Nước
Pháp đối mặt với thâm hụt ngân sách, một số nhà tù ở Pháp bị tấn công,
quan hệ với Algérie xấu đi chưa từng thấy sau các vụ trục xuất qua lại,
là những vấn đề nội bộ được quan tâm, nhưng ông Donald Trump và cuộc
thương chiến vẫn là « ngôi sao » trên báo chí Pháp ngày 16/04/2025.
Thuế quan : Cuộc rút lui hỗn loạn của Donald Trump
Les Echos cho rằng ông Trump « Một bước tiến, hai bước lùi ».
Bức tường quan thuế vừa được dựng lên đã có những lỗ thủng vì các quyết
định miễn thuế tùy tiện. Bản thân tổng thống đang đàm phán những đặc
quyền này với các tập đoàn lớn. Ban đầu là hàng điện tử, rồi đến phụ
tùng xe hơi. Ông Trump nói : « Tôi là người rất linh hoạt ». Tuy nhiên ông khó biện minh được về sự ưu ái dành cho Apple, công ty lớn nhất thế giới được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Việc miễn giảm hoàn toàn tùy thuộc vào cá nhân tổng thống. Nhà kinh tế Justin Wolfers nhận xét : « Các ông chủ được lợi rất nhiều nhờ vận động hành lang, và có thể thiệt hại lớn nếu chỉ trích Nhà Trắng ».
Apple thoát được việc áp thuế iPhone, nhưng Nintendo vẫn phải chịu thuế
145 % cho máy chơi game mới Switch 2, và chẳng thể biết đó là do bỏ sót
và sẽ được sửa chữa, hay là quyết định lâu dài có cân nhắc.
Các
nhà sản xuất xe hơi cũng thở phào, vì Donald Trump tuyên bố họ cần có
thêm thời gian để có thể sản xuất tại chỗ. Dường như rốt cuộc ông đã
hiểu ra rằng một dây chuyền kỹ nghệ không thể xuất hiện trong một sớm
một chiều. Việc Nhà Trắng quay lại với thực tại đã trấn an thị trường
chứng khoán Wall Street. Các nhà đầu tư hy vọng việc miễn giảm sẽ tiếp
tục dù lộn xộn, các thỏa thuận sẽ đạt được ít nhất là với các đồng minh
thân cận của Hoa Kỳ, và Washington sẽ thương lượng với Bắc Kinh. Nhưng
hiện chưa thấy lối thoát nào.
Cuộc khảo sát mới nhất của Cục Dự
trữ Liên bang New York cho thấy các nhà kỹ nghệ tại đây chưa bao giờ bi
quan như thế kể từ sau cuộc khủng hoảng đầu những năm 2000. Một số công
ty nhỏ không tiếp cận được Nhà Trắng đã nộp đơn kiện sắc lệnh tổng thống
và thuế « đối ứng ». Giáo sư Ilya Somin, một trong các luật sư của họ
khẳng định khởi động cuộc chiến tranh thương mại quy mô nhất kể từ sau
Đại suy thoái dựa trên cơ sở một đạo luật không nói gì đến thuế quan là
vi hiến.
Thành lũy Harvard trước chính quyền Trump
Les Echos
nhận thấy rốt cuộc không phải Quốc Hội, tư pháp hay báo chí, mà lực
lượng đầu tiên dám thách thức Donald Trump là một trường đại học. Và đó
lại là Harvard, đại học lâu đời nhất của nước Mỹ, được thành lập từ năm
1636, trước cả khi Nhà nước liên bang ra đời. Harvard cũng là trường đại
học giàu nhất với tiền quỹ lên đến 50 tỉ đô la, và danh giá nhất thế
giới, đứng đầu bảng xếp hạng Thượng Hải. Từ chối tuân theo các đòi hỏi
của Washington, trường Harvard bị mất 2 tỉ đô la trợ cấp công trong
nhiều năm. Hiệu trưởng Alan Garber khẳng định : « Không một chính phủ nào có thể ra lệnh cho đại học tư những gì phải giảng dạy, nhìn nhận và tuyển dụng ».
Chính
quyền nêu ra những vấn đề có thực, như trường Boston không quản lý nổi
cuộc nổi dậy của sinh viên chống chiến tranh Gaza và chấm dứt nạn bài Do
Thái. Nhưng đó chỉ là cái cớ để đòi can thiệp vào các chọn lựa quan
trọng của nhà trường. Trong khi danh tiếng của Harvard có được không
phải do các quy định hành chánh, mà là khả năng thu hút những sinh viên
giỏi nhất, các giảng viên xuất sắc nhất. Tự do và đa dạng ở đây không
chỉ là yêu cầu đạo đức mà còn là điều kiện để có được hiệu quả, dù không
làm tổng thống Mỹ vui lòng.
Trung Quốc : « Pet City » khốn đốn vì thuế quan Mỹ
Tại
Hoa lục, trong số các nạn nhân của chính sách thuế quan, bên cạnh những
lãnh vực quen thuộc, còn có những ngành hàng lâu nay ít ai để ý, có khi
cả một thành phố phải lao đao. Chẳng hạn Thủy Đầu trấn (Shuitou) thuộc
tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, chuyên sản xuất đồ chơi cho chó mèo.
Vài
chục nhà sản xuất hôm 10/04 nhận được email của hãng hàng hải Maersk,
cho biết khách hàng quyết định ngưng lập tức việc vận chuyển. Không một
container nào được chuyên chở, và các kiện hàng đang được chất phải dỡ
xuống ngay. Hàng rào quan thuế 145 % được Nhà Trắng tuyên bố cùng ngày
đã hạ gục thành phố 120.000 dân chuyên sống về nghề này. Le Monde
cho biết cách đây 20 năm, Thủy Đầu trấn phải đóng cửa 1.000 xưởng thuộc
da vì quá ô nhiễm. Một người phát hiện da heo có thể phơi khô, cắt
thành những mẩu nhỏ cho chó gặm, và sau đó mở rộng sang sản xuất dây
buộc chó và đủ loại đồ chơi cho chó mèo. Xưởng lớn nhất tại đây xuất
khẩu 50 triệu sợi dây dành cho các chủ chó mỗi năm.
Thành phố được
mệnh danh là « Pingyang Pet City » (theo tên huyện Bình Dương -
Pingyang) rực rỡ những hình ảnh chó mèo vui tươi, những khách hàng bốn
chân đã giúp nơi này trở nên giàu có, năm 2023 đã xuất khẩu 630 triệu đô
la. Nhưng giờ đây các nhà máy bắt đầu sa thải công nhân, đặc biệt là
những nhà máy lớn nhất vì xuất sang Mỹ nhiều hơn. Tonino Lamborghini
Hotel, nơi có nhà hàng sang trọng nhất thành phố được giới nhà giàu
thường phô trương ưa thích, đã trở nên hoang vắng.
Trump đổ lỗi gây chiến cho Zelensky - diễn viên truyền hình lúc Nga chiếm Crimée
Về chiến tranh ở Ukraina, Les Echos
nhận xét Donald Trump vẫn không đạt được ngưng bắn - mà ông nói rằng
chỉ cần 48 giờ sau khi trở lại Nhà Trắng là sẽ có được, rồi sau đó là
100 ngày. Bây giờ đã là ba tháng kể từ đầu nhiệm kỳ hai của Trump, tình
hình vẫn như cũ. Đặc sứ Steve Witkoff sau khi gặp Vladimir Putin hôm thứ
Sáu tại Saint-Pétersbourg vẫn cố tỏ ra lạc quan.
Donald Trump luôn cho rằng tổng thống Nga là « người tốt », và tối thứ Hai còn nhấn mạnh tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky « chẳng bao giờ nên khởi động cuộc chiến này ». Les Echos
nhắc lại, chính Matxcơva đã quyết định kéo quân qua xâm lược Ukraina
hồi tháng 2/2022. Và nếu lần trở lại từ năm 2014, khi quân ly khai được
lính Nga không quân hàm quân hiệu trợ lực chiếm lấy Crimée và phân nửa
vùng Donbass, Zelensky vẫn còn là một diễn viên truyền hình.
Sự ưu
ái, thậm chí đồng lõa với Kremlin, cho đến nay vẫn không giúp gì cho
Nhà Trắng. Cam kết ngưng oanh tạc cơ sở hạ tầng năng lượng, được ký kết
tại Ả Rập Xê Út hôm 18/03 do ngoại trưởng Marco Rubio làm trung gian,
mỗi ngày đều bị Matxcơva vi phạm. Quân Nga tiếp tục đánh vào các địa
điểm dân sự, tuy không nằm trong thỏa thuận hôm đó, nhưng được luật
chiến tranh bảo vệ.
Quân Nga tiếp tục gây tội ác, Washington vẫn bênh vực
Hai
hỏa tiễn Kalibr đã sát hại 35 thường dân hôm Chủ nhật ở Sumy là « tội
ác chiến tranh » theo Berlin. Nhưng Kremlin nói rằng đã tiêu diệt được
khoảng 60 sĩ quan Ukraina - bất chấp thực tế rành rành, còn Donald Trump
cho rằng đó chỉ là một « sai lầm » của tình báo Nga. Washington lấy cớ
đang thương lượng để phủ quyết một nghị quyết của G7 lên án vụ thảm sát,
và hôm qua từ chối bán hệ thống chống tên lửa cho Ukraina.
Tổng
thư ký NATO Mark Rutte, trong chuyến thăm Odessa bất ngờ, nhìn nhận
thương lượng ngưng bắn không dễ dàng vì các cuộc tấn công thường xuyên,
đáng phẫn nộ của Nga. Chuyên gia John Lough của think tank Chatham House
nhận xét, Matxcơva không hề muốn hưu chiến mà một hòa ước, tất nhiên là
theo điều kiện của Kremlin.
Đó là chấp nhận năm vùng đất của
Ukraina bị chiếm đóng 60-100 % là của Nga, thay đổi chế độ ở Kiev và phi
quân sự hóa Ukraina. Nói chung là hoàn toàn bế tắc. Chính quyền Trump
cố ép tổng thống Volodymyr Zelensky tổ chức bầu cử, nhưng 66 % dân chúng
Ukraina chống lại ý định này. Một kiến nghị phản đối bầu cử trong thời
gian thiết quân luật đã thu được trên 400 chữ ký của các tổ chức xã hội
dân sự.
Không lung lạc được Putin, tổng thống Mỹ tập trung cho thương chiến
Putin
chờ đợi Kiev phải đầu hàng khi vũ khí cạn kiệt, không còn bất kỳ trợ
giúp nào từ Mỹ sau đợt viện trợ cuối cùng của Joe Biden. Nhưng tại sao
Nga tiếp tục tỏ vẻ quan tâm đến ngưng bắn ? Theo ông John Lough, Kremlin
coi là dịp để củng cố các vị trí và đòi Trump nhượng bộ thêm, do Trump
muốn nhanh có kết quả.
Quân Nga đang hụt hơi : chỉ chiếm được 133
km2 trong tháng Ba so với tháng 11 năm ngoái là 752 km2, và không đẩy
được hoàn toàn lực lượng Ukraina ra khỏi Kursk, 9 tháng sau cuộc tấn
công thần tốc của Kiev. Hơn nữa, kinh tế Nga gặp khó khăn lớn vì giá dầu
sụt mạnh do chiến tranh thuế quan của Trump.
Cuộc thương chiến
khiến tổng thống Mỹ nhanh chóng bỏ quên hồ sơ Ukraina. Ngoại trưởng
Marco Rubio cùng với đặc sứ Keith Kellogg, các thành viên hiếm hoi trong
chính quyền Trump không ghét Ukraina, cho rằng trong « vài tuần nữa sẽ thấy rõ bên nào cản trở ngưng bắn ». Ông nói câu này vào hôm 04/04, tức đã gần hai tuần.
Hai lá thư của hai người cha mất con
Le Monde
đăng lá thư cảm động của Roman Nikitskyi, một người cha Ukraina đã mất
đứa con trai duy nhất do hỏa tiễn đạn đạo Nga đánh vào một sân chơi của
trẻ em ở Kryvy Rih, giết chết 20 người, trong đó có nhiều em bé. Thư gởi
đến tổng thống Mỹ Donald Trump, « người lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất thế giới và quân đội hùng mạnh nhất toàn cầu ».
Ông Nikitskyi cho biết lúc đó ông đang ở nhà vội vã gọi điện thoại cho con, nhưng Danylo không trả lời vì đã chết. « Con
trai tôi có một chiếc iPhone. Vợ chồng tôi đến nơi xảy ra vụ oanh kích
bằng Tesla, một chiếc xe hơi chạy rất nhanh có thể vượt đèn đỏ và mọi
quy định. Khi tìm được xác con tôi, cháu vẫn mang đôi giày Nike. Hoa Kỳ
sản xuất ra hệ thống phòng không tốt nhất thế giới Patriot, có thể bắn
hạ hỏa tiễn đạn đạo (…). Thế nên để tránh cái chết của những đứa trẻ
khác, chúng tôi mong ông tổng thống Hoa Kỳ cung cấp cho Kryvy Rih một
giàn Patriot. Chúng tôi không xin mà chỉ mượn. Khi nào trẻ em Ukraina có
thể đi dạo dưới bầu trời yên bình, chúng tôi sẽ hoàn lại cho ông ».
Roman
Nikitskyi cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo dân chủ trên thế giới có hệ
thống tương tự hãy giúp đỡ các thành phố Ukraina ngày ngày vẫn chịu đựng
những vụ tấn công của hỏa tiễn đạn đạo Nga có thể tự vệ : Dnipro,
Kharkiv, Zaporijia, Mykolaiv, Odessa, Sumy.
Bên cạnh đó còn có lá
thư của một người cha khác là Eyal Eshel ở Israel, có con gái 19 tuổi bị
bọn khủng bố thiêu sống cùng với nhiều đồng đội tại vị trí nơi cô quan
sát hoạt động ở Dải Gaza. Roni làm nghĩa vụ quân sự, được phân công theo
dõi khu vực biên giới với Gaza tại căn cứ Nahal Oz ở kibboutz cùng tên.
Cô đã cảnh báo những dấu hiệu nguy hiểm của Hamas, nhưng bị bỏ ngoài
tai.