GNsP (28.10.2016) – Trong sự kiện hơn 500 bà con ngư dân ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An gửi đơn khởi kiện Formosa, ngành Tư pháp – Tòa án Thị xã Kỳ Anh có động thái bù nhìn, nhũn như con chi chi để cho ngành Hành pháp – Ủy ban lấn lướt, điều khiển sai phạm pháp luật, vi hiến khi không thực hiện đúng “chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn” của mỗi ngành. Và cố tình “tước đoạt” quyền khởi kiện và khiếu nại của bà con ngư dân.
Điển hình của sự vi phạm pháp luật và vi hiến này thể hiện tại văn bản số 1437/UBND-CA của Ủy ban Nhân dân Thị xã Kỳ Anh, khi ra thông báo thay cho “Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh sẽ không nhận đơn khiếu nại về việc Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh trả lại đơn khởi kiện Formosa” của bà con ngư dân.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án
Tại điều 102 Hiến Pháp và Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân là “cơ quan xét xử…, thực hiện quyền tư pháp”, “có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân,… quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Và, tại Điều 30 Hiến Pháp quy định “cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo” của mọi công dân. Bởi vì “mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Vì vậy, Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh vi phạm Hiến pháp và Pháp luật khi “tước đoạt” quyền khởi kiện Formosa, khiếu nại Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh của bà con ngư dân huyện Quỳnh Lưu. Mà buộc Tòa án phải tiếp nhận, xem xét vụ án dân sự này một cách công minh, khách quan, tìm công bằng và công lý cho bà con ngư dân nghèo, mất nghiệp do thảm họa ô nhiễm môi trường biển vào những ngày tháng 4.2016. Đại diện của công ty Formosa cũng đã “thừa nhận” gây ra nguyên nhân biển Miền Trung bị ô nhiễm, cá biển chết trắng… Điều này cũng được Chính phủ Nhà nước CHXHCNVN thông báo và công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban
Tại Điều 113 Hiến Pháp quy định Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân là “đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”.
Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban được quy định tại Điều 112 Hiến Pháp và Điều 2 Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân là “tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định…”
Trong việc thi hành pháp luật, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 117 Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân:
“1. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật; giải quyết các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật;
2. Tổ chức tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân theo thẩm quyền;
3. Tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thi hành án theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện các quyết định về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.”
Chính vì vậy, Ủy ban Nhân dân Thị xã Kỳ Anh không được ra thông báo “thay cho” Tòa án Nhân dân về việc “không nhận đơn khiếu nại” của bà con ngư dân. Thậm chí là ra “phán quyết” thay cho Tòa là Tòa đã làm “đúng pháp luật”… Việc làm này cho thấy, Ủy ban không chỉ “lạm quyền”, mà còn là cố tình hạn chế quyền của người dân khi cơ quan này có nghĩa vụ phải “vì nhân dân phục vụ”.
Thời hiệu khiếu nại của bà con ngư dân là vô hiệu
Trước hết như GNsP đã xác định căn cứ Điều 194 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì quyền khiếu nại của bà con ngư dân đối với hành vi “trả lại đơn khởi kiện” của Tòa là 10 ngày “kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện”. Như vậy, thời hạn khiếu nại sẽ không phải là hết hạn “ngày 18.10” như Ủy ban xác định, mà nghĩa vụ của Tòa phải chứng minh người khởi kiện “đã nhận được văn bản”, và sau đó mới là “trong thời hạn 10 ngày…”.
Ngoài ra, như GNsP đã đưa tin, vào ngày 18.10.2016, gần 1000 bà con ngư dân ở huyện Quỳnh Lưu dưới sự hướng dẫn của cha Antôn Đặng Hữu Nam, đồng loạt đi gửi đơn khiếu nại đã bị giới chức cộng sản huy động lực lượng công quyền, sử dụng mọi chiêu trò ngăn cản tiến trình đi gửi đơn. Nhà chức trách còn đe dọa các chủ nhà xe – được hợp đồng trước đó – không được chở bà con ngư dân, thậm chí còn bắt cóc tài xế và đánh đập… Là những “sự kiện bất khả kháng” không lường trước được, mặc dù cha Nam và bà con ngư dân đã “áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép” để khắc phục, nhưng lực lượng công quyền vẫn ngang nhiên cản trở quá trình đi gửi đơn khiếu nại của bà con ngư dân “trong phạm vi thời hiệu”. Chính ông Phan Đình Sửu, Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng An ninh xã hội công an tỉnh Nghệ An, đã đến tận hiện trường và khẩn khoản xin cha Nam yêu cầu đoàn khởi kiện trở về lại giáo xứ.
Chính vì lẽ đó, theo quy định tại Điều 160 Bộ Luật Dân sự (BLDS) thì “thời hiệu” gửi đơn khiếu nại của bà con ngư dân sẽ “vô hiệu” khi xảy ra những “sự kiện bất khả kháng” – là chính những hành vi đe dọa, sách nhiễu, cản trở, gây khó khăn… từ phía nhà cầm quyền địa phương.
Nếu Tòa không nhận đơn khiếu nại của bà con ngư dân, thì không chỉ 600 bà con ngư dân ở khu vực huyện Quỳnh Lưu mà hàng ngàn bà con ngư dân tại khắp các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có thể cùng nhau “nộp đơn khởi kiện lại” Formosa được quy định tại khoản 3, Điều 192 Bộ Luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS). Cũng như bà con chưa nộp đơn khởi kiện (mới) cũng sẽ cùng xuống đường nộp đơn.
Xin được phép nhắc lại, vào ngày 26-27.09, hơn 600 bà con ngư dân từ huyện Quỳnh Lưu gửi đơn khởi kiện Formosa tại Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh. Ngày 07.10, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản vu cáo cha Nam. Ngày 11.10, UBND huyện Quỳnh Lưu có văn bản xác nhận, bà con ngư dân huyện Quỳnh Lưu và cha Nam đã có các hoạt động chống lại “thủ phạm” Formosa là chống lại Nhà nước CHXHCNVN. Ngày 17.10, UBND huyện Quỳnh Lưu có văn bản yêu cầu cha Nam không được tổ chức cho bà con ngư dân đi khiếu nại. Ngày 18.10, bà con đi gửi đơn khiếu nại “trong phạm vi thời hiệu” nhưng đã bị lực lượng công quyền cản trở.
Công lý chỉ thực sự hiện diện tại Việt Nam khi có một thể chế tam quyền phân lập, ngành Tư pháp độc lập với ngành Hành pháp.
Huyền Trang, GNsP