Vấn đề sức khỏe của Tổng thống Joe Biden tiếp tục gây chú ý, buộc Nhà Trắng phải lên tiếng giải thích. Lần này là chứng ngưng thở trong khi ngủ.
* Tổng thống Joe Biden dùng máy trợ thở để "ngủ ngon"
Tổng thống Joe Biden được xác nhận đã bắt đầu sử dụng máy áp lực dương liên tục (CPAP). Đây là một dạng thiết bị hỗ trợ thở không xâm lấn, nghĩa là người dùng không cần phải đặt ống thở.
Người phát ngôn Nhà Trắng Andrew Bates khẳng định điều này không có gì bí mật.
"Từ năm 2018, trong các báo cáo y tế toàn diện, Tổng thống Joe Biden đã thừa nhận ông mắc phải chứng ngưng thở trong khi ngủ.
Tối qua 27-6, ông đã sử dụng CPAP, loại máy phổ biến với những người mắc hội chứng đó", ông Bates nói trong cuộc họp báo ngày 28-6.
Một quan chức khác của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đã bắt đầu sử dụng máy trợ thở CPAP trong những tuần gần đây để cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Suy đoán xuất hiện ngày 28-6 khi các phóng viên thấy những vết hằn trên khuôn mặt của ông chủ Nhà Trắng, dấu hiệu cho thấy Tổng thống Biden đã phải đeo miếng che mắt khổ rộng.
Hồi tháng 2 năm nay, phát biểu sau cuộc kiểm tra y tế, tiến sĩ Kevin C. O'Connor - bác sĩ lâu năm của ông Biden - tuyên bố nhà lãnh đạo Mỹ hoàn toàn khỏe mạnh và "đáp ứng tốt các yêu cầu công việc trên cương vị tổng thống Mỹ".
* Thủ tướng Đức tin ông Joe Biden sẽ tái đắc cử
Trong cuộc phỏng vấn ngày 28-6, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông tin tưởng Tổng thống Joe Biden sẽ tái đắc cử tổng thống Mỹ.
Lý do một phần là vì ông Biden cam kết đảm bảo sự gắn kết xã hội, điều sẽ giúp ông chống lại Chủ nghĩa Trump và các phong trào tương tự.
"Tôi thực sự tin rằng Tổng thống Joe Biden sẽ thành công trong nỗ lực tái tranh cử, bởi vì ông ấy không chỉ là một chính trị gia giàu kinh nghiệm mà còn là một người thực sự làm việc vì sự gắn kết xã hội ở đất nước của mình", ông Scholz, đảng viên Đảng Dân chủ xã hội, cho biết trong một cuộc phỏng vấn kéo dài một giờ với Đài truyền hình ARD của Đức.
* Thụy Sĩ từ chối gửi xe tăng cho Ukraine
Ngày 28-6, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ tuyên bố việc xuất khẩu 96 xe tăng Leopard 1A5 cho Ukraine "là không thể theo luật hiện hành".
"Việc mua bán như vậy sẽ trái với Đạo luật vật tư chiến tranh và sẽ dẫn đến việc Thụy Sĩ thay đổi chính sách trung lập", chính quyền Thụy Sĩ giải thích. Đạo luật vật tư chiến tranh cấm tất cả việc xuất khẩu nếu quốc gia nhận đang trong một cuộc xung đột vũ trang quốc tế.
Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ khẳng định "ưu tiên các cam kết của Thụy Sĩ với tư cách là một quốc gia trung lập và độ tin cậy của việc áp dụng luật pháp".
* Ba Lan muốn mua hàng tỉ USD vũ khí Mỹ
Theo Lầu Năm Góc ngày 28-6, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thương vụ trị giá 15 tỉ USD cho Ba Lan. Hợp đồng có thể sẽ bao gồm 48 bệ phóng tên lửa Patriot và 644 tên lửa đánh chặn PAC 3 của Patriot, các cảm biến cùng nhiều thiết bị liên quan.
Bất chấp sự chấp thuận của Bộ Ngoại giao Mỹ, thông báo không chỉ ra rằng một hợp đồng đã được ký kết hoặc các cuộc đàm phán đã kết thúc. Tuy nhiên, sự đồng ý của bộ này là một trong các điều kiện quan trọng để mua vũ khí.
Mối quan tâm của châu Âu đối với vũ khí của Mỹ đã tăng lên sau khi xung đột bùng nổ ở Ukraine. Nhu cầu tập trung vào các nguồn cung cấp như đạn dược, phòng không, thiết bị liên lạc, tên lửa vác vai Javelin và máy bay không người lái.
* Nga tập kích mục tiêu ở Syria
Nga đã tiến hành "các cuộc tấn công chính xác" vào một số mục tiêu gần thành phố Idlib phía tây bắc Syria, Chuẩn đô đốc Oleg Gurinov nói với Hãng tin Interfax ngày 28-6.
Theo ông Gurinov, các cuộc tấn công nhằm đáp trả việc phiến quân tấn công các lãnh thổ do Chính phủ Syria kiểm soát.
Cũng theo ông này, các mục tiêu là một chốt kiểm soát, kho chứa vũ khí và đạn dược. Ít nhất 18 tay súng nổi dậy Syria đã thiệt mạng.
Tuần trước, các nhân chứng và lực lượng cứu hộ cho biết máy bay phản lực Nga đã ném bom các ngôi làng và thị trấn gần Idlib. Vụ việc giết chết ít nhất 9 thường dân và làm bị thương hàng chục người khác.
* Thụy Điển lại phải chờ để vào NATO
Quốc hội Hungary sẽ không phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển trước kỳ nghỉ hè vì nước này chưa đưa cuộc bỏ phiếu vào chương trình nghị sự của phiên họp tuần tới, truyền thông Hungary đưa tin ngày 28-6.
Một số quan chức phương Tây cho biết các đồng minh NATO đã tích cực tiếp xúc Thổ Nhĩ Kỳ và ủng hộ đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Tuy nhiên, hiện vẫn không rõ việc có chấp thuận kết nạp Thụy Điển trước Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania vào tháng 7 này hay không.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn việc Phần Lan gia nhập NATO vào cuối tháng 3. Tuy nhiên Ankara vẫn tiếp tục phản đối Thụy Điển, cho rằng Stockholm chứa chấp các thành viên của các nhóm chiến binh mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.
* Đấu súng gần cơ sở ngoại giao Mỹ ở Saudi Arabia
Hãng thông tấn SPA của Saudi Arabia đưa tin một người đàn ông có vũ trang đã đấu súng với lực lượng an ninh nước này ở khu vực gần Tổng lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Jeddah. Vụ việc khiến thủ phạm và một nhân viên an ninh người Nepal thiệt mạng.
Theo SPA, nhân viên người Nepal, thuộc đội ngũ bảo vệ an ninh tư nhân của Tổng lãnh sự quán Mỹ, đã bị thương và tử vong sau đó. Nhà chức trách Saudi Arabia đang điều tra về vụ việc trên.
Mộ đạo
Các tín đồ Hồi giáo người Palestine đang cầu nguyện trong ngày đầu tiên của dịp lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo, tại nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở thành cổ Jerusalem hôm 28-6.