Lịch Sử, Quân Sử & Huyền Thoại
Từ Ấp Chiến Lược đến biến cố Tết Mậu Thân, những hệ luỵ lịch sử trong chiến tranh Việt Nam
Trong chiến tranh Việt Nam, biến cố Tết Mậu Thân (1968) mà sách vở của chế độ cộng sản Hà Nội gọi tên là cuộc Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa (TCK-TKN) đã được các sử gia ngoại quốc xem là một bước ngoặt lớn trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai
Trong chiến tranh Việt Nam, biến cố Tết Mậu Thân (1968) mà sách vở của chế độ cộng sản Hà Nội gọi tên là cuộc Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa (TCK-TKN) đã được các sử gia ngoại quốc xem là một bước ngoặt lớn trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. Hầu hết các quan điểm khác biệt của các phe lâm chiến như chính phủ Hoa Kỳ, chế độ Bắc Việt, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, giới truyền thông Hoa Kỳ và một số các quốc gia khác, giới nghiên cứu sử học Hoa Kỳ, một số các nhân vật có dính líu ít nhiều vào biến cố đó, ở phe này hay phe khác đã được bày tỏ qua sách vở, tư liệu với nhiều mục đích khác nhau như tuyên truyền, biện minh, lên án, kết tội, bào chữa, tái xác nhận v.v... Biến cố Mậu Thân cũng đã để lại nhiều ấn tượng, kỷ niệm tang thương, đau lòng trong rất nhiều đồng bào Việt Nam tại Huế - Thừa Thiên nói riêng và đồng bào Miền Nam nói chung với cái chết của biết bao người thân trong gia đình, bạn hữu và các nhân vật hành chánh, chánh trị, các tu sĩ tôn giáo ngoại quốc cũng như trong nước, kể cả các giáo sư đại học người nước ngoài đến phục vụ tại Viện Đại Học Huế. Tuy nhiên, đằng sau biến cố này là một số hệ lụy mang tính lịch sử vẫn chưa thấy giới nghiên cứu sử học đề cập tới mặc dù chúng vẫn hiện diện và nổi cộm lên thông qua biến cố này.
Bốn mươi năm qua, thời gian cũng đủ để cho một thành phố, như Huế chẳng hạn, được hồi sinh nhưng đây cũng là dịp nhìn lại biến cố đó để tìm hiểu những bài học lịch sử mà cho đến nay vẫn còn chứa nhiều bí ẩn chưa biết được, đúng như nhận định của nhà nghiên cứu sử học Hồ Khang: "Tết Mậu Thân vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Từ một mức độ nào đó, có người sẽ nghĩ là họ đã có cái nhìn toàn diện về Tết Mậu Thân, nhưng ở một góc độ khác, nhiều người sẽ vẫn không thể hiểu và giải thích được sự kiện này." [1]
Tuy nhiên việc tìm hiểu biến cố tết Mậu Thân sẽ không được rõ ràng nếu chúng ta không lược qua giai đoạn lịch sử trước đó, kể từ thời Đệ nhất Cộng hòa, bởi vì di sản chính trị của giai đoạn đó nếu chỉ còn là những đổ nát, vỡ vụn thì ít nhất nó cũng cho chúng ta biết phần nào mức độ thất bại của chúng ta và đồng minh qua sự kiện lịch sử quan trọng này tức là biến cố Tết Mậu Thân (1968).
1. Di sản tinh thần đổ nát của một chế độ chính trị
Cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam, một cuộc chiến mà ngay đến cái tên gọi của nó vẫn còn là một vấn đề tranh cãi [2], sau Nghị quyết 15 năm 1959 của CSBV và đạo luật 10/59 của chế độ VNCH đã được đánh dấu bởi những biến cố lịch sử quan trọng cần phải được nhìn đến trước khi đi sâu vào nghiên cứu lại sự kiện Tết Mậu Thân.
Sau hiệp định Genève chia đôi đất nước, ngày 20 tháng 7 năm 1954, chính phủ của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã phải lo định cư cho gần một triệu người dân miền Bắc và miền Trung (bên kia vĩ tuyến 17) có cuộc sống an cư lạc nghiệp tại miền Nam, rồi lấy lại chủ quyền từ tay người Pháp, ổn định tình hình chính trị, xây dựng nền Cộng Hòa trên vùng đất đầy dấu tích của chế độ thuộc địa và thực dân, nhất là tiến hành quốc sách chống Cộng nhằm tiêu diệt hết hạ tầng cơ sở của Cộng Sản cố gài lại tại Miền Nam sau khi Việt Minh đã rút hết khoảng 80.000 cán binh CS ra miền Bắc theo các điều khoản quy định của bản hiệp định này. Những thành quả mà chính phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm thu hoạch được trong chín năm cầm quyền (1954-1963) cần phải được nghiên cứu lại trong tinh thần đánh giá công bình, đúng đắn dưới ánh sáng của lịch sử.
1.1. Vấn đề ý thức hệ chính trị.
Trong cuộc chiến giữa hai miền nam và bắc Việt Nam, điểm quan trọng trong sự tranh chấp Quốc-Cộng đó là vai trò của một hệ thống tư tưởng mà chế độ Đệ nhất Cộng hòa đã sử dụng làm lợi khí đấu tranh để xây dựng các cơ chế dân chủ và xã hội. Chủ thuyết của miền nam lúc bấy giờ là chủ thuyết Nhân Vị vốn được coi là nền tảng tư tưởng hoạt động của Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng do ông Ngô Đình Nhu thành lập tại Sài gòn năm 1950.
Về phương diện tư tưởng, ông Ngô Đình Nhu đã có ý thức về sự cần thiết của một chủ nghĩa trong công cuộc xây dựng đất nước. Ông đưa ra chủ thuyết Nhân Vị (Personalism) khơi nguồn từ một số triết thuyết của Tây Phương như nhóm Esprit của Emmanuel Mounier, một số tông thư của các Giáo Hoàng Lêô XIII hay Giáo Hoàng Piô XI, đã được ông hoàn chỉnh lại để phù hợp với tình hình của một quốc gia Á châu, nhằm đối đầu với chủ nghĩa Cộng Sản ở miền Bắc. Ngày 8-1-1963, trong cuộc nói chuyện với một cử tọa gồm các nhà trí thức, các giáo sư đại học, giáo sư trung học và cán bộ tại Trung Tâm Thị Nghè, ông Ngô Đình Nhu giải thích rằng: "...mình đánh nhau với Cộng Sản, bây giờ Cộng Sản nó đánh mình với một Ý Thức Hệ, mà chúng ta không có một Ý Thức Hệ cứng rắn, rõ ràng, trong tâm trí chúng ta để đối lại, để có lẽ sống mà đánh Cộng Sản thì chúng ta sẽ bị ý thức hệ Cộng Sản lan tràn lung lạc." [3]
Cũng trong bài nói chuyện đó, ông Ngô Đình Nhu nhấn mạnh: " Muốn phục vụ con người trong xã hội thì con người đó phải tiến, xã hội đó phải tiến. Nhưng xã hội chỉ tiến được với những con người có ý thức nhiệm vụ. Cho nên, trên nguyên tắc, chúng ta phải nhìn nhận rằng cần phải có một ý thức hệ tiến bộ. Ý Thức Hệ chúng tôi chủ trương là Ý Thức Hệ Nhân Vị. Về Tư Tưởng Nhân Vị có nhiều thứ. Có thứ họ căn cứ vào một tín ngưỡng hữu hình, một tín ngưỡng chắc chắn, căn bản. Có thứ lại nhuốm phần nào vô thức... Ý thức hệ Nhân Vị chúng tôi chủ trương nó rất rộng rãi và không cần phải đi sâu vào các đạo giáo. Tất cả các đạo giáo, tất cả các triết lý khác, có thể cùng đi với chúng ta được trong ý thức hệ đó." [4]
Sau đây là một đoạn triển khai thêm do linh mục Bửu Dưỡng viết, trích từ bản tóm tắt bài thuyết trình của ông về chủ nghĩa Nhân Vị: "Nhân là người. Vị là thứ bậc. Nhân-Vị là tính cách con người sống đầy đủ con người theo thứ bậc của mình, đối nội cũng như đối ngoại. Theo nghĩa đó, hai chữ Nhân-Vị đầy đủ hơn chữ Personne Humaine của Pháp ngữ, vì hai chữ Personne Humaine nhấn mạnh đến ý nghĩa của chữ nhân mà ít chú trọng tới vị. Cần phải hiểu theo một ý nghĩa đầy đủ của cả hai chữ. Nhân là sống đầy đủ con người. Vị là sống theo đúng thứ bậc của mình trong những tương quan với người khác và vạn vật. Như vậy thì quan niệm về nhân-vị tùy thuộc quan niệm về con người và quan niệm các tương quan." [5]
Nhìn thấy cái sắc bén của chủ nghĩa Nhân Vị của nền Đệ nhất Cộng Hòa, một sử gia ngoại quốc, Robert Scigliano đưa ra nhận xét : "Chủ nghĩa Nhân Vị nhấn mạnh đến sự điều hòa những ước vọng vật chất cũng như tinh thần của cá nhân với các nhu cầu xã hội của cộng đồng và các nhu cầu chính trị của quốc gia. Nó nhằm tìm kiếm một con đường trung dung giữa chủ nghĩa cá nhân tư bản và chủ nghĩa tập thể mác-xít." [6]
Một nữ ký giả Hoa Kỳ, bà Suzanne Labin, vốn có rất nhiều mối liên hệ với các viên chức của chế độ Miền Nam dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trong cuốn sách Vietnam, an eye-witness account, có trích lại bài viết về chủ nghĩa Nhân Vị của bà Ngô Đình Nhu (đăng trên báo The Wanderer ngày 4.6.1964) lúc bấy giờ đang sống lưu vong ở hải ngoại sau biến cố đảo chính 1-11-1963.
Trong một bài báo nhan đề “Cần Lao Nhân Vị”, linh mục Nguyễn Phương, nguyên giáo sư sử học tại Viện Đại Học Huế trước năm 1975, đã viết: "Đối với những người tị nạn đã trưởng thành, cần lao nhân vị là những tiếng quen biết. Cũng có lẽ vì quen biết quá nên không mấy ai lưu tâm đến ý nghĩa của nó. Sự thật, mấy tiếng đó xếp lại bên nhau có thể tạo nên một phương châm thiết thực nhất và cao cả nhất cho đời sống cá nhân và xã hội. Cần lao nhân vị gọn gàng là một triết lý của đạo làm người. Cần lao không có nghĩa là làm việc suông, vì chữ cần nói lên rằng người làm việc đang tâm hướng về một mục tiêu nào đó. Và mục tiêu này được tức khắc bày tỏ bằng hai tiếng nhân vị. Cần lao là để phát huy và để bảo tồn nhân vị, chứ không phải để phục vụ tư lợi hay để làm mọi cho giai cấp đấu tranh. Nói cách khác, cần lao nhân vị là đặt giá trị con người trên việc làm, và con người lấy việc làm để củng cố chỗ đứng của mình giữa trời và đất."
Tác giả Nguyễn Phương nêu ra thông điệp của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có tên Laborem Exercens (con người làm việc) trong đó Đức Giáo Hoàng đặt vấn đề lao động trên một nền tảng chưa chủ thuyết kinh tế hiện có nào đã đặt, nhìn con người qua việc làm, bất cứ việc làm này thuộc phạm vi vật chất hay tinh thần. Xin thử trích một vài đoạn từ thông điệp Laborem Exercens: "Khi chúng tôi nói đến sự tương phản giữa lao động và tư bản, không phải chúng tôi nói đến một quan niệm trừu tượng hay một mãnh lực phi vị (impersonal) đang chuyển hành trong cuộc sản xuất kinh tế. Đàng sau cả hai quan niệm đó (lao động và tư bản) vốn có con người sống động, con người như thấy được trong thực tế của cuộc đời."
Vì đó, theo tác giả Nguyễn Phương, vấn đề lao động trở thành vấn đề cần lao, nó không còn là nô lệ của lợi tức như trong chủ thuyết tư bản, hay nô lệ của đảng phái, như trong chế độ Cộng Sản, mà nó là của con người làm việc, của xã hội loài người. Thông điệp đề cập đến một lối xã hội hóa gọi là xã hội hóa thỏa đáng (satisfactory socialization) khác hẳn với lối xã hội hóa với nhà nước hay đảng làm chủ nhân ông của Cộng sản. Xã hội hóa thỏa đáng là đem một số các phương tiện sản xuất làm của chung nhưng dưới sự điều động của cần lao và tư bản. Như thế sẽ thực hiện được chủ thuyết bảo toàn giá trị con người, mà thông điệp gọi là thuyết nhân vị (personalism).
Với chính sách đặc thù của Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, Cần Lao Nhân Vị là "một chính sách được trình bày với màu sắc của địa phương. Con người không được quan niệm như là tối thượng, mà là một loại đầu đội Trời chân đạp đất. Ở trong tam tài Thiên Địa Nhân, con người không thể nào hơn Ông Trời, nhưng lại không thể nào thua vật chất. Đất, và tất cả những gì thuộc về đất, là để phục vụ con người. Đàng khác, con người không thể hoàn tất phận sự của mình nếu không sử dụng vật chất. Cần lao, sự chăm chú làm việc, cốt là để thể hiện giá trị con người, cốt là để tô bồi chỗ đứng của con người. - NHÂN VỊ - khoảng giữa trời cao và đất rộng. Trong xã hội CẦN LAO NHÂN VỊ, cố nhiên không có cảnh con người làm nô lệ con người, huống hồ là làm nô lệ phương tiện sản xuất. Nơi đây, chỉ có đồng lao cộng tác để thành tựu cuộc cách mạng NHÂN VỊ, nó ăn cả về chiều cao, chiều rộng và chiều sâu. Về chiều sâu, con người cần lao luyện tập cho có thành tâm thiện ý. Phải tu thân đã mới mong tề gia và bình thiên hạ. Việc cách mạng phải ăn cả về chiều rộng, vì con người cần phải tri kỷ, tri nhân, cho nên phải sống trong cộng đồng và phải cùng nhau đồng tiến. Chiều cao của cuộc cách mạng nhân vị là nhờ cần lao mà vươn lên, vươn đến Chân, Thiện, Mỹ để thông cảm với Đấng Trên Đầu Trên Cổ, với Thượng Đế. Trong chính sách cần lao nhân vị, con người sẽ làm viên mãn điều mà "bổn phận và lương tri" bảo phải làm trong bất cứ trường hợp nào (nên nhớ lại lời Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm trả lời cho Đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge chiều ngày 1 tháng 11 năm 1963, khi cụ Diệm hỏi đại sứ này về thái độ của Washington với cuộc chính biến)." [7]
Để thấy những liên hệ nhân quả của chủ thuyết nhân vị đối với biến cố Tết Mậu Thân về sau, thiết tưởng nên đọc thêm một số các tư liệu sau đây nói về chính sách, kế hoạch quốc gia của VNCH lúc bấy giờ:
"Thuyết Nhân Vị Á Đông do ông (Ngô Đình Nhu) đề xướng được ông giản lược bằng phương trình sau đây:
TAM TÚC + TAM GIÁC = TAM NHÂN
Và ông giải thích vắn tắt:
A. TAM TÚC là:
1.- Tự túc về Tư Tưởng là tự mình suy luận, cân nhắc mà lựa chọn một chính nghĩa để phụng sự và một khi đã chọn rồi thì không còn lay chuyển nữa. Chính nghĩa đó là cuộc cách mạng chính trị, xã hội, quân sự mà ta đang cụ thể hóa trong các Ấp Chiến Lược. Sau đó ta tự phát huy chính nghĩa trong tâm hồn, tự học tập và tự bồi dưỡng tinh thần của ta, không cần ai thôi thúc. Tự túc về tinh thần, về tư tưởng, thì tất nhiên trong mọi trường hợp khó khăn ta vẫn vững tâm, hoặc dù có nội loạn ở Thủ Đô Sài Gòn chăng nữa, thì ta cũng không bị hoang mang hay bị lung lạc. Tự túc về tư tưởng để phát huy và bành trướng chủ nghĩa. Muốn được vậy thì phải:
2.- Tự túc về Tổ chức và Tiếp Liệu, là tự ta tìm tòi, phát huy sáng kiến để có nhiều nhân vật lực để hoạt động, không ỷ lại vào sự giúp đỡ của người khác. Chính phủ chỉ cần giúp ta một số vốn căn bản, dựa vào đó ta tìm cách biến cải thêm để hành động và mở rộng phạm vi hoạt động. Chẳng hạn hiện giờ ta thiếu kẽm gai để làm Áp Chiến Lược, thì ta cố gắng tìm vật liệu khả dĩ làm tê liệt cơ thể bất cứ ai động đến (như đồng bào Thượng đã làm trên cao nguyên); hoặc dùng địa hình địa vật để lồng hệ thống bố phòng ACL vào trong đó, đỡ cần đào hào hay rào kẽm gai. Muốn thực hiện Tự túc về Tổ chức thì cần phải:
3.- Tự túc về Kỹ thuật, là phát huy khả năng chiến đấu, và khai thác, phát triển khả năng của nhân vật lực sẵn có đến tột mức 100 phần trăm.
Ba bộ phận của Tam túc có liên hệ mật thiết với nhau: muốn Tự túc về Tổ chức mà không Tự túc về Kỹ thuật thì Tổ chức không thành; thiếu Tự túc Tư Tưởng thì tất nhiên sẽ không có Tự túc Tổ Chức và Tự túc Kỹ Thuật. Từ quan niệm Tam Túc đó phát sinh ra quan niệm Tam Giác.
B. TAM GIÁC là:
1.- Cảnh giác về Sức Khỏe (thể xác) nghĩa là không được đau ốm. Do đó ta phải tránh tất cả những việc làm phương hại cho thân xác ta như đau ốm, tứ đổ tường. Bảo đảm sức khỏe thì mới bảo đảm được khả năng làm tròn nhiệm vụ.
2.- Cảnh giác về Đạo Đức và Tác Phong Đạo Đức, vì tác phong và đạo đức là điều kiện cốt yếu của cán bộ, thiếu tác phong đạo đức sẽ chi phối tư tưởng, sẽ biến khả năng làm việc thiện ra việc ác, chưa kể việc thất nhân tâm.
3.- Cảnh giác về Trí Tuệ là phát huy óc sáng tạo, sáng tác khả năng chiến đấu của nhân vật lực sẵn có đến tột độ.
Vậy, không có sức khỏe, đau ốm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến óc sáng tạo và thu hẹp phạm vi hoạt động của đạo đức. Không có óc sáng tạo thì dù có sức khỏe, có đạo đức, cũng không có khả năng bồi bổ vào sự thiếu thốn nhân vật lực, là tình trạng của một nước chậm tiến. Có sức khỏe, có óc sáng tạo, nhưng không có đạo đức, thì sức khỏe ấy, óc sáng tạo ấy, sẽ phục vụ cho phi nghĩa, không phải cho chính nghĩa..." [8]
Thật sự các nhà lãnh đạo của nền Đệ nhất Cộng hòa đã thấy được sự cần thiết của một thứ vũ khí tư tưởng trong cuộc chiến tranh ý thức hệ đối diện với Miền Bắc theo chủ nghĩa Cộng Sản. Tiếc thay đang khi họ mang hoài bão để huấn luyện và trang bị cho cán bộ và nhân dân Miền Nam thứ vũ khí cần thiết này, thì Hoa Kỳ, người bạn đồng minh của chúng ta, đã không chia sẻ cùng một tâm thức như vậy.
1.2. Khu trù mật và Ấp chiến lược.
Trước khi nói đến các cơ cấu trên đây, thiết tưởng cần nhắc đến chính sách Dinh Diền được tổ chức trước đó để thấy rằng các nhà lãnh đạo của nền Đệ nhất Cộng hòa đã có một cái nhìn xuyên suốt trong chính sách an dân của mình.
Ngày 17.9.1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm ký nghị định số 928-NV thành lập Phủ Tổng Ủy Di Cư Tị Nạn, ngang hàng với một bộ trong Nội các, do ông Ngô Ngọc Đối làm Tổng Ủy Trưởng. Bên cạnh đó, vì số người Công Giáo di cư gần khoảng 70% trên tổng số tị nạn nên có một tổ chức cứu trợ tư nhân với tên Ủy Ban Hỗ Trợ Định Cư do Giám mục Phạm Ngọc Chi điều khiển. Tổng số dân rời bỏ miền Bắc để vào miền Nam là 875, 478 người và họ được đưa đến Sài Gòn, Vũng Tàu hay Nha Trang, sau đó đi định cư các nơi khác tùy ý họ lựa chọn.
Nói chung đối với hầu hết các cơ chế được tổ chức dưới thời Đệ nhất Cộng Hòa và một khi đã bị giải thể hay bị chính quyền kế tiếp coi như là một thứ con ghẻ không hề lưu tâm tới (trong thời Đệ nhị Cộng Hòa) tất nhiên sự kiện đó đã góp thêm rất nhiều yếu tố thuận lợi cho biến cố Tết Mậu Thân, mà rõ ràng nhất là hệ thống khu trù mật và ấp chiến lược được tổ chức và nâng lên thành quốc sách dưới thời Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Ngày nay ai cũng biết hệ thống tổ chức Khu trù mật và Ấp chiến lược là sáng kiến rất đỗi lợi hại của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu, nhờ đó mà bọn du kích Cộng Sản đã một thời khốn đốn không hoạt động được gì hữu hiệu. Thật ra việc gom dân lập ấp là một kinh nghiệm lịch sử quý báu của tiền nhân trong lúc đất nước có chiến tranh. Người có sáng kiến tiên khởi về ấp chiến lược có lẽ phải kể đến Tĩnh Man Tiễu Phủ Sứ Nguyễn Tấn (1820-1871), tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1863, Nguyễn Tấn đã áp dụng kế sách đó trong việc đánh dẹp người Mọi Đá Vách, Quảng Ngãi. Một sử liệu của Triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, đã ghi lại như sau:
"Mới đặt chức Tiễu phủ sứ ở cơ Tĩnh man tỉnh Quảng Ngãi. Phàm các việc quan hệ đến sự phòng giữ dẹp giặc, thăng cử, chọn thải, lấy lương, gọi lính sát hạch, thì cùng bàn với chánh phó lãnh binh chuyên coi một nha mà tâu hoặc tư. Lấy người hạt ấy là Nguyễn Tấn lãnh chức ấy. Tấn trước đây thự án sát Thái Nguyên, khi ấy quân thứ Thái Nguyên dần yên, nghe tin bọn ác man hung hăng, dâng sớ xin về bàn bạc để làm, trong 1, 2 năm có thể xong. Vua thấy giặc Man có phần cần cấp hơn, bèn y cho. Đến đây, chuẩn cho thăng hàm thị độc sung lãnh chức ấy, cấp cho ấn quan phòng bằng ngà. Tấn dâng bày phương lược: (nói: việc đánh giặc vỗ dân cần làm những việc khẩn cấp trước. Về 3 huyện mạn thượng du, phàm những dân ở linh tinh, tiếp gần với địa phận núi thì, tham chước theo lệ của Lạng Sơn đoàn kết các dân ở cõi ven một hay hai khu, đều đào hào đắp lũy, cổng ngõ cho bền vững. Nếu có lấn vào ruộng đất của ai thì trừ thếu cho. Còn 1, 2 nhà nghèo, ở riêng một nơi hẻo lánh, thì khuyên người giàu quyên cấp cho dỡ nhà dời về trong khu; còn đất ở thì không cứ là đất công hay đất tư đều cho làm nhà để ở. Các viên phủ huyện phụ làm việc ấy, liệu nơi nào hơi đông người thì bắt đầu làm ngay, nơi nào điêu háo (ít dân), thì phái quân đến phòng giữ, ngăn chận, dần dần tiếp tục làm, để thư sức dân." [9]
thành phố đổ nát
Cách đây hơn nửa thế kỷ, chế độ Cộng Hòa đã được khai sinh cùng với các quốc sách được ban hành như Khu trù mật và Ấp chiến lược nhằm giải quyết cho công cuộc định cư của gần một triệu đồng bào từ bắc di cư vào nam và sau đó để đối phó với chính sách khủng bố của du kích Cộng sản tái hoạt động ở các vùng nông thôn miền nam.
Trong cuốn sách Chính sách cải cách ruộng đất Việt-Nam (1954-1994), tác giả Lâm Thanh Liêm đã viết về Khu trù mật như sau: "Khu Trù Mật là một cộng đồng nông nghiệp được chính quyền thành lập và gom thôn dân vào đấy sinh sống trong những thôn xóm hẻo lánh, xa cách các trục giao thông, do đó, chính phủ không thể kiểm soát được. Trước sự đe dọa của chiến tranh xâm lược Miền Bắc, Tổng Thống Diệm quyết định tập trung thôn dân sinh sống rải rác vào Khu Trù Mật, để tiện bề kiểm soát họ, đồng thời cô lập họ với "Việt Cộng", giống như cá thiếu nước không thể sống tồn tại được. Mỗi Khu Trù Mật có khoảng 3.000 đến 3.500 dân, có hạ tằng cơ sở giống tựa như trường hợp của một thành phố:
* Một khu thương nghiệp (với một ngôi chợ xây cất bằng gạch và tiệm buôn bán).
* Một khu hành chánh (có mộ chi nhánh bưu điện), xã hội (một bảo sanh viện, một nhà trẻ) và văn hóa (các trường tiểu học và trung học cấp I, một phòng thông tin, nhà thờ và chùa chiền).
Các Khu Trù Mật được điện khí hóa. Vị trí của chúng được chọn lựa kỹ lưỡng, hội đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển (đất đai trù phú, gần các trục giao thông).
* Khu Trù Mật có thể phát triển nông nghiệp, diện tích đất trồng có thể được nới rộng nhờ khẩn hoang thêm đất màu mỡ, để trong tương lai, các thế hệ trẻ tấn lên trở thành điền chủ.
* Khu Trù Mật có thể phát triển thương nghiệp và các lãnh vực dịch vụ khác, cùng phát triển các tiểu thủ công nghệ lên hệ với ngành nông nghiệp địa phương.
* Nhờ Khu Trù Mật, chính quyền có thể cải thiện điều kiện sinh sống của thôn dân: cư trú tập trung cho phép chính phủ thực hiện nhiều công trình phục vụ nhân dân, ít đòi hỏi nhiều đầu tư hơn hình thức cư trú lẻ tẻ, rải rác (chẳng hạn như công tác thủy nông, điện khí hóa, xây cất trường học, nhà bảo sanh v.v...)
Khu Trù Mật là nơi bảo vệ dân chúng chống lại chiến tranh xâm lược của Cộng Sản Bắc Việt. Ngoài việc kiểm soát dân chúng trong Khu Trù Mật, chính quyền địa phương còn trang bị vũ khí cần thiết, để nếu cần, có thể biến Khu Trù Mật thành một "tiền đồn", ngăn chặn đoàn quân Bắc Việt xâm nhập vào Nam.
Bởi vậy các Khu Trù Mật thường được thiết lập tại các địa điểm có tính cách chiến lược, dọc theo biên giới hoặc xung quanh một thành phố lớn, để tạo một vành đai an ninh. Đồng thời Khu Trù Mật cũng là thị trường tiêu thụ các nông sản và các chế phẩm tiểu thủ công nghiệp. Chính phủ cấp phát cho mỗi gia đình định cư một mảnh đất 3.000 m 2, để xây cất một ngôi nhà (với vật liệu do chính quyền địa phương cung cấp), một chuồng heo và một chuồng gà. Mỗi gia đình có một mảnh vườn cây ăn trái hoặc một mảnh vườn rau để tự túc mưu sinh." [10]
Sử gia Robert Scigliano, thuộc viện đại học Michigan, cho biết Cộng Sản Hà Nội tuyên truyền phản đối chính sách Khu trù mật vì ngoài việc ngăn chặn Cộng Sản xâm nhập vào nông thôn, các Khu trù mật được xây dựng ở những vùng chiến lược chẳng hạn dọc theo một con đường chính hay một trục thủy lộ gây trở ngại rất nhiều cho việc chuyển quân của Cộng Sản. [11]
Trong tác phẩm Ngo Dinh Diem en 1963: Une autre paix manquée, tác giả Nguyễn Văn Châu, cựu Trung tá, nguyên Giám đốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Bộ Quốc Phòng cho rằng sự chỉ trích chính quyền về Khu trù mật chỉ nhắm vào những chuyện xấu về nhân sự, và dư luận đối lập đi xa hơn nữa cho rằng chính quyền ép buộc dân bỏ làng mạc nhà cửa. [12]
Đối với bài học lịch sử cũ về Ấp chiến lược, thiết tưởng cần đọc Suzanne Labin, một nhà văn kiêm phân tích gia vốn nhiều lần tới thăm Miền Nam Việt Nam trong thời gian Đệ nhất Cộng hòa, từng được Tổng Thống Ngô Đình Diệm tiếp kiến nhiều lần, đã có những buổi thuyết trình chính trị tại Sài Gòn và nói chuyện tại một số tỉnh. Trong cuốn sách Vietnam, an eye-witness account (bản tiếng Pháp nhan đềVietnam, révélation d'un témoin), Suzanne Labin từng viết: "Khi nhà Ngô bị lật đổ, có tám ngàn ấp chiến lược đã được thành lập xong và đang vận hành, với dự trù khoảng bốn ngàn ấp nữa cần thiết để bảo vệ cả nước. Nông dân sống rải rác dọc theo các con kênh, được yêu cầu dời chuyển để qui tụ lại thành nhiều làng, tập trung theo kiểu Âu châu. Mỗi làng được rào vững chắc bằng hàng rào kẽm gai hoặc hàng rào tre vót nhọn đằng sau có tăng cường hệ thống hào rộng gài mìn để chận đứng Việt Cộng mò vào ban đêm. Trong ấp, mỗi gia đình đều được khuyến khích đào một hầm trú ẩn ngay trước nhà họ. Tại sao vậy? Khi Việt Cộng tấn công, trước đây người dân thường quá sợ nên chạy tứ tung gây trở ngại cho lực lượng bảo vệ nhiều khi bắn cả vào người nhà mình. Từ khi có hầm trú, người già và trẻ con cứ việc núp dưới hầm để xạ trường quang đảng cho lực lượng chiến đấu hành sử.
"Người dân làng được đoàn ngũ hóa theo tuổi tác, giới tính, và tùy theo khả năng mà được giao cho một phần vụ đặc biệt. Lực lượng tự vệ và thanh niên cộng hòa là những đơn vị chiến đấu; những dân làng khỏe mạnh khác thì tham gia công tác phòng vệ, thanh thiếu niên thì vót chông. Người có nhiệm vụ chiến đấu được cấp vũ khí cá nhân mang luôn bên mình ngay cả khi ở nhà. Nhiều làng mạc được trang bị thêm xe thiết giáp hoặc súng liên thanh. Máy truyền tin được cung cấp giúp cho các người bảo vệ ấp chiến lược có thể gọi ngay lực lượng chính quy đến một khi bị tấn công. Nhiệm vụ chính của làng là cầm chân kẻ thù, vô hiệu hóa chúng ngoài các vành đai của ấp, cố ngăn chúng không lủi mất vào rừng trong khi lực lượng chính quy kéo tới. Bấy giờ, Việt Cộng thấy quá khó khăn khi xâm nhập một vùng dân cư có phòng thủ và ngay cả rút lui cũng thấy nhiều trở ngại." [13]
Bà Suzanne Labin còn nhắc lại câu nói có tính cách cô đọng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm rằng: "...để nghiền nát quân thù giữa CÁI BÚA của sức mạnh cơ động và HÒN ĐE của các ấp chiến lược." [14] Bà cho rằng ấp chiến lược chính là tâm điểm của một cuộc cách mạng chính trị và xã hội : đó là lý do tồn tại của Ấp chiến lược vì đã đưa lại một nền tảng vững chắc cho sự tiến bộ về kinh tế. [15]
Chính sách Ấp chiến lược được thực hiện từ năm 1961 với sự cố vấn của Sir Robert Thompson, chuyên viên về chiến thuật phản nổi dậy người Anh cùng với hai người bạn là Desmond Palmer và Dennis Duncanson được kể là một kế hoạch táo bạo nhất của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Nhận định tổng quát về kết quả của chính sách Ấp chiến lược, tác giả Nguyễn Văn Châu đã khẳng định: "Quốc sách Ấp chiến lược sau hai năm đã thành công trong việc ngăn chặn làm cho Việt Cộng không còn sống bám rút bòn nhân dân. Vấn đề an ninh làng ấp được vững vàng hơn, quân đội chính quy quốc gia trở thành lực lượng hành quân chủ động gây cho du kích cộng sản nhiều thất bại đáng kể, khiến cho các lực lượng du kích rơi vào thế bị động và mất thăng bằng sau khi đã mất hạ tầng cơ sở. Tinh thần quân đội quốc gia lên cao, dân chúng được bảo vệ an ninh và du kích Việt Cộng càng ngày càng hồi chánh về đầu thú với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa." [16]
Trong một bài báo mới đây nhan đề ''40 năm ngày đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm: Cái nhìn từ Hà Nội", tác giả Bùi Tín, cựu Đại tá quân đội CSBV, Phó chủ nhiệm tờ báo Nhân Dân Chủ Nhật đã phải xác nhận ưu thế của quốc sách ấp chiến lược gây cho lực lượng xâm lăng của Cộng Sản nhiều khó khăn và thất bại trước đây, đã thẳng thắn bày tỏ rằng: "Cùng với thời gian và sự tìm hiểu những tư liệu lịch sử, tôi thấy cần phải trả lại lẽ công bằng cho nhân vật lịch sử này... Tôi cho rằng ông Diệm là một nhân vật chính trị đặc sắc, có lòng yêu nước sâu sắc, có tính cương trực thanh liêm, nếp sống đạm bạc giản dị." [17]
Một khi chính sách Ấp chiến lược đã bị nhóm tướng lãnh làm đảo chánh giải thể, an ninh nông thôn bị bỏ ngỏ trăm phần trăm thì việc lực lượng võ trang VC xâm nhập thành phố một cách rất dễ dàng như sẽ thấy qua vụ Tết Mậu Thân thiết tưởng cũng là điều dễ hiểu. Nhóm quân phiệt cầm quyền chỉ cần có chỗ dựa là Hoa Kỳ mà không cần chỗ dựa cốt yếu là nhân dân. Bởi thế cho nên khi Hoa Kỳ bàn giao một nửa đất nước Việt Nam vào tay Cộng Sản, bọn họ chỉ có việc im lặng thi hành và một vài lời phản đối chỉ là cử điệu chiếu lệ, giả dối mà thôi.
1.3. Công tác tình báo
Nhắc lại các hoạt động tình báo thời Đệ nhất Cộng Hòa để thấy rằng qua biến cố Tết Mậu Thân như chúng ta sẽ bàn đến trong phần sau, dư luận đã lên án việc Hoa Kỳ và chính quyền của Đệ Nhị Cộng Hòa đã không coi trọng vấn đề tình báo trước các hoạt động của CS. Chính nhờ công tác tình báo được thực hiện rốt ráo dưới thời Đệ nhất Cộng Hòa đã bảo đảm cho sự vững mạnh của chế độ trong một thời gian dài.
Cơ quan tình báo trung ương cần nói tới dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa là Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội của bác sĩ Trần Kim Tuyến, trực thuộc Phủ Tổng Thống tức là CIA/VN do sự gợi ý của Hoa Kỳ. Tác giả Vĩnh Phúc trong cuốn Những huyền thoại & sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm đã viết nhiều về Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội, cho biết có sự bất đồng giữa người Mỹ và hai ông Nhu-Tuyến về hoạt động của sở này, thí dụ "phía VNCH muốn thả người ra ngoài Bắc để phá hoại, rải truyền đơn tuyên truyền về chính trị... trái lại Mỹ chỉ muốn tung người ra, cho nằm yên, len lỏi vào các hàng ngũ quần chúng, chính quyền và nếu có thể thì cả tổ chức Đảng, để tìm hiểu. Tuyệt đối không được có hành động phá hoại. Chỉ cần nằm cho thật yên, ghi nhận, và nếu được thì tìm cách leo càng cao, lặn càng sâu, càng tốt. Để đến khi nào hữu sự, cần thiết, thì mới ra tay hành động. Nhưng vẫn không phải là các công tác phá hoại. Người Mỹ đã huấn luyện nhân viên Việt Nam cách sử dụng các loại máy truyền tin, cách đưa tin, cách chôn giấu tài liệu, vũ khí, cách sử dụng hóa chất trong ngành tình báo..." [18]
Ông Trần Kim Tuyến điều khiển, là một người tương đối trong sạch, có đạo đức, nhiệt tâm làm việc. Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội do ông điều khiển, có trên 500 nhân viên, mặc dù bị vài người trong bộ máy lãnh đạo chính quyền ghét nhưng cũng đã làm được nhiều việc trong lãnh vực an ninh, tình báo.
Sau ngày chế độ Đệ nhất Cộng Hòa sụp đổ, báo chí nói nhiều về tổ chức "mật vụ Ngô Đình Cẩn" tại Miền Trung nhưng hoàn toàn không biết một chút gì về tổ chức này, nên đã viết với giọng điệu vu khống, xuyên tạc đầy ác ý.
Trong tác phẩm Dòng họ Ngô Đình, ước mơ chưa đạt tác giả Nguyễn Văn Minh cho biết vào nửa năm đầu năm 1957, ông Ngô Đình Cẩn đã đề nghị lên Tổng Thống Diệm xin cho ông thực hiện một chính sách được ông gọi là "Chiêu Mời Và Sử Dụng Những Người Kháng Chiến Cũ", "Để giúp thành phần này dễ dàng thấu hiểu và chấp nhận chính sách, ông cho áp dụng kỹ thuật khai thác và chế độ giam giữ đặc biệt đối với những người bị bắt. Danh từ CHIÊU MỜI sau được đổi là CẢI TẠO theo đề nghị của các cán bộ Cựu Kháng Chiến." [19]
Sau khi đề nghị được chấp thuận, ông Ngô Đình Cẩn giao cho Dương Văn Hiếu thành lập Đoàn Công Tác Đặc Biệt gồm có 10 nhân viên với chủ trương cùng ăn chung, ở chung, chơi chung, ngủ chung với tù nhân Cộng Sản. Đoàn được tổ chức thành 4 ban: nghiên cứu, tuyên huấn, cải tạo, quản trị. Sau đây là ghi nhận của Dư Văn Chất, một cán bộ tình báo của CS trong cuốn Người Chân Chính: "Đây là một ngành an ninh đích thực, nhưng là một "siêu tổ chức" với nhiều đặc thù mà không có bộ máy nào của Ngụy so sánh được. Nó tập trung quyền lực cao độ: cực quyền, với các phương thức hoạt động hết sức tinh vi, hiểm độc và tàn bạo. Trong cái nhà tù không song sắt, Công an Mật vụ cùng với kháng chiến Việt Cộng, ăn chung, ngủ chung, chơi chung và công tác chung. Chuyện khó tin mà có thật, và chỉ có được trong thời điểm lịch sử nhất định. Bắt đầu từ cuộc đấu tranh chính trị đòi hiệp thương tổng tuyển cử cho tới tiếng súng đồng khởi hạ màn kết thúc. Thành tích chống Cộng của Mật vụ Ngô Đình Cẩn - Dương Văn Hiếu thật diệu kỳ. Chúng đánh phá thẳng vào các cơ quan đầu não của các Đảng bộ miền Trung như Liên khu Ủy khu Năm, tỉnh ủy Thừa Thiên, thành ủy Huế rồi Đà Nẵng. Tiến xuống phía Nam, chúng tấn công cơ sở đặc khu Sài Gòn Chợ Lớn, Thủ Biên, Cần Thơ. Nổi bật nhất là mật vụ miền Trung đánh bắt gọn các lưới tình báo chiến lược của ta trải suốt từ Bến Hải tới Sài Gòn trong vòng chỉ có một năm." [20]
Theo tác giả Nguyễn Văn Minh, do phương pháp khai thác độc đáo, chế độ nhà tù đặc biệt chưa từng có, chính sách “Cải Tạo Và Sử Dụng Những Người Kháng Chiến Cũ” đã thâu đạt được kết quả gây ngạc nhiên cho mọi người. Năm 1985, tôi có ở chung trại tù Nam Hà (tỉnh Hà Nam Ninh) với ông Lê Phước Thưởng, một cán bộ phái khiển của VC về đầu thú chính quyền quốc gia thời ông Ngô Đình Cẩn. Trong câu chuyện, ông Lê Phước Thưởng luôn luôn tỏ ra kính phục ông Ngô Đình Cẩn, và đúng như tác giả Nguyễn Văn Minh viết, ông Thưởng sẵn sàng đánh lộn với những ai nói xấu ông Cẩn hoặc Đoàn Công Tác Đặc Biệt. [21]
Một cơ quan khác cũng chuyên lo về vấn đề an ninh, tình báo trong quân đội, đó là Nha An Ninh Quân Đội đặt tại Thủ đô Sài Gòn, và tại mỗi tỉnh đều có một Ty An Ninh Quân Đội phụ trách công tác này tại địa phương. Theo Tú Gàn trong bài báo “Sớm đầu tối đánh”, trong thời gian Đỗ Mậu làm Giám Đốc An Ninh Quân Đội, vì biết khả năng kém cỏi của Đỗ Mậu nên "ông Ngô Đình Nhu đã giao cơ quan này cho bộ ba Tống Đình Bắc (nguyên Trưởng Ty Đặc Cảnh Miền Bắc), Tống Tấn Sĩ và Nguyễn Văn Minh phụ trách mọi công việc, vì Đỗ Mậu chẳng biết gì. Đỗ Mậu chỉ có nhiệm vụ theo dõi và báo cáo. Thỉnh thoảng Đỗ Mậu cũng được giao cho một số công tác đặc biệt, nhưng Đỗ Mậu thường làm hỏng hoặc làm không đến nơi đến chốn." [22]
Nói chung, các hoạt động tình báo dưới thời Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã tỏ ra hữu hiệu, không như tình báo dưới thời của Tướng Nguyễn Văn Thiệu, vì nhân viên về sau kém khả năng, làm việc chiếu lệ, không có tinh thần nghề nghiệp và lòng nhiệt thành như thời gian Đệ nhất Cộng Hòa.
Về tác phong của vị lãnh đạo của người đã khai sáng ra chế độ Cộng Hòa, sử gia John M. Newman trong cuốn Tổng Thống John F. Kennedy và cuộc chiến Việt Nam đã ghi: "Khoảng đầu năm 1957 ông Diệm, bây giờ là quốc trưởng, đã dùng quyền hành của mình để chế ngự các giáo phái bất phục tùng và nghiền nát các chi bộ Việt Minh ở đồng bằng sông Cửu Long; những thành tích này khiến tổng thống Eisenhower ca tụng ông ta là CON NGƯỜI THẦN KỲ của Á Châu." [23]
Minh Hùng, tác giả Đời một tổng thống, in tại Sài Gòn năm 1971, đã có ghi lại lời phát biểu của cụ Phan Bội Châu về việc ông Diệm rũ áo từ quan năm 1933 như sau: "Ông Ngô Đình Diệm, con người có tâm huyết, biết thương giống nòi, biết nhục vong quốc, nên ông dám chống lại cường quyền, lui về ẩn tích, đợi thời tuyết sỉ. Đó mới là đáng bậc CHÍ SĨ, VĨ NHÂN, tất sau này cuộc Phục Hưng chỉ có hạng người ông Diệm mới làm nổi... Ta muốn tặng ông Diệm một bài thơ để tỏ lòng kính trọng bậc thiếu niên hiền triết... Ông Diệm bây giờ mới là ông lớn thật sự.” [24]
Trong cuốn hồi ký Honorable Men/My life in the CIA, William E. Colby đã từng làm trưởng nhiệm CIA tại Sài Gòn từ tháng 6 năm 1960 đến 1962, đứng đầu ngành CIA từ năm 1973 đến 1975, đã viết về Tổng Thống Ngô Đình Diệm và chính sách của ông như sau: “...Sau khi trình bày cho giám đốc McCone nghe, tôi cùng ông tới tòa Bạch Ốc trong chiếc Limousine của ông và tôi đã thú nhận với ông ta rằng cái chết của hai ông (Diệm Nhu) làm cho riêng cá nhân tôi rất đau lòng; tôi đã từng quen biết họ và kính trọng cả hai người; tôi là một trong số rất ít người Mỹ đã có cảm tình đó, đặc biệt là về phần ông Nhu...” [25]
Trong tác phẩm Ngô Đình Diệm lời khen tiếng chê, Minh Võ đã đọc vào chương 5 “Ấp chiến lược tại Việt Nam” ở sách của Colby, cho biết Colby đã nói nhiều về tính cương nghị và cái uy của ông Diệm biểu lộ trong những cuộc khủng hoảng chính trị và gọi ông Diệm là nhà ĐỘC TÀI NHÂN TỪ: “Thực vậy, ông Diệm điều hành công việc như một ông quan cai trị. MỘT NHÀ ĐỘC TÀI CÓ THIỆN TÂM (hay nhân từ, theo soạn giả), dùng quyền lực ép dân phải bắt tay vào công cuộc phát triển (cộng đồng), vì lợi ích của chính họ, bất chấp họ nghĩ gì về điều đó, độc đoán, thiếu dân chủ. Ông ta dùng - nhưng lại than phiền về - hệ thống thư lại do Pháp đào tạo vào công việc đó, vì ông tin rằng nó sẽ có thể được cải tiến dần dần và sẽ được thay thế bằng lớp người sắp tốt nghiệp từ những trường huấn luyện về hành chánh, quản trị của Mỹ.”
Ở một đoạn khác Colby viết: “Rõ ràng đây là giai đoạn đầu của “chiến tranh nhân dân”, (Cộng sản đang) động viên và tổ chức các lực lượng để dùng vào cuộc chiến. Và rõ ràng ở điểm này sự thách thức có tính chính trị và khuynh đảo, chứ không phải là thứ cần đến các bộ tư lệnh sư đoàn hay quân đoàn để đối phó. Mặt khác cuộc thách thức chính trị, tuy vậy, cũng chẳng phải là loại mà giới thượng lưu trí thức có thiện ý nhưng không có thực lực (cơ sở chính trị) ngồi trong khách sạn Caravelle để ra tuyên ngôn, kêu gọi lập “chính phủ lương thiện, công chính”, “một quân đội anh dũng được phấn chấn bởi một tinh thần duy nhất”, và một nền kinh tế “phồn vinh”, miễn là chính phủ thay đổi đường lối. Và như vậy, theo ý tôi, những khuyến cáo có tính mệnh lệnh của tòa Đại Sứ Mỹ ép ông Diệm phải bổ nhiệm những người chống ông vào trong chính phủ, và cổ võ một cuộc điều tra của quốc hội theo kiểu Mỹ xem ra rất không xác đáng. Theo thiển ý của tôi, cuộc đọ sức thực sự lúc ấy là ở thôn xã. Những vấn đề căn bản hơn nằm ở đó.” [26]
Nhận xét của Colby được ghi nhận như sau khi ông tới thăm các vùng thôn quê Việt Nam: “Đường xá được mở lại. Số trường học tăng nhanh ở thôn quê. Chương trình ngũ niên xịt thuốc diệt muỗi được khởi sự để thanh toán bệnh sốt rét rừng. Sức sản xuất lúa gạo bắt đầu tăng... Những tiến bộ về kinh tế, xã hội lúc đó đã xuống đến nông thôn... Đặc biệt kế hoạch “Khu trù mật” năm 1959, là kế hoạch được ông Diệm nâng niu nhất, bắt đầu với nhiều hứa hẹn. Những “đô thị” nông nghiệp được xây dựng trên phần đất truất hữu của địa chủ theo chương trình cải cách điền địa và được chia thành những khu trung tâm dân cư và vùng ruộng lúa...” [27]
Nhưng chỉ một vài ngày sau biến cố 1-11-1963, Dương Văn Minh và nhóm tướng lãnh cầm đầu cuộc đảo chính đã cho lệnh phá bỏ 16.000 Ấp chiến lược, thả lỏng vòng rào kềm chế cho Việt Cộng mặc sức tung hoành ở nông thôn Miền Nam, bỏ tổ chức nghĩa quân, dân vệ, khiến Hoa Kỳ có cơ hội đổ quân ồ ạt vào Việt Nam, và chưa đầy 5 năm sau đã tạo một môi trường hết sức thuận lợi cho VC tiến hành cái gọi là cuộc Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa với những hệ lụy rất trầm trọng. Tướng Tôn Thất Đính còn tuyên bố: "Ấp chiến lược đem lại ấm no nhưng không đem lại hạnh phúc".
Với cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, những nhà lãnh đạo xuất sắc và tâm huyết của Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ đã đạp đổ một mẫu người thần tượng lãnh đạo của Miền Nam Việt Nam, những đối thủ đã từng gây lo sợ cho chính quyền miền Bắc của Hồ Chí Minh, và đặt lên một nhóm tướng lãnh mà chính Tổng Thống Hoa Kỳ Johnson mệnh danh là lũ côn đồ ác ôn đáng nguyền rủa (a goddam bunch of thugs), số phận của Miền Nam như vậy là đã được tính toán từ trước. Và biến cố Mậu Thân xảy ra cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên đối với ai có những chú tâm theo dõi thời cuộc lúc bấy giờ. Khi được tin ông Diệm bị lật đổ và bị giết, Hồ Chí Minh đã nói với ký giả Wilfred G. Burchett: "Tôi không ngờ rằng tụi Mỹ ngu đến thế". Ellen J. Hammer trong cuốn A Death in November cho biết: "Đài phát thanh Hà Nội đã trích dẫn báo Nhân Dân nói rằng do sự lật đổ Ngô Đình Diệm và em ông là Ngô Đình Nhu tụi đế quốc Mỹ đã tự mình hủy diệt những cơ sở chính trị mà họ đã mất biết bao năm để xây dựng." [28]
2. Biến cố Tết Mậu Thân, một bước ngoặt trong chiến tranh Việt Nam
Trong cuộc chiến tranh giữa hai miền nam bắc Việt Nam, tác phong của người lãnh đạo đất nước, vấn đề ý thức hệ, vị trí nông thôn và thành thị, công tác tình báo, vai trò của nhân dân, các lực lượng đồng minh là những yếu tố quan trọng quyết định thành công hay thất bại và có những hệ lụy mang tính lịch sử. Ở miền nam Việt Nam, các yếu tố vừa kể dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa còn để lại nhiều ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực đối với nền Đệ Nhị Cộng Hòa phản ảnh qua biến cố Tết Mậu Thân được gọi dưới danh xưng có tính cách quân sự là cuộc Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa.
2.1. Các mục tiêu chiến lược của Cộng Sản Miền Bắc trong cuộc TCK-TKN.
Trong quá trình điều động cuộc chiến tranh “giải phóng” miền Nam của Cộng Sản Hà Nội, cần chú trọng đến ba thời điểm quyết định chiến tranh năm 1959, gia tăng chiến tranh năm 1963 và cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 của phe chủ chiến tại Miền Bắc.
Trước tiên, cần phải thấy rằng trong nội bộ của giới cầm quyền CSVN đã xuất hiện một sự tranh chấp về quan điểm chính trị giữa phe “ôn hòa” và phe “chủ chiến”. Trong bài viết “Bộ Chính trị chiến tranh: Đường lối chính trị và ngoại giao của Bắc Việt trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968”, vốn dựa theo một chương trong luận án tiến sĩ của tác giả, Liên Hằng T. Nguyễn là Phó giáo sư (Assistant Professor) khoa Sử, Trường Đại học Kentucky, Hoa Kỳ, được dịch giả Vy Huyền chuyển ngữ như sau: “Khi cuộc chiến thứ hai ở Đông Dương vừa bắt đầu, trong nội bộ Đảng nổi lên những phe phái chống đối nhau, có thể tạm chia thành hai phe đối lập, nhưng không đồng nhất, như sau: Phe thứ nhất gồm những người muốn tập trung xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và phe thứ hai gồm những người muốn tiến hành chiến tranh cách mạng ở miền Nam. Ở bộ phận cao nhất trong đảng, sự chia rẽ này vô cùng hỗn tạp, trong đó những đảng viên cấp trung kiên định hơn với lập trường của mình. Mặc dù các “phe phái” lỏng lẻo này nhất trí với mục đích cơ bản là thống nhất đất nước, họ bất đồng trong quan điểm về sự cân bằng thích đáng giữa đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao để đi đến chiến thắng cuối cùng. Phe “ôn hòa” hay còn gọi là phe những người chủ trương xây dựng miền Bắc muốn ưu tiên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, với mục tiêu đánh bại miền Nam bằng kinh tế và ngoại giao; phe “chủ chiến” hay còn gọi là phe ủng hộ chiến tranh ở miền Nam tin tưởng rằng vũ lực là cách duy nhất để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vào những năm 1960, các cuộc tranh cãi không chỉ nằm trong giới hạn ở Việt Nam mà còn lan rộng hơn, liên quan cả đến mối bất hòa trong mối quan hệ Nga-Trung. Phe ôn hòa muốn áp dụng chính sách cùng tồn tại trong hòa bình của Moscow, trong khi đó phe chủ chiến muốn thúc đẩy chủ trương dùng vũ lực của Bắc Kinh. Cuộc tấn công TMC là dấu hiệu chấm dứt những cuộc tranh cãi gay gắt gần một thập niên trong nội bộ ĐLĐVN.” [29]
Điểm quan trọng mà tác giả Liên Hằng T. Nguyễn không quên nhắc tới, đó là: “Đến năm 1963, nhờ vào tình hình biến động ở Sài Gòn và Bắc Kinh, phe chủ chiến có cơ hội đẩy mạnh chiến tranh. Với mối rạn nứt ngày càng lớn trong thế giới cộng sản, phe chủ chiến nhân cơ hội đó tăng cường chiến tranh tại miền Nam đang ngày một nóng bỏng.” [30]
Biến động ở Sài Gòn năm 1963 chính là việc binh biến lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, việc Dương Văn Minh và nhóm tướng lãnh phá bỏ 16.000 ấp chiến lược và cơ chế nghĩa quân, dân vệ tại nông thôn miền Nam, việc một số cán bộ tình báo Cộng Sản bị chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa bắt giam từ trước hoặc xâm nhập trong hàng ngũ Phật Giáo qua biến cố 1963 được trả lại tự do và trở vào bưng hoạt động trở lại.
Phe chủ chiến là những người hưởng được kết quả trong việc chuyển đổi quyền lực xuất phát từ những biến cố lịch sử ở miền Bắc là cuộc Cải cách Ruộng đất (CCRĐ) và Nhân Văn Giai Phẩm (NVGP). Cuối tháng 9 năm 1956, trong phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy Ban Trung Ương ĐLĐVN, do những thất bại trong CCRĐ, Trường Chinh phải từ chức Tổng Bí Thư. Quyền lực chuyển sang Lê Duẩn. Trong Đại Hội lần thứ ba Đảng Lao Động Việt Nam tổ chức vào tháng chín năm 1960, 576 đại biểu đã chọn Lê Duẩn làm Tổng bí thư và là người đứng đầu Bộ chính trị.
Vấn đề đặt ra là tại sao Võ Nguyên Giáp, người mà hào quang Điện Biên Phủ còn chói sáng ở miền Bắc trong lòng bộ đội và nhân dân lại không được cử vào chức vụ đó mà đại hội lại chọn Lê Duẩn? Trong hồi ký Hoa Xuyên Tuyết, Bùi Tín cho rằng “Ưu thế của ông Lê Duẩn là vì ’một tiêu chuẩn tất nhiên hồi ấy, ở tù lâu năm, một bằng cấp cần thiết để được giao quyền cao chức trọng, vì từ đó được coi là được thử thách nhiều hơn, đáng tin cậy hơn.” [31]
Hoàng Tùng, trong bài viết năm 2002 trên Tạp chí Cộng Sản, cũng nói Lê Duẩn là người “hoạt động cách mạng ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam lâu dài nhất, thời gian ở tù lâu nhất” và có “quan hệ rộng với các đồng chí thuộc cả hai thế hệ trong những năm hoạt động bí mật.” [32]
Trong hồi ký Đêm giữa ban ngày, nhà văn Vũ Thư Hiên có viết: "Theo nhận xét của những người cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên thì cả Hồ Chí Minh lẫn Trường Chinh đều lo ngại ông tướng đã có quá nhiều vinh quang sẽ trở nên không dễ bảo sau cuộc đảo lộn ngôi thứ. Mà cả Hồ Chí Minh lẫn Trường Chinh đều muốn giữ lại vị trí trước kia của họ về thực chất, cho dù danh nghĩa không còn. Cần phải chọn một người có vị trí và uy tín kém hơn Võ Nguyên Giáp. Do biết ơn người cất nhắc mình, người đó sẽ vừa ngoan ngoãn vừa trung thành. Lê Duẩn thích hợp hơn cả với vai trò đó." [33 ]
Lê Đức Thọ được trao chức vụ Trưởng Ban Tổ Chức Đảng, là người có nhiệm vụ bảo đảm bộ máy đảng. Bên cạnh đó người ta cũng có thể kể đến Phạm Hùng, tướng Nguyễn Chí Thanh (Tổng Cục Chính Trị), Tố Hữu (Trưởng ban Khoa giáo và Tuyên huấn Trung ương) vốn là người cầm đầu chiến dịch thanh trừng nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, vẫn còn khả năng theo dõi và đưa ra các biện pháp chế tài đối với giới trí thức văn nghệ sĩ.
Trong một đoạn văn khác, tác giả Liên Hằng T. Nguyễn cho biết: “Tháng 1 năm 1959, trước phiên họp toàn thể lần thứ 15, số phận của cuộc kháng chiến miền Nam và tương lai của việc xây dựng miền Bắc đều rất bấp bênh. Theo các học giả, quyết định tiến hành chiến tranh của Hà Nội, ẩn mã trong Nghị quyết 15, là một biện pháp nhằm cứu vãn cuộc kháng chiến ở miền nam.” [34]
Chúng ta nhớ thời điểm lúc bấy giờ là khi ở miền Nam chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm ban hành đạo luật 10/59 đặt Cộng Sản ra ngoài vòng pháp luật, tình hình chống Cộng, tố Cộng lên cao đến cực điểm toàn miền Nam và ngành tuyên truyền của miền Bắc đã phải rêu rao tố giác rằng chính quyền Ngô Đình Diệm đã “lê máy chém” đi khắp nơi. Các khu trù mật, ấp chiến lược đã chứng tỏ khả năng lợi hại của chúng. Du kích Cộng Sản như cá nằm ngoài nước không còn hoạt động được nữa để chờ đợi bị thanh toán hay về đầu thú với chính quyền quốc gia. Nghị quyết 15 được đưa ra nhằm tái tục cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam thông qua Hội nghị Trung ương 15 tổ chức vào tháng giêng năm 1959, nhưng chỉ được chính thức công bố một tuần sau việc chính phủ tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành Luật 10/59 vào tháng Năm [35].
Trong một bài viết gần đây nhận định về Lê Duẩn, giáo sư Pierre Asselin, thuộc Đại học Chaminade, Honolulu, “báo cáo của ông Lê Duẩn và các đồng chí miền Nam ‘nắm bắt cảm giác thất vọng của những người chiến đấu và ủng hộ cuộc cách mạng ở miền Nam. Họ cũng thể hiện sự gấp rút trong lòng những người kháng chiến miền Nam muốn có phản ứng trước sự ủng hộ ngày càng tăng của Mỹ dành cho chính quyền Sài Gòn.” [36]
Một điểm nói lên nhiều hệ lụy nhất giữa sự sụp đổ của chế độ chính trị nền Đệ Nhất Cộng Hòa với quyết tâm sử dụng con đường bạo lực để thống nhất đất nước của Cộng Sản Hà Nội được tác giả Liên Hằng T. Nguyễn trình bày như sau:
“Năm 1963 chứng kiến sự chấm dứt lập trường dao động của Hà Nội giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, thái độ trung lập với mối chia rẽ Nga-Trung, giữa cuộc chiến ở miền Nam và việc xây dựng miền Bắc. Tháng 11 năm đó, sau hai cuộc ám sát anh em họ Ngô và John F. Kennedy, Hà Nội đứng giữa hai chọn lựa: thương thuyết với chính quyền mới ở miền Nam và củng cố những thắng lợi vũ trang của quân nổi dậy ở nông thôn hoặc dốc toàn lực quân sự để giành chiến thắng cấp tốc trước khi Hoa Kỳ có thể can thiệp. Trong phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy Ban Trung Ương bắt đầu ngày 22 tháng 11 năm 1963, Hà Nội chọn phương án gia tăng chiến tranh. Nói cách khác, phe chủ chiến đạt được ủng hộ tuyệt đối năm 1963, điều mà họ từng mong muốn trong năm 1959: huy động cả miền Bắc tập trung vào cuộc chiến, gia tăng số lượng gửi quân và khí giới về hướng Nam của vĩ tuyến 17. Cũng trong phiên họp này đã xuất hiện những ý kiến chiến lược được coi là phôi thai cho cuộc tấn công TMT sau này. Áp dụng một số điểm trong học thuyết quân sự của Mao với những thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, Hà Nội tuyên bố rằng cuộc chiến ở miền Nam đòi hỏi một “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy” mà không nhất thiết phải theo đúng ba bước mà chiến lược của Mao đề ra. Trên thực tế, tại phiên họp thứ 9 này, Hà Nội đã từ bỏ ý định giành chiến thắng ở miền Nam bằng chiến lược kéo dài chiến tranh; thay vào đó họ [quyết định] xây dựng một lực lượng quân sự lớn nhằm mục đích giành thắng lợi nhanh chóng.” [37]
Nhận định của giáo sư Liên Hằng T. Nguyễn liên quan đến lãnh đạo của Miền Nam trong cuộc chiến tranh cân não đối đầu với lãnh đạo Miền Bắc khi mà sự đồng cân đồng lạng đã không còn nữa, thì ước vọng thôn tính Miền Nam của giới lãnh đạo Miền Bắc đã trở thành một quyết tâm và là điều phải thực hiện cho kỳ được.
2.2. Các lý do thực hiện và công cuộc chuẩn bị chiến dịch TCK-TKN
Nỗ lực chuẩn bị trước tiên của phe chủ chiến là thanh lý nội bộ nhắm vào việc loại trừ các nhóm thuộc phe chủ hòa. Một số các nhân vật miền Nam như Bùi Công Trừng, Phó Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia kêu gọi tăng cường hợp tác kinh tế với các nước trong khối XHCN, việc Ung Văn Khiêm, nguyên Bộ Trưởng Ngoại Giao và các thành viên khác phản đối kịch liệt việc đi theo Trung Quốc 35 cho thấy một số bất lợi cho phe chủ chiến. Hoàng Minh Chính bị dán cho nhãn hiệu “chủ nghĩa xét lại” và bị bắt sau đó. Tài liệu của Liên Hằng T.Nguyễn cho biết:
thành phố tang tóc
“Chiến dịch loại trừ những phần tử cánh hữu trong năm 1964 dẫn đến việc cho ra rìa và quản thúc những cán bộ được đào tạo tại Moscow và người bị coi là thân Liên Xô trong nội bộ ĐLĐVN, bao gồm cả những cán bộ cấp cao, du học sinh, trí thức và các nhà báo. Ngay sau phiên họp, những thành viên thẳng thắn dám lên tiếng của phe ôn hòa ở UBTƯ đều bị mất ghế. Những du học sinh ở Liên Xô và các nước Đông Âu được gọi về để tham gia những lớp học “chỉnh huấn” Tố Hữu, lúc này là Trưởng ban Khoa giáo và Tuyên huấn Trung ương, tiếp tục đàn áp giới trí thức bằng việc bắt đầu một chiến dịch mới chống lại những ảnh hưởng của “chủ nghĩa xét lại” trong văn chương Việt Nam. Nói tóm lại, những người có bất kỳ quan hệ nào với các phái đoàn ngoại giao ở Hà Nội hay đồng thuận với việc chung sống hòa bình đều bị phe chủ chiến canh chừng và theo dõi. Ngay cả trong tổ chức quân đội cũng không tránh khỏi những phiền phức liên quan đến chủ nghĩa xét lại. Sau việc tướng Nguyễn Văn Doãn, Tổng biên tập báo QĐND, trốn sang Liên Xô, Tổng cục Chính trị mở cuộc điều tra về tờ báo này. Theo Bùi Tín, lúc đó đang làm việc cho tờ QĐND, “công an chìm đi xe ô tô với cửa bịt bùng” đến tòa soạn nhiều lần và thẩm tra ít nhất năm thành viên của tòa soạn. Những viên chức này không chỉ bị mất việc và mất uy thế, họ còn bị quan sát chặt chẽ bởi bộ máy an ninh của Hà Nội. Cuộc điều tra những thành viên của tòa soạn báo QĐND và việc đàn áp những “người theo chủ nghĩa xét lại” chỉ là bước đầu cho những xung đột nội bộ của Đảng sau này, được tiến hành trên cái nền của cuộc kháng chiến ở miền Nam.” [38]
Trong cuốn sách Công lý đòi hỏi, tác giả Nguyễn Minh Cần cho biết: "Đến tháng 7 năm 1967, bắt đầu đợt bắt bớ quy mô lớn: thiếu tướng Đặng Kim Giang, viện trưởng Hoàng Minh Chính, phó bí thư Trần Minh Việt bị bắt trước tiên. Đến tháng 10 năm đó, tới lượt vụ trưởng Vũ Đình Huỳnh, nhà sử học Nguyễn Kiến Giang và nhiều người khác. Đến tháng 12 năm đó, nhà văn Vũ Thư Hiên, con trai Vũ Đình Huỳnh, bị đón đường "bắt cóc" đưa ngay vào xà lim. Một vài ủy viên Trung ương đảng tuy không bị bắt, nhưng bị giam lỏng tại gia với chế độ kiểm soát nghiêm ngặt, đó là ủy viên Trung ương đảng, phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học kỹ thuật nhà nước, nhà kinh tế Bùi Công Trừng, ủy viên Trung ương đảng, thứ trưởng Bộ văn hóa thiếu tướng Lê Liêm, ủy viên Trung ương đảng, thứ trưởng Bộ quốc phòng, chủ tịch Ủy ban Thống nhất Nguyễn Văn Vịnh, v.v..." [39]
Trong một loạt bài viết về vai trò của Lê Duẩn, đài BBC nhận định về các đồng minh của ông Lê Duẩn như sau: "Sự trợ giúp mà ông Lê Duẩn nhận được từ ông Lê Đức Thọ trong suốt tiến trình thâu tóm quyền lực là vô cùng quan trọng. Tham gia cách mạng từ những năm 1920, ông Lê Đức Thọ trải qua nhiều năm trong tù. Khi được thả năm 1945, ông được gửi vào miền Nam và làm phó cho ông Duẩn trong suốt giai đoạn xung đột giữa Việt Minh và Pháp. Quan hệ giữa hai người này sẽ có một ảnh hưởng sâu sắc trong đảng. Khi ông Lê Duẩn trở thành Tổng Bí thư, ông Lê Đức Thọ được cửa làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, một vị trí mà theo William Duiker, được nhanh chóng "biến thành bộ máy hiệu quả để điều tra và kiểm soát các đảng viên."
Pierre Asselin nói thêm rằng ông Lê Duẩn "không thể củng cố uy quyền một cách hiệu quả như đã làm nếu không có sự ủng hộ của ông Lê Đức Thọ; sự trung thành và trợ giúp của người này tỏ ra cần thiết để thanh lọc ban lãnh đạo ở Hà Nội." Một người đóng vai trò lớn trong cuộc chiến Việt Nam là đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Cho đến giữa thập niên 1960, miền Bắc chỉ có hai đại tướng bốn sao là ông Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh) và ông Nguyễn Chí Thanh (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị)."
Một số chuyên gia nước ngoài như Douglas Pike đã ghi nhận sự cạnh tranh và khác biệt trong tư tưởng quân sự giữa hai vị tướng này. Trong một bài viết năm 1966, tướng Giáp nói cuộc xung đột ở miền Nam là một cuộc chiến kéo dài và rằng chiến lược quân sự có thể mất nhiều năm để đạt thắng lợi. Ông nói ông không tin vào"các trận đánh sử dụng đơn vị chính quy lớn vì điều này có lợi cho chiến lược của kẻ thù." Tướng Thanh ngay lập tức có phản ứng. Trong bài viết đăng ở tạp chí Học Tập, tướng Thanh cho rằng chiến lược tấn công ở miền Nam là con đường đúng dẫn đến thắng lợi và nói thêm rằng lập luận của những người chỉ trích là "không logich". Một trong những lý do đưa ông Lê Duẩn và ông Nguyễn Chí Thanh trở thành đồng minh gần gũi là vì ngay từ đầu, hai người cùng quan điểm rằng con đường dẫn đến thắng lợi ở miền Nam phụ thuộc vào quân sự.
Gần đây hơn, trong bài viết năm 2002 về vai trò của những người gốc miền Nam trong cuộc chiến mang tựa đề "Why the South Won the American War in Vietnam," Robert Brigham ghi nhận tướng Giáp "từ lâu đã chỉ trích tư tưởng quân sự của tướng Thanh, và ông công khai bày tỏ nghi ngờ về hiệu quả của chiến lược tấn công của tướng Thanh... Ông Võ Nguyên Giáp ngày càng trở nên thận trọng và thực tiễn trong cuộc chiến chống Mỹ. Một số người nói điều này rốt cuộc khiến ông đánh mất uy quyền chính trị."
Ông Lê Duẩn hiểu rằng việc giảm uy thế của tướng Giáp có thể tạo ra chỉ trích và chống đối. Vì thế, nói như lời của chuyên gia Pierre Asselin, "bằng cách đề bạt và tạo điều kiện cho sự nghiệp của tướng Nguyễn Chí Thanh, ông Lê Duẩn thành công trong việc tạo nên một thần tượng mới trong quân đội."[ 40]
Sau đây là các lý do quân sự và chính trị có liên quan đến cuộc TCK-TKN, theo sự nghiên cứu của Lê Xuân Khoa, tác giả cuốn Việt Nam 1945-1995, Chiến tranh Tị Nạn Bài học Lịch sử: "Từ 1965 đến cuối 1967, Quân đội Giải phóng miền Nam (QĐGPMN) gồm cả bộ đội chủ lực từ miền Bắc đã không thể đương đầu với hỏa lực và tính di động của quân đội Mỹ và có nguy cơ thất bại nếu kéo dài tình trạng cầm cự bằng chiến tranh tiêu hao. Vì vậy, Bộ Chính trị ở Hà Nội thấy cần phải sớm chấm dứt cuộc chiến bằng một trận đánh quyết định như trận Điện Biên Phủ năm 1954. Theo cựu Đại Tá Bùi Tín, "đến cuối năm 1967, quân đội Sài-gòn và quân Mỹ hoạt động mạnh, mở nhiều chiến dịch tiến công, quân Bắc Việt thường ở thế đối phó, giữ lực lượng, rút ra xa và mất nhiều khu vực đông dân. Vì thế, năm 1968 họ cần một đợt hoạt động mạnh để giành lại thế chủ động, cải tiến thế trận." (Bùi Tín, Mây Mù Thế Kỷ, California, Đa Nguyên, 1998, tr. 101).
Giáo sư Lê Xuân Khoa cũng dẫn sách lịch sử miền Bắc cho biết: "Trung ương Đảng ta, tại Hội nghị Bộ Chính trị (tháng 12-1967) và Hội nghị toàn thể ban Chấp hành lần thứ 14 (tháng 1-1968), thông báo quyết định lịch sử: "Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kì mới - thời kì giành thắng lợi quyết định." Nghị quyết của Đảng còn chỉ rõ: "Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định." [41]
Trong phần chú thích ở cuối trang 293, Giáo sư Lê Xuân Khoa cho biết chiến dịch TCK-TKN thực ra đã được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tổng chỉ huy Trung ương cục miền Nam, đề xuất từ tháng Giêng 1967 để thay thế chiến tranh tiêu hao của Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp. Tháng Tư, Bộ Chính trị chấp thuận đề nghị của tướng Thanh. Khi tướng Thanh chết bất ngờ vào tháng Bảy, tướng Giáp lãnh trách nhiệm tiến hành kế hoạch TCK-TKN.
Ngoài ra, tư liệu của Giáo sư Lê Xuân Khoa còn bổ túc thêm rằng: "Quyết định quân sự này lại được tăng cường bởi hai lợi điểm do tình hình chính trị nội bộ của Hoa Kỳ mà các nhà lãnh đạo Bắc Việt không thể không khai thác: Thứ nhất là phong trào phản chiến đang lan tràn mạnh mẽ ở Hoa Kỳ, nhất là sau khi Mục sư Martin Luther King Jr., người vẫn ủng hộ chương trình "Xã hội Vĩ đại" của Johnson, quyết định lên tiếng vào đầu năm 1967, chống lại việc Hoa Kỳ tham gia cuộc chiến ở Việt Nam. Thứ hai là khuynh hướng muốn chấm dứt chiến tranh đang gia tăng trong Quốc Hội và ngay cả trong nội bộ Đảng Dân Chủ, đúng vào thời điểm vận động tranh cử Tổng thống năm 1968. Khuynh hướng này sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ tới triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Johnson."[ 42]
Về cái chết đột ngột của tướng Nguyễn Chí Thanh, có hai nguồn tin được kể đến. Thứ nhất, trong cuốn Tet ! của Oberdorfer, tác giả dẫn nhiều nguồn tin của giới chức quân sự Hoa Kỳ cho rằng Nguyễn Chí Thanh bị thương nặng tại miền Nam, được chuyển qua Campuchia và đưa về Bắc bằng máy bay, điều trị tại bệnh viện 108 và chết. [43] Nguồn tin thứ hai của Judy Stowe thuộc đài phát thanh BBC cho biết tướng Nguyễn Chí Thanh dự cuộc họp của Bộ Chính trị ở Hà Nội, và ngày 6.7.1967 trong buổi tiệc sau đó, tướng Thanh bị ngộ độc chết (có nguồn tin nói ông bị hãm hại). [44] Tướng Thanh chết lúc 53 tuổi.
2.3. Diễn tiến chiến lược và chiến thuật của hai phe thời gian trước khi khai diễn cuộc TCK-TKN.
Về phía Cộng quân, để đánh lừa Hoa Kỳ, Bộ Chính trị CS cho tổ chức các trận đánh ở biên giới từ giữa đến cuối năm 1967 Khe Sanh, Lộc Ninh, Cồn Tiên và Dak To, nhất là mặt trận Khe Sanh, để dụ quân Mỹ và quân lực VNCH rút bớt quân phòng thủ các đô thị đông dân ra các vùng gần biên giới và khu giới tuyến quân sự.
Ngày 20 tháng Giêng năm 1968, tướng Giáp đem các sư đoàn 325C, 304 vào mặt trận Khe Sanh, tăng quân số BV nơi này lên từ 20,000 đến 30,000 quân. Không lực Hoa Kỳ đã dội bom vào các vị trí đóng quân của CSBV trên 5000 lần với hơn 100,000 tấn bom dội xuống trong khoảng chưa đầy 5 dặm vuông. Khe Sanh là một điểm chiến lược trên đường giao thông giữa Bắc vào Nam, ở cách Quảng trị 30 dặm về phía tây và cách vĩ tuyến 17 khoảng 20 dặm. Cộng sản đánh lừa Hoa Kỳ bằng cách biến Khe Sanh thành một Điện Biên Phủ thứ hai nhưng mục tiêu quân sự của họ là ở các thị xã, thành phố.
Lợi dụng sự giải tán cơ cấu ấp chiến lược, và nhất là lực lượng an ninh của VNCH lơ là trong các ngày nghỉ Tết cũng như sự đồng bào tấp nập lo chuẩn bị mừng Tết, cộng quân đã bí mật chuyển vũ khí vào các thị xã dưới các xe vận tải chở rau quả, các xe chở quan tài đám tang để đánh lừa các trạm kiểm soát quân sự, cảnh sát.
Ngoài ra CS còn lợi dụng một hình thức khác để xâm nhập thành phố đó là tình cảm gia đình giữa người cán bộ tập kết Cộng Sản và gia đình. Trong sách Tet!, Don Oberdorfer nêu ra một trong nhiều trường hợp như thế là của một cán bộ CS tên là Sơn Lâm vốn là dân thành phố Huế tham gia kháng chiến chống Pháp thời Việt Minh năm 1948, bị đuổi ra khỏi ngành tình báo Cộng Sản năm 1952 vì cha mẹ là thành phần áp bức nhân dân, tập kết ra Bắc sau hiệp định Genève và xâm nhập trở lại miền Nam năm 1962 cầm đầu một nhóm 9 người cũng dân gốc Huế làm việc cho đảng CS. Mặc dù người chị của anh này có chồng là một cảnh sát viên của chính quyền quốc gia, anh Lâm này đã sống yên ổn trong nhà bà chị hướng đông thành phố Huế. [45]
Ngoài ra VC cũng lợi dụng Phật Giáo như trường hợp Thượng Tọa Thích Đôn Hậu ở chùa Thiên Mụ Huế để làm bung xung cho các hoạt động chính trị của chúng trong cuộc TCK-TKN.
Một vài tư liệu cho biết Cộng quân đã chuẩn bị cất giấu vũ khí trong khoảng 400 địa điểm rất an toàn khắp nơi ở miền Nam, chỉ chờ dịp là đem ra sử dụng.
Trong cuốn sách The Tet offensive, Intelligence failure in war, tác giả James J. Wirtz cho rằng Tết Mậu Thân là một sự thất bại về tình báo của quân đội Hoa Kỳ, kể cả VNCH, nhưng cáo buộc này có nhiều điểm không đúng sự thật.
Trong sách này, tác giả cho biết VC đã sử dụng rất nhiều điệp viên phụ nữ giả dạng nữ cảnh sát viên để xâm nhập các cơ sở của chính quyền, moi móc các tin tức ở Cần Thơ và phi trường Bình Thủy, chuyên chở rất nhiều lựu đạn vào thủ đô dưới những thùng đựng kẹo và cho rằng không thể nào chận đứng các hình thức này nếu không lục soát xe cộ vào thành phố vì lý do an ninh [46].
Ngoài ra một số cán bộ thuộc thành phần trí vận của CS trước khi xảy ra cuộc TCK-TKN đã được lệnh thoát ly ra bưng như một số giáo sư, sinh viên ở Sài Gòn, Huế, Quy Nhơn, Đà Lạt v.v... để làm hướng đạo cho các toán VC từ nông thôn xâm nhập thành phố.
Trong sách Vietnam at war, The history 1946-1975, tác giả Phillip B. Davidson đã dẫn lời của J-2MACV, một viên chức lão thành của giới tình báo quân sự Hoa Kỳ ràng: "Ngày 30 tháng Giêng là một ngày nóng bỏng đối với người Mỹ và các đồng minh. Tôi đã thuyết trình cho tướng Westmoreland lúc 7 giờ sáng, báo cáo với ông về những cuộc tấn công của kẻ thù ở giữa miền Trung Việt Nam và tiên đoán trước rằng các cuộc tấn công như vậy sẽ xảy ra ở các tỉnh còn lại ngay chính trong đêm nay. Tướng Westmoraland đồng ý một cách mau mắn. Ông cho mời các sĩ quan chỉ huy, thông báo cho họ biết các cuộc tấn công nặng nề sẽ diễn ra ở các thành phố và các tổng hành dinh trong phạm vi trách nhiệm của họ nội trong đêm nay, và đặt quyền chỉ huy hoàn toàn của ông trong sự báo động tối đa. Ông đã đi gặp Tổng thống Thiệu và thuyết phục ông Thiệu ra lệnh cho các viên chức quân sự Việt Nam đang nghỉ Tết trở lại nhiệm sở ngay. Một vài người thi hành lệnh đó, nhưng tuy nhiên đa số thì không."[ 47]
Cũng theo Giáo sư Lê Xuân Khoa: "Tình báo quân sự Mỹ được tin tức về những vụ chuyển quân của cộng sản và dự đoán sẽ có những cuộc tấn công trước hay sau Tết nhưng không lượng định được rằng đây là trận đánh quyết định ở mức độ toàn diện. Ngày 10 tháng Giêng, tướng Frederick C. Weyand, tư lệnh Lực lượng Chiến trường vùng II, được sự chấp thuận của Tổng tư lệnh Westmoreland, bắt đầu chuyển quân chiến đấu về vòng đai Sài-gòn, tăng cường lực lượng bảo vệ thủ đô từ 14 lên 27 tiểu đoàn. Theo đề nghị của tướng Westmoreland, Tổng thống Thiệu và Đại tướng Cao Văn Viên giảm thời gian hưu chiến ngày Tết từ 48 tiếng xuống 36 tiếng đồng hồ và duy trì 50 phần trăm quân đội trong tình trạng báo động." [48]
Tuy nhiên trong sách Victory at any cost, The genius of Vietnam's Gen. Vo Nguyen Giap, tác giả Cecil B. Currey cho rằng cơ quan MACV đã ước tinh sai lầm khi dự đoán rằng cuộc hưu chiến Tết là dịp để Cộng quân chuyển vận các vật dụng hậu cần vào miền Nam hơn là tung ra các cuộc tấn công. [49 ]
Trong một bài viết có in trong tập Án tích Cộng Sản Việt Nam, tác giả Trần Gia Phụng đã dựa vào tư liệu của tác giả Don Oberdorfer khi cho rằng CSBV đã đổi lịch cho miền Bắc ăn Tết trước miền Nam một ngày để dễ bề chuẩn bị cho việc tiến hành cuộc tấn công Tết Mậu Thân; nhưng lập luận này xét ra không vững, bởi vì nếu rõ ràng là như thế thì tại sao đến giờ phút cuối Võ Nguyên Giáp lại ra lệnh hoãn cuộc tấn công lại 24 tiếng đồng đồ ngày hôm sau, để lại những hậu quả tổn thất nặng nề cho phía Cộng quân về sự đổi thay thời điểm này?
2.4. Cuộc Tổng Công Kích và Tổng Khởi Nghĩa, các quan điểm về nhận định thành bại.
Trước hết về kế hoạch dụ địch, nghĩa là tạo cho Hoa Kỳ và quân lực VNCH dồn tất cả lực lượng về phía các mặt trận biên giới và giới tuyến để chúng có thể dễ dàng đưa quân vào chiếm các vị trí thành phố, Bộ Chính trị CSBV đã không thành công bởi vì lực lượng cơ động của Hoa Kỳ đã di chuyển rất linh hoạt và mau chóng với phương tiện vận chuyển rất dồi dào. Tại mặt trận Khe Sanh, Cộng quân đã gánh chịu những tổn thất nặng nề với lực lượng phi pháo của Đồng Minh, và đã thất bại trong cố gắng biến Khe Sanh thành một Điện Biên Phủ thứ hai.
Cuộc TCK-TKN của Cộng quân nhằm hai mục đích rõ ràng là "tấn công" và "nổi dậy" cho nên chúng đã lựa chọn các thành phố và thị xã mà trong đó Sài Gòn và Huế là hai mục tiêu chính tuy vậy chủ đích của họ vẫn không đạt được thành công.
Trong tác phẩm đã trích dẫn ở trên, Giáo sư Lê Xuân Khoa đưa ra nhận định của ông về Tết Mậu Thân tại Sài Gòn như sau:
"Trận công kích Sài-gòn bị thất bại mau chóng vì giới lãnh đạo Bắc Việt quá chủ quan, tin tưởng quân giải phóng sẽ chiếm giữ hay phá hủy được những cơ sở trọng yếu về hành chánh và quân sự của VNCH và Hoa Kỳ, nhất là chiếm được Dinh Độc Lập và tòa Đại sứ Mỹ để gây tiếng vang quốc tế, trong khi dân chúng thủ đô sẽ ồ ạt xuống đường biểu tình ủng hộ cuộc cách mạng giải phóng chống ngụy quyền và đế quốc Mỹ. Tất cả những mục tiêu của cuộc tấn công đều không đạt được, trừ việc đốt phá một phần kho đạn ở Long Bình, cách Sài-gòn khoảng 20 dặm. Quân giải phóng không lọt được vào Dinh Độc lập, toán tấn công tòa Đại sứ quán Mỹ thì bị tiêu diệt khi mới lọt vào sân trước. Trung đoàn 101 chiếm được kho dự trữ Gò Vấp, nhưng các chiến xa ở đây đã được chuyển đi nơi khác. Mười hai cỗ súng đại bác 105 ly để lại thì không sử dụng được vì bộ phận khai hỏa đã bị quân VNCH tháo ra đem đi mất. Những toán quân đã lọt vào thành phố không liên lạc được với nhau và bị tiêu diệt hay phải rút lui vào Chợ Lớn. Một trung đội C-10 chiếm được Đài Phát thanh có chuyên viên đem theo cuộn băng thâu sẵn của Bộ Chỉ huy chiến dịch TCK/TKN nhưng không phát thanh được vì tuyến truyền thanh đã bị chuyên viên kỹ thuật của đài vô hiệu hóa bằng tín hiệu từ xa. Tại Chợ Lớn, quân giải phóng chiếm được trường đua ngựa Phú Thọ làm trung tâm chỉ huy các cuộc chiến đấu với các lực lượng phòng vệ thủ đô, nhưng đến ngày 7 tháng Ba cũng phải bỏ chạy." [50]
Trong Vietnam at war, Phillip B, Davidson cho biết căn cứ vào cung từ của các tù binh chiến tranh [51], cuộc tấn công toàn quốc tiên khởi được ấn định vào tối 29 rạng ngày 30 tháng Giêng, nhưng trước ngày D, Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh hoãn lại 24 giờ đồng hồ nên có một số tỉnh đã tấn công trước như Kontum, Pleiku, Bình Định, Darlac, Khánh Hòa và Quảng Nam vì không nhận được lệnh hoãn, và vì thế Giáp đã đánh mất yếu tố then chốt dành cho cuộc Tổng Công Kích của ông đó là sự bất ngờ. Sài Gòn bị tấn công vào ngày 31/1 tức ngày mồng hai Tết cùng với bảy tỉnh khác là Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Tín, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Vĩnh Long, Phong Dinh chính là lúc các giới chức Hoa Kỳ và VNCH được cảnh báo trước.
đường di chuyển của bão
Việc dân chúng thờ ơ với điều mà Hà Nội tin là sẽ hưởng ứng lời kêu gọi nổi dậy lật đổ chính quyền vốn là lẽ đương nhiên, bởi vì chính nhân dân miền Nam, nhất là tại thủ đô Sài Gòn, làm sao có thể nghe theo lời CS được khi mà đa số chính họ đều là thành phần di cư tị nạn CS từ năm 1954, vốn đã có nhiều kinh nghiệm sắt máu với chế độ vô sản ở miền Bắc? Còn nếu họ là dân Nam thì cũng đã biết được thế nào là CS nhờ báo chí, sách vở và nhất là kinh qua dưới chế độ chống Cộng của nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa với một ý thức hệ "chống Cộng" vốn đã được hấp thụ nhuần nhuyễn dưới thời của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho đến thời gian lúc bấy giờ. Trong con mắt đại đa số dân chúng tại thủ đô Sài gòn, người lính "giải phóng" hay hình ảnh "bộ đội bác Hồ" là một cái gì đó quê mùa, nhớp nhúa nếu không nói là quái đản đối với họ.
Nói chung dân chúng tại thủ đô cũng như các tỉnh chẳng những đã không hưởng ứng lời kêu gọi nổi dậy của Cộng quân mà còn tìm mọi cách để chạy thoát khỏi các khu vực CS chiếm đóng, và nhiều nơi dân chúng đã tìm cách giúp quân đội VNCH và Hoa Kỳ trong công việc chống lại các toán Cộng quân, như tư liệu của một số sử gia Hoa Kỳ ghi lại. [52 ]
Sự kiện TCK-TKN xảy ra tại Huế đã được nhiều tư liệu nói đến nên ở đây chúng tôi xin nêu lên một số điểm khái quát mà thôi.
Trước hết, Huế là một thành phố có nhiều trí thức, sinh viên học sinh và đã xảy ra nhiều biến động tại đây kể từ vụ biến cố Phật Giáo rằm tháng tư âm lịch 1963. Qua năm 1964, Huế cũng là nơi thành lập tổ chức Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc do một số giáo sư và giảng viên Đại Học Huế như Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Lê Tuyên, Cao Huy Thuần, Hoàng Văn Giàu tham gia, bị cán bộ CS xâm nhập lèo lái hướng đến các hoạt động biểu tình chống Mỹ, chống Công Giáo (dưới danh nghĩa chống dư đảng Cần Lao). Năm 1966, Huế cũng là nơi xuất phát vụ bàn thờ Phật xuống đường chống hai tướng Thiệu Kỳ để rồi sau đó một số trí thức, sinh viên thoát ly theo CS như Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Huỳnh Ngọc Ghênh v.v...
Vào dịp Tết Mậu Thân, Cộng sản kéo về thành phố Huế qua các ngả đường từ rừng núi phía Tây với khoảng một trung đoàn gọi à E-6 (gồm 3 tiểu đoành, ngoài ra có thêm 1 tiểu đoành đặc công, 1 đại đội pháo và du kích Hương Trà và Hương Điền. Cánh quân phía nam gồm trung đoàn E-9 thuộc sư đoàn 309, trung đoàn 5 (gồm 4 tiểu đoàn), 1 tiểu đoàn pháo, 4 đại đội đặc công. Sau khi chiếm được một số địa điểm tại Huế, CS cho công bố việc thành lập một tổ chức gọi là Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình Việt Nam do Lê Văn Hảo làm chủ tịch và Hoàng Phủ Ngọc Tường làm tổng thư ký. Sau đó Hảo được đưa lên làm chủ tịch chính quyền cách mạng Huế. Sau này Lê Văn Hảo lên tiếng phủ nhận việc này vì cho rằng trong thời gian đó ông còn nằm ở rừng núi Trường Sơn[*].
Trong thời gian này, các lực lượng an ninh CS lo lùng bắt và giết tất cả các nhân viên chính quyền VNCH, các người cộng tác với cơ quan CIA, những người bị tình nghi như một số linh mục, tu sĩ VN cũng như ngoại quốc, các giáo sư đại học dạy Y khoa tại Huế. VC chiếm được một số địa điểm tại Huế nhưng thất bại trong việc kêu gọi dân chúng nổi dậy vì đa số dân chúng đã có ý thức chống Cộng. Huế được coi là thủ đô của Phật giáo nhưng người Phật giáo là người hữu thần cho nên làm thế nào để có thể cộng tác với những hạng người vô thần như CS được? Bởi vậy, dân chúng đã tìm cách chạy về phía chính quyền quốc gia như phía khu vực đồn Mang Cá, phía đài phát thanh và khu vực MACV (hữu ngạn sông Hương), khu vực phi trường Phú Bài, trường Kiểu Mẫu v.v... Các linh mục Bửu Đồng, Lê Văn Hộ ở Huế và Quảng Trị bị giết, một số các đảng viên Đại Việt Cách Mạng Đảng bị bắt và bị xử từ như ông Từ Tôn Kháng, Trần Mậu Tí, Võ Công Lộ, rất nhiều đảng viên VNQDĐ bị bắt và bị CS xử tử, nghị sĩ Trần Điền, nhà ái quốc Võ Thành Minh (người thổi sáo bên hồ Léman, Thụy Sĩ nhân Hiệp định Genève chia đôi đất nước năm 1954), sinh viên Lê Hữu Bôi v.v... Tôi có một người bạn học cùng lớp trong chủng viện là anh Nguyễn Văn Thứ (đại chủng sinh) bị bắt cùng với hai trăm thanh niên Công Giáo tại giáo xứ Phủ Cam. Một thầy dạy học của tôi là Sư huynh Martin (Mai-Thịnh) thuộc Dòng Thánh Tâm Huế cũng bị bắt giết trong dịp này. Tất cả đều bị VC giết. Lực lượng quân đội VNCH và Hoa Kỳ đã phải chật vật lắm mới đẩy được Cộng quân ra khỏi thành phố Huế bằng các trận đánh trong thành phố, chiếm lĩnh từng căn nhà, khu vườn, với sự tiếp tay của dân chúng cố đô. Ngày 25.2.1968, Cộng quân rút lui khỏi Huế trong sự thảm bại hoàn toàn.
Tổng kết về thiệt hại nhân sự cho thấy tại Huế khoảng 5,000 quân "giải phóng" bị giết, 89 tên bị bắt, số bị thương không rõ. Phía VNCH có khoảng 384 chết và 1,830 bị thương, phía Mỹ có 216 chết và 1,354 bị thương. Theo sử gia Douglas Pike, con số nạn nhân tại Huế bị giết trong vụ Tết Mậu Thân có thể lên tới 5,700 người. [53]
Chính CS cũng đã phải thú nhận sự thất bại này trong các tài liệu giáo khoa Sử chính thức của họ: "Cuộc tập kích chiến lược Tết Mậu Thân - mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy - là đòn bất ngờ làm cho địch choáng váng. Nhưng do lực lượng địch còn đông (hơn nửa triệu quân Mỹ, gần 1 triệu quân ngụy), cơ sở của chúng ở thành thị mạnh nên chúng đã nhanh chóng tổ chức lại lực lượng và phản công quân ta ở cả thành thị lẫn nông thôn. Vì vậy trong đợt 2 và đợt 3 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, lực lượng ta gặp không ít khó khăn và tổn thất. Quân cách mạng vào chiếm giữ trong đợt 1 bị đẩy khỏi thành phố. Những người dân có cảm tình với cách mạng, ủng hộ quân giải phóng trước đó bị bắt. Nhiều vùng nông thôn giải phóng của ta trước đây bị địch chiếm. Mục tiêu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy không đạt được đầy đủ. Lực lượng của ta bị tổn thất nhiều... 111,306 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và chính trị ở miền Nam đã hi sinh và bị thương." [54]
Con số 111,306 Cộng quân bị chết trong ba đợt tổng tấn công của CS được thừa nhận trong các tư liệu chính thức của Miền Bắc xét ra cũng phù hợp với tư liệu của MACV là trong đợt đầu quân giải phóng miền Nam chết 42,000 người, đợt hai 40,000 người và đợt ba 26,000 người, tổng cộng là 108,000 người [55].
Tướng Trần Văn Trà, người chỉ huy mặt trận Sài gòn đã phải thú nhận: " Các mục tiêu quân sự trong dịp Tết vượt qua sức mạnh của chúng ta. Tất cả đều nằm trong ước muốn chủ quan của những người vạch ra kế hoạch. Vì vậy sự thổn thất của chúng ta đã rất lớn lao về vũ khí cũng như nhân sự. Và chúng ta không thể lấy lại được những gì chúng ta đã tạo ra. Vì vậy, chúng ta đã phải vượt qua biết bao nhiêu khó khăn trở ngại trong các năm 1969, 1970."[ 56]
Theo nữ bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, một thành viên lãnh đạo của MTDTGPMN/VN, "Hà Nội đã có tội khi đưa ra những tính toán sai lầm làm tiêu phí hết sức mạnh của miền Nam." [57]
Trong tác phẩm The genius of Vietnam's Gen. Vo Nguyen Giáp, sử gia Cecil B. Currey cho rằng: "Thất bại lớn nhất của cuộc tổng tấn công Tết không phải là của Giáp mà rõ hơn là của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Giáp đã chống đối dự án ngay từ khởi đầu nhưng các luận cứ của Thanh và Lê Duẩn đã thuyết phục được Hồ Chí Minh rằng cuộc tiến công phải được thực hiện. Sự việc cho biết Cộng quân đã phải chịu nhiều tổn thất lớn lao. Dân chúng miền Bắc đã quá mệt mõi vì các trận mưa bom của Mỹ. Hoa Kỳ có thể sẽ phải quyết định xâm lược miền Bắc. Một trận đánh mang đầy kịch tính ở miền Nam bộc lộ khả năng yếu kém của chính quyền ở đây và bó buộc Hoa Kỳ phải rút lui. Giáp đã phải miễn cưỡng tuân theo mọi quyết định. Kết quả đó đã không làm cho ông ta ngạc nhiên khi lực lượng quân sự Hoa Kỳ đã chứng tỏ rất đỗi thích hợp và có khả năng ứng biến hơn là Thanh và Lê Duẩn tiên đoán." [58]
Tướng Trần Độ, một nhà lãnh đạo quân sự chỉ huy mặt trận Sài Gòn bên cạnh Trần Văn Trà đã nhận định: "Thành thật mà nói, chúng ta đã không hoàn thành được mục tiêu chính của chúng ta. Việc gây một ảnh hưởng lớn đối với Hoa Kỳ thật ra không phải là ý định của chúng ta nhưng điều đó lại trở nên một kết quả may mắn." [59]
Đối với các giới chức hành chánh và quân sự Hoa Kỳ lúc đó như Tổng Thống Johnson, Cố vấn An ninh Quốc gia Walt Whitman Rostow, Thống Tướng Westmoreland chẳng hạn, các vị này đều cho rằng qua biến cố Tết Mậu Thân, Cộng Sản đã thất bại trong việc đạt tới sự bất ngờ mang tính chiến lược trong dịp Tết (strategic surprise) bởi vì một cuộc tấn công lớn của CS đã được dự đoán là có khả năng xảy ra vào dịp nghỉ Tết nên Hoa Kỳ và quân lực VNCH đã dự phòng phần nào. Tuy nhiên họ cũng cho rằng cuộc tấn công của tướng Giáp cũng đã đạt được sự bất ngờ chiến thuật (tactical surprise). Đối với Tướng Westmoreland, thắng lợi của quân đội Hoa Kỳ và quân lực VNCH trong cuộc TCK-TKN là một sự kiện hiển nhiên trước sự thú nhận của Bắc Việt và các nhà lãnh đạo "quân giải phóng", tuy nhiên có một vài giới chức vẫn lớn tiếng phủ nhận đó là một số người trong truyền thông Hoa Kỳ.
Nói chung, vài kẻ trong giới truyền thông Hoa Kỳ vốn có thái độ kỳ thị cố hữu đối với Miền Nam kể từ thời Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm (1954-1963) cho đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa.
Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ký giả trẻ tuổi Halberstam đã cùng với Averell Harriman, Henri Cabot Lodge, Roger Hillsman và Michael Forrestal làm thành nhóm gọi là Diem Must Go mà mục đích là lật đổ cho được chế độ của TT Ngô Đình Diệm. Ký giả Halberstam từng gửi cho nhật báo The New York Times một bài viết ngày 30 tháng Tám, 1963 từ Sài Gòn trong đó có điện văn mật của Tòa đại sứ Hoa Kỳ (ngày 24.8.63) tại Sài Gòn, có câu: "Nhiều nguồn tin cao cấp của giới ngoại giao nói rằng Hoa Kỳ phải quyết định về một chính quyền không có vợ chồng Ngô Đình Nhu thì mới hy vọng chiến thắng trong cuộc chiến chống Cộng và rằng ông bà Nhu thì lại không thể nào tách ra khỏi chính quyền hiện tại..." [60]
Halberstam cũng đã từng thúc giục Hoa Thịnh Đốn thay đổi trưởng nhiệm CIA ở Sài gòn là Richardson vốn là người có thiệm cảm với TT Diệm. Trong vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, chính Halberstam cũng góp tay vào việc dàn dựng và đưa tin khắp thế giới về biến cố này. Ngày 5 tháng mười, 1963 chính quyền của TT Kennedy giữ lại số tiền 250.000 Mỹ kim tài trợ cho Lực lượng Đặc Biệt của Đại Tá Lê Quang Tung mà ngày 22.10 khi đăng tải tin tức trên tờ The New York Times, Halberstam chế thêm dầu vào lửa khi nói rằng lực lượng quân đội của ông Nhu được thấy như là sử dụng cho các mục tiêu quân sự mang tính cách chính trị.
Một ký giả khác Rufus Phillips tin rằng cố gắng của Hoa Kỳ sẽ trở thành vô vọng khi ông Ngô Đình Nhu còn ở trong chính quyền và y luôn luôn chủ trương phải cắt đứt mọi viện trợ cho Lực Lượng Đặc Biệt của Đại Tá Lê Quang Tung. [61]
Chính các loại ký giả cỡ như David Halberstam, Rufus Phillips, Neil Sheehan chuyên sử dụng các nguồn tin của cán bộ Cộng Sản, đã đầu độc dư luận nhân dân Hoa Kỳ và góp tay vào việc lật đổ chế độ của TT Ngô Đình Diệm qua vụ Phật Giáo.
Trong biến cố Tết Mậu Thân, báo giới Hoa Kỳ chia làm hai phe, một bên cho rằng Hoa Kỳ đang thắng lợi trong khi phe kia, như Walter Cronkite lại nhất định chủ trương rằng Hoa Kỳ đã rõ ràng thất bại trong cuộc TCK-TKN. Edward J. Epstein trong TV Guide của chương trình NBC đã gợi ý rằng: "... các tiết mục gồm ba phần cho thấy Tết quả thật là một chiến thắng có tính cách quyết định của Hoa Kỳ và rằng cơ quan truyền thông đã cường độ một cách quá đáng về quan điểm cho rằng đó là một thất bại của miền Nam. Sau khi cân nhắc lại ý kiến đó đã bị loại bỏ bởi vì... Tết đã hoàn toàn được hình thành trong đầu óc công chúng rằng đó là một thất bại và như thế cũng là sự thất bại của Hoa Kỳ." [62]
Nhà văn Peter Braestrup trong một cuốn sách của ông cho rằng các ký giả và những người làm tin đã báo cáo sai về cuộc tấn công Tết vì rằng họ là những người nạn nhân vô tội của một hệ thống những trường hợp thông tin bất bình thường.
Robert Elegant vốn là một phóng viên phục vụ tại Việt Nam trong nhiều năm đã nghiêm khắc trách cứ các đồng nghiệp của mình trong việc đưa sai tin tức, không chỉ trong vụ tấn công Tết mà còn toàn bộ cuộc chiến tranh. Elegant tin rằng các ký giả Hoa Kỳ ở Việt Nam đã đi trật đường vì họ bị cưỡng bách cô lập khỏi cuộc sống ở Việt Nam vì lẽ họ bị cách biệt khỏi người Việt Nam do các hàng rào ngôn ngữ, văn hóa và tách biệt khỏi giới quân sự Hoa Kỳ vì các thái độ luân lý và các thành kiến chính trị. Ký giả Elegant cũng cho rằng hầu hết các phóng viên tường thuật cuộc chiến một cách tiêu cực bởi vì các ông chủ báo muốn như thế. Hơn nữa, ký giả nào từ chối chấp nhận kiểu loan tin như vậy, trái ngược với cách làm của giới ký giả đồng nghiệp của mình, sẽ bị loại ra khỏi nghề nghiệp và bị cô lập trong đời sống cá nhân của mình. [63]
Trong một số tư liệu của ngoại quốc viết về Tết Mậu Thân, hầu hết các tác giả này đều cho rằng dư luận dân chúng Hoa Kỳ bị choáng váng vì tính cách bất ngờ của biến cố, bởi vì thời gian trước đó, tin tức chiến sự từ VN chuyển về đều nói rằng HK đang trên đà chiến thắng. Nay thì dân chúng HK đang hụt hẫng vì sự thật khác biệt đang xảy ra nguyên do có lẽ vì Tổng Thống Johnson đã không muốn phá vỡ niềm tin rằng HK đang chiến thắng. Lẽ ra trong các thông điệp như State of Union chẳng hạn, TT Johnson phải trình bày rõ cho dân chúng Hoa Kỳ biết các diễn tiến của cuộc chiến tại VN để họ cảm thông và có những đồng thuận với ông trong các quyết định của hành pháp. Chính sau này, Johnson cũng xác nhận đó là những sai lầm của ông. Do biến cố Tết Mậu Thân, TT Johnson thông báo quyết định không ra tái tranh cử Tổng thống năm 1968, và mặc dù CSBV trước khi tiến hành cuộc TCK-TKN cũng đã không hề nghĩ tới dư luận của dân chúng HK, nhưng nói như Trần Độ, họ cũng được hưởng một chút kết quả do may mắn hơn là có tính toán trước. Dư luận cũng nói nhiều đến việc CSBV muốn dùng biến cố Tết Mậu Thân để tiêu diệt bớt lực lượng của MTDTGPMN để thay vào đó là quân chủ lực Bắc Việt và các thành phần lãnh đạo do Hà Nội gửi vào. Một số sách vở như tài liệu bút ký, hồi ký, phát biểu của các nhân vật lãnh đạo quân "giải phóng" miền Nam cũng bộc lộ sự kết án này trong những lời lẽ chua chát, hậm hực pha lẫn đắng cay. Sự thật lịch sử sẽ xác quyết vấn nạn này.
Riêng về giới lãnh đạo của hai nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa, chắc chắn mọi người đều có thể so sánh, đối chiếu một cách dễ dàng. Một bên là Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm tận tụy làm việc cho đất nước đến hy sinh mạng sống mình vì bảo vệ chủ quyền dân tộc, như lời ông đã nói với ký giả Maguerite Higgins của tờ báo New York Herald Tribune đầu tháng 8 năm 1963: "Tôi dường như không thể thuyết phục cho Tòa Đại Sứ biết rằng đây là Việt Nam chứ không phải là Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ."[64] , còn một bên Tướng Nguyễn Văn Thiệu ỷ lại vào Hoa Kỳ trong một thời điểm nóng bỏng như những ngày trước tết Mậu Thân vẫn còn nhởn nhơ về quê vợ là Mỹ Tho để ăn Tết mặc dù ngành tình báo Hoa Kỳ đã cảnh giác trước. Với một típ người lãnh đạo như Tướng Thiệu, làm sao chúng ta không mất nước được ?
Nguyễn Đức Cung
New Jersey 5.10.2007
1.- Liên Hằng T. Nguyễn, “Bộ Chính trị chiến tranh: Đường lối chính trị và ngoại giao của Bắc Việt trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968”. (The War Politburo: North Vietnam's Diplomatic and Political Road to the Têt Offensive), Journal of Vietnamese Studies Feb 2006, Vol. 1, No. 1-2: 4–58. Vy Huyền dịch, Talawas ngày 22.2.2007.
2.- Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945-1995, Chiến tranh, Tị nạn, Bài học Lịch sử, Tập I, Tiên Rồng 2004, trang 271, Phần Ba: “Nội chiến hay Chiến tranh Ủy nhiệm?” Ý kiến của Lê Xuân Khoa đã gây một số tranh luận trên báo chí Việt Nam ở hải ngoại.
3.- Nguyễn Văn Minh, Dòng họ Ngô Đình, Ước mơ chưa đạt, Hoàng Nguyên xuất bản, tái bản lần thứ nhất tháng 11-2003, tr. 419.
4.- Nguyễn Văn Minh, Sđd, tr. 421.
5.- LM Bửu Dưỡng, “Trước những trào-lưu mới: Phong-trào Nhân-Vị”, Tạp chí Đại Học số 11, Tháng 9 năm 1959, tr. 48.
6.- Robert Scigliano, South Vietnam, Nation Under Stress, (editor: Dayton D. McKean), University of Colorado, Houghton Mifflin Company, Boston, tr. 76.
7.- Trong những năm ra hải ngoại sau ngày 30-4-1975, linh mục Nguyễn Phương (nguyên giáo sư sử học Viện Đại Học Huế trước 1975) cộng tác với nhiều báo Việt ngữ, dưới bút hiệu Trúc Long. Bài này được đăng trên tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong ở Virginia, khoảng tháng 8-1982.
8.- Nguyễn Văn Minh, Sđd, tr. 423.
9.- Đại Nam Thực Lục Chính Biên, quyển XXVII, tr. 45. Kế hoạch này đã được Tiễu Phủ Sứ Nguyễn Tấn và hậu duệ của ông áp dụng trong việc xây dựng cơ cấu Sơn phòng Quảng Ngãi và Bình Định, đem lại an ninh và thịnh vượng cho vùng cao các tỉnh này. Xem thêm Nguyễn Đức Cung, Lịch sử vùng cao qua Vũ Man Tạp Lục Thư và Diên-Lộc Quận-Công Nguyễn Thân, do nhà xuất bản Nhật-Lệ in và phát hành năm 1998 và 2002.
10.- Lâm Thanh Liêm, Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1994), Nxb. Nam Á, Paris, 1995, tr. 55.
11.- Robert Scigliano, Sđd, tr. 180.
12.- Nguyễn Văn Châu, Ngo Dinh Diem, en 1963: Une autre paix manquée, bản tiếng Việt Ngô Đình Diệm và Nỗ lực hòa bình dang dở, Nguyễn Vy Khanh dịch, Nxb. Xuân Thu, California, 1989, tr. 149.
13.- Suzanne Labin, bản tiếng Pháp Vietnam, Révélation d'un témoin, bản tiếng Anh Vietnam, An Eye-Witness Account, Crestwood Book, Virginia, 1964, tr. 55.
14.- Suzanne Labin, Sđd, tr. 57.
15.- Suzanne Labin, Sđd, tr. 54.
16.- Nguyễn Văn Châu, Sđd, tr. 155.
17.- Bùi Tín, “40 Năm ngày đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm: cái nhìn từ Hà Nội”, tạp chí Thông Luận số 174, tháng 10-2003.
18.- Vĩnh Phúc, Những huyền thoại & sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm, Nxb. Văn Nghệ, California, 1998, tr. 93.
19.- Nguyễn Văn Minh, Sđd, tr. 88.
20.- Dư Văn Chất, Người chân chính, Nxb. Hà Nội, 1993, tr. 11; Nguyễn Văn Minh, Sđd, tr. 104-126.
21.- Ông Lê Phước Thưởng là một cán bộ phái khiển của CS, về hàng ông Ngô Đình Cẩn năm 1957, hợp tác với chính quyền phá vỡ nhiều cụm tình báo của CS tại Miền Nam. Sau ngày 30-4-1975, ông Thưởng bị bắt và đưa ra trại Hà Tây, rồi trại Nam Hà ở tù chung với tôi (NĐC), Tháng 2-1988 ông Thưởng được thả và về sống tại Đà Nẵng. Sau đó vài năm ông mất vì ung thư cổ họng. Tính ông khẳng khái nên trong tù rất được nhiều người thương mến.
22.- Tú Gàn, “Sớm đầu tối đánh”, tuần báo Sài Gòn Nhỏ, ngày 17.11.2000.
23.- John M. Newman, JFK and Vietnam, New York, Deception, intrigue, and the struggle for power, Warner Books, 1992, tr. 26.
24.- Minh Võ, Ngô Đình Diệm, lời khen tiếng chê, Nxb. Thông Vũ (tái bản lần thứ nhất, California, tháng 10, năm 1998), tr. 42.
25.- Minh Võ, Sđd, tr. 45.
26.- Minh Võ, Sđd, tr. 46.
27.- Minh Võ, Sđd, tr. 47.
28.- Ellen J. Hammer, A death in November, America in Vietnam 1963, Oxford University Press, New York, Oxford, 1987, tr. 310.
29.- Liên Hằng T. Nguyễn, Bài đã dẫn.
30.- Liên Hằng T. Nguyễn, Bài đã dẫn.
31.- Bùi Tín, Hoa xuyên tuyết, hồi ký, Nxb. Nhân Quyền, 1991, tr. 140.
32.- BBC bản tin Việt ngữ, ngày 04 tháng 5 năm 2006.
33.- Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, hồi ký, Nxb. Văn Nghệ, tái bản lần thứ nhất, 1997, tr. 328.
34.- Liên Hằng T.Nguyễn, Bài đã dẫn.
35.- Liên Hằng T. Nguyễn, Bài đã dẫn.
36.- BBC bản tin Việt ngữ ngày 04 tháng 5 năm 2006.
37.- Liên Hằng T. Nguyễn, Bài đã dẫn.
38.- Liên Hằng T. Nguyễn, Bài đã dẫn.
39.- Nguyễn Minh Cần, Công lý đòi hỏi, Nxb. Văn Nghệ, California, 1997, tr. 103.
40.- BBC bản tin Việt ngữ ngày 19 tháng 5 năm 2006.
41.- Lê Xuân Khoa, Sđd, tr. 293.
42.- Lê Xuân Khoa, Sđd, tr. 294.
43.- Don Oberdorfer, Tet, The turning point in the Vietnam war, A Da Capo Paperback, 1971, tr. 42.
44.- Judy Stowe, "Lịch sử chủ nghĩa xét lại tại Việt Nam" Đỗ Văn dịch, Phụ Nữ Diễn Đàn số 136, 1995, dẫn theo Trần Gia Phụng, Án tích Cộng sản Việt Nam, Nxb. Non Nước, Toronto, Canada, 2001, tr. 287.
45.- Don Oberdorfer, Sđd, tr. 205.
46.- James J. Wirtz, The Tet offensive, Intelligence failure in war, Cornell University Press, 1991, tr. 149.
47.- Phillip B. Davidson, Vietnam at war, The history 1946-1975, Oxford University Press, New York, Oxford, 1988, tr. 474.
48.- Lê Xuân Khoa, Sđd, tr. 295.
49.- Cecil B. Currey, Victory at any cost, The genius of Vietnam's Gen. Vo Nguyen Giap, 1997, tr. 267.
50.- Lê Xuân Khoa, Sđd, tr. 295.
51.- Phillip B. Davidson, Sđd, tr. 474.
52.- Phillip B. Davidson, Sđd. tr. 475.
53.- Lewis Sorley, A better war, The unexamined victories and final tragedy of America's last years in Vietnam, Harcourt Brace & Company, New York, San Diego, London, 1999, tr. 97.
54.- Lê Xuân Khoa, Sđd, tr. 297.
55.- Lê Xuân Khoa, Sđd, tr. 296.
56.- Peter Macdonald, Giap, The victor in Vietnam, W.W. Norton &Company, New York, London, 1993, tr. 268.
57.- Peter Macdonald, Sđd, tr. 268.
58.- Cecil B. Currey, Sđd, tr. 268.
59.- Peter Macdonald, Sđd, tr. 260.
60.- Francis X. Winters, The year of the hare, The university of Georgia Press, Athens & London, 1997, tr. 72.
61.- Francis X. Winters, Sđd, tr. 81.
62.- Phillip B. Davidson, Sđd, tr. 486.
63.- Các trường hợp trích dẫn về Peter Braestrup và Robert Elegant đều theo Phillip B. Davidson, Sđd, tr. 487.
64.- Mark Moyar, Triumph forsaken, The Vietnam War 1954-1965, Cambridge University Press, 2006, tr. 229.
[*] Tham khảo: bài trả lời phỏng vấn của Ts. Lê Văn Hảo dành cho đài Á Châu Tự Do (RFA). Thông Luận, muc “Một vòng thời sự”, ngày 21/12/2006. (BBT)
Từ Ấp Chiến Lược đến biến cố Tết Mậu Thân,
những hệ luỵ lịch sử trong chiến tranh Việt Nam
Nguyễn Đức Cung
những hệ luỵ lịch sử trong chiến tranh Việt Nam
Nguyễn Đức Cung
Trong chiến tranh Việt Nam, biến cố Tết Mậu Thân (1968) mà sách vở của chế độ cộng sản Hà Nội gọi tên là cuộc Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa (TCK-TKN) đã được các sử gia ngoại quốc xem là một bước ngoặt lớn trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. Hầu hết các quan điểm khác biệt của các phe lâm chiến như chính phủ Hoa Kỳ, chế độ Bắc Việt, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, giới truyền thông Hoa Kỳ và một số các quốc gia khác, giới nghiên cứu sử học Hoa Kỳ, một số các nhân vật có dính líu ít nhiều vào biến cố đó, ở phe này hay phe khác đã được bày tỏ qua sách vở, tư liệu với nhiều mục đích khác nhau như tuyên truyền, biện minh, lên án, kết tội, bào chữa, tái xác nhận v.v... Biến cố Mậu Thân cũng đã để lại nhiều ấn tượng, kỷ niệm tang thương, đau lòng trong rất nhiều đồng bào Việt Nam tại Huế - Thừa Thiên nói riêng và đồng bào Miền Nam nói chung với cái chết của biết bao người thân trong gia đình, bạn hữu và các nhân vật hành chánh, chánh trị, các tu sĩ tôn giáo ngoại quốc cũng như trong nước, kể cả các giáo sư đại học người nước ngoài đến phục vụ tại Viện Đại Học Huế. Tuy nhiên, đằng sau biến cố này là một số hệ lụy mang tính lịch sử vẫn chưa thấy giới nghiên cứu sử học đề cập tới mặc dù chúng vẫn hiện diện và nổi cộm lên thông qua biến cố này.
Bốn mươi năm qua, thời gian cũng đủ để cho một thành phố, như Huế chẳng hạn, được hồi sinh nhưng đây cũng là dịp nhìn lại biến cố đó để tìm hiểu những bài học lịch sử mà cho đến nay vẫn còn chứa nhiều bí ẩn chưa biết được, đúng như nhận định của nhà nghiên cứu sử học Hồ Khang: "Tết Mậu Thân vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Từ một mức độ nào đó, có người sẽ nghĩ là họ đã có cái nhìn toàn diện về Tết Mậu Thân, nhưng ở một góc độ khác, nhiều người sẽ vẫn không thể hiểu và giải thích được sự kiện này." [1]
Tuy nhiên việc tìm hiểu biến cố tết Mậu Thân sẽ không được rõ ràng nếu chúng ta không lược qua giai đoạn lịch sử trước đó, kể từ thời Đệ nhất Cộng hòa, bởi vì di sản chính trị của giai đoạn đó nếu chỉ còn là những đổ nát, vỡ vụn thì ít nhất nó cũng cho chúng ta biết phần nào mức độ thất bại của chúng ta và đồng minh qua sự kiện lịch sử quan trọng này tức là biến cố Tết Mậu Thân (1968).
1. Di sản tinh thần đổ nát của một chế độ chính trị
Cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam, một cuộc chiến mà ngay đến cái tên gọi của nó vẫn còn là một vấn đề tranh cãi [2], sau Nghị quyết 15 năm 1959 của CSBV và đạo luật 10/59 của chế độ VNCH đã được đánh dấu bởi những biến cố lịch sử quan trọng cần phải được nhìn đến trước khi đi sâu vào nghiên cứu lại sự kiện Tết Mậu Thân.
Sau hiệp định Genève chia đôi đất nước, ngày 20 tháng 7 năm 1954, chính phủ của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã phải lo định cư cho gần một triệu người dân miền Bắc và miền Trung (bên kia vĩ tuyến 17) có cuộc sống an cư lạc nghiệp tại miền Nam, rồi lấy lại chủ quyền từ tay người Pháp, ổn định tình hình chính trị, xây dựng nền Cộng Hòa trên vùng đất đầy dấu tích của chế độ thuộc địa và thực dân, nhất là tiến hành quốc sách chống Cộng nhằm tiêu diệt hết hạ tầng cơ sở của Cộng Sản cố gài lại tại Miền Nam sau khi Việt Minh đã rút hết khoảng 80.000 cán binh CS ra miền Bắc theo các điều khoản quy định của bản hiệp định này. Những thành quả mà chính phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm thu hoạch được trong chín năm cầm quyền (1954-1963) cần phải được nghiên cứu lại trong tinh thần đánh giá công bình, đúng đắn dưới ánh sáng của lịch sử.
1.1. Vấn đề ý thức hệ chính trị.
Trong cuộc chiến giữa hai miền nam và bắc Việt Nam, điểm quan trọng trong sự tranh chấp Quốc-Cộng đó là vai trò của một hệ thống tư tưởng mà chế độ Đệ nhất Cộng hòa đã sử dụng làm lợi khí đấu tranh để xây dựng các cơ chế dân chủ và xã hội. Chủ thuyết của miền nam lúc bấy giờ là chủ thuyết Nhân Vị vốn được coi là nền tảng tư tưởng hoạt động của Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng do ông Ngô Đình Nhu thành lập tại Sài gòn năm 1950.
Về phương diện tư tưởng, ông Ngô Đình Nhu đã có ý thức về sự cần thiết của một chủ nghĩa trong công cuộc xây dựng đất nước. Ông đưa ra chủ thuyết Nhân Vị (Personalism) khơi nguồn từ một số triết thuyết của Tây Phương như nhóm Esprit của Emmanuel Mounier, một số tông thư của các Giáo Hoàng Lêô XIII hay Giáo Hoàng Piô XI, đã được ông hoàn chỉnh lại để phù hợp với tình hình của một quốc gia Á châu, nhằm đối đầu với chủ nghĩa Cộng Sản ở miền Bắc. Ngày 8-1-1963, trong cuộc nói chuyện với một cử tọa gồm các nhà trí thức, các giáo sư đại học, giáo sư trung học và cán bộ tại Trung Tâm Thị Nghè, ông Ngô Đình Nhu giải thích rằng: "...mình đánh nhau với Cộng Sản, bây giờ Cộng Sản nó đánh mình với một Ý Thức Hệ, mà chúng ta không có một Ý Thức Hệ cứng rắn, rõ ràng, trong tâm trí chúng ta để đối lại, để có lẽ sống mà đánh Cộng Sản thì chúng ta sẽ bị ý thức hệ Cộng Sản lan tràn lung lạc." [3]
Cũng trong bài nói chuyện đó, ông Ngô Đình Nhu nhấn mạnh: " Muốn phục vụ con người trong xã hội thì con người đó phải tiến, xã hội đó phải tiến. Nhưng xã hội chỉ tiến được với những con người có ý thức nhiệm vụ. Cho nên, trên nguyên tắc, chúng ta phải nhìn nhận rằng cần phải có một ý thức hệ tiến bộ. Ý Thức Hệ chúng tôi chủ trương là Ý Thức Hệ Nhân Vị. Về Tư Tưởng Nhân Vị có nhiều thứ. Có thứ họ căn cứ vào một tín ngưỡng hữu hình, một tín ngưỡng chắc chắn, căn bản. Có thứ lại nhuốm phần nào vô thức... Ý thức hệ Nhân Vị chúng tôi chủ trương nó rất rộng rãi và không cần phải đi sâu vào các đạo giáo. Tất cả các đạo giáo, tất cả các triết lý khác, có thể cùng đi với chúng ta được trong ý thức hệ đó." [4]
Sau đây là một đoạn triển khai thêm do linh mục Bửu Dưỡng viết, trích từ bản tóm tắt bài thuyết trình của ông về chủ nghĩa Nhân Vị: "Nhân là người. Vị là thứ bậc. Nhân-Vị là tính cách con người sống đầy đủ con người theo thứ bậc của mình, đối nội cũng như đối ngoại. Theo nghĩa đó, hai chữ Nhân-Vị đầy đủ hơn chữ Personne Humaine của Pháp ngữ, vì hai chữ Personne Humaine nhấn mạnh đến ý nghĩa của chữ nhân mà ít chú trọng tới vị. Cần phải hiểu theo một ý nghĩa đầy đủ của cả hai chữ. Nhân là sống đầy đủ con người. Vị là sống theo đúng thứ bậc của mình trong những tương quan với người khác và vạn vật. Như vậy thì quan niệm về nhân-vị tùy thuộc quan niệm về con người và quan niệm các tương quan." [5]
Nhìn thấy cái sắc bén của chủ nghĩa Nhân Vị của nền Đệ nhất Cộng Hòa, một sử gia ngoại quốc, Robert Scigliano đưa ra nhận xét : "Chủ nghĩa Nhân Vị nhấn mạnh đến sự điều hòa những ước vọng vật chất cũng như tinh thần của cá nhân với các nhu cầu xã hội của cộng đồng và các nhu cầu chính trị của quốc gia. Nó nhằm tìm kiếm một con đường trung dung giữa chủ nghĩa cá nhân tư bản và chủ nghĩa tập thể mác-xít." [6]
Một nữ ký giả Hoa Kỳ, bà Suzanne Labin, vốn có rất nhiều mối liên hệ với các viên chức của chế độ Miền Nam dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trong cuốn sách Vietnam, an eye-witness account, có trích lại bài viết về chủ nghĩa Nhân Vị của bà Ngô Đình Nhu (đăng trên báo The Wanderer ngày 4.6.1964) lúc bấy giờ đang sống lưu vong ở hải ngoại sau biến cố đảo chính 1-11-1963.
Trong một bài báo nhan đề “Cần Lao Nhân Vị”, linh mục Nguyễn Phương, nguyên giáo sư sử học tại Viện Đại Học Huế trước năm 1975, đã viết: "Đối với những người tị nạn đã trưởng thành, cần lao nhân vị là những tiếng quen biết. Cũng có lẽ vì quen biết quá nên không mấy ai lưu tâm đến ý nghĩa của nó. Sự thật, mấy tiếng đó xếp lại bên nhau có thể tạo nên một phương châm thiết thực nhất và cao cả nhất cho đời sống cá nhân và xã hội. Cần lao nhân vị gọn gàng là một triết lý của đạo làm người. Cần lao không có nghĩa là làm việc suông, vì chữ cần nói lên rằng người làm việc đang tâm hướng về một mục tiêu nào đó. Và mục tiêu này được tức khắc bày tỏ bằng hai tiếng nhân vị. Cần lao là để phát huy và để bảo tồn nhân vị, chứ không phải để phục vụ tư lợi hay để làm mọi cho giai cấp đấu tranh. Nói cách khác, cần lao nhân vị là đặt giá trị con người trên việc làm, và con người lấy việc làm để củng cố chỗ đứng của mình giữa trời và đất."
Tác giả Nguyễn Phương nêu ra thông điệp của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có tên Laborem Exercens (con người làm việc) trong đó Đức Giáo Hoàng đặt vấn đề lao động trên một nền tảng chưa chủ thuyết kinh tế hiện có nào đã đặt, nhìn con người qua việc làm, bất cứ việc làm này thuộc phạm vi vật chất hay tinh thần. Xin thử trích một vài đoạn từ thông điệp Laborem Exercens: "Khi chúng tôi nói đến sự tương phản giữa lao động và tư bản, không phải chúng tôi nói đến một quan niệm trừu tượng hay một mãnh lực phi vị (impersonal) đang chuyển hành trong cuộc sản xuất kinh tế. Đàng sau cả hai quan niệm đó (lao động và tư bản) vốn có con người sống động, con người như thấy được trong thực tế của cuộc đời."
Vì đó, theo tác giả Nguyễn Phương, vấn đề lao động trở thành vấn đề cần lao, nó không còn là nô lệ của lợi tức như trong chủ thuyết tư bản, hay nô lệ của đảng phái, như trong chế độ Cộng Sản, mà nó là của con người làm việc, của xã hội loài người. Thông điệp đề cập đến một lối xã hội hóa gọi là xã hội hóa thỏa đáng (satisfactory socialization) khác hẳn với lối xã hội hóa với nhà nước hay đảng làm chủ nhân ông của Cộng sản. Xã hội hóa thỏa đáng là đem một số các phương tiện sản xuất làm của chung nhưng dưới sự điều động của cần lao và tư bản. Như thế sẽ thực hiện được chủ thuyết bảo toàn giá trị con người, mà thông điệp gọi là thuyết nhân vị (personalism).
Với chính sách đặc thù của Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, Cần Lao Nhân Vị là "một chính sách được trình bày với màu sắc của địa phương. Con người không được quan niệm như là tối thượng, mà là một loại đầu đội Trời chân đạp đất. Ở trong tam tài Thiên Địa Nhân, con người không thể nào hơn Ông Trời, nhưng lại không thể nào thua vật chất. Đất, và tất cả những gì thuộc về đất, là để phục vụ con người. Đàng khác, con người không thể hoàn tất phận sự của mình nếu không sử dụng vật chất. Cần lao, sự chăm chú làm việc, cốt là để thể hiện giá trị con người, cốt là để tô bồi chỗ đứng của con người. - NHÂN VỊ - khoảng giữa trời cao và đất rộng. Trong xã hội CẦN LAO NHÂN VỊ, cố nhiên không có cảnh con người làm nô lệ con người, huống hồ là làm nô lệ phương tiện sản xuất. Nơi đây, chỉ có đồng lao cộng tác để thành tựu cuộc cách mạng NHÂN VỊ, nó ăn cả về chiều cao, chiều rộng và chiều sâu. Về chiều sâu, con người cần lao luyện tập cho có thành tâm thiện ý. Phải tu thân đã mới mong tề gia và bình thiên hạ. Việc cách mạng phải ăn cả về chiều rộng, vì con người cần phải tri kỷ, tri nhân, cho nên phải sống trong cộng đồng và phải cùng nhau đồng tiến. Chiều cao của cuộc cách mạng nhân vị là nhờ cần lao mà vươn lên, vươn đến Chân, Thiện, Mỹ để thông cảm với Đấng Trên Đầu Trên Cổ, với Thượng Đế. Trong chính sách cần lao nhân vị, con người sẽ làm viên mãn điều mà "bổn phận và lương tri" bảo phải làm trong bất cứ trường hợp nào (nên nhớ lại lời Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm trả lời cho Đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge chiều ngày 1 tháng 11 năm 1963, khi cụ Diệm hỏi đại sứ này về thái độ của Washington với cuộc chính biến)." [7]
Để thấy những liên hệ nhân quả của chủ thuyết nhân vị đối với biến cố Tết Mậu Thân về sau, thiết tưởng nên đọc thêm một số các tư liệu sau đây nói về chính sách, kế hoạch quốc gia của VNCH lúc bấy giờ:
"Thuyết Nhân Vị Á Đông do ông (Ngô Đình Nhu) đề xướng được ông giản lược bằng phương trình sau đây:
TAM TÚC + TAM GIÁC = TAM NHÂN
Và ông giải thích vắn tắt:
A. TAM TÚC là:
1.- Tự túc về Tư Tưởng là tự mình suy luận, cân nhắc mà lựa chọn một chính nghĩa để phụng sự và một khi đã chọn rồi thì không còn lay chuyển nữa. Chính nghĩa đó là cuộc cách mạng chính trị, xã hội, quân sự mà ta đang cụ thể hóa trong các Ấp Chiến Lược. Sau đó ta tự phát huy chính nghĩa trong tâm hồn, tự học tập và tự bồi dưỡng tinh thần của ta, không cần ai thôi thúc. Tự túc về tinh thần, về tư tưởng, thì tất nhiên trong mọi trường hợp khó khăn ta vẫn vững tâm, hoặc dù có nội loạn ở Thủ Đô Sài Gòn chăng nữa, thì ta cũng không bị hoang mang hay bị lung lạc. Tự túc về tư tưởng để phát huy và bành trướng chủ nghĩa. Muốn được vậy thì phải:
2.- Tự túc về Tổ chức và Tiếp Liệu, là tự ta tìm tòi, phát huy sáng kiến để có nhiều nhân vật lực để hoạt động, không ỷ lại vào sự giúp đỡ của người khác. Chính phủ chỉ cần giúp ta một số vốn căn bản, dựa vào đó ta tìm cách biến cải thêm để hành động và mở rộng phạm vi hoạt động. Chẳng hạn hiện giờ ta thiếu kẽm gai để làm Áp Chiến Lược, thì ta cố gắng tìm vật liệu khả dĩ làm tê liệt cơ thể bất cứ ai động đến (như đồng bào Thượng đã làm trên cao nguyên); hoặc dùng địa hình địa vật để lồng hệ thống bố phòng ACL vào trong đó, đỡ cần đào hào hay rào kẽm gai. Muốn thực hiện Tự túc về Tổ chức thì cần phải:
3.- Tự túc về Kỹ thuật, là phát huy khả năng chiến đấu, và khai thác, phát triển khả năng của nhân vật lực sẵn có đến tột mức 100 phần trăm.
Ba bộ phận của Tam túc có liên hệ mật thiết với nhau: muốn Tự túc về Tổ chức mà không Tự túc về Kỹ thuật thì Tổ chức không thành; thiếu Tự túc Tư Tưởng thì tất nhiên sẽ không có Tự túc Tổ Chức và Tự túc Kỹ Thuật. Từ quan niệm Tam Túc đó phát sinh ra quan niệm Tam Giác.
B. TAM GIÁC là:
1.- Cảnh giác về Sức Khỏe (thể xác) nghĩa là không được đau ốm. Do đó ta phải tránh tất cả những việc làm phương hại cho thân xác ta như đau ốm, tứ đổ tường. Bảo đảm sức khỏe thì mới bảo đảm được khả năng làm tròn nhiệm vụ.
2.- Cảnh giác về Đạo Đức và Tác Phong Đạo Đức, vì tác phong và đạo đức là điều kiện cốt yếu của cán bộ, thiếu tác phong đạo đức sẽ chi phối tư tưởng, sẽ biến khả năng làm việc thiện ra việc ác, chưa kể việc thất nhân tâm.
3.- Cảnh giác về Trí Tuệ là phát huy óc sáng tạo, sáng tác khả năng chiến đấu của nhân vật lực sẵn có đến tột độ.
Vậy, không có sức khỏe, đau ốm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến óc sáng tạo và thu hẹp phạm vi hoạt động của đạo đức. Không có óc sáng tạo thì dù có sức khỏe, có đạo đức, cũng không có khả năng bồi bổ vào sự thiếu thốn nhân vật lực, là tình trạng của một nước chậm tiến. Có sức khỏe, có óc sáng tạo, nhưng không có đạo đức, thì sức khỏe ấy, óc sáng tạo ấy, sẽ phục vụ cho phi nghĩa, không phải cho chính nghĩa..." [8]
Thật sự các nhà lãnh đạo của nền Đệ nhất Cộng hòa đã thấy được sự cần thiết của một thứ vũ khí tư tưởng trong cuộc chiến tranh ý thức hệ đối diện với Miền Bắc theo chủ nghĩa Cộng Sản. Tiếc thay đang khi họ mang hoài bão để huấn luyện và trang bị cho cán bộ và nhân dân Miền Nam thứ vũ khí cần thiết này, thì Hoa Kỳ, người bạn đồng minh của chúng ta, đã không chia sẻ cùng một tâm thức như vậy.
1.2. Khu trù mật và Ấp chiến lược.
Trước khi nói đến các cơ cấu trên đây, thiết tưởng cần nhắc đến chính sách Dinh Diền được tổ chức trước đó để thấy rằng các nhà lãnh đạo của nền Đệ nhất Cộng hòa đã có một cái nhìn xuyên suốt trong chính sách an dân của mình.
Ngày 17.9.1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm ký nghị định số 928-NV thành lập Phủ Tổng Ủy Di Cư Tị Nạn, ngang hàng với một bộ trong Nội các, do ông Ngô Ngọc Đối làm Tổng Ủy Trưởng. Bên cạnh đó, vì số người Công Giáo di cư gần khoảng 70% trên tổng số tị nạn nên có một tổ chức cứu trợ tư nhân với tên Ủy Ban Hỗ Trợ Định Cư do Giám mục Phạm Ngọc Chi điều khiển. Tổng số dân rời bỏ miền Bắc để vào miền Nam là 875, 478 người và họ được đưa đến Sài Gòn, Vũng Tàu hay Nha Trang, sau đó đi định cư các nơi khác tùy ý họ lựa chọn.
Nói chung đối với hầu hết các cơ chế được tổ chức dưới thời Đệ nhất Cộng Hòa và một khi đã bị giải thể hay bị chính quyền kế tiếp coi như là một thứ con ghẻ không hề lưu tâm tới (trong thời Đệ nhị Cộng Hòa) tất nhiên sự kiện đó đã góp thêm rất nhiều yếu tố thuận lợi cho biến cố Tết Mậu Thân, mà rõ ràng nhất là hệ thống khu trù mật và ấp chiến lược được tổ chức và nâng lên thành quốc sách dưới thời Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Ngày nay ai cũng biết hệ thống tổ chức Khu trù mật và Ấp chiến lược là sáng kiến rất đỗi lợi hại của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu, nhờ đó mà bọn du kích Cộng Sản đã một thời khốn đốn không hoạt động được gì hữu hiệu. Thật ra việc gom dân lập ấp là một kinh nghiệm lịch sử quý báu của tiền nhân trong lúc đất nước có chiến tranh. Người có sáng kiến tiên khởi về ấp chiến lược có lẽ phải kể đến Tĩnh Man Tiễu Phủ Sứ Nguyễn Tấn (1820-1871), tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1863, Nguyễn Tấn đã áp dụng kế sách đó trong việc đánh dẹp người Mọi Đá Vách, Quảng Ngãi. Một sử liệu của Triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, đã ghi lại như sau:
"Mới đặt chức Tiễu phủ sứ ở cơ Tĩnh man tỉnh Quảng Ngãi. Phàm các việc quan hệ đến sự phòng giữ dẹp giặc, thăng cử, chọn thải, lấy lương, gọi lính sát hạch, thì cùng bàn với chánh phó lãnh binh chuyên coi một nha mà tâu hoặc tư. Lấy người hạt ấy là Nguyễn Tấn lãnh chức ấy. Tấn trước đây thự án sát Thái Nguyên, khi ấy quân thứ Thái Nguyên dần yên, nghe tin bọn ác man hung hăng, dâng sớ xin về bàn bạc để làm, trong 1, 2 năm có thể xong. Vua thấy giặc Man có phần cần cấp hơn, bèn y cho. Đến đây, chuẩn cho thăng hàm thị độc sung lãnh chức ấy, cấp cho ấn quan phòng bằng ngà. Tấn dâng bày phương lược: (nói: việc đánh giặc vỗ dân cần làm những việc khẩn cấp trước. Về 3 huyện mạn thượng du, phàm những dân ở linh tinh, tiếp gần với địa phận núi thì, tham chước theo lệ của Lạng Sơn đoàn kết các dân ở cõi ven một hay hai khu, đều đào hào đắp lũy, cổng ngõ cho bền vững. Nếu có lấn vào ruộng đất của ai thì trừ thếu cho. Còn 1, 2 nhà nghèo, ở riêng một nơi hẻo lánh, thì khuyên người giàu quyên cấp cho dỡ nhà dời về trong khu; còn đất ở thì không cứ là đất công hay đất tư đều cho làm nhà để ở. Các viên phủ huyện phụ làm việc ấy, liệu nơi nào hơi đông người thì bắt đầu làm ngay, nơi nào điêu háo (ít dân), thì phái quân đến phòng giữ, ngăn chận, dần dần tiếp tục làm, để thư sức dân." [9]
thành phố đổ nát
Cách đây hơn nửa thế kỷ, chế độ Cộng Hòa đã được khai sinh cùng với các quốc sách được ban hành như Khu trù mật và Ấp chiến lược nhằm giải quyết cho công cuộc định cư của gần một triệu đồng bào từ bắc di cư vào nam và sau đó để đối phó với chính sách khủng bố của du kích Cộng sản tái hoạt động ở các vùng nông thôn miền nam.
Trong cuốn sách Chính sách cải cách ruộng đất Việt-Nam (1954-1994), tác giả Lâm Thanh Liêm đã viết về Khu trù mật như sau: "Khu Trù Mật là một cộng đồng nông nghiệp được chính quyền thành lập và gom thôn dân vào đấy sinh sống trong những thôn xóm hẻo lánh, xa cách các trục giao thông, do đó, chính phủ không thể kiểm soát được. Trước sự đe dọa của chiến tranh xâm lược Miền Bắc, Tổng Thống Diệm quyết định tập trung thôn dân sinh sống rải rác vào Khu Trù Mật, để tiện bề kiểm soát họ, đồng thời cô lập họ với "Việt Cộng", giống như cá thiếu nước không thể sống tồn tại được. Mỗi Khu Trù Mật có khoảng 3.000 đến 3.500 dân, có hạ tằng cơ sở giống tựa như trường hợp của một thành phố:
* Một khu thương nghiệp (với một ngôi chợ xây cất bằng gạch và tiệm buôn bán).
* Một khu hành chánh (có mộ chi nhánh bưu điện), xã hội (một bảo sanh viện, một nhà trẻ) và văn hóa (các trường tiểu học và trung học cấp I, một phòng thông tin, nhà thờ và chùa chiền).
Các Khu Trù Mật được điện khí hóa. Vị trí của chúng được chọn lựa kỹ lưỡng, hội đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển (đất đai trù phú, gần các trục giao thông).
* Khu Trù Mật có thể phát triển nông nghiệp, diện tích đất trồng có thể được nới rộng nhờ khẩn hoang thêm đất màu mỡ, để trong tương lai, các thế hệ trẻ tấn lên trở thành điền chủ.
* Khu Trù Mật có thể phát triển thương nghiệp và các lãnh vực dịch vụ khác, cùng phát triển các tiểu thủ công nghệ lên hệ với ngành nông nghiệp địa phương.
* Nhờ Khu Trù Mật, chính quyền có thể cải thiện điều kiện sinh sống của thôn dân: cư trú tập trung cho phép chính phủ thực hiện nhiều công trình phục vụ nhân dân, ít đòi hỏi nhiều đầu tư hơn hình thức cư trú lẻ tẻ, rải rác (chẳng hạn như công tác thủy nông, điện khí hóa, xây cất trường học, nhà bảo sanh v.v...)
Khu Trù Mật là nơi bảo vệ dân chúng chống lại chiến tranh xâm lược của Cộng Sản Bắc Việt. Ngoài việc kiểm soát dân chúng trong Khu Trù Mật, chính quyền địa phương còn trang bị vũ khí cần thiết, để nếu cần, có thể biến Khu Trù Mật thành một "tiền đồn", ngăn chặn đoàn quân Bắc Việt xâm nhập vào Nam.
Bởi vậy các Khu Trù Mật thường được thiết lập tại các địa điểm có tính cách chiến lược, dọc theo biên giới hoặc xung quanh một thành phố lớn, để tạo một vành đai an ninh. Đồng thời Khu Trù Mật cũng là thị trường tiêu thụ các nông sản và các chế phẩm tiểu thủ công nghiệp. Chính phủ cấp phát cho mỗi gia đình định cư một mảnh đất 3.000 m 2, để xây cất một ngôi nhà (với vật liệu do chính quyền địa phương cung cấp), một chuồng heo và một chuồng gà. Mỗi gia đình có một mảnh vườn cây ăn trái hoặc một mảnh vườn rau để tự túc mưu sinh." [10]
Sử gia Robert Scigliano, thuộc viện đại học Michigan, cho biết Cộng Sản Hà Nội tuyên truyền phản đối chính sách Khu trù mật vì ngoài việc ngăn chặn Cộng Sản xâm nhập vào nông thôn, các Khu trù mật được xây dựng ở những vùng chiến lược chẳng hạn dọc theo một con đường chính hay một trục thủy lộ gây trở ngại rất nhiều cho việc chuyển quân của Cộng Sản. [11]
Trong tác phẩm Ngo Dinh Diem en 1963: Une autre paix manquée, tác giả Nguyễn Văn Châu, cựu Trung tá, nguyên Giám đốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Bộ Quốc Phòng cho rằng sự chỉ trích chính quyền về Khu trù mật chỉ nhắm vào những chuyện xấu về nhân sự, và dư luận đối lập đi xa hơn nữa cho rằng chính quyền ép buộc dân bỏ làng mạc nhà cửa. [12]
Đối với bài học lịch sử cũ về Ấp chiến lược, thiết tưởng cần đọc Suzanne Labin, một nhà văn kiêm phân tích gia vốn nhiều lần tới thăm Miền Nam Việt Nam trong thời gian Đệ nhất Cộng hòa, từng được Tổng Thống Ngô Đình Diệm tiếp kiến nhiều lần, đã có những buổi thuyết trình chính trị tại Sài Gòn và nói chuyện tại một số tỉnh. Trong cuốn sách Vietnam, an eye-witness account (bản tiếng Pháp nhan đềVietnam, révélation d'un témoin), Suzanne Labin từng viết: "Khi nhà Ngô bị lật đổ, có tám ngàn ấp chiến lược đã được thành lập xong và đang vận hành, với dự trù khoảng bốn ngàn ấp nữa cần thiết để bảo vệ cả nước. Nông dân sống rải rác dọc theo các con kênh, được yêu cầu dời chuyển để qui tụ lại thành nhiều làng, tập trung theo kiểu Âu châu. Mỗi làng được rào vững chắc bằng hàng rào kẽm gai hoặc hàng rào tre vót nhọn đằng sau có tăng cường hệ thống hào rộng gài mìn để chận đứng Việt Cộng mò vào ban đêm. Trong ấp, mỗi gia đình đều được khuyến khích đào một hầm trú ẩn ngay trước nhà họ. Tại sao vậy? Khi Việt Cộng tấn công, trước đây người dân thường quá sợ nên chạy tứ tung gây trở ngại cho lực lượng bảo vệ nhiều khi bắn cả vào người nhà mình. Từ khi có hầm trú, người già và trẻ con cứ việc núp dưới hầm để xạ trường quang đảng cho lực lượng chiến đấu hành sử.
"Người dân làng được đoàn ngũ hóa theo tuổi tác, giới tính, và tùy theo khả năng mà được giao cho một phần vụ đặc biệt. Lực lượng tự vệ và thanh niên cộng hòa là những đơn vị chiến đấu; những dân làng khỏe mạnh khác thì tham gia công tác phòng vệ, thanh thiếu niên thì vót chông. Người có nhiệm vụ chiến đấu được cấp vũ khí cá nhân mang luôn bên mình ngay cả khi ở nhà. Nhiều làng mạc được trang bị thêm xe thiết giáp hoặc súng liên thanh. Máy truyền tin được cung cấp giúp cho các người bảo vệ ấp chiến lược có thể gọi ngay lực lượng chính quy đến một khi bị tấn công. Nhiệm vụ chính của làng là cầm chân kẻ thù, vô hiệu hóa chúng ngoài các vành đai của ấp, cố ngăn chúng không lủi mất vào rừng trong khi lực lượng chính quy kéo tới. Bấy giờ, Việt Cộng thấy quá khó khăn khi xâm nhập một vùng dân cư có phòng thủ và ngay cả rút lui cũng thấy nhiều trở ngại." [13]
Bà Suzanne Labin còn nhắc lại câu nói có tính cách cô đọng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm rằng: "...để nghiền nát quân thù giữa CÁI BÚA của sức mạnh cơ động và HÒN ĐE của các ấp chiến lược." [14] Bà cho rằng ấp chiến lược chính là tâm điểm của một cuộc cách mạng chính trị và xã hội : đó là lý do tồn tại của Ấp chiến lược vì đã đưa lại một nền tảng vững chắc cho sự tiến bộ về kinh tế. [15]
Chính sách Ấp chiến lược được thực hiện từ năm 1961 với sự cố vấn của Sir Robert Thompson, chuyên viên về chiến thuật phản nổi dậy người Anh cùng với hai người bạn là Desmond Palmer và Dennis Duncanson được kể là một kế hoạch táo bạo nhất của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Nhận định tổng quát về kết quả của chính sách Ấp chiến lược, tác giả Nguyễn Văn Châu đã khẳng định: "Quốc sách Ấp chiến lược sau hai năm đã thành công trong việc ngăn chặn làm cho Việt Cộng không còn sống bám rút bòn nhân dân. Vấn đề an ninh làng ấp được vững vàng hơn, quân đội chính quy quốc gia trở thành lực lượng hành quân chủ động gây cho du kích cộng sản nhiều thất bại đáng kể, khiến cho các lực lượng du kích rơi vào thế bị động và mất thăng bằng sau khi đã mất hạ tầng cơ sở. Tinh thần quân đội quốc gia lên cao, dân chúng được bảo vệ an ninh và du kích Việt Cộng càng ngày càng hồi chánh về đầu thú với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa." [16]
Trong một bài báo mới đây nhan đề ''40 năm ngày đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm: Cái nhìn từ Hà Nội", tác giả Bùi Tín, cựu Đại tá quân đội CSBV, Phó chủ nhiệm tờ báo Nhân Dân Chủ Nhật đã phải xác nhận ưu thế của quốc sách ấp chiến lược gây cho lực lượng xâm lăng của Cộng Sản nhiều khó khăn và thất bại trước đây, đã thẳng thắn bày tỏ rằng: "Cùng với thời gian và sự tìm hiểu những tư liệu lịch sử, tôi thấy cần phải trả lại lẽ công bằng cho nhân vật lịch sử này... Tôi cho rằng ông Diệm là một nhân vật chính trị đặc sắc, có lòng yêu nước sâu sắc, có tính cương trực thanh liêm, nếp sống đạm bạc giản dị." [17]
Một khi chính sách Ấp chiến lược đã bị nhóm tướng lãnh làm đảo chánh giải thể, an ninh nông thôn bị bỏ ngỏ trăm phần trăm thì việc lực lượng võ trang VC xâm nhập thành phố một cách rất dễ dàng như sẽ thấy qua vụ Tết Mậu Thân thiết tưởng cũng là điều dễ hiểu. Nhóm quân phiệt cầm quyền chỉ cần có chỗ dựa là Hoa Kỳ mà không cần chỗ dựa cốt yếu là nhân dân. Bởi thế cho nên khi Hoa Kỳ bàn giao một nửa đất nước Việt Nam vào tay Cộng Sản, bọn họ chỉ có việc im lặng thi hành và một vài lời phản đối chỉ là cử điệu chiếu lệ, giả dối mà thôi.
1.3. Công tác tình báo
Nhắc lại các hoạt động tình báo thời Đệ nhất Cộng Hòa để thấy rằng qua biến cố Tết Mậu Thân như chúng ta sẽ bàn đến trong phần sau, dư luận đã lên án việc Hoa Kỳ và chính quyền của Đệ Nhị Cộng Hòa đã không coi trọng vấn đề tình báo trước các hoạt động của CS. Chính nhờ công tác tình báo được thực hiện rốt ráo dưới thời Đệ nhất Cộng Hòa đã bảo đảm cho sự vững mạnh của chế độ trong một thời gian dài.
Cơ quan tình báo trung ương cần nói tới dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa là Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội của bác sĩ Trần Kim Tuyến, trực thuộc Phủ Tổng Thống tức là CIA/VN do sự gợi ý của Hoa Kỳ. Tác giả Vĩnh Phúc trong cuốn Những huyền thoại & sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm đã viết nhiều về Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội, cho biết có sự bất đồng giữa người Mỹ và hai ông Nhu-Tuyến về hoạt động của sở này, thí dụ "phía VNCH muốn thả người ra ngoài Bắc để phá hoại, rải truyền đơn tuyên truyền về chính trị... trái lại Mỹ chỉ muốn tung người ra, cho nằm yên, len lỏi vào các hàng ngũ quần chúng, chính quyền và nếu có thể thì cả tổ chức Đảng, để tìm hiểu. Tuyệt đối không được có hành động phá hoại. Chỉ cần nằm cho thật yên, ghi nhận, và nếu được thì tìm cách leo càng cao, lặn càng sâu, càng tốt. Để đến khi nào hữu sự, cần thiết, thì mới ra tay hành động. Nhưng vẫn không phải là các công tác phá hoại. Người Mỹ đã huấn luyện nhân viên Việt Nam cách sử dụng các loại máy truyền tin, cách đưa tin, cách chôn giấu tài liệu, vũ khí, cách sử dụng hóa chất trong ngành tình báo..." [18]
Ông Trần Kim Tuyến điều khiển, là một người tương đối trong sạch, có đạo đức, nhiệt tâm làm việc. Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội do ông điều khiển, có trên 500 nhân viên, mặc dù bị vài người trong bộ máy lãnh đạo chính quyền ghét nhưng cũng đã làm được nhiều việc trong lãnh vực an ninh, tình báo.
Sau ngày chế độ Đệ nhất Cộng Hòa sụp đổ, báo chí nói nhiều về tổ chức "mật vụ Ngô Đình Cẩn" tại Miền Trung nhưng hoàn toàn không biết một chút gì về tổ chức này, nên đã viết với giọng điệu vu khống, xuyên tạc đầy ác ý.
Trong tác phẩm Dòng họ Ngô Đình, ước mơ chưa đạt tác giả Nguyễn Văn Minh cho biết vào nửa năm đầu năm 1957, ông Ngô Đình Cẩn đã đề nghị lên Tổng Thống Diệm xin cho ông thực hiện một chính sách được ông gọi là "Chiêu Mời Và Sử Dụng Những Người Kháng Chiến Cũ", "Để giúp thành phần này dễ dàng thấu hiểu và chấp nhận chính sách, ông cho áp dụng kỹ thuật khai thác và chế độ giam giữ đặc biệt đối với những người bị bắt. Danh từ CHIÊU MỜI sau được đổi là CẢI TẠO theo đề nghị của các cán bộ Cựu Kháng Chiến." [19]
Sau khi đề nghị được chấp thuận, ông Ngô Đình Cẩn giao cho Dương Văn Hiếu thành lập Đoàn Công Tác Đặc Biệt gồm có 10 nhân viên với chủ trương cùng ăn chung, ở chung, chơi chung, ngủ chung với tù nhân Cộng Sản. Đoàn được tổ chức thành 4 ban: nghiên cứu, tuyên huấn, cải tạo, quản trị. Sau đây là ghi nhận của Dư Văn Chất, một cán bộ tình báo của CS trong cuốn Người Chân Chính: "Đây là một ngành an ninh đích thực, nhưng là một "siêu tổ chức" với nhiều đặc thù mà không có bộ máy nào của Ngụy so sánh được. Nó tập trung quyền lực cao độ: cực quyền, với các phương thức hoạt động hết sức tinh vi, hiểm độc và tàn bạo. Trong cái nhà tù không song sắt, Công an Mật vụ cùng với kháng chiến Việt Cộng, ăn chung, ngủ chung, chơi chung và công tác chung. Chuyện khó tin mà có thật, và chỉ có được trong thời điểm lịch sử nhất định. Bắt đầu từ cuộc đấu tranh chính trị đòi hiệp thương tổng tuyển cử cho tới tiếng súng đồng khởi hạ màn kết thúc. Thành tích chống Cộng của Mật vụ Ngô Đình Cẩn - Dương Văn Hiếu thật diệu kỳ. Chúng đánh phá thẳng vào các cơ quan đầu não của các Đảng bộ miền Trung như Liên khu Ủy khu Năm, tỉnh ủy Thừa Thiên, thành ủy Huế rồi Đà Nẵng. Tiến xuống phía Nam, chúng tấn công cơ sở đặc khu Sài Gòn Chợ Lớn, Thủ Biên, Cần Thơ. Nổi bật nhất là mật vụ miền Trung đánh bắt gọn các lưới tình báo chiến lược của ta trải suốt từ Bến Hải tới Sài Gòn trong vòng chỉ có một năm." [20]
Theo tác giả Nguyễn Văn Minh, do phương pháp khai thác độc đáo, chế độ nhà tù đặc biệt chưa từng có, chính sách “Cải Tạo Và Sử Dụng Những Người Kháng Chiến Cũ” đã thâu đạt được kết quả gây ngạc nhiên cho mọi người. Năm 1985, tôi có ở chung trại tù Nam Hà (tỉnh Hà Nam Ninh) với ông Lê Phước Thưởng, một cán bộ phái khiển của VC về đầu thú chính quyền quốc gia thời ông Ngô Đình Cẩn. Trong câu chuyện, ông Lê Phước Thưởng luôn luôn tỏ ra kính phục ông Ngô Đình Cẩn, và đúng như tác giả Nguyễn Văn Minh viết, ông Thưởng sẵn sàng đánh lộn với những ai nói xấu ông Cẩn hoặc Đoàn Công Tác Đặc Biệt. [21]
Một cơ quan khác cũng chuyên lo về vấn đề an ninh, tình báo trong quân đội, đó là Nha An Ninh Quân Đội đặt tại Thủ đô Sài Gòn, và tại mỗi tỉnh đều có một Ty An Ninh Quân Đội phụ trách công tác này tại địa phương. Theo Tú Gàn trong bài báo “Sớm đầu tối đánh”, trong thời gian Đỗ Mậu làm Giám Đốc An Ninh Quân Đội, vì biết khả năng kém cỏi của Đỗ Mậu nên "ông Ngô Đình Nhu đã giao cơ quan này cho bộ ba Tống Đình Bắc (nguyên Trưởng Ty Đặc Cảnh Miền Bắc), Tống Tấn Sĩ và Nguyễn Văn Minh phụ trách mọi công việc, vì Đỗ Mậu chẳng biết gì. Đỗ Mậu chỉ có nhiệm vụ theo dõi và báo cáo. Thỉnh thoảng Đỗ Mậu cũng được giao cho một số công tác đặc biệt, nhưng Đỗ Mậu thường làm hỏng hoặc làm không đến nơi đến chốn." [22]
Nói chung, các hoạt động tình báo dưới thời Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã tỏ ra hữu hiệu, không như tình báo dưới thời của Tướng Nguyễn Văn Thiệu, vì nhân viên về sau kém khả năng, làm việc chiếu lệ, không có tinh thần nghề nghiệp và lòng nhiệt thành như thời gian Đệ nhất Cộng Hòa.
Về tác phong của vị lãnh đạo của người đã khai sáng ra chế độ Cộng Hòa, sử gia John M. Newman trong cuốn Tổng Thống John F. Kennedy và cuộc chiến Việt Nam đã ghi: "Khoảng đầu năm 1957 ông Diệm, bây giờ là quốc trưởng, đã dùng quyền hành của mình để chế ngự các giáo phái bất phục tùng và nghiền nát các chi bộ Việt Minh ở đồng bằng sông Cửu Long; những thành tích này khiến tổng thống Eisenhower ca tụng ông ta là CON NGƯỜI THẦN KỲ của Á Châu." [23]
Minh Hùng, tác giả Đời một tổng thống, in tại Sài Gòn năm 1971, đã có ghi lại lời phát biểu của cụ Phan Bội Châu về việc ông Diệm rũ áo từ quan năm 1933 như sau: "Ông Ngô Đình Diệm, con người có tâm huyết, biết thương giống nòi, biết nhục vong quốc, nên ông dám chống lại cường quyền, lui về ẩn tích, đợi thời tuyết sỉ. Đó mới là đáng bậc CHÍ SĨ, VĨ NHÂN, tất sau này cuộc Phục Hưng chỉ có hạng người ông Diệm mới làm nổi... Ta muốn tặng ông Diệm một bài thơ để tỏ lòng kính trọng bậc thiếu niên hiền triết... Ông Diệm bây giờ mới là ông lớn thật sự.” [24]
Trong cuốn hồi ký Honorable Men/My life in the CIA, William E. Colby đã từng làm trưởng nhiệm CIA tại Sài Gòn từ tháng 6 năm 1960 đến 1962, đứng đầu ngành CIA từ năm 1973 đến 1975, đã viết về Tổng Thống Ngô Đình Diệm và chính sách của ông như sau: “...Sau khi trình bày cho giám đốc McCone nghe, tôi cùng ông tới tòa Bạch Ốc trong chiếc Limousine của ông và tôi đã thú nhận với ông ta rằng cái chết của hai ông (Diệm Nhu) làm cho riêng cá nhân tôi rất đau lòng; tôi đã từng quen biết họ và kính trọng cả hai người; tôi là một trong số rất ít người Mỹ đã có cảm tình đó, đặc biệt là về phần ông Nhu...” [25]
Trong tác phẩm Ngô Đình Diệm lời khen tiếng chê, Minh Võ đã đọc vào chương 5 “Ấp chiến lược tại Việt Nam” ở sách của Colby, cho biết Colby đã nói nhiều về tính cương nghị và cái uy của ông Diệm biểu lộ trong những cuộc khủng hoảng chính trị và gọi ông Diệm là nhà ĐỘC TÀI NHÂN TỪ: “Thực vậy, ông Diệm điều hành công việc như một ông quan cai trị. MỘT NHÀ ĐỘC TÀI CÓ THIỆN TÂM (hay nhân từ, theo soạn giả), dùng quyền lực ép dân phải bắt tay vào công cuộc phát triển (cộng đồng), vì lợi ích của chính họ, bất chấp họ nghĩ gì về điều đó, độc đoán, thiếu dân chủ. Ông ta dùng - nhưng lại than phiền về - hệ thống thư lại do Pháp đào tạo vào công việc đó, vì ông tin rằng nó sẽ có thể được cải tiến dần dần và sẽ được thay thế bằng lớp người sắp tốt nghiệp từ những trường huấn luyện về hành chánh, quản trị của Mỹ.”
Ở một đoạn khác Colby viết: “Rõ ràng đây là giai đoạn đầu của “chiến tranh nhân dân”, (Cộng sản đang) động viên và tổ chức các lực lượng để dùng vào cuộc chiến. Và rõ ràng ở điểm này sự thách thức có tính chính trị và khuynh đảo, chứ không phải là thứ cần đến các bộ tư lệnh sư đoàn hay quân đoàn để đối phó. Mặt khác cuộc thách thức chính trị, tuy vậy, cũng chẳng phải là loại mà giới thượng lưu trí thức có thiện ý nhưng không có thực lực (cơ sở chính trị) ngồi trong khách sạn Caravelle để ra tuyên ngôn, kêu gọi lập “chính phủ lương thiện, công chính”, “một quân đội anh dũng được phấn chấn bởi một tinh thần duy nhất”, và một nền kinh tế “phồn vinh”, miễn là chính phủ thay đổi đường lối. Và như vậy, theo ý tôi, những khuyến cáo có tính mệnh lệnh của tòa Đại Sứ Mỹ ép ông Diệm phải bổ nhiệm những người chống ông vào trong chính phủ, và cổ võ một cuộc điều tra của quốc hội theo kiểu Mỹ xem ra rất không xác đáng. Theo thiển ý của tôi, cuộc đọ sức thực sự lúc ấy là ở thôn xã. Những vấn đề căn bản hơn nằm ở đó.” [26]
Nhận xét của Colby được ghi nhận như sau khi ông tới thăm các vùng thôn quê Việt Nam: “Đường xá được mở lại. Số trường học tăng nhanh ở thôn quê. Chương trình ngũ niên xịt thuốc diệt muỗi được khởi sự để thanh toán bệnh sốt rét rừng. Sức sản xuất lúa gạo bắt đầu tăng... Những tiến bộ về kinh tế, xã hội lúc đó đã xuống đến nông thôn... Đặc biệt kế hoạch “Khu trù mật” năm 1959, là kế hoạch được ông Diệm nâng niu nhất, bắt đầu với nhiều hứa hẹn. Những “đô thị” nông nghiệp được xây dựng trên phần đất truất hữu của địa chủ theo chương trình cải cách điền địa và được chia thành những khu trung tâm dân cư và vùng ruộng lúa...” [27]
Nhưng chỉ một vài ngày sau biến cố 1-11-1963, Dương Văn Minh và nhóm tướng lãnh cầm đầu cuộc đảo chính đã cho lệnh phá bỏ 16.000 Ấp chiến lược, thả lỏng vòng rào kềm chế cho Việt Cộng mặc sức tung hoành ở nông thôn Miền Nam, bỏ tổ chức nghĩa quân, dân vệ, khiến Hoa Kỳ có cơ hội đổ quân ồ ạt vào Việt Nam, và chưa đầy 5 năm sau đã tạo một môi trường hết sức thuận lợi cho VC tiến hành cái gọi là cuộc Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa với những hệ lụy rất trầm trọng. Tướng Tôn Thất Đính còn tuyên bố: "Ấp chiến lược đem lại ấm no nhưng không đem lại hạnh phúc".
Với cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, những nhà lãnh đạo xuất sắc và tâm huyết của Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ đã đạp đổ một mẫu người thần tượng lãnh đạo của Miền Nam Việt Nam, những đối thủ đã từng gây lo sợ cho chính quyền miền Bắc của Hồ Chí Minh, và đặt lên một nhóm tướng lãnh mà chính Tổng Thống Hoa Kỳ Johnson mệnh danh là lũ côn đồ ác ôn đáng nguyền rủa (a goddam bunch of thugs), số phận của Miền Nam như vậy là đã được tính toán từ trước. Và biến cố Mậu Thân xảy ra cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên đối với ai có những chú tâm theo dõi thời cuộc lúc bấy giờ. Khi được tin ông Diệm bị lật đổ và bị giết, Hồ Chí Minh đã nói với ký giả Wilfred G. Burchett: "Tôi không ngờ rằng tụi Mỹ ngu đến thế". Ellen J. Hammer trong cuốn A Death in November cho biết: "Đài phát thanh Hà Nội đã trích dẫn báo Nhân Dân nói rằng do sự lật đổ Ngô Đình Diệm và em ông là Ngô Đình Nhu tụi đế quốc Mỹ đã tự mình hủy diệt những cơ sở chính trị mà họ đã mất biết bao năm để xây dựng." [28]
2. Biến cố Tết Mậu Thân, một bước ngoặt trong chiến tranh Việt Nam
Trong cuộc chiến tranh giữa hai miền nam bắc Việt Nam, tác phong của người lãnh đạo đất nước, vấn đề ý thức hệ, vị trí nông thôn và thành thị, công tác tình báo, vai trò của nhân dân, các lực lượng đồng minh là những yếu tố quan trọng quyết định thành công hay thất bại và có những hệ lụy mang tính lịch sử. Ở miền nam Việt Nam, các yếu tố vừa kể dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa còn để lại nhiều ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực đối với nền Đệ Nhị Cộng Hòa phản ảnh qua biến cố Tết Mậu Thân được gọi dưới danh xưng có tính cách quân sự là cuộc Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa.
2.1. Các mục tiêu chiến lược của Cộng Sản Miền Bắc trong cuộc TCK-TKN.
Trong quá trình điều động cuộc chiến tranh “giải phóng” miền Nam của Cộng Sản Hà Nội, cần chú trọng đến ba thời điểm quyết định chiến tranh năm 1959, gia tăng chiến tranh năm 1963 và cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 của phe chủ chiến tại Miền Bắc.
Trước tiên, cần phải thấy rằng trong nội bộ của giới cầm quyền CSVN đã xuất hiện một sự tranh chấp về quan điểm chính trị giữa phe “ôn hòa” và phe “chủ chiến”. Trong bài viết “Bộ Chính trị chiến tranh: Đường lối chính trị và ngoại giao của Bắc Việt trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968”, vốn dựa theo một chương trong luận án tiến sĩ của tác giả, Liên Hằng T. Nguyễn là Phó giáo sư (Assistant Professor) khoa Sử, Trường Đại học Kentucky, Hoa Kỳ, được dịch giả Vy Huyền chuyển ngữ như sau: “Khi cuộc chiến thứ hai ở Đông Dương vừa bắt đầu, trong nội bộ Đảng nổi lên những phe phái chống đối nhau, có thể tạm chia thành hai phe đối lập, nhưng không đồng nhất, như sau: Phe thứ nhất gồm những người muốn tập trung xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và phe thứ hai gồm những người muốn tiến hành chiến tranh cách mạng ở miền Nam. Ở bộ phận cao nhất trong đảng, sự chia rẽ này vô cùng hỗn tạp, trong đó những đảng viên cấp trung kiên định hơn với lập trường của mình. Mặc dù các “phe phái” lỏng lẻo này nhất trí với mục đích cơ bản là thống nhất đất nước, họ bất đồng trong quan điểm về sự cân bằng thích đáng giữa đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao để đi đến chiến thắng cuối cùng. Phe “ôn hòa” hay còn gọi là phe những người chủ trương xây dựng miền Bắc muốn ưu tiên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, với mục tiêu đánh bại miền Nam bằng kinh tế và ngoại giao; phe “chủ chiến” hay còn gọi là phe ủng hộ chiến tranh ở miền Nam tin tưởng rằng vũ lực là cách duy nhất để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vào những năm 1960, các cuộc tranh cãi không chỉ nằm trong giới hạn ở Việt Nam mà còn lan rộng hơn, liên quan cả đến mối bất hòa trong mối quan hệ Nga-Trung. Phe ôn hòa muốn áp dụng chính sách cùng tồn tại trong hòa bình của Moscow, trong khi đó phe chủ chiến muốn thúc đẩy chủ trương dùng vũ lực của Bắc Kinh. Cuộc tấn công TMC là dấu hiệu chấm dứt những cuộc tranh cãi gay gắt gần một thập niên trong nội bộ ĐLĐVN.” [29]
Điểm quan trọng mà tác giả Liên Hằng T. Nguyễn không quên nhắc tới, đó là: “Đến năm 1963, nhờ vào tình hình biến động ở Sài Gòn và Bắc Kinh, phe chủ chiến có cơ hội đẩy mạnh chiến tranh. Với mối rạn nứt ngày càng lớn trong thế giới cộng sản, phe chủ chiến nhân cơ hội đó tăng cường chiến tranh tại miền Nam đang ngày một nóng bỏng.” [30]
Biến động ở Sài Gòn năm 1963 chính là việc binh biến lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, việc Dương Văn Minh và nhóm tướng lãnh phá bỏ 16.000 ấp chiến lược và cơ chế nghĩa quân, dân vệ tại nông thôn miền Nam, việc một số cán bộ tình báo Cộng Sản bị chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa bắt giam từ trước hoặc xâm nhập trong hàng ngũ Phật Giáo qua biến cố 1963 được trả lại tự do và trở vào bưng hoạt động trở lại.
Phe chủ chiến là những người hưởng được kết quả trong việc chuyển đổi quyền lực xuất phát từ những biến cố lịch sử ở miền Bắc là cuộc Cải cách Ruộng đất (CCRĐ) và Nhân Văn Giai Phẩm (NVGP). Cuối tháng 9 năm 1956, trong phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy Ban Trung Ương ĐLĐVN, do những thất bại trong CCRĐ, Trường Chinh phải từ chức Tổng Bí Thư. Quyền lực chuyển sang Lê Duẩn. Trong Đại Hội lần thứ ba Đảng Lao Động Việt Nam tổ chức vào tháng chín năm 1960, 576 đại biểu đã chọn Lê Duẩn làm Tổng bí thư và là người đứng đầu Bộ chính trị.
Vấn đề đặt ra là tại sao Võ Nguyên Giáp, người mà hào quang Điện Biên Phủ còn chói sáng ở miền Bắc trong lòng bộ đội và nhân dân lại không được cử vào chức vụ đó mà đại hội lại chọn Lê Duẩn? Trong hồi ký Hoa Xuyên Tuyết, Bùi Tín cho rằng “Ưu thế của ông Lê Duẩn là vì ’một tiêu chuẩn tất nhiên hồi ấy, ở tù lâu năm, một bằng cấp cần thiết để được giao quyền cao chức trọng, vì từ đó được coi là được thử thách nhiều hơn, đáng tin cậy hơn.” [31]
Hoàng Tùng, trong bài viết năm 2002 trên Tạp chí Cộng Sản, cũng nói Lê Duẩn là người “hoạt động cách mạng ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam lâu dài nhất, thời gian ở tù lâu nhất” và có “quan hệ rộng với các đồng chí thuộc cả hai thế hệ trong những năm hoạt động bí mật.” [32]
Trong hồi ký Đêm giữa ban ngày, nhà văn Vũ Thư Hiên có viết: "Theo nhận xét của những người cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên thì cả Hồ Chí Minh lẫn Trường Chinh đều lo ngại ông tướng đã có quá nhiều vinh quang sẽ trở nên không dễ bảo sau cuộc đảo lộn ngôi thứ. Mà cả Hồ Chí Minh lẫn Trường Chinh đều muốn giữ lại vị trí trước kia của họ về thực chất, cho dù danh nghĩa không còn. Cần phải chọn một người có vị trí và uy tín kém hơn Võ Nguyên Giáp. Do biết ơn người cất nhắc mình, người đó sẽ vừa ngoan ngoãn vừa trung thành. Lê Duẩn thích hợp hơn cả với vai trò đó." [33 ]
Lê Đức Thọ được trao chức vụ Trưởng Ban Tổ Chức Đảng, là người có nhiệm vụ bảo đảm bộ máy đảng. Bên cạnh đó người ta cũng có thể kể đến Phạm Hùng, tướng Nguyễn Chí Thanh (Tổng Cục Chính Trị), Tố Hữu (Trưởng ban Khoa giáo và Tuyên huấn Trung ương) vốn là người cầm đầu chiến dịch thanh trừng nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, vẫn còn khả năng theo dõi và đưa ra các biện pháp chế tài đối với giới trí thức văn nghệ sĩ.
Trong một đoạn văn khác, tác giả Liên Hằng T. Nguyễn cho biết: “Tháng 1 năm 1959, trước phiên họp toàn thể lần thứ 15, số phận của cuộc kháng chiến miền Nam và tương lai của việc xây dựng miền Bắc đều rất bấp bênh. Theo các học giả, quyết định tiến hành chiến tranh của Hà Nội, ẩn mã trong Nghị quyết 15, là một biện pháp nhằm cứu vãn cuộc kháng chiến ở miền nam.” [34]
Chúng ta nhớ thời điểm lúc bấy giờ là khi ở miền Nam chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm ban hành đạo luật 10/59 đặt Cộng Sản ra ngoài vòng pháp luật, tình hình chống Cộng, tố Cộng lên cao đến cực điểm toàn miền Nam và ngành tuyên truyền của miền Bắc đã phải rêu rao tố giác rằng chính quyền Ngô Đình Diệm đã “lê máy chém” đi khắp nơi. Các khu trù mật, ấp chiến lược đã chứng tỏ khả năng lợi hại của chúng. Du kích Cộng Sản như cá nằm ngoài nước không còn hoạt động được nữa để chờ đợi bị thanh toán hay về đầu thú với chính quyền quốc gia. Nghị quyết 15 được đưa ra nhằm tái tục cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam thông qua Hội nghị Trung ương 15 tổ chức vào tháng giêng năm 1959, nhưng chỉ được chính thức công bố một tuần sau việc chính phủ tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành Luật 10/59 vào tháng Năm [35].
Trong một bài viết gần đây nhận định về Lê Duẩn, giáo sư Pierre Asselin, thuộc Đại học Chaminade, Honolulu, “báo cáo của ông Lê Duẩn và các đồng chí miền Nam ‘nắm bắt cảm giác thất vọng của những người chiến đấu và ủng hộ cuộc cách mạng ở miền Nam. Họ cũng thể hiện sự gấp rút trong lòng những người kháng chiến miền Nam muốn có phản ứng trước sự ủng hộ ngày càng tăng của Mỹ dành cho chính quyền Sài Gòn.” [36]
Một điểm nói lên nhiều hệ lụy nhất giữa sự sụp đổ của chế độ chính trị nền Đệ Nhất Cộng Hòa với quyết tâm sử dụng con đường bạo lực để thống nhất đất nước của Cộng Sản Hà Nội được tác giả Liên Hằng T. Nguyễn trình bày như sau:
“Năm 1963 chứng kiến sự chấm dứt lập trường dao động của Hà Nội giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, thái độ trung lập với mối chia rẽ Nga-Trung, giữa cuộc chiến ở miền Nam và việc xây dựng miền Bắc. Tháng 11 năm đó, sau hai cuộc ám sát anh em họ Ngô và John F. Kennedy, Hà Nội đứng giữa hai chọn lựa: thương thuyết với chính quyền mới ở miền Nam và củng cố những thắng lợi vũ trang của quân nổi dậy ở nông thôn hoặc dốc toàn lực quân sự để giành chiến thắng cấp tốc trước khi Hoa Kỳ có thể can thiệp. Trong phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy Ban Trung Ương bắt đầu ngày 22 tháng 11 năm 1963, Hà Nội chọn phương án gia tăng chiến tranh. Nói cách khác, phe chủ chiến đạt được ủng hộ tuyệt đối năm 1963, điều mà họ từng mong muốn trong năm 1959: huy động cả miền Bắc tập trung vào cuộc chiến, gia tăng số lượng gửi quân và khí giới về hướng Nam của vĩ tuyến 17. Cũng trong phiên họp này đã xuất hiện những ý kiến chiến lược được coi là phôi thai cho cuộc tấn công TMT sau này. Áp dụng một số điểm trong học thuyết quân sự của Mao với những thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, Hà Nội tuyên bố rằng cuộc chiến ở miền Nam đòi hỏi một “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy” mà không nhất thiết phải theo đúng ba bước mà chiến lược của Mao đề ra. Trên thực tế, tại phiên họp thứ 9 này, Hà Nội đã từ bỏ ý định giành chiến thắng ở miền Nam bằng chiến lược kéo dài chiến tranh; thay vào đó họ [quyết định] xây dựng một lực lượng quân sự lớn nhằm mục đích giành thắng lợi nhanh chóng.” [37]
Nhận định của giáo sư Liên Hằng T. Nguyễn liên quan đến lãnh đạo của Miền Nam trong cuộc chiến tranh cân não đối đầu với lãnh đạo Miền Bắc khi mà sự đồng cân đồng lạng đã không còn nữa, thì ước vọng thôn tính Miền Nam của giới lãnh đạo Miền Bắc đã trở thành một quyết tâm và là điều phải thực hiện cho kỳ được.
2.2. Các lý do thực hiện và công cuộc chuẩn bị chiến dịch TCK-TKN
Nỗ lực chuẩn bị trước tiên của phe chủ chiến là thanh lý nội bộ nhắm vào việc loại trừ các nhóm thuộc phe chủ hòa. Một số các nhân vật miền Nam như Bùi Công Trừng, Phó Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia kêu gọi tăng cường hợp tác kinh tế với các nước trong khối XHCN, việc Ung Văn Khiêm, nguyên Bộ Trưởng Ngoại Giao và các thành viên khác phản đối kịch liệt việc đi theo Trung Quốc 35 cho thấy một số bất lợi cho phe chủ chiến. Hoàng Minh Chính bị dán cho nhãn hiệu “chủ nghĩa xét lại” và bị bắt sau đó. Tài liệu của Liên Hằng T.Nguyễn cho biết:
thành phố tang tóc
“Chiến dịch loại trừ những phần tử cánh hữu trong năm 1964 dẫn đến việc cho ra rìa và quản thúc những cán bộ được đào tạo tại Moscow và người bị coi là thân Liên Xô trong nội bộ ĐLĐVN, bao gồm cả những cán bộ cấp cao, du học sinh, trí thức và các nhà báo. Ngay sau phiên họp, những thành viên thẳng thắn dám lên tiếng của phe ôn hòa ở UBTƯ đều bị mất ghế. Những du học sinh ở Liên Xô và các nước Đông Âu được gọi về để tham gia những lớp học “chỉnh huấn” Tố Hữu, lúc này là Trưởng ban Khoa giáo và Tuyên huấn Trung ương, tiếp tục đàn áp giới trí thức bằng việc bắt đầu một chiến dịch mới chống lại những ảnh hưởng của “chủ nghĩa xét lại” trong văn chương Việt Nam. Nói tóm lại, những người có bất kỳ quan hệ nào với các phái đoàn ngoại giao ở Hà Nội hay đồng thuận với việc chung sống hòa bình đều bị phe chủ chiến canh chừng và theo dõi. Ngay cả trong tổ chức quân đội cũng không tránh khỏi những phiền phức liên quan đến chủ nghĩa xét lại. Sau việc tướng Nguyễn Văn Doãn, Tổng biên tập báo QĐND, trốn sang Liên Xô, Tổng cục Chính trị mở cuộc điều tra về tờ báo này. Theo Bùi Tín, lúc đó đang làm việc cho tờ QĐND, “công an chìm đi xe ô tô với cửa bịt bùng” đến tòa soạn nhiều lần và thẩm tra ít nhất năm thành viên của tòa soạn. Những viên chức này không chỉ bị mất việc và mất uy thế, họ còn bị quan sát chặt chẽ bởi bộ máy an ninh của Hà Nội. Cuộc điều tra những thành viên của tòa soạn báo QĐND và việc đàn áp những “người theo chủ nghĩa xét lại” chỉ là bước đầu cho những xung đột nội bộ của Đảng sau này, được tiến hành trên cái nền của cuộc kháng chiến ở miền Nam.” [38]
Trong cuốn sách Công lý đòi hỏi, tác giả Nguyễn Minh Cần cho biết: "Đến tháng 7 năm 1967, bắt đầu đợt bắt bớ quy mô lớn: thiếu tướng Đặng Kim Giang, viện trưởng Hoàng Minh Chính, phó bí thư Trần Minh Việt bị bắt trước tiên. Đến tháng 10 năm đó, tới lượt vụ trưởng Vũ Đình Huỳnh, nhà sử học Nguyễn Kiến Giang và nhiều người khác. Đến tháng 12 năm đó, nhà văn Vũ Thư Hiên, con trai Vũ Đình Huỳnh, bị đón đường "bắt cóc" đưa ngay vào xà lim. Một vài ủy viên Trung ương đảng tuy không bị bắt, nhưng bị giam lỏng tại gia với chế độ kiểm soát nghiêm ngặt, đó là ủy viên Trung ương đảng, phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học kỹ thuật nhà nước, nhà kinh tế Bùi Công Trừng, ủy viên Trung ương đảng, thứ trưởng Bộ văn hóa thiếu tướng Lê Liêm, ủy viên Trung ương đảng, thứ trưởng Bộ quốc phòng, chủ tịch Ủy ban Thống nhất Nguyễn Văn Vịnh, v.v..." [39]
Trong một loạt bài viết về vai trò của Lê Duẩn, đài BBC nhận định về các đồng minh của ông Lê Duẩn như sau: "Sự trợ giúp mà ông Lê Duẩn nhận được từ ông Lê Đức Thọ trong suốt tiến trình thâu tóm quyền lực là vô cùng quan trọng. Tham gia cách mạng từ những năm 1920, ông Lê Đức Thọ trải qua nhiều năm trong tù. Khi được thả năm 1945, ông được gửi vào miền Nam và làm phó cho ông Duẩn trong suốt giai đoạn xung đột giữa Việt Minh và Pháp. Quan hệ giữa hai người này sẽ có một ảnh hưởng sâu sắc trong đảng. Khi ông Lê Duẩn trở thành Tổng Bí thư, ông Lê Đức Thọ được cửa làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, một vị trí mà theo William Duiker, được nhanh chóng "biến thành bộ máy hiệu quả để điều tra và kiểm soát các đảng viên."
Pierre Asselin nói thêm rằng ông Lê Duẩn "không thể củng cố uy quyền một cách hiệu quả như đã làm nếu không có sự ủng hộ của ông Lê Đức Thọ; sự trung thành và trợ giúp của người này tỏ ra cần thiết để thanh lọc ban lãnh đạo ở Hà Nội." Một người đóng vai trò lớn trong cuộc chiến Việt Nam là đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Cho đến giữa thập niên 1960, miền Bắc chỉ có hai đại tướng bốn sao là ông Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh) và ông Nguyễn Chí Thanh (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị)."
Một số chuyên gia nước ngoài như Douglas Pike đã ghi nhận sự cạnh tranh và khác biệt trong tư tưởng quân sự giữa hai vị tướng này. Trong một bài viết năm 1966, tướng Giáp nói cuộc xung đột ở miền Nam là một cuộc chiến kéo dài và rằng chiến lược quân sự có thể mất nhiều năm để đạt thắng lợi. Ông nói ông không tin vào"các trận đánh sử dụng đơn vị chính quy lớn vì điều này có lợi cho chiến lược của kẻ thù." Tướng Thanh ngay lập tức có phản ứng. Trong bài viết đăng ở tạp chí Học Tập, tướng Thanh cho rằng chiến lược tấn công ở miền Nam là con đường đúng dẫn đến thắng lợi và nói thêm rằng lập luận của những người chỉ trích là "không logich". Một trong những lý do đưa ông Lê Duẩn và ông Nguyễn Chí Thanh trở thành đồng minh gần gũi là vì ngay từ đầu, hai người cùng quan điểm rằng con đường dẫn đến thắng lợi ở miền Nam phụ thuộc vào quân sự.
Gần đây hơn, trong bài viết năm 2002 về vai trò của những người gốc miền Nam trong cuộc chiến mang tựa đề "Why the South Won the American War in Vietnam," Robert Brigham ghi nhận tướng Giáp "từ lâu đã chỉ trích tư tưởng quân sự của tướng Thanh, và ông công khai bày tỏ nghi ngờ về hiệu quả của chiến lược tấn công của tướng Thanh... Ông Võ Nguyên Giáp ngày càng trở nên thận trọng và thực tiễn trong cuộc chiến chống Mỹ. Một số người nói điều này rốt cuộc khiến ông đánh mất uy quyền chính trị."
Ông Lê Duẩn hiểu rằng việc giảm uy thế của tướng Giáp có thể tạo ra chỉ trích và chống đối. Vì thế, nói như lời của chuyên gia Pierre Asselin, "bằng cách đề bạt và tạo điều kiện cho sự nghiệp của tướng Nguyễn Chí Thanh, ông Lê Duẩn thành công trong việc tạo nên một thần tượng mới trong quân đội."[ 40]
Sau đây là các lý do quân sự và chính trị có liên quan đến cuộc TCK-TKN, theo sự nghiên cứu của Lê Xuân Khoa, tác giả cuốn Việt Nam 1945-1995, Chiến tranh Tị Nạn Bài học Lịch sử: "Từ 1965 đến cuối 1967, Quân đội Giải phóng miền Nam (QĐGPMN) gồm cả bộ đội chủ lực từ miền Bắc đã không thể đương đầu với hỏa lực và tính di động của quân đội Mỹ và có nguy cơ thất bại nếu kéo dài tình trạng cầm cự bằng chiến tranh tiêu hao. Vì vậy, Bộ Chính trị ở Hà Nội thấy cần phải sớm chấm dứt cuộc chiến bằng một trận đánh quyết định như trận Điện Biên Phủ năm 1954. Theo cựu Đại Tá Bùi Tín, "đến cuối năm 1967, quân đội Sài-gòn và quân Mỹ hoạt động mạnh, mở nhiều chiến dịch tiến công, quân Bắc Việt thường ở thế đối phó, giữ lực lượng, rút ra xa và mất nhiều khu vực đông dân. Vì thế, năm 1968 họ cần một đợt hoạt động mạnh để giành lại thế chủ động, cải tiến thế trận." (Bùi Tín, Mây Mù Thế Kỷ, California, Đa Nguyên, 1998, tr. 101).
Giáo sư Lê Xuân Khoa cũng dẫn sách lịch sử miền Bắc cho biết: "Trung ương Đảng ta, tại Hội nghị Bộ Chính trị (tháng 12-1967) và Hội nghị toàn thể ban Chấp hành lần thứ 14 (tháng 1-1968), thông báo quyết định lịch sử: "Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kì mới - thời kì giành thắng lợi quyết định." Nghị quyết của Đảng còn chỉ rõ: "Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định." [41]
Trong phần chú thích ở cuối trang 293, Giáo sư Lê Xuân Khoa cho biết chiến dịch TCK-TKN thực ra đã được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tổng chỉ huy Trung ương cục miền Nam, đề xuất từ tháng Giêng 1967 để thay thế chiến tranh tiêu hao của Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp. Tháng Tư, Bộ Chính trị chấp thuận đề nghị của tướng Thanh. Khi tướng Thanh chết bất ngờ vào tháng Bảy, tướng Giáp lãnh trách nhiệm tiến hành kế hoạch TCK-TKN.
Ngoài ra, tư liệu của Giáo sư Lê Xuân Khoa còn bổ túc thêm rằng: "Quyết định quân sự này lại được tăng cường bởi hai lợi điểm do tình hình chính trị nội bộ của Hoa Kỳ mà các nhà lãnh đạo Bắc Việt không thể không khai thác: Thứ nhất là phong trào phản chiến đang lan tràn mạnh mẽ ở Hoa Kỳ, nhất là sau khi Mục sư Martin Luther King Jr., người vẫn ủng hộ chương trình "Xã hội Vĩ đại" của Johnson, quyết định lên tiếng vào đầu năm 1967, chống lại việc Hoa Kỳ tham gia cuộc chiến ở Việt Nam. Thứ hai là khuynh hướng muốn chấm dứt chiến tranh đang gia tăng trong Quốc Hội và ngay cả trong nội bộ Đảng Dân Chủ, đúng vào thời điểm vận động tranh cử Tổng thống năm 1968. Khuynh hướng này sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ tới triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Johnson."[ 42]
Về cái chết đột ngột của tướng Nguyễn Chí Thanh, có hai nguồn tin được kể đến. Thứ nhất, trong cuốn Tet ! của Oberdorfer, tác giả dẫn nhiều nguồn tin của giới chức quân sự Hoa Kỳ cho rằng Nguyễn Chí Thanh bị thương nặng tại miền Nam, được chuyển qua Campuchia và đưa về Bắc bằng máy bay, điều trị tại bệnh viện 108 và chết. [43] Nguồn tin thứ hai của Judy Stowe thuộc đài phát thanh BBC cho biết tướng Nguyễn Chí Thanh dự cuộc họp của Bộ Chính trị ở Hà Nội, và ngày 6.7.1967 trong buổi tiệc sau đó, tướng Thanh bị ngộ độc chết (có nguồn tin nói ông bị hãm hại). [44] Tướng Thanh chết lúc 53 tuổi.
2.3. Diễn tiến chiến lược và chiến thuật của hai phe thời gian trước khi khai diễn cuộc TCK-TKN.
Về phía Cộng quân, để đánh lừa Hoa Kỳ, Bộ Chính trị CS cho tổ chức các trận đánh ở biên giới từ giữa đến cuối năm 1967 Khe Sanh, Lộc Ninh, Cồn Tiên và Dak To, nhất là mặt trận Khe Sanh, để dụ quân Mỹ và quân lực VNCH rút bớt quân phòng thủ các đô thị đông dân ra các vùng gần biên giới và khu giới tuyến quân sự.
Ngày 20 tháng Giêng năm 1968, tướng Giáp đem các sư đoàn 325C, 304 vào mặt trận Khe Sanh, tăng quân số BV nơi này lên từ 20,000 đến 30,000 quân. Không lực Hoa Kỳ đã dội bom vào các vị trí đóng quân của CSBV trên 5000 lần với hơn 100,000 tấn bom dội xuống trong khoảng chưa đầy 5 dặm vuông. Khe Sanh là một điểm chiến lược trên đường giao thông giữa Bắc vào Nam, ở cách Quảng trị 30 dặm về phía tây và cách vĩ tuyến 17 khoảng 20 dặm. Cộng sản đánh lừa Hoa Kỳ bằng cách biến Khe Sanh thành một Điện Biên Phủ thứ hai nhưng mục tiêu quân sự của họ là ở các thị xã, thành phố.
Lợi dụng sự giải tán cơ cấu ấp chiến lược, và nhất là lực lượng an ninh của VNCH lơ là trong các ngày nghỉ Tết cũng như sự đồng bào tấp nập lo chuẩn bị mừng Tết, cộng quân đã bí mật chuyển vũ khí vào các thị xã dưới các xe vận tải chở rau quả, các xe chở quan tài đám tang để đánh lừa các trạm kiểm soát quân sự, cảnh sát.
Ngoài ra CS còn lợi dụng một hình thức khác để xâm nhập thành phố đó là tình cảm gia đình giữa người cán bộ tập kết Cộng Sản và gia đình. Trong sách Tet!, Don Oberdorfer nêu ra một trong nhiều trường hợp như thế là của một cán bộ CS tên là Sơn Lâm vốn là dân thành phố Huế tham gia kháng chiến chống Pháp thời Việt Minh năm 1948, bị đuổi ra khỏi ngành tình báo Cộng Sản năm 1952 vì cha mẹ là thành phần áp bức nhân dân, tập kết ra Bắc sau hiệp định Genève và xâm nhập trở lại miền Nam năm 1962 cầm đầu một nhóm 9 người cũng dân gốc Huế làm việc cho đảng CS. Mặc dù người chị của anh này có chồng là một cảnh sát viên của chính quyền quốc gia, anh Lâm này đã sống yên ổn trong nhà bà chị hướng đông thành phố Huế. [45]
Ngoài ra VC cũng lợi dụng Phật Giáo như trường hợp Thượng Tọa Thích Đôn Hậu ở chùa Thiên Mụ Huế để làm bung xung cho các hoạt động chính trị của chúng trong cuộc TCK-TKN.
Một vài tư liệu cho biết Cộng quân đã chuẩn bị cất giấu vũ khí trong khoảng 400 địa điểm rất an toàn khắp nơi ở miền Nam, chỉ chờ dịp là đem ra sử dụng.
Trong cuốn sách The Tet offensive, Intelligence failure in war, tác giả James J. Wirtz cho rằng Tết Mậu Thân là một sự thất bại về tình báo của quân đội Hoa Kỳ, kể cả VNCH, nhưng cáo buộc này có nhiều điểm không đúng sự thật.
Trong sách này, tác giả cho biết VC đã sử dụng rất nhiều điệp viên phụ nữ giả dạng nữ cảnh sát viên để xâm nhập các cơ sở của chính quyền, moi móc các tin tức ở Cần Thơ và phi trường Bình Thủy, chuyên chở rất nhiều lựu đạn vào thủ đô dưới những thùng đựng kẹo và cho rằng không thể nào chận đứng các hình thức này nếu không lục soát xe cộ vào thành phố vì lý do an ninh [46].
Ngoài ra một số cán bộ thuộc thành phần trí vận của CS trước khi xảy ra cuộc TCK-TKN đã được lệnh thoát ly ra bưng như một số giáo sư, sinh viên ở Sài Gòn, Huế, Quy Nhơn, Đà Lạt v.v... để làm hướng đạo cho các toán VC từ nông thôn xâm nhập thành phố.
Trong sách Vietnam at war, The history 1946-1975, tác giả Phillip B. Davidson đã dẫn lời của J-2MACV, một viên chức lão thành của giới tình báo quân sự Hoa Kỳ ràng: "Ngày 30 tháng Giêng là một ngày nóng bỏng đối với người Mỹ và các đồng minh. Tôi đã thuyết trình cho tướng Westmoreland lúc 7 giờ sáng, báo cáo với ông về những cuộc tấn công của kẻ thù ở giữa miền Trung Việt Nam và tiên đoán trước rằng các cuộc tấn công như vậy sẽ xảy ra ở các tỉnh còn lại ngay chính trong đêm nay. Tướng Westmoraland đồng ý một cách mau mắn. Ông cho mời các sĩ quan chỉ huy, thông báo cho họ biết các cuộc tấn công nặng nề sẽ diễn ra ở các thành phố và các tổng hành dinh trong phạm vi trách nhiệm của họ nội trong đêm nay, và đặt quyền chỉ huy hoàn toàn của ông trong sự báo động tối đa. Ông đã đi gặp Tổng thống Thiệu và thuyết phục ông Thiệu ra lệnh cho các viên chức quân sự Việt Nam đang nghỉ Tết trở lại nhiệm sở ngay. Một vài người thi hành lệnh đó, nhưng tuy nhiên đa số thì không."[ 47]
Cũng theo Giáo sư Lê Xuân Khoa: "Tình báo quân sự Mỹ được tin tức về những vụ chuyển quân của cộng sản và dự đoán sẽ có những cuộc tấn công trước hay sau Tết nhưng không lượng định được rằng đây là trận đánh quyết định ở mức độ toàn diện. Ngày 10 tháng Giêng, tướng Frederick C. Weyand, tư lệnh Lực lượng Chiến trường vùng II, được sự chấp thuận của Tổng tư lệnh Westmoreland, bắt đầu chuyển quân chiến đấu về vòng đai Sài-gòn, tăng cường lực lượng bảo vệ thủ đô từ 14 lên 27 tiểu đoàn. Theo đề nghị của tướng Westmoreland, Tổng thống Thiệu và Đại tướng Cao Văn Viên giảm thời gian hưu chiến ngày Tết từ 48 tiếng xuống 36 tiếng đồng hồ và duy trì 50 phần trăm quân đội trong tình trạng báo động." [48]
Tuy nhiên trong sách Victory at any cost, The genius of Vietnam's Gen. Vo Nguyen Giap, tác giả Cecil B. Currey cho rằng cơ quan MACV đã ước tinh sai lầm khi dự đoán rằng cuộc hưu chiến Tết là dịp để Cộng quân chuyển vận các vật dụng hậu cần vào miền Nam hơn là tung ra các cuộc tấn công. [49 ]
Trong một bài viết có in trong tập Án tích Cộng Sản Việt Nam, tác giả Trần Gia Phụng đã dựa vào tư liệu của tác giả Don Oberdorfer khi cho rằng CSBV đã đổi lịch cho miền Bắc ăn Tết trước miền Nam một ngày để dễ bề chuẩn bị cho việc tiến hành cuộc tấn công Tết Mậu Thân; nhưng lập luận này xét ra không vững, bởi vì nếu rõ ràng là như thế thì tại sao đến giờ phút cuối Võ Nguyên Giáp lại ra lệnh hoãn cuộc tấn công lại 24 tiếng đồng đồ ngày hôm sau, để lại những hậu quả tổn thất nặng nề cho phía Cộng quân về sự đổi thay thời điểm này?
2.4. Cuộc Tổng Công Kích và Tổng Khởi Nghĩa, các quan điểm về nhận định thành bại.
Trước hết về kế hoạch dụ địch, nghĩa là tạo cho Hoa Kỳ và quân lực VNCH dồn tất cả lực lượng về phía các mặt trận biên giới và giới tuyến để chúng có thể dễ dàng đưa quân vào chiếm các vị trí thành phố, Bộ Chính trị CSBV đã không thành công bởi vì lực lượng cơ động của Hoa Kỳ đã di chuyển rất linh hoạt và mau chóng với phương tiện vận chuyển rất dồi dào. Tại mặt trận Khe Sanh, Cộng quân đã gánh chịu những tổn thất nặng nề với lực lượng phi pháo của Đồng Minh, và đã thất bại trong cố gắng biến Khe Sanh thành một Điện Biên Phủ thứ hai.
Cuộc TCK-TKN của Cộng quân nhằm hai mục đích rõ ràng là "tấn công" và "nổi dậy" cho nên chúng đã lựa chọn các thành phố và thị xã mà trong đó Sài Gòn và Huế là hai mục tiêu chính tuy vậy chủ đích của họ vẫn không đạt được thành công.
Trong tác phẩm đã trích dẫn ở trên, Giáo sư Lê Xuân Khoa đưa ra nhận định của ông về Tết Mậu Thân tại Sài Gòn như sau:
"Trận công kích Sài-gòn bị thất bại mau chóng vì giới lãnh đạo Bắc Việt quá chủ quan, tin tưởng quân giải phóng sẽ chiếm giữ hay phá hủy được những cơ sở trọng yếu về hành chánh và quân sự của VNCH và Hoa Kỳ, nhất là chiếm được Dinh Độc Lập và tòa Đại sứ Mỹ để gây tiếng vang quốc tế, trong khi dân chúng thủ đô sẽ ồ ạt xuống đường biểu tình ủng hộ cuộc cách mạng giải phóng chống ngụy quyền và đế quốc Mỹ. Tất cả những mục tiêu của cuộc tấn công đều không đạt được, trừ việc đốt phá một phần kho đạn ở Long Bình, cách Sài-gòn khoảng 20 dặm. Quân giải phóng không lọt được vào Dinh Độc lập, toán tấn công tòa Đại sứ quán Mỹ thì bị tiêu diệt khi mới lọt vào sân trước. Trung đoàn 101 chiếm được kho dự trữ Gò Vấp, nhưng các chiến xa ở đây đã được chuyển đi nơi khác. Mười hai cỗ súng đại bác 105 ly để lại thì không sử dụng được vì bộ phận khai hỏa đã bị quân VNCH tháo ra đem đi mất. Những toán quân đã lọt vào thành phố không liên lạc được với nhau và bị tiêu diệt hay phải rút lui vào Chợ Lớn. Một trung đội C-10 chiếm được Đài Phát thanh có chuyên viên đem theo cuộn băng thâu sẵn của Bộ Chỉ huy chiến dịch TCK/TKN nhưng không phát thanh được vì tuyến truyền thanh đã bị chuyên viên kỹ thuật của đài vô hiệu hóa bằng tín hiệu từ xa. Tại Chợ Lớn, quân giải phóng chiếm được trường đua ngựa Phú Thọ làm trung tâm chỉ huy các cuộc chiến đấu với các lực lượng phòng vệ thủ đô, nhưng đến ngày 7 tháng Ba cũng phải bỏ chạy." [50]
Trong Vietnam at war, Phillip B, Davidson cho biết căn cứ vào cung từ của các tù binh chiến tranh [51], cuộc tấn công toàn quốc tiên khởi được ấn định vào tối 29 rạng ngày 30 tháng Giêng, nhưng trước ngày D, Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh hoãn lại 24 giờ đồng hồ nên có một số tỉnh đã tấn công trước như Kontum, Pleiku, Bình Định, Darlac, Khánh Hòa và Quảng Nam vì không nhận được lệnh hoãn, và vì thế Giáp đã đánh mất yếu tố then chốt dành cho cuộc Tổng Công Kích của ông đó là sự bất ngờ. Sài Gòn bị tấn công vào ngày 31/1 tức ngày mồng hai Tết cùng với bảy tỉnh khác là Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Tín, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Vĩnh Long, Phong Dinh chính là lúc các giới chức Hoa Kỳ và VNCH được cảnh báo trước.
đường di chuyển của bão
Việc dân chúng thờ ơ với điều mà Hà Nội tin là sẽ hưởng ứng lời kêu gọi nổi dậy lật đổ chính quyền vốn là lẽ đương nhiên, bởi vì chính nhân dân miền Nam, nhất là tại thủ đô Sài Gòn, làm sao có thể nghe theo lời CS được khi mà đa số chính họ đều là thành phần di cư tị nạn CS từ năm 1954, vốn đã có nhiều kinh nghiệm sắt máu với chế độ vô sản ở miền Bắc? Còn nếu họ là dân Nam thì cũng đã biết được thế nào là CS nhờ báo chí, sách vở và nhất là kinh qua dưới chế độ chống Cộng của nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa với một ý thức hệ "chống Cộng" vốn đã được hấp thụ nhuần nhuyễn dưới thời của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho đến thời gian lúc bấy giờ. Trong con mắt đại đa số dân chúng tại thủ đô Sài gòn, người lính "giải phóng" hay hình ảnh "bộ đội bác Hồ" là một cái gì đó quê mùa, nhớp nhúa nếu không nói là quái đản đối với họ.
Nói chung dân chúng tại thủ đô cũng như các tỉnh chẳng những đã không hưởng ứng lời kêu gọi nổi dậy của Cộng quân mà còn tìm mọi cách để chạy thoát khỏi các khu vực CS chiếm đóng, và nhiều nơi dân chúng đã tìm cách giúp quân đội VNCH và Hoa Kỳ trong công việc chống lại các toán Cộng quân, như tư liệu của một số sử gia Hoa Kỳ ghi lại. [52 ]
Sự kiện TCK-TKN xảy ra tại Huế đã được nhiều tư liệu nói đến nên ở đây chúng tôi xin nêu lên một số điểm khái quát mà thôi.
Trước hết, Huế là một thành phố có nhiều trí thức, sinh viên học sinh và đã xảy ra nhiều biến động tại đây kể từ vụ biến cố Phật Giáo rằm tháng tư âm lịch 1963. Qua năm 1964, Huế cũng là nơi thành lập tổ chức Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc do một số giáo sư và giảng viên Đại Học Huế như Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Lê Tuyên, Cao Huy Thuần, Hoàng Văn Giàu tham gia, bị cán bộ CS xâm nhập lèo lái hướng đến các hoạt động biểu tình chống Mỹ, chống Công Giáo (dưới danh nghĩa chống dư đảng Cần Lao). Năm 1966, Huế cũng là nơi xuất phát vụ bàn thờ Phật xuống đường chống hai tướng Thiệu Kỳ để rồi sau đó một số trí thức, sinh viên thoát ly theo CS như Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Huỳnh Ngọc Ghênh v.v...
Vào dịp Tết Mậu Thân, Cộng sản kéo về thành phố Huế qua các ngả đường từ rừng núi phía Tây với khoảng một trung đoàn gọi à E-6 (gồm 3 tiểu đoành, ngoài ra có thêm 1 tiểu đoành đặc công, 1 đại đội pháo và du kích Hương Trà và Hương Điền. Cánh quân phía nam gồm trung đoàn E-9 thuộc sư đoàn 309, trung đoàn 5 (gồm 4 tiểu đoàn), 1 tiểu đoàn pháo, 4 đại đội đặc công. Sau khi chiếm được một số địa điểm tại Huế, CS cho công bố việc thành lập một tổ chức gọi là Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình Việt Nam do Lê Văn Hảo làm chủ tịch và Hoàng Phủ Ngọc Tường làm tổng thư ký. Sau đó Hảo được đưa lên làm chủ tịch chính quyền cách mạng Huế. Sau này Lê Văn Hảo lên tiếng phủ nhận việc này vì cho rằng trong thời gian đó ông còn nằm ở rừng núi Trường Sơn[*].
Trong thời gian này, các lực lượng an ninh CS lo lùng bắt và giết tất cả các nhân viên chính quyền VNCH, các người cộng tác với cơ quan CIA, những người bị tình nghi như một số linh mục, tu sĩ VN cũng như ngoại quốc, các giáo sư đại học dạy Y khoa tại Huế. VC chiếm được một số địa điểm tại Huế nhưng thất bại trong việc kêu gọi dân chúng nổi dậy vì đa số dân chúng đã có ý thức chống Cộng. Huế được coi là thủ đô của Phật giáo nhưng người Phật giáo là người hữu thần cho nên làm thế nào để có thể cộng tác với những hạng người vô thần như CS được? Bởi vậy, dân chúng đã tìm cách chạy về phía chính quyền quốc gia như phía khu vực đồn Mang Cá, phía đài phát thanh và khu vực MACV (hữu ngạn sông Hương), khu vực phi trường Phú Bài, trường Kiểu Mẫu v.v... Các linh mục Bửu Đồng, Lê Văn Hộ ở Huế và Quảng Trị bị giết, một số các đảng viên Đại Việt Cách Mạng Đảng bị bắt và bị xử từ như ông Từ Tôn Kháng, Trần Mậu Tí, Võ Công Lộ, rất nhiều đảng viên VNQDĐ bị bắt và bị CS xử tử, nghị sĩ Trần Điền, nhà ái quốc Võ Thành Minh (người thổi sáo bên hồ Léman, Thụy Sĩ nhân Hiệp định Genève chia đôi đất nước năm 1954), sinh viên Lê Hữu Bôi v.v... Tôi có một người bạn học cùng lớp trong chủng viện là anh Nguyễn Văn Thứ (đại chủng sinh) bị bắt cùng với hai trăm thanh niên Công Giáo tại giáo xứ Phủ Cam. Một thầy dạy học của tôi là Sư huynh Martin (Mai-Thịnh) thuộc Dòng Thánh Tâm Huế cũng bị bắt giết trong dịp này. Tất cả đều bị VC giết. Lực lượng quân đội VNCH và Hoa Kỳ đã phải chật vật lắm mới đẩy được Cộng quân ra khỏi thành phố Huế bằng các trận đánh trong thành phố, chiếm lĩnh từng căn nhà, khu vườn, với sự tiếp tay của dân chúng cố đô. Ngày 25.2.1968, Cộng quân rút lui khỏi Huế trong sự thảm bại hoàn toàn.
Tổng kết về thiệt hại nhân sự cho thấy tại Huế khoảng 5,000 quân "giải phóng" bị giết, 89 tên bị bắt, số bị thương không rõ. Phía VNCH có khoảng 384 chết và 1,830 bị thương, phía Mỹ có 216 chết và 1,354 bị thương. Theo sử gia Douglas Pike, con số nạn nhân tại Huế bị giết trong vụ Tết Mậu Thân có thể lên tới 5,700 người. [53]
Chính CS cũng đã phải thú nhận sự thất bại này trong các tài liệu giáo khoa Sử chính thức của họ: "Cuộc tập kích chiến lược Tết Mậu Thân - mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy - là đòn bất ngờ làm cho địch choáng váng. Nhưng do lực lượng địch còn đông (hơn nửa triệu quân Mỹ, gần 1 triệu quân ngụy), cơ sở của chúng ở thành thị mạnh nên chúng đã nhanh chóng tổ chức lại lực lượng và phản công quân ta ở cả thành thị lẫn nông thôn. Vì vậy trong đợt 2 và đợt 3 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, lực lượng ta gặp không ít khó khăn và tổn thất. Quân cách mạng vào chiếm giữ trong đợt 1 bị đẩy khỏi thành phố. Những người dân có cảm tình với cách mạng, ủng hộ quân giải phóng trước đó bị bắt. Nhiều vùng nông thôn giải phóng của ta trước đây bị địch chiếm. Mục tiêu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy không đạt được đầy đủ. Lực lượng của ta bị tổn thất nhiều... 111,306 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và chính trị ở miền Nam đã hi sinh và bị thương." [54]
Con số 111,306 Cộng quân bị chết trong ba đợt tổng tấn công của CS được thừa nhận trong các tư liệu chính thức của Miền Bắc xét ra cũng phù hợp với tư liệu của MACV là trong đợt đầu quân giải phóng miền Nam chết 42,000 người, đợt hai 40,000 người và đợt ba 26,000 người, tổng cộng là 108,000 người [55].
Tướng Trần Văn Trà, người chỉ huy mặt trận Sài gòn đã phải thú nhận: " Các mục tiêu quân sự trong dịp Tết vượt qua sức mạnh của chúng ta. Tất cả đều nằm trong ước muốn chủ quan của những người vạch ra kế hoạch. Vì vậy sự thổn thất của chúng ta đã rất lớn lao về vũ khí cũng như nhân sự. Và chúng ta không thể lấy lại được những gì chúng ta đã tạo ra. Vì vậy, chúng ta đã phải vượt qua biết bao nhiêu khó khăn trở ngại trong các năm 1969, 1970."[ 56]
Theo nữ bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, một thành viên lãnh đạo của MTDTGPMN/VN, "Hà Nội đã có tội khi đưa ra những tính toán sai lầm làm tiêu phí hết sức mạnh của miền Nam." [57]
Trong tác phẩm The genius of Vietnam's Gen. Vo Nguyen Giáp, sử gia Cecil B. Currey cho rằng: "Thất bại lớn nhất của cuộc tổng tấn công Tết không phải là của Giáp mà rõ hơn là của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Giáp đã chống đối dự án ngay từ khởi đầu nhưng các luận cứ của Thanh và Lê Duẩn đã thuyết phục được Hồ Chí Minh rằng cuộc tiến công phải được thực hiện. Sự việc cho biết Cộng quân đã phải chịu nhiều tổn thất lớn lao. Dân chúng miền Bắc đã quá mệt mõi vì các trận mưa bom của Mỹ. Hoa Kỳ có thể sẽ phải quyết định xâm lược miền Bắc. Một trận đánh mang đầy kịch tính ở miền Nam bộc lộ khả năng yếu kém của chính quyền ở đây và bó buộc Hoa Kỳ phải rút lui. Giáp đã phải miễn cưỡng tuân theo mọi quyết định. Kết quả đó đã không làm cho ông ta ngạc nhiên khi lực lượng quân sự Hoa Kỳ đã chứng tỏ rất đỗi thích hợp và có khả năng ứng biến hơn là Thanh và Lê Duẩn tiên đoán." [58]
Tướng Trần Độ, một nhà lãnh đạo quân sự chỉ huy mặt trận Sài Gòn bên cạnh Trần Văn Trà đã nhận định: "Thành thật mà nói, chúng ta đã không hoàn thành được mục tiêu chính của chúng ta. Việc gây một ảnh hưởng lớn đối với Hoa Kỳ thật ra không phải là ý định của chúng ta nhưng điều đó lại trở nên một kết quả may mắn." [59]
Đối với các giới chức hành chánh và quân sự Hoa Kỳ lúc đó như Tổng Thống Johnson, Cố vấn An ninh Quốc gia Walt Whitman Rostow, Thống Tướng Westmoreland chẳng hạn, các vị này đều cho rằng qua biến cố Tết Mậu Thân, Cộng Sản đã thất bại trong việc đạt tới sự bất ngờ mang tính chiến lược trong dịp Tết (strategic surprise) bởi vì một cuộc tấn công lớn của CS đã được dự đoán là có khả năng xảy ra vào dịp nghỉ Tết nên Hoa Kỳ và quân lực VNCH đã dự phòng phần nào. Tuy nhiên họ cũng cho rằng cuộc tấn công của tướng Giáp cũng đã đạt được sự bất ngờ chiến thuật (tactical surprise). Đối với Tướng Westmoreland, thắng lợi của quân đội Hoa Kỳ và quân lực VNCH trong cuộc TCK-TKN là một sự kiện hiển nhiên trước sự thú nhận của Bắc Việt và các nhà lãnh đạo "quân giải phóng", tuy nhiên có một vài giới chức vẫn lớn tiếng phủ nhận đó là một số người trong truyền thông Hoa Kỳ.
Nói chung, vài kẻ trong giới truyền thông Hoa Kỳ vốn có thái độ kỳ thị cố hữu đối với Miền Nam kể từ thời Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm (1954-1963) cho đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa.
Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ký giả trẻ tuổi Halberstam đã cùng với Averell Harriman, Henri Cabot Lodge, Roger Hillsman và Michael Forrestal làm thành nhóm gọi là Diem Must Go mà mục đích là lật đổ cho được chế độ của TT Ngô Đình Diệm. Ký giả Halberstam từng gửi cho nhật báo The New York Times một bài viết ngày 30 tháng Tám, 1963 từ Sài Gòn trong đó có điện văn mật của Tòa đại sứ Hoa Kỳ (ngày 24.8.63) tại Sài Gòn, có câu: "Nhiều nguồn tin cao cấp của giới ngoại giao nói rằng Hoa Kỳ phải quyết định về một chính quyền không có vợ chồng Ngô Đình Nhu thì mới hy vọng chiến thắng trong cuộc chiến chống Cộng và rằng ông bà Nhu thì lại không thể nào tách ra khỏi chính quyền hiện tại..." [60]
Halberstam cũng đã từng thúc giục Hoa Thịnh Đốn thay đổi trưởng nhiệm CIA ở Sài gòn là Richardson vốn là người có thiệm cảm với TT Diệm. Trong vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, chính Halberstam cũng góp tay vào việc dàn dựng và đưa tin khắp thế giới về biến cố này. Ngày 5 tháng mười, 1963 chính quyền của TT Kennedy giữ lại số tiền 250.000 Mỹ kim tài trợ cho Lực lượng Đặc Biệt của Đại Tá Lê Quang Tung mà ngày 22.10 khi đăng tải tin tức trên tờ The New York Times, Halberstam chế thêm dầu vào lửa khi nói rằng lực lượng quân đội của ông Nhu được thấy như là sử dụng cho các mục tiêu quân sự mang tính cách chính trị.
Một ký giả khác Rufus Phillips tin rằng cố gắng của Hoa Kỳ sẽ trở thành vô vọng khi ông Ngô Đình Nhu còn ở trong chính quyền và y luôn luôn chủ trương phải cắt đứt mọi viện trợ cho Lực Lượng Đặc Biệt của Đại Tá Lê Quang Tung. [61]
Chính các loại ký giả cỡ như David Halberstam, Rufus Phillips, Neil Sheehan chuyên sử dụng các nguồn tin của cán bộ Cộng Sản, đã đầu độc dư luận nhân dân Hoa Kỳ và góp tay vào việc lật đổ chế độ của TT Ngô Đình Diệm qua vụ Phật Giáo.
Trong biến cố Tết Mậu Thân, báo giới Hoa Kỳ chia làm hai phe, một bên cho rằng Hoa Kỳ đang thắng lợi trong khi phe kia, như Walter Cronkite lại nhất định chủ trương rằng Hoa Kỳ đã rõ ràng thất bại trong cuộc TCK-TKN. Edward J. Epstein trong TV Guide của chương trình NBC đã gợi ý rằng: "... các tiết mục gồm ba phần cho thấy Tết quả thật là một chiến thắng có tính cách quyết định của Hoa Kỳ và rằng cơ quan truyền thông đã cường độ một cách quá đáng về quan điểm cho rằng đó là một thất bại của miền Nam. Sau khi cân nhắc lại ý kiến đó đã bị loại bỏ bởi vì... Tết đã hoàn toàn được hình thành trong đầu óc công chúng rằng đó là một thất bại và như thế cũng là sự thất bại của Hoa Kỳ." [62]
Nhà văn Peter Braestrup trong một cuốn sách của ông cho rằng các ký giả và những người làm tin đã báo cáo sai về cuộc tấn công Tết vì rằng họ là những người nạn nhân vô tội của một hệ thống những trường hợp thông tin bất bình thường.
Robert Elegant vốn là một phóng viên phục vụ tại Việt Nam trong nhiều năm đã nghiêm khắc trách cứ các đồng nghiệp của mình trong việc đưa sai tin tức, không chỉ trong vụ tấn công Tết mà còn toàn bộ cuộc chiến tranh. Elegant tin rằng các ký giả Hoa Kỳ ở Việt Nam đã đi trật đường vì họ bị cưỡng bách cô lập khỏi cuộc sống ở Việt Nam vì lẽ họ bị cách biệt khỏi người Việt Nam do các hàng rào ngôn ngữ, văn hóa và tách biệt khỏi giới quân sự Hoa Kỳ vì các thái độ luân lý và các thành kiến chính trị. Ký giả Elegant cũng cho rằng hầu hết các phóng viên tường thuật cuộc chiến một cách tiêu cực bởi vì các ông chủ báo muốn như thế. Hơn nữa, ký giả nào từ chối chấp nhận kiểu loan tin như vậy, trái ngược với cách làm của giới ký giả đồng nghiệp của mình, sẽ bị loại ra khỏi nghề nghiệp và bị cô lập trong đời sống cá nhân của mình. [63]
Trong một số tư liệu của ngoại quốc viết về Tết Mậu Thân, hầu hết các tác giả này đều cho rằng dư luận dân chúng Hoa Kỳ bị choáng váng vì tính cách bất ngờ của biến cố, bởi vì thời gian trước đó, tin tức chiến sự từ VN chuyển về đều nói rằng HK đang trên đà chiến thắng. Nay thì dân chúng HK đang hụt hẫng vì sự thật khác biệt đang xảy ra nguyên do có lẽ vì Tổng Thống Johnson đã không muốn phá vỡ niềm tin rằng HK đang chiến thắng. Lẽ ra trong các thông điệp như State of Union chẳng hạn, TT Johnson phải trình bày rõ cho dân chúng Hoa Kỳ biết các diễn tiến của cuộc chiến tại VN để họ cảm thông và có những đồng thuận với ông trong các quyết định của hành pháp. Chính sau này, Johnson cũng xác nhận đó là những sai lầm của ông. Do biến cố Tết Mậu Thân, TT Johnson thông báo quyết định không ra tái tranh cử Tổng thống năm 1968, và mặc dù CSBV trước khi tiến hành cuộc TCK-TKN cũng đã không hề nghĩ tới dư luận của dân chúng HK, nhưng nói như Trần Độ, họ cũng được hưởng một chút kết quả do may mắn hơn là có tính toán trước. Dư luận cũng nói nhiều đến việc CSBV muốn dùng biến cố Tết Mậu Thân để tiêu diệt bớt lực lượng của MTDTGPMN để thay vào đó là quân chủ lực Bắc Việt và các thành phần lãnh đạo do Hà Nội gửi vào. Một số sách vở như tài liệu bút ký, hồi ký, phát biểu của các nhân vật lãnh đạo quân "giải phóng" miền Nam cũng bộc lộ sự kết án này trong những lời lẽ chua chát, hậm hực pha lẫn đắng cay. Sự thật lịch sử sẽ xác quyết vấn nạn này.
Riêng về giới lãnh đạo của hai nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa, chắc chắn mọi người đều có thể so sánh, đối chiếu một cách dễ dàng. Một bên là Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm tận tụy làm việc cho đất nước đến hy sinh mạng sống mình vì bảo vệ chủ quyền dân tộc, như lời ông đã nói với ký giả Maguerite Higgins của tờ báo New York Herald Tribune đầu tháng 8 năm 1963: "Tôi dường như không thể thuyết phục cho Tòa Đại Sứ biết rằng đây là Việt Nam chứ không phải là Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ."[64] , còn một bên Tướng Nguyễn Văn Thiệu ỷ lại vào Hoa Kỳ trong một thời điểm nóng bỏng như những ngày trước tết Mậu Thân vẫn còn nhởn nhơ về quê vợ là Mỹ Tho để ăn Tết mặc dù ngành tình báo Hoa Kỳ đã cảnh giác trước. Với một típ người lãnh đạo như Tướng Thiệu, làm sao chúng ta không mất nước được ?
Nguyễn Đức Cung
New Jersey 5.10.2007
1.- Liên Hằng T. Nguyễn, “Bộ Chính trị chiến tranh: Đường lối chính trị và ngoại giao của Bắc Việt trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968”. (The War Politburo: North Vietnam's Diplomatic and Political Road to the Têt Offensive), Journal of Vietnamese Studies Feb 2006, Vol. 1, No. 1-2: 4–58. Vy Huyền dịch, Talawas ngày 22.2.2007.
2.- Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945-1995, Chiến tranh, Tị nạn, Bài học Lịch sử, Tập I, Tiên Rồng 2004, trang 271, Phần Ba: “Nội chiến hay Chiến tranh Ủy nhiệm?” Ý kiến của Lê Xuân Khoa đã gây một số tranh luận trên báo chí Việt Nam ở hải ngoại.
3.- Nguyễn Văn Minh, Dòng họ Ngô Đình, Ước mơ chưa đạt, Hoàng Nguyên xuất bản, tái bản lần thứ nhất tháng 11-2003, tr. 419.
4.- Nguyễn Văn Minh, Sđd, tr. 421.
5.- LM Bửu Dưỡng, “Trước những trào-lưu mới: Phong-trào Nhân-Vị”, Tạp chí Đại Học số 11, Tháng 9 năm 1959, tr. 48.
6.- Robert Scigliano, South Vietnam, Nation Under Stress, (editor: Dayton D. McKean), University of Colorado, Houghton Mifflin Company, Boston, tr. 76.
7.- Trong những năm ra hải ngoại sau ngày 30-4-1975, linh mục Nguyễn Phương (nguyên giáo sư sử học Viện Đại Học Huế trước 1975) cộng tác với nhiều báo Việt ngữ, dưới bút hiệu Trúc Long. Bài này được đăng trên tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong ở Virginia, khoảng tháng 8-1982.
8.- Nguyễn Văn Minh, Sđd, tr. 423.
9.- Đại Nam Thực Lục Chính Biên, quyển XXVII, tr. 45. Kế hoạch này đã được Tiễu Phủ Sứ Nguyễn Tấn và hậu duệ của ông áp dụng trong việc xây dựng cơ cấu Sơn phòng Quảng Ngãi và Bình Định, đem lại an ninh và thịnh vượng cho vùng cao các tỉnh này. Xem thêm Nguyễn Đức Cung, Lịch sử vùng cao qua Vũ Man Tạp Lục Thư và Diên-Lộc Quận-Công Nguyễn Thân, do nhà xuất bản Nhật-Lệ in và phát hành năm 1998 và 2002.
10.- Lâm Thanh Liêm, Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1994), Nxb. Nam Á, Paris, 1995, tr. 55.
11.- Robert Scigliano, Sđd, tr. 180.
12.- Nguyễn Văn Châu, Ngo Dinh Diem, en 1963: Une autre paix manquée, bản tiếng Việt Ngô Đình Diệm và Nỗ lực hòa bình dang dở, Nguyễn Vy Khanh dịch, Nxb. Xuân Thu, California, 1989, tr. 149.
13.- Suzanne Labin, bản tiếng Pháp Vietnam, Révélation d'un témoin, bản tiếng Anh Vietnam, An Eye-Witness Account, Crestwood Book, Virginia, 1964, tr. 55.
14.- Suzanne Labin, Sđd, tr. 57.
15.- Suzanne Labin, Sđd, tr. 54.
16.- Nguyễn Văn Châu, Sđd, tr. 155.
17.- Bùi Tín, “40 Năm ngày đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm: cái nhìn từ Hà Nội”, tạp chí Thông Luận số 174, tháng 10-2003.
18.- Vĩnh Phúc, Những huyền thoại & sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm, Nxb. Văn Nghệ, California, 1998, tr. 93.
19.- Nguyễn Văn Minh, Sđd, tr. 88.
20.- Dư Văn Chất, Người chân chính, Nxb. Hà Nội, 1993, tr. 11; Nguyễn Văn Minh, Sđd, tr. 104-126.
21.- Ông Lê Phước Thưởng là một cán bộ phái khiển của CS, về hàng ông Ngô Đình Cẩn năm 1957, hợp tác với chính quyền phá vỡ nhiều cụm tình báo của CS tại Miền Nam. Sau ngày 30-4-1975, ông Thưởng bị bắt và đưa ra trại Hà Tây, rồi trại Nam Hà ở tù chung với tôi (NĐC), Tháng 2-1988 ông Thưởng được thả và về sống tại Đà Nẵng. Sau đó vài năm ông mất vì ung thư cổ họng. Tính ông khẳng khái nên trong tù rất được nhiều người thương mến.
22.- Tú Gàn, “Sớm đầu tối đánh”, tuần báo Sài Gòn Nhỏ, ngày 17.11.2000.
23.- John M. Newman, JFK and Vietnam, New York, Deception, intrigue, and the struggle for power, Warner Books, 1992, tr. 26.
24.- Minh Võ, Ngô Đình Diệm, lời khen tiếng chê, Nxb. Thông Vũ (tái bản lần thứ nhất, California, tháng 10, năm 1998), tr. 42.
25.- Minh Võ, Sđd, tr. 45.
26.- Minh Võ, Sđd, tr. 46.
27.- Minh Võ, Sđd, tr. 47.
28.- Ellen J. Hammer, A death in November, America in Vietnam 1963, Oxford University Press, New York, Oxford, 1987, tr. 310.
29.- Liên Hằng T. Nguyễn, Bài đã dẫn.
30.- Liên Hằng T. Nguyễn, Bài đã dẫn.
31.- Bùi Tín, Hoa xuyên tuyết, hồi ký, Nxb. Nhân Quyền, 1991, tr. 140.
32.- BBC bản tin Việt ngữ, ngày 04 tháng 5 năm 2006.
33.- Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, hồi ký, Nxb. Văn Nghệ, tái bản lần thứ nhất, 1997, tr. 328.
34.- Liên Hằng T.Nguyễn, Bài đã dẫn.
35.- Liên Hằng T. Nguyễn, Bài đã dẫn.
36.- BBC bản tin Việt ngữ ngày 04 tháng 5 năm 2006.
37.- Liên Hằng T. Nguyễn, Bài đã dẫn.
38.- Liên Hằng T. Nguyễn, Bài đã dẫn.
39.- Nguyễn Minh Cần, Công lý đòi hỏi, Nxb. Văn Nghệ, California, 1997, tr. 103.
40.- BBC bản tin Việt ngữ ngày 19 tháng 5 năm 2006.
41.- Lê Xuân Khoa, Sđd, tr. 293.
42.- Lê Xuân Khoa, Sđd, tr. 294.
43.- Don Oberdorfer, Tet, The turning point in the Vietnam war, A Da Capo Paperback, 1971, tr. 42.
44.- Judy Stowe, "Lịch sử chủ nghĩa xét lại tại Việt Nam" Đỗ Văn dịch, Phụ Nữ Diễn Đàn số 136, 1995, dẫn theo Trần Gia Phụng, Án tích Cộng sản Việt Nam, Nxb. Non Nước, Toronto, Canada, 2001, tr. 287.
45.- Don Oberdorfer, Sđd, tr. 205.
46.- James J. Wirtz, The Tet offensive, Intelligence failure in war, Cornell University Press, 1991, tr. 149.
47.- Phillip B. Davidson, Vietnam at war, The history 1946-1975, Oxford University Press, New York, Oxford, 1988, tr. 474.
48.- Lê Xuân Khoa, Sđd, tr. 295.
49.- Cecil B. Currey, Victory at any cost, The genius of Vietnam's Gen. Vo Nguyen Giap, 1997, tr. 267.
50.- Lê Xuân Khoa, Sđd, tr. 295.
51.- Phillip B. Davidson, Sđd, tr. 474.
52.- Phillip B. Davidson, Sđd. tr. 475.
53.- Lewis Sorley, A better war, The unexamined victories and final tragedy of America's last years in Vietnam, Harcourt Brace & Company, New York, San Diego, London, 1999, tr. 97.
54.- Lê Xuân Khoa, Sđd, tr. 297.
55.- Lê Xuân Khoa, Sđd, tr. 296.
56.- Peter Macdonald, Giap, The victor in Vietnam, W.W. Norton &Company, New York, London, 1993, tr. 268.
57.- Peter Macdonald, Sđd, tr. 268.
58.- Cecil B. Currey, Sđd, tr. 268.
59.- Peter Macdonald, Sđd, tr. 260.
60.- Francis X. Winters, The year of the hare, The university of Georgia Press, Athens & London, 1997, tr. 72.
61.- Francis X. Winters, Sđd, tr. 81.
62.- Phillip B. Davidson, Sđd, tr. 486.
63.- Các trường hợp trích dẫn về Peter Braestrup và Robert Elegant đều theo Phillip B. Davidson, Sđd, tr. 487.
64.- Mark Moyar, Triumph forsaken, The Vietnam War 1954-1965, Cambridge University Press, 2006, tr. 229.
[*] Tham khảo: bài trả lời phỏng vấn của Ts. Lê Văn Hảo dành cho đài Á Châu Tự Do (RFA). Thông Luận, muc “Một vòng thời sự”, ngày 21/12/2006. (BBT)
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
- "Người Do Thái và Nước Mỹ" - by Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Ý Kiến Về Hai Chữ GIAO CHỈ" - Tôn Thất Tuệ / Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Ý Kiến Về Hai Chữ GIAO CHỈ" - Tôn Thất Tuệ / Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm Nhà tiên tri của Việt tộc" - Trần Văn Giang (ghi lại)
- "Giao Chỉ hay Giao Châu?" - Hồ Bạch Thảo - Trần Văn Giang (ghi lại)
Từ Ấp Chiến Lược đến biến cố Tết Mậu Thân, những hệ luỵ lịch sử trong chiến tranh Việt Nam
Trong chiến tranh Việt Nam, biến cố Tết Mậu Thân (1968) mà sách vở của chế độ cộng sản Hà Nội gọi tên là cuộc Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa (TCK-TKN) đã được các sử gia ngoại quốc xem là một bước ngoặt lớn trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai
Từ Ấp Chiến Lược đến biến cố Tết Mậu Thân,
những hệ luỵ lịch sử trong chiến tranh Việt Nam
Nguyễn Đức Cung
những hệ luỵ lịch sử trong chiến tranh Việt Nam
Nguyễn Đức Cung
Trong chiến tranh Việt Nam, biến cố Tết Mậu Thân (1968) mà sách vở của chế độ cộng sản Hà Nội gọi tên là cuộc Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa (TCK-TKN) đã được các sử gia ngoại quốc xem là một bước ngoặt lớn trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. Hầu hết các quan điểm khác biệt của các phe lâm chiến như chính phủ Hoa Kỳ, chế độ Bắc Việt, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, giới truyền thông Hoa Kỳ và một số các quốc gia khác, giới nghiên cứu sử học Hoa Kỳ, một số các nhân vật có dính líu ít nhiều vào biến cố đó, ở phe này hay phe khác đã được bày tỏ qua sách vở, tư liệu với nhiều mục đích khác nhau như tuyên truyền, biện minh, lên án, kết tội, bào chữa, tái xác nhận v.v... Biến cố Mậu Thân cũng đã để lại nhiều ấn tượng, kỷ niệm tang thương, đau lòng trong rất nhiều đồng bào Việt Nam tại Huế - Thừa Thiên nói riêng và đồng bào Miền Nam nói chung với cái chết của biết bao người thân trong gia đình, bạn hữu và các nhân vật hành chánh, chánh trị, các tu sĩ tôn giáo ngoại quốc cũng như trong nước, kể cả các giáo sư đại học người nước ngoài đến phục vụ tại Viện Đại Học Huế. Tuy nhiên, đằng sau biến cố này là một số hệ lụy mang tính lịch sử vẫn chưa thấy giới nghiên cứu sử học đề cập tới mặc dù chúng vẫn hiện diện và nổi cộm lên thông qua biến cố này.
Bốn mươi năm qua, thời gian cũng đủ để cho một thành phố, như Huế chẳng hạn, được hồi sinh nhưng đây cũng là dịp nhìn lại biến cố đó để tìm hiểu những bài học lịch sử mà cho đến nay vẫn còn chứa nhiều bí ẩn chưa biết được, đúng như nhận định của nhà nghiên cứu sử học Hồ Khang: "Tết Mậu Thân vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Từ một mức độ nào đó, có người sẽ nghĩ là họ đã có cái nhìn toàn diện về Tết Mậu Thân, nhưng ở một góc độ khác, nhiều người sẽ vẫn không thể hiểu và giải thích được sự kiện này." [1]
Tuy nhiên việc tìm hiểu biến cố tết Mậu Thân sẽ không được rõ ràng nếu chúng ta không lược qua giai đoạn lịch sử trước đó, kể từ thời Đệ nhất Cộng hòa, bởi vì di sản chính trị của giai đoạn đó nếu chỉ còn là những đổ nát, vỡ vụn thì ít nhất nó cũng cho chúng ta biết phần nào mức độ thất bại của chúng ta và đồng minh qua sự kiện lịch sử quan trọng này tức là biến cố Tết Mậu Thân (1968).
1. Di sản tinh thần đổ nát của một chế độ chính trị
Cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam, một cuộc chiến mà ngay đến cái tên gọi của nó vẫn còn là một vấn đề tranh cãi [2], sau Nghị quyết 15 năm 1959 của CSBV và đạo luật 10/59 của chế độ VNCH đã được đánh dấu bởi những biến cố lịch sử quan trọng cần phải được nhìn đến trước khi đi sâu vào nghiên cứu lại sự kiện Tết Mậu Thân.
Sau hiệp định Genève chia đôi đất nước, ngày 20 tháng 7 năm 1954, chính phủ của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã phải lo định cư cho gần một triệu người dân miền Bắc và miền Trung (bên kia vĩ tuyến 17) có cuộc sống an cư lạc nghiệp tại miền Nam, rồi lấy lại chủ quyền từ tay người Pháp, ổn định tình hình chính trị, xây dựng nền Cộng Hòa trên vùng đất đầy dấu tích của chế độ thuộc địa và thực dân, nhất là tiến hành quốc sách chống Cộng nhằm tiêu diệt hết hạ tầng cơ sở của Cộng Sản cố gài lại tại Miền Nam sau khi Việt Minh đã rút hết khoảng 80.000 cán binh CS ra miền Bắc theo các điều khoản quy định của bản hiệp định này. Những thành quả mà chính phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm thu hoạch được trong chín năm cầm quyền (1954-1963) cần phải được nghiên cứu lại trong tinh thần đánh giá công bình, đúng đắn dưới ánh sáng của lịch sử.
1.1. Vấn đề ý thức hệ chính trị.
Trong cuộc chiến giữa hai miền nam và bắc Việt Nam, điểm quan trọng trong sự tranh chấp Quốc-Cộng đó là vai trò của một hệ thống tư tưởng mà chế độ Đệ nhất Cộng hòa đã sử dụng làm lợi khí đấu tranh để xây dựng các cơ chế dân chủ và xã hội. Chủ thuyết của miền nam lúc bấy giờ là chủ thuyết Nhân Vị vốn được coi là nền tảng tư tưởng hoạt động của Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng do ông Ngô Đình Nhu thành lập tại Sài gòn năm 1950.
Về phương diện tư tưởng, ông Ngô Đình Nhu đã có ý thức về sự cần thiết của một chủ nghĩa trong công cuộc xây dựng đất nước. Ông đưa ra chủ thuyết Nhân Vị (Personalism) khơi nguồn từ một số triết thuyết của Tây Phương như nhóm Esprit của Emmanuel Mounier, một số tông thư của các Giáo Hoàng Lêô XIII hay Giáo Hoàng Piô XI, đã được ông hoàn chỉnh lại để phù hợp với tình hình của một quốc gia Á châu, nhằm đối đầu với chủ nghĩa Cộng Sản ở miền Bắc. Ngày 8-1-1963, trong cuộc nói chuyện với một cử tọa gồm các nhà trí thức, các giáo sư đại học, giáo sư trung học và cán bộ tại Trung Tâm Thị Nghè, ông Ngô Đình Nhu giải thích rằng: "...mình đánh nhau với Cộng Sản, bây giờ Cộng Sản nó đánh mình với một Ý Thức Hệ, mà chúng ta không có một Ý Thức Hệ cứng rắn, rõ ràng, trong tâm trí chúng ta để đối lại, để có lẽ sống mà đánh Cộng Sản thì chúng ta sẽ bị ý thức hệ Cộng Sản lan tràn lung lạc." [3]
Cũng trong bài nói chuyện đó, ông Ngô Đình Nhu nhấn mạnh: " Muốn phục vụ con người trong xã hội thì con người đó phải tiến, xã hội đó phải tiến. Nhưng xã hội chỉ tiến được với những con người có ý thức nhiệm vụ. Cho nên, trên nguyên tắc, chúng ta phải nhìn nhận rằng cần phải có một ý thức hệ tiến bộ. Ý Thức Hệ chúng tôi chủ trương là Ý Thức Hệ Nhân Vị. Về Tư Tưởng Nhân Vị có nhiều thứ. Có thứ họ căn cứ vào một tín ngưỡng hữu hình, một tín ngưỡng chắc chắn, căn bản. Có thứ lại nhuốm phần nào vô thức... Ý thức hệ Nhân Vị chúng tôi chủ trương nó rất rộng rãi và không cần phải đi sâu vào các đạo giáo. Tất cả các đạo giáo, tất cả các triết lý khác, có thể cùng đi với chúng ta được trong ý thức hệ đó." [4]
Sau đây là một đoạn triển khai thêm do linh mục Bửu Dưỡng viết, trích từ bản tóm tắt bài thuyết trình của ông về chủ nghĩa Nhân Vị: "Nhân là người. Vị là thứ bậc. Nhân-Vị là tính cách con người sống đầy đủ con người theo thứ bậc của mình, đối nội cũng như đối ngoại. Theo nghĩa đó, hai chữ Nhân-Vị đầy đủ hơn chữ Personne Humaine của Pháp ngữ, vì hai chữ Personne Humaine nhấn mạnh đến ý nghĩa của chữ nhân mà ít chú trọng tới vị. Cần phải hiểu theo một ý nghĩa đầy đủ của cả hai chữ. Nhân là sống đầy đủ con người. Vị là sống theo đúng thứ bậc của mình trong những tương quan với người khác và vạn vật. Như vậy thì quan niệm về nhân-vị tùy thuộc quan niệm về con người và quan niệm các tương quan." [5]
Nhìn thấy cái sắc bén của chủ nghĩa Nhân Vị của nền Đệ nhất Cộng Hòa, một sử gia ngoại quốc, Robert Scigliano đưa ra nhận xét : "Chủ nghĩa Nhân Vị nhấn mạnh đến sự điều hòa những ước vọng vật chất cũng như tinh thần của cá nhân với các nhu cầu xã hội của cộng đồng và các nhu cầu chính trị của quốc gia. Nó nhằm tìm kiếm một con đường trung dung giữa chủ nghĩa cá nhân tư bản và chủ nghĩa tập thể mác-xít." [6]
Một nữ ký giả Hoa Kỳ, bà Suzanne Labin, vốn có rất nhiều mối liên hệ với các viên chức của chế độ Miền Nam dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trong cuốn sách Vietnam, an eye-witness account, có trích lại bài viết về chủ nghĩa Nhân Vị của bà Ngô Đình Nhu (đăng trên báo The Wanderer ngày 4.6.1964) lúc bấy giờ đang sống lưu vong ở hải ngoại sau biến cố đảo chính 1-11-1963.
Trong một bài báo nhan đề “Cần Lao Nhân Vị”, linh mục Nguyễn Phương, nguyên giáo sư sử học tại Viện Đại Học Huế trước năm 1975, đã viết: "Đối với những người tị nạn đã trưởng thành, cần lao nhân vị là những tiếng quen biết. Cũng có lẽ vì quen biết quá nên không mấy ai lưu tâm đến ý nghĩa của nó. Sự thật, mấy tiếng đó xếp lại bên nhau có thể tạo nên một phương châm thiết thực nhất và cao cả nhất cho đời sống cá nhân và xã hội. Cần lao nhân vị gọn gàng là một triết lý của đạo làm người. Cần lao không có nghĩa là làm việc suông, vì chữ cần nói lên rằng người làm việc đang tâm hướng về một mục tiêu nào đó. Và mục tiêu này được tức khắc bày tỏ bằng hai tiếng nhân vị. Cần lao là để phát huy và để bảo tồn nhân vị, chứ không phải để phục vụ tư lợi hay để làm mọi cho giai cấp đấu tranh. Nói cách khác, cần lao nhân vị là đặt giá trị con người trên việc làm, và con người lấy việc làm để củng cố chỗ đứng của mình giữa trời và đất."
Tác giả Nguyễn Phương nêu ra thông điệp của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có tên Laborem Exercens (con người làm việc) trong đó Đức Giáo Hoàng đặt vấn đề lao động trên một nền tảng chưa chủ thuyết kinh tế hiện có nào đã đặt, nhìn con người qua việc làm, bất cứ việc làm này thuộc phạm vi vật chất hay tinh thần. Xin thử trích một vài đoạn từ thông điệp Laborem Exercens: "Khi chúng tôi nói đến sự tương phản giữa lao động và tư bản, không phải chúng tôi nói đến một quan niệm trừu tượng hay một mãnh lực phi vị (impersonal) đang chuyển hành trong cuộc sản xuất kinh tế. Đàng sau cả hai quan niệm đó (lao động và tư bản) vốn có con người sống động, con người như thấy được trong thực tế của cuộc đời."
Vì đó, theo tác giả Nguyễn Phương, vấn đề lao động trở thành vấn đề cần lao, nó không còn là nô lệ của lợi tức như trong chủ thuyết tư bản, hay nô lệ của đảng phái, như trong chế độ Cộng Sản, mà nó là của con người làm việc, của xã hội loài người. Thông điệp đề cập đến một lối xã hội hóa gọi là xã hội hóa thỏa đáng (satisfactory socialization) khác hẳn với lối xã hội hóa với nhà nước hay đảng làm chủ nhân ông của Cộng sản. Xã hội hóa thỏa đáng là đem một số các phương tiện sản xuất làm của chung nhưng dưới sự điều động của cần lao và tư bản. Như thế sẽ thực hiện được chủ thuyết bảo toàn giá trị con người, mà thông điệp gọi là thuyết nhân vị (personalism).
Với chính sách đặc thù của Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, Cần Lao Nhân Vị là "một chính sách được trình bày với màu sắc của địa phương. Con người không được quan niệm như là tối thượng, mà là một loại đầu đội Trời chân đạp đất. Ở trong tam tài Thiên Địa Nhân, con người không thể nào hơn Ông Trời, nhưng lại không thể nào thua vật chất. Đất, và tất cả những gì thuộc về đất, là để phục vụ con người. Đàng khác, con người không thể hoàn tất phận sự của mình nếu không sử dụng vật chất. Cần lao, sự chăm chú làm việc, cốt là để thể hiện giá trị con người, cốt là để tô bồi chỗ đứng của con người. - NHÂN VỊ - khoảng giữa trời cao và đất rộng. Trong xã hội CẦN LAO NHÂN VỊ, cố nhiên không có cảnh con người làm nô lệ con người, huống hồ là làm nô lệ phương tiện sản xuất. Nơi đây, chỉ có đồng lao cộng tác để thành tựu cuộc cách mạng NHÂN VỊ, nó ăn cả về chiều cao, chiều rộng và chiều sâu. Về chiều sâu, con người cần lao luyện tập cho có thành tâm thiện ý. Phải tu thân đã mới mong tề gia và bình thiên hạ. Việc cách mạng phải ăn cả về chiều rộng, vì con người cần phải tri kỷ, tri nhân, cho nên phải sống trong cộng đồng và phải cùng nhau đồng tiến. Chiều cao của cuộc cách mạng nhân vị là nhờ cần lao mà vươn lên, vươn đến Chân, Thiện, Mỹ để thông cảm với Đấng Trên Đầu Trên Cổ, với Thượng Đế. Trong chính sách cần lao nhân vị, con người sẽ làm viên mãn điều mà "bổn phận và lương tri" bảo phải làm trong bất cứ trường hợp nào (nên nhớ lại lời Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm trả lời cho Đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge chiều ngày 1 tháng 11 năm 1963, khi cụ Diệm hỏi đại sứ này về thái độ của Washington với cuộc chính biến)." [7]
Để thấy những liên hệ nhân quả của chủ thuyết nhân vị đối với biến cố Tết Mậu Thân về sau, thiết tưởng nên đọc thêm một số các tư liệu sau đây nói về chính sách, kế hoạch quốc gia của VNCH lúc bấy giờ:
"Thuyết Nhân Vị Á Đông do ông (Ngô Đình Nhu) đề xướng được ông giản lược bằng phương trình sau đây:
TAM TÚC + TAM GIÁC = TAM NHÂN
Và ông giải thích vắn tắt:
A. TAM TÚC là:
1.- Tự túc về Tư Tưởng là tự mình suy luận, cân nhắc mà lựa chọn một chính nghĩa để phụng sự và một khi đã chọn rồi thì không còn lay chuyển nữa. Chính nghĩa đó là cuộc cách mạng chính trị, xã hội, quân sự mà ta đang cụ thể hóa trong các Ấp Chiến Lược. Sau đó ta tự phát huy chính nghĩa trong tâm hồn, tự học tập và tự bồi dưỡng tinh thần của ta, không cần ai thôi thúc. Tự túc về tinh thần, về tư tưởng, thì tất nhiên trong mọi trường hợp khó khăn ta vẫn vững tâm, hoặc dù có nội loạn ở Thủ Đô Sài Gòn chăng nữa, thì ta cũng không bị hoang mang hay bị lung lạc. Tự túc về tư tưởng để phát huy và bành trướng chủ nghĩa. Muốn được vậy thì phải:
2.- Tự túc về Tổ chức và Tiếp Liệu, là tự ta tìm tòi, phát huy sáng kiến để có nhiều nhân vật lực để hoạt động, không ỷ lại vào sự giúp đỡ của người khác. Chính phủ chỉ cần giúp ta một số vốn căn bản, dựa vào đó ta tìm cách biến cải thêm để hành động và mở rộng phạm vi hoạt động. Chẳng hạn hiện giờ ta thiếu kẽm gai để làm Áp Chiến Lược, thì ta cố gắng tìm vật liệu khả dĩ làm tê liệt cơ thể bất cứ ai động đến (như đồng bào Thượng đã làm trên cao nguyên); hoặc dùng địa hình địa vật để lồng hệ thống bố phòng ACL vào trong đó, đỡ cần đào hào hay rào kẽm gai. Muốn thực hiện Tự túc về Tổ chức thì cần phải:
3.- Tự túc về Kỹ thuật, là phát huy khả năng chiến đấu, và khai thác, phát triển khả năng của nhân vật lực sẵn có đến tột mức 100 phần trăm.
Ba bộ phận của Tam túc có liên hệ mật thiết với nhau: muốn Tự túc về Tổ chức mà không Tự túc về Kỹ thuật thì Tổ chức không thành; thiếu Tự túc Tư Tưởng thì tất nhiên sẽ không có Tự túc Tổ Chức và Tự túc Kỹ Thuật. Từ quan niệm Tam Túc đó phát sinh ra quan niệm Tam Giác.
B. TAM GIÁC là:
1.- Cảnh giác về Sức Khỏe (thể xác) nghĩa là không được đau ốm. Do đó ta phải tránh tất cả những việc làm phương hại cho thân xác ta như đau ốm, tứ đổ tường. Bảo đảm sức khỏe thì mới bảo đảm được khả năng làm tròn nhiệm vụ.
2.- Cảnh giác về Đạo Đức và Tác Phong Đạo Đức, vì tác phong và đạo đức là điều kiện cốt yếu của cán bộ, thiếu tác phong đạo đức sẽ chi phối tư tưởng, sẽ biến khả năng làm việc thiện ra việc ác, chưa kể việc thất nhân tâm.
3.- Cảnh giác về Trí Tuệ là phát huy óc sáng tạo, sáng tác khả năng chiến đấu của nhân vật lực sẵn có đến tột độ.
Vậy, không có sức khỏe, đau ốm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến óc sáng tạo và thu hẹp phạm vi hoạt động của đạo đức. Không có óc sáng tạo thì dù có sức khỏe, có đạo đức, cũng không có khả năng bồi bổ vào sự thiếu thốn nhân vật lực, là tình trạng của một nước chậm tiến. Có sức khỏe, có óc sáng tạo, nhưng không có đạo đức, thì sức khỏe ấy, óc sáng tạo ấy, sẽ phục vụ cho phi nghĩa, không phải cho chính nghĩa..." [8]
Thật sự các nhà lãnh đạo của nền Đệ nhất Cộng hòa đã thấy được sự cần thiết của một thứ vũ khí tư tưởng trong cuộc chiến tranh ý thức hệ đối diện với Miền Bắc theo chủ nghĩa Cộng Sản. Tiếc thay đang khi họ mang hoài bão để huấn luyện và trang bị cho cán bộ và nhân dân Miền Nam thứ vũ khí cần thiết này, thì Hoa Kỳ, người bạn đồng minh của chúng ta, đã không chia sẻ cùng một tâm thức như vậy.
1.2. Khu trù mật và Ấp chiến lược.
Trước khi nói đến các cơ cấu trên đây, thiết tưởng cần nhắc đến chính sách Dinh Diền được tổ chức trước đó để thấy rằng các nhà lãnh đạo của nền Đệ nhất Cộng hòa đã có một cái nhìn xuyên suốt trong chính sách an dân của mình.
Ngày 17.9.1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm ký nghị định số 928-NV thành lập Phủ Tổng Ủy Di Cư Tị Nạn, ngang hàng với một bộ trong Nội các, do ông Ngô Ngọc Đối làm Tổng Ủy Trưởng. Bên cạnh đó, vì số người Công Giáo di cư gần khoảng 70% trên tổng số tị nạn nên có một tổ chức cứu trợ tư nhân với tên Ủy Ban Hỗ Trợ Định Cư do Giám mục Phạm Ngọc Chi điều khiển. Tổng số dân rời bỏ miền Bắc để vào miền Nam là 875, 478 người và họ được đưa đến Sài Gòn, Vũng Tàu hay Nha Trang, sau đó đi định cư các nơi khác tùy ý họ lựa chọn.
Nói chung đối với hầu hết các cơ chế được tổ chức dưới thời Đệ nhất Cộng Hòa và một khi đã bị giải thể hay bị chính quyền kế tiếp coi như là một thứ con ghẻ không hề lưu tâm tới (trong thời Đệ nhị Cộng Hòa) tất nhiên sự kiện đó đã góp thêm rất nhiều yếu tố thuận lợi cho biến cố Tết Mậu Thân, mà rõ ràng nhất là hệ thống khu trù mật và ấp chiến lược được tổ chức và nâng lên thành quốc sách dưới thời Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Ngày nay ai cũng biết hệ thống tổ chức Khu trù mật và Ấp chiến lược là sáng kiến rất đỗi lợi hại của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu, nhờ đó mà bọn du kích Cộng Sản đã một thời khốn đốn không hoạt động được gì hữu hiệu. Thật ra việc gom dân lập ấp là một kinh nghiệm lịch sử quý báu của tiền nhân trong lúc đất nước có chiến tranh. Người có sáng kiến tiên khởi về ấp chiến lược có lẽ phải kể đến Tĩnh Man Tiễu Phủ Sứ Nguyễn Tấn (1820-1871), tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1863, Nguyễn Tấn đã áp dụng kế sách đó trong việc đánh dẹp người Mọi Đá Vách, Quảng Ngãi. Một sử liệu của Triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, đã ghi lại như sau:
"Mới đặt chức Tiễu phủ sứ ở cơ Tĩnh man tỉnh Quảng Ngãi. Phàm các việc quan hệ đến sự phòng giữ dẹp giặc, thăng cử, chọn thải, lấy lương, gọi lính sát hạch, thì cùng bàn với chánh phó lãnh binh chuyên coi một nha mà tâu hoặc tư. Lấy người hạt ấy là Nguyễn Tấn lãnh chức ấy. Tấn trước đây thự án sát Thái Nguyên, khi ấy quân thứ Thái Nguyên dần yên, nghe tin bọn ác man hung hăng, dâng sớ xin về bàn bạc để làm, trong 1, 2 năm có thể xong. Vua thấy giặc Man có phần cần cấp hơn, bèn y cho. Đến đây, chuẩn cho thăng hàm thị độc sung lãnh chức ấy, cấp cho ấn quan phòng bằng ngà. Tấn dâng bày phương lược: (nói: việc đánh giặc vỗ dân cần làm những việc khẩn cấp trước. Về 3 huyện mạn thượng du, phàm những dân ở linh tinh, tiếp gần với địa phận núi thì, tham chước theo lệ của Lạng Sơn đoàn kết các dân ở cõi ven một hay hai khu, đều đào hào đắp lũy, cổng ngõ cho bền vững. Nếu có lấn vào ruộng đất của ai thì trừ thếu cho. Còn 1, 2 nhà nghèo, ở riêng một nơi hẻo lánh, thì khuyên người giàu quyên cấp cho dỡ nhà dời về trong khu; còn đất ở thì không cứ là đất công hay đất tư đều cho làm nhà để ở. Các viên phủ huyện phụ làm việc ấy, liệu nơi nào hơi đông người thì bắt đầu làm ngay, nơi nào điêu háo (ít dân), thì phái quân đến phòng giữ, ngăn chận, dần dần tiếp tục làm, để thư sức dân." [9]
thành phố đổ nát
Cách đây hơn nửa thế kỷ, chế độ Cộng Hòa đã được khai sinh cùng với các quốc sách được ban hành như Khu trù mật và Ấp chiến lược nhằm giải quyết cho công cuộc định cư của gần một triệu đồng bào từ bắc di cư vào nam và sau đó để đối phó với chính sách khủng bố của du kích Cộng sản tái hoạt động ở các vùng nông thôn miền nam.
Trong cuốn sách Chính sách cải cách ruộng đất Việt-Nam (1954-1994), tác giả Lâm Thanh Liêm đã viết về Khu trù mật như sau: "Khu Trù Mật là một cộng đồng nông nghiệp được chính quyền thành lập và gom thôn dân vào đấy sinh sống trong những thôn xóm hẻo lánh, xa cách các trục giao thông, do đó, chính phủ không thể kiểm soát được. Trước sự đe dọa của chiến tranh xâm lược Miền Bắc, Tổng Thống Diệm quyết định tập trung thôn dân sinh sống rải rác vào Khu Trù Mật, để tiện bề kiểm soát họ, đồng thời cô lập họ với "Việt Cộng", giống như cá thiếu nước không thể sống tồn tại được. Mỗi Khu Trù Mật có khoảng 3.000 đến 3.500 dân, có hạ tằng cơ sở giống tựa như trường hợp của một thành phố:
* Một khu thương nghiệp (với một ngôi chợ xây cất bằng gạch và tiệm buôn bán).
* Một khu hành chánh (có mộ chi nhánh bưu điện), xã hội (một bảo sanh viện, một nhà trẻ) và văn hóa (các trường tiểu học và trung học cấp I, một phòng thông tin, nhà thờ và chùa chiền).
Các Khu Trù Mật được điện khí hóa. Vị trí của chúng được chọn lựa kỹ lưỡng, hội đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển (đất đai trù phú, gần các trục giao thông).
* Khu Trù Mật có thể phát triển nông nghiệp, diện tích đất trồng có thể được nới rộng nhờ khẩn hoang thêm đất màu mỡ, để trong tương lai, các thế hệ trẻ tấn lên trở thành điền chủ.
* Khu Trù Mật có thể phát triển thương nghiệp và các lãnh vực dịch vụ khác, cùng phát triển các tiểu thủ công nghệ lên hệ với ngành nông nghiệp địa phương.
* Nhờ Khu Trù Mật, chính quyền có thể cải thiện điều kiện sinh sống của thôn dân: cư trú tập trung cho phép chính phủ thực hiện nhiều công trình phục vụ nhân dân, ít đòi hỏi nhiều đầu tư hơn hình thức cư trú lẻ tẻ, rải rác (chẳng hạn như công tác thủy nông, điện khí hóa, xây cất trường học, nhà bảo sanh v.v...)
Khu Trù Mật là nơi bảo vệ dân chúng chống lại chiến tranh xâm lược của Cộng Sản Bắc Việt. Ngoài việc kiểm soát dân chúng trong Khu Trù Mật, chính quyền địa phương còn trang bị vũ khí cần thiết, để nếu cần, có thể biến Khu Trù Mật thành một "tiền đồn", ngăn chặn đoàn quân Bắc Việt xâm nhập vào Nam.
Bởi vậy các Khu Trù Mật thường được thiết lập tại các địa điểm có tính cách chiến lược, dọc theo biên giới hoặc xung quanh một thành phố lớn, để tạo một vành đai an ninh. Đồng thời Khu Trù Mật cũng là thị trường tiêu thụ các nông sản và các chế phẩm tiểu thủ công nghiệp. Chính phủ cấp phát cho mỗi gia đình định cư một mảnh đất 3.000 m 2, để xây cất một ngôi nhà (với vật liệu do chính quyền địa phương cung cấp), một chuồng heo và một chuồng gà. Mỗi gia đình có một mảnh vườn cây ăn trái hoặc một mảnh vườn rau để tự túc mưu sinh." [10]
Sử gia Robert Scigliano, thuộc viện đại học Michigan, cho biết Cộng Sản Hà Nội tuyên truyền phản đối chính sách Khu trù mật vì ngoài việc ngăn chặn Cộng Sản xâm nhập vào nông thôn, các Khu trù mật được xây dựng ở những vùng chiến lược chẳng hạn dọc theo một con đường chính hay một trục thủy lộ gây trở ngại rất nhiều cho việc chuyển quân của Cộng Sản. [11]
Trong tác phẩm Ngo Dinh Diem en 1963: Une autre paix manquée, tác giả Nguyễn Văn Châu, cựu Trung tá, nguyên Giám đốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Bộ Quốc Phòng cho rằng sự chỉ trích chính quyền về Khu trù mật chỉ nhắm vào những chuyện xấu về nhân sự, và dư luận đối lập đi xa hơn nữa cho rằng chính quyền ép buộc dân bỏ làng mạc nhà cửa. [12]
Đối với bài học lịch sử cũ về Ấp chiến lược, thiết tưởng cần đọc Suzanne Labin, một nhà văn kiêm phân tích gia vốn nhiều lần tới thăm Miền Nam Việt Nam trong thời gian Đệ nhất Cộng hòa, từng được Tổng Thống Ngô Đình Diệm tiếp kiến nhiều lần, đã có những buổi thuyết trình chính trị tại Sài Gòn và nói chuyện tại một số tỉnh. Trong cuốn sách Vietnam, an eye-witness account (bản tiếng Pháp nhan đềVietnam, révélation d'un témoin), Suzanne Labin từng viết: "Khi nhà Ngô bị lật đổ, có tám ngàn ấp chiến lược đã được thành lập xong và đang vận hành, với dự trù khoảng bốn ngàn ấp nữa cần thiết để bảo vệ cả nước. Nông dân sống rải rác dọc theo các con kênh, được yêu cầu dời chuyển để qui tụ lại thành nhiều làng, tập trung theo kiểu Âu châu. Mỗi làng được rào vững chắc bằng hàng rào kẽm gai hoặc hàng rào tre vót nhọn đằng sau có tăng cường hệ thống hào rộng gài mìn để chận đứng Việt Cộng mò vào ban đêm. Trong ấp, mỗi gia đình đều được khuyến khích đào một hầm trú ẩn ngay trước nhà họ. Tại sao vậy? Khi Việt Cộng tấn công, trước đây người dân thường quá sợ nên chạy tứ tung gây trở ngại cho lực lượng bảo vệ nhiều khi bắn cả vào người nhà mình. Từ khi có hầm trú, người già và trẻ con cứ việc núp dưới hầm để xạ trường quang đảng cho lực lượng chiến đấu hành sử.
"Người dân làng được đoàn ngũ hóa theo tuổi tác, giới tính, và tùy theo khả năng mà được giao cho một phần vụ đặc biệt. Lực lượng tự vệ và thanh niên cộng hòa là những đơn vị chiến đấu; những dân làng khỏe mạnh khác thì tham gia công tác phòng vệ, thanh thiếu niên thì vót chông. Người có nhiệm vụ chiến đấu được cấp vũ khí cá nhân mang luôn bên mình ngay cả khi ở nhà. Nhiều làng mạc được trang bị thêm xe thiết giáp hoặc súng liên thanh. Máy truyền tin được cung cấp giúp cho các người bảo vệ ấp chiến lược có thể gọi ngay lực lượng chính quy đến một khi bị tấn công. Nhiệm vụ chính của làng là cầm chân kẻ thù, vô hiệu hóa chúng ngoài các vành đai của ấp, cố ngăn chúng không lủi mất vào rừng trong khi lực lượng chính quy kéo tới. Bấy giờ, Việt Cộng thấy quá khó khăn khi xâm nhập một vùng dân cư có phòng thủ và ngay cả rút lui cũng thấy nhiều trở ngại." [13]
Bà Suzanne Labin còn nhắc lại câu nói có tính cách cô đọng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm rằng: "...để nghiền nát quân thù giữa CÁI BÚA của sức mạnh cơ động và HÒN ĐE của các ấp chiến lược." [14] Bà cho rằng ấp chiến lược chính là tâm điểm của một cuộc cách mạng chính trị và xã hội : đó là lý do tồn tại của Ấp chiến lược vì đã đưa lại một nền tảng vững chắc cho sự tiến bộ về kinh tế. [15]
Chính sách Ấp chiến lược được thực hiện từ năm 1961 với sự cố vấn của Sir Robert Thompson, chuyên viên về chiến thuật phản nổi dậy người Anh cùng với hai người bạn là Desmond Palmer và Dennis Duncanson được kể là một kế hoạch táo bạo nhất của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Nhận định tổng quát về kết quả của chính sách Ấp chiến lược, tác giả Nguyễn Văn Châu đã khẳng định: "Quốc sách Ấp chiến lược sau hai năm đã thành công trong việc ngăn chặn làm cho Việt Cộng không còn sống bám rút bòn nhân dân. Vấn đề an ninh làng ấp được vững vàng hơn, quân đội chính quy quốc gia trở thành lực lượng hành quân chủ động gây cho du kích cộng sản nhiều thất bại đáng kể, khiến cho các lực lượng du kích rơi vào thế bị động và mất thăng bằng sau khi đã mất hạ tầng cơ sở. Tinh thần quân đội quốc gia lên cao, dân chúng được bảo vệ an ninh và du kích Việt Cộng càng ngày càng hồi chánh về đầu thú với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa." [16]
Trong một bài báo mới đây nhan đề ''40 năm ngày đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm: Cái nhìn từ Hà Nội", tác giả Bùi Tín, cựu Đại tá quân đội CSBV, Phó chủ nhiệm tờ báo Nhân Dân Chủ Nhật đã phải xác nhận ưu thế của quốc sách ấp chiến lược gây cho lực lượng xâm lăng của Cộng Sản nhiều khó khăn và thất bại trước đây, đã thẳng thắn bày tỏ rằng: "Cùng với thời gian và sự tìm hiểu những tư liệu lịch sử, tôi thấy cần phải trả lại lẽ công bằng cho nhân vật lịch sử này... Tôi cho rằng ông Diệm là một nhân vật chính trị đặc sắc, có lòng yêu nước sâu sắc, có tính cương trực thanh liêm, nếp sống đạm bạc giản dị." [17]
Một khi chính sách Ấp chiến lược đã bị nhóm tướng lãnh làm đảo chánh giải thể, an ninh nông thôn bị bỏ ngỏ trăm phần trăm thì việc lực lượng võ trang VC xâm nhập thành phố một cách rất dễ dàng như sẽ thấy qua vụ Tết Mậu Thân thiết tưởng cũng là điều dễ hiểu. Nhóm quân phiệt cầm quyền chỉ cần có chỗ dựa là Hoa Kỳ mà không cần chỗ dựa cốt yếu là nhân dân. Bởi thế cho nên khi Hoa Kỳ bàn giao một nửa đất nước Việt Nam vào tay Cộng Sản, bọn họ chỉ có việc im lặng thi hành và một vài lời phản đối chỉ là cử điệu chiếu lệ, giả dối mà thôi.
1.3. Công tác tình báo
Nhắc lại các hoạt động tình báo thời Đệ nhất Cộng Hòa để thấy rằng qua biến cố Tết Mậu Thân như chúng ta sẽ bàn đến trong phần sau, dư luận đã lên án việc Hoa Kỳ và chính quyền của Đệ Nhị Cộng Hòa đã không coi trọng vấn đề tình báo trước các hoạt động của CS. Chính nhờ công tác tình báo được thực hiện rốt ráo dưới thời Đệ nhất Cộng Hòa đã bảo đảm cho sự vững mạnh của chế độ trong một thời gian dài.
Cơ quan tình báo trung ương cần nói tới dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa là Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội của bác sĩ Trần Kim Tuyến, trực thuộc Phủ Tổng Thống tức là CIA/VN do sự gợi ý của Hoa Kỳ. Tác giả Vĩnh Phúc trong cuốn Những huyền thoại & sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm đã viết nhiều về Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội, cho biết có sự bất đồng giữa người Mỹ và hai ông Nhu-Tuyến về hoạt động của sở này, thí dụ "phía VNCH muốn thả người ra ngoài Bắc để phá hoại, rải truyền đơn tuyên truyền về chính trị... trái lại Mỹ chỉ muốn tung người ra, cho nằm yên, len lỏi vào các hàng ngũ quần chúng, chính quyền và nếu có thể thì cả tổ chức Đảng, để tìm hiểu. Tuyệt đối không được có hành động phá hoại. Chỉ cần nằm cho thật yên, ghi nhận, và nếu được thì tìm cách leo càng cao, lặn càng sâu, càng tốt. Để đến khi nào hữu sự, cần thiết, thì mới ra tay hành động. Nhưng vẫn không phải là các công tác phá hoại. Người Mỹ đã huấn luyện nhân viên Việt Nam cách sử dụng các loại máy truyền tin, cách đưa tin, cách chôn giấu tài liệu, vũ khí, cách sử dụng hóa chất trong ngành tình báo..." [18]
Ông Trần Kim Tuyến điều khiển, là một người tương đối trong sạch, có đạo đức, nhiệt tâm làm việc. Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội do ông điều khiển, có trên 500 nhân viên, mặc dù bị vài người trong bộ máy lãnh đạo chính quyền ghét nhưng cũng đã làm được nhiều việc trong lãnh vực an ninh, tình báo.
Sau ngày chế độ Đệ nhất Cộng Hòa sụp đổ, báo chí nói nhiều về tổ chức "mật vụ Ngô Đình Cẩn" tại Miền Trung nhưng hoàn toàn không biết một chút gì về tổ chức này, nên đã viết với giọng điệu vu khống, xuyên tạc đầy ác ý.
Trong tác phẩm Dòng họ Ngô Đình, ước mơ chưa đạt tác giả Nguyễn Văn Minh cho biết vào nửa năm đầu năm 1957, ông Ngô Đình Cẩn đã đề nghị lên Tổng Thống Diệm xin cho ông thực hiện một chính sách được ông gọi là "Chiêu Mời Và Sử Dụng Những Người Kháng Chiến Cũ", "Để giúp thành phần này dễ dàng thấu hiểu và chấp nhận chính sách, ông cho áp dụng kỹ thuật khai thác và chế độ giam giữ đặc biệt đối với những người bị bắt. Danh từ CHIÊU MỜI sau được đổi là CẢI TẠO theo đề nghị của các cán bộ Cựu Kháng Chiến." [19]
Sau khi đề nghị được chấp thuận, ông Ngô Đình Cẩn giao cho Dương Văn Hiếu thành lập Đoàn Công Tác Đặc Biệt gồm có 10 nhân viên với chủ trương cùng ăn chung, ở chung, chơi chung, ngủ chung với tù nhân Cộng Sản. Đoàn được tổ chức thành 4 ban: nghiên cứu, tuyên huấn, cải tạo, quản trị. Sau đây là ghi nhận của Dư Văn Chất, một cán bộ tình báo của CS trong cuốn Người Chân Chính: "Đây là một ngành an ninh đích thực, nhưng là một "siêu tổ chức" với nhiều đặc thù mà không có bộ máy nào của Ngụy so sánh được. Nó tập trung quyền lực cao độ: cực quyền, với các phương thức hoạt động hết sức tinh vi, hiểm độc và tàn bạo. Trong cái nhà tù không song sắt, Công an Mật vụ cùng với kháng chiến Việt Cộng, ăn chung, ngủ chung, chơi chung và công tác chung. Chuyện khó tin mà có thật, và chỉ có được trong thời điểm lịch sử nhất định. Bắt đầu từ cuộc đấu tranh chính trị đòi hiệp thương tổng tuyển cử cho tới tiếng súng đồng khởi hạ màn kết thúc. Thành tích chống Cộng của Mật vụ Ngô Đình Cẩn - Dương Văn Hiếu thật diệu kỳ. Chúng đánh phá thẳng vào các cơ quan đầu não của các Đảng bộ miền Trung như Liên khu Ủy khu Năm, tỉnh ủy Thừa Thiên, thành ủy Huế rồi Đà Nẵng. Tiến xuống phía Nam, chúng tấn công cơ sở đặc khu Sài Gòn Chợ Lớn, Thủ Biên, Cần Thơ. Nổi bật nhất là mật vụ miền Trung đánh bắt gọn các lưới tình báo chiến lược của ta trải suốt từ Bến Hải tới Sài Gòn trong vòng chỉ có một năm." [20]
Theo tác giả Nguyễn Văn Minh, do phương pháp khai thác độc đáo, chế độ nhà tù đặc biệt chưa từng có, chính sách “Cải Tạo Và Sử Dụng Những Người Kháng Chiến Cũ” đã thâu đạt được kết quả gây ngạc nhiên cho mọi người. Năm 1985, tôi có ở chung trại tù Nam Hà (tỉnh Hà Nam Ninh) với ông Lê Phước Thưởng, một cán bộ phái khiển của VC về đầu thú chính quyền quốc gia thời ông Ngô Đình Cẩn. Trong câu chuyện, ông Lê Phước Thưởng luôn luôn tỏ ra kính phục ông Ngô Đình Cẩn, và đúng như tác giả Nguyễn Văn Minh viết, ông Thưởng sẵn sàng đánh lộn với những ai nói xấu ông Cẩn hoặc Đoàn Công Tác Đặc Biệt. [21]
Một cơ quan khác cũng chuyên lo về vấn đề an ninh, tình báo trong quân đội, đó là Nha An Ninh Quân Đội đặt tại Thủ đô Sài Gòn, và tại mỗi tỉnh đều có một Ty An Ninh Quân Đội phụ trách công tác này tại địa phương. Theo Tú Gàn trong bài báo “Sớm đầu tối đánh”, trong thời gian Đỗ Mậu làm Giám Đốc An Ninh Quân Đội, vì biết khả năng kém cỏi của Đỗ Mậu nên "ông Ngô Đình Nhu đã giao cơ quan này cho bộ ba Tống Đình Bắc (nguyên Trưởng Ty Đặc Cảnh Miền Bắc), Tống Tấn Sĩ và Nguyễn Văn Minh phụ trách mọi công việc, vì Đỗ Mậu chẳng biết gì. Đỗ Mậu chỉ có nhiệm vụ theo dõi và báo cáo. Thỉnh thoảng Đỗ Mậu cũng được giao cho một số công tác đặc biệt, nhưng Đỗ Mậu thường làm hỏng hoặc làm không đến nơi đến chốn." [22]
Nói chung, các hoạt động tình báo dưới thời Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã tỏ ra hữu hiệu, không như tình báo dưới thời của Tướng Nguyễn Văn Thiệu, vì nhân viên về sau kém khả năng, làm việc chiếu lệ, không có tinh thần nghề nghiệp và lòng nhiệt thành như thời gian Đệ nhất Cộng Hòa.
Về tác phong của vị lãnh đạo của người đã khai sáng ra chế độ Cộng Hòa, sử gia John M. Newman trong cuốn Tổng Thống John F. Kennedy và cuộc chiến Việt Nam đã ghi: "Khoảng đầu năm 1957 ông Diệm, bây giờ là quốc trưởng, đã dùng quyền hành của mình để chế ngự các giáo phái bất phục tùng và nghiền nát các chi bộ Việt Minh ở đồng bằng sông Cửu Long; những thành tích này khiến tổng thống Eisenhower ca tụng ông ta là CON NGƯỜI THẦN KỲ của Á Châu." [23]
Minh Hùng, tác giả Đời một tổng thống, in tại Sài Gòn năm 1971, đã có ghi lại lời phát biểu của cụ Phan Bội Châu về việc ông Diệm rũ áo từ quan năm 1933 như sau: "Ông Ngô Đình Diệm, con người có tâm huyết, biết thương giống nòi, biết nhục vong quốc, nên ông dám chống lại cường quyền, lui về ẩn tích, đợi thời tuyết sỉ. Đó mới là đáng bậc CHÍ SĨ, VĨ NHÂN, tất sau này cuộc Phục Hưng chỉ có hạng người ông Diệm mới làm nổi... Ta muốn tặng ông Diệm một bài thơ để tỏ lòng kính trọng bậc thiếu niên hiền triết... Ông Diệm bây giờ mới là ông lớn thật sự.” [24]
Trong cuốn hồi ký Honorable Men/My life in the CIA, William E. Colby đã từng làm trưởng nhiệm CIA tại Sài Gòn từ tháng 6 năm 1960 đến 1962, đứng đầu ngành CIA từ năm 1973 đến 1975, đã viết về Tổng Thống Ngô Đình Diệm và chính sách của ông như sau: “...Sau khi trình bày cho giám đốc McCone nghe, tôi cùng ông tới tòa Bạch Ốc trong chiếc Limousine của ông và tôi đã thú nhận với ông ta rằng cái chết của hai ông (Diệm Nhu) làm cho riêng cá nhân tôi rất đau lòng; tôi đã từng quen biết họ và kính trọng cả hai người; tôi là một trong số rất ít người Mỹ đã có cảm tình đó, đặc biệt là về phần ông Nhu...” [25]
Trong tác phẩm Ngô Đình Diệm lời khen tiếng chê, Minh Võ đã đọc vào chương 5 “Ấp chiến lược tại Việt Nam” ở sách của Colby, cho biết Colby đã nói nhiều về tính cương nghị và cái uy của ông Diệm biểu lộ trong những cuộc khủng hoảng chính trị và gọi ông Diệm là nhà ĐỘC TÀI NHÂN TỪ: “Thực vậy, ông Diệm điều hành công việc như một ông quan cai trị. MỘT NHÀ ĐỘC TÀI CÓ THIỆN TÂM (hay nhân từ, theo soạn giả), dùng quyền lực ép dân phải bắt tay vào công cuộc phát triển (cộng đồng), vì lợi ích của chính họ, bất chấp họ nghĩ gì về điều đó, độc đoán, thiếu dân chủ. Ông ta dùng - nhưng lại than phiền về - hệ thống thư lại do Pháp đào tạo vào công việc đó, vì ông tin rằng nó sẽ có thể được cải tiến dần dần và sẽ được thay thế bằng lớp người sắp tốt nghiệp từ những trường huấn luyện về hành chánh, quản trị của Mỹ.”
Ở một đoạn khác Colby viết: “Rõ ràng đây là giai đoạn đầu của “chiến tranh nhân dân”, (Cộng sản đang) động viên và tổ chức các lực lượng để dùng vào cuộc chiến. Và rõ ràng ở điểm này sự thách thức có tính chính trị và khuynh đảo, chứ không phải là thứ cần đến các bộ tư lệnh sư đoàn hay quân đoàn để đối phó. Mặt khác cuộc thách thức chính trị, tuy vậy, cũng chẳng phải là loại mà giới thượng lưu trí thức có thiện ý nhưng không có thực lực (cơ sở chính trị) ngồi trong khách sạn Caravelle để ra tuyên ngôn, kêu gọi lập “chính phủ lương thiện, công chính”, “một quân đội anh dũng được phấn chấn bởi một tinh thần duy nhất”, và một nền kinh tế “phồn vinh”, miễn là chính phủ thay đổi đường lối. Và như vậy, theo ý tôi, những khuyến cáo có tính mệnh lệnh của tòa Đại Sứ Mỹ ép ông Diệm phải bổ nhiệm những người chống ông vào trong chính phủ, và cổ võ một cuộc điều tra của quốc hội theo kiểu Mỹ xem ra rất không xác đáng. Theo thiển ý của tôi, cuộc đọ sức thực sự lúc ấy là ở thôn xã. Những vấn đề căn bản hơn nằm ở đó.” [26]
Nhận xét của Colby được ghi nhận như sau khi ông tới thăm các vùng thôn quê Việt Nam: “Đường xá được mở lại. Số trường học tăng nhanh ở thôn quê. Chương trình ngũ niên xịt thuốc diệt muỗi được khởi sự để thanh toán bệnh sốt rét rừng. Sức sản xuất lúa gạo bắt đầu tăng... Những tiến bộ về kinh tế, xã hội lúc đó đã xuống đến nông thôn... Đặc biệt kế hoạch “Khu trù mật” năm 1959, là kế hoạch được ông Diệm nâng niu nhất, bắt đầu với nhiều hứa hẹn. Những “đô thị” nông nghiệp được xây dựng trên phần đất truất hữu của địa chủ theo chương trình cải cách điền địa và được chia thành những khu trung tâm dân cư và vùng ruộng lúa...” [27]
Nhưng chỉ một vài ngày sau biến cố 1-11-1963, Dương Văn Minh và nhóm tướng lãnh cầm đầu cuộc đảo chính đã cho lệnh phá bỏ 16.000 Ấp chiến lược, thả lỏng vòng rào kềm chế cho Việt Cộng mặc sức tung hoành ở nông thôn Miền Nam, bỏ tổ chức nghĩa quân, dân vệ, khiến Hoa Kỳ có cơ hội đổ quân ồ ạt vào Việt Nam, và chưa đầy 5 năm sau đã tạo một môi trường hết sức thuận lợi cho VC tiến hành cái gọi là cuộc Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa với những hệ lụy rất trầm trọng. Tướng Tôn Thất Đính còn tuyên bố: "Ấp chiến lược đem lại ấm no nhưng không đem lại hạnh phúc".
Với cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, những nhà lãnh đạo xuất sắc và tâm huyết của Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ đã đạp đổ một mẫu người thần tượng lãnh đạo của Miền Nam Việt Nam, những đối thủ đã từng gây lo sợ cho chính quyền miền Bắc của Hồ Chí Minh, và đặt lên một nhóm tướng lãnh mà chính Tổng Thống Hoa Kỳ Johnson mệnh danh là lũ côn đồ ác ôn đáng nguyền rủa (a goddam bunch of thugs), số phận của Miền Nam như vậy là đã được tính toán từ trước. Và biến cố Mậu Thân xảy ra cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên đối với ai có những chú tâm theo dõi thời cuộc lúc bấy giờ. Khi được tin ông Diệm bị lật đổ và bị giết, Hồ Chí Minh đã nói với ký giả Wilfred G. Burchett: "Tôi không ngờ rằng tụi Mỹ ngu đến thế". Ellen J. Hammer trong cuốn A Death in November cho biết: "Đài phát thanh Hà Nội đã trích dẫn báo Nhân Dân nói rằng do sự lật đổ Ngô Đình Diệm và em ông là Ngô Đình Nhu tụi đế quốc Mỹ đã tự mình hủy diệt những cơ sở chính trị mà họ đã mất biết bao năm để xây dựng." [28]
2. Biến cố Tết Mậu Thân, một bước ngoặt trong chiến tranh Việt Nam
Trong cuộc chiến tranh giữa hai miền nam bắc Việt Nam, tác phong của người lãnh đạo đất nước, vấn đề ý thức hệ, vị trí nông thôn và thành thị, công tác tình báo, vai trò của nhân dân, các lực lượng đồng minh là những yếu tố quan trọng quyết định thành công hay thất bại và có những hệ lụy mang tính lịch sử. Ở miền nam Việt Nam, các yếu tố vừa kể dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa còn để lại nhiều ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực đối với nền Đệ Nhị Cộng Hòa phản ảnh qua biến cố Tết Mậu Thân được gọi dưới danh xưng có tính cách quân sự là cuộc Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa.
2.1. Các mục tiêu chiến lược của Cộng Sản Miền Bắc trong cuộc TCK-TKN.
Trong quá trình điều động cuộc chiến tranh “giải phóng” miền Nam của Cộng Sản Hà Nội, cần chú trọng đến ba thời điểm quyết định chiến tranh năm 1959, gia tăng chiến tranh năm 1963 và cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 của phe chủ chiến tại Miền Bắc.
Trước tiên, cần phải thấy rằng trong nội bộ của giới cầm quyền CSVN đã xuất hiện một sự tranh chấp về quan điểm chính trị giữa phe “ôn hòa” và phe “chủ chiến”. Trong bài viết “Bộ Chính trị chiến tranh: Đường lối chính trị và ngoại giao của Bắc Việt trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968”, vốn dựa theo một chương trong luận án tiến sĩ của tác giả, Liên Hằng T. Nguyễn là Phó giáo sư (Assistant Professor) khoa Sử, Trường Đại học Kentucky, Hoa Kỳ, được dịch giả Vy Huyền chuyển ngữ như sau: “Khi cuộc chiến thứ hai ở Đông Dương vừa bắt đầu, trong nội bộ Đảng nổi lên những phe phái chống đối nhau, có thể tạm chia thành hai phe đối lập, nhưng không đồng nhất, như sau: Phe thứ nhất gồm những người muốn tập trung xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và phe thứ hai gồm những người muốn tiến hành chiến tranh cách mạng ở miền Nam. Ở bộ phận cao nhất trong đảng, sự chia rẽ này vô cùng hỗn tạp, trong đó những đảng viên cấp trung kiên định hơn với lập trường của mình. Mặc dù các “phe phái” lỏng lẻo này nhất trí với mục đích cơ bản là thống nhất đất nước, họ bất đồng trong quan điểm về sự cân bằng thích đáng giữa đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao để đi đến chiến thắng cuối cùng. Phe “ôn hòa” hay còn gọi là phe những người chủ trương xây dựng miền Bắc muốn ưu tiên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, với mục tiêu đánh bại miền Nam bằng kinh tế và ngoại giao; phe “chủ chiến” hay còn gọi là phe ủng hộ chiến tranh ở miền Nam tin tưởng rằng vũ lực là cách duy nhất để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vào những năm 1960, các cuộc tranh cãi không chỉ nằm trong giới hạn ở Việt Nam mà còn lan rộng hơn, liên quan cả đến mối bất hòa trong mối quan hệ Nga-Trung. Phe ôn hòa muốn áp dụng chính sách cùng tồn tại trong hòa bình của Moscow, trong khi đó phe chủ chiến muốn thúc đẩy chủ trương dùng vũ lực của Bắc Kinh. Cuộc tấn công TMC là dấu hiệu chấm dứt những cuộc tranh cãi gay gắt gần một thập niên trong nội bộ ĐLĐVN.” [29]
Điểm quan trọng mà tác giả Liên Hằng T. Nguyễn không quên nhắc tới, đó là: “Đến năm 1963, nhờ vào tình hình biến động ở Sài Gòn và Bắc Kinh, phe chủ chiến có cơ hội đẩy mạnh chiến tranh. Với mối rạn nứt ngày càng lớn trong thế giới cộng sản, phe chủ chiến nhân cơ hội đó tăng cường chiến tranh tại miền Nam đang ngày một nóng bỏng.” [30]
Biến động ở Sài Gòn năm 1963 chính là việc binh biến lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, việc Dương Văn Minh và nhóm tướng lãnh phá bỏ 16.000 ấp chiến lược và cơ chế nghĩa quân, dân vệ tại nông thôn miền Nam, việc một số cán bộ tình báo Cộng Sản bị chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa bắt giam từ trước hoặc xâm nhập trong hàng ngũ Phật Giáo qua biến cố 1963 được trả lại tự do và trở vào bưng hoạt động trở lại.
Phe chủ chiến là những người hưởng được kết quả trong việc chuyển đổi quyền lực xuất phát từ những biến cố lịch sử ở miền Bắc là cuộc Cải cách Ruộng đất (CCRĐ) và Nhân Văn Giai Phẩm (NVGP). Cuối tháng 9 năm 1956, trong phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy Ban Trung Ương ĐLĐVN, do những thất bại trong CCRĐ, Trường Chinh phải từ chức Tổng Bí Thư. Quyền lực chuyển sang Lê Duẩn. Trong Đại Hội lần thứ ba Đảng Lao Động Việt Nam tổ chức vào tháng chín năm 1960, 576 đại biểu đã chọn Lê Duẩn làm Tổng bí thư và là người đứng đầu Bộ chính trị.
Vấn đề đặt ra là tại sao Võ Nguyên Giáp, người mà hào quang Điện Biên Phủ còn chói sáng ở miền Bắc trong lòng bộ đội và nhân dân lại không được cử vào chức vụ đó mà đại hội lại chọn Lê Duẩn? Trong hồi ký Hoa Xuyên Tuyết, Bùi Tín cho rằng “Ưu thế của ông Lê Duẩn là vì ’một tiêu chuẩn tất nhiên hồi ấy, ở tù lâu năm, một bằng cấp cần thiết để được giao quyền cao chức trọng, vì từ đó được coi là được thử thách nhiều hơn, đáng tin cậy hơn.” [31]
Hoàng Tùng, trong bài viết năm 2002 trên Tạp chí Cộng Sản, cũng nói Lê Duẩn là người “hoạt động cách mạng ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam lâu dài nhất, thời gian ở tù lâu nhất” và có “quan hệ rộng với các đồng chí thuộc cả hai thế hệ trong những năm hoạt động bí mật.” [32]
Trong hồi ký Đêm giữa ban ngày, nhà văn Vũ Thư Hiên có viết: "Theo nhận xét của những người cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên thì cả Hồ Chí Minh lẫn Trường Chinh đều lo ngại ông tướng đã có quá nhiều vinh quang sẽ trở nên không dễ bảo sau cuộc đảo lộn ngôi thứ. Mà cả Hồ Chí Minh lẫn Trường Chinh đều muốn giữ lại vị trí trước kia của họ về thực chất, cho dù danh nghĩa không còn. Cần phải chọn một người có vị trí và uy tín kém hơn Võ Nguyên Giáp. Do biết ơn người cất nhắc mình, người đó sẽ vừa ngoan ngoãn vừa trung thành. Lê Duẩn thích hợp hơn cả với vai trò đó." [33 ]
Lê Đức Thọ được trao chức vụ Trưởng Ban Tổ Chức Đảng, là người có nhiệm vụ bảo đảm bộ máy đảng. Bên cạnh đó người ta cũng có thể kể đến Phạm Hùng, tướng Nguyễn Chí Thanh (Tổng Cục Chính Trị), Tố Hữu (Trưởng ban Khoa giáo và Tuyên huấn Trung ương) vốn là người cầm đầu chiến dịch thanh trừng nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, vẫn còn khả năng theo dõi và đưa ra các biện pháp chế tài đối với giới trí thức văn nghệ sĩ.
Trong một đoạn văn khác, tác giả Liên Hằng T. Nguyễn cho biết: “Tháng 1 năm 1959, trước phiên họp toàn thể lần thứ 15, số phận của cuộc kháng chiến miền Nam và tương lai của việc xây dựng miền Bắc đều rất bấp bênh. Theo các học giả, quyết định tiến hành chiến tranh của Hà Nội, ẩn mã trong Nghị quyết 15, là một biện pháp nhằm cứu vãn cuộc kháng chiến ở miền nam.” [34]
Chúng ta nhớ thời điểm lúc bấy giờ là khi ở miền Nam chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm ban hành đạo luật 10/59 đặt Cộng Sản ra ngoài vòng pháp luật, tình hình chống Cộng, tố Cộng lên cao đến cực điểm toàn miền Nam và ngành tuyên truyền của miền Bắc đã phải rêu rao tố giác rằng chính quyền Ngô Đình Diệm đã “lê máy chém” đi khắp nơi. Các khu trù mật, ấp chiến lược đã chứng tỏ khả năng lợi hại của chúng. Du kích Cộng Sản như cá nằm ngoài nước không còn hoạt động được nữa để chờ đợi bị thanh toán hay về đầu thú với chính quyền quốc gia. Nghị quyết 15 được đưa ra nhằm tái tục cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam thông qua Hội nghị Trung ương 15 tổ chức vào tháng giêng năm 1959, nhưng chỉ được chính thức công bố một tuần sau việc chính phủ tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành Luật 10/59 vào tháng Năm [35].
Trong một bài viết gần đây nhận định về Lê Duẩn, giáo sư Pierre Asselin, thuộc Đại học Chaminade, Honolulu, “báo cáo của ông Lê Duẩn và các đồng chí miền Nam ‘nắm bắt cảm giác thất vọng của những người chiến đấu và ủng hộ cuộc cách mạng ở miền Nam. Họ cũng thể hiện sự gấp rút trong lòng những người kháng chiến miền Nam muốn có phản ứng trước sự ủng hộ ngày càng tăng của Mỹ dành cho chính quyền Sài Gòn.” [36]
Một điểm nói lên nhiều hệ lụy nhất giữa sự sụp đổ của chế độ chính trị nền Đệ Nhất Cộng Hòa với quyết tâm sử dụng con đường bạo lực để thống nhất đất nước của Cộng Sản Hà Nội được tác giả Liên Hằng T. Nguyễn trình bày như sau:
“Năm 1963 chứng kiến sự chấm dứt lập trường dao động của Hà Nội giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, thái độ trung lập với mối chia rẽ Nga-Trung, giữa cuộc chiến ở miền Nam và việc xây dựng miền Bắc. Tháng 11 năm đó, sau hai cuộc ám sát anh em họ Ngô và John F. Kennedy, Hà Nội đứng giữa hai chọn lựa: thương thuyết với chính quyền mới ở miền Nam và củng cố những thắng lợi vũ trang của quân nổi dậy ở nông thôn hoặc dốc toàn lực quân sự để giành chiến thắng cấp tốc trước khi Hoa Kỳ có thể can thiệp. Trong phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy Ban Trung Ương bắt đầu ngày 22 tháng 11 năm 1963, Hà Nội chọn phương án gia tăng chiến tranh. Nói cách khác, phe chủ chiến đạt được ủng hộ tuyệt đối năm 1963, điều mà họ từng mong muốn trong năm 1959: huy động cả miền Bắc tập trung vào cuộc chiến, gia tăng số lượng gửi quân và khí giới về hướng Nam của vĩ tuyến 17. Cũng trong phiên họp này đã xuất hiện những ý kiến chiến lược được coi là phôi thai cho cuộc tấn công TMT sau này. Áp dụng một số điểm trong học thuyết quân sự của Mao với những thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, Hà Nội tuyên bố rằng cuộc chiến ở miền Nam đòi hỏi một “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy” mà không nhất thiết phải theo đúng ba bước mà chiến lược của Mao đề ra. Trên thực tế, tại phiên họp thứ 9 này, Hà Nội đã từ bỏ ý định giành chiến thắng ở miền Nam bằng chiến lược kéo dài chiến tranh; thay vào đó họ [quyết định] xây dựng một lực lượng quân sự lớn nhằm mục đích giành thắng lợi nhanh chóng.” [37]
Nhận định của giáo sư Liên Hằng T. Nguyễn liên quan đến lãnh đạo của Miền Nam trong cuộc chiến tranh cân não đối đầu với lãnh đạo Miền Bắc khi mà sự đồng cân đồng lạng đã không còn nữa, thì ước vọng thôn tính Miền Nam của giới lãnh đạo Miền Bắc đã trở thành một quyết tâm và là điều phải thực hiện cho kỳ được.
2.2. Các lý do thực hiện và công cuộc chuẩn bị chiến dịch TCK-TKN
Nỗ lực chuẩn bị trước tiên của phe chủ chiến là thanh lý nội bộ nhắm vào việc loại trừ các nhóm thuộc phe chủ hòa. Một số các nhân vật miền Nam như Bùi Công Trừng, Phó Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia kêu gọi tăng cường hợp tác kinh tế với các nước trong khối XHCN, việc Ung Văn Khiêm, nguyên Bộ Trưởng Ngoại Giao và các thành viên khác phản đối kịch liệt việc đi theo Trung Quốc 35 cho thấy một số bất lợi cho phe chủ chiến. Hoàng Minh Chính bị dán cho nhãn hiệu “chủ nghĩa xét lại” và bị bắt sau đó. Tài liệu của Liên Hằng T.Nguyễn cho biết:
thành phố tang tóc
“Chiến dịch loại trừ những phần tử cánh hữu trong năm 1964 dẫn đến việc cho ra rìa và quản thúc những cán bộ được đào tạo tại Moscow và người bị coi là thân Liên Xô trong nội bộ ĐLĐVN, bao gồm cả những cán bộ cấp cao, du học sinh, trí thức và các nhà báo. Ngay sau phiên họp, những thành viên thẳng thắn dám lên tiếng của phe ôn hòa ở UBTƯ đều bị mất ghế. Những du học sinh ở Liên Xô và các nước Đông Âu được gọi về để tham gia những lớp học “chỉnh huấn” Tố Hữu, lúc này là Trưởng ban Khoa giáo và Tuyên huấn Trung ương, tiếp tục đàn áp giới trí thức bằng việc bắt đầu một chiến dịch mới chống lại những ảnh hưởng của “chủ nghĩa xét lại” trong văn chương Việt Nam. Nói tóm lại, những người có bất kỳ quan hệ nào với các phái đoàn ngoại giao ở Hà Nội hay đồng thuận với việc chung sống hòa bình đều bị phe chủ chiến canh chừng và theo dõi. Ngay cả trong tổ chức quân đội cũng không tránh khỏi những phiền phức liên quan đến chủ nghĩa xét lại. Sau việc tướng Nguyễn Văn Doãn, Tổng biên tập báo QĐND, trốn sang Liên Xô, Tổng cục Chính trị mở cuộc điều tra về tờ báo này. Theo Bùi Tín, lúc đó đang làm việc cho tờ QĐND, “công an chìm đi xe ô tô với cửa bịt bùng” đến tòa soạn nhiều lần và thẩm tra ít nhất năm thành viên của tòa soạn. Những viên chức này không chỉ bị mất việc và mất uy thế, họ còn bị quan sát chặt chẽ bởi bộ máy an ninh của Hà Nội. Cuộc điều tra những thành viên của tòa soạn báo QĐND và việc đàn áp những “người theo chủ nghĩa xét lại” chỉ là bước đầu cho những xung đột nội bộ của Đảng sau này, được tiến hành trên cái nền của cuộc kháng chiến ở miền Nam.” [38]
Trong cuốn sách Công lý đòi hỏi, tác giả Nguyễn Minh Cần cho biết: "Đến tháng 7 năm 1967, bắt đầu đợt bắt bớ quy mô lớn: thiếu tướng Đặng Kim Giang, viện trưởng Hoàng Minh Chính, phó bí thư Trần Minh Việt bị bắt trước tiên. Đến tháng 10 năm đó, tới lượt vụ trưởng Vũ Đình Huỳnh, nhà sử học Nguyễn Kiến Giang và nhiều người khác. Đến tháng 12 năm đó, nhà văn Vũ Thư Hiên, con trai Vũ Đình Huỳnh, bị đón đường "bắt cóc" đưa ngay vào xà lim. Một vài ủy viên Trung ương đảng tuy không bị bắt, nhưng bị giam lỏng tại gia với chế độ kiểm soát nghiêm ngặt, đó là ủy viên Trung ương đảng, phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học kỹ thuật nhà nước, nhà kinh tế Bùi Công Trừng, ủy viên Trung ương đảng, thứ trưởng Bộ văn hóa thiếu tướng Lê Liêm, ủy viên Trung ương đảng, thứ trưởng Bộ quốc phòng, chủ tịch Ủy ban Thống nhất Nguyễn Văn Vịnh, v.v..." [39]
Trong một loạt bài viết về vai trò của Lê Duẩn, đài BBC nhận định về các đồng minh của ông Lê Duẩn như sau: "Sự trợ giúp mà ông Lê Duẩn nhận được từ ông Lê Đức Thọ trong suốt tiến trình thâu tóm quyền lực là vô cùng quan trọng. Tham gia cách mạng từ những năm 1920, ông Lê Đức Thọ trải qua nhiều năm trong tù. Khi được thả năm 1945, ông được gửi vào miền Nam và làm phó cho ông Duẩn trong suốt giai đoạn xung đột giữa Việt Minh và Pháp. Quan hệ giữa hai người này sẽ có một ảnh hưởng sâu sắc trong đảng. Khi ông Lê Duẩn trở thành Tổng Bí thư, ông Lê Đức Thọ được cửa làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, một vị trí mà theo William Duiker, được nhanh chóng "biến thành bộ máy hiệu quả để điều tra và kiểm soát các đảng viên."
Pierre Asselin nói thêm rằng ông Lê Duẩn "không thể củng cố uy quyền một cách hiệu quả như đã làm nếu không có sự ủng hộ của ông Lê Đức Thọ; sự trung thành và trợ giúp của người này tỏ ra cần thiết để thanh lọc ban lãnh đạo ở Hà Nội." Một người đóng vai trò lớn trong cuộc chiến Việt Nam là đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Cho đến giữa thập niên 1960, miền Bắc chỉ có hai đại tướng bốn sao là ông Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh) và ông Nguyễn Chí Thanh (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị)."
Một số chuyên gia nước ngoài như Douglas Pike đã ghi nhận sự cạnh tranh và khác biệt trong tư tưởng quân sự giữa hai vị tướng này. Trong một bài viết năm 1966, tướng Giáp nói cuộc xung đột ở miền Nam là một cuộc chiến kéo dài và rằng chiến lược quân sự có thể mất nhiều năm để đạt thắng lợi. Ông nói ông không tin vào"các trận đánh sử dụng đơn vị chính quy lớn vì điều này có lợi cho chiến lược của kẻ thù." Tướng Thanh ngay lập tức có phản ứng. Trong bài viết đăng ở tạp chí Học Tập, tướng Thanh cho rằng chiến lược tấn công ở miền Nam là con đường đúng dẫn đến thắng lợi và nói thêm rằng lập luận của những người chỉ trích là "không logich". Một trong những lý do đưa ông Lê Duẩn và ông Nguyễn Chí Thanh trở thành đồng minh gần gũi là vì ngay từ đầu, hai người cùng quan điểm rằng con đường dẫn đến thắng lợi ở miền Nam phụ thuộc vào quân sự.
Gần đây hơn, trong bài viết năm 2002 về vai trò của những người gốc miền Nam trong cuộc chiến mang tựa đề "Why the South Won the American War in Vietnam," Robert Brigham ghi nhận tướng Giáp "từ lâu đã chỉ trích tư tưởng quân sự của tướng Thanh, và ông công khai bày tỏ nghi ngờ về hiệu quả của chiến lược tấn công của tướng Thanh... Ông Võ Nguyên Giáp ngày càng trở nên thận trọng và thực tiễn trong cuộc chiến chống Mỹ. Một số người nói điều này rốt cuộc khiến ông đánh mất uy quyền chính trị."
Ông Lê Duẩn hiểu rằng việc giảm uy thế của tướng Giáp có thể tạo ra chỉ trích và chống đối. Vì thế, nói như lời của chuyên gia Pierre Asselin, "bằng cách đề bạt và tạo điều kiện cho sự nghiệp của tướng Nguyễn Chí Thanh, ông Lê Duẩn thành công trong việc tạo nên một thần tượng mới trong quân đội."[ 40]
Sau đây là các lý do quân sự và chính trị có liên quan đến cuộc TCK-TKN, theo sự nghiên cứu của Lê Xuân Khoa, tác giả cuốn Việt Nam 1945-1995, Chiến tranh Tị Nạn Bài học Lịch sử: "Từ 1965 đến cuối 1967, Quân đội Giải phóng miền Nam (QĐGPMN) gồm cả bộ đội chủ lực từ miền Bắc đã không thể đương đầu với hỏa lực và tính di động của quân đội Mỹ và có nguy cơ thất bại nếu kéo dài tình trạng cầm cự bằng chiến tranh tiêu hao. Vì vậy, Bộ Chính trị ở Hà Nội thấy cần phải sớm chấm dứt cuộc chiến bằng một trận đánh quyết định như trận Điện Biên Phủ năm 1954. Theo cựu Đại Tá Bùi Tín, "đến cuối năm 1967, quân đội Sài-gòn và quân Mỹ hoạt động mạnh, mở nhiều chiến dịch tiến công, quân Bắc Việt thường ở thế đối phó, giữ lực lượng, rút ra xa và mất nhiều khu vực đông dân. Vì thế, năm 1968 họ cần một đợt hoạt động mạnh để giành lại thế chủ động, cải tiến thế trận." (Bùi Tín, Mây Mù Thế Kỷ, California, Đa Nguyên, 1998, tr. 101).
Giáo sư Lê Xuân Khoa cũng dẫn sách lịch sử miền Bắc cho biết: "Trung ương Đảng ta, tại Hội nghị Bộ Chính trị (tháng 12-1967) và Hội nghị toàn thể ban Chấp hành lần thứ 14 (tháng 1-1968), thông báo quyết định lịch sử: "Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kì mới - thời kì giành thắng lợi quyết định." Nghị quyết của Đảng còn chỉ rõ: "Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định." [41]
Trong phần chú thích ở cuối trang 293, Giáo sư Lê Xuân Khoa cho biết chiến dịch TCK-TKN thực ra đã được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tổng chỉ huy Trung ương cục miền Nam, đề xuất từ tháng Giêng 1967 để thay thế chiến tranh tiêu hao của Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp. Tháng Tư, Bộ Chính trị chấp thuận đề nghị của tướng Thanh. Khi tướng Thanh chết bất ngờ vào tháng Bảy, tướng Giáp lãnh trách nhiệm tiến hành kế hoạch TCK-TKN.
Ngoài ra, tư liệu của Giáo sư Lê Xuân Khoa còn bổ túc thêm rằng: "Quyết định quân sự này lại được tăng cường bởi hai lợi điểm do tình hình chính trị nội bộ của Hoa Kỳ mà các nhà lãnh đạo Bắc Việt không thể không khai thác: Thứ nhất là phong trào phản chiến đang lan tràn mạnh mẽ ở Hoa Kỳ, nhất là sau khi Mục sư Martin Luther King Jr., người vẫn ủng hộ chương trình "Xã hội Vĩ đại" của Johnson, quyết định lên tiếng vào đầu năm 1967, chống lại việc Hoa Kỳ tham gia cuộc chiến ở Việt Nam. Thứ hai là khuynh hướng muốn chấm dứt chiến tranh đang gia tăng trong Quốc Hội và ngay cả trong nội bộ Đảng Dân Chủ, đúng vào thời điểm vận động tranh cử Tổng thống năm 1968. Khuynh hướng này sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ tới triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Johnson."[ 42]
Về cái chết đột ngột của tướng Nguyễn Chí Thanh, có hai nguồn tin được kể đến. Thứ nhất, trong cuốn Tet ! của Oberdorfer, tác giả dẫn nhiều nguồn tin của giới chức quân sự Hoa Kỳ cho rằng Nguyễn Chí Thanh bị thương nặng tại miền Nam, được chuyển qua Campuchia và đưa về Bắc bằng máy bay, điều trị tại bệnh viện 108 và chết. [43] Nguồn tin thứ hai của Judy Stowe thuộc đài phát thanh BBC cho biết tướng Nguyễn Chí Thanh dự cuộc họp của Bộ Chính trị ở Hà Nội, và ngày 6.7.1967 trong buổi tiệc sau đó, tướng Thanh bị ngộ độc chết (có nguồn tin nói ông bị hãm hại). [44] Tướng Thanh chết lúc 53 tuổi.
2.3. Diễn tiến chiến lược và chiến thuật của hai phe thời gian trước khi khai diễn cuộc TCK-TKN.
Về phía Cộng quân, để đánh lừa Hoa Kỳ, Bộ Chính trị CS cho tổ chức các trận đánh ở biên giới từ giữa đến cuối năm 1967 Khe Sanh, Lộc Ninh, Cồn Tiên và Dak To, nhất là mặt trận Khe Sanh, để dụ quân Mỹ và quân lực VNCH rút bớt quân phòng thủ các đô thị đông dân ra các vùng gần biên giới và khu giới tuyến quân sự.
Ngày 20 tháng Giêng năm 1968, tướng Giáp đem các sư đoàn 325C, 304 vào mặt trận Khe Sanh, tăng quân số BV nơi này lên từ 20,000 đến 30,000 quân. Không lực Hoa Kỳ đã dội bom vào các vị trí đóng quân của CSBV trên 5000 lần với hơn 100,000 tấn bom dội xuống trong khoảng chưa đầy 5 dặm vuông. Khe Sanh là một điểm chiến lược trên đường giao thông giữa Bắc vào Nam, ở cách Quảng trị 30 dặm về phía tây và cách vĩ tuyến 17 khoảng 20 dặm. Cộng sản đánh lừa Hoa Kỳ bằng cách biến Khe Sanh thành một Điện Biên Phủ thứ hai nhưng mục tiêu quân sự của họ là ở các thị xã, thành phố.
Lợi dụng sự giải tán cơ cấu ấp chiến lược, và nhất là lực lượng an ninh của VNCH lơ là trong các ngày nghỉ Tết cũng như sự đồng bào tấp nập lo chuẩn bị mừng Tết, cộng quân đã bí mật chuyển vũ khí vào các thị xã dưới các xe vận tải chở rau quả, các xe chở quan tài đám tang để đánh lừa các trạm kiểm soát quân sự, cảnh sát.
Ngoài ra CS còn lợi dụng một hình thức khác để xâm nhập thành phố đó là tình cảm gia đình giữa người cán bộ tập kết Cộng Sản và gia đình. Trong sách Tet!, Don Oberdorfer nêu ra một trong nhiều trường hợp như thế là của một cán bộ CS tên là Sơn Lâm vốn là dân thành phố Huế tham gia kháng chiến chống Pháp thời Việt Minh năm 1948, bị đuổi ra khỏi ngành tình báo Cộng Sản năm 1952 vì cha mẹ là thành phần áp bức nhân dân, tập kết ra Bắc sau hiệp định Genève và xâm nhập trở lại miền Nam năm 1962 cầm đầu một nhóm 9 người cũng dân gốc Huế làm việc cho đảng CS. Mặc dù người chị của anh này có chồng là một cảnh sát viên của chính quyền quốc gia, anh Lâm này đã sống yên ổn trong nhà bà chị hướng đông thành phố Huế. [45]
Ngoài ra VC cũng lợi dụng Phật Giáo như trường hợp Thượng Tọa Thích Đôn Hậu ở chùa Thiên Mụ Huế để làm bung xung cho các hoạt động chính trị của chúng trong cuộc TCK-TKN.
Một vài tư liệu cho biết Cộng quân đã chuẩn bị cất giấu vũ khí trong khoảng 400 địa điểm rất an toàn khắp nơi ở miền Nam, chỉ chờ dịp là đem ra sử dụng.
Trong cuốn sách The Tet offensive, Intelligence failure in war, tác giả James J. Wirtz cho rằng Tết Mậu Thân là một sự thất bại về tình báo của quân đội Hoa Kỳ, kể cả VNCH, nhưng cáo buộc này có nhiều điểm không đúng sự thật.
Trong sách này, tác giả cho biết VC đã sử dụng rất nhiều điệp viên phụ nữ giả dạng nữ cảnh sát viên để xâm nhập các cơ sở của chính quyền, moi móc các tin tức ở Cần Thơ và phi trường Bình Thủy, chuyên chở rất nhiều lựu đạn vào thủ đô dưới những thùng đựng kẹo và cho rằng không thể nào chận đứng các hình thức này nếu không lục soát xe cộ vào thành phố vì lý do an ninh [46].
Ngoài ra một số cán bộ thuộc thành phần trí vận của CS trước khi xảy ra cuộc TCK-TKN đã được lệnh thoát ly ra bưng như một số giáo sư, sinh viên ở Sài Gòn, Huế, Quy Nhơn, Đà Lạt v.v... để làm hướng đạo cho các toán VC từ nông thôn xâm nhập thành phố.
Trong sách Vietnam at war, The history 1946-1975, tác giả Phillip B. Davidson đã dẫn lời của J-2MACV, một viên chức lão thành của giới tình báo quân sự Hoa Kỳ ràng: "Ngày 30 tháng Giêng là một ngày nóng bỏng đối với người Mỹ và các đồng minh. Tôi đã thuyết trình cho tướng Westmoreland lúc 7 giờ sáng, báo cáo với ông về những cuộc tấn công của kẻ thù ở giữa miền Trung Việt Nam và tiên đoán trước rằng các cuộc tấn công như vậy sẽ xảy ra ở các tỉnh còn lại ngay chính trong đêm nay. Tướng Westmoraland đồng ý một cách mau mắn. Ông cho mời các sĩ quan chỉ huy, thông báo cho họ biết các cuộc tấn công nặng nề sẽ diễn ra ở các thành phố và các tổng hành dinh trong phạm vi trách nhiệm của họ nội trong đêm nay, và đặt quyền chỉ huy hoàn toàn của ông trong sự báo động tối đa. Ông đã đi gặp Tổng thống Thiệu và thuyết phục ông Thiệu ra lệnh cho các viên chức quân sự Việt Nam đang nghỉ Tết trở lại nhiệm sở ngay. Một vài người thi hành lệnh đó, nhưng tuy nhiên đa số thì không."[ 47]
Cũng theo Giáo sư Lê Xuân Khoa: "Tình báo quân sự Mỹ được tin tức về những vụ chuyển quân của cộng sản và dự đoán sẽ có những cuộc tấn công trước hay sau Tết nhưng không lượng định được rằng đây là trận đánh quyết định ở mức độ toàn diện. Ngày 10 tháng Giêng, tướng Frederick C. Weyand, tư lệnh Lực lượng Chiến trường vùng II, được sự chấp thuận của Tổng tư lệnh Westmoreland, bắt đầu chuyển quân chiến đấu về vòng đai Sài-gòn, tăng cường lực lượng bảo vệ thủ đô từ 14 lên 27 tiểu đoàn. Theo đề nghị của tướng Westmoreland, Tổng thống Thiệu và Đại tướng Cao Văn Viên giảm thời gian hưu chiến ngày Tết từ 48 tiếng xuống 36 tiếng đồng hồ và duy trì 50 phần trăm quân đội trong tình trạng báo động." [48]
Tuy nhiên trong sách Victory at any cost, The genius of Vietnam's Gen. Vo Nguyen Giap, tác giả Cecil B. Currey cho rằng cơ quan MACV đã ước tinh sai lầm khi dự đoán rằng cuộc hưu chiến Tết là dịp để Cộng quân chuyển vận các vật dụng hậu cần vào miền Nam hơn là tung ra các cuộc tấn công. [49 ]
Trong một bài viết có in trong tập Án tích Cộng Sản Việt Nam, tác giả Trần Gia Phụng đã dựa vào tư liệu của tác giả Don Oberdorfer khi cho rằng CSBV đã đổi lịch cho miền Bắc ăn Tết trước miền Nam một ngày để dễ bề chuẩn bị cho việc tiến hành cuộc tấn công Tết Mậu Thân; nhưng lập luận này xét ra không vững, bởi vì nếu rõ ràng là như thế thì tại sao đến giờ phút cuối Võ Nguyên Giáp lại ra lệnh hoãn cuộc tấn công lại 24 tiếng đồng đồ ngày hôm sau, để lại những hậu quả tổn thất nặng nề cho phía Cộng quân về sự đổi thay thời điểm này?
2.4. Cuộc Tổng Công Kích và Tổng Khởi Nghĩa, các quan điểm về nhận định thành bại.
Trước hết về kế hoạch dụ địch, nghĩa là tạo cho Hoa Kỳ và quân lực VNCH dồn tất cả lực lượng về phía các mặt trận biên giới và giới tuyến để chúng có thể dễ dàng đưa quân vào chiếm các vị trí thành phố, Bộ Chính trị CSBV đã không thành công bởi vì lực lượng cơ động của Hoa Kỳ đã di chuyển rất linh hoạt và mau chóng với phương tiện vận chuyển rất dồi dào. Tại mặt trận Khe Sanh, Cộng quân đã gánh chịu những tổn thất nặng nề với lực lượng phi pháo của Đồng Minh, và đã thất bại trong cố gắng biến Khe Sanh thành một Điện Biên Phủ thứ hai.
Cuộc TCK-TKN của Cộng quân nhằm hai mục đích rõ ràng là "tấn công" và "nổi dậy" cho nên chúng đã lựa chọn các thành phố và thị xã mà trong đó Sài Gòn và Huế là hai mục tiêu chính tuy vậy chủ đích của họ vẫn không đạt được thành công.
Trong tác phẩm đã trích dẫn ở trên, Giáo sư Lê Xuân Khoa đưa ra nhận định của ông về Tết Mậu Thân tại Sài Gòn như sau:
"Trận công kích Sài-gòn bị thất bại mau chóng vì giới lãnh đạo Bắc Việt quá chủ quan, tin tưởng quân giải phóng sẽ chiếm giữ hay phá hủy được những cơ sở trọng yếu về hành chánh và quân sự của VNCH và Hoa Kỳ, nhất là chiếm được Dinh Độc Lập và tòa Đại sứ Mỹ để gây tiếng vang quốc tế, trong khi dân chúng thủ đô sẽ ồ ạt xuống đường biểu tình ủng hộ cuộc cách mạng giải phóng chống ngụy quyền và đế quốc Mỹ. Tất cả những mục tiêu của cuộc tấn công đều không đạt được, trừ việc đốt phá một phần kho đạn ở Long Bình, cách Sài-gòn khoảng 20 dặm. Quân giải phóng không lọt được vào Dinh Độc lập, toán tấn công tòa Đại sứ quán Mỹ thì bị tiêu diệt khi mới lọt vào sân trước. Trung đoàn 101 chiếm được kho dự trữ Gò Vấp, nhưng các chiến xa ở đây đã được chuyển đi nơi khác. Mười hai cỗ súng đại bác 105 ly để lại thì không sử dụng được vì bộ phận khai hỏa đã bị quân VNCH tháo ra đem đi mất. Những toán quân đã lọt vào thành phố không liên lạc được với nhau và bị tiêu diệt hay phải rút lui vào Chợ Lớn. Một trung đội C-10 chiếm được Đài Phát thanh có chuyên viên đem theo cuộn băng thâu sẵn của Bộ Chỉ huy chiến dịch TCK/TKN nhưng không phát thanh được vì tuyến truyền thanh đã bị chuyên viên kỹ thuật của đài vô hiệu hóa bằng tín hiệu từ xa. Tại Chợ Lớn, quân giải phóng chiếm được trường đua ngựa Phú Thọ làm trung tâm chỉ huy các cuộc chiến đấu với các lực lượng phòng vệ thủ đô, nhưng đến ngày 7 tháng Ba cũng phải bỏ chạy." [50]
Trong Vietnam at war, Phillip B, Davidson cho biết căn cứ vào cung từ của các tù binh chiến tranh [51], cuộc tấn công toàn quốc tiên khởi được ấn định vào tối 29 rạng ngày 30 tháng Giêng, nhưng trước ngày D, Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh hoãn lại 24 giờ đồng hồ nên có một số tỉnh đã tấn công trước như Kontum, Pleiku, Bình Định, Darlac, Khánh Hòa và Quảng Nam vì không nhận được lệnh hoãn, và vì thế Giáp đã đánh mất yếu tố then chốt dành cho cuộc Tổng Công Kích của ông đó là sự bất ngờ. Sài Gòn bị tấn công vào ngày 31/1 tức ngày mồng hai Tết cùng với bảy tỉnh khác là Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Tín, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Vĩnh Long, Phong Dinh chính là lúc các giới chức Hoa Kỳ và VNCH được cảnh báo trước.
đường di chuyển của bão
Việc dân chúng thờ ơ với điều mà Hà Nội tin là sẽ hưởng ứng lời kêu gọi nổi dậy lật đổ chính quyền vốn là lẽ đương nhiên, bởi vì chính nhân dân miền Nam, nhất là tại thủ đô Sài Gòn, làm sao có thể nghe theo lời CS được khi mà đa số chính họ đều là thành phần di cư tị nạn CS từ năm 1954, vốn đã có nhiều kinh nghiệm sắt máu với chế độ vô sản ở miền Bắc? Còn nếu họ là dân Nam thì cũng đã biết được thế nào là CS nhờ báo chí, sách vở và nhất là kinh qua dưới chế độ chống Cộng của nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa với một ý thức hệ "chống Cộng" vốn đã được hấp thụ nhuần nhuyễn dưới thời của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho đến thời gian lúc bấy giờ. Trong con mắt đại đa số dân chúng tại thủ đô Sài gòn, người lính "giải phóng" hay hình ảnh "bộ đội bác Hồ" là một cái gì đó quê mùa, nhớp nhúa nếu không nói là quái đản đối với họ.
Nói chung dân chúng tại thủ đô cũng như các tỉnh chẳng những đã không hưởng ứng lời kêu gọi nổi dậy của Cộng quân mà còn tìm mọi cách để chạy thoát khỏi các khu vực CS chiếm đóng, và nhiều nơi dân chúng đã tìm cách giúp quân đội VNCH và Hoa Kỳ trong công việc chống lại các toán Cộng quân, như tư liệu của một số sử gia Hoa Kỳ ghi lại. [52 ]
Sự kiện TCK-TKN xảy ra tại Huế đã được nhiều tư liệu nói đến nên ở đây chúng tôi xin nêu lên một số điểm khái quát mà thôi.
Trước hết, Huế là một thành phố có nhiều trí thức, sinh viên học sinh và đã xảy ra nhiều biến động tại đây kể từ vụ biến cố Phật Giáo rằm tháng tư âm lịch 1963. Qua năm 1964, Huế cũng là nơi thành lập tổ chức Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc do một số giáo sư và giảng viên Đại Học Huế như Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Lê Tuyên, Cao Huy Thuần, Hoàng Văn Giàu tham gia, bị cán bộ CS xâm nhập lèo lái hướng đến các hoạt động biểu tình chống Mỹ, chống Công Giáo (dưới danh nghĩa chống dư đảng Cần Lao). Năm 1966, Huế cũng là nơi xuất phát vụ bàn thờ Phật xuống đường chống hai tướng Thiệu Kỳ để rồi sau đó một số trí thức, sinh viên thoát ly theo CS như Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Huỳnh Ngọc Ghênh v.v...
Vào dịp Tết Mậu Thân, Cộng sản kéo về thành phố Huế qua các ngả đường từ rừng núi phía Tây với khoảng một trung đoàn gọi à E-6 (gồm 3 tiểu đoành, ngoài ra có thêm 1 tiểu đoành đặc công, 1 đại đội pháo và du kích Hương Trà và Hương Điền. Cánh quân phía nam gồm trung đoàn E-9 thuộc sư đoàn 309, trung đoàn 5 (gồm 4 tiểu đoàn), 1 tiểu đoàn pháo, 4 đại đội đặc công. Sau khi chiếm được một số địa điểm tại Huế, CS cho công bố việc thành lập một tổ chức gọi là Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình Việt Nam do Lê Văn Hảo làm chủ tịch và Hoàng Phủ Ngọc Tường làm tổng thư ký. Sau đó Hảo được đưa lên làm chủ tịch chính quyền cách mạng Huế. Sau này Lê Văn Hảo lên tiếng phủ nhận việc này vì cho rằng trong thời gian đó ông còn nằm ở rừng núi Trường Sơn[*].
Trong thời gian này, các lực lượng an ninh CS lo lùng bắt và giết tất cả các nhân viên chính quyền VNCH, các người cộng tác với cơ quan CIA, những người bị tình nghi như một số linh mục, tu sĩ VN cũng như ngoại quốc, các giáo sư đại học dạy Y khoa tại Huế. VC chiếm được một số địa điểm tại Huế nhưng thất bại trong việc kêu gọi dân chúng nổi dậy vì đa số dân chúng đã có ý thức chống Cộng. Huế được coi là thủ đô của Phật giáo nhưng người Phật giáo là người hữu thần cho nên làm thế nào để có thể cộng tác với những hạng người vô thần như CS được? Bởi vậy, dân chúng đã tìm cách chạy về phía chính quyền quốc gia như phía khu vực đồn Mang Cá, phía đài phát thanh và khu vực MACV (hữu ngạn sông Hương), khu vực phi trường Phú Bài, trường Kiểu Mẫu v.v... Các linh mục Bửu Đồng, Lê Văn Hộ ở Huế và Quảng Trị bị giết, một số các đảng viên Đại Việt Cách Mạng Đảng bị bắt và bị xử từ như ông Từ Tôn Kháng, Trần Mậu Tí, Võ Công Lộ, rất nhiều đảng viên VNQDĐ bị bắt và bị CS xử tử, nghị sĩ Trần Điền, nhà ái quốc Võ Thành Minh (người thổi sáo bên hồ Léman, Thụy Sĩ nhân Hiệp định Genève chia đôi đất nước năm 1954), sinh viên Lê Hữu Bôi v.v... Tôi có một người bạn học cùng lớp trong chủng viện là anh Nguyễn Văn Thứ (đại chủng sinh) bị bắt cùng với hai trăm thanh niên Công Giáo tại giáo xứ Phủ Cam. Một thầy dạy học của tôi là Sư huynh Martin (Mai-Thịnh) thuộc Dòng Thánh Tâm Huế cũng bị bắt giết trong dịp này. Tất cả đều bị VC giết. Lực lượng quân đội VNCH và Hoa Kỳ đã phải chật vật lắm mới đẩy được Cộng quân ra khỏi thành phố Huế bằng các trận đánh trong thành phố, chiếm lĩnh từng căn nhà, khu vườn, với sự tiếp tay của dân chúng cố đô. Ngày 25.2.1968, Cộng quân rút lui khỏi Huế trong sự thảm bại hoàn toàn.
Tổng kết về thiệt hại nhân sự cho thấy tại Huế khoảng 5,000 quân "giải phóng" bị giết, 89 tên bị bắt, số bị thương không rõ. Phía VNCH có khoảng 384 chết và 1,830 bị thương, phía Mỹ có 216 chết và 1,354 bị thương. Theo sử gia Douglas Pike, con số nạn nhân tại Huế bị giết trong vụ Tết Mậu Thân có thể lên tới 5,700 người. [53]
Chính CS cũng đã phải thú nhận sự thất bại này trong các tài liệu giáo khoa Sử chính thức của họ: "Cuộc tập kích chiến lược Tết Mậu Thân - mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy - là đòn bất ngờ làm cho địch choáng váng. Nhưng do lực lượng địch còn đông (hơn nửa triệu quân Mỹ, gần 1 triệu quân ngụy), cơ sở của chúng ở thành thị mạnh nên chúng đã nhanh chóng tổ chức lại lực lượng và phản công quân ta ở cả thành thị lẫn nông thôn. Vì vậy trong đợt 2 và đợt 3 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, lực lượng ta gặp không ít khó khăn và tổn thất. Quân cách mạng vào chiếm giữ trong đợt 1 bị đẩy khỏi thành phố. Những người dân có cảm tình với cách mạng, ủng hộ quân giải phóng trước đó bị bắt. Nhiều vùng nông thôn giải phóng của ta trước đây bị địch chiếm. Mục tiêu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy không đạt được đầy đủ. Lực lượng của ta bị tổn thất nhiều... 111,306 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và chính trị ở miền Nam đã hi sinh và bị thương." [54]
Con số 111,306 Cộng quân bị chết trong ba đợt tổng tấn công của CS được thừa nhận trong các tư liệu chính thức của Miền Bắc xét ra cũng phù hợp với tư liệu của MACV là trong đợt đầu quân giải phóng miền Nam chết 42,000 người, đợt hai 40,000 người và đợt ba 26,000 người, tổng cộng là 108,000 người [55].
Tướng Trần Văn Trà, người chỉ huy mặt trận Sài gòn đã phải thú nhận: " Các mục tiêu quân sự trong dịp Tết vượt qua sức mạnh của chúng ta. Tất cả đều nằm trong ước muốn chủ quan của những người vạch ra kế hoạch. Vì vậy sự thổn thất của chúng ta đã rất lớn lao về vũ khí cũng như nhân sự. Và chúng ta không thể lấy lại được những gì chúng ta đã tạo ra. Vì vậy, chúng ta đã phải vượt qua biết bao nhiêu khó khăn trở ngại trong các năm 1969, 1970."[ 56]
Theo nữ bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, một thành viên lãnh đạo của MTDTGPMN/VN, "Hà Nội đã có tội khi đưa ra những tính toán sai lầm làm tiêu phí hết sức mạnh của miền Nam." [57]
Trong tác phẩm The genius of Vietnam's Gen. Vo Nguyen Giáp, sử gia Cecil B. Currey cho rằng: "Thất bại lớn nhất của cuộc tổng tấn công Tết không phải là của Giáp mà rõ hơn là của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Giáp đã chống đối dự án ngay từ khởi đầu nhưng các luận cứ của Thanh và Lê Duẩn đã thuyết phục được Hồ Chí Minh rằng cuộc tiến công phải được thực hiện. Sự việc cho biết Cộng quân đã phải chịu nhiều tổn thất lớn lao. Dân chúng miền Bắc đã quá mệt mõi vì các trận mưa bom của Mỹ. Hoa Kỳ có thể sẽ phải quyết định xâm lược miền Bắc. Một trận đánh mang đầy kịch tính ở miền Nam bộc lộ khả năng yếu kém của chính quyền ở đây và bó buộc Hoa Kỳ phải rút lui. Giáp đã phải miễn cưỡng tuân theo mọi quyết định. Kết quả đó đã không làm cho ông ta ngạc nhiên khi lực lượng quân sự Hoa Kỳ đã chứng tỏ rất đỗi thích hợp và có khả năng ứng biến hơn là Thanh và Lê Duẩn tiên đoán." [58]
Tướng Trần Độ, một nhà lãnh đạo quân sự chỉ huy mặt trận Sài Gòn bên cạnh Trần Văn Trà đã nhận định: "Thành thật mà nói, chúng ta đã không hoàn thành được mục tiêu chính của chúng ta. Việc gây một ảnh hưởng lớn đối với Hoa Kỳ thật ra không phải là ý định của chúng ta nhưng điều đó lại trở nên một kết quả may mắn." [59]
Đối với các giới chức hành chánh và quân sự Hoa Kỳ lúc đó như Tổng Thống Johnson, Cố vấn An ninh Quốc gia Walt Whitman Rostow, Thống Tướng Westmoreland chẳng hạn, các vị này đều cho rằng qua biến cố Tết Mậu Thân, Cộng Sản đã thất bại trong việc đạt tới sự bất ngờ mang tính chiến lược trong dịp Tết (strategic surprise) bởi vì một cuộc tấn công lớn của CS đã được dự đoán là có khả năng xảy ra vào dịp nghỉ Tết nên Hoa Kỳ và quân lực VNCH đã dự phòng phần nào. Tuy nhiên họ cũng cho rằng cuộc tấn công của tướng Giáp cũng đã đạt được sự bất ngờ chiến thuật (tactical surprise). Đối với Tướng Westmoreland, thắng lợi của quân đội Hoa Kỳ và quân lực VNCH trong cuộc TCK-TKN là một sự kiện hiển nhiên trước sự thú nhận của Bắc Việt và các nhà lãnh đạo "quân giải phóng", tuy nhiên có một vài giới chức vẫn lớn tiếng phủ nhận đó là một số người trong truyền thông Hoa Kỳ.
Nói chung, vài kẻ trong giới truyền thông Hoa Kỳ vốn có thái độ kỳ thị cố hữu đối với Miền Nam kể từ thời Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm (1954-1963) cho đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa.
Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ký giả trẻ tuổi Halberstam đã cùng với Averell Harriman, Henri Cabot Lodge, Roger Hillsman và Michael Forrestal làm thành nhóm gọi là Diem Must Go mà mục đích là lật đổ cho được chế độ của TT Ngô Đình Diệm. Ký giả Halberstam từng gửi cho nhật báo The New York Times một bài viết ngày 30 tháng Tám, 1963 từ Sài Gòn trong đó có điện văn mật của Tòa đại sứ Hoa Kỳ (ngày 24.8.63) tại Sài Gòn, có câu: "Nhiều nguồn tin cao cấp của giới ngoại giao nói rằng Hoa Kỳ phải quyết định về một chính quyền không có vợ chồng Ngô Đình Nhu thì mới hy vọng chiến thắng trong cuộc chiến chống Cộng và rằng ông bà Nhu thì lại không thể nào tách ra khỏi chính quyền hiện tại..." [60]
Halberstam cũng đã từng thúc giục Hoa Thịnh Đốn thay đổi trưởng nhiệm CIA ở Sài gòn là Richardson vốn là người có thiệm cảm với TT Diệm. Trong vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, chính Halberstam cũng góp tay vào việc dàn dựng và đưa tin khắp thế giới về biến cố này. Ngày 5 tháng mười, 1963 chính quyền của TT Kennedy giữ lại số tiền 250.000 Mỹ kim tài trợ cho Lực lượng Đặc Biệt của Đại Tá Lê Quang Tung mà ngày 22.10 khi đăng tải tin tức trên tờ The New York Times, Halberstam chế thêm dầu vào lửa khi nói rằng lực lượng quân đội của ông Nhu được thấy như là sử dụng cho các mục tiêu quân sự mang tính cách chính trị.
Một ký giả khác Rufus Phillips tin rằng cố gắng của Hoa Kỳ sẽ trở thành vô vọng khi ông Ngô Đình Nhu còn ở trong chính quyền và y luôn luôn chủ trương phải cắt đứt mọi viện trợ cho Lực Lượng Đặc Biệt của Đại Tá Lê Quang Tung. [61]
Chính các loại ký giả cỡ như David Halberstam, Rufus Phillips, Neil Sheehan chuyên sử dụng các nguồn tin của cán bộ Cộng Sản, đã đầu độc dư luận nhân dân Hoa Kỳ và góp tay vào việc lật đổ chế độ của TT Ngô Đình Diệm qua vụ Phật Giáo.
Trong biến cố Tết Mậu Thân, báo giới Hoa Kỳ chia làm hai phe, một bên cho rằng Hoa Kỳ đang thắng lợi trong khi phe kia, như Walter Cronkite lại nhất định chủ trương rằng Hoa Kỳ đã rõ ràng thất bại trong cuộc TCK-TKN. Edward J. Epstein trong TV Guide của chương trình NBC đã gợi ý rằng: "... các tiết mục gồm ba phần cho thấy Tết quả thật là một chiến thắng có tính cách quyết định của Hoa Kỳ và rằng cơ quan truyền thông đã cường độ một cách quá đáng về quan điểm cho rằng đó là một thất bại của miền Nam. Sau khi cân nhắc lại ý kiến đó đã bị loại bỏ bởi vì... Tết đã hoàn toàn được hình thành trong đầu óc công chúng rằng đó là một thất bại và như thế cũng là sự thất bại của Hoa Kỳ." [62]
Nhà văn Peter Braestrup trong một cuốn sách của ông cho rằng các ký giả và những người làm tin đã báo cáo sai về cuộc tấn công Tết vì rằng họ là những người nạn nhân vô tội của một hệ thống những trường hợp thông tin bất bình thường.
Robert Elegant vốn là một phóng viên phục vụ tại Việt Nam trong nhiều năm đã nghiêm khắc trách cứ các đồng nghiệp của mình trong việc đưa sai tin tức, không chỉ trong vụ tấn công Tết mà còn toàn bộ cuộc chiến tranh. Elegant tin rằng các ký giả Hoa Kỳ ở Việt Nam đã đi trật đường vì họ bị cưỡng bách cô lập khỏi cuộc sống ở Việt Nam vì lẽ họ bị cách biệt khỏi người Việt Nam do các hàng rào ngôn ngữ, văn hóa và tách biệt khỏi giới quân sự Hoa Kỳ vì các thái độ luân lý và các thành kiến chính trị. Ký giả Elegant cũng cho rằng hầu hết các phóng viên tường thuật cuộc chiến một cách tiêu cực bởi vì các ông chủ báo muốn như thế. Hơn nữa, ký giả nào từ chối chấp nhận kiểu loan tin như vậy, trái ngược với cách làm của giới ký giả đồng nghiệp của mình, sẽ bị loại ra khỏi nghề nghiệp và bị cô lập trong đời sống cá nhân của mình. [63]
Trong một số tư liệu của ngoại quốc viết về Tết Mậu Thân, hầu hết các tác giả này đều cho rằng dư luận dân chúng Hoa Kỳ bị choáng váng vì tính cách bất ngờ của biến cố, bởi vì thời gian trước đó, tin tức chiến sự từ VN chuyển về đều nói rằng HK đang trên đà chiến thắng. Nay thì dân chúng HK đang hụt hẫng vì sự thật khác biệt đang xảy ra nguyên do có lẽ vì Tổng Thống Johnson đã không muốn phá vỡ niềm tin rằng HK đang chiến thắng. Lẽ ra trong các thông điệp như State of Union chẳng hạn, TT Johnson phải trình bày rõ cho dân chúng Hoa Kỳ biết các diễn tiến của cuộc chiến tại VN để họ cảm thông và có những đồng thuận với ông trong các quyết định của hành pháp. Chính sau này, Johnson cũng xác nhận đó là những sai lầm của ông. Do biến cố Tết Mậu Thân, TT Johnson thông báo quyết định không ra tái tranh cử Tổng thống năm 1968, và mặc dù CSBV trước khi tiến hành cuộc TCK-TKN cũng đã không hề nghĩ tới dư luận của dân chúng HK, nhưng nói như Trần Độ, họ cũng được hưởng một chút kết quả do may mắn hơn là có tính toán trước. Dư luận cũng nói nhiều đến việc CSBV muốn dùng biến cố Tết Mậu Thân để tiêu diệt bớt lực lượng của MTDTGPMN để thay vào đó là quân chủ lực Bắc Việt và các thành phần lãnh đạo do Hà Nội gửi vào. Một số sách vở như tài liệu bút ký, hồi ký, phát biểu của các nhân vật lãnh đạo quân "giải phóng" miền Nam cũng bộc lộ sự kết án này trong những lời lẽ chua chát, hậm hực pha lẫn đắng cay. Sự thật lịch sử sẽ xác quyết vấn nạn này.
Riêng về giới lãnh đạo của hai nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa, chắc chắn mọi người đều có thể so sánh, đối chiếu một cách dễ dàng. Một bên là Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm tận tụy làm việc cho đất nước đến hy sinh mạng sống mình vì bảo vệ chủ quyền dân tộc, như lời ông đã nói với ký giả Maguerite Higgins của tờ báo New York Herald Tribune đầu tháng 8 năm 1963: "Tôi dường như không thể thuyết phục cho Tòa Đại Sứ biết rằng đây là Việt Nam chứ không phải là Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ."[64] , còn một bên Tướng Nguyễn Văn Thiệu ỷ lại vào Hoa Kỳ trong một thời điểm nóng bỏng như những ngày trước tết Mậu Thân vẫn còn nhởn nhơ về quê vợ là Mỹ Tho để ăn Tết mặc dù ngành tình báo Hoa Kỳ đã cảnh giác trước. Với một típ người lãnh đạo như Tướng Thiệu, làm sao chúng ta không mất nước được ?
Nguyễn Đức Cung
New Jersey 5.10.2007
1.- Liên Hằng T. Nguyễn, “Bộ Chính trị chiến tranh: Đường lối chính trị và ngoại giao của Bắc Việt trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968”. (The War Politburo: North Vietnam's Diplomatic and Political Road to the Têt Offensive), Journal of Vietnamese Studies Feb 2006, Vol. 1, No. 1-2: 4–58. Vy Huyền dịch, Talawas ngày 22.2.2007.
2.- Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945-1995, Chiến tranh, Tị nạn, Bài học Lịch sử, Tập I, Tiên Rồng 2004, trang 271, Phần Ba: “Nội chiến hay Chiến tranh Ủy nhiệm?” Ý kiến của Lê Xuân Khoa đã gây một số tranh luận trên báo chí Việt Nam ở hải ngoại.
3.- Nguyễn Văn Minh, Dòng họ Ngô Đình, Ước mơ chưa đạt, Hoàng Nguyên xuất bản, tái bản lần thứ nhất tháng 11-2003, tr. 419.
4.- Nguyễn Văn Minh, Sđd, tr. 421.
5.- LM Bửu Dưỡng, “Trước những trào-lưu mới: Phong-trào Nhân-Vị”, Tạp chí Đại Học số 11, Tháng 9 năm 1959, tr. 48.
6.- Robert Scigliano, South Vietnam, Nation Under Stress, (editor: Dayton D. McKean), University of Colorado, Houghton Mifflin Company, Boston, tr. 76.
7.- Trong những năm ra hải ngoại sau ngày 30-4-1975, linh mục Nguyễn Phương (nguyên giáo sư sử học Viện Đại Học Huế trước 1975) cộng tác với nhiều báo Việt ngữ, dưới bút hiệu Trúc Long. Bài này được đăng trên tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong ở Virginia, khoảng tháng 8-1982.
8.- Nguyễn Văn Minh, Sđd, tr. 423.
9.- Đại Nam Thực Lục Chính Biên, quyển XXVII, tr. 45. Kế hoạch này đã được Tiễu Phủ Sứ Nguyễn Tấn và hậu duệ của ông áp dụng trong việc xây dựng cơ cấu Sơn phòng Quảng Ngãi và Bình Định, đem lại an ninh và thịnh vượng cho vùng cao các tỉnh này. Xem thêm Nguyễn Đức Cung, Lịch sử vùng cao qua Vũ Man Tạp Lục Thư và Diên-Lộc Quận-Công Nguyễn Thân, do nhà xuất bản Nhật-Lệ in và phát hành năm 1998 và 2002.
10.- Lâm Thanh Liêm, Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1994), Nxb. Nam Á, Paris, 1995, tr. 55.
11.- Robert Scigliano, Sđd, tr. 180.
12.- Nguyễn Văn Châu, Ngo Dinh Diem, en 1963: Une autre paix manquée, bản tiếng Việt Ngô Đình Diệm và Nỗ lực hòa bình dang dở, Nguyễn Vy Khanh dịch, Nxb. Xuân Thu, California, 1989, tr. 149.
13.- Suzanne Labin, bản tiếng Pháp Vietnam, Révélation d'un témoin, bản tiếng Anh Vietnam, An Eye-Witness Account, Crestwood Book, Virginia, 1964, tr. 55.
14.- Suzanne Labin, Sđd, tr. 57.
15.- Suzanne Labin, Sđd, tr. 54.
16.- Nguyễn Văn Châu, Sđd, tr. 155.
17.- Bùi Tín, “40 Năm ngày đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm: cái nhìn từ Hà Nội”, tạp chí Thông Luận số 174, tháng 10-2003.
18.- Vĩnh Phúc, Những huyền thoại & sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm, Nxb. Văn Nghệ, California, 1998, tr. 93.
19.- Nguyễn Văn Minh, Sđd, tr. 88.
20.- Dư Văn Chất, Người chân chính, Nxb. Hà Nội, 1993, tr. 11; Nguyễn Văn Minh, Sđd, tr. 104-126.
21.- Ông Lê Phước Thưởng là một cán bộ phái khiển của CS, về hàng ông Ngô Đình Cẩn năm 1957, hợp tác với chính quyền phá vỡ nhiều cụm tình báo của CS tại Miền Nam. Sau ngày 30-4-1975, ông Thưởng bị bắt và đưa ra trại Hà Tây, rồi trại Nam Hà ở tù chung với tôi (NĐC), Tháng 2-1988 ông Thưởng được thả và về sống tại Đà Nẵng. Sau đó vài năm ông mất vì ung thư cổ họng. Tính ông khẳng khái nên trong tù rất được nhiều người thương mến.
22.- Tú Gàn, “Sớm đầu tối đánh”, tuần báo Sài Gòn Nhỏ, ngày 17.11.2000.
23.- John M. Newman, JFK and Vietnam, New York, Deception, intrigue, and the struggle for power, Warner Books, 1992, tr. 26.
24.- Minh Võ, Ngô Đình Diệm, lời khen tiếng chê, Nxb. Thông Vũ (tái bản lần thứ nhất, California, tháng 10, năm 1998), tr. 42.
25.- Minh Võ, Sđd, tr. 45.
26.- Minh Võ, Sđd, tr. 46.
27.- Minh Võ, Sđd, tr. 47.
28.- Ellen J. Hammer, A death in November, America in Vietnam 1963, Oxford University Press, New York, Oxford, 1987, tr. 310.
29.- Liên Hằng T. Nguyễn, Bài đã dẫn.
30.- Liên Hằng T. Nguyễn, Bài đã dẫn.
31.- Bùi Tín, Hoa xuyên tuyết, hồi ký, Nxb. Nhân Quyền, 1991, tr. 140.
32.- BBC bản tin Việt ngữ, ngày 04 tháng 5 năm 2006.
33.- Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, hồi ký, Nxb. Văn Nghệ, tái bản lần thứ nhất, 1997, tr. 328.
34.- Liên Hằng T.Nguyễn, Bài đã dẫn.
35.- Liên Hằng T. Nguyễn, Bài đã dẫn.
36.- BBC bản tin Việt ngữ ngày 04 tháng 5 năm 2006.
37.- Liên Hằng T. Nguyễn, Bài đã dẫn.
38.- Liên Hằng T. Nguyễn, Bài đã dẫn.
39.- Nguyễn Minh Cần, Công lý đòi hỏi, Nxb. Văn Nghệ, California, 1997, tr. 103.
40.- BBC bản tin Việt ngữ ngày 19 tháng 5 năm 2006.
41.- Lê Xuân Khoa, Sđd, tr. 293.
42.- Lê Xuân Khoa, Sđd, tr. 294.
43.- Don Oberdorfer, Tet, The turning point in the Vietnam war, A Da Capo Paperback, 1971, tr. 42.
44.- Judy Stowe, "Lịch sử chủ nghĩa xét lại tại Việt Nam" Đỗ Văn dịch, Phụ Nữ Diễn Đàn số 136, 1995, dẫn theo Trần Gia Phụng, Án tích Cộng sản Việt Nam, Nxb. Non Nước, Toronto, Canada, 2001, tr. 287.
45.- Don Oberdorfer, Sđd, tr. 205.
46.- James J. Wirtz, The Tet offensive, Intelligence failure in war, Cornell University Press, 1991, tr. 149.
47.- Phillip B. Davidson, Vietnam at war, The history 1946-1975, Oxford University Press, New York, Oxford, 1988, tr. 474.
48.- Lê Xuân Khoa, Sđd, tr. 295.
49.- Cecil B. Currey, Victory at any cost, The genius of Vietnam's Gen. Vo Nguyen Giap, 1997, tr. 267.
50.- Lê Xuân Khoa, Sđd, tr. 295.
51.- Phillip B. Davidson, Sđd, tr. 474.
52.- Phillip B. Davidson, Sđd. tr. 475.
53.- Lewis Sorley, A better war, The unexamined victories and final tragedy of America's last years in Vietnam, Harcourt Brace & Company, New York, San Diego, London, 1999, tr. 97.
54.- Lê Xuân Khoa, Sđd, tr. 297.
55.- Lê Xuân Khoa, Sđd, tr. 296.
56.- Peter Macdonald, Giap, The victor in Vietnam, W.W. Norton &Company, New York, London, 1993, tr. 268.
57.- Peter Macdonald, Sđd, tr. 268.
58.- Cecil B. Currey, Sđd, tr. 268.
59.- Peter Macdonald, Sđd, tr. 260.
60.- Francis X. Winters, The year of the hare, The university of Georgia Press, Athens & London, 1997, tr. 72.
61.- Francis X. Winters, Sđd, tr. 81.
62.- Phillip B. Davidson, Sđd, tr. 486.
63.- Các trường hợp trích dẫn về Peter Braestrup và Robert Elegant đều theo Phillip B. Davidson, Sđd, tr. 487.
64.- Mark Moyar, Triumph forsaken, The Vietnam War 1954-1965, Cambridge University Press, 2006, tr. 229.
[*] Tham khảo: bài trả lời phỏng vấn của Ts. Lê Văn Hảo dành cho đài Á Châu Tự Do (RFA). Thông Luận, muc “Một vòng thời sự”, ngày 21/12/2006. (BBT)