Tổng thống Volodymyr Zelensky tham dự họp báo tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15-5, trước thềm đàm phán Nga - Ukraine - Ảnh: REUTERS
Đàm phán Nga - Ukraine chưa có khởi sắc
Hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15-5 tiết lộ cuộc đàm phán tại Istanbul giữa Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và phái đoàn Nga đã kết thúc vào tối muộn cùng ngày (giờ địa phương).
“Cuộc họp đã kết thúc. Ngày mai (16-5) sẽ có thêm các cuộc đàm phán theo những hình thức khác nhau”, nhà ngoại giao này cho biết, đồng thời nhấn mạnh các cuộc đàm phán ba bên Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong chương trình nghị sự.
“Hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc liệu có tổ chức đàm phán theo hình thức bốn bên (bao gồm cả Mỹ) hay không”, người này nói thêm.
Trước đó phái đoàn Nga - Ukraine dự kiến gặp nhau vào ngày 15-5 tại Istanbul, nhưng hiện vẫn chưa có thông tin về thời điểm diễn ra cuộc đàm phán cho đến cuối ngày.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh kêu gọi gây áp lực lên ông Putin
Ngày 15-5, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey cho biết các đồng minh của Ukraine “cần phải hành động” và “gây áp lực lên ông Putin”, trong bối cảnh có nhiều lo ngại xoay quanh đàm phán Nga - Ukraine ở Thổ Nhĩ Kỳ.
“Chúng ta cần gây áp lực lên ông Putin để buộc ông ấy ngồi vào bàn đàm phán”, ông Healey nói sau cuộc gặp với người đồng cấp Đức Boris Pistorius tại thủ đô Berlin (Đức).
“Chúng tôi sẵn sàng làm điều đó với tư cách là những quốc gia hàng đầu châu Âu… Không có viễn cảnh chiến thắng nào cho ông Putin ở Ukraine. Giờ là lúc ông ấy cần đàm phán và kết thúc cuộc chiến này”, ông Healey nói thêm, đồng thời nhắc lại những cam kết mà bốn nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Ba Lan đã đưa ra trong chuyến thăm Kiev tuần trước.
Trước đó vào cùng ngày, Điện Kremlin khẳng định ông Putin không có kế hoạch đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nhấn mạnh phái đoàn Nga đang chờ tại nơi đàm phán.
Ông Trump: Mỹ tiến ‘rất gần’ đến thỏa thuận hạt nhân với Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm UAE ngày 15-5 - Ảnh: REUTERS
Ngày 15-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ đang tiến “rất gần” đến một thỏa thuận hạt nhân với Iran, sau khi Tehran gần chấp thuận các điều khoản của thỏa thuận.
“Iran đã gần như đồng ý với các điều khoản: Họ sẽ không tạo ra thứ mà tôi gọi một cách thân thiện là bụi hạt nhân. Chúng ta sẽ không tạo ra bất cứ thứ bụi hạt nhân nào ở Iran”, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố, đồng thời cho biết điều này sẽ ngăn chặn các hành động quân sự.
Iran đã tiến hành 4 vòng đàm phán với chính quyền Tổng thống Trump. Bộ trưởng Iran Abbas Araghchi cho biết nước này vẫn chưa nhận được bất kỳ đề xuất nào bằng văn bản từ Mỹ, nhưng nhấn mạnh việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là bước quan trọng để xây dựng lòng tin.
“Chúng tôi sẵn sàng xây dựng lòng tin và sự minh bạch về chương trình hạt nhân của Iran nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ”, ông Araghchi khẳng định.
Anh, Đức hợp tác phát triển tên lửa
Ngày 15-5, các bộ trưởng quốc phòng Anh và Đức cho biết hai nước đang hợp tác phát triển tên lửa tấn công, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine chưa kết thúc và các cường quốc châu Âu đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào vũ khí của Mỹ.
“Chúng tôi sẽ bắt đầu cùng nhau lãnh đạo việc phát triển một vũ khí tấn công chính xác tầm xa mới do châu Âu chế tạo, với tầm bắn hơn 2.000km (1.250 dặm)”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey tuyên bố.
Theo Hãng tin AFP, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết quá trình phát triển tên lửa đã bắt đầu. Đây sẽ là yếu tố then chốt đối với an ninh châu Âu.
“Tình hình đe dọa hiện nay cho thấy rõ ràng rằng chúng ta cần phải thu hẹp mọi khoảng cách về tiềm lực. Và chúng ta cần làm điều này càng nhanh càng tốt”, ông Pistorius nói thêm.
Ngoại trưởng Rubio: Mỹ lo ngại về tình hình nhân đạo ở Gaza
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio phát biểu tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15-5 - Ảnh: REUTERS
Sau cuộc nói chuyện với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào ngày 15-5, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết Mỹ bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo ở Dải Gaza.
"Chúng tôi lo ngại về tình hình nhân đạo tại đây", ông Rubio nói với truyền thông địa phương, trong bối cảnh Dải Gaza đang đối mặt với nạn đói do chiến tranh tàn phá và nêu rõ Mỹ không miễn nhiễm hay vô cảm trước những đau khổ mà người dân ở Gaza phải chịu đựng.
Đây là lần đầu tiên ông Rubio lên tiếng về tình hình ở Gaza, kể từ khi Quỹ nhân đạo Gaza do Mỹ tài trợ tuyên bố sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối tháng 5. Tuy nhiên kế hoạch viện trợ của họ đã bị chỉ trích nặng nề.
"Tôi có nghe lời chỉ trích về kế hoạch đó. Chúng tôi sẵn sàng xem xét một phương án thay thế nếu có ai đó đưa ra giải pháp tốt hơn. Chúng tôi ủng hộ mọi hình thức viện trợ, miễn là không để Hamas cướp chúng từ tay người dân", ông Rubio nói thêm.
Tổng thống Macron có cuộc gọi đầu tiên với Giáo hoàng Leo XIV
Ngày 15-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông đã có cuộc gọi đầu tiên cho Giáo hoàng Leo XIV, để thảo luận về những nỗ lực nhằm đạt được hòa bình ở Ukraine và Gaza.
Trong cuộc trò chuyện đầu tiên, hai bên đã “đề cập đến những nỗ lực nhằm dừng tiếng súng ở những khu vực đang có xung đột trên thế giới, đặc biệt là để đạt được nền hòa bình lâu dài và bền vững ở Ukraine và Gaza”.
“Chúng tôi cùng chia sẻ khát vọng hòa giải trong cuộc chiến chống đói nghèo và sứ mệnh bảo vệ hành tinh”, nhà lãnh đạo Pháp viết trên mạng xã hội X, đồng thời cho hay ông đã một lần nữa chúc mừng Giáo hoàng Leo XIV sau kết quả bầu chọn của mật nghị hồng y hồi tuần trước.
Theo Hãng tin AFP, ông Macron không có kế hoạch dự lễ tấn phong của Giáo hoàng Leo XIV tại thủ đô Rome (Ý) ngày 18-5. Thủ tướng Pháp Francois Bayrou sẽ là đại diện tham dự sự kiện này.
Sinh tồn trong nghịch cảnh
Bé trai người Palestine bên bữa ăn nhận từ khu bếp từ thiện tại khuôn viên một trường đại học Hồi giáo ở thành phố Gaza. Hiện nhiều người Palestine đang vật lộn tìm kiếm thức ăn mỗi ngày để giành giật sự sống - Ảnh: AFP