Kiev đứng trước « Hòa bình Potemkine »
Le Point nhận
xét để chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraina, Donald Trump đề nghị một kế
hoạch nhằm làm yếu đi Kiev, coi Matxcơva là kẻ chiến thắng, gây nguy
hại cho an ninh toàn châu Âu. Theo báo chí Mỹ, tài liệu 11 điểm do đặc
sứ Steve Witkoff soạn thảo có nhiều nhượng bộ quan trọng cho Kremlin mà
điểm gây sốc là công nhận Crimée thuộc về Nga. Đây là lần đầu tiên kể từ
1945 Hoa Kỳ chấp nhận việc dùng vũ lực thay đổi biên giới ở châu Âu.
Matxcơva
cũng kiểm soát mặc nhiên lãnh thổ chiếm được ở Donbass, và việc trừng
phạt Nga được dỡ bỏ. Ngược lại, Ukraina bị mất 20 % lãnh thổ, không được
Hoa Kỳ bảo đảm an ninh, và cánh cửa NATO vẫn đóng chặt. Tóm lại, Trump
muốn áp đặt một « hòa bình Potemkine », theo Le Point, tức một
nền hòa bình giả tạo, nhằm che giấu sự đầu hàng của Mỹ trước việc đã rồi
do Nga thực hiện. Nguy hiểm ở chỗ Vladimir Putin thấy rằng gây chiến ở
châu Âu đem lại mối lợi lớn, và trước sự hào phóng của Donald Trump, sau
khi củng cố lực lượng ông ta sẽ lại đem quân tấn công Kiev trong vài
năm tới.
Điều may mắn cho châu Âu là từ ba năm qua Ukraina chứng
tỏ có thể kháng cự với sự giúp đỡ tối thiểu của phương Tây. Chính nhờ
lòng can đảm của họ mà châu Âu có thời gian để tái vũ trang, dù chỉ mới
bắt đầu, và chuẩn bị cho việc Mỹ rút khỏi cựu lục địa. Bởi vì điều quan
trọng không chỉ là Donald Trump phủi tay trước số phận Ukraina, mà là
ngày nay Kiev sở hữu một quân đội thiện chiến và hùng mạnh, nhờ đó có
thể chận được Putin trước khi quân của ông ta vượt được dòng sông
Dniepr.
« Liên minh tình nguyện » do Pháp và Anh thành lập và Đức
sẽ tham gia sau khi lập xong chính phủ ngày 06/05, là một khởi đầu tốt.
Cần phải giúp Kiev phát triển kỹ nghệ quốc phòng, tiếp tục cung cấp
những vũ khí, đạn dược mà Ukraina không sản xuất. Để viện trợ quân sự và
tái thiết Ukraina, Liên Hiệp Châu Âu nhất thiết phải huy động số 200 tỉ
euro đang bị phong tỏa của Nga (có thể cộng thêm 40 tỉ ở Anh). Kế hoạch
của Trump tạo cơ hội cho châu Âu đóng vai trò quan trọng trên trường
quốc tế, « tự chủ chiến lược » không phải là lời nói suông. Còn nếu cứ ù
lì, sắp tới chỉ còn cách tuân phục Nga và Mỹ.
Thỏa thuận khoáng sản : Điềm lành cho Ukraina ?
The Economist
chú ý đến sự kiện Hoa Kỳ và Ukraina ký thỏa thuận về khoáng sản, mà
tuần báo cho là điềm lành cho tiến trình hòa bình.Tuy các chi tiết cụ
thể của thỏa thuận vẫn chưa được công bố, nhưng quỹ đầu tư mới sẽ do Hoa
Kỳ và Ukraina sở hữu 50-50. Quỹ sẽ đầu tư vào việc khai thác các khoáng
sản quan trọng, bao gồm đất hiếm mà ông Trump rất quan tâm, cũng như
vào các lĩnh vực dầu khí. Tất cả lợi nhuận sẽ được tái đầu tư vào
Ukraina trong thập niên đầu tiên.
Dường như sau cuộc gặp mặt đối mặt ở Đại giáo đường Thánh Phê rô, đã có sự thay đổi. The Economist
cho biết cuộc gặp gỡ giữa hai tổng thống Donald Trump và Volodymyr
Zelensky do Pháp làm trung gian và được xác nhận vào phút chót. Các
nguồn tin từ Ukraina tiết lộ ông Zelensky đã tranh thủ 15 phút ngắn ngủi
để truyền tải một thông điệp đơn giản : Ukraine đã sẵn sàng ngừng bắn
vô điều kiện nhưng Nga thì vẫn cố chấp, và ông Trump không nên bỏ qua
một nền hòa bình mà chỉ mình ông mới có thể mang lại.
Một bài đăng
trên mạng xã hội của tổng thống Mỹ sau đó cho thấy rằng ông đã hiểu
được thông điệp, cho rằng Putin đã « lừa gạt » ông – đây là lời chỉ
trích mạnh mẽ nhất của Trump cho đến nay. Một nguồn tin của Mỹ cho
biết : « Lúc đầu, Trump rất thất vọng với Zelensky, bây giờ thì chuyển sang Putin ». Ngoại trưởng Ukraina Andriy Sibiha nhấn mạnh : « Nếu thực sự muốn hòa bình, Nga phải ngừng bắn ngay lập tức. Tại sao phải đợi đến ngày 8 tháng Năm ? ».
Nga
đã xê dịch một chút về « lằn ranh đỏ », chấp nhận đàm phán trực tiếp
với chính quyền Zelensky mà họ từng chế giễu là « bất hợp pháp ». Nhưng
Matxcơva tiếp tục câu giờ, đòi công nhận tất cả các vùng lãnh thổ mà họ
sáp nhập, bao gồm cả những nơi chưa chiếm được hoàn toàn. Ngoại trưởng
Nga Serguei Lavrov còn nói về « phi quân sự hóa » và « phi phát xít
hóa » Ukraina - những thuật ngữ vốn đã biến mất khỏi những bài phát biểu
của ông. Chủ trương cứng rắn này cho thấy Nga vẫn tiếp tục cuộc chiến
tiêu hao, trông cậy vào sự kiệt sức của Ukraina, và hy vọng Donald Trump
tiếp tục can dự.
« Nga cần hòa bình vì kinh tế đang suy sụp »
Trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo Denik N của Cộng hòa Sec được Courrier International dịch
lại, nhà kinh tế Nga Viaycheslav Shiryaev nhận định Vladimir Putin biết
rằng ông ta không còn nhiều thời gian cho cuộc chiến ở Ukraina vì kinh
tế đang xuống dốc không phanh. Tất cả các nguồn thu của Nhà nước đều
giảm sút, lạm phát phi mã. Nga không còn nằm trong top 10 các quốc gia
sản xuất xe hơi.
The Economist cho biết thêm, khi Hoa Kỳ
leo thang trong chiến tranh thương mại, dự báo tăng trưởng toàn cầu đã
lao dốc và giá dầu cũng giảm theo, gây cho Nga rất nhiều rắc rối. Trước
hết là ảnh hưởng đến chứng khoán, nơi các công ty dầu khí chiếm một phần
tư thị trường vốn hóa. Vào tháng Ba, thuế thu từ dầu khí đã giảm 17 %
so với cùng kỳ năm ngoái, thâm hụt ngân sách năm nay gia tăng vì nguồn
thu năng lượng bị mất đến 24%. Ông Trump tuy ưu ái Putin, nhưng với cuộc
thương chiến, ông đã « bẻ gãy răng » Putin - tuần báo ví von.
Trung Quốc có thể sớm thách thức Mỹ ở Đài Loan
Nhìn sang châu Á, The Economist chạy tít trang nhất « Trắc nghiệm Đài Loan ». Những
năm gần đây, tình hình rất căng thẳng, và Hoa Kỳ có thể bị thách thức ở
Đài Loan sớm hơn dự kiến. Trong ba cuộc bầu cử tổng thống liên tiếp,
đảng Dân Tiến (DPP) đều giành chiến thắng. Các nhà chiến lược Mỹ hy vọng
một khi Đài Loan vẫn tỏ quyết tâm chiến đấu cho độc lập thì Tập Cận
Bình sẽ hoãn lại ý đồ xâm lược. Họ cho rằng ông Tập không thể đặt cược
di sản của mình và tương lai của đảng cộng sản vào một cuộc chiến tranh
có thể dẫn đến thảm họa.
Nhưng ngày nay, có ba yếu tố khiến lý lẽ
này trở nên không chắc chắn. Trước hết, dưới thời Trump, Mỹ bị mất khả
năng răn đe do thương chiến gây phản tác dụng. Năm 2024, Donald Trump
nói rằng nếu Bắc Kinh xâm lăng Đài Loan ông sẽ áp thuế từ 150 đến 200 %
lên hàng Trung Quốc. Nhưng nay mức thuế đã là 145 % : Mỹ đã bắn ra phát
súng của mình. Đài Loan cũng phải đối mặt với tỉ lệ thuế 32 %, và Trump
đang gây sức ép để tập đoàn TSMC chuyển các nhà máy chip bán dẫn sang
Mỹ.
Thứ hai, kế hoạch mới của Trung Quốc tránh được những nguy
hiểm của việc đưa quân trực tiếp xâm lược. Dù vẫn vận dụng vũ lực như
dùng 38 chiến hạm bao vây trong cuộc tập trận Strait Thunder gần đây,
nhưng Trung Quốc chú trọng chiến thuật vùng xám, mà theo The Economist thì
nghiêm trọng hơn cả chiến tranh công khai. Đứng đầu danh sách là việc
phong tỏa tạm thời, kiểm tra hải quan các tàu ở vùng biển Đài Loan, nhờ
lực lượng tuần duyên quy mô.
Trump sẽ tham chiến, hay để cho Bắc Kinh nuốt chửng đảo quốc ?
Mục
tiêu là làm suy yếu chủ quyền Đài Loan, gieo rắc nghi ngờ trong người
dân đảo quốc là Hoa Kỳ sẽ không can thiệp, thuyết phục họ rằng kháng cự
chỉ vô ích. Các hoạt động tâm lý được Bắc Kinh tiến hành dồn dập. Trong
bốn năm qua, số vụ truy tố vì tội gián điệp tại các tòa án Đài Loan đã
tăng gấp bốn lần. Kể từ khi tổng thống Lại Thanh Đức phát động chiến
dịch chống lại sự xâm nhập của Trung Quốc hồi tháng Ba, ít nhất năm
thành viên của đảng cầm quyền (trong đó có cả một cựu trợ lý của ông) đã
bị điều tra vì làm tay trong cho Bắc Kinh.
Các chiến thuật vùng
xám được vạch ra để khai thác yếu tố thứ ba, là sự rối loạn của chính
trường Đài Bắc. Tổng thống Lại Thanh Đức bị Quốc Hội do Quốc dân đảng
kiểm soát ngáng chân, không thể thực hiện các biện pháp quyết liệt như
tăng chi quốc phòng, bớt lệ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, chuẩn bị cho
một cuộc khủng hoảng. Nếu cam kết của Mỹ yếu đi, Đài Loan sẽ bớt quyết
tâm hơn và nếu Đài Bắc không sẵn sàng tự vệ thì Washington ít muốn can
thiệp, cái vòng lẩn quẩn này dẫn đến nguy cơ là Đài Loan rơi vào tay Bắc
Kinh mà không mất một phát súng nào.
Trump có thể leo thang,
nhưng thay vì một cuộc chiến tranh nguyên tử với Trung Quốc, ông có thể
để đảo quốc tuột khỏi tay, hay ký một thỏa thuận mà trên thực tế là bỏ
rơi. Đây sẽ là thảm họa cho nền dân chủ Đài Loan, và phương Tây sẽ gặp
rắc rối với việc cung ứng chip bán dẫn. Đây không hẳn là hồi kết cho sự
thống trị của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, nhưng sẽ mất rất nhiều công sức
để gầy dựng lại. Quân đội Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng, lực lượng Mỹ từ
chuỗi đảo thứ nhất gần Hoa lục sẽ phải chuyển sang bảo vệ chuỗi đảo thứ
nhì nối Nhật Bản với đảo Guam. Các đồng minh châu Á cần đến các hiệp ước
kinh tế và quân sự mới để trấn an, nếu không họ có thể tìm cách sở hữu
vũ khí hạt nhân.
Con nuôi gốc Việt ở Pháp tìm về nguồn cội
Nhân 50 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc, Le Nouvel Obs
có bài phóng sự về những trẻ « bụi đời », con lai có cha là lính Mỹ, mẹ
Việt. Tuần báo gặp gỡ Guillaume và Rémy, có cha mẹ nuôi người Pháp,
đang tìm về cội nguồn. Dấu vết duy nhất mà Guillaume Bordier có được là
tấm hộ chiếu Việt Nam Cộng Hòa với ảnh một đứa bé tên Bùi Tấn Dũng, địa
chỉ Tu viện Đà Nẵng, tức viện mồ côi. Gia đình Bordier còn nhận nuôi hai
bé gái người Việt nữa, nhưng chỉ có Guillaume lai da đen.
Rémy
Gastambide cũng là con lai, nhưng cha mẹ nuôi người Pháp không muốn nhắc
đến nguồn gốc. Năm 1992, hai năm trước khi Bill Clinton bỏ cấm vận,
Rémy sang Việt Nam và gặp nhiều trẻ lai « bụi đời ». Tại trung tâm phụ
trách chương trình hồi hương Amerasian Homecoming Act, những trẻ này đôi
khi bị từ chối vì chẳng có giấy tờ gì chứng minh ngoài khuôn mặt. Khi
Sài Gòn thất thủ, nhiều phụ nữ có quan hệ với « kẻ thù » đã sợ hãi đốt
hết giấy tờ. Rémy tìm được bà giám đốc viện mồ côi nhưng tài liệu đều đã
bị tiêu hủy.
Rồi đến lúc có thể đặt xét nghiệm ADN qua internet,
năm 2015 Guillaume tìm được người anh em cùng mẹ khác cha là Joe ở Hoa
Kỳ. Rémy cũng xét nghiệm ADN năm 2017, tìm được một người anh em họ và
sau đó là người cha. Ông cho biết trong thời chiến từng phụ trách hồi
hương các KIA (“killed in action”) tức lính Mỹ tử trận, luân chuyển từ
căn cứ không quân ở Pleiku và Tân Sơn Nhứt, và đưa cho Rémy tấm hình một
cô gái Việt tươi cười.
Rémy quay lại Việt Nam, nhờ chương trình «
Như chưa hề có cuộc chia ly » tìm kiếm nhưng vẫn không tìm được mẹ.
Guillaume cho biết khi được nhận nuôi, anh là một đứa bé đau yếu đến nỗi
bác sĩ cho rằng sẽ không qua khỏi, anh biết đi rất chậm. Nhưng nay anh
là vũ công và biên đạo múa, cả một phép lạ. Ngày 06/07 tới, Guillaume sẽ
là vũ công ngôi sao trong vở nhạc kịch « la Traviata ».
Libération
tìm lại được ba trong số những trẻ em may mắn sống sót sau vụ rớt máy
bay trong chiến dịch Babylift của Mỹ năm 1975, được nhận làm con nuôi ở
Pháp. Sau 50 năm, họ đi tìm lại gia đình nhờ xét nghiệm ADN và nhờ
truyền thông, mạng xã hội.
Còn lại gì, tình đoàn kết châu Âu sau Đệ nhị Thế chiến ?
Le Nouvel Obs dành hồ sơ cho « 1945, năm tái thiết nước Pháp ».
Ngày 08/05/1835, Đệ tam Quốc xã đầu hàng. Tám mươi năm sau, một nhà độc
tài khác là Vladimir Putin xuất hiện, khởi động một cuộc chiến thảm
khốc với Ukraina để chiếm đoạt lãnh thổ trước đây bị Hồng quân của
Stalin sáp nhập. Ngay giữa lòng châu Âu, những trận oanh tạc vào Kiev
nhắc lại những thảm cảnh trong Đệ nhị Thế chiến, và trên mặt trận
Donbass, mấy chục ngàn chiến binh Ukraina xả thân bảo vệ tổ quốc. Hòa
bình, dân chủ, nhân quyền…những giá trị của Hiến chương Liên Hiệp Quốc
thông qua ở San Francisco tháng 6/1945 bị chính tổng thống Hoa Kỳ hiện
nay bác bỏ.
Trump phản bội các người tiền nhiệm Roosevelt và
Truman, những tổng thống đã xúc tiến một trật tự thế giới mới dưới sự
bảo vệ của Hoa Kỳ để chống lại Liên Xô toàn trị. Tổng thống thứ 47 muốn
thỏa thuận với cựu nhân viên KGB đã trở thành bạo chúa ở Matxcơva, coi
các đồng minh châu Âu truyền thống là « kẻ lợi dụng », đe dọa sáp nhập
Canada, quốc gia có chủ quyền đã mất 45.000 quân nhân trong Đệ nhị Thế
chiến. Cuộc chiến tranh thương mại của ông làm gia tăng nguy cơ một cuộc
chiến thực sự. Thế giới năm 1945 dường như đang sụp đổ trước mắt chúng
ta.
Tại Pháp, tinh thần 1945 dựa trên tư tưởng cấp tiến : tái
thiết một quốc gia kiệt quệ sau bốn năm bị Đức quốc xã chiếm đóng, bị
phá hủy một phần vì các chiến dịch quân sự nhằm giải phóng. Chiếc chìa
khóa để phục hồi là sự đồng thuận của phong trào kháng chiến. Các phe De
Gaulle, Dân chủ Thiên Chúa giáo, Xã hội, Cộng sản đều đồng lòng để vực
dậy đất nước ; dưới sự lãnh đạo của Nhà nước và ba biện pháp quốc hữu
hóa, kế hoạch hóa và cải cách xã hội.
Giờ đây còn lại gì, cố làm
sống lại tình đoàn kết quốc gia chăng ? Theo tuần báo, để đối phó với
thế trận mới trên toàn cầu, từ quốc phòng đến cuộc cách mạng kỹ thuật số
và chuyển đổi năng lượng, chỉ có thể thực hiện ở tầm châu Âu. Khi thăm
Bruxelles, ngày 11/10/1945, tướng De Gaulle đã dự báo hy vọng về một
ngày nào đó có sự liên kết của tất cả các dân tộc châu Âu. Bài xã luận
của Le Nouvel Obs kết thúc bằng câu « Tinh thần 1945, hãy thức giấc ! »
Tựa chính các tuần báo
L’Express nói về « Pháp-Algérie : Cuộc chiến tranh bí mật giữa các điệp viên ».
Đối lập bị tấn công, đại biểu bị đe dọa...cuộc xung đột ngoại giao hiện
nay đi kèm với cuộc chiến giữa các nhân viên tình báo ở Paris và Anger.
Hồ sơ của tuần báo lần lượt điểm qua 60 năm quan hệ rối ren, trong đó
các điệp viên Algérie hành động theo phương pháp KGB với những vụ ám sát
người bất đồng chính kiến. Mỗi khi có khủng hoảng giữa hai nước, cơ
quan phản gián Pháp thường bị cáo buộc là âm mưu lật đổ chính quyền
Alger, mà theo tuần báo là hoang tưởng, nhưng cũng có khi là sự thật.
Le Point
phỏng vấn đạo diễn kiêm kịch tác gia Nicolas Bedos, vừa xuất bản cuốn
sách nói về sự suy sụp tinh thần sau bản án một năm tù vì quấy rối tình
dục. Courrier International tuần này dành hồ sơ cho « Khoa học, thời kỳ tăm tối »
khi bị cắt ngân sách, hủy bỏ các chương trình nghiên cứu về giới tính,
khí hậu, vắc-xin, đa dạng văn hóa…Chỉ 100 ngày cầm quyền, Donald Trump
đã gây hậu quả lâu dài cho nghiên cứu và sáng tạo ở Mỹ và trên thế giới.