-
Đợt bạo loạn mới bùng phát ở New Caledonia. Một loạt cuộc tấn công vào
cảnh sát, các vụ đốt phá đã nổ ra. Nhiều tiếng súng nổ được ghi nhận.
-
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra biện pháp "chưa từng có" với kỳ
vọng trấn áp được tình trạng hỗn loạn tại New Caledonia.
Làn sóng bạo loạn mới ở New Caledonia
Hãng thông tấn AFP ngày 24/6 đưa tin, một đợt bạo động mới vừa bùng phát tại New Caledonia – vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Thái Bình Dương. Nhiều tòa nhà, trong đó có cả đồn cảnh sát và tòa thị chính, đã bị phóng hỏa ngay trong đêm qua.
Theo hãng thông tấn Interfax, lực lượng an ninh đã được điều động để trấn áp tình hình, trong đó có hơn 3.000 cảnh sát và binh sĩ với vũ trang hạng nặng được chính phủ Pháp điều động tới đây kể từ giữa tháng 5. Tuy nhiên, với làn sóng bạo loạn mới, con số này dường như không đủ.
Các cuộc đụng độ đã nổ ra giữa người biểu tình và lực lượng thực thi pháp luật. Cao ủy Pháp Louis Le Franc tại New Caledonia cho biết, tình hình đòi hỏi sự can thiệp của lượng lớn quân tiếp viện.
"Tình trạng hỗn loạn đã lan khắp vùng lục địa chính của New Caledonia, cũng như trên các đảo Pins và Mare thuộc quần đảo này trong đêm qua, đòi hỏi sự can thiệp của đông đảo quân tiếp viện. Chúng tôi đã ghi nhận các cuộc tấn công vào cảnh sát, các vụ đốt phá và dựng rào chắn" – Cao ủy Pháp cho biết qua thông cáo báo chí.
Tại Dumbea, phía bắc thủ phủ Noumea của New Caledonia, đồn cảnh sát khu vực và một gara xe hơi đã bị đốt cháy. Phóng viên AFP cho biết, 4 xe bọc thép đã được điều động trấn áp tình hình.
Bên cạnh đó, hỏa hoạn cũng xảy ra tại các quận Ducos và Magenta của Noumea. Ít nhất 1 người đã bị thương trong cuộc đụng độ với cảnh sát. Tờ SWI (Thụy Sĩ) cho biết thêm rằng, nhiều tiếng súng nổ đã được ghi nhận tại New Caledonia trong đêm qua.
Theo ông Louis, cảnh sát ở Mare đã bị tấn công. Đến sáng nay (24/6), nhiều trường học tại New Caledonia đã phải đóng cửa do tình trạng bất ổn.
Bạo loạn lần nữa bùng phát mạnh mẽ ở New Caledonia. Nguồn: Mirror Now
Tình trạng bạo loạn ở New Caledonia vốn bùng phát do sáng kiến cải cách bầu cử của chính phủ Pháp khiến người bản địa Kanak bất mãn. Họ lo ngại rằng dự luật trên sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tiếng nói của người dân bản địa, cũng như hạn chế mạnh mẽ phong trào đấu tranh đòi độc lập khỏi Pháp vốn đã âm ỉ tại hòn đảo này suốt nhiều năm.
Cho tới nay, bạo loạn ở New Caledonia đã khiến 9 người thiệt mạng và gây ra nhiều thiệt hại về cơ sở vật chất, ước tính lên tới hơn 1,5 tỷ euro (tương đương 1,6 tỷ USD).
Làn sóng bất ổn mới diễn ra sau khi hôm 22/6, Pháp tiến hành bắt giữ 7 nhà hoạt động ủng hộ độc lập có liên hệ với một nhóm bị cáo buộc lên kế hoạch dàn dựng các cuộc bạo loạn trong tháng trước. Theo AFP, nhóm này đã bị truy tố và đưa về lục địa Pháp để giam giữ trước khi xét xử.
Trước đó vài ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi những người biểu tình tại New Caledonia dỡ bỏ các rào chắn đang phong tỏa nhiều tuyến đường trên quần đảo, đồng thời đi tới quyết định đình chỉ kế hoạch cải cách bầu cử tại New Caledonia.
Ông Macron ra quyết định "chưa từng có"
Theo tờ Nezavisimaya Gazeta (Nga), sau các cuộc biểu tình quy mô lớn tại New Caledonia, nhiều người dự đoán Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cuối cùng sẽ "nhượng bộ", nhất là sau khi ông tuyên bố đình chỉ kế hoạch cải cách bầu cử trên hòn đảo.
Tuy nhiên, trái ngược với suy đoán, nhà lãnh đạo Pháp khẳng định "sẽ không có bất cứ sự nhượng bộ nào".
Việc áp giải 7 nhà hoạt động ủng hộ độc lập về Pháp được đánh giá là một "biện pháp chưa từng có" và được xem là phương thức răn đe cứng rắn, nhằm phát đi tín hiệu tới những người đứng sau các cuộc biểu tình rằng: Nếu bạo loạn bùng phát một lần nữa, mọi việc sẽ phải giải quyết tại lục địa Pháp, chứ không phải trên quần đảo "quê hương" nhỏ bé của họ.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, ông Macron hoàn toàn có thể lựa chọn một phương án khác, bằng cách trấn án các cư dân trên đảo rằng: Dù các cuộc biểu tình có nghiêm trọng tới đâu, họ vẫn sẽ được chính quyền Pháp bảo vệ và không cần thiết phải thành lập các đơn vị tự vệ.
Có thể thấy, sau tín hiệu cảnh báo đanh thép của ông Macron, bạo loạn vẫn tiếp tục bùng phát và lần này dường như tăng tiến hơn. Theo NG, nhà lãnh đạo Pháp đang phải hứng chịu "đòn giáng kép" khi tình hình bất ổn ngay tại lục địa Pháp cũng đang gia tăng.
Trong ngày 23/6, hàng nghìn phụ nữ Pháp đã đổ xuống đường để thể hiện sự phẫn nộ sau khi Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp (RN) theo đường lối cực hữu thắng thế trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố giải tán Quốc hội.
Một cuộc khảo sát mới đây của công ty nghiên cứu Elabe (Pháp) cho thấy mức độ tín nhiệm của ông Macron đã xuống mức thấp nhất trong 5 năm rưỡi qua.
"Xếp hạng tín nhiệm của nguyên thủ quốc gia đã giảm 5 điểm - xuống còn 24%. Đây là con số thấp nhất kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống 5 năm thứ hai của ông Macron" – Elabe cho hay.
Theo AFP, nếu đảng cực hữu RN giành đa số ở quốc hội Pháp sau cuộc bầu cử, ông Macron vẫn nắm quyền quyết định chính sách đối ngoại và quốc phòng nhưng sẽ đánh mất quyền quyết định chính sách trong nước, bao gồm cả chính sách an ninh quốc gia và kinh tế.