* Triều Tiên mở cửa biên giới. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 27-8 đưa tin nước này đã cho phép công dân ở nước ngoài quay trở về, sau nhiều năm hạn chế nghiêm ngặt để phòng COVID-19.
Theo KCNA, động thái này phù hợp với việc điều chỉnh mức độ chống dịch, khi "tình hình đại dịch trên thế giới đã bớt căng thẳng".
Tuy nhiên, công dân Triều Tiên quay về sẽ được theo dõi y tế tại các khu cách ly trong một tuần.
Chỉ vài ngày trước, chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo từ Bình Nhưỡng đã hạ cánh xuống Bắc Kinh lần đầu tiên kể từ đầu đại dịch.
Hiện chưa rõ ai có mặt trên chuyến bay, nhưng các công ty du lịch phương Tây hoạt động ở Triều Tiên cho biết đây có vẻ là chuyến bay chở những người Triều Tiên bị mắc kẹt ở Trung Quốc sau nhiều năm đóng cửa biên giới.
* Nga tiếp tục chặn UAV gần Matxcơva và biên giới với Ukraine. Ngày 26-8, Nga ghi nhận vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) khiến nước này phải đóng cửa tạm thời 3 sân bay lớn ở thu đô và 2 sân bay khác ở khu vực phía Nam giáp Ukraine.
Hãng tin TASS cho biết các sân bay Sheremetyevo, Domodedovo và Vnukovo của Matxcơva đã đình chỉ các chuyến bay trong vài giờ.
Thị trưởng Matxcơva, ông Sergei Sobyanin, cho biết 1 chiếc UAV đã bị bắn hạ ở quận Istra, cách Điện Kremlin khoảng 50km về phía Tây.
Các cuộc tấn công bằng pháo kích và UAV ở miền nam nước Nga xảy ra thường xuyên trong nhiều tháng nay, nhưng gần đây ngày càng nhiều UAV nhắm vào thủ đô Matxcơva của Nga.
Chiến tranh và Hòa bình
Xả súng ở Mỹ
* Xả súng ở Mỹ, 4 người chết. Đài Fox News đưa tin vụ xả súng diễn ra tại một cửa hàng ở Jacksonville, bang Florida, ngày 26-8.
Vụ việc đã khiến 4 người thiệt mạng, bao gồm cả kẻ nổ súng.
Theo báo cáo, vào chiều 26-8 (giờ Mỹ), một đội SWAT đã được cử tới khu vực cửa hàng Dollar General và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ với nghi phạm có vũ trang đang dựng rào chắn bên trong cửa hàng.
Nghi phạm đeo khẩu trang khi nổ súng. Cha mẹ của nghi phạm đã tìm thấy một lá thư trăng trối trong nhà tại hạt Clay.
Cảnh sát trưởng Jacksonville cho biết tất cả nạn nhân đều là người da màu, gồm 2 đàn ông, 1 phụ nữ.
* Thị trấn 4.000 dân ở Canada phải sơ tán vì cháy rừng. Gió mạnh và nhiệt độ tăng cao đã khiến các đám cháy rừng ở Tây Bắc Canada mạnh hơn.
Thị trấn Hay River có 4.000 dân đã phải sơ tán. Đám cháy lớn đến mức ngay cả lính cứu hỏa cũng phải rời đi.
"Bất kỳ ai ở lại Hay River đều phải tự chịu rủi ro", Hãng tin AFP trích thông báo của chính quyền.
Tại thời điểm này, khoảng 2/3 dân số của lãnh thổ phía Tây Bắc, một khu vực rộng lớn nhưng ít dân cư, đã được sơ tán đến các tỉnh lân cận.
Nhà chức trách cho biết các đội cứu hỏa đang phải chiến đấu với bức tường lửa dài vài km với khói dày đặc cản trở việc sử dụng trực thăng.
Thị trưởng Hay River Kandis Jameson cho biết 100 cư dân đã từ chối tuân theo lệnh sơ tán.
Bà Jameson nói trong cuộc họp báo ngày 27-8: "Nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy ngọn lửa đang lao về phía thị trấn của bạn là điều mà tôi sẽ không bao giờ quên".
* Pháp chi hàng triệu USD để tiêu hủy rượu vang. Chính phủ Pháp và Liên minh châu Âu (EU) sẽ chi ra 200 triệu euro (216 triệu USD) để tiêu hủy các sản phẩm rượu dư thừa.
Bộ trưởng Nông nghiệp Marc Fesneau cho biết động thái này nhằm mục đích ngăn chặn giá giảm và để các nhà sản xuất rượu vang có thể tìm thêm thu nhập".
Các nhà sản xuất rượu vang ở Pháp cho biết họ đang sản xuất quá nhiều và giá bán thấp hơn giá sản xuất, khiến họ chịu lỗ.
Trong tháng 6, Ủy ban châu Âu (EC) đã báo cáo rằng lạm phát cao đã làm giảm tiêu thụ rượu vang. Trong khi năm nay được mùa, khiến dư thừa nhiều sản phẩm.
Theo dữ liệu của EC vào thời điểm đó, tiêu thụ rượu vang đã giảm 7% ở Ý, 10% ở Tây Ban Nha, 15% ở Pháp, 22% ở Đức và 34% ở Bồ Đào Nha.
Vào tháng 6, Bộ Nông nghiệp Pháp tuyên bố sẽ dành 57 triệu euro để tài trợ cho việc phá hủy khoảng 9.500ha vườn nho ở vùng Bordeaux. Các quan chức cũng đã đưa ra các ưu đãi tài chính cho người trồng nho để chuyển sang các sản phẩm khác.
Nhật Bản xả nước thải hạt nhân ra biển
* Nhật Bản không phát hiện bất thường trong mẫu cá sau khi xả nước thải. Ngày 26-8, Chính phủ Nhật Bản cho biết không phát hiện tritium trong các mẫu cá đầu tiên đánh bắt tại vùng biển gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, nơi đã bắt đầu tiến hành quá trình xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ ra biển.
Hoạt động xả nước thải được tiến hành từ ngày 24-8. Ngư dân địa phương và một số nước láng giềng lo ngại về các tác động đối với môi trường dù Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khẳng định tiến trình này đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu.
Tháng 3-2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần, ảnh hưởng tới nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO) phải xử lý hàng trăm bể chứa hơn 1 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng.
Lượng nước thải đã trải qua một quá trình xử lý và loại bỏ hầu hết các loại phóng xạ hạt nhân, trừ chất tritium. Lượng tritium còn lại sau đó được pha loãng đến tỉ lệ 1/40, mức nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản, trước khi được thải ra Thái Bình Dương thông qua một đường ống ngầm dài 1km từ nhà máy.
Các chuyên gia cho biết lượng tritium trong môi trường sẽ cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển.