Pháp
có thể mang lại những gì cho các tập đoàn công nghiệp vũ khí của
Ukraina ? Họ tìm kiếm gì và có thể học hỏi được những kinh nghiệm nào từ
một quốc gia đang phải đối mặt với chiến tranh ? Phương Tây đánh cược
vào một đối tác không chỉ là một « kho lương thực của thế giới », mà còn
từng là « kho vũ khí » của Liên Xô. Tuy đang sa lầy trong chiến tranh,
nhưng Ukraina đã khẳng định thế thượng phong trong lĩnh vực công nghệ
chế tạo drone.
Tháng
05/2025 hơn 500 doanh nghiệp tham dự diễn đàn Liên Âu-Ukraina về công
nghệ quốc phòng, tổ chức tại Bruxelles. Ba tuần lễ sau đó, Paris thông
báo kế hoạch một hãng xe hơi của Pháp chế tạo drone ngay trên lãnh thổ
Ukraina, và được biết đó là hãng xe nổi tiếng Renault. Thông báo dự án
hôm 06/06/2025, bộ trưởng Quân Lực Sébastien Lecornu đã nói đến « Một
chương trình chưa từng có ». Còn trong mắt các tập đoàn công nghiệp vũ
khí thì Ukraina được ví như một « phòng thí nghiệm nơi cho ra đời những
sản phẩm phù hợp nhất với thực tế » của chiến tranh. Do phải đối mặt với
quân đội Nga từ tháng 02/2022 ngành công nghiệp quốc phòng Ukraina, mà
đặc biệt là trong lĩnh vực chế tạo drone đã chứng minh được khả năng
sáng tạo, với những phương tiện hạn hẹp để có được những sản phẩm « hiệu
quả » nhất và « hoàn toàn thích ứng với những đòi hỏi trên thực địa ».
Đó là điểm quan trọng nhất thu hút các tập đoàn và công ty khởi nghiệp
của Pháp trong lĩnh vực quốc phòng.
Drone và « chiến tranh du kích công nghệ »
Trong một bài tham luận đăng trên tạp chí chuyên về địa chính trị Revue des Conflits,
hồi tháng 03/2025 hai đồng tác giả, Arnaud Dassier và Mat Hauser ghi
nhận drone của Ukraina đã « cho thấy tính hiệu quả trong mọi lĩnh vực
(tình báo, tấn công sâu, tấn công chiến thuật, phá hủy tàu thuyền,
v.v.). Chúng cũng cho phép Ukraina tiến hành một dạng ‘chiến tranh du
kích công nghệ’ đủ mạnh để chặn đứng đà tiến của Nga » đặc biệt là các
loại drone biển rất hiệu quả ở Hắc Hải.
Arnaud Dassier là một
doanh nhân rất năng động tại Ukraina từ 2005, còn Mat Hauser là đồng
sáng lập viên công ty chuyên thu thập các thông tin về kinh tế Stratéon,
trụ sở tại Paris và Stratéon tập trung quan sát những cơ hội kinh doanh
tại Ukraina.
Trên đài truyền hình Pháp France 24 hôm 13/05/2025,
Mat Hauser, giải thích vì sao các nhà sản xuất vũ khí của Pháp xem
Ukraina là địa bàn hoạt động đầy hứa hẹn.
« Chúng tôi quan
niệm, do hoàn cảnh chiến tranh đẩy đưa, Ukraina đang chiếm lợi thế cực
kỳ lớn trong lĩnh vực quốc phòng. Đây là cơ hội cho phép các công ty của
Pháp học hỏi những kinh nghiệm của Ukraina đã được cọ sát với thực tế.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ quốc
phòng của chúng ta - còn được biết đến dưới tên gọi là một BIDT -tức là
nền tảng công nghiệp và công nghệ quốc phòng, đang rất chú ý đến những
chuyển động tại Ukraina. Sau hơn 3 năm chiến tranh, các doanh nghiệp
Ukraina đã liên tục phải thích nghi với tình huống, phải đổi mới với rất
nhiều phát minh về sản phẩm, và cũng đã phải tổ chức lại dây chuyền sản
xuất sao cho có những thành phẩm nhanh hơn, hoạt động hiệu quả và luôn
luôn bắt kịp những chuyển biến trên thực địa … Đương nhiên đây là những kinh nghiệm rất quý giá đối với Pháp trong lĩnh vực này ».
Một
điểm quan trọng khác thôi thúc các doanh nghiệp trong ngành của Pháp
nhanh chóng tìm kiếm các đối tác Ukraina, do trong những điều kiện khan
hiếm tất cả các « đầu vào/input » (vốn, nhân lực, thiết bị điện tử ...)
vậy mà phía Ukraina vẫn đáp ứng nhu cầu của quân đội, cung cấp 1,4 triệu
drone trong năm 2024 và có thể sẽ là 4 triệu drone trong năm nay. Trong
khi đó Pháp mới chỉ đề ra mục tiêu chế tạo 700 chiếc một năm.
Khi
còn thuộc về Liên Xô, Ukraina từng là « kho đạn » của Matxcơva, cung
cấp đến 30 % vũ khí đủ loại, từ đạn dược đến thiết giáp và tên lửa cho
Liên Bang Xô Viết. Giới trong ngành nhắc lại « Ukraina từng là một tên
tuổi trong số các nền công nghiệp quốc phòng, trong một thời gian dài
đây không chỉ là một vựa ngũ cốc của khối các nước xã hội chủ nghĩa mà
còn từng được mệnh danh là kho vũ khí của Liên Xô, rồi của nước Nga khi
Liên Xô tan rã. Kể từ 2015 sau khi Nga chiếm bán đảo Crimée, Ukraina mới
bắt đầu ngừng cung cấp vũ khí cho Matxcơva ».
Ukraina cần vốn và công nghệ mới
Trên
đài France24, Mat Hauser lưu ý, nhờ quá khứ đó mà Ukraina đã có sẵn
nhiều nền tảng vững chắc trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, có nhiều
trường đại học rất tốt để đào tạo ra các kỹ sư chuyên môn. Có điều do
không còn có thể xuất khẩu cho khách hàng duy nhất là Nga từ 10 năm qua,
nên các nhà sản xuất của Ukraina hơn bao giờ hết cần tìm kiếm những thị
trường mới. Đương nhiên là trong giai đoạn hiện tại, chiến tranh đã hủy
hoại một phần các cơ sở của Ukraina, và những nhà máy còn hoạt động là
nhằm đáp ứng nhu cầu quân sự để đối đầu với lực lượng của Nga. Nhưng
theo nhà quan sát này, các tập đoàn Âu Mỹ thực sự « nhìn xa hơn sau cuộc
chiến với câu hỏi là làm thế nào để đổi mới nền công nghiệp quốc phòng
của Ukraina ». Đồng sáng lập viên Stratéon, Mat Hauser phân tích :
«
Ngân sách quốc phòng của Kiev hiện tại là 50 tỷ đô la cho tài khóa
2025, đó là một số tiền rất lớn nhưng vẫn chưa đủ cho phép mua tất cả
những quân cụ nếu như Ukraina khai thác 100 % các khả năng sản xuất. Cụ
thể là nếu như mỗi nhà máy có khả năng sản xuất ra 100 khẩu súng thì
trên thực tế họ chỉ huy động các nguồn lực để sản xuất ra 30 khẩu, vừa
đủ cho nhu cầu của bên bộ Quốc Phòng. Họ dừng lại ở đó vì có sản xuất
thêm nữa thì cũng không biết để làm gì khi mà Nhà nước không có phương
tiện để mua thêm, khi mà các nhà máy Ukraina không được quyền xuất khẩu
70 cây súng còn lại cho bất kỳ một quốc gia nào khác. Từ khi có chiến
tranh năm 2022 tổng thống Zelensky ban hành lệnh cấm xuất khẩu vũ khí để
đối phó với quân Nga ».
Kiev cần thu hút đầu tư và công nghệ để trở thành một nguồn cung cấp vũ khí cho thế giới
Các doanh nghiệp Ukraina sắp được cởi trói
Giới
hạn này bị coi là một trở lực để các tập đoàn vũ khí Ukraina phát triển
và vươn mình ra thế giới. Nhưng Mat Hauser tiết lộ, Kiev đang chuẩn bị
một dự luật để tháo gỡ nút thắt đó. Điều này đã lập tức thu hút chú ý
của các doanh nhân Pháp và châu Âu, đặc biệt là nhân diễn đàn về công
nghiệp quốc phòng giữa Liên Hiệp Châu Âu và Ukraina hồi giữa tháng
5/2025 tại Bruxelles. Trong chiều hướng đó, Ukraine sẽ sớm mở cửa cho
đầu tư nước ngoài. Vì vậy, các công ty Mỹ, Anh và Đức đã bắt đầu định vị
để mua lại các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
« Dự
luật này hiện tại chưa được thông qua. Nhưng nhiều người quan niệm là để
phát triển, các nhà sản xuất của Ukraina cần đi tìm những thị trường
mới để xuất khẩu bởi vì không thể chỉ sản xuất để phục vụ nhu cầu nội
địa. Lĩnh vực tiêu biểu nhất nói lên điều này là ngành chế tạo drone và
đây cũng là chủ đề được mọi người chú ý đến nhiều hơn cả, nhưng thực ra
còn phải kể đến những lĩnh vực từ chế tạo xe bọc thép, đạn dược, đến sản
xuất bộ đàm với khả năng bảo mật cao hay các sản phẩm gây nhiễu sóng…
Chắc chắn là một khi kết thúc chiến tranh, Ukraina vẫn cần có được một
mạng lưới công nghiệp quốc phòng vững chắc. Đây sẽ là một điều mang tính
sống còn vì 2 lý do : một là phải tạo điều kiện để cho các
những người lính khi giải ngũ - mà trong số này có nhiều kỹ sư, hội nhập
trở lại vào đời sống chính trị của đất nước. Lý do thứ hai là cho dù có
vãn hồi hòa bình, Ukraina ý thức được rằng Nga vẫn là một mối đe dọa
cận kề nên cần có một nền công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ để tự vệ ».
Anh, Mỹ được coi là đã nhanh chân chen vào Ukraina. Còn các công ty Pháp thì sao ? Mat Hauser trả lời :
«
Có nhiều cách để tiếp cận thị trường Ukraina. Đương nhiên các hãng lớn
chủ trương mở công ty liên doanh. Thí dụ như đại tập đoàn Rheinmetall
của Đức đã ký hợp đồng cộng tác với Ukraina cùng chế tạo xe bọc thép.
Còn các hãng nhỏ thì quan tâm nhiều đến các công ty khởi nghiệp Ukraina.
Gần đây, một hãng của Pháp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo phục vụ các
hoạt động quân sự đã liên hệ để cộng tác và chia sẻ kinh nghiệm với
Ukraina… Nhìn chung, có khá nhiều đơn vị của Mỹ, của Đức, Anh, Đan Mạch,
Hà Lan và một vài hãng của Nhật đã đầu tư vào các công ty khởi nghiệp
của Ukraina, Pháp hơi chậm chân … Hình thức đầu tư này mang tính rủi ro
cao bởi vì như vừa nói hiện tại các doanh nghiệp của Ukraina chưa được
phép xuất khẩu tức là chỉ để phục vụ thị trường nội địa. Chiến tranh kết
thúc, coi như họ mất việc. Hơn nữa chắc chắn trong số các công ty khởi
nghiệp đang mọc lên, nhiều thực thể sẽ không tồn tại được một khi chấm
dứt chiến tranh, thị trường vũ khí của Ukraina sẽ phải được tổ chức lại
và những thực thể yếu kém nhất sẽ bị loại bỏ một cách tự nhiên. Thành
thử đầu tư nhiều vào Ukraina cũng là một bài toán đầy mạo hiểm ».
Ukraina có khả năng sản xuất nhanh, nhiều và có chất lượng
Vũ Khí - Quốc Phòng : Ukraina, « một dạng Trung Quốc thứ hai » đe dọa châu Âu ?
Theo đồng sáng lập công ty chuyên thu thập các thông tin về kinh tế hướng về Ukraina, nếu như Pháp « chậm chân hay bỏ lỡ cơ hội »
hơp tác với các nhà sản xuất vũ khi Ukraina, thì mối nguy hiểm hơn nữa
là sắp tới « nguy cơ vũ khí và thiết bị quân sự giá rẻ của Ukraina đe
dọa hàng của châu Âu và Pháp ».
« Phía Pháp còn hơi
rụt rè và chậm trễ trong việc dấn thân vào Ukraina và điều này nguy hiểm
ở hai khía cạnh : một là Pháp không nắm bắt được tiềm năng của thị
trường Ukraina, và hai là trong tương lai, thậm chí là với sự hỗ trợ của
các doanh nghiệp phương Tây khác, Pháp có nguy cơ bị hàng của Ukraina
cạnh tranh.
Tôi xin giải thích : Trong ba năm vừa qua,
Ukraina đã có những bước tiến rất xa về công nghệ chế tạo drone, về kỹ
thuật …. Vậy nếu không cộng tác với họ để nắm bắt được những kinh nghiệm
quý giá đó thì thật là phí ! Nhưng thành thực mà nói, đã có không ít
liên hệ giữa các doanh nghiệp của Pháp và Ukraina. Hơn nữa Ukraina từng
được mệnh danh là kho vũ khí của Liên Xô tức là họ đã có hẳn những nền
tảng và cơ sở vững chắc về quốc phòng. Ukraina có thể sản xuất vừa nhiều
vừa rẻ. Cho nên với vốn đầu tư nước ngoài, họ sẽ phát triển rất nhanh.
Ngay cả trên thị trường sản xuất các hệ thống pháo tự hành 155mm mà hiện
nay hệ thống CAESAR của Pháp nổi tiếng và phương Tây đã cung cấp cho
Ukraina, không loại trừ khả năng Ukraina cũng sẽ có một hệ thống pháo tự
hành với chất lượng gần được như của Pháp, nhưng với giá chỉ bằng một
nửa, thậm chí là 1/3 so với giá mỗi chiếc Caesar. Điều đó có nghĩa là
hàng của Ukraina sẽ cạnh tranh trực tiếp với vũ khí của Pháp. Tất cả vấn
đề nằm ở chỗ đó, thành thử chúng ta nên cộng tác với họ hơn là để họ
trở thành những đối thủ cạnh tranh sau này ».