Thông tín
viên của Libération tại Kiev đưa ra minh chứng rõ ràng là hôm 23/04,
khi ông Trump ngồi vào phòng Bầu Dục để họp báo về Trung Quốc và
Ukraina. Cầm đồng hồ bấm giờ trong tay, chưa đầy ba giây sau khi buổi
họp báo trực tiếp bắt đầu, còi báo động rền vang trên khắp thủ đô
Kiev. Cảnh báo trên điện thoại của người dân chuyển sang màu đỏ thẫm.
Trên trời, hàng chục tên lửa và drone tự sát lao về phía các thành phố.
Rồi ngay khi ông Trump đề cập đến vấn đề Ukraina, lập tức âm thanh chết
chóc của những vụ nổ đầu tiên vang lên, làm rung chuyển các bức tường ở
Kiev, kéo theo những tiếng la hét thảm thiết và cả một khung cảnh hỗn
loạn. Hậu quả là ít nhất 12 người thiệt mạng và 90 người khác bị thương,
khiến đây trở thành vụ tấn công kinh hoàng nhất ở Kiev kể từ tháng
07/2024.
Cũng nói về mối quan hệ tay ba Mỹ-Nga-Ukraina, nhật báo Le Monde lại tập trung tới : “Các nhà máy điện hạt nhân của Ukraina – tâm điểm trong các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Mỹ và Nga”.
Theo Le Monde, Kiev hiện đang bị kẹp giữa hai gọng kìm: một bên là Hoa
Kỳ, với tham vọng kiểm soát hệ thống điện hạt nhân của Ukraina; còn bên
kia là Nga, hiện đang kiểm soát sáu lò phản ứng của nhà máy điện hạt
nhân Zaporijia. Washington thì sử dụng con bài hỗ trợ quân sự nhằm chiếm
đoạt tài nguyên thiên nhiên của Ukraina, bao gồm cả các nhà máy điện
hạt nhân. Trong khi đó Matxcơva thì muốn chiếm hữu nhà máy Zaporijia để
cung cấp điện cho các vùng lãnh thổ Ukraina mà Nga đã chiếm được. Mất đi
sáu lò phản ứng của Zaporijia, Kiev mất đi 20% sản lượng điện.
Trước
yêu sách của Washington với tổng thống Zelensky, tờ Le Monde trích lời
ông Oleksandr Merejko, chủ tịch Ủy ban Các vấn đề đối ngoại của
Ukraina, cho rằng : “Yêu cầu của tổng thống Trump cho thấy ông quá
thiếu hiểu biết về luật pháp Ukraina, điều này chỉ có thể là chiến thuật
quen thuộc của ông ấy : gây sốc trước rồi mới đàm phán.” Theo ông,
kể cả trong trường hợp tổng thống và các bộ trưởng Ukraina đồng ý với
thỏa thuận, văn bản cũng sẽ phải được Ủy ban của ông nghiên cứu, sau đó
mới được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc Hội. Ông Merejko nói thêm : “Tổng
thống Zelensky có thể trông cậy vào một đa số vững mạnh, nhưng một nửa
số dân biểu không thuộc về các đảng. Không có chỉ thị chung, các dân
biểu sẽ nghĩ đến cử tri của mình và nếu một hiệp ước bị coi là sự phản
bội, nó sẽ không được thông qua.” Và mọi ý định thay đổi Hiến Pháp
để ép buộc các dân biểu thông qua sẽ mở ra, nhưng quá trình lập pháp
này sẽ phải kéo dài tới một năm.
Tang lễ giáo hoàng, sự kiện ngoại giao phi chính thức ?
Về
thời sự châu Âu, tang lễ của giáo hoàng vẫn là chủ đề được nhiều báo số
ra hôm nay quan tâm. Nhật báo Công giáo La Croix chạy tựa : “Một lễ tang mang đậm sắc thái địa chính trị”. Vào
khoảng trước 10 giờ sáng thứ Bảy này, 26/04, linh cữu của giáo hoàng
Phanxicô sẽ được đưa ra trung tâm Quảng trường Thánh Phêrô. Trong khu
vực dành cho các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, việc
sắp xếp chỗ ngồi được thực hiện giống như năm 2005, đó là theo thứ tự
bảng chữ cái tên các quốc gia bằng tiếng Pháp vì “tiếng Pháp vẫn là ngôn ngữ của ngoại giao”, một
hồng y chia sẻ. Do vậy, phái đoàn của tổng thống Mỹ (États-Unis) dự
kiến sẽ ngồi cạnh phái đoàn của Ethiopia(Éthiopie), và cũng không xa
phái đoàn của Pháp (France). Phái đoàn của tổng thống Ukraina cũng sẽ có
mặt, trong khi nguyên thủ Nga Vladimir Putin, người đang bị truy nã
theo lệnh bắt giữ quốc tế, đã quyết định không đích thân tham dự,
mà thay vào đó cử một bộ trưởng “thứ cấp”, là bà Olga Lioubimova (bộ
trưởng Văn Hóa). Một nhà quan sát tại Rôma nhận định : “Đây là một
hành động lạnh lùng, nhưng có tính toán. Về mặt ngoại giao, nó
thể hiện một sự khinh miệt – thậm chí còn tệ hơn cả việc không đến.”
Câu hỏi
đặt ra là với sự tham dự của các phái đoàn lãnh đạo quốc tế như
vậy, liệu tang lễ này có thể tạo ra cơ hội ngoại giao? Liệu nó có cho
phép Vatican đảm nhận vai trò trung gian hòa giải mà họ luôn yêu thích
hay không? La Croix khẳng định về mặt chính thức thì không. Tuy
nhiên, tờ báo cũng trích lời nhà khoa học chính trị François Mabille,
chuyên gia về địa chính trị tôn giáo, cho biết sự kiện này vẫn có thể
mang tính “backchannel diplomacy – tức là một hình thức ngoại giao
nơi những cuộc trao đổi mang tính không chính thức, kín đáo hoặc bí
mật diễn ra. Loại hình đàm phán này cho phép kiểm nghiệm một số đề xuất
mà không cần phải cam kết công khai.” Ngược lại, một nguồn tin khác
lại cho rằng trên thực tế, ngay cả trong trường hợp phía Mỹ có thiện
chí, thì các bên liên quan cũng không đủ thời gian. Người này nói : “Tôi
không nghĩ là sẽ có cơ hội như vậy. Trong các lễ tang, các phái đoàn
đến nơi, di chuyển ra quảng trường và rồi rời đi ngay sau đó.”
Thất bại của giáo hoàng ở Mỹ Latinh
Vẫn liên quan tới giáo hoàng, tờ Le Figaro lại tập trung phân tích “Thất bại của giáo hoàng ở Mỹ La-tinh”. Nhà xã hội học Thierry Maire nhận định tại Mỹ Latinh, giáo hoàng Phanxicô “đã
thành công trong việc thay đổi hình ảnh của Giáo hội, (…) khơi dậy sự
quan tâm của công chúng theo đúng nghĩa cao đẹp và nhiều lần lên tiếng
bảo vệ người di cư trong một khu vực vốn có tỷ lệ di cư cao.”
Tuy
nhiên, nỗ lực của giáo hoàng Phanxicô vẫn không đủ để ngăn chặn đà suy
giảm của Giáo hội Công giáo tại khu vực này. Ông Maire trích các số
liệu, cho biết : “Tại El Salvador và Guatemala, số tín đồ Tin Lành
đã gần bằng số tín đồ Công giáo còn tại Honduras, tín đồ Tin Lành thậm
chí đã chiếm đa số.” Nếu như năm 1995, có tới 80% người dân Mỹ
La-tinh nhận mình là người Công giáo thì đến năm 2013, theo một khảo sát
của Latino Barometro, con số này đã giảm xuống còn 67%.
Sự suy
giảm của Giáo hội Công giáo ở Mỹ La-tinh bắt đầu từ những năm 1980, khi
giáo hoàng Gioan-Phaolô II phát động cuộc chiến chống lại thần học giải
phóng, một học thuyết đặt cuộc đấu tranh chống đói nghèo, dốt nát và áp
bức làm trung tâm cho sứ mệnh của Giáo hội, và tán thành những luận điểm
chính về bất công xã hội mà Karl Marx đưa ra. Le Figaro phân tích phong
trào này từng phát triển mạnh tại Brazil nhưng đã bị kìm hãm dưới thời
Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, người lúc đó tập trung chống chủ nghĩa cộng
sản. Do vậy, Giáo hội Công giáo, vốn gắn bó sâu sắc với các cộng đồng
nghèo nhất, đã đánh mất vai trò của mình và nhường chỗ cho các giáo phái
Tin Lành phát triển.
Ngoài ra, sự suy giảm của Công giáo và sự
trỗi dậy của các giáo phái Tin Lành cũng liên quan đến các yếu tố đô thị
hóa. Trong bốn thập kỷ qua, các nước Mỹ Latinh đã chứng kiến một làn
sóng di cư ồ ạt từ nông thôn ra thành thị. Người dân đến sống ở những
vùng ven đô, lập nên các khu dân cư mới không có cấu trúc tổ chức, không
có trung tâm hay cơ sở hạ tầng. Trong khi nhà thờ Công giáo thường tọa
lạc tại trung tâm làng mạc, thì các đền thờ Tin Lành có thể được dựng
lên ở bất cứ đâu – trong một rạp chiếu phim bỏ hoang hay một nhà
kho. Cuối cùng, tại Mỹ Latinh, số người “không theo tôn giáo nào” ngày càng tăng. Họ không phải là vô thần, nhưng không thuộc về bất kỳ giáo hội nào với tâm niệm : “Iglesia no, Dios sí” (Không Giáo hội, nhưng vẫn có Đức Chúa Trời).
Đất và nước : Nguồn cơn của ngọn lửa căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan
Về
thời sự châu Á, các báo Pháp quan tâm tới vụ khủng bố ở Kashmir và căng
thẳng ngoại giao giữa Ấn Độ và láng giềng Pakistan. Hôm 22/04, một
nhóm vũ trang đã nổ súng vào đoàn khách du lịch đang tham quan
tại Pahalgam, một địa phương thuộc vùng Kashmir, phía Bắc Ấn Độ. Kết quả là 26 người thiệt mạng – bao gồm 25 người Ấn Độ không phải dân gốc Kashmir và 1 người Nepal.
Theo La
Croix, có hai nhóm bị nghi đứng sau vụ tấn công. Trước hết
là Lashkar-e-Toiba, một tổ chức vũ trang Hồi giáo đấu tranh để biến vùng
Kashmir thuộc Ấn – nơi đa số dân là người Hồi giáo – được sáp nhập vào
Pakistan. Nhóm thứ hai là Mặt trận kháng chiến Kashmir
(Kashmir Resistance Front), một tổ chức vũ trang tập trung vào việc đấu
tranh cho quyền tự trị của Kashmir. Tuy nhiên, theo bà Charlotte Thomas,
nhà chính trị học chuyên nghiên cứu về khu vực Kashmir, thì nhóm thứ
hai này “hoàn toàn không nhắc đến bản sắc Hồi giáo hay ý định sáp nhập với Pakistan” trong các tuyên bố của mình.
Trong
khi đó tờ Le Monde tập trung phân tích nguyên nhân của những căng thẳng
giữa New Delhi và Islambad. Theo đó, không chỉ có những tranh chấp lâu
đời về đất đai, Ấn Độ và Pakistan còn giành giật nhau cả nguồn nước. Đối
với Islambad, yêu sách về việc kiểm soát vùng Kashmir gắn liền với vấn
đề nguồn nước. New Delhi đang nắm “vòi nước” trong tay, với các
đập và hồ chứa trên sông Ấn, sông Chenab và sông Jhelum, có thể khiến
kẻ thù của mình chết khát hoặc bị nhấn chìm trong cảnh ngập lụt.
Pakistan, nằm ở hạ lưu, hoàn toàn dễ tổn thương. Mặc dù đã có hiệp ước
được ký kết năm 1960 dưới sự bảo trợ của Ngân Hàng Thế Giới, các nhà
lãnh đạo Pakistan vẫn thường xuyên tố cáo “chủ nghĩa khủng bố nguồn nước của Ấn Độ”.
Nhật Bản lặng lẽ bắt tay Trung Quốc sau lưng Mỹ
Vẫn về tình hình châu Á, nhật báo Le Figaro chạy tựa “Thuế quan: Tokyo mắc kẹt giữa Bắc Kinh và Washington”.
Tờ báo phân tích, kể từ khi Mỹ tuyên chiến thương mại với Trung Quốc,
Nhật Bản đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải tìm
cách làm hài lòng một bên mà không làm mất lòng bên kia. Đây là một bài
toán nan giải, buộc Nhật Bản phải có những tính toán thận trọng vì Bắc
Kinh và Washington là hai đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Đối
với Mỹ, Nhật Bản công khai thể hiện thái độ ngoan ngoãn, loại bỏ mọi
biện pháp trả đũa. Bộ trưởng Tái sinh kinh tế Ryosei Akazawacủa
Nhật, phụ trách đàm phán với Hoa Kỳ, trong cuộc họp với ông chủ Nhà
Trắng, đã đội chiếc mũ MAGA và giơ ngón tay cái trong phòng làm việc
của tổng thống Trump. Hình ảnh này ngay lập tức bị tờ Asahi, tờ báo được
đọc nhiều thứ hai tại Nhật, phê phán, gọi đây là “một hành động tự hạ nhục của một kẻ nịnh hót”.
Còn đối với Trung Quốc, các cuộc đàm phán mà Nhật Bản tiến hành lại kín
đáo hơn. Chủ tịch đảng Phật giáo Komeito, đối tác của Đảng Dân chủ Tự
do trong liên minh cầm quyền, đã đến Bắc Kinh trong tuần này để gặp gỡ
quan chức thứ của chế độ. Cả hai đã cùng nhau kêu gọi “tự do thương mại”, lặng lẽ làm điều này sau lưng Washington.