Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam vừa kết án nhà hoạt động Thúy Nga 9 năm tù và năm năm quản chế tại phiên xử hôm 25/7.
Bà Trần Thị Nga, tức Thúy Nga, bị Công an tỉnh Hà Nam bắt tạm giam hồi tháng 1/2017 với cáo buộc "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", theo Điều 88 Bộ luật hình sự.
Bà Nga là một trong các nhà hoạt động thường xuyên tham gia biểu tình chống Trung Quốc, tuần hành vì môi trường, phản đối công ty Formosa trong thảm họa môi trường miền Trung, trợ giúp dân oan khiếu kiện.
Hôm 25/7, một số nhà hoạt động cáo buộc rằng tuy "phiên tòa công khai" nhưng họ không được vào dự khán.
Nhà hoạt động Thúy Nga 'sắp bị truy tố Điều 88'
Trước đó khi tòa tạm nghỉ buổi trưa, Luật sư Hà Huy Sơn, công ty luật Hà Sơn, một trong ba người bào chữa cho bà Thúy Nga, nói với BBC qua điện thoại: "Viện Kiểm sát đề nghị mức án 9, 10 năm tù giam đối với bà Thúy Nga."
"Chiều nay, trong phần tranh tụng, tôi sẽ giữ quan điểm là không có căn cứ buộc tội bà."
"Tuy nhiên bản án cuối cùng tòa tuyên thế nào thì đó là trách nhiệm của Hội đồng Xét xử."
Luật sư cũng nói thêm: "Theo quan sát của tôi, phiên tòa hôm nay cũng không khác gì mấy các phiên xử các nhà hoạt động khác."
"Các nhà hoạt động không được vào dự, còn bên trong khán phòng thì chỉ toàn công an và những người dự khán được bố trí là tổ dân phố, cán bộ hội phụ nữ…"
"Qua một số phiên tòa gần đây, tôi nhận có xu hướng là mức án cho các nhà hoạt động bị truy tố đang ngày càng nặng hơn so với trước đây."
'Hù dọa'
Cùng ngày, ông Lương Dân Lý, chồng của bà Trần Thị Nga, nói với BBC: "Tôi ở ngoài tòa án nghe ngóng tin do họ không cho tôi dẫn hai đứa con 5 và 7 tuổi cùng vào dự."
"Tôi mong vợ tôi sẽ có án nhẹ hơn mức bị đề nghị."
"Và dù mức án tuyên thế nào thì tôi tin rằng Thúy Nga vẫn không thay đổi lập trường."
"Nếu mức án tuyên với Nga càng nặng thì càng chứng tỏ chính quyền muốn hù dọa các nhà hoạt động khác chứ không phải căn cứ theo luật pháp."
Thông cáo hôm 25/7 do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát đi kêu gọi Việt Nam "cần lập tức phóng thích nhà hoạt động vì nhân quyền Trần Thị Nga và hủy bỏ mọi cáo buộc về bà."
"Chính phủ Việt Nam thường áp dụng biện pháp cực đoan hòng dập tắt tiếng nói phê bình, nhằm vào các nhà hoạt động như Trần Thị Nga với cáo buộc ngụy tạo có mức án tù nhiều năm, sách nhiễu và ngược đãi gia đình họ," thông cáo dẫn lời ông Phil Robertson, phó giám đốc ban Á châu của HRW.
"Các nhà tài trợ nước ngoài cần sử dụng ảnh hưởng của mình để gây sức ép đòi thả Trần Thị Nga ngay lập tức, và tuyên bố rõ ràng rằng các mối quan hệ gần gũi hơn sẽ phụ thuộc vào việc Việt Nam chấp nhận tiếng nói chỉ trích, thay vì tống các nhà phê bình vào tù."
Tháng 6/2017, trong thời gian bị tạm giam ở tỉnh Hà Nam, sức khỏe của Trần Thị Nga được cho là bị suy sụp nhưng cơ quan chức năng khước từ đề nghị đưa bà đi điều trị tại bệnh viện.
Tháng trước, nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, bị tuyên 10 năm tù theo Điều 88.
Trong một diễn biến khác, Cơ quan an ninh điều tra Công an Nghệ An bắt khẩn cấp ông Lê Đình Lượng, 52 tuổi, lao động tự do, về hành vi "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79 Bộ luật Hình sự, theo Thông tấn xã Việt Nam hôm 25/7.
"Kết quả điều tra ban đầu xác định đối tượng Lê Đình Lượng thường xuyên có các hoạt động nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân và gây phức tạp về an ninh, trật tự tại địa phương," hãng này tường thuật.