Le Point tuần này đăng ảnh thủ tướng Pháp, đặt câu hỏi có phần chế giễu « Bayrou liệu có can đảm thực hiện những cải cách mà Macron đã không làm hay không ? ». Le Nouvel Obs chú ý đến « Những cuộc gặp bí mật của Bolloré », giải thích nhà tỉ phú đã vận động gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử tổng thống ra sao.
L'Express quay về với quá khứ, chạy tựa « Những bài học thiết thực của thời cổ đại về địa chính trị, thuế má, dân chủ, di dân... » với hình vẽ ba bức tượng bán thân kiểu Hy Lạp của Donald Trump, Vladimir Putin, Tập Cận Bình trên trang bìa. Courrier International dành chủ đề cho hiện tượng quá tải du khách, The Economist
quan tâm đến hồ sơ di dân. Nhưng tràn ngập các trang trong là những bài
phóng sự, phân tích về Ukraina, khi tình hình Trung Đông đang tạm lắng.
Thất bại của Donald Trump và Vladimir Putin
Le Point
trong bài xã luận phân tích về thất bại của các bên trong cuộc chiến
tranh ở Ukraina. Cuộc điện đàm giữa Donald Trump với Vladimir Putin
chẳng đạt được gì, cũng như Emmanuel Macron hai ngày trước đó, nhưng ông
chủ Nhà Trắng đã thật tình nhìn nhận là « hoàn toàn không có tiến triển
nào ».
Thời gian gần đây tổng thống Mỹ có được nhiều thành công
lớn : Tòa án Tối cao cho phép mở rộng quyền hạn hành pháp, đạo luật về
ngân sách khổng lồ được thông qua, kinh tế ổn định và thất nghiệp giảm,
vụ oanh kích ngoạn mục vào Iran…Nhưng Trump phải vất vả với hồ sơ
Ukraina, thậm chí đây là thất bại chính của ông, gần sáu tháng sau khi
nhậm chức trong khi trước đó hứa sẽ áp đặt ngưng bắn « trong 24 giờ ».
Zelensky sẵn sàng thực thi vô điều kiện, nhưng Putin thì không thấy lợi
lộc gì. Dù rằng tiếp tục chiến tranh cũng là thất bại cá nhân của ông
chủ điện Kremlin.
Ba năm rưỡi sau khi đưa quân sang xâm lăng nước
láng giềng, thiệt hại của quân Nga đã lên đến mức khủng khiếp là một
triệu binh sĩ thương vong, trong khi số lính mới tuyển được không đủ để
bù đắp. Số đất đai chiếm được khoảng 20 % lãnh thổ Ukraina, trong khi
hồi tháng 3/2022 tỉ lệ này là 27 %. Thành phố quan trọng nhất giành được
là Bakhmut của Donetsk, thì tận hồi tháng 5/2023.
Đợt tấn công
mùa hè được coi là mang tính quyết định đối với Matxcơva, trong tháng
Sáu chỉ chiếm thêm được 600 kilomet vuông, tương đương chưa đầy 1 phần
ngàn lãnh thổ Ukraina. Tuy Trump đã tặng cho món quà miễn phí là hứa sẽ
không cho Ukraina gia nhập NATO, Crimée và Donbass vẫn do Nga kiểm soát,
Putin vẫn khăng khăng đòi phi quân sự hóa Ukraina, có nghĩa là đầu
hàng, và một lần nữa đưa ra yêu sách này với Donald Trump.
Niềm hy vọng mang tên Friedrich Merz
Thất
bại thứ ba là của châu Âu : 11 năm sau khi Nga chiếm Crimée và Donbass,
ba năm rưỡi sau cuộc chiến tranh tổng lực do Matxcơva khởi động, vẫn
không hỗ trợ một cách hiệu quả quân đội Kiev. Là mục tiêu của cuộc tấn
công đa diện, gây bất ổn của Kremlin, các nước châu Âu dù là thành viên
NATO, Liên Hiệp Châu Âu hay cả hai, sẽ thiệt hại rất nhiều nếu Nga chiến
thắng ở Ukraina.
Theo Le Point, hy vọng ở đây mang tên
Friedrich Merz. Thủ tướng Đức cảm nhận được mức độ nguy hiểm, đã huy
động sức mạnh kinh tế của nước Đức để giúp đỡ Ukraina. Mong rằng ông sẽ
lôi kéo được các nước khác trong châu lục theo chân, nếu không, thất bại
thứ tư sẽ là của Volodymyr Zelensky. Các chiến binh Ukraina có số lượng
ít ỏi hơn rất nhiều, kháng cự được quân Nga với lòng dũng cảm và óc
sáng tạo.
Họ đánh sâu vào được lãnh thổ kẻ thù, nhưng việc
Washington bất ngờ ngưng chuyển giao vũ khí phòng không với cớ sợ vơi
mất kho dự trữ, đã làm thường dân Ukraina trở thành nạn nhân những vụ
oanh kích ngày càng ác liệt hơn của Nga. Trump đã đổi ý sau đó, nhưng
nếu không được tiếp tế, tình hình Ukraina sẽ xấu đi từ nay đến mùa thu.
Giả thiết Putin đồng ý ngưng bắn cũng ảo tưởng như việc Trump gia tăng
ủng hộ Ukraina, và người châu Âu đang ở chân tường.
Trump mơ Nobel hòa bình, nhưng cắt viện trợ nhân đạo
Về tổng thống Mỹ, Le Point cho rằng « Trump đang ở rất xa giải Nobel hòa bình ». Donald
Trump không hề che giấu tham vọng về giải thưởng danh giá này, mà theo
ông là chính đáng, nhưng điều này không dễ dàng. Theo tạp chí khoa học The Lancet,
việc cắt ngân sách USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ) có thể dẫn
đến cái chết của 14 triệu người từ nay đến 2030 trong đó có 4,5 triệu
trẻ em - có thể so sánh với một đại dịch thế giới hay một cuộc chiến
tranh lớn.
Như vậy tổng thống Mỹ có nguy cơ ra trước Tòa án Công
lý Quốc tế La Haye, thay vì sang Oslo nhận chiếc mề-đay quý giá của Ủy
ban Nobel. Để đạt được ước tính này, các tác giả bản báo cáo dựa vào dữ
liệu của 133 quốc gia, cho thấy các chương trình do USAID tài trợ đã
giúp tránh được 91 triệu cái chết tại các nước thu nhập thấp và trung
binh từ 2001 đến 2021.
Quyền lực mềm từ Chương trình Lương thực Thế giới
Cho
đến trước khi ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng, Hoa Kỳ là siêu cường
về hoạt động nhân đạo duy nhất trên thế giới, bên cạnh sự thống trị về
quân sự và tài chánh. Năm 2024, USAID có ngân 42,8 tỉ đô la, tương đương
42 % viện trợ nhân đạo quốc tế toàn cầu. Với 4,45 tỉ đô la, chiếm tỉ lệ
45 %, Hoa Kỳ cũng là nhà tài trợ lớn nhất trong năm 2024 cho Chương
trình Lương thực Thế giới (PAM).
Được thành lập năm 1961 theo sáng
kiến của tổng thống Eisenhower, PAM phân phát nông sản thừa của các
nước giàu cho người dân những nước nghèo. Từ tháng 9/1962, PAM đã cứu
trợ khẩn cấp sau trận động đất ở Bouine-Zahra (Iran) ; và can thiệp hiệu
quả khi xảy ra trận đói ở Sahel thập niên 70, ở Ethiopia năm1984. Hay ở
Soudan năm 1989, 20 phi cơ của PAM thả dù 1,5 tấn thực phẩm xuống, hành
động ngoạn mục này gây ấn tượng cho công chúng phương Tây. Bên cạnh đó
chương trình còn chiến đấu bài bản, lâu dài với nạn đói.
Đây là mô
hình đặc thù mà công quỹ không bị lãng phí, được sử dụng hiệu quả. PAM
có đến 5.000 xe tải, 132 phi cơ, 20 tàu biển vận chuyển mỗi năm 4 triệu
tấn thực phẩm. Nhưng các nhà lãnh đạo chương trình cho biết ngay từ năm
tới sẽ phải giảm 20 đến 30 % vì bị cắt ngân sách. Năm 2020 Chương trình
Lương thực Thế giới được tặng giải thưởng Nobel hòa bình, và Le Point cho rằng đây là tấm gương cho Donald Trump.
Ukraina : Một năm rưỡi chuẩn bị cho chiến dịch Mạng nhện
Quay lại với tình hình trên thực địa, L'Express nhận xét « Tình báo Ukraina, kẻ thù mới của Nga ». Từ khi đất nước bị xâm lăng, các điệp viên và đặc nhiệm Ukraina đã trở thành bậc thầy trong các điệp vụ khó khăn nhất.
« Chúng tôi đã triển khai 117 drone, và kết quả đã được toàn thế giới nhìn thấy ».
Lãnh đạo cơ quan an ninh Ukraina (SBU), ông Vassyl Maliuk vốn kín đáo,
nhưng hôm 23/06 trước báo chí, vị chỉ huy 42 tuổi đã tiết lộ thêm chi
tiết về chiến dịch « Mạng nhện » ly kỳ, tiến hành trên lãnh thổ Nga cách
đó một tháng. Phải mất 1 năm, 6 tháng và 9 ngày chuẩn bị cho hoạt động
vô cùng bí mật này.
Bốn phi trường Nga bị oanh kích, mấy chục oanh
tạc cơ chiến lược bị các drone có giá chỉ vài trăm đô la tiêu hủy là
cái tát chưa từng thấy cho tổng thống Nga. Olivier Mas, cựu đại tá cơ
quan phản gián Pháp nhận định, họ đã gây ấn tượng rất lớn, « Ngày nay có rất ít cơ quan an ninh trên thế giới có thể thực hiện những chiến dịch loại này ».
Hai
ngày sau, SBU tiếp tục tấn công lần thứ ba vào cây cầu quan trọng ở
Crimée do Putin đích thân khai trương năm 2018, bằng một drone hải chiến
mang theo 1.100 ký chất nổ. Không chỉ có vậy, từ đầu cuộc chiến SBU đã
chú tâm truy lùng các tay trong của Nga chui sâu trong hệ thống. Tháng
Hai vừa qua, giám đốc trung tâm chống khủng bố, Dmytro Kozyura bị cáo
buộc chuyển các thông tin nhạy cảm cho tình báo Nga (FSB), và tháng
11/2024, một sĩ quan lực lượng đặc biệt bị FSB lôi kéo…
Hai lãnh đạo tình báo Ukraina, mục tiêu ám sát hàng đầu của Kremlin
Các
chiến công này làm thay đổi hẳn hình ảnh cơ quan tình báo Ukraina,
khoảng thời gian sau độc lập bị coi là tham nhũng, trấn áp, bị Nga cài
cắm. Những năm tháng chiến tranh đã giúp SBU có được danh tiếng, củng cố
sự hợp tác với các đồng minh trước đây đầy hoài nghi. Nhà nghiên cứu
Cyril Gelibter cho biết phương Tây đã mở cửa tin tức tình báo vệ tinh
cho Kiev và có những trao đổi quan trọng hơn.
Không thể không kể
đến công sức của giám đốc Vassyl Maliuk, chưa đầy một năm sau khi được
tổng thống Ukraina bổ nhiệm năm 2022, đã lật mặt được trên 300 kẻ phản
bội, trong đó có 9 người ngay trong cơ quan của mình. Ông được tặng huy
chương « Anh hùng Ukraina », phần thưởng cao nhất được tổng thống trao
cho.
Một kẻ thù khác của Nga là giám đốc tình báo quân đội Ukraina
(HUR), Kyrylo Budanov, nổi tiếng với những hoạt động táo bạo. Hôm
30/05, báo chí Ukraina khẳng định HUR đã gây ra vụ nổ ở căn cứ hải quân
Vladivostok cách tiền tuyến gần 7.000 kilomet. Một tháng trước đó, tình
báo quân đội Ukraina phá hủy hai phi cơ tiêm kích Su-30 trên Hắc Hải nhờ
các hỏa tiễn bắn đi từ các drone hải chiến – lần đầu tiên trên thế
giới. Hai giám đốc tình báo này là mục tiêu ám sát hàng đầu của Kremlin,
nhưng cho đến nay không thành công.
Thường dân Kherson thành bia tập bắn cho quân Nga
Đối với người dân, phóng sự của đặc phái viên Le Point từ Kherson tả lại « Ở Ukraina, cái chết đến từ trên cao ». Các drone Nga truy sát thường dân ở thành phố này mọi nơi, mọi lúc. Từ
khi được giải phóng tháng 11/2022, sau gần 8 tháng bị quân Nga chiếm
đóng, Kherson sống dưới mưa bom. Trước hết là đại bác, sau đó đến những
bầy drone, không chỉ nhắm vào các quân nhân và cơ sở hạ tầng mà cả dân
thường. Những cỗ máy tử thần này truy sát những cư dân dám phiêu lưu ra
đường, di chuyển bằng xe hơi, xe đạp hay đi bộ.
Gần đây nhất hôm
03/07, các drone Nga thả bom xuống một bệnh viện và các xe cứu thương.
Nhắm vào thường dân là tội ác chiến tranh, ủy ban điều tra độc lập quốc
tế về Ukraina do Liên Hiệp Quốc lập ra trong báo cáo hôm 28/05 tố cáo
quân Nga thường xuyên sát hại người dân ở khu vực 100 kilomet dọc theo
hữu ngạn sông Dniepr, một cách có tổ chức, theo chủ trương nhà nước.
Những kẻ điều khiển drone dùng thường dân Ukraina để thực tập, người
già, người tàn tật di chuyển chậm chạp dễ mất mạng nhất.
Chuyện két Conor và bóng ma của chiến sĩ Anton
Chiến tranh không chỉ làm con người điêu đứng, mà cả loài vật vô tội cũng khốn khổ. Le Monde cuối tuần có bài viết cảm động « Con két Conor và bóng ma của người chiến sĩ Anton ».
Đó là câu chuyện của một con két mới được vài tháng tuổi khi quân Nga
kéo sang xâm lược Ukraina. Chú két thông minh đã trở nên điên dại sau
khi người chủ bị drone Nga giết chết.
Năm 2021, két Conor sống
hạnh phúc ở Dnipro bên dòng Dniepr, đó là món quà sinh nhật của Ania. Cô
gái sang Thái Lan du lịch, giao Conor cho cha mẹ giữ tạm. Nhưng chiến
tranh xảy ra, con két trở thành bạn thân của cha cô là Anton, cả hai gắn
bó với nhau như hình với bóng. Anton, 49 tuổi, được gọi nhập ngũ, làm
việc trong đơn vị truyền tin. Ngày 27/03, một đàn drone Nga ập vào tấn
công thành phố Dnipro, Anton bị một chiếc Shahed đuổi theo sát hại.
Người vợ Tatiana trở thành góa phụ.
Két Conor bị trầm cảm, hóa
điên, tự rứt lông đến chảy máu, nói những câu Anton thường nói với giọng
giống y như người chủ quá cố. Con vật được đưa sang nhiều trạm cứu hộ
động vật, và cuối cùng đến hiệp hội Free Wings trong tình trạng rất hung
hăng, ngờ vực tất cả. Conor nhắc đi nhắc lại « Đừng cắn tôi ! », thay
vì câu nói thường xuyên với người chủ quá cố « Slava Ukraina ! » (Vinh
quang cho Ukraina ! ». Rốt cuộc là một cái kết có hậu : Được chăm sóc
tốt, Conor nay sống chung một lồng với một bạn két mái được đưa đến năm
2022 với một bên cánh bị thương và bị viêm phổi - hạnh phúc đã tìm lại
được.