Trong
cuộc bỏ phiếu vòng một ngày 04/05/2025, ứng viên tổng thống George
Simion, lãnh đạo đảng cực hữu Liên minh Đoàn kết Rumani (AUR), theo xu
hướng chủ nghĩa dân tộc, đã về đầu với 41% số phiếu. Ông sẽ đối đầu với
ứng viên cánh trung, ủng hộ châu Âu, Nicusor Dan, thị trưởng Bucarest,
vào ngày 18/5. Một cuộc đọ sức sẽ được Washington và Bruxelles, thậm chí
cả Matxcơva theo dõi chặt chẽ.
Chiến
thắng áp đảo này của ông George Simion được cho như là một đòn sét đánh
vào cánh trung tại Rumani nói riêng và trong Liên Hiệp Châu Âu nói
chung. Việc Tòa Bảo Hiến Rumani hồi cuối tháng 12/2024 hủy kết quả cuộc
bầu cử vòng một diễn ra một tháng trước đó đã không ngăn cản được đà
tiến của phe cực hữu chủ trương bài châu Âu, chống viện trợ quân sự
Ukraina, mang nặng chủ nghĩa dân tộc, chủ quyền quốc gia.
Nhưng có
lẽ, cú sốc chính trị đầu tiên là vào ngày 24/11/2024. Ứng viên đảng cực
hữu Calin Georgescu, một nhân vật ít có tiếng tăm, chủ trương thân Nga,
bài Do Thái, chống tiêm ngừa Covid, đã gây bất ngờ khi về đầu vòng một
bầu cử tổng thống với gần 23% lá phiếu ủng hộ. Một cú sốc lớn cho các
đảng truyền thống, thay phiên nhau cầm quyền tại Rumani kể từ khi chế độ
cộng sản sụp đổ vào cuối những năm 1980.
Đòn sét đánh thứ hai là
vào tháng 12/2024, hai ngày trước khi diễn ra vòng hai cuộc bỏ phiếu,
đối đầu giữa Georgescu và một ứng viên ủng hộ châu Âu, tòa Bảo Hiến
Rumani ra phán quyết rằng quy trình bầu cử đã bị vi phạm và do vậy phải
hủy bỏ.
Và đến ngày 11/03/2025, hai tháng trước khi tổ chức lại
vòng một bầu cử, Ủy ban Bầu cử thông báo loại ông Calin Georgescu khỏi
cuộc tranh cử tổng thống. Ông bị chỉ trích là đã có những phát biểu phê
phán việc Rumani gia nhập châu Âu và NATO, được hưởng lợi từ những can
thiệp bất hợp pháp từ Nga, bao gồm cả các chiến dịch gây ảnh hưởng trên
Tik Tok. Cuối tháng 2/2025, Georgescu đã bị cảnh sát bắt giữ và bị buộc 6
tội danh, bao gồm cáo buộc âm mưu chống lại an ninh Nhà nước.
Lạm phát, nạn tham nhũng : Sự bất tài của các đảng truyền thống
Cuộc
bầu cử tổng thống 2025 diễn ra vào lúc Rumani, với hơn 19 triệu dân,
quốc gia đông dân nhất tại Đông Âu, đang phải đối mặt với tình hình kinh
tế khó khăn. Thoát khỏi chế độ cộng sản vào cuối những năm 1980, gia
nhập NATO vào năm 2004 và Liên Hiệp Châu Âu năm 2007, Rumani vẫn nằm
trong số các nước thành viên Liên Âu nghèo nhất.
Lạm phát tăng
cao, nạn tham nhũng trầm kha là những yếu tố khiến người dân mất niềm
tin vào giới chính trị gia, đồng thời lên án sự thụ động của họ. Trong
chương trình Địa Chính Trị, nhà báo Florentin Cassonnet, làm việc cho tờ
Courrier des Balkans, ghi nhận :
« Có một cảm giác bất an lớn
sau 20 năm gia nhập Liên Âu. Ngày nay người dân Rumani bắt đầu nhìn sự
việc với một góc nhìn lo lắng nhiều hơn so với năm 2007, thời điểm họ
gia nhập Liên Âu. Vào lúc đó, việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu được xem
như là một liều thuốc chữa bách bệnh. Giờ đây, đối với một bộ phận người
dân, khi xem xét lại sự việc, họ nhận thấy rằng Liên Hiệp Châu Âu không
đồng nghĩa với sự giầu có. Bởi vì có việc mở cửa thị trường, bãi bỏ các
quy định về kinh tế, và nhiều người cảm thấy dễ bị tổn thương. Rồi còn
có sự cạnh tranh giữa người này với người khác làm mất đi sự đoàn kết
giữa họ với nhau. »
Nếu như việc Tòa Bảo Hiến hủy bỏ kết quả
vòng một bầu cử tổng thống tháng 11/2024 và cấm ông Calin Georgescu ra
tranh cử đã khiến những người ủng hộ ông bất bình, ồ ạt xuống đường phản
đối, cuộc khủng hoảng bầu cử tại Rumani còn làm nổi rõ sự cạnh tranh
giữa « liên minh Trump và Putin để chống lại phe theo chủ nghĩa trung dung ở châu Âu » theo như ghi nhận của trang Politico ngày 10/03/2025.
Vai trò của Tik Tok
Rumani
có một vị trí địa chiến lược quan trọng đối với Liên Hiệp Châu Âu, nhất
là từ khi chiến tranh Ukraina bùng nổ. Quốc gia Đông Âu này có 600 km
đường biên giới chung với Ukraina, và hiện là điểm trung chuyển quan
trọng cho các thiết bị quân sự phương Tây gởi đến Kiev. Rumani sắp tiếp
nhận căn cứ hải quân lớn nhất của NATO tại châu Âu, hiện đang trong quá
trình xây dựng.
Trong tầm nhìn này, Rumani đang trở thành một địa
bàn cho cuộc chiến hỗn hợp do Nga tiến hành. Cuộc bầu cử tổng thống
Rumani cũng nằm trong chiến lược gây bất ổn của Nga. Chiến dịch này đều
được thực hiện qua Tik Tok, ứng dụng được sử dụng rộng rãi nhất tại
Rumani.
Theo trang Le Devoir ngày 03/05/2025, trên Tik Tok, những
người gây ảnh hưởng dường như đã giúp thao túng cử tri bằng cách chia sẻ
rộng rãi các nội dung ủng hộ Nga do các bot đăng tải và có lợi cho ứng
cử viên Calin Georgescu. Bà Silvia Marton, giảng viên trường đại học
Khoa học Chính trị tại Bucarest, xác nhận kết luận của một số nhà quan
sát hiểu rõ vấn đề này, cho biết các tuyên truyền chống hệ thống dường
như có sự hỗ trợ gián tiếp của các cựu quân nhân, các lãnh đạo doanh
nghiệp có lợi ích ở Nga, cũng như các thành viên của Giáo hội Chính
thống giáo.
Putin : Mẫu người của truyền thống, biểu tượng cho nam tính
Vì
sao đông đảo cử tri tại Rumani, một nước thành viên NATO, lại tỏ ra
thân Nga, ủng hộ Putin ? Chiến tranh Ukraina là yếu tố quan trọng trong
cảm nhận của người dân Rumani. Tại những vùng giáp biên với Ukraina,
việc thường xuyên được nhận báo động nhiều lần trong tuần, nguy cơ các
mảnh vỡ tên lửa hay drone rớt xuống từ trên không khiến cảm giác bất an,
lo lắng và mong mỏi một nền hòa bình bền vững ngày càng lớn.
Georgescu
khi vận động tranh cử từng tuyên bố rằng thắng lợi bầu cử của ông là
một thắng lợi hòa bình. Thế nên, theo quan điểm của giáo sư danh dự
Catherine Durandin, trong chương trình Địa Chính Trị trên đài RFI Pháp
ngữ, « ông Putin đại diện cho mẫu người đàn ông của chiến thắng, có
các giá trị gia đình truyền thống, chính thống (..) Vì vậy, có một sự
thu hút đối với một người của hòa bình, vì ông Putin được coi là người
của hòa bình, Macron là người của chiến tranh, và Liên Hiệp Châu Âu thì
đang tranh luận về chiến tranh. Theo tôi, điều này rất quan trọng như
một sự thao túng hình ảnh, một kiểu làm tỏa sáng quyền lực bên ngoài hệ
thống nghị viện. »
Trump – Putin bắt tay để chống Bruxelles ?
Nhưng
không chỉ có Nga ra sức tác động lên bầu cử Rumani. Sau khi có thông
báo hủy kết quả vòng một và tổ chức lại cuộc bỏ phiếu, nhà tỷ phú Mỹ
Elon Musk đã đăng hàng chục tweet lên án nhà nước Rumani là chuyên chế
và bày tỏ ủng hộ Georgescu. Phó tổng thống Mỹ J. D. Vance dạy cho các
nước đồng minh một « bài học » dân chủ tại Hội nghị An ninh Munich khi
lấy Rumani làm ví dụ điển hình:
« Nếu nền dân chủ của quý vị
có thể bị phá hủy chỉ vì vài trăm ngàn đô la tiền quảng cáo kỹ thuật số
do một quốc gia nước ngoài chi trả, thì nền dân chủ đó ngay từ đầu đã
không vững mạnh rồi. Sẽ không có sự an toàn nếu một người sợ ý kiến
của chính người dân nước mình. »
Theo giới quan sát, Rumani
đang đối đầu với một trục Trump – Putin liên quan đến việc thúc đẩy tư
tưởng sức mạnh nam giới. Một hệ tư tưởng mà ngày càng nhiều người Rumani
tuân theo và cũng khiến họ nhìn Vladimir Putin dưới một góc độ khác,
như bà Catherine Durandin giải thích ở trên.
Nhưng có lẽ trên hết,
đối với Matxcơva cũng như đối với Washington thời Trump 2.0, Rumani
dường như là một quân cờ trong cuộc chơi quyền lực chống Bruxelles. Sự
co cụm theo chủ nghĩa dân tộc được Trump và Putin kích động không có gì
là mới, nhưng với việc Rumani có một nhà lãnh đạo có cùng quan điểm với
họ, châu Âu khó mà nói cùng một tiếng nói, nhất là về hồ sơ Ukraina,.
Trên đài ARTE, Aurélien Duchene, cố vấn địa chính trị, nhận xét :
« Nỗ
lực can thiệp lớn này của Nga chính là ý tưởng cho rằng sau Hungary và
Slovakia, Rumani có thể là một quân cờ domino dễ đổ. Mục tiêu tiếp theo
là Hy Lạp chẳng hạn. Chính quyền Trump cũng có cách nhìn tương tự về
Rumani, nghĩa là xem nước này như một quân cờ tiềm tàng để chia rẽ sự
đoàn kết của châu Âu, ví dụ như để ngăn chặn những nỗ lực nhằm giải
phóng quốc phòng châu Âu khỏi sự giám hộ của Mỹ. »
Dù vậy,
các nhà quan sát đều có chung nhận xét : « Mê » Nga không có nghĩa là
Rumani sẽ rời bỏ NATO, ngả hẳn theo Matxcơva. « Thân thiện với Putin,
Hòa bình với Nga nhưng Bảo đảm an ninh vẫn là Mỹ », đây có lẽ cũng là
mong mỏi của khoảng 41% cử tri ủng hộ ứng viên cực hữu Georges Simion,
người ủng hộ tư tưởng của Trump, đã về đầu cuộc bỏ phiếu ngày
04/05/2025.