Chiến
tranh ở Ukraina chừng như bị chìm khuất sau hồ sơ Trung Đông, Donald
Trump gây áp lực lên Israel để ngưng bắn tại Gaza. Bất mãn với tổng
thống Mỹ, tỉ phú Elon Musk lập đảng mới. Đó là một số vấn đề được bàn
bạc nhiều trên mặt báo hôm nay, 07/07/2025.
Trung Đông đẩy Ukraina xuống hàng thứ yếu
Trong bài « Ukraina, cuộc chiến tranh bị lãng quên ? » Les Echos
nhận định sau khi Israel và Mỹ oanh kích vào các cơ sở nguyên tử Iran,
cuộc chiến ở Ukraina chừng như bị đẩy xuống hàng thứ yếu trong những mối
quan tâm của truyền thông và ngoại giao phương Tây.
Hôm 30/06 khi thăm Kiev, ngoại trưởng Đức Johann Wadephul tái khẳng định : «
Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên quyết ủng hộ để Ukraina có thể tự vệ thành
công, nhờ hệ thống phòng không hiện đại và các loại vũ khí khác, cũng
như viện trợ nhân đạo và kinh tế ». Tuy nhiên căng thẳng ở Trung
Đông đã khiến quốc tế ít quan tâm đến cuộc xâm lăng của Nga, đến nỗi
tổng thống Trump rời hội nghị thượng đỉnh G7 sớm để xử lý.
Các nhà
lãnh đạo G7 cũng không thỏa thuận được về một thông cáo chung về
Ukraina do Hoa Kỳ phản đối. Theo Reuters, Washington từ chối thêm vào
những tuyên bố cứng rắn đối với Nga để tránh ảnh hưởng đến nỗ lực thương
lượng. Nhiều nguồn tin ngoại giao châu Âu bày tỏ bất bình trước thái độ
của Mỹ, tuy ông Trump cũng tỏ ý muốn tăng áp lực lên Vladimir Putin
nhưng không có cam kết cụ thể nào. Trên thực tế Nhà Trắng đã ngưng giao
một số vũ khí Mỹ cho Kiev.
Tâm trạng chán nản khi chiến tranh kéo dài
Các
cuộc thảo luận của các ngoại trưởng G7 cũng chuyển hướng từ Ukraina
sang việc tìm giải pháp ngoại giao cho Teheran và Jerusalem, về chương
trình nguyên tử Iran. Dù tổng thư ký NATO Mark Rutte tái khẳng định ủng
hộ Ukraina, thông cáo chung không mạnh mẽ bằng kỳ họp trước.
Hiện diện tại hội nghị, tổng thống Volodymyr Zelensky cảnh báo « không có dấu hiệu nào cho thấy Vladimir Putin muốn chấm dứt chiến tranh », nhấn mạnh rằng « Nga bác bỏ tất cả đề nghị hòa bình ».
Nhà phân tích Alexander Khara cho biết, Zelensky cố giải thích cho
Trump rằng Putin không có lợi gì khi ngưng bắn, nhưng có lẽ Trump vẫn
tin là sẽ gây ảnh hưởng được với nhà độc tài Nga.
Nhìn rộng hơn,
nhiều nhà nghiên cứu khác nêu ra tâm trạng chán nản khi cuộc chiến sa
lầy, và thời sự quốc tế hướng sang những ưu tiên khác. Tại Hoa Kỳ, một
thăm dò của Pew Research đầu năm 2025 cho biết 30 % người Mỹ cho rằng
nước mình đã làm quá nhiều cho Ukraina, chỉ có 22 % thấy là trợ giúp
chưa đủ. Điều tra của YouGov cuối 2024 tại 7 nước Tây Âu cho biết đa số
người được hỏi nay muốn đàm phán thay vì hỗ trợ quân sự cho đến khi
Ukraina chiến thắng. Một số nhà lãnh đạo phương Tây ý thức được sự nguy
hiểm nếu Nga thắng, chẳng hạn đại diện ngoại giao châu Âu Kaja Kallas đã
lặp lại câu nói của tổng thư ký NATO : « Nếu không giúp Ukraina nữa, chúng ta sẽ phải học tiếng Nga ».
Tình báo Nga tuyển mộ thiếu niên Ukraina đặt bom
Cũng liên quan đến Ukraina, La Croix
báo động về hiện tượng các thiếu niên Ukraina được tình báo Nga tuyển
mộ để đặt bom. Từ một năm qua, FSB đẩy mạnh chiến dịch này. Trên các ứng
dụng Telegram, TikTok, WhatsApp có những công việc kiếm tiền dễ dàng :
giao một gói hàng, chia sẻ thông tin, chụp hình một địa điểm cụ thể, vẽ
tranh lên một bức tường được chỉ định…Sau đó sẽ đến các nhiệm vụ nhiều
rủi ro hơn như phá hoại, tấn công các trung tâm tuyển quân, thậm chí
giết người.
Phía sau những việc được trả từ 100 đến 1.000 euro có
bàn tay của FSB. Cơ quan tình báo Ukraina SBU đã xác định được 700 cá
nhân được Nga tuyển dụng trên mạng, trong đó có 175, tức một phần tư, là
vị thành niên. Để đối phó, SBU cố gắng cảnh báo người dân bằng nhiều
phương tiện : áp-phích, gởi hàng loạt tin nhắn, quảng cáo trên truyền
hình và xe lửa, các sĩ quan luân phiên đến những trường học. Thông điệp
rất đơn giản : có thể chịu trách nhiệm hình sự từ 14 tuổi nếu phạm tội
cưỡng hiếp, băng đảng hay cố sát.
Các thủ phạm nhỏ tuổi không phải
lúc nào cũng ý thức được là đang chống lại Tổ quốc. Tại Kharkiv, hai
người bạn ở lứa tuổi 15 ngỡ rằng đang tham gia trò chơi đếm các đơn vị
phòng không xung quanh thành phố. Hai học sinh khác nhận việc đặt một
túi xách ở nhà ga xe lửa, sau đó bom nổ làm một trong hai tử thương và
ba người khác bị thương. Chuyên gia an ninh mạng Oleksandr Bakalysnskyi
giải thích, nhiều năm qua, các băng nhóm buôn lậu, ma túy vẫn dùng mạng
xã hội để tuyển người làm những công việc lặt vặt, trả bằng tiền mặt
hoặc tiền ảo, nên ít ai đặt câu hỏi. Còn nếu ứng viên hỏi thêm, FSB
không ngần ngại giả danh là tình báo Ukraina, nói rằng nhiệm vụ được
giao nhằm phục vụ cho lợi ích đất nước.
Tuy vậy cũng có những
trường hợp phản quốc thực sự, như báo cho Nga tin chuyển quân, cố tình
gài bom…Nhà tâm lý học Marianna Nitch nhắc nhở Nga đã xâm lăng Donbass
từ 2014 và chiếm Crimée, cả một lứa tuổi lớn lên trong bối cảnh xung
đột, có những người đổ lỗi cho quân đội Ukraina làm họ phải chịu khổ.
Chưa kể đến mối quan hệ bạn bè ở vùng chiếm đóng hay những nước bị ảnh
hưởng bởi tuyên truyền của các lực lượng thân Nga. Theo Reuters, ít nhất
12 thiếu niên Ukraina bị bắt tại Đức, Ba Lan, Litva, Anh vì làm gián
điệp cho Nga hoặc phá hoại.
Thủ tướng Israel dưới áp lực của Trump về ngưng bắn ở Gaza
Về Trung Đông, các báo có cùng nhận định là thủ tướng Israel đang chịu áp lực của tổng thống Mỹ để ngưng bắn tại Gaza. Le Figaro
cho biết, hôm qua hai phi cơ đã cất cánh từ Israel. Một chiếc chở ông
Benjamin Netanyahu đến Washington để gặp Donald Trump lần thứ ba trong
nhiệm kỳ hai, bàn về nguyên tử Iran và ngưng bắn ở Gaza. Và chiếc kia
bay đến Doha, với ê-kíp các nhà đàm phán Israel, sẵn sàng tái lập thương
lượng gián tiếp với Hamas. Đúng 21 tháng kể từ vụ khủng bố ngày
07/10/2023, các cuộc hội đàm này có thể mang tính quyết định, đánh dấu
giai đoạn đầu tiên hướng về hồi kết của một cuộc chiến chưa bao giờ dài
như thế của Israel.
Sau chiến thắng trước Iran, Donald Trump dứt
khoát muốn giải quyết vấn đề Gaza, nhưng như thường lệ, đối với những hồ
sơ quan trọng, Benjamin Netanyahu chỉ quyết định vào phút chót. Thủ
tướng Israel chịu một áp lực khác theo hướng ngược lại : Trong liên minh
cầm quyền, hai nhân vật cực đoan Bezalel Smotrich và Itamar Ben Gvir
phản đối tái lập viện trợ nhân đạo vì cho rằng làm như vậy chỉ giúp cho
Hamas – vẫn đang gieo rắc sợ hãi tại Dải Gaza. Họ đe dọa từ chức,đòi
tiếp tục chiến đấu, vì coi đây là cơ hội lịch sử để kiểm soát dải đất
này.
Theo các nhà đàm phán Israel, thời điểm hiện nay thuận lợi
cho ngưng bắn, nhưng hãy « còn nhiều viên sỏi trên đường ». Từ quy mô
rút quân, viện trợ nhân đạo do các cơ quan Liên Hiệp Quốc phụ trách, cho
tới vị trí chính trị của Hamas thời hậu chiến, các quan điểm của Hamas
đều đối nghịch với chính phủ Israel, khiến ông Netanyahu phải đe dọa
« triệt tiêu » phe này.
La Croix dẫn lời David Khalfa của
think tank Atlantic Middle East Forum (AMEF) nhận xét, nếu có ngưng bắn
ở Gaza, đó là vì thủ tướng Israel phải đền đáp việc Mỹ tham gia oanh
tạc Iran. Le Monde đánh giá, phong trào Hồi giáo Palestine nay
chỉ còn là cái bóng của chính mình sau 21 tháng chiến đấu với Israel, và
đang chật vật tìm cách sống sót. Đa số thủ lãnh đã bị trừ khử, Hamas
nay phải hoạt động theo kiểu du kích, lớp mới lên thay không có chỉ huy
tập trung vì Israel truy lùng. Hamas tiếp tục bác bỏ yêu cầu của Israel
là giải giáp và những người lãnh đạo phải lưu vong.
Đảng mới của Elon Musk : Không đơn giản tại nước Mỹ có truyền thống lưỡng đảng
Nhìn sang nước Mỹ, Les Echos giải thích « Tại sao đảng mới của Elon Musk có ít cơ hội qua mặt được Donald Trump »,
trong hệ thống chính trị nước Mỹ hiện nay. Bất mãn trước người bạn cũ,
hôm thứ Bảy nhà tỉ phú tuyên bố lập đảng Nước Mỹ, sử dụng lại tên của ủy
ban vận động America PAC mà Musk đã đóng góp 270 triệu đô la để giúp
ông Trump thắng cử. Đảng mới vẫn chưa có tư cách pháp lý vì chưa nộp quy
chế cho ủy ban bầu cử liên bang.
Trước đó, Elon Musk đã chỉ trích
đạo luật Big Beautiful Bill là « đáng ghê tởm ». Ông viết trên mạng X :
« Khi thấy số chi điên cuồng của luật này, đưa trần nợ lên mức kỷ lục
5.000 tỉ đô la, rõ ràng là chúng ta đang sống trong một quốc gia độc
đảng – đảng của những con heo chỉ biết ăn. Đã đến lúc lập một đảng chính
trị mới thực sự quan tâm đến người dân ». Tỉ phú giàu nhất thế giới đe
dọa tài trợ cho các đối thủ của những dân biểu Cộng Hòa đã bỏ phiếu cho
luật này, tuy nhiên hầu như tất cả đều tuân theo kỷ luật của phe Trump.
Elon
Musk đã bị mất cảm tình rất nhiều từ khi tham gia DOGE. Hơn nữa, hệ
thống chính trị Mỹ hoàn toàn xoay quanh hai đảng lớn truyền thống, không
một đảng thứ ba nào thành công mà chỉ làm ưu thế nghiêng qua bên này
hay bên kia mà thôi. Trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, đảng của
Robert Kennedy Junior từ 15 % xuống còn 5 % lúc gần đến giai đoạn quyết
định, nên ông ta bèn đứng về phía Trump. Elon Musk cũng không thể trở
thành tổng thống vì sinh ở Nam Phi. Những hoạt động chính trị vụng về
của ông đã làm cổ phiếu Tesla mất đi 17 % giá trị kể từ đầu năm. Nhất là
trong cuộc song đấu với tổng thống, Musk không nắm đằng chuôi. Donald
Trump có thể làm hại cho ông, như cắt tài trợ cho Tesla và SpaceX.
Những câu hỏi từ trận lụt kinh hoàng ở Texas
Cũng tại Hoa Kỳ, Libération và La Croix
quan tâm đến trận lụt ở Texas đã làm ít nhất 80 người chết, đa số ở hạt
Kerr, nơi dòng sông Guadalupe bất ngờ dâng cao. Riêng Camp Mystic, nơi
cắm trại nổi tiếng dành cho các em gái Công giáo, có đến 27 người thiệt
mạng. La Croix cho biết bản thân ông Dick Eastland, người chủ
thế hệ thứ ba của trại hè này cũng đã tử nạn do cố gắng cứu những bé gái
trong trại.
Theo Libération, nhiều câu hỏi đã được đặt
ra : Dự báo thời tiết có chính xác, cảnh báo có được đưa ra đúng lúc, và
những người nhận được báo động có cơ hội thoát được hay không ? Tại hạt
Kerr, ý tưởng lập hệ thống còi hụ như trong trường hợp lốc xoáy đã bị
từ bỏ vì lý do ngân sách. Nhiều tiếng nói chỉ trích chính quyền Trump,
tuy nhiên sự kiện bi thảm này cũng là dịp cho thấy sự cần thiết của NOAA
(Cơ quan quan sát đại dương và khí quyển), cũng như NWS (Cơ quan khí
tượng quốc gia), vì nếu không con số nạn nhân sẽ còn khủng khiếp hơn.
BRICS : Tham vọng lớn khó đạt
Trên lãnh vực địa chính trị, Le Monde nhận xét « Khối BRICS khó thể thực hiện nổi tham vọng chung ».
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 17 diễn ra tại Rio trong hai ngày hôm qua
và hôm nay không có mặt Tập Cận Bình và Vladimir Putin. Từ 2023,
« khối » này không ngừng mở rộng, nay có 11 nước thành viên, chiếm phân
nửa dân số và 30 % GDP thế giới. Tại Rio, có sự hiện diện của 10 nước
« liên kết », trong đó có Việt Nam.
Thế nhưng Putin, bị Tòa án
Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã, chỉ tham dự qua video, và đáng kinh ngạc
nhất là sự vắng mặt của chủ tịch Trung Quốc. Tờ báo cho rằng lợi ích và
quan điểm của các nước BRICS nhiều khi đối nghịch lẫn nhau, khó thể trở
thành lời đáp của các nước phương Nam dành cho Donald Trump.