Trước đây, sự tồn tại của Nguyễn Tấn Dũng như thể đang giữa ngã ba đường, khi cả hai ngả đường rẽ về Trung Quốc và Mỹ đều đã bị án ngữ bởi những vật cản tăng tiến
Trước đây, sự tồn tại của Nguyễn Tấn Dũng như thể đang giữa ngã ba đường, khi cả hai ngả đường rẽ về Trung Quốc và Mỹ đều đã bị án ngữ bởi những vật cản tăng tiến theo cấp số nhân. Và nhiều lúc người ta nghĩ ông ta đã bị ép tới mức buộc phải tuyệt vọng. Nhưng không, hình như ông ta đã trở lại ở vị thế kẻ cầm quân bài quyết định trong cuộc chơi của các lãnh đạo cao cấp trong Bộ Chính trị đảng CSVN?
|
Tổng thống Nguyễn Tấn Dũng? |
Không khó để đoán ra cái đích mà Nguyễn Tấn Dũng đang nhắm tới trong tương lai không xa. Một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân sẽ sẵn lòng chấp nhận cơ chế chính trị nhiều hơn một đảng hoặc nhiều đảng, thay cho lối mòn độc đảng quá rủi ro và chỉ chực chờ bùng nổ như hiện nay.
Công tác nhân sự đã “cơ bản hoàn thành”
Thời gian đang chuyển dần về giữa năm. Hà Nội cũng đang chìm trong cơn nắng nóng tăng nhiệt theo từng tuần lễ, cùng với những trận giông bão khó có thể lường trước trong năm con Rồng này. Sự biến đổi về thời tiết như thế cũng tiềm ẩn những toan tính âm thầm trong nội bộ đảng và chính phủ. Sau vài vụ cưỡng đoạt đất đai ở Tiên Lãng và Văn Giang, dư luận càng đồn đoán nhiều hơn về một vị tổng thống trong tương lai không xa của đất nước Việt nam hậu cộng sản.
Đó là Nguyễn Tấn Dũng.
Chưa bao giờ kể từ năm 1975 cho đến nay, vai trò của thủ tướng lại trở nên đáng giá và hướng đến hình ảnh độc tôn như giờ đây. Được tích lũy qua hai nhiệm kỳ thủ tướng, gần như toàn bộ khối nhân sự của những bộ ngành quan trọng nhất đang thuộc về những chủ kiến sắp xếp và điều hành của Nguyễn Tấn Dũng.
Từ tháng 8/2012, khi chính phủ mới được thành lập và nhận được sự đồng thuận hầu như không một chút khó khăn từ Quốc hội, người ta đã có thể nhận ra những gương mặt thân cận nhất với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như Nguyễn Văn Bình – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Vương Đình Huệ – Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bùi Quang Vinh – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải… Chưa kể đến một số hội đồng và ủy ban đóng vai trò tư vấn cho chính phủ cũng bao gồm những người được cho là thuộc phe cánh của Nguyễn Tấn Dũng.
Mối tương quan trong đảng giờ đây đã trở nên lệch hẳn về đầu cân chính quyền. Ở đầu cân bên kia, Trương Tấn Sang, bất chấp nhiều cố gắng để tự PR bản thân, nhưng ứng vào vai trò Chủ tịch nước – một vị trí mà trước và sau đều thật khó biểu hiện quyền lực, và thực tế là hầu như không có một quyền lực thực chất nào, đã trở nên mờ nhạt, đặc biệt sau vụ nữ đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến, cùng quê Long An với ông Sang, bị Quốc hội bãi nhiệm.
Trên con đường hành sự của mình, thực ra Trương Tấn Sang đã có nhiều cơ hội để tiến thân và trở nên một nhân tố nào đó mang tầm đối trọng với Nguyễn Tấn Dũng. Thế nhưng với sự yếu kém cố hữu về công tác nhân sự và quan điểm dùng người rất thiếu nhất quán mà đã không thể được cải thiện từ khi ông Sang còn là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố và Bí thư Thành ủy TP.HCM, chính ông đã đánh mất những cơ hội đáng quý của mình.
Tại đất Bắc Hà, nơi hội tụ quá nhiều nhân sĩ và kịch sĩ, có thể nói chỉ riêng việc ông Sang tồn tại được trong suốt nhiều năm trời mà không bị tuột dốc về mặt chính trị cũng đã là một niềm an ủi lớn đối với ông. Chỉ có điều, để đạt được hiện tồn có vẻ bền vững ấy, bản thân ông đã phải trả giá khá nhiều. Không còn tỏa sáng với hình ảnh một vị lãnh đạo năng nổ và nhiều ý kiến sáng tạo, ông đã dần lui vào hậu trường với nhiều uẩn ức không thể biểu hiện bằng lời nói và càng không thể bộc lộ qua hành vi. Một số người thân quen với ông ở TP.HCM đã phải ngạc nhiên khi bình luận khuôn mặt ông như được làm bằng sáp, với nét chân tình đã chỉ bằng phân nửa người tiền nhiệm của ông – nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Một hình ảnh độc tôn
Ngược lại với Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng – với quầng mắt hùm hụp thâm sâu qua ngày tháng, lại được xem là một nhân tố nổi bật trong việc dùng người và đối nhân xử thế.
Với các danh sĩ trong lịch sử, việc dùng người thường có hai chiều hướng trái ngược: hoặc biết sử dụng người giỏi hơn mình và qua đó chứng tỏ mình là người giỏi, hoặc dùng người kém hơn mình và phải biết nghe lời. Có lẽ Nguyễn Tấn Dũng thuộc về trường hợp thứ hai, cũng bởi trong con mắt tuyệt đại đa số nhân dân và giới quan chức, đây không phải là một vị thủ tướng có đầy đủ sự sáng dạ và quyết đoán. Thậm chí trong nhiều trường hợp và nhiều chủ đề khẩn cấp, Nguyễn Tấn Dũng đã tỏ ra chậm chạp một cách không đáng có. Tầm nhận thức của ông, so với Trương Tấn Sang, được người đời đáng giá thấp hơn.
Thế nhưng tất cả những gì mà Nguyễn Tấn Dũng có được đến giờ này lại thuộc về công lao của tự thân ông. Đó là một quá trình đấu tranh và vươn lên không mệt mỏi, để cuối cùng phần lớn bộ máy nhân sự chính quyền các cấp, từ trung ương đến các địa phương, đều được đánh giá là vây cánh cho ông.
Lợi thế lớn nhất của Dũng là cương vị Thủ tướng – vị trí có thể ban phát rất nhiều bổng và lộc cho những địa chỉ cần được ban phát. Từ nhiều năm qua, trong con mắt của lớp quan lại thăng quan tiến chức nhờ luồn lọt và ân sủng của bề trên, Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành một ông vua không ngai. Mà thực tế với quyền lực tối hậu và vẫn có chiều hướng được tập quyền hóa của mình, Dũng cũng chẳng cần đến ngai, nếu tình thế không bắt buộc phải như thế.
Vị thế của Nguyễn Tấn Dũng càng được củng cố không chỉ trong đối nội mà còn trên trường đối ngoại, sau lời đề nghị viếng thăm Brazil nhưng bị từ chối của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Rõ là trong tầm quan sát của chính giới quốc tế và ở cả những quốc gia đang phát triển, một con người quá nhu mì, luôn tìm cách tỏ ra ôn hòa như Trọng đã chẳng thể hiện được vị thế lớn lao nào. Nói cách khác, ông có vẻ chưa xứng đáng đại diện cho tầm cỡ quốc gia để đứng cùng hàng hoặc ngang hàng với các nguyên thủ quốc gia khác. Cũng nói cách khác, đặc tính chính trị thời nay không cần đến những chính trị gia quá khuôn sáo hoặc giáo điều, cho dù đó có là người vô hại nhất đi chăng nữa.
Tài sản và quyền lực
Giữ được quyền lực cũng có ý nghĩa không kém thua so với giành giật quyền lực. Những gì mà Nguyễn Tấn Dũng giành được trên chính trường đã để lại sự trả giá cho cả một nền kinh tế đang trong tình cảnh suy thoái trầm kha và một xã hội hầu như biến mất nền tảng đạo đức và văn hóa. Thế nhưng điều được gọi là sự sói mòn niềm tin công dân đối với chính phủ có lẽ không thể quan trọng bằng việc chính phủ ấy duy trì được quyền lực và hơn thế nữa, các quan chức chính phủ gìn giữ được tài sản đã tích góp qua nhiều năm.
Nhưng với Nguyễn Tấn Dũng, sau khối tài sản khổng lồ mà có thể sánh ông với những đại gia giàu có nhất vùng Đông Nam Á, cái mà ông cần không chỉ là tiền bạc.
Con đường bằng phẳng nhất, diễn biến một cách hòa bình nhất vào những năm tới chỉ có thể là một cuộc chuyển giao quyền lực êm ái, một cuộc cách mạng nhung mà không phải đổ máu.
Những gì mà Bắc Kinh đang buộc phải tính toán thì Hà Nội cũng không nằm ngoài kịch bản đó. Trước làn sóng công phẫn của người dân ngày càng lan rộng và có thể đạt đến một điểm kích nổ vào bất kỳ thời điểm nào, một chính phủ muốn duy trì vị thế của mình, và trên hết là vị thế bảo đảm cho các tập đoàn độc quyền quốc doanh và những tập đoàn tư nhân mới nổi như nhóm lợi ích ngân hàng, trong đó có Ngân hàng Bản Việt của con gái Nguyễn Tấn Dũng, có điều kiện để tiếp tục đè gánh nặng tham nhũng và thủ lợi lên đôi vai gày guộc của người dân đóng thuế và các thành phần doanh nghiệp khác, chỉ là tấm bình phong dân chủ cần phải được dựng lên càng khéo léo càng tốt.
Vào tháng 11/2011, lần đầu tiên Nguyễn Tấn Dũng đã khiến cho giới phân tích trong và ngoài nước ngạc nhiên bằng hành động tuyên bố về chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước Quốc hội, đồng thời trở thành quan chức cao cấp đầu tiên trong đảng đề xuất đất nước cần có một bộ luật biểu tình.
Với những người ngây thơ, thái độ thay đổi bất ngờ của Nguyễn Tấn Dũng là có thể chấp nhận được trong hoàn cảnh bộ mặt quốc gia cần có sự cải thiện ít nhất về phấn sáp. Nhưng những người có kinh nghiệm trong giới phân tích chính trị và cả báo chí lại đã tỏ ra đặc biệt thận trọng. Không chính khách nào cho không ai cái gì, cũng như không hành động nào của chính khách lại không xuất phát từ một động cơ cụ thể. Nhất là sau sự việc người con trai của Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Thanh Nghị được tiến cử vào vị trí Thứ trưởng Bộ Xây dựng, còn con gái của ông là Nguyễn Thanh Phượng lại nắm giữ vị trí chủ chốt tại một ngân hàng tư nhân rất có tiềm năng là Bản Việt…
Với vai trò độc tôn trong hệ thống chính quyền và gần như độc tôn trong cả hệ thống đảng, những gì mà Nguyễn Tấn Dũng cần làm giờ đây và trong tương lai là gìn giữ được quyền lực và tài sản của ông và của gia đình ông. Về việc này, những người như Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn đã suy ngẫm một cách hết sức nghiêm túc, vì khác với các nước phương Tây, Việt Nam lại quá gần Trung Quốc, luôn kế thừa quốc gia khổng lồ này không chỉ vô số thủ đoạn chính trị mà cả những hậu quả chính trị không thể lường trước.
Trong lịch sử Việt Nam qua các triều đại, đã có nhiều cuộc cách mạng với nhiều đợt hồi tố mà đã làm tiêu tán tàn sản lẫn tính mạng của những quan chức thuộc triều đại cũ. Còn hiện tại, vị thế của chính quyền đương nhiệm lại quá khó để tồn tại thêm một thời gian đủ dài, đủ lâu cho các quan chức hưởng thụ khối tài sản tích cóp từ nhân dân.
Nhưng quá trình tích cóp vô thiên lủng như thế cũng lại gây ra một sự phát tác theo chiều hướng ngược lại: đến lúc này, ngay cả những quan chức lạc quan nhất trong đảng cũng phải thừa nhận số phận của đảng cầm quyền chỉ còn được tính theo đơn vị từng năm một. Đã có không ít kẻ âm thầm dịch chuyển tài sản, tiền bạc và cả người thân ra nước ngoài – một biểu hiện hoàn toàn tương đồng với giới quan chức Trung Quốc. Cũng đã có những đồn đoán không mấy thầm kín về một khả năng biến động mạnh sẽ diễn ra vào những năm 2014-2015, khi không khí phẫn uất của người dân đã tích lũy đủ lớn để có thể tạo ra sự đào thải chính quyền từ chính bản chất của nó.
Sẽ là “Tổng thống Nguyễn Tấn Dũng”?
Ngã rẽ duy nhất trong cơ chế chuyển giao quyền lực không đổ máu và ít hao tiền tốn của chỉ còn là động thái thỏa hiệp với nhân dân – một thứ nhân dân giả hiệu nào đó do giới quan chức nặn ra, hoặc cùng lắm thì mới phải thảo luận về dân chủ với những người đối lập với chính quyền – nhưng lại được đại đa số xem là nhân dân đích thực.
Cũng bởi thế, không khó để đoán ra cái đích mà Nguyễn Tấn Dũng đang nhắm tới trong tương lai không xa là một cuộc chuyển giao quyền lực, hay nói cách khác là sự thay đổi vị trí quyền lực, từ vai trò thủ tướng sang vai trò của một người đứng đầu quốc gia trong điều kiện hiến pháp được cách mạng hóa. Để có được kết quả ấy, một cá nhân có thể sẵn sàng hy sinh cả điều 4 Hiến pháp và sẵn sàng chối bỏ tư tưởng cộng sản – điều mà từ lâu họ đã không còn thuộc về nó, nhưng lại vẫn cần nó vào bất cứ hoàn cảnh nào cần phải bảo vệ quyền lực của mình. Cũng có nghĩa là một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân sẽ sẵn lòng chấp nhận cơ chế chính trị nhiều hơn một đảng hoặc nhiều đảng nhưng có vẻ ổn định và đỡ tốn xương máu, thay cho lối mòn độc đảng quá rủi ro và chỉ chực chờ bùng nổ như hiện nay.
Vấn đề còn lại chỉ là cuộc đấu tranh giữa các phe phái xem ai có thể trở thành thủ lĩnh dân tộc trong tương lai, bất kể người dân có muốn bầu cho họ hay không. Không phải các thành viên của Bộ Chính trị đảng không tơ tưởng về vấn đề nhạy cảm của thủ tướng. Thậm chí từ nhiều năm trước đây, một phương án chuẩn bị cho Đảng Cộng sản tiến hành tranh cử trong điều kiện đa đảng đã được chấp bút. Chỉ có điều, như một thông lệ bất thành văn, trước khi Bắc Kinh lên tiếng chính thức về một chủ đề cực kỳ quan trọng nào đó, không một ai trong giới lãnh đạo Việt Nam dám thở mạnh.
Những ngày gần đây, lần đầu tiên có dấu hiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bắt đầu tìm cách nổi lên như một quyền lực mới, tuy còn rất mỏng manh. Cùng với Trương Tấn Sang, đó sẽ là những thách thức đầy ngán ngại đối với Nguyễn Tấn Dũng trên con đường vươn tới cơ chế cộng hòa đại nghị và chức vị tổng thống Việt Nam của ông.
Ít nhất, đó cũng là một giấc mơ riêng của những quan chức như Nguyễn Tấn Dũng mà người khác không có quyền xâm phạm. Chỉ là không có bất kỳ sắc màu nhân dân nào trong giấc mơ đó mà thôi.
Từ nay trở đi, câu chuyện mà chúng ta đang kể sẽ còn tiếp diễn với những chi tiết phong phú và không kém quyến rũ, khiến những người đau đáu về hiện tồn và tương lai Việt Nam không thể bỏ qua. Cũng trong câu chuyện này, tâm điểm Nguyễn Tấn Dũng vẫn sẽ là một nhân tố mà chúng ta luôn cần quan tâm và cần luận bàn vào những thời khắc gay cấn nhất trên chính trường Việt Nam.
Gió đang xoay chiều
Mùa hè oi bức cùng hơi thở nóng hổi của đợt chỉnh đốn đảng vào tháng 7/2012 đang phả vào gáy của các quan chức cao cấp. Gần một năm rưỡi sau Đại hội Đảng lần thứ 11 hồi đầu năm 2011, Thủ đô Hà Nội lại một lần nữa được sưởi ấm với những biến động tin đồn xuất hiện ngày càng dày đặc.
Một trong những tin hành lang gây chú ý nhất có lẽ là khả năng có thể phải ra đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào thời điểm giữa nhiệm kỳ, tức đầu năm 2013.
Tin đồn trên đã hiện hình cùng với một sự kiện nho nhỏ: Tô Linh Hương – ái nữ 24 tuổi của Trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng Tô Huy Rứa – đã từ nhiệm chức vụ Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Vinaconex chỉ sau hai tháng chấp nhiệm. Sự kiện này xảy ra vào những ngày cuối tháng 6/2012, tức chỉ còn chưa đầy một tháng trước khi đợt chỉnh đốn đảng được tiến hành.
Nhưng khác với loại tin đồn hành lang vào thời gian trước Đại hội Đảng lần thứ 11, lần này cái ghế thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng có vẻ bị thách thức nghiêm trọng bất thường. Cần nhớ lại rằng chỉ mới vào thời điểm cuối năm 2011, đầu năm 2012, đây vẫn là một địa chỉ mà người khác không thể lai vãng tới.
Như một quy luật, xu hướng chuyển biến nhân sự hầu như được tiếp nối ngay sau những biến động tiêu cực về kinh tế và tài chính. Vào lần này, khác hẳn với thời kỳ năm 2009 là lúc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước còn có thể kiểm soát được huyết quản của cơ thể kinh tế và còn tích lũy được một gói kích cầu 8 tỷ USD nhằm phục hồi các thị trường đầu cơ như chứng khoán và bất động sản, năm 2012 lại là hệ quả tất yếu của thời kỳ 2011 trượt dốc và đổ vỡ về hình ảnh doanh nghiệp.
Vào quý 1/2011 vừa qua, tại Hà Nội đã không hiếm lời bàn tán về khả năng Chính phủ phải cho in thêm tiền, thậm chí một phương án về đổi tiền cũng được đặt ra. Một phần ba số doanh nghiệp lâm vào tình thế phá sản, nhưng số còn lại vẫn hầu như không thể nào tiếp cận được “nguồn vốn vay giá rẻ” từ các ngân hàng. Tất cả những nghịch lý như thế đã khiến cho bộ máy được gọi là “tân chính phủ” – thành lập từ tháng 8/2011, trở nên chông chênh hơn bao giờ hết trước áp lực dư luận xã hội và sức ép chính trị từ những phe phái khác ngay trong Bộ Chính trị.
Hầu như khắp nơi trên đất nước, người ta xoáy vào một thực trạng và dằn vặt hơn là xu thế chuyên quyền của người đứng đầu Chính phủ. Điều đáng nói là trong suốt một thời gian dài, đặc biệt từ đầu năm 2011 đến nay, tính độc đoán của Nguyễn Tấn Dũng đã gần như chỉ phục vụ cho một nhóm lợi ích có vai trò độc tôn: ngân hàng.
Blog Quan Làm Báo
Không phải ngẫu nhiên mà vào đầu tháng 6/2012, cùng với làn sóng tin đồn về thay đổi nhân sự có thể diễn ra ở Hà Nội, một blog mới và hết sức ấn tượng cũng xuất hiện: Quan Làm Báo. Ngay từ “số ra” đầu tiên của blog này, người được đã nhận ra một nét khác biệt rất lớn so với nhiều blog khác. Đó là lần đầu tiên kể từ khi hiện diện tờ báo chui Người Sài Gòn vào năm 1998, rất nhiều tin tức nội bộ trong đảng và chính quyền đã được công bố bởi Quan Làm Báo. Trong đó, vai trò và những ảnh hưởng của thủ tướng gần như được gắn liền với hoạt động của những nhân vật được coi là cận kề như Nguyễn Văn Hưởng – nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, phụ trách về an ninh; Bầu Kiên, tức Nguyễn Đức Kiên, một nhân vật đã không còn giữ vẻ thầm lặng trong những lời dị nghị của giới đầu tư và tài chính Hà Nội, người đã mau chóng biến thành một “bố già” trên gương mặt đương đại quốc gia. Gắn bó đầy hữu cơ với Bầu Kiên lại là Nguyễn Văn Bình – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, người từng có thời là trợ lý đắc lực cho Nguyễn Tấn Dũng, giờ đây đang phủ sóng toàn bộ khu vực tín dụng quốc gia và siết chặt yết hầu tài chính đất nước…
Dường như cỗ xe cải cách nhân sự đang chuyển động gấp rút hơn. Những phân tích và quan trọng hơn cả là những bằng chứng chi tiết đáng ngạc nhiên được trưng ra bởi blog Quan Làm Báo về chiến dịch thao túng thanh khoản và và thâu tóm ngân hàng – diễn ra từ giữa năm 2011 đến nay, đã trở nên một mắt xích sống động nếu liên hệ với những động thái chính trị ở Hà Nội.
Câu hỏi cần đặt ra là những thông tin có tính đa diện của Quan Làm Báo hay dư luận râm ran ở Thủ đô liệu có phản ánh trung thực đời sống chính khách và hoạt động tài phiệt ở Việt Nam đương đại?
Một thực tế giản đơn mà hầu hết các giới chính yếu ở đất nước này đều nhận ra là cho dù những dị nghị của dư luận và blog Quan Làm Báo có bị coi là đồn thổi, vai trò cá nhân của Nguyễn Tấn Dũng cũng đã in quá đậm dấu ấn về hành vi dung túng cho các nhóm lợi ích bao cấp và ngân hàng. Bởi cho đến giờ, trong khi đang hiện diện những hậu quả ghê gớm không thể phủ nhận về tình hình đình đốn của nền kinh tế, lượng doanh nghiệp phá sản và kéo theo tỷ lệ thất nghiệp có thể không thua kém gì con số 25% của Tây Ban Nha, tình cảnh phân hóa về thu nhập giàu nghèo giữa 5% có thu nhập cao nhất với 5% thu nhập thấp nhất có thể đã lên đến 60-70 lần như hiện trạng nóng bỏng ở Trung Quốc.., nhóm tài phiệt ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt chiến dịch thôn tính đối thủ của họ.
Cũng cho đến giờ, đã có thể định hình một phát hiện có thể xem là khủng khiếp: để tiến hành và đạt kết quả thâu tóm nhau lẫn thâu tóm doanh nghiệp nằm trong tầm ngắm của mình, nhóm tài phiệt ngân hàng, với sự hỗ trợ trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước, đã chấp nhận biến nền kinh tế, doanh nghiệp và người lao động thành con tin của nó. Từ đầu năm 2011, bằng vào sự “vận dụng linh hoạt và uyển chuyển” Nghị quyết 11 về thắt chặt chi tiêu công và tín dụng, tiền mặt lưu thông trên hệ thống thị trường 2 (liên ngân hàng) đã được Ngân hàng Nhà nước rút mạnh về. Thiếu trầm trọng tiền mặt, thị trường 2 nhanh chóng rơi vào túng quẫn và vô hình trung đẩy lãi suất cho vay giữa các ngân hàng lên trên 20%, thậm chí có thời điểm gần 30%. Tương ứng, thị trường 1 (dân cư và doanh nghiệp) cũng lâm vào tình trạng khốn quẫn khi không được cung ứng đủ tiền để bù đắp cho hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Tình hình trầm kha như thế kéo dài cho đến tận cuối quý 1/2012, vào lúc mà nền kinh tế đã kiệt quệ, nhưng lại hoàn toàn tương phản với hình ảnh những ngân hàng như Eximbank, Vietcombank, kể cả một ngân hàng nhỏ như Phương Nam và lẽ dĩ nhiên không thể thiếu ngân hàng Bản Việt của con gái Nguyễn Tấn Dũng, đã gia tăng đáng kể bản đồ bành trướng ngoài lãnh địa của chúng.
Ngã rẽ nào?
Hoạt động thâu tóm của giới tài phiệt ở Việt Nam không chỉ nhằm mục đích kinh doanh và phát triển ảnh hưởng – như một hoạt động thường xuyên của thế giới tư bản tài chính. Chủ đề xã hội học cần bàn là thâu tóm đã trở thành một cái mốt của những kẻ lắm tiền nhưng vẫn cần nhiều tiền hơn, đồng thời chuyển hóa tiền thành một thứ quyền lực cụ thể. Trong lịch sử cách đây không quá lâu, người đời đã kết luận được nhiều bài học tiền – quyền như thế từ các tập đoàn mafia ở nước Nga hậu Liên Xô – cái nôi sản sinh ra tầng lớp mafia người Việt đầu tiên.
Rất có thể, chính sách lấn sân không chỉ về tài chính mà cả sang lãnh địa chính trị của Nguyễn Tấn Dũng và nhóm tài phiệt ngân hàng đã trở nên chủ quan và hãnh tiến đến mức khiến cho chính ông và những tập đoàn của ông phải nhận lấy quá nhiều phản ứng quyết liệt như ngày hôm nay. Lần đầu tiên kể từ lúc tại vị thủ tướng, sân sau của Nguyễn Tấn Dũng đang trở thành nơi hỗn chiến giữa các niềm đam mê. Khác hẳn với nửa cuối năm ngoái, giờ đây vị trí của Thủ tướng trong Bộ Chính trị gần như là một sự tách rời giữa chính quyền với đảng.
Không có sự đồng nhất, cũng không còn được đồng thuận bởi phần lớn nhân vật trong Bộ Chính trị, Nguyễn Tấn Dũng dường như đang tự cô lập mình. Ở một chiều kích ngược lại, sự xích lại gần nhau của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã kéo theo một số nhân vật khác – vốn trước đây theo quan điểm “chiết trung”.
Hãy trở lại với Quan Làm Báo. Dù chỉ là một trong vô số blog và còn sinh sau đẻ muộn, nhưng rất có thể đây chính là một tín hiệu chính trị. Cả việc từ nhiệm của người con gái của ủy viên Bộ Chính trị Tô Huy Rứa hay việc điều chuyển con trai của nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng thế – cũng có thể coi là những tín hiệu bất thường cho đợt chỉnh đốn đảng mà xu thế gần như tất yếu là tái sắp xếp về nhân sự. Những sự việc này lại diễn ra chỉ sau ít ngày nổi lên scandal Dương Chí Dũng, người đã được Thủ tướng ký quyết định bổ nhiệm và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng – một người thân tín của Thủ tướng – bao che, khi Dũng bỏ trốn trước sự bất lực của toàn bộ ngành công an Việt Nam…
Điểm trùng hợp là cũng đã diễn ra một cuộc “chạy trốn” của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại phiên họp thứ ba Quốc hội khóa XIII vào tháng 6/2012. Trong khi tuyệt đại đa số đại biểu quốc hội nhất trí cao về Luật Biển với chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa – một ý tưởng không in đậm dấu ấn đề xuất của cá nhân Thủ tướng, thì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã “thu xếp” để Nguyễn Văn Bình không phải trả lời bất cứ một câu hỏi chất vấn trực tiếp nào về những khuất tất trong hệ thống ngân hàng.
Sự xuất hiện của Nguyễn Tấn Dũng cũng có vẻ thưa thớt hơn. Tiếng nói của ông, một thời có sức nặng trong Bộ Chính trị, giờ đây lại trở nên xao xuyến hơn bởi thói quen nói vo.
Dường như sự tương phản trong một nhân vật – có thể được coi là có ngoại hình “chính khách” nhất trong Bộ Chính trị Việt Nam – với tật nói vo thiếu tư duy đang biểu hiện rõ hơn.
Nếu ai đó dị đoan đôi chút vào mối liên hệ giữa sự thay đổi của giọng với số phận của con người, thì hàng loạt hệ lụy có thể xảy đến với Nguyễn Tấn Dũng và các cộng sự của ông trong những tháng tới. Hàng loạt nước cờ gai góc mà ông đang phải buốt đầu tính toán, trước khi nghĩ đến vai trò tổng thống đất nước của mình trong tương lai. Chẳng hạn là sự an toàn theo đúng nghĩa đen đối với Nguyễn Thanh Phượng – con gái ông ở Ngân hàng Bản Việt; cũng như thân phận của Nguyễn Thanh Nghị – con trai của ông ở Bộ Xây dựng – làm sao có thể thoát được câu chuyện “hồi tố” như số phận con trai Nông Đức Mạnh; hoặc khả năng tồn tại mà không bị lật đổ hay bị tiêu diệt của nhóm tài phiệt ngân hàng, trong khi vẫn phải tiếp tục duy trì mục tiêu thâu tóm và bành trướng, đồng thời ngay trước mắt phải giải phóng khối hàng tồn kho khổng lồ về vốn và bất động sản…
Nhưng quan yếu hơn cả là vấn đề của bản thân Nguyễn Tấn Dũng. Nói một cách bóng gió, sự tồn tại của ông như thể đang giữa ngã ba đường, khi cả hai ngả đường rẽ về Trung Quốc và Mỹ đều đã bị án ngữ bởi những vật cản tăng tiến theo cấp số nhân.
Chẳng lẽ người từng xưng là “công bộc” chỉ còn cách quay trở về với nhân dân?
Vết xước
Câu chuyện “Vua Lê Chúa Trịnh” một lần nữa tái hiện trong lịch sử Việt Nam. Những mẩu chuyện về người đang nhắm đến chiếc ghế tổng thống đầy ân oán cũng bởi thế chưa thể chấm dứt.
Một vết xước trực tiếp đã cày xới trên cánh tay phải của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Lần đầu tiên kể từ khi tại vị từ tháng 6/2006, người được giới bình luận chính trị coi là đã tạo ra ảnh hưởng lớn nhất trong chính giới và các thị trường đầu cơ ở Việt Nam, đã buộc phải thoái lui một nước cờ quan trọng.
Gần như trùng với thời điểm Tô Linh Hương – con gái ruột của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Tô Huy Rứa – được chính Ủy viên Bộ Chính trị này “quyết định” cho thôi chức vụ chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Vinaconex ở Hà Nội, người con gái ruột của Ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Tấn Dũng cũng tự nguyện rời khỏi chức vụ tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt tại Sài Gòn. Tuy vậy, hơn một tuần sau sự kiện này, bản bố cáo của Bản Việt mới được công khai.
Không có mối quan hệ quá thân mật với Thủ tướng, ông Tô Huy Rứa đã tỏ ra khôn ngoan khi biết giữ gìn những lề lối của đảng, nhất là khi lề lối ấy ứng với một trong 19 điều đảng viên không được làm. Thế nhưng vô hình trung, chính cử chỉ thận trọng của người phụ trách nhân sự đảng đã khiến cho một đảng viên như ông Nguyễn Tấn Dũng không thể xem thường.
Hơn nữa, so với Tô Linh Hương còn ở tuổi thiếu nữ và chưa hề có kinh nghiệm điều hành dù một doanh nghiệp nhỏ, Nguyễn Thanh Phượng lại được xem là nữ doanh nhân rất nổi bật ở Việt Nam với nhiều vụ việc can thiệp chính thức cũng như bất thành văn vào một số ngân hàng thương mại cổ phần như Phương Nam, Sài Gòn Thương Tín và một trong những mỏ niken lớn nhất thế giới là Núi Pháo.
Với bề dày thâu tóm và những thành công quá dễ dàng như thế, Nguyễn Tấn Dũng có nhiều lý do để tự hào về sự “trong sáng” của con gái mình, nếu nhìn lại quá khứ buôn lậu và giết người của con trai người tiền nhiệm của ông Dũng – Thủ tướng Phan Văn Khải.
Thái độ tự hào trên cũng nên xuất phát từ tầm vóc của nữ doanh nhân chỉ mới ba mươi tuổi. Khác hẳn với lộ trình tiến thân của Nguyễn Thanh Nghị luôn phải trông chờ vào cái bóng khổng lồ của người cha, Nguyễn Thanh Phượng lại đã tạo ra được một thế đứng tương đối độc lập, mà trong một số trường hợp có thể được xem như một “quốc vụ khanh” của Chính phủ.
Với những ảnh hưởng về tầm hoạt động và xu thế chuyên sâu hóa như thế, không ngạc nhiên khi bên cạnh người con gái của Thủ tướng luôn có mặt những nhân vật bộ trưởng và mang hàm bộ trưởng, mà điển hình là Nguyễn Văn Bình – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hoặc những nhân vật chưa từng là bộ trưởng nhưng vẫn có thể sắp xếp cả chức vụ bộ trưởng như Nguyễn Đức Kiên.
Cũng cần nói thêm, từ năm 2011 đến nay, người được gọi là Bầu Kiên đã chính thức lộ ra từ vùng tối khi đặt cả hai chân vào chính giới Việt Nam.
Nhiễm trùng
Chỉ có điều, bước tiến quá mạnh mẽ của những người được coi là lớp chính khách tương lai cho Việt Nam đã tạo ra sự va chạm mạnh mẽ không kém với nhiều nhân vật thế lực khác, kể cả những xung đột ở thế kiêu binh với một số cơ quan có quyền lực đặc biệt.
Lòng tham vô độ luôn là nguồn cơn đẩy con người vào trạng thái thoái hóa nhân tính ở cấp độ cao. Nếu nhóm Nguyễn Đức Kiên, Trầm Bê, Hồ Hùng Anh, Nguyễn Thanh Phượng, Nguyễn Văn Bình… đã dám hy sinh cả nền kinh tế cùng các doanh nghiệp chỉ nhằm phục vụ cho chiến lược thâu tóm chưa từng có trong lịch sử ngành ngân hàng và doanh thương Việt Nam, cũng như để thỏa mãn cho họ với một loại quyền lực không ngai, thì thật khó có thể tìm ra một dấu vết xót thương nào từ lớp người này đối với đồng nghiệp và hơn thế là đồng loại của họ.
Vết xước trên cánh tay phải của Nguyễn Tấn Dũng cũng vì thế mà có khả năng nhiễm trùng sâu, thậm chí có triển vọng hoại tử cục bộ. Dù là một nhân vật đã tôi luyện được ngoại hình ăn ảnh nhất so với tất cả những người còn lại của Bộ Chính trị, nhưng thâm niên công tác cùng chủ nghĩa kinh nghiệm đã không thể xóa mờ cố tật năng lực kém cỏi của Nguyễn Tấn Dũng trong điều hành các vấn đề kinh tế – xã hội.
Cũng tương tự như bài học của nhiều doanh gia mất thương hiệu khi mở rộng quy mô quá lớn mà không tương xứng với khả năng quản trị, đặc biệt là quản trị rủi ro, Nguyễn Tấn Dũng đã không thể bao quát được toàn bộ các hoạt động của thế lực đen mà ông ta đã dung túng trong nhiều năm qua. Kết quả là những nhân sự ưng ý nhất của Dũng lại có thể biến thành gót chân asin của chính ông.
Nguyễn Văn Bình gần như là một minh họa cho hình ảnh gót chân asin như thế. Vào những ngày gần đây, tuy vẫn gắn bó như hình với bóng với Thủ tướng, nhưng người đứng đầu Ngân hàng nhà nước đã bộc lộ một vài biểu hiện kín đáo, mà theo giới ngân hàng thì hành động đó chẳng khác mấy với tư duy “chạy tội”.
Trong 6 năm qua và đặc biệt là từ tháng 8/2011 đến nay, có quá nhiều đầu dây mối nhợ móc xích với nhau theo công thức Thủ tướng – Văn phòng Chính phủ – Ngân hàng Nhà nước – Ngân hàng thương mại, mà trong đó những vụ án kèm theo khoản lỗ khổng lồ như Vinashin, Vinalines đều là những dẫn chứng điển hình.
Về một nốt ruồi nửa đỏ nửa đen tiệm cận khóe mắt phải, đã có người điềm chỉ Bình như một nhân cách có dấu “Phản”. Trong thực tế, khôn ngoan, có học vị tiến sĩ và được trang bị chuyên môn lồng ghép từ hai thế giới cộng sản lẫn tư bản, nhưng thâm sâu nhất vẫn là buộc Thủ tướng phải phụ thuộc vào chuyên môn phức hợp của mình, Nguyễn Văn Bình đã trở thành cái đai quần không thể không có của Nguyễn Tấn Dũng, để từ đó người ta có thể xác quyết rằng sinh mệnh chính trị của hai nhân vật này gần như tồn tại song trùng với nhau.
Lằn ranh nguy biến
Làn sương mù buổi sáng vẫn chưa đến nỗi quá mờ mịt đối với Nguyễn Tấn Dũng cùng nhóm thế lực ngầm của ông.
Nhìn nhận một cách khách quan, cho tới giờ thế thượng phong vẫn cơ bản nằm trong tay nhóm tài phiệt ngân hàng. Một thông tin sâu xa của blog Quan Làm Báo (lại là blog ấn tượng này mà sắp tới chúng ta cần có một bài bình luận riêng) cho biết sau giai đoạn đầu tiên của chiến dịch thâu tóm ngân hàng, nhóm tài phiệt kia đã chiếm đến 35% thị phần tín dụng cả nước. Thông tin này cũng khá gần gũi với ước đoán của giới chuyên môn ngân hàng.
Trong thực tế, tỷ lệ 35% đó quan yếu đến mức trong những tình thế bị đe dọa cận kề, những phương án phản công của nhóm tài phiệt ngân hàng như ngưng hoạt động giao dịch của hệ thống ngân hàng trên toàn quốc, thậm chí tạo ra cú sốc giả từ một chiến dịch đổi tiền thật… đều có triển vọng mang lại kết quả không tồi.
Đó cũng chính là những con bài tiềm tàng nhằm đối phó với sự can thiệp nguy biến của đợt chỉnh đốn đảng ngay trước mắt – được khởi xướng bởi những chính khách hoàn toàn không nắm được chuyên môn sâu về tài chính và ngân hàng như Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang.
Cuộc đấu tranh giữa các nhóm quyền lực đã tiến đến lằn ranh không khoan nhượng, ngay cả sự thỏa hiệp dự kiến cũng khó được thiết lập bởi lòng tham quá độ từ ít nhất một phía.
Ngay tại lằn ranh này, không có chỗ đứng cho các lý thuyết gia.
Thử thách đang lớn dần và không phải ai cũng vượt qua được. Một cuộc thăm dò tín nhiệm trong nội bộ đảng gần đây đã mang lại kết quả không thể tồi tệ hơn đối với Nguyễn Tấn Dũng: ông chỉ nhận được chưa đầy 8% số phiếu tín nhiệm – một tỷ lệ kinh hoàng nếu so với mức độ từ 80-90% đại biểu quốc hội luôn phải chấp nhận vị trí thủ tướng của ông như một phương án duy nhất vào các kỳ bầu bán.
Nhưng ở một thái cực khác, chỉ cần vượt qua được đợt chỉnh đốn đảng vào tháng 7/2012, Nguyễn Tấn Dũng và các đồng sự của ông sẽ có cơ hội để củng cố thế lực ngay trước thời điểm giữa nhiệm kỳ 2013, bất chấp sự thay đổi nhân sự được dự kiến, trong đó có cả vài phương án được tập thể Bộ Chính trị chọn để thay ông.
Dù không giỏi giang trong điều hành đất nước, nhưng nước cờ tạm thoái lui trên “mặt trận” Bản Việt cho thấy con sói đang tìm cách giấu mình để vừa trị thương, vừa chuẩn bị cho một cú tung mình vồ mồi dữ dội hơn.
Đến giữa năm 2013, nếu mọi chuyện diễn tiến tốt lành thì nhóm tài phiệt ngân hàng cùng với người con gái khả ái của Nguyễn Tấn Dũng – nhân vật vẫn không thể buông rời vai trò then chốt, sẽ có thể hoàn thành sứ mạng lịch sử với đợt thâu tóm giai đoạn 2 và hoàn chỉnh chiến dịch thâu tóm ngân hàng, từ đó có thể đẩy thị phần tín dụng của họ lên ít nhất 60% hoặc 70% – tỷ lệ chi phối gần như tuyệt đối các huyết mạch kinh tế và thậm chí còn có thể là tiền đề cho một cuộc đảo chính không tiếng súng ngay trong Bộ Chính trị.
Quyết tâm còn lại
Trước mắt, mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường như mặt hồ phẳng lặng. Người dân vẫn đang dần được thuyết phục là nền kinh tế đã lập đáy, đang chuẩn bị thoát đáy và sẽ vượt dốc.
Vào thời điểm sát cuối quý 2/2012, lần thứ năm liên tiếp kể từ tháng 3/2012, Ngân hàng nhà nước lại hạ lãi suất điều hành – động thái khiến cho chính HSBC, một ngân hàng quốc tế có chi nhánh ở Việt Nam, phải tỏ ra ngạc nhiên. Đồng thời, lãi suất cho vay tín dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu cũng được Bộ Tài chính giảm mạnh từ 14,4% về 11,4%. Những tín hiệu bơm tín dụng, và hơn thế nữa là có thể bơm rất mạnh, đang xuất hiện. Cũng bởi thế, con số hơn 70.000 tỷ đồng mà Ngân hàng nhà nước cùng các ngân hàng thương mại có thể đẩy vào nền kinh tế cho mỗi tháng trong nửa cuối năm 2012 là một khả năng không xa vời.
Thời gian không chờ đợi nữa. Ngay vào những tháng tới, khối ngân hàng cần phải giải phóng lượng vốn tồn kho giá rẻ của họ. Cần phải làm tất cả những gì cần thiết để các doanh nghiệp và đặc biệt là khách hàng cá nhân cảm thấy nền kinh tế đang được bồi bổ sức sống một cách thực chất, từ đó sức cầu mới được cải thiện và hàng trăm ngàn căn hộ cao cấp tồn kho mới có triển vọng lọt vào mắt xanh những khách hàng ngây ngô.
Những điều kiện của kinh tế thế giới cũng đang trở nên ưu ái cho tính toán của nhóm tài phiệt ngân hàng Việt Nam. Từ đầu tháng 6/2012, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Hoa Kỳ như Dow Jones, S&P và Nasdaq đã có dấu hiệu lập vùng đáy tạm để chuẩn bị cho một đợt phục hồi mới. Cùng lúc, thị trường nhà ở Mỹ trở nên khả quan nhất so với toàn bộ gần hai năm trước đó. Dù gói kích thích QE3 vẫn chưa được Cục Dự trữ liên bang Mỹ tung ra, nhưng cơ chế bơm tín dụng cho thị trường tại quốc gia này đã khởi phát.
Cùng lúc, những tín hiệu tái khởi động kênh cung cấp tín dụng cũng dần hiện ra ở Trung Quốc.
Bối cảnh đối ngoại đó quả là thuận lợi không nhỏ cho nền kinh tế cùng các thị trường đầu cơ Việt Nam “thoát đáy”.
Vụ án Nguyễn Tấn Dũng?
Ở vào tư thế khó xử không kém Nguyễn Tấn Dũng, những người đứng đầu đảng và nhà nước chỉ còn cách dựa vào những cơ quan đặc biệt, nếu họ biết cách làm điều đó.
Nếu Tổng Bí thứ Nguyễn Phú Trọng cho rằng việc thông qua Luật Biển với tỷ lệ nhất trí tuyệt đối tại Quốc hội là “một thành công lớn”, thì có lẽ chuyện ông giành lại Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng từ tay Thủ tướng còn là thành công lớn hơn nhiều.
Sau một thời gian khá dài bị sáp nhập vào Văn phòng Chính phủ, cơ quan nội chính của đảng lại có cơ hội để khẳng định vị trí độc lập tương đối của mình. Hơn lúc nào hết, đảng cần đến Ban Nội chính, không phải chỉ với tư cách tham mưu như trước đây, mà cùng với Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng, đây là những vũ khí sắc bén còn lại cho cơ hội có thể là cuối cùng của Tổng bí thư và hai phần ba Bộ Chính trị của ông.
Trong số các cơ quan đặc biệt phải được đảng trọng dụng, một thế lực tiềm tàng nhưng dường như bị quên lãng trong dĩ vãng từ sau vụ T4 năm 2003, có thể sẽ được tái tạo vùng phủ sóng. Đó là Tổng cục 2 của Bộ Quốc phòng.
Trong ý thức về vận mệnh quốc gia, bao giờ quân đội cũng là nơi khô ráo nhất dưới nóc nhà bị dột nát. Sự chuyển biến khác thường đã đến trong thời gian gần đây, khi không ít tướng lĩnh quân đội bày tỏ thái độ hoàn toàn bất mãn trước những gì mà chính quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang hành xử với xã hội và dân tộc. Trong con mắt và trái tim của họ, Tổ quốc không đáng bị hành hạ đến mức như thế.
Mọi chuyện đang bị đẩy đến trạng thái “quyết liệt” – từ ngữ mà Nguyễn Tấn Dũng hay dùng để mô tả những cố gắng mang sắc màu mị dân của ông. Nhưng làm sao tình thế sẽ trở thành sự đồng điệu giữa các phe phái tranh chấp như một cơ chế “win – win”, cả hai cùng thắng?
Cũng bởi vậy, con đường tiến đến chức vị tổng thống của Nguyễn Tấn Dũng đang và sẽ được hứa hẹn hội ngộ với những vật cản thật sự đáng gờm. Bị coi là vị thủ tướng tai tiếng và tham nhũng nhất trong lịch sử đảng cộng sản Việt Nam, bản thân ông cũng đang tiến đến lằn ranh quyết định giữa tồn tại và bị triệt tiêu.
Dù còn khá sớm để khẳng định, nhưng chính trường Việt Nam đang manh nha một không khí “hồi tố” nào đó. Liệu trong tương lai không quá xa, bầu không khí ấy có thể hướng đạo một sự kiện lịch sử: Vụ án Nguyễn Tấn Dũng?
Thường Sơn
CTV Phía Trước
© Tạp chí Phía trước