Việt
Nam, cũng như nhiều quốc gia nhỏ khác, đặc biệt tại Đông Nam Á, bị kẹt
trong cuộc chiến thương mại khốc liệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Giới
chuyên gia đều cho rằng Hà Nội đang phải khéo léo lèo lái để không làm
mất lòng “sư huynh” phương Bắc nhưng cũng không được chọc giận
Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất, trong khi mức thuế đối ứng 46% vẫn
lủng lẳng trên đầu.
Trung Quốc là nước duy nhất không được
tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn áp thuế và hiện bị áp mức thuế 145%,
thậm chí là 245% đối với một số mặt hàng. Song song với việc “quyết đấu đến cùng” với Washington, Bắc Kinh tìm cách vận động “đoàn kết” chống
lại cuộc chiến thuế quan do Mỹ đơn phương áp đặt. Trung Quốc nói chuyện
với Liên Hiệp Châu Âu, gặp hai đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản. Chủ tịch
Tập Cận Bình nhanh chóng công du ba nước đối tác Đông Nam Á, bắt đầu từ
Việt Nam.
Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước lần thứ 5 đến Việt Nam
của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trả lời RFI ngày 14/04, Emmanuel
Véron, nhà nghiên cứu cộng tác tại Trường Hàng hải và Viện Inalco, thành
viên Viện Pháp Nghiên cứu về Đông Á (IFRAE), nhận định :
“Điều
này cho thấy tầm quan trọng về kinh tế, cũng như chiến lược của Việt
Nam đối với Trung Quốc. Xin nhắc lại một chút là trong thời kỳ Chiến
tranh lạnh, trước đó là chiến tranh Đông Dương, chiến tranh Việt Nam,
Trung Quốc hậu thuẫn cho Việt Nam, cho Việt Cộng. Điều này cũng cho thấy
rõ sự gắn kết khá mạnh mẽ giữa chế độ Cộng sản hai nước và được phát
triển hơn nhờ dần dần mở cửa nền kinh tế từ 30-40 năm trở lại đây. Có
thể thấy là đúng, giữa hai nước có mối liên hệ rất đặc biệt. Lần này,
chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu vòng công du Đông Nam Á với điểm đến đầu
tiên là Việt Nam để khẳng định điều này và để có được nhưng bảo đảm về
mặt thuế quan, đầu tư hoặc những bảo đảm về mặt hội nhập kinh tế Trung
Quốc và Việt Nam”.
Trái với một tổng thống Mỹ khó lường, chủ tịch Tập Cận Bình cố thể hiện Trung Quốc là “đối tác đáng tin cậy” và là “người bảo vệ thương mại toàn cầu”. Thái độ của ông Tập cũng được các nhà quan sát chú ý khi thăm Việt Nam, luôn tươi cười, thân thiện, “tặng quà lưu niệm trên đường đi”, có nghĩa là “các thỏa thuận thương mại mới và thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược”,
theo nhận định của nhà nghiên cứu Wen-Ti Sung, thành viên không thường
trú của Trung tâm Trung Quốc toàn cầu thuộc Atlantic Council (Hội đồng
Đại Tây Dương) và được trang CNN trích dẫn ngày 14/04.
Đọc thêmChủ tịch Trung Quốc kêu gọi Việt Nam hợp lực chống đòn thuế quan của Mỹ
Trung
Quốc và Việt Nam ký 45 văn bản thỏa thuận hợp tác tập trung vào các
lĩnh vực then chốt như kết nối hạ tầng, thương mại, chuỗi cung ứng, trí
tuệ nhân tạo, nông nghiệp, phát triển nguồn lực, hàng không và đường sắt
(*). Chủ tịch Tập Cận Bình hứa “thị trường lớn Trung Quốc luôn mở cửa cho Việt Nam”. Ông cũng đề cao vai trò của Việt Nam khi kêu gọi hai nước hợp tác để duy trì “sự ổn định của hệ thống thương mại tự do toàn cầu, chuỗi cung ứng, công nghiệp” và cùng phản đối “hành vi bắt nạt đơn phương”, ám chỉ đến quyết định áp thuế đối ứng của chính quyền Mỹ, trong đó Việt Nam chịu mức thuế cao 46%.
Nhìn
chung, theo Wen-Ti Sung, chuyến thăm Việt Nam trong khuôn khổ vòng công
du Đông Nam Á (Malaysia và Cam Bốt) của ông Tập Cận Bình có hai mục
đích : Về mặt kinh tế, tìm cách đa dạng hóa dấu ấn kinh tế của Trung
Quốc trên toàn thế giới ; về chính sách đối ngoại, nhằm kéo các nước lại
gần Trung Quốc trong khi những nước này vẫn nín thở về mức thuế đối
ứng, mới chỉ được Mỹ tạm đình chỉ 90 ngày.
Thương mại Việt Nam không thể tách rời đối tác Trung Quốc
Thương
mại Việt Nam và Trung Quốc đã cán mốc kỷ lục mới 205 tỷ đô la trong năm
2024, trong đó khối lượng nhập khẩu của Việt Nam là 144 tỷ đô la. Việt
Nam là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Trung Quốc và
Trung Quốc cũng lắp ráp nhiều mặt hàng ở Việt Nam và sau đó Việt Nam
xuất khẩu với số lượng lớn sang Hoa Kỳ. Chính vì thế Việt Nam bị coi là “sân sau” của Trung Quốc và bị Mỹ áp mức thuế 46%. Nhà nghiên cứu Emmanuel Véron nhận định :
“Trao
đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tăng hơn 15% trong năm
2024. Con số này cũng cho thấy lợi ích về thương mại, công nghệ và công
nghiệp của Trung Quốc là sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008,
chuyển chuỗi sản xuất dệt may, cũng như một số ngành công nghiệp khác
sang Việt Nam hoặc một số nước ở Đông Nam Á. Nói tóm lại là có sự hội
nhập kinh tế giữa hai nước. Ngoài ra, trong những năm gần đây, một phần
các thị trường vững chắc, trong đó có Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu, đã xích
lại gần Việt Nam bởi vì nền kinh tế nước này đã hiệu quả hơn, các công
trình hạ tầng có chất lượng tốt hơn và hoạt động hậu cần logistic cũng
được củng cố. Việt Nam đã hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa từ 10 đến
15 năm nay, đặc biệt là nhờ năng lực của Trung Quốc”.
Đọc thêmChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du Việt Nam kêu gọi tăng cường quan hệ thương mại song phương
Trung Quốc mang lợi ích kinh tế xoa dịu tranh chấp ở Biển Đông
Khi
công bố hàng loạt thỏa thuận hợp tác thương mại, công nghệ, phát triển
xanh… chủ tịch Trung Quốc cũng cố xoa dịu những căng thẳng về tranh chấp
chủ quyền giữa hai nước ở Biển Đông. Trong điểm 9 của Tuyên bố chung,
Việt Nam và Trung Quốc khẳng định “hai bên trao đổi ý kiến chân
thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn
và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, cùng duy trì hòa bình, ổn
định ở Biển Đông”. Dù vào tháng 02 trước đó, Trung Quốc tổ chức tập
trận bắn đạn thật ở gần vịnh Bắc Bộ sau khi Hà Nội công bố bản đồ xác
định các yêu sách lãnh thổ.
Liệu những thỏa thuận mới được ký kết
có thể xóa bỏ những căng thẳng về chủ quyền, nhất là ở Biển Đông, hay
không ? Nhà nghiên cứu Emmanuel Véron nhận định :
“Dù sao đó
cũng là mong muốn, một trong những đòn bẩy của Bắc Kinh. Có nghĩa là
nhân chuyến công du Hà Nội, chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại vai trò đặc
biệt của Việt Nam, được Trung Quốc coi là “người em” ở Đông Nam Á, theo
văn hóa Trung Quốc và phần nào có chung sự phát triển về con người. Do
đó, Bắc Kinh sẽ cố kích hoạt đòn bẩy thương mại và công nghệ để xóa
những căng thẳng đang có ở Biển Đông, cho dù Trung Quốc rất hung hăng
trong hoạt động quân sự hóa nhiều vùng biển, đi ngược với luật pháp quốc
tế”.
Động thái hòa dịu này còn diễn ra trong bối cảnh Việt
Nam và một số nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với
Trung Quốc đang có những thỏa thuận hợp tác riêng về hàng hải để đánh
dấu chủ quyền, như với Philippines, sắp tới là với Indonesia.
Tránh chọc giận tổng thống Trump vì còn đàm phán thuế với Mỹ
Giới
chuyên gia cho rằng khi trải thảm đỏ đón chủ tịch Trung Quốc, Việt Nam
cũng cần hành động thận trọng và tránh tỏ ra ngả về phía Bắc Kinh vì
việc này có nguy cơ khiêu khích nguyên thủ Mỹ trong các cuộc đàm phán về
thuế đối ứng. Và tổng thống Donald Trump đã sớm cho ý kiến ngay ngày
14/04 khi chủ tịch Tập Cận Bình đến Hà Nội :
Tôi
không đổ lỗi cho Trung Quốc. Tôi không đổ lỗi cho Việt Nam. Tôi đã thấy
họ gặp nhau… đó là một cuộc gặp đáng yêu. Cuộc gặp giống như đang cố
gắng tìm ra câu trả lời : Làm thế nào để chúng ta có thể lừa gạt Hoa Kỳ.
Thực
ra, trước khi đón chủ tịch Trung Quốc, Việt Nam đã có nhiều hành động
trấn an chính quyền Mỹ : mua thêm hàng hóa Mỹ (khí hóa lỏng LNG, máy bay
Boeing…), đề xuất đánh thuế 0% hàng hóa của nhau. Hà Nội khẳng định
thắt chặt kiểm soát đối với một số hoạt động thương mại với Trung Quốc
để bảo đảm hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ với nhãn hiệu “Sản xuất tại Việt Nam”.
Đọc thêmViệt Nam : “Bạn” hay “thù” trong chính sách đánh thuế của Trump ?
Nói tóm lại, Hà Nội đang ở thế khó. Tuy nhiên, chiến lược “ngoại giao cây tre” của
Việt Nam đã phát huy hiệu quả, theo nhận định với RFI Tiếng Việt ngày
18/04 của nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Sư phạm Lyon
(Pháp) :
“Việt Nam ở trong thế rất tế nhị và trong mọi trường
hợp đều đòi hỏi rất nhiều kỹ năng ngoại giao. Trên thực tế, sách lược
“ngoại giao tre” đã phát huy hiệu quả rất tốt và Việt Nam đã cố gắng duy
trì khoảng cách cân bằng giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là Hoa
Kỳ cùng với các đồng minh của Mỹ, ít nhất là xét về góc độ địa-chính
trị.
Nhưng xét về mặt kinh tế, tình hình phức tạp hơn một
chút vì nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc một phần vào dòng chảy kinh tế
gắn kết Việt Nam với Trung Quốc. Một trong những chỉ trích của
Washington đối với Hà Nội, và được thể hiện rõ trong việc tăng thuế hải
quan liên quan đến hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ, liên quan đến
việc Mỹ cho rằng Việt Nam là “sân sau” cho các công ty Trung Quốc để
lách lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào sản phẩm Trung Quốc. Nói cách khác,
các công ty Trung Quốc đang chuyển sản xuất đến Việt Nam để có thể xuất
khẩu sản phẩm của họ từ Việt Nam, nhờ đó được hưởng lợi từ mức thuế áp
dụng cho Việt Nam.
Đọc thêmLãnh đạo Việt Nam tuyên bố sẵn sàng giảm thuế xuống 0% đối với hàng nhập từ Mỹ
Và
tình hình này thực sự là khó xử lý cho Hà Nội vì Việt Nam không thể
ngăn cản việc thành lập các công ty Trung Quốc do những hậu quả kinh tế
từ việc này. Đồng thời, về mặt ngoại giao, Hà Nội cũng không muốn bị coi
là gần gũi hoặc đại diện cho lợi ích của Bắc Kinh trước Washington.
Vì
vậy, tôi nghĩ Việt Nam sẽ cố gắng đàm phán với Mỹ và cố gắng nhấn mạnh
rằng họ có khả năng quản lý việc thành lập các nhà máy Trung Quốc ở Việt
Nam hoặc di dời các nhà máy Trung Quốc sang lãnh thổ Việt Nam.
Chúng
ta nên nhớ rằng đằng sau chuyện này còn có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa
Trung Quốc và Mỹ, không chỉ đơn thuần về kinh tế, mà còn về địa-chính
trị và địa-chiến lược đối với khu vực này và Mỹ hiểu rằng Washington
chẳng được lợi khi đẩy những nước đang có lập trường “trung lập” hoặc
“trung dung” vào vòng tay của Bắc Kinh. Cho nên đẩy Hà Nội vào vòng tay
của Bắc Kinh chắc chắn sẽ là một sai lầm về mặt chiến lược.
Vì
vậy, tôi nghĩ rằng sẽ có các cuộc đàm phán và hai bên sẽ tìm ra được
một kiểu thỏa thuận giúp cho Hà Nội tiếp tục duy trì vị thế cân bằng
giữa một bên là Trung Quốc bên kia là Hoa Kỳ”.
*******
(*)
Ba dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn : (1) Lào Cao - Hà Nội - Hải Phòng,
(2) Lạng Sơn - Hà Nội, (3) Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.