Bà Trương Thị Bản, 59 tuổi, sống trong căn nhà ở làng Tình Quang quay mặt ra bờ sông Đuống, đoạn chảy qua xã Giang Biên, quận Long Biên. Chiều chiều, khi người già rủ nhau đi dạo bộ, ngắm tàu bè, bà chỉ thẩn thơ chôn chân trong nhà. Từ ngày chồng chết đuối ở khúc sông trước cửa, đúng lúc gia đình đang "ngấm đòn" của lừa đảo đa cấp, bà bảo không bao giờ muốn nhìn ra đó nữa.
Nhưng chính căn nhà cũng gợi cho bà những ký ức không vui. Bi kịch bắt đầu cuối năm 2015 liên quan việc tham gia vào Công ty Thiên Ngọc Minh Uy bán hàng đa cấp.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương tháng 7/2018, thời điểm công ty đa cấp này bị đóng cửa, gần 27.000 người đã tham gia góp 3.600 tỷ đồng. Trong số này, 17.000 người chưa được hoàn tiền.
Từ tháng 12/2014, ông Đỗ Ngọc Sơn, chồng bà Bản và nhiều người làng Tình Quang được người của công ty đa cấp này tiếp cận. Họ được một phụ nữ tên Đỗ Thị Trang, tự nhận giám đốc công ty dược mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rủ họ "góp vốn" kinh doanh siêu lợi nhuận.
Trang đưa họ đến hội thảo của Thiên Ngọc Minh Uy, chữa bệnh và bán hàng hưởng hoa hồng siêu cao và trở thành "chuyên viên kinh doanh" của Thiên Ngọc Minh Uy.
Bà kể, ông Sơn mỗi tuần đi hội thảo 3-4 lần, mang về nhà những hộp thuốc lạ giá cả triệu đồng. Vợ chồng vốn xung khắc, vì chuyện "đa cấp" càng căng thẳng với nhau.
Ông Sơn là công nhân nghỉ việc sớm, không lương hưu. Bà Bản chăm ba sào ruộng, trồng rau bán chợ làng. Căn nhà ba tầng xây trên một phần mảnh đất 176 m2 là thành quả dành dụm sau 30 năm. "Mới ở được 6 năm, nợ chưa trả hết, ông Sơn thế chấp để tham gia Thiên Ngọc Minh Uy với lãi suất cao không tưởng, tin sau 3 năm sẽ đủ tiền lấy được sổ đỏ về, tôi cản không nổi", bà kể.
Như ông Sơn, ông Phùng Quốc Lân thuộc 27.000 người bị cuốn vào vòng xoáy đa cấp những năm 2014-2015 và cũng thế chấp căn nhà duy nhất của gia đình, ở phường Phúc Lợi, quận Long Biên, để có một tỷ đồng góp cho Thiên Ngọc Minh Uy.
Tháng lương hưu công nhân may được 4 triệu đồng, ông tích 4 tháng mới đủ để tham gia vào gói đầu tư thấp nhất. Tiền lãi hứa hẹn mỗi ngày 2.500 đồng/một triệu đồng, ông kể nhiều người như mình mỗi tháng đều hăm hở rủ nhau đi nộp, hy vọng nhờ Thiên Ngọc Minh Uy có thêm tiền dưỡng già.
"Dạo đó họ nói mới ra gói siêu lãi suất dành cho những người góp trên một tỷ đồng. Góp một tỷ trong 3 năm sẽ thành 4 tỷ, mà chỉ có 100 suất", ông Lân móm mém nhớ lại lời hứa hẹn khiến mình mờ mắt.
Nhưng bà Bản, đến lúc sắp mất nhà, vẫn không biết chồng cần nhiều tiền thế để làm gì. Vài ngày sau cuộc xung khắc của họ, một người đàn ông tên Phương, nói là cán bộ ngân hàng vào tận nhà tư vấn việc thế chấp sổ đỏ vay tiền.
Ngày cuối cùng của năm 2014, bà Bản nhớ, Phương lái ôtô vào đón vợ chồng bà đi làm thủ tục. Chuyến xe lòng vòng gần 4 giờ dừng tại một căn nhà cấp bốn ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội), đặt chồng giấy dày cả gang tay trước mặt.
"Một tay Phương đè che nội dung, một tay lật mép hết tờ này tờ khác, bảo vợ chồng tôi ký", bà Bản kể. Nữ "trợ lý" của Phương ngồi cạnh, cầm ngón cái của bà Bản, lăn đủ hết các tờ. "Tôi đòi đọc, Phương không cho, bảo chỉ là thủ tục vay tiền", bà Bản kể.
Phương lôi cái túi dưới gầm bàn chứa những cục tiền mặt đưa họ, ông Sơn cầm cuốn sổ bìa đỏ gốc đưa cho Phương. Mọi chuyện diễn ra chưa đầy 10 phút, bà kể.
Chiếc ôtô lại đưa họ về dốc con Đê Vàng đầu làng Tình Quang. Vợ chồng già ôm bọc tiền 300 triệu đồng về nhà khi xóm đã lên đèn, không biết rằng từ giây phút ấy, căn nhà đã bị sang tên cho người khác.
Kịch bản y hệt cũng được áp dụng với ông Lân, ông kể được trưởng chi nhánh Thiên Ngọc Minh Uy Long Biên khuyến khích thế chấp nhà vay một tỷ đồng để tham gia gói góp vốn "siêu lãi". Người này cũng đưa ông đi một cuốc ôtô dài 4 giờ quanh thành phố, gặp Phương trong một quán cà phê khi đã nhá nhem tối và bảo ký hàng chục tờ tài liệu cùng lời trấn an "bác cứ ký đi không sao đâu".
"Một tỷ đồng từ thế chấp nhà, tôi không được cầm vào. Trưởng chi nhánh cầm luôn bọc tiền, bảo để làm hợp đồng góp vốn cho tôi", ông Lân kể.
Gần một tháng sau, Phương giao cho hai gia đình này các bản hợp đồng họ đã ký. Ông Lân và vợ chồng bà Bản mới biết, thứ mình ký hôm đó là hợp đồng chuyển nhượng đất cho một người đàn ông không quen biết.
"Tôi thế chấp, chứ đâu có bán nhà", bà Bản giật mình, gọi điện cho Phương nhưng số máy đã bị chặn. Mọi giao dịch được Đỗ Thị Trang tiếp quản, giao hẹn, trả lãi ít nhất hai năm mới có quyền "đòi" lại sổ đỏ về, bà Bản kể.
Tháng 3/2016, Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra hoạt động của 7 công ty đa cấp, trong đó có Thiên Ngọc Minh Uy. Các chi nhánh khắp 63 tỉnh thành đóng cửa. Ông Sơn, ông Lân nằm trong 17.000 người chưa thu về được một đồng lãi, và cũng mất luôn số tiền đã gửi.
Nhưng lúc này, họ còn phải đối mặt với bi kịch lớn hơn: Mất nhà.
Bà kể cuối năm 2016, hết hạn hợp đồng thế chấp, vợ chồng bà gom đủ 300 triệu đồng để "chuộc" sổ đỏ về, Trang vẫn khất lần. Ngày 6/1/2017, Trang dẫn ông Sơn đi lập vi bằng thỏa thuận, trong 4 tháng phải trả lại sổ đỏ cho ông Sơn. Nhưng hết 4 tháng, số điện thoại của Trang cũng trở thành "thuê bao không liên lạc được".
Cơ sở dữ liệu công chứng thể hiện, ngày 1/1/2015, vợ chồng ông Sơn chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất cho người tên Nguyễn Quang Tuyền. Hai tuần sau, ông Tuyền ký hợp đồng chuyển nhượng cho người khác, bà Nguyễn Thị Hải.
Ngày 9/1/2017, bà Hải ký hợp đồng thế chấp nhà đất cho khoản vay 4 tỷ đồng với ngân hàng, thời hạn một năm, song không trả lãi, hết kỳ hạn không thanh toán gốc. Bà Hải hiện bị ngân hàng khởi kiện tại TAND huyện Mê Linh, yêu cầu trả nợ. "Trường hợp bà Hải không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, ngân hàng có quyền xử lý tài sản đảm bảo", đơn kiện nêu.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay này, chính là căn nhà của ông bà Bản. Theo bà Bản, tất cả người liên quan việc thế chấp ngân hàng hay bán nhà, bà đều không biết.
Bà Bản được TAND huyện Mê Linh triệu tập trong vụ kiện bà Hải với tư cách Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Gia đình bà Bản thành những người "ở nhờ" trong chính căn nhà mình.
Riêng quanh quận Long Biên, bà Bản bảo, biết 12 người cùng cảnh mất nhà như mình vì tham gia công ty đa cấp. Qua những lần lên trụ sở Thiên Ngọc Minh Uy đòi tiền, họ quen biết, rủ nhau cùng thuê luật sư hỗ trợ.
Cuối tháng 7/2019, bà Bản, ông Lân và 10 người ký hợp đồng pháp lý với luật sư Vũ Mạnh Cường (Hà Nội). Theo đó, ông Cường có nghĩa vụ thu thập, xác minh, nghiên cứu tài liệu chứng cứ trong các vụ việc lừa đảo chuyển nhượng đất của 12 người trên; soạn thảo đơn từ và phối hợp cơ quan nhà nước để giải quyết vụ việc.
Chi phí cho việc này là 50 triệu đồng "không được hoàn lại trong bất cứ trường hợp nào", hợp đồng nêu. 12 người này đã nộp cho ông Cường tổng cộng 682 triệu đồng.
"Thuê luật sư khi đó là hy vọng cuối cùng để đòi nhà", ông Lân và bà Bản cùng chia sẻ. Sau khi nộp tiền, họ được luật sư Cường yêu cầu ký tên vào một đơn tố cáo tập thể hành vi của Trang, Tuyền và những người liên quan khác".
"Sau nhiều thời gian chờ đợi, chúng tôi không thấy ông Cường liên lạc", bà Bản kể.
Tháng 3/2023, 12 người kiện luật sư. Hai vụ đầu tiên của ông Lân, bà Bản dự kiến được TAND quận Hoàn Kiếm xét xử ngày 8/6. 10 vụ còn lại chưa có lịch.
Trả lời VnExpress, luật sư Cường khẳng định đã làm đúng, theo quy định pháp luật và đạo đức luật sư. Ông vẫn đang trong quá trình thực hiện hợp đồng song phía khách hàng đột nhiên yêu cầu hủy để kiện cáo, gây nhiễu loạn và làm hạ uy tín.
Luật sư khẳng định đã tư vấn 4 buổi ngoài giờ hành chính vì ban ngày, những người này bận việc, phải đi làm đồng, có hôm tới 11h đêm. "Tôi cũng phải thu thập chứng cứ hồ sơ nhiều buổi, nhận thấy dấu hiệu vi phạm hình sự, tôi đã soạn đơn đưa đến từng người ký. Vậy sao họ bảo tôi không làm cái gì?", ông Cường nói.
Riêng vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan Thiên Ngọc Minh Uy, Trang, Tuyền và những người khác, tháng 10/2022, bà Bản nhận được thông báo của cơ quan điều tra cho hay, việc giải quyết bị đình chỉ, do những người bị tố cáo đều vắng mặt tại địa phương.
Ròng rã 7 năm tố cáo, kiện tụng, nghĩ về chồng, bà Bản bảo "chỉ thương, không trách giận".
Thanh Lam