa biên giới trên bộ với Nga. Ngày 14-12, Chính phủ Phần Lan cho biết quốc gia Bắc Âu này sẽ đóng các cửa khẩu ở biên giới trên bộ với Nga một lần nữa, chính thức từ ngày 15-12-2023 tới ngày 14-1-2024.
Trong thông báo, Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Mari Rantanen cho biết sau khi nước này mở 2 cửa khẩu, dòng người tị nạn có dấu hiệu tăng trở lại và vấn đề này đặt ra thách thức cho an ninh quốc gia.
Văn bản này cũng nêu rõ hai cửa khẩu Vaalimaa và Niirala sẽ bị đóng vào tối 15-12 lúc 20h (giờ địa phương). Như vậy, tất cả cửa khẩu trên bộ giữa Phần Lan và Nga sẽ bị đóng cho tới ngày 14-1-2024.
* EU điều tra kho ứng dụng của Apple và Google. Ngày 14-12, Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu các hãng công nghệ Apple và Google cung cấp thêm thông tin chi tiết về cách họ xác định rủi ro liên quan đến các kho phần mềm tương ứng của hai hãng này.
Yêu cầu cung cấp thông tin là bước đầu tiên trong quy trình vừa được khởi động theo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của EU. Động thái này không đồng nghĩa với việc phát hiện dấu hiệu hành vi phạm pháp hay chuẩn bị chế tài trừng phạt.
Ủy ban Châu Âu tuyên bố muốn có thêm thông tin về cách Apple và Google đã tích cực xác định mọi rủi ro hệ thống liên quan đến App Store và Google Play.
* Mỹ xác định việc sử dụng AI mang rủi ro cho hệ thống tài chính. Theo Hãng tin AFP, ngày 14-12, các cơ quan quản lý Mỹ lần đầu tiên xác định việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) là một lỗ hổng trong hệ thống tài chính.
Trong báo cáo thường niên, Hội đồng Giám sát ổn định tài chính (FSOC) chỉ ra cần phải theo dõi "sự phát triển nhanh chóng của AI, bao gồm cả AI tạo sinh, để đảm bảo rằng các cơ cấu giám sát theo kịp hoặc đón đầu các rủi ro mới nổi đối với hệ thống tài chính".