Đại
sứ Israel tại Hàn Quốc tin rằng vũ khí của Triều Tiên đang được nhóm
chiến binh Hamas người Palestine sử dụng để tấn công Israel, ngay cả khi
Bình Nhưỡng phủ nhận những cáo buộc xuất hiện trên mạng là vô căn cứ.
Ông
Akiva Tor, đại sứ Israel phục vụ tại Hàn Quốc từ năm 2020, nói với VOA
hôm 14/10 rằng các chiến binh Hamas đang sử dụng vũ khí do Triều Tiên
sản xuất.
Ông Tor nói: “Tại Gaza, nơi tấn công chúng tôi, họ sử
dụng vũ khí của Triều Tiên. Có thể những vũ khí này của Triều Tiên đã có
mặt ở Iran lâu nay rồi”.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiêu hủy những vũ khí này ở Gaza”.
Kể
từ khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10, những bức ảnh về súng phóng
lựu F-7 với tuyên bố là do Triều Tiên sản xuất đã xuất hiện trên X,
trước đây gọi là Twitter.
Một nhà nghiên cứu vũ khí tự xưng, sử
dụng tên War Noir, đã đăng các bức ảnh về rốc-két và súng máy với chú
thích rằng Lực lượng Phòng vệ Israel đã thu giữ vũ khí do Triều Tiên sản
xuất thuộc về Lữ đoàn Al-Qassam gần Gaza.
Ông Bruce Bechtol, cựu
nhân viên tình báo tại Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ, hiện là giáo
sư khoa học chính trị tại Đại học Angelo ở Texas, nói với VOA rằng những
chiếc F-7 trong các bức ảnh “được xác định là nhìn giống của Triều Tiên
về nguồn gốc, đối với tôi là như vậy.”
Ông Bechtol nói: “Có vẻ như số lượng đáng kể vũ khí mà Hamas đang sử dụng có nguồn gốc từ Triều Tiên”.
Ông
Bechtol cho rằng nhiều vũ khí của Triều Tiên có thể sẽ được tìm thấy ở
Gaza sau khi Lực lượng Phòng vệ Israel bắt đầu một cuộc tấn công trên bộ
vào lãnh thổ này.
Triều Tiên phủ nhận vũ khí của mình được Hamas
sử dụng để tấn công Israel thông qua một tuyên bố được đưa ra trên hãng
thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 13/10.
Hãng thông tấn
trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, Mỹ đang lan truyền “những tin đồn
vô căn cứ và sai sự thật” rằng vũ khí của Triều Tiên đã được sử dụng
trong cuộc tấn công vào Israel như một cách “để đổ lỗi cho cuộc khủng
hoảng Trung Đông vốn do chính sách bá quyền sai lầm của nước này gây ra
cho một nước thứ ba”.
Các nhà phân tích cho rằng không có gì ngạc
nhiên khi Hamas dường như đang sử dụng vũ khí của Triều Tiên vì Bình
Nhưỡng có lịch sử lâu dài cung cấp vũ khí cho Hamas, cho nhóm vũ trang
Hezbollah có trụ sở tại Lebanon, và cho Iran, vốn ủng hộ cả hai nhóm.
Ông
James Jeffrey, người từ năm 2018 đến tháng 11 năm 2020, từng là đại
diện đặc biệt của Hoa Kỳ về giao tiếp với Syria và đặc phái viên của
Liên minh toàn cầu để đánh bại ISIS, hiện là chủ tịch Chương trình Trung
Đông của Trung tâm Wilson. Ông nói với đài VOA hôm 10/10 rằng: “Triều
Tiên từ lâu đã cung cấp vũ khí và kiến thức kỹ thuật cho các lực lượng
cực đoan ở Trung Đông”.
Ông nói tiếp: “Tôi sẽ không ngạc nhiên vì
Triều Tiên đang tham gia vào việc bán và vận chuyển vũ khí bất hợp pháp,
vừa để kiếm tiền vừa gây bất ổn trật tự quốc tế một cách nghiêm trọng.
Vì vậy, mỗi khi chúng ta gặp khủng hoảng hoặc xung đột mới đều có dấu
vết của Triều Tiên”.
Ông Fred Fleitz, người đã làm việc 19 năm cho
CIA và từng là quyền cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Trump,
nói: “Có vẻ như chắc chắn rằng thông qua một thỏa thuận trực tiếp trong
đó Hamas trả tiền cho Triều Tiên hoặc thông qua IRGC, Lực lượng Vệ binh
Cộng hòa Iran”, họ đã buôn lậu những vũ khí đó vào hoặc thông qua
Hezbollah.”
Ông Fleitz, hiện là phó chủ tịch của Trung tâm An ninh
Hoa Kỳ, nói tiếp: “Nhưng yếu tố thứ hai có vẻ thuyết phục hơn. Iran gần
gũi hơn với cả Triều Tiên và Palestine và có thể có nhiều tuyến đường
hơn”.
Nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cấm Triều Tiên xuất khẩu vũ khí.
Ông
Matthew Miller, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tại cuộc họp
báo ngày 10/10 cho biết Hoa Kỳ sẽ “xem xét chống lại” các hành động của
bất kỳ quốc gia nào đang hỗ trợ tài chính hoặc quân sự cho Hamas.
Phát
ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby hôm 12/10 nói ông
không thể xác nhận các báo cáo về việc Hamas sử dụng vũ khí Triều Tiên.
Khả năng giao dịch vũ khí giữa Triều Tiên và Hamas lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2009.
Vào
tháng 12 năm đó, một máy bay của Triều Tiên chở khoảng 35 tấn vũ khí
bao gồm rốc-két và lựu đạn đẩy bằng rốc-két đã bị thu giữ tại sân bay
Bangkok khi máy bay hạ cánh ở đó để tiếp nhiên liệu. Tháng tiếp theo,
chính phủ Thái Lan đệ trình báo cáo lên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc
cho biết số vũ khí này hướng đến Iran.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia
về Truyền thông Chiến lược của Tòa Bạch Ốc Ben Rhodes cho biết vào
tháng 11 năm 2012 rằng chuyến hàng bị chặn ở Thái Lan từ Triều Tiên vào
năm 2009 là “dành cho Hamas”.
Năm 2013, một báo cáo của Hội đồng
Bảo an Liên hiệp quốc đã đưa ra những bức ảnh chụp vũ khí của Triều Tiên
trên máy bay chở hàng.
Theo Phó Thủ tướng Israel lúc bấy giờ là
Moshe Yaalon, vào thời điểm vận chuyển vũ khí, Israel đang tiến hành một
cuộc chiến ủy nhiệm với Iran vì Iran ủng hộ Hamas và Hezbollah.
Ông
Tor nói với đài VOA rằng “không còn nghi ngờ gì nữa” Iran đang hỗ trợ
Hamas về mặt chính trị, tài chính và chiến lược. Tuy nhiên, ông nói rằng
ông “không thể nói” chính xác vai trò của Iran trong cuộc xung đột này.
Ông
Tor cũng bác bỏ suy đoán rằng Tehran đã sử dụng 6 tỷ đô la trong số
tiền chưa bị phong tỏa từ các ngân hàng Hàn Quốc để hỗ trợ Hamas trong
cuộc xung đột này.
Ông nói: “Chúng tôi không có bất kỳ bằng chứng
nào cho thấy việc giải ngân số tiền được giữ trong các ngân hàng [Hàn
Quốc] đã đến tay Hamas bằng bất kỳ cách nào”.
Ông Tor nói: “Quan
điểm của Israel nói chung là không nên nới lỏng các chế tài chống lại
Iran và các khoản tiền chuyển đến Iran, ngay cả khi chúng hướng tới mục
đích nhân đạo, [có thể được sử dụng] cho các mục đích không phù hợp”.
Ngoại
trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tuần trước cho biết Iran không thể khai
thác bất kỳ khoản tiền nào được phát hành từ các ngân hàng Hàn Quốc và
những khoản tiền đó “chỉ có thể được sử dụng cho mục đích nhân đạo”.
Việc
chuyển tiền được dàn xếp trong khuôn khổ hoạt động trao đổi tù nhân
giữa Mỹ và Iran. Iran đã thả 5 công dân Mỹ bị bắt làm con tin để đổi lấy
việc tháo khoán tiền và chuyển giao 5 người Iran bị giữ ở Mỹ.