Văn Học & Nghệ Thuật
Tôi Biết Nhà Văn Mai Thảo Như Thế
Tôi Biết Nhà Văn Mai Thảo Như Thế
Tấm bảng lớn bự, dựng trước khu Song Long. Hàng thứ hai, kẻ chữ xanh, loại chữ in to, rõ: “Nhà may Thảo”. Tức nhà may áo quần tên Thảo.
Vậy mà tôi đọc làm sao không biết, thành là “nhà Mai Thảo”.
Làm nhà văn lớn oai thật, nhà ở trong hóc bò tó, nhỏ xíu, chỉ là căn phòng chật hẹp trong dãy nhà dài như một bệnh viện tỉnh lẻ. Vậy mà, được ghi tên trên bảng chỉ dẫn lớn bự ở ngoài đường “Nhà Mai Thảo!”
Tôi nghĩ vậy và giữ kín trong lòng, đâu dám bép xép, bác lại mắng cho: “Ê! Con nhóc kia, mày thì biết cái đếch gì”. Cái gì Bác cũng "đếch" hết. Mà hình như khi nào để tỏ dấu âu yếm, thương mến Bác mới dùng chữ "đếch"
Tôi làm sao quên được, những ngày đầu đến Mỹ, trời đông lạnh buốt, Bác đưa cho tôi cái mền và càm ràm: “Tao chia cho mày cái mền. Có hai vết cháy vì thuốc lá, Nhưng không sao! Vậy là tối nay ông sẽ bị lạnh, nhưng bù lại ông đếch còn lo cho mày nữa”. Một tháng sau, tôi chính thức vào trường. Vào ngay lớp 9, tôi học gấp đôi những đứa bình thường. Học không khổ lắm, cái mà tôi sợ nhất là, mỗi ngày phải chạy hai vòng quanh sân trong giờ thể dục.
Bác Mai Thảo nói với bố tôi.
- “Vào trong trường bảo với chúng nó, con tao chỉ bằng cái kẹo, đâu có to béo như chúng mày. Để cho nó chạy nửa vòng thôi”.
Bố tôi dạ vâng nhưng lơ đi. Lần sau, tôi không dám than gì nữa. Tôi sợ có ngày, bác Mai Thảo sẽ lừng lững vào trường nói với thầy hiệu trưởng của tôi, nói bằng tiếng Việt kiểu Bắc kỳ hẳn hoi: “Này ông để cho tôi dẫn nó đi ăn đã. Nó bé thế, học làm đếch gì cho nhiều”.
Sáng nào bác cũng đưa tôi hết quán này đến quán khác. “Ông phải cho mày đi ăn chứ! Món ngon vật lạ ở Cali, mấy năm ở Canada, làm đếch gì mày có mà ăn”.
Bác có một tập hồ sơ các quán ăn, trong đó bác cắt những mẫu quảng cáo của các nhà hàng. Mỗi lần bố mẹ đưa tôi đến thăm, bác lại giở ra. “Bún Viễn Đông nhá! Ở đây có món miến lươn rất ngon. Nhưng thế nào cũng phải nghe ông chủ quán Nghị Viên Tony Lâm. hát: “Chỉ hai đứa mình thôi nhé! Đừng cho trăng hé bên thềm” thì cũng kinh lắm, lại còn phải chuẩn bị trả lời câu: 'Nghĩ thế nào về tình hình thế giới?' của ông Nghị Viên”. “Phở Nguyễn Huệ nhá! Ăn phở ở đây thì lại được ông chủ nói 'Xong rồi, đi đi'”.
Bác Cảnh, chủ nhân phở Nguyễn Huệ, chẳng bao giờ lấy tiền của Bác Mai Thảo và cả Bố tôi. Lúc nào thấy chúng tôi, bác cũng sà vào bàn, cười hào sảng “Đi, đi. Xong cả rồi”.
Có một lần tại quán Viễn Đông bàn rất đông văn nghệ sĩ, có cả hai ông chủ tiệm Bún Viễn Đông và Phở Nguyễn Huệ. Bác Mai Thảo khủng khỉnh nói:
“Quán Viễn Đông là nơi tụ tập của anh em văn nghệ. Anh em văn nghệ khắp nơi về, bao giờ cũng muốn đến Viễn Đông và Viễn Đông bao giờ cũng đón tiếp anh em văn nghệ”.
Nghe thế ông chủ Viễn Đông cười tít tát, rót nước lia lịa vào ly của khách, thì bác Mai Thảo tiếp:
“Tuy nhiên, phở Nguyễn Huệ là nơi... chả bao giờ lấy tiền của anh em văn nghệ”.
Ông Chủ Quán Viễn Đông quê cơ quá đi, Nói là nói vậy chứ ông Nghị Tony Lâm cũng giúp đở rất nhiều người. Mẹ tôi vẫn nhắc hoài chuyện ông Nghị giúp Mẹ có giấy tờ chính thức để ở lại Mỹ.
Cả Bác Cảnh chủ nhân Phở Nguyễn Huệ cũng là một ân nhân lớn của gia đình tôi. Lúc tôi mới đến Mỹ, vì không có giấy tờ, sợ không đi học được. Bác Cảnh đã nói với Mẹ tôi: “Em cứ lo cho con nó học trường tư, anh sẽ trả tiền cho”. Dù sau đó tôi học được trường công, nhưng chẳng khi nào tôi quên những gì bác đã dành cho gia đình tôi. Bác luôn cho tiền tôi mỗi kỳ nhập học, để mua sắm sách vở áo quần. Ngay khi thấy Mẹ tôi hằng ngày phải lên shop để may, bác cũng mua cho Mẹ tôi máy để Mẹ tôi có thể may ở nhà.
Bác Mai Thảo là người sành ăn và hình như bác chuộng sự cầu kỳ của món ăn hơn là hương vị của món ăn. Bác khen vợ bác Mặc Thu, làm món chả cá Thăng Long rất ngon, bác nhắc hoài chi tiết, nếu không đủ các loại rau yêu cầu, là cô ấy không chịu nấu. Bác khen nhà bác Thăng có món lòng luộc tuyệt vời, dồi phải nhồi đúng cách và nướng lên, đủ bộ mới thơm giòn.
Có hai điều bác say sưa kể là thơ và món ăn. Bác hay nhắc đến Hồ Dzếnh và Vũ Hoàng Chương. Đôi khi bác cũng nhắc đến Chinh Phụ Ngâm, càng uống càng đọc thơ. Bác không thuộc Chinh Phụ Ngâm mấy, đọc vài câu, sau đó ờ... ờ lướt đi. Chữ nào thuộc thì đọc lớn, chữ nào không thuộc thì hạ thấp giọng ờ ờ, làm như ngang đó phải ờ ờ như vậy mới đúng cách. Bao giờ bác đọc cũng minh họa bằng cách giơ tay chém vào không khí, chém mạnh hay nhẹ tùy theo câu thơ thuộc hay không.
Bác cũng hay kể chuyện chưởng. Tôi đâu ngờ bác cũng mê chuyện chưởng, kể say sưa. Bác khoái Trương Vô Kỵ và Diệt Tuyệt Sư Thái. Về các chi tiết trong chuyện chưởng có vẻ bác thuộc nhiều hơn Chinh Phụ Ngâm. Bác và bố tôi, hai người huơ tay múa chân say sưa với những màn luyện Cửu Âm Chân Kinh, những màn vừa “tuyệt” vừa “diệt” của Sư Thái, những pha quần thảo trên núi, những màn quần hùng tụ họp. Bác Mai Thảo múa, nói đúng hơn là khều khào trong không trung. Bố tôi mặc dù hai lá phổi đã teo tóp vì thuốc lá cũng cười to sảng khoái. Hai bác nói toàn chuyện lấp biển vá trời, toàn chuyện xẻ băng bửa núi. Có phải đó là niềm mơ ước thầm kín của hai con người thực tế chỉ có thể cầm nổi cây bút, trói gà không chặt.
Hai “chưởng môn” mà bác Nguyên Sa có thơ rằng:
Mai Thảo:
Ông ngồi với hai ông Tây
Ông kia tên Mạc (Martel), ông này tên Cô (Cognac)
Buổi sáng ông chỉ say vừa
Nửa khuya mới tới đúng mùa nho ngon.
Du Tử Lê
Bạn ta bằng nửa cò
Vác trên vai cái đền thờ con voi
Con voi nặng cũng vừa thôi
Có em người đẹp lại ngồi bên trên.
Khi còn tờ báo Văn, bác Mai Thảo hay phàn nàn, tụi Mỹ nó không xài dấu, nên người ta cứ nhầm, không biết “văn” hay “vân”. Đây là tòa soạn báo Văn mà ngày nào cũng có người gọi đến đặt bánh xèo Vân. Bác cũng chúa ghét tiếng alarm của xe. “Ở Mỹ cái gì cũng được, chỉ thỉnh thoảng trong không khí tỉnh lặng, êm đềm, tự nhiên lại nghe đâu đó oạo oạo hú... hú tò te... tò te nghe đếch chịu được”. Lại "đếch"!
Bác nhất định không lái xe, không xài computer và không nói tiếng Mỹ.
Sau này thấy bác yếu quá, chú Khánh Trường có đề nghị, chú sẽ in sẵn những label có tên và địa chỉ của những độc giả dài hạn, bác chỉ việc dán vào bì thư gởi đi. Nhưng bác không chịu, cho là, như thế không đủ trân trọng, không nói được tấm lòng của mình, như đích thân viết tay. Bác nói, người nhận sẽ thích biết bao, khi đọc tên họ bằng chính nét chữ của Mai Thảo. Bác vẫn miệt mài hàng tháng viết tay, tên và địa chỉ những độc giả dài hạn, và gửi đi.
Sau này khi bác quá yếu, Mẹ tôi đã làm thay cho bác. Thỉnh thoảng, trong số độc giả của tờ Văn, mẹ tôi nhận ra tên và địa chỉ của những người yêu cũ, mới của bố tôi. Mẹ tôi không ghen bao giờ, nhưng chắc là đá chảy mồ hôi, đôi khi phải chảy trộm. Tôi tâm đắc vô cùng ý này từ cô Bùi Bích Hà, tôi than với mẹ “Để giữ thể diện cho chồng và cho mình, sau này bé cũng phải làm đá chảy mồ hôi sao? Mẹ nói: “đến đời con, sẽ không còn cảnh đó”.
Những ngày bác Mai Thảo còn tờ Văn, một người nữa cũng bận bịu vì bác, đó là chú Phan Tấn Hải. Một tháng 2 lần, chú Phan Tấn Hải phải chở bác Mai Thảo xuống tận Los, để bỏ báo in và đem báo về. Chú Phan Tấn Hải có một đứa con trai chừng 6, 7 tháng, những lần chú đi Los, mẹ và bố tôi phải đến trông thằng bé. Thằng bé đầu trọc lóc, tròn quay và lành như cục đất, chỉ phải cái tội, đòi ẵm suốt trên tay. Nó như một cái máy điện tử tối tân, chỉ cần để nó xuống giường là lập tức nút “on” bật lên. Nó thét nhanh và nhọn như có kim đâm vào người. Ôm nó lên, lập tức nút “off” hoạt động, nó nín bặt. Nay thì nó lớn xồ, lại còn học võ, người to khỏe đến độ có thể ẵm mẹ tôi, để đền cái ơn ẵm nó năm xưa.
Những lúc ngồi riêng với gia đình tôi, bác Mai Thảo hay tẩn mẩn kể về những người phụ nữ trong đời bác. Cô Phụng, bác quen từ hồi còn ở Hà Nội, cô còn một người em tên Loan. Hai chị em đẹp nổi tiếng ở làng Bình Hồ. Về sau người em trở thành vợ của bác Quỳnh, anh ruột của nhà thơ Du Tử Lê. Còn cô Phụng sau là vợ của ông Xuân Thiêm, một người bạn chí thân của bác Mai Thảo. Dạo đó, thấy bác Mai Thảo quá nghệ sĩ, ông Xuân Thiêm đã nói thẳng: “Cậu và cô Phụng sẽ chẳng đi đến đâu, như vậy tội người ta, cậu nên để tớ cưới cô ấy”.
Vậy là cô Phụng trở thành bà Xuân Thiêm. Sau biến cố năm 75, ông Xuân Thiêm là cán bộ CS cao cấp, ông vào Nam rất sớm, tìm gặp bác Mai Thảo. Hai người bạn xưa đã nằm gác chân lên nhau nói chuyện quá khứ, họ vẫn vui vẻ, thân thiết như ngày xưa. Chỉ đến khi ông Xuân Thiêm nói: “Thôi để tớ “tranh thủ” đi tắm cái đã” thì bác Mai Thảo ngán ngẫm. (bác "đếch" chịu được). Lần thứ hai ông vào, ông đem cho bác một cuộn băng cassette:
“Vợ tớ nó khóc, nó nhắc đến cậu, nó gởi cho cậu cái này”.
Trong cuộn băng cô Phụng kể lại những ngày cũ, rồi bác Mai Thảo vào Nam, cô ở lại cơ cực biết chừng nào.
Điều mà bác Mai Thảo sợ đã không xảy ra, vẫn cái giọng Hà Nội chậm rải, đài các, ngọt ngào, không hề lẫn một chữ nào của thời đại mới. Cô vừa nói vừa khóc.
Tất cả những điều này, bác Mai Thảo ghi lại trong một tùy bút có tên “Người Hà Nội cuối cùng” trong tập “Ngọn hải đăng mù” do Làng Văn xuất bản năm 1986.
Thái Thanh
Một người nữa mà bác Mai Thảo luôn nhắc bằng một giọng trân trọng, lưu luyến, là cô Th. Thanh. Hằng năm, sinh nhật cô, bác thường bảo Mẹ tôi mang hoa đến. Có một lần tôi được hân hạnh là người mang hoa đến cho cô, và được nghe cô, vừa đàn vừa hát những bài tình ca bất hủ của Phạm Duy và Phạm Đình Chương.
Nhà cô Th. Thanh, tôi không tìm ra một hạt bụi, chỗ nào cũng tinh tươm ngăn nắp. Bác Mai Thảo kể: “Th. Thanh rất thích 'nhiều', cái gì nhiều là thích. Những lần đi chơi ở Chợ Lớn, khi thấy người ta để cả dãy lu, Th. Thanh reo lên thích thú. Ngày tôi đến Mỹ, đi vào các siêu thị, thấy người ta sắp hàng hóa từng dãy dài. Tôi nhớ đến Th. Thanh và chỉ ước ao có cô ấy ở đây”. Tôi chảy nước mắt khi nghe Bác nói như vậy. Đơn giản, nhưng chí tình đến thắt ruột gan.
Sau này trí nhớ Bác kém đi, cô Th. Thanh có năm nhận đến hai lần hoa sinh nhật.
Hà Thanh
Bác cũng hay nhắc đến một người ca sĩ nổi tiếng khác, là cô Hà Thanh, cô người Huế. Đáng lẽ đã có một đám cưới giữa Bác và cô. Bác biết đến cô qua Bác Vũ Quang Ninh, bấy giờ là Giám Đốc Đài Phát Thanh Huế. Bác kể cứ mỗi lần đi chơi là cô Hà Thanh rủ tất cả chị em đi theo, “mà tôi thì đếch muốn đi đông như thế”. Khi đến gặp bố mẹ cô để xin hỏi cưới. Bác đã nói: "Thưa hai bác, tôi là Mai Thảo, tôi muốn xin hỏi cưới em Lục Hà. Nếu hai bác đồng ý thì vài hôm nữa tôi sẽ nói bố mẹ tôi vào thưa chuyện cùng hai bác". Thời đó khi muốn cưới vợ, phải nhờ một người mai mối, người này phải quen biết cả hai gia đình và quan trọng là người này phải cùng vai vế với hai bên bố mẹ. Không ai tự mình thưa chuyện như thế. Nên đương nhiên bố mẹ cô Hà Thanh không chịu được cái lối hỏi cưới đường đột của Bác, nhất là gia đình cô Hà Thanh là gia đình trâm anh thế phiệt ở đất Thần Kinh!
Một người nữa, bác Mai Thảo cũng hay nhắc là cô Cúc. Cô là một vũ nữ đẹp nổi tiếng. Có hôm mẹ tôi hỏi bác Nguyên Sa “Có phải hoa cúc trong thơ anh là Cúc của anh Mai Thảo” “Bậy! Cúc của anh không dính dáng gì đến Mai Thảo hết”. Hôm đám tang bác Mai Thảo, khi hạ quan tài xuống, người ta có làm một lễ đổ rượu. Mọi người rót rượu mời bác uống, xong đổ rượu xuống huyệt. Bác Nguyên Sa có nói về điều này rất thú vị, nhưng tôi không dám kể ra đây.
Trở lại chuyện cô Cúc. Có một lần bác Mai Thảo nói, nếu bác không ép buộc cô Cúc đi nhà thương, thì nay bác đã có một người con. Bác rất hối hận về chuyện này, nhất là những ngày cuối đời bác cứ than: “Vậy là hết, chấm dứt Mai Thảo, không còn gì tiếp nối nữa. Tôi yêu cái hình ảnh người cha đội mũ lưỡi trai xoay đằng sau, cõng một đứa con trên vai và thơ thẩn ở bãi biển”.
Bao nhiêu năm ở Mỹ bác đã nhắn tin nhiều lần để tìm tông tích cô Cúc, nhưng vẫn biệt tăm. Về sau hình như bác Hoàng Anh Tuấn đã gặp được cô Cúc, còn ở Việt-Nam, bán chuối chiên ngoài chợ. Nhưng lúc này bác Mai Thảo đã vào nursing home ở đường Haster, khi tỉnh khi mê.
Bác nói về cô Cúc: “Cái con bé đó, nó cứ ưa lấy áo sơ mi của tôi để mặc, nó thì bé, mặc cái áo thùng thình, trông hay đáo để”.
Trong câu chuyện, bác Mai Thảo hay nhắc đến người này người kia, phần nhiều là những điều tốt đẹp. Tôi quý bác Mai Thảo nên hầu như những chuyện bác kể, tôi cũng vui buồn theo như bác. Tôi cũng nhớ ơn cô Nhã Ca như Bác đã nhớ ơn cô. Khi cô Nhã Ca cho sắp hàng các con cô để hỏi ý kiến “Bác Mai Thảo đang bị công an lùng bắt, các con có đồng ý cho bác trốn ở nhà mình không?” Tất cả những bàn tay nhỏ xíu đồng loạt giơ lên.
Bác cũng kể ca sĩ cổ nhạc Thành Được, vẫn thường cung kính gọi bác là “Thưa Văn Nhân”. Mặc dù bác Mai Thảo đã bao lần nhắc là đừng làm thế, nhưng lòng quý mến người có chữ nghĩa khiến nghệ sĩ Thành Được cho rằng không chữ nào xứng đáng với Mai Thảo bằng chữ "văn nhân"
Không chỉ giới văn nghệ quý mến bác. Kể cả những nơi công sở Mỹ họ cũng dành cho bác sự ưu ái đặc biệt. Mẹ tôi kể có một hôm bác Mai Thảo làm mất hết giấy tờ. Bố mẹ tôi chở bác lên DMV, đang sắp hàng rồng rắn, thì có một người Mỹ chạy đến mời bác vào sớm hơn số thứ tự. Sau này hỏi ra mới biết có người nhận ra bác, nên họ xin với boss cho bác vào sớm hơn.
(Hình Nguyễn Bá Khanh)
Những ngày cuối đời, bác sống rất là thương. Bác dời phòng từ lầu một xuống tầng trệt, vì bác không còn lên nổi cầu thang. Phòng lúc nào cũng mở cửa, để anh em có thể vào bất cứ lúc nào. Bác nằm trên giường chờ ngóng bước chân anh em. Bác bảo: "Chúng nó cũng rầm rập đến, nhưng chúng nó lên phòng Khánh Trường nhậu vui hơn, chúng đếch ghé vào đây, đi ngang đây chúng rón rén sợ làm phiền tôi. Tôi biết hết! Tại sao chúng nghĩ chúng làm phiền tôi, thì chúng cứ vào đi chứ, cửa tôi mở mà!"
Sáng nào bố mẹ tôi cũng đến, đưa bác ra Nguyễn Huệ. Mẹ tôi phải dìu bác, bác không còn vững nữa. Ban đầu bác còn hất tay mẹ tôi, nhưng sau đó bác không còn sức nữa nên phải ngã cả khung xương lòng khòng của bác trên hai vai mẹ tôi. Mỗi lần bác vào, tấc cả khách trong quán đều buông đũa lặng người đi, như thấy nếu mình không ngưng sẽ rất mang tội với một người có chữ nghĩa như bác. Thỉnh thoảng buổi chiều tối bố mẹ tôi cũng đưa bác ra ngoài, có hôm bác năn nỉ bố mẹ tôi ngủ lại. Ban đầu Bác còn nói xa gần "Hai bạn về làm đếch gì. Ở lại đây đi, mai sáng mình lại đi tiếp, Lê và tôi ngủ dưới đất, để cho cô ấy nằm khò trên giường tôi". Về sau bác không nói thế nữa, mà thú thật: "Cứ đến khuya là tôi sợ, tôi cứ thụt lùi, thụt lùi, khi tôi đụng vào tường hết đường chạy thì tôi sợ quá! cái thằng cha thần chết nó cứ ám tôi về đêm".
Phòng bác sau này bừa bộn, hôi thối. Tội bác quá! trong restroom, hàng áo quần khi nào cũng đưa ra tiệm giặt ủi, vẫn thẳng tắp. Lâu lắm rồi, bác không đụng đến, những chiếc áo mang hơi hướm Mai Thảo, những chiếc khăn quàng điệu đà của công tử Hà Thành.
Trên bàn thờ gia đình, ngoài hình của bà nội, ông ngoại, là hình của bác Mai Thảo. Mẹ tôi cất giữ rất nhiều trang báo viết về Bác khi Bác mất, cả những trang cáo phó, phân ưu, cùng với mảnh vải đen nhỏ để những ai muốn để tang Bác, Mẹ tôi cất như của gia bảo. Ngoài ra Mẹ tôi cũng giữ kỹ thủ bút cuối cùng của Bác, đó là vài chữ nguệch ngoạc của Bác viết trên miếng băng của hospital. Cả nhà tôi yêu Bác. Chẳng những thế, rất nhiều nơi trong nhà có hình bác Mai Thảo.
Như thế, chúng tôi chẳng bao giờ không có Bác Mai Thảo trong cuộc sống.
Bàn ra tán vào (0)
Tôi Biết Nhà Văn Mai Thảo Như Thế
Tôi Biết Nhà Văn Mai Thảo Như Thế
Tấm bảng lớn bự, dựng trước khu Song Long. Hàng thứ hai, kẻ chữ xanh, loại chữ in to, rõ: “Nhà may Thảo”. Tức nhà may áo quần tên Thảo.
Vậy mà tôi đọc làm sao không biết, thành là “nhà Mai Thảo”.
Làm nhà văn lớn oai thật, nhà ở trong hóc bò tó, nhỏ xíu, chỉ là căn phòng chật hẹp trong dãy nhà dài như một bệnh viện tỉnh lẻ. Vậy mà, được ghi tên trên bảng chỉ dẫn lớn bự ở ngoài đường “Nhà Mai Thảo!”
Tôi nghĩ vậy và giữ kín trong lòng, đâu dám bép xép, bác lại mắng cho: “Ê! Con nhóc kia, mày thì biết cái đếch gì”. Cái gì Bác cũng "đếch" hết. Mà hình như khi nào để tỏ dấu âu yếm, thương mến Bác mới dùng chữ "đếch"
Tôi làm sao quên được, những ngày đầu đến Mỹ, trời đông lạnh buốt, Bác đưa cho tôi cái mền và càm ràm: “Tao chia cho mày cái mền. Có hai vết cháy vì thuốc lá, Nhưng không sao! Vậy là tối nay ông sẽ bị lạnh, nhưng bù lại ông đếch còn lo cho mày nữa”. Một tháng sau, tôi chính thức vào trường. Vào ngay lớp 9, tôi học gấp đôi những đứa bình thường. Học không khổ lắm, cái mà tôi sợ nhất là, mỗi ngày phải chạy hai vòng quanh sân trong giờ thể dục.
Bác Mai Thảo nói với bố tôi.
- “Vào trong trường bảo với chúng nó, con tao chỉ bằng cái kẹo, đâu có to béo như chúng mày. Để cho nó chạy nửa vòng thôi”.
Bố tôi dạ vâng nhưng lơ đi. Lần sau, tôi không dám than gì nữa. Tôi sợ có ngày, bác Mai Thảo sẽ lừng lững vào trường nói với thầy hiệu trưởng của tôi, nói bằng tiếng Việt kiểu Bắc kỳ hẳn hoi: “Này ông để cho tôi dẫn nó đi ăn đã. Nó bé thế, học làm đếch gì cho nhiều”.
Sáng nào bác cũng đưa tôi hết quán này đến quán khác. “Ông phải cho mày đi ăn chứ! Món ngon vật lạ ở Cali, mấy năm ở Canada, làm đếch gì mày có mà ăn”.
Bác có một tập hồ sơ các quán ăn, trong đó bác cắt những mẫu quảng cáo của các nhà hàng. Mỗi lần bố mẹ đưa tôi đến thăm, bác lại giở ra. “Bún Viễn Đông nhá! Ở đây có món miến lươn rất ngon. Nhưng thế nào cũng phải nghe ông chủ quán Nghị Viên Tony Lâm. hát: “Chỉ hai đứa mình thôi nhé! Đừng cho trăng hé bên thềm” thì cũng kinh lắm, lại còn phải chuẩn bị trả lời câu: 'Nghĩ thế nào về tình hình thế giới?' của ông Nghị Viên”. “Phở Nguyễn Huệ nhá! Ăn phở ở đây thì lại được ông chủ nói 'Xong rồi, đi đi'”.
Bác Cảnh, chủ nhân phở Nguyễn Huệ, chẳng bao giờ lấy tiền của Bác Mai Thảo và cả Bố tôi. Lúc nào thấy chúng tôi, bác cũng sà vào bàn, cười hào sảng “Đi, đi. Xong cả rồi”.
Có một lần tại quán Viễn Đông bàn rất đông văn nghệ sĩ, có cả hai ông chủ tiệm Bún Viễn Đông và Phở Nguyễn Huệ. Bác Mai Thảo khủng khỉnh nói:
“Quán Viễn Đông là nơi tụ tập của anh em văn nghệ. Anh em văn nghệ khắp nơi về, bao giờ cũng muốn đến Viễn Đông và Viễn Đông bao giờ cũng đón tiếp anh em văn nghệ”.
Nghe thế ông chủ Viễn Đông cười tít tát, rót nước lia lịa vào ly của khách, thì bác Mai Thảo tiếp:
“Tuy nhiên, phở Nguyễn Huệ là nơi... chả bao giờ lấy tiền của anh em văn nghệ”.
Ông Chủ Quán Viễn Đông quê cơ quá đi, Nói là nói vậy chứ ông Nghị Tony Lâm cũng giúp đở rất nhiều người. Mẹ tôi vẫn nhắc hoài chuyện ông Nghị giúp Mẹ có giấy tờ chính thức để ở lại Mỹ.
Cả Bác Cảnh chủ nhân Phở Nguyễn Huệ cũng là một ân nhân lớn của gia đình tôi. Lúc tôi mới đến Mỹ, vì không có giấy tờ, sợ không đi học được. Bác Cảnh đã nói với Mẹ tôi: “Em cứ lo cho con nó học trường tư, anh sẽ trả tiền cho”. Dù sau đó tôi học được trường công, nhưng chẳng khi nào tôi quên những gì bác đã dành cho gia đình tôi. Bác luôn cho tiền tôi mỗi kỳ nhập học, để mua sắm sách vở áo quần. Ngay khi thấy Mẹ tôi hằng ngày phải lên shop để may, bác cũng mua cho Mẹ tôi máy để Mẹ tôi có thể may ở nhà.
Bác Mai Thảo là người sành ăn và hình như bác chuộng sự cầu kỳ của món ăn hơn là hương vị của món ăn. Bác khen vợ bác Mặc Thu, làm món chả cá Thăng Long rất ngon, bác nhắc hoài chi tiết, nếu không đủ các loại rau yêu cầu, là cô ấy không chịu nấu. Bác khen nhà bác Thăng có món lòng luộc tuyệt vời, dồi phải nhồi đúng cách và nướng lên, đủ bộ mới thơm giòn.
Có hai điều bác say sưa kể là thơ và món ăn. Bác hay nhắc đến Hồ Dzếnh và Vũ Hoàng Chương. Đôi khi bác cũng nhắc đến Chinh Phụ Ngâm, càng uống càng đọc thơ. Bác không thuộc Chinh Phụ Ngâm mấy, đọc vài câu, sau đó ờ... ờ lướt đi. Chữ nào thuộc thì đọc lớn, chữ nào không thuộc thì hạ thấp giọng ờ ờ, làm như ngang đó phải ờ ờ như vậy mới đúng cách. Bao giờ bác đọc cũng minh họa bằng cách giơ tay chém vào không khí, chém mạnh hay nhẹ tùy theo câu thơ thuộc hay không.
Bác cũng hay kể chuyện chưởng. Tôi đâu ngờ bác cũng mê chuyện chưởng, kể say sưa. Bác khoái Trương Vô Kỵ và Diệt Tuyệt Sư Thái. Về các chi tiết trong chuyện chưởng có vẻ bác thuộc nhiều hơn Chinh Phụ Ngâm. Bác và bố tôi, hai người huơ tay múa chân say sưa với những màn luyện Cửu Âm Chân Kinh, những màn vừa “tuyệt” vừa “diệt” của Sư Thái, những pha quần thảo trên núi, những màn quần hùng tụ họp. Bác Mai Thảo múa, nói đúng hơn là khều khào trong không trung. Bố tôi mặc dù hai lá phổi đã teo tóp vì thuốc lá cũng cười to sảng khoái. Hai bác nói toàn chuyện lấp biển vá trời, toàn chuyện xẻ băng bửa núi. Có phải đó là niềm mơ ước thầm kín của hai con người thực tế chỉ có thể cầm nổi cây bút, trói gà không chặt.
Hai “chưởng môn” mà bác Nguyên Sa có thơ rằng:
Mai Thảo:
Ông ngồi với hai ông Tây
Ông kia tên Mạc (Martel), ông này tên Cô (Cognac)
Buổi sáng ông chỉ say vừa
Nửa khuya mới tới đúng mùa nho ngon.
Du Tử Lê
Bạn ta bằng nửa cò
Vác trên vai cái đền thờ con voi
Con voi nặng cũng vừa thôi
Có em người đẹp lại ngồi bên trên.
Khi còn tờ báo Văn, bác Mai Thảo hay phàn nàn, tụi Mỹ nó không xài dấu, nên người ta cứ nhầm, không biết “văn” hay “vân”. Đây là tòa soạn báo Văn mà ngày nào cũng có người gọi đến đặt bánh xèo Vân. Bác cũng chúa ghét tiếng alarm của xe. “Ở Mỹ cái gì cũng được, chỉ thỉnh thoảng trong không khí tỉnh lặng, êm đềm, tự nhiên lại nghe đâu đó oạo oạo hú... hú tò te... tò te nghe đếch chịu được”. Lại "đếch"!
Bác nhất định không lái xe, không xài computer và không nói tiếng Mỹ.
Sau này thấy bác yếu quá, chú Khánh Trường có đề nghị, chú sẽ in sẵn những label có tên và địa chỉ của những độc giả dài hạn, bác chỉ việc dán vào bì thư gởi đi. Nhưng bác không chịu, cho là, như thế không đủ trân trọng, không nói được tấm lòng của mình, như đích thân viết tay. Bác nói, người nhận sẽ thích biết bao, khi đọc tên họ bằng chính nét chữ của Mai Thảo. Bác vẫn miệt mài hàng tháng viết tay, tên và địa chỉ những độc giả dài hạn, và gửi đi.
Sau này khi bác quá yếu, Mẹ tôi đã làm thay cho bác. Thỉnh thoảng, trong số độc giả của tờ Văn, mẹ tôi nhận ra tên và địa chỉ của những người yêu cũ, mới của bố tôi. Mẹ tôi không ghen bao giờ, nhưng chắc là đá chảy mồ hôi, đôi khi phải chảy trộm. Tôi tâm đắc vô cùng ý này từ cô Bùi Bích Hà, tôi than với mẹ “Để giữ thể diện cho chồng và cho mình, sau này bé cũng phải làm đá chảy mồ hôi sao? Mẹ nói: “đến đời con, sẽ không còn cảnh đó”.
Những ngày bác Mai Thảo còn tờ Văn, một người nữa cũng bận bịu vì bác, đó là chú Phan Tấn Hải. Một tháng 2 lần, chú Phan Tấn Hải phải chở bác Mai Thảo xuống tận Los, để bỏ báo in và đem báo về. Chú Phan Tấn Hải có một đứa con trai chừng 6, 7 tháng, những lần chú đi Los, mẹ và bố tôi phải đến trông thằng bé. Thằng bé đầu trọc lóc, tròn quay và lành như cục đất, chỉ phải cái tội, đòi ẵm suốt trên tay. Nó như một cái máy điện tử tối tân, chỉ cần để nó xuống giường là lập tức nút “on” bật lên. Nó thét nhanh và nhọn như có kim đâm vào người. Ôm nó lên, lập tức nút “off” hoạt động, nó nín bặt. Nay thì nó lớn xồ, lại còn học võ, người to khỏe đến độ có thể ẵm mẹ tôi, để đền cái ơn ẵm nó năm xưa.
Những lúc ngồi riêng với gia đình tôi, bác Mai Thảo hay tẩn mẩn kể về những người phụ nữ trong đời bác. Cô Phụng, bác quen từ hồi còn ở Hà Nội, cô còn một người em tên Loan. Hai chị em đẹp nổi tiếng ở làng Bình Hồ. Về sau người em trở thành vợ của bác Quỳnh, anh ruột của nhà thơ Du Tử Lê. Còn cô Phụng sau là vợ của ông Xuân Thiêm, một người bạn chí thân của bác Mai Thảo. Dạo đó, thấy bác Mai Thảo quá nghệ sĩ, ông Xuân Thiêm đã nói thẳng: “Cậu và cô Phụng sẽ chẳng đi đến đâu, như vậy tội người ta, cậu nên để tớ cưới cô ấy”.
Vậy là cô Phụng trở thành bà Xuân Thiêm. Sau biến cố năm 75, ông Xuân Thiêm là cán bộ CS cao cấp, ông vào Nam rất sớm, tìm gặp bác Mai Thảo. Hai người bạn xưa đã nằm gác chân lên nhau nói chuyện quá khứ, họ vẫn vui vẻ, thân thiết như ngày xưa. Chỉ đến khi ông Xuân Thiêm nói: “Thôi để tớ “tranh thủ” đi tắm cái đã” thì bác Mai Thảo ngán ngẫm. (bác "đếch" chịu được). Lần thứ hai ông vào, ông đem cho bác một cuộn băng cassette:
“Vợ tớ nó khóc, nó nhắc đến cậu, nó gởi cho cậu cái này”.
Trong cuộn băng cô Phụng kể lại những ngày cũ, rồi bác Mai Thảo vào Nam, cô ở lại cơ cực biết chừng nào.
Điều mà bác Mai Thảo sợ đã không xảy ra, vẫn cái giọng Hà Nội chậm rải, đài các, ngọt ngào, không hề lẫn một chữ nào của thời đại mới. Cô vừa nói vừa khóc.
Tất cả những điều này, bác Mai Thảo ghi lại trong một tùy bút có tên “Người Hà Nội cuối cùng” trong tập “Ngọn hải đăng mù” do Làng Văn xuất bản năm 1986.
Thái Thanh
Một người nữa mà bác Mai Thảo luôn nhắc bằng một giọng trân trọng, lưu luyến, là cô Th. Thanh. Hằng năm, sinh nhật cô, bác thường bảo Mẹ tôi mang hoa đến. Có một lần tôi được hân hạnh là người mang hoa đến cho cô, và được nghe cô, vừa đàn vừa hát những bài tình ca bất hủ của Phạm Duy và Phạm Đình Chương.
Nhà cô Th. Thanh, tôi không tìm ra một hạt bụi, chỗ nào cũng tinh tươm ngăn nắp. Bác Mai Thảo kể: “Th. Thanh rất thích 'nhiều', cái gì nhiều là thích. Những lần đi chơi ở Chợ Lớn, khi thấy người ta để cả dãy lu, Th. Thanh reo lên thích thú. Ngày tôi đến Mỹ, đi vào các siêu thị, thấy người ta sắp hàng hóa từng dãy dài. Tôi nhớ đến Th. Thanh và chỉ ước ao có cô ấy ở đây”. Tôi chảy nước mắt khi nghe Bác nói như vậy. Đơn giản, nhưng chí tình đến thắt ruột gan.
Sau này trí nhớ Bác kém đi, cô Th. Thanh có năm nhận đến hai lần hoa sinh nhật.
Hà Thanh
Bác cũng hay nhắc đến một người ca sĩ nổi tiếng khác, là cô Hà Thanh, cô người Huế. Đáng lẽ đã có một đám cưới giữa Bác và cô. Bác biết đến cô qua Bác Vũ Quang Ninh, bấy giờ là Giám Đốc Đài Phát Thanh Huế. Bác kể cứ mỗi lần đi chơi là cô Hà Thanh rủ tất cả chị em đi theo, “mà tôi thì đếch muốn đi đông như thế”. Khi đến gặp bố mẹ cô để xin hỏi cưới. Bác đã nói: "Thưa hai bác, tôi là Mai Thảo, tôi muốn xin hỏi cưới em Lục Hà. Nếu hai bác đồng ý thì vài hôm nữa tôi sẽ nói bố mẹ tôi vào thưa chuyện cùng hai bác". Thời đó khi muốn cưới vợ, phải nhờ một người mai mối, người này phải quen biết cả hai gia đình và quan trọng là người này phải cùng vai vế với hai bên bố mẹ. Không ai tự mình thưa chuyện như thế. Nên đương nhiên bố mẹ cô Hà Thanh không chịu được cái lối hỏi cưới đường đột của Bác, nhất là gia đình cô Hà Thanh là gia đình trâm anh thế phiệt ở đất Thần Kinh!
Một người nữa, bác Mai Thảo cũng hay nhắc là cô Cúc. Cô là một vũ nữ đẹp nổi tiếng. Có hôm mẹ tôi hỏi bác Nguyên Sa “Có phải hoa cúc trong thơ anh là Cúc của anh Mai Thảo” “Bậy! Cúc của anh không dính dáng gì đến Mai Thảo hết”. Hôm đám tang bác Mai Thảo, khi hạ quan tài xuống, người ta có làm một lễ đổ rượu. Mọi người rót rượu mời bác uống, xong đổ rượu xuống huyệt. Bác Nguyên Sa có nói về điều này rất thú vị, nhưng tôi không dám kể ra đây.
Trở lại chuyện cô Cúc. Có một lần bác Mai Thảo nói, nếu bác không ép buộc cô Cúc đi nhà thương, thì nay bác đã có một người con. Bác rất hối hận về chuyện này, nhất là những ngày cuối đời bác cứ than: “Vậy là hết, chấm dứt Mai Thảo, không còn gì tiếp nối nữa. Tôi yêu cái hình ảnh người cha đội mũ lưỡi trai xoay đằng sau, cõng một đứa con trên vai và thơ thẩn ở bãi biển”.
Bao nhiêu năm ở Mỹ bác đã nhắn tin nhiều lần để tìm tông tích cô Cúc, nhưng vẫn biệt tăm. Về sau hình như bác Hoàng Anh Tuấn đã gặp được cô Cúc, còn ở Việt-Nam, bán chuối chiên ngoài chợ. Nhưng lúc này bác Mai Thảo đã vào nursing home ở đường Haster, khi tỉnh khi mê.
Bác nói về cô Cúc: “Cái con bé đó, nó cứ ưa lấy áo sơ mi của tôi để mặc, nó thì bé, mặc cái áo thùng thình, trông hay đáo để”.
Trong câu chuyện, bác Mai Thảo hay nhắc đến người này người kia, phần nhiều là những điều tốt đẹp. Tôi quý bác Mai Thảo nên hầu như những chuyện bác kể, tôi cũng vui buồn theo như bác. Tôi cũng nhớ ơn cô Nhã Ca như Bác đã nhớ ơn cô. Khi cô Nhã Ca cho sắp hàng các con cô để hỏi ý kiến “Bác Mai Thảo đang bị công an lùng bắt, các con có đồng ý cho bác trốn ở nhà mình không?” Tất cả những bàn tay nhỏ xíu đồng loạt giơ lên.
Bác cũng kể ca sĩ cổ nhạc Thành Được, vẫn thường cung kính gọi bác là “Thưa Văn Nhân”. Mặc dù bác Mai Thảo đã bao lần nhắc là đừng làm thế, nhưng lòng quý mến người có chữ nghĩa khiến nghệ sĩ Thành Được cho rằng không chữ nào xứng đáng với Mai Thảo bằng chữ "văn nhân"
Không chỉ giới văn nghệ quý mến bác. Kể cả những nơi công sở Mỹ họ cũng dành cho bác sự ưu ái đặc biệt. Mẹ tôi kể có một hôm bác Mai Thảo làm mất hết giấy tờ. Bố mẹ tôi chở bác lên DMV, đang sắp hàng rồng rắn, thì có một người Mỹ chạy đến mời bác vào sớm hơn số thứ tự. Sau này hỏi ra mới biết có người nhận ra bác, nên họ xin với boss cho bác vào sớm hơn.
(Hình Nguyễn Bá Khanh)
Những ngày cuối đời, bác sống rất là thương. Bác dời phòng từ lầu một xuống tầng trệt, vì bác không còn lên nổi cầu thang. Phòng lúc nào cũng mở cửa, để anh em có thể vào bất cứ lúc nào. Bác nằm trên giường chờ ngóng bước chân anh em. Bác bảo: "Chúng nó cũng rầm rập đến, nhưng chúng nó lên phòng Khánh Trường nhậu vui hơn, chúng đếch ghé vào đây, đi ngang đây chúng rón rén sợ làm phiền tôi. Tôi biết hết! Tại sao chúng nghĩ chúng làm phiền tôi, thì chúng cứ vào đi chứ, cửa tôi mở mà!"
Sáng nào bố mẹ tôi cũng đến, đưa bác ra Nguyễn Huệ. Mẹ tôi phải dìu bác, bác không còn vững nữa. Ban đầu bác còn hất tay mẹ tôi, nhưng sau đó bác không còn sức nữa nên phải ngã cả khung xương lòng khòng của bác trên hai vai mẹ tôi. Mỗi lần bác vào, tấc cả khách trong quán đều buông đũa lặng người đi, như thấy nếu mình không ngưng sẽ rất mang tội với một người có chữ nghĩa như bác. Thỉnh thoảng buổi chiều tối bố mẹ tôi cũng đưa bác ra ngoài, có hôm bác năn nỉ bố mẹ tôi ngủ lại. Ban đầu Bác còn nói xa gần "Hai bạn về làm đếch gì. Ở lại đây đi, mai sáng mình lại đi tiếp, Lê và tôi ngủ dưới đất, để cho cô ấy nằm khò trên giường tôi". Về sau bác không nói thế nữa, mà thú thật: "Cứ đến khuya là tôi sợ, tôi cứ thụt lùi, thụt lùi, khi tôi đụng vào tường hết đường chạy thì tôi sợ quá! cái thằng cha thần chết nó cứ ám tôi về đêm".
Phòng bác sau này bừa bộn, hôi thối. Tội bác quá! trong restroom, hàng áo quần khi nào cũng đưa ra tiệm giặt ủi, vẫn thẳng tắp. Lâu lắm rồi, bác không đụng đến, những chiếc áo mang hơi hướm Mai Thảo, những chiếc khăn quàng điệu đà của công tử Hà Thành.
Trên bàn thờ gia đình, ngoài hình của bà nội, ông ngoại, là hình của bác Mai Thảo. Mẹ tôi cất giữ rất nhiều trang báo viết về Bác khi Bác mất, cả những trang cáo phó, phân ưu, cùng với mảnh vải đen nhỏ để những ai muốn để tang Bác, Mẹ tôi cất như của gia bảo. Ngoài ra Mẹ tôi cũng giữ kỹ thủ bút cuối cùng của Bác, đó là vài chữ nguệch ngoạc của Bác viết trên miếng băng của hospital. Cả nhà tôi yêu Bác. Chẳng những thế, rất nhiều nơi trong nhà có hình bác Mai Thảo.
Như thế, chúng tôi chẳng bao giờ không có Bác Mai Thảo trong cuộc sống.