– Trung Quốc Cộng sản đang là một đe dọa nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam.
– Thể chế nhà nước Việt Nam đang là một thể chế bất hợp lý, độc tài và tham nhũng.
– Ý thức hệ mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang theo đuổi, chính xác là một ảo tưởng.
Vận nước cũng giống quy
trình của một đời người: “Một thời để yêu, một thời để chết” (tên một
tác phẩm của Maria Remarque). Nói theo phong cách triết học hiện đại thế
kỷ 20: Một thời dấn thân (s’engager), một thời tháo gỡ (desengager).
Việt Nam đang tuột vào con dốc ứng với vế hai của quy trình, một thời để chết, hoặc một thời tháo gỡ. Do đó, các từ ngữ thoát Trung, thoát Cộng, hay thoát Ảo… xuất hiện, và có chỗ đứng chính đáng của mình, nó biểu hiện nổi trăn trở của một giai đoạn có nhiều nguy cơ biến động, mà Việt Nam đang đối diện.
Đó là những từ ngữ đang nhảy múa trong đầu mỗi người dân hôm nay. Cái nào trước cái nào, cái nào chính, cái nào phụ đang là sự tính toán của những người làm chính trị, hoặc là những người quan tâm đến thời cuộc. Đảng Cộng sản Việt Nam với khoảng ba triệu cái đầu sáng tối khác nhau, cũng không dễ có sự thống nhất đơn giản.
Thoát Trung
Chiếc giàn khoan HY 981 đã mở tung nắp đậy chiếc quan tài lịch sử, từ đó bật lên tiếng kêu thất thanh “thoát Trung” của dân Việt. Tiếng kêu ấy ngày càng trở nên khẳng định và quyết liệt, nhắm vào kẻ xâm lược, đồng thời liền theo đó, xuất hiện một câu hỏi lớn của nhân dân về vai trò và trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay.
Câu hỏi đó vừa có tính chất lịch sử, vừa là dự báo cho một chuyển biến mới, mà Đảng Cộng sản Việt Nam không thể không tự trả lời mình, và trả lời cho dân chúng, cũng là cho quá khứ và cho tương lai.
Thoát Trung là một nhận thức đã trở thành ý chí, gần như một khẩu hiệu tự phát của các tầng lớp nhân dân được lan truyền nhanh chóng trong cả nước, kề từ sau ngày 2 tháng 5, khi chiếc giàn khoan HY981 xuất hiện, hạ neo ở vùng lãnh hải Việt Nam.
Sự kiện giàn khoan minh chứng một cách công khai, trắng trợn âm mưu của Tàu chiếm đoạt Biển Đông, uy hiếp chủ quyền Việt Nam. Từ đây, Tập Cận Bình cũng đã mặc nhiên công khai xé toạc “thông cáo chung” giả dối mà Hồ Cẩm Đào ký kết với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một cách đáng mỉa mai thay, qua đó xác định Tàu là nước đối tác “chiến lược và toàn diện”. Với nó, Tàu đã trùm bóng đen lên đầu Việt Nam.
Thì ra, những sự thật lịch sử đau lòng ẩn bên dưới các “thông cáo chung” đã từng úp mở và che đậy, nay đã được phơi bày: Công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các thông tin tiết lộ về hội nghị Thành Đô, từ hồi ký của cố Thứ trưởng Trần Quang Cơ, từ Wikileaks, từ báo Hoàn Cầu và truyền thông nhà nước Trung Quốc, đã hội tụ và khắc họa nên một bức tranh sự thật, dù Đảng Cộng sản Việt Nam chưa công khai bạch hóa cho dân chúng biết, nhưng sự thật có vẻ ê chề ấy được minh chứng và lý giải qua các thực tế diễn ra hơn hai thập kỷ trên khắp đất nước Việt Nam.
Đó là vấn đề “xét lại” – một từ ngữ từng nhuộm máu đó đây – toàn diện, mang tính đồng loạt, hay đúng hơn, là sự bừng tỉnh cộng đồng sau cơn mê dài, là cái phần đuôi còn lại của một thời kỳ xã hội chủ nghĩa đã sang trang. Nó trở thành nỗi lo âu và giận dữ chính đáng, cấp bách, rộng lớn, của nhiều thành phần dân chúng, cả cán bộ, đảng viên trong bộ máy công quyền. Nó không hề là một “phản ứng” cục bộ, sự vụ, lẻ tẻ để có thể đáp ứng dễ dàng, hay là lời giải thích dễ dãi, hoặc là bị bóp chết từ trong trứng nước nếu ai đó muốn.
“Thoát Trung” mang ý nghĩa cụ thể: thoát ra khỏi vòng vây chiến lược “đại cục” của Trung Quốc về các hình thái xâm lược bằng sức mạnh mềm, và sức mạnh bạo lực đang diễn ra, được thể chế hóa, công khai hóa qua các “thông cáo chung” và các ký kết khác của hai bên, bao gồm mọi mặt, từ tư tưởng Đại Hán mang danh chủ nghĩa xã hội, hình mẫu thể chế chính trị, các âm mưu hợp tác để phá hoại kinh tế, hợp tác chiến lược để bao vây cô lập quân sự, kiềm chế quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước khác, v.v. (như lời “mật truyền” của Mao).
Thoát Trung là sự tháo gỡ ra khỏi các ràng buộc thâm căn cố đế về mặt trái của nó, từ lúc khởi đầu cuộc chiến tranh đến nay, và giờ đây, sự tháo gỡ không phải là dễ dàng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, vì cơ chế của bộ máy, vì gắn liền với tư duy ý thức hệ đã từng thấm sâu, và các ràng buộc vật chất khác. Thoát Trung là giành lại quan hệ bình đẳng của một Quốc gia có chủ quyền, không lệ thuộc. Thoát Trung không có ý nghĩa là chống lại nhân dân Tàu, tuyệt giao về văn hóa, hay lập tức cắt đứt về kinh tế, như một thế lực nào đó muốn suy diễn quá đà, nhằm kín đáo chống lại xu thế “thoát Trung”. Cũng như tư tưởng “cảnh giác” phương Tây và Mỹ, là nhằm mục đích níu kéo quan hệ 16 chữ, tiếp tục thực hiện khẩu hiệu “thế lực thù địch” rất mập mờ, để trấn áp phong trào chống xâm lược Tàu và đòi hỏi dân chủ. Đó là luận điệu yêu nước ngụy trang, nêu cao tinh thần tự chủ giả vờ, thực chất là bảo thủ, không muốn dân chủ, sợ hãi thay đổi, vì đặc quyền đặc lợi của một nhóm thế lực ẩn danh.
Không người Việt Nam nào còn mơ hồ về âm mưu bành trướng Đại Hán khi nhìn vào thực tế, khi hiểu “Giấc Mơ Trung Hoa” mà Tập Cận Bình đang ra sức thực hiện, và hiểu rõ lời của Mao Trạch Đông truyền cho hậu duệ của họ, qua tài liệu mật được bạch hóa. “ …chúng ta phải tìm mọi cách làm cho nước họ ở trong tình trạng không mạnh, không yếu mới có thể buộc họ ở trong tình trạng hiện nay. Về bề ngoài chúng ta đối xử với họ như đồng chí của mình, nhưng trên tinh thần ta phải chuẩn bị họ trở thành kẻ thù của chúng ta…” (Xem: “Từ văn kiện tuyệt mật chống VN đến 600 ngày tăm tối của Mao” – Một thế giới, ngày 19–8–2014)
Thoát Trung là vươn lên ý thức độc lập, làm chủ lấy mình, mở rộng liên kết thế giới với tư cách đầy đủ của một Quốc gia, không để rơi vào con đường độc đạo u ám dẫn đến lệ thuộc Trung Quốc như nó đã diễn ra. Thoát Trung là nhu cầu thực tế có ý nghĩa sống còn của Việt Nam hôm nay.
Thoát Cộng
Có câu hỏi, tại sao phải thoát Trung? Việt Nam đã tự mình “theo Tàu”, tựa gối gá vai vào Tàu, chứ từ lâu Việt Nam đã đứng riêng một cõi Trời Nam, qua bao sóng gió vẫn quyết giữ nền độc lập của mình. Chính vì ý thức hệ Cộng sản mới dẫn dắt đến sự lệ thuộc ngày nay, mới có tình nghĩa giang hồ anh em khắng khít, mới có phương châm 16 chữ, mang ý nghĩa sự đồng hóa, như trải thảm vàng để đón mời. Nó xóa bỏ sự riêng biệt tất yếu để một Quốc gia có thể tồn tại, phản bội Tuyên ngôn độc lập qua Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi. Phương châm 16 chữ (thập lục tự phương châm) của Giang Trạch Dân (tặng cho Đảng Cộng sản Việt Nam, 1991) là một bài thơ xâm lược, thông qua “lý tưởng” Cộng sản. Nó được nâng lên thành “16 chữ vàng”, phản bội dân tộc, mà Đảng Cộng sản Việt Nam đồng thuận tung hô, bộc lộ tính tự nguyện, khó thể biện hộ!
Nếu những thế hệ Cộng sản tiền phong của Đảng Cộng sản Việt Nam, nóng lòng vì giải phóng dân tộc, mà “ngộ” phải chủ nghĩa Vô sản Quốc tế, thì có thể lấy trào lưu thời cuộc mà biện minh. Nhưng nay thời đại đã khác, lạc hậu văn minh đã rõ, sao còn bám theo? Soi vào tấm kính chiếu hậu, thấy hàng loạt các nước Cộng sản đã giã từ sân khấu. Còn soi vào hiện tại thì kìa, Trung Quốc, cấp “Đảng Lãnh Đạo” đang no nê và nghiêng ngã, dân chúng của họ thì khốn cùng và phẫn nộ – một lò lửa đang chờ bùng nổ.
Còn gì nữa mà mơ hồ về cái gọi là chủ nghĩa xã hội?
Việt Nam Cộng sản là một dấn thân tự nguyện, đâu thể đổ hết cho Tàu? Cái âm mưu đành rằng của họ, nhưng cái mê lầm là của ta.
Thoát Trung, lại có nghĩa là thoát Ý thức hệ Cộng sản, là nguồn cơn dẫn đến lệ thuộc. “Lý tưởng tương thông” là chiếc cầu cho quân xâm lược bước qua. Thoát Trung là cấp bách nhưng căn nguyên chính là thoát Cộng, đâu phải là không quan trọng!
Thoát ảo
Có người cho rằng, cũng không có Cộng sản đâu để mà thoát! Tự xưng là Cộng sản, nhưng trong lòng không tin vào ý thức hệ này, và thực tế, nó đang tồn tại như một tấm bảng hiệu.
Có phải dân Việt Nam có bản chất là mơ mộng? Là ưa thích cái mà mình không có? Việt Nam thoát thai từ một xã hội phong kiến lạc hậu, chưa từng là nước phát triển, làm gì có “công nhân” để gọi là giai cấp “tiên tiến”, rồi đến đội ngủ “tiền phong”? Đảng Cộng sản Việt Nam ban đầu có bản chất và sức mạnh là yêu nước, “ý thức hệ” là chuyện mơ màng tạm thay cơm áo trong lúc khó khăn. Niềm tin mơ mộng đó là biểu hiện của khát vọng tự do, đã có vai trò hỗ trợ cho cuộc chiến đấu thành công, nhờ đó có thêm súng đạn và lương khô. Về bản chất của “ý thức hệ’ là giai cấp, thì Việt Nam cũng đã trải qua kinh nghiệm đẫm máu về cải cách ruộng đất, cũng như “ba ngọn cờ hồng” của Trung Quốc, cũng như hàng triệu đầu lâu của phong trào Cộng sản Polpot tại xứ Chùa Tháp.
Trên thực tế, từ trước đến nay, chỉ có “Đảng Cộng sản” yêu nước chứ không hề có chủ nghĩa Cộng sản, dù là một chút mầm mống khả tín. Cái quả có trước cái nhân, nó từ trên trời bay xuống, không có nền tảng, nó nằm chơ vơ trên chiếc đệm rơm sơ sài dễ cháy. Đấu tranh giai cấp thực sự là tai hoạ gây hận thù, chứ không thể động lực cho tiến bộ.
Cuộc trường kỳ kháng chiến đã đi đến kết thúc “thắng lợi”. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang làm gì với thắng lợi đó, cho hiện tại và tương lai, với cái thành tựu duy nhất làm hành trang mang theo, là những nhịp đập rực lửa chủ nghĩa “anh hùng” đẫm máu?
Tương lai là hướng đến hình mẫu Đại Hán xã hội chủ nghĩa, hay gương sáng siêu độc tài, siêu phong kiến Bắc Triều Tiên? Hay là mô hình xã hội chủ nghĩa vừa siêu thực, vừa bí hiểm mà “đến cuối thế kỷ cũng chưa chắc hoàn thiện”? Và liệu rằng cái anh hùng trong quá khứ có còn không? Và nó có thay khoa học làm động lực tiến lên “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” được không?
Đảng Cộng sản Việt Nam lại đang có niềm tin với những khẳng định tự hào rất cần xem lại:
– Cuộc chiến đấu gian khổ, giành từng mảng rừng xanh, từng cái buôn làng, từng con suối nhỏ đến con sông lớn, rồi giành được nửa nước, rồi cả nước. Thế là hoàn thành “giải phóng đất nước”? Công thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam vinh quang, lại quên rằng nhiều triệu thanh niên đã ngã xuống và cả dân tộc đã chịu đau thương mất mát trong suốt cuộc chiến tranh khốc liệt, bất kể là giai cấp nào?
– Nhân danh giai cấp vô sản, làm đại diện cho giai cấp vô sản, đã tiến lên thành hữu sản, cũng là đại diện giai cấp vô sản theo nghĩa di truyền. Thế là hoàn thành đấu tranh giai cấp? nghiễm nhiên quay lại khai thác triệt để nhân dân – ngay thành phần nông dân và công nhân nghèo khổ mà mình xưng là đại diện – bằng những chính sách có lợi cho tầng lớp cầm quyền.
– Tiến hành thể chế “chuyên chính vô sản” với mục tiêu gì? Để kiềm giữ lâu dài không cho giai cấp “tư sản ngóc đầu dậy”? Để cho chủ nghĩa tư bản “tiếp tục giãy chết”, bằng cách dắt dìu con cháu mình nối nghiệp, cũng lâu dài là đại biểu giai cấp vô sản theo nghĩa di truyền? Với nhiệm vụ “cao cả và khó khăn” của chuyên chính vô sản, là phải tiếp tục kiên trì dù cho đến cuối thế kỷ, dưới sự dẫn dắt bởi một đội ngũ tiên tiến và tiền phong do Đảng chọn lựa, cũng trên cơ sở “truyền thống” của mình?!
Với những niềm tin trên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành chủ nhân ông đích thực, rất chiến lược và toàn diện của đất nước!
Nhưng tất cả đều là ảo tưởng, vì nó phản khoa học, nghịch với thời đại, và không đúng với thực tế. Vì thế phải thoát ảo tưởng này.
Việt Nam ngày nay, với thân phận tủi nhục và đắng cay, đang ngước nhìn lên Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Indonesia…, họ không cần đến một thứ chủ nghĩa siêu phàm viển vông nào. Người Việt hôm nay còn đang mơ ngày được hít thở bầu không khí của Campuchia, Myamar, tuy là còn rất nhiều bụi bặm nhưng không độc hại bằng không khí ở Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, Hà Nội.
Nay Đảng Cộng sản có nên tiếp tục mang bảng hiệu “cộng sản” nữa không, khi mà chẳng có cái “chủ nghĩa cộng sản” ở đâu cả? Không có đâu cả! Hay là tự mình bất chấp thời đại, dựng lên một cõi trời riêng xã hội chủ nghĩa?
Giờ đây, không còn băn khoăn là thoát cộng, mà là thoát ảo tưởng của chính mình.
Thoát hệ lụy
Có nhận xét rằng, hiện tại Đảng không hề có ảo tưởng, nên chuyện “thoát ảo” cũng là viển vông. Ngược lại, Đảng Cộng sản Việt Nam rất thực tế, dù rằng không còn mấy ai thực lòng – ngay ở cấp lãnh đạo – tin vào lý tưởng có bản chất là ảo tưởng của ý thức hệ, gọi tên là Mác–Lênin. Một số lãnh đạo Đảng từng nói, phải “tập trung bảo vệ Đảng”, ấy là cái cụ thể, tức là bảo vệ cơ cấu quyền lực và lợi ích hiện hữu của mình, tệ nhất cũng là cái “sổ hưu”. Vấn đề là quá thực tế, chứ không phải ảo.
Thế hệ kế thừa đang dùng hình tượng Hồ Chí Minh làm nền, khỏa lấp hệ thống lý luận đã hoàn toàn đổ vỡ, để làm điểm tựa cho niềm tin của thể chế. Nhưng sự vay mượn hình bóng Hồ Chí Minh – hay là khai thác, tận dụng triệt để – không đem lại tác dụng bao nhiêu, vì thời đại này đã vượt qua giai đoạn của “tệ sùng bái cá nhân”. Nếu là vĩ nhân, hãy để vĩ nhân tự tỏa sáng. Sự phục chế thô thiển sẽ làm cho bức tượng không còn nguyên trạng. Đảng vẫn tự hào là đang tồn tại như một thực thể hùng mạnh, nắm trong tay bộ máy An ninh, Quân đội, hệ thống Tư pháp và Nhà tù cùng với các nguồn lực quốc gia, đủ sức để dập tắt bất cứ sự đề kháng nào trong nhân dân nếu có. Ngoài ra thì có đủ các ban bệ, đoàn thể bao quanh, như vây và cánh.
Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như ý muốn.
Người anh cả Trung Quốc, vốn đồng sàng nhưng dị mộng, khi giở tấm khăn vàng ra, là con dao đã kề vào cổ!
Trong nước, quyền và lợi đã làm tha hóa tầm nhìn, sinh ra “suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống” trong Đảng, với số lượng “không phải là ít”. Từ đó, đất nước đã phủ kín một màu tham nhũng chứa đầy xung đột, dưới muôn hình vạn trạng, vừa tinh vi, vừa trắng trợn đã tác động làm xã hội băng hoại đến mọi ngõ ngách.
Với chiến dịch chống tham nhũng, người dân không tin ngay từ lúc nó khởi động, vì tham những là con đẻ của thể chế, và thể chế ấy không thể tự chống mình, nên nó chỉ là cuộc giành giật để thay lớp tham quan này bằng lớp tham quan khác. “Hạ cánh an toàn” là câu nói trên miệng quan chức, phổ biến, công khai, có nghĩa như một lời chúc mừng, là sở nguyện giữ thành quả thu được sau một canh cờ gian bạc lận. Lẽ ra phải được hiểu đó là một câu nói nhục nhã của cánh làm quan, biểu hiện bản chất một cỗ máy u ám và đầy cạm bẫy.
Đại bộ phận thanh niên thì cam chịu, thờ ơ, mất phương hướng và không muốn vào Đảng. Một cây tầm vông được hơ quá lửa, uốn ngược lại, thành ra bị gãy, ví như: “Thanh niên e dè [vào đảng] là còn kỳ vọng vào Đảng” như lời phát biểu đủ độ vô duyên của một cựu quan chức từng hãnh tiến một thời, là bí thư Thành đoàn TP HCM – Nguyễn Chơn Trung.
Khoảng cách giữa Đảng và dân chúng ngày càng rộng, mặc cho những lời hô của lãnh đạo: “Lấy lại niềm tin của nhân dân”, trong khi guồng máy tham những cứ vận hành, các công cụ bạo lực không ngớt trấn áp và truy bức công dân mà không cần một thứ luật pháp nào (mới nhất: vụ án Bùi Minh Hằn, vụ khủng bố Đại tá Nhà văn Phạm Đình Trọng…).
Ở cấp dưới thường nói khi hành sự: “do trên chỉ đạo”, trên bảo: “do ở dưới làm”, mọi sự thật chạy vòng quanh như kiến bò miệng chén. Người dân không thể biết được ai chịu trách nhiệm về cái gì. Chỉ có một từ ngữ đứng ra thay mặt mọi thứ: “Đảng” cùng với hào quang quá khứ của nó! Nó vô hình vô bóng, nhưng bàng bạc khắp không gian, nó vừa là kẻ gieo hồng ân, vừa là bóng dáng thần chết, tùy theo sự phân chia dòng chảy.
Các hoạt động văn hóa, xã hội thấm đẫm nhang khói kinh doanh, báo chí Đảng thì rất kiệm lời tử tế, lại đầy khí thế hằn học, mang chất giọng của quan tòa.
Nếu các thế hệ Cộng sản trước đây thiếu thốn vật chất, nên lấy tinh thần làm sức mạnh, thì nay ngược lại, vật chất/quyền lực đã phủ lấp, làm tê liệt tinh thần, đưa lẽ sống xuống mức thô lậu, rơi vào hệ lụy thảm hại – một sự tha hóa ở quy mô cộng đồng dân tộc.
Bốn “thoát” trên đây đều là yêu cầu của thực tế, là suy nghĩ của dân chúng, vì họ không chịu nằm yên để cho “Đảng lo”. “Đảng lo” vốn là não trạng “bao cấp tư tưởng” bị trương phình đột biến, từ khi chiếc lưỡi bò Trung Quốc xuất hiện. Người dân nghĩ rằng họ phải làm chủ cuộc sống của mình, bằng cách tham gia vào tiến trình vận hành toàn diện của đất nước, theo một thể chế phải có sự hiện diện tiếng nói đích thực của người dân, không cam chịu bị chăn dắt như một bầy cừu, bởi một cỗ máy đã quá lỗi thời, nằm trong tay độc quyền của một nhóm người ẩn trú trong cái vô hình gọi là Đảng.
Đâu là lý do mà Đảng lo sợ “mất niềm tin” của nhân dân? Lẽ nào, “mất niềm tin” là do nhân dân tự mình muốn “không tin”?
Trong kinh của đạo Thiên Chúa khuyên tín hữu, hãy lấy tay chỉ vào mình và nói: “Lỗi tại ta!”. Kinh Phật thì bảo, phải ngẫm lại tấm thân mình chỉ là một thứ “giả hợp” của ba thứ “Tham – Sân – Si”. Còn “Đức tin” của người Cộng sản Việt Nam hiện nay thì sao? Xin hãy tự định nghĩa thật lòng, thử xem mình là gì? Có còn là phẩm chất “anh hùng, dũng cảm, trí tuệ” trước Tàu? Có còn là “tiền phong, gương mẫu” trước nhân dân?
Ông Tổng Bí thư và ông Chủ tịch Nước vẫn “đều đều” báo động “mất niềm tin của nhân dân”, nhưng có thể chưa nói đầy đủ ý nghĩa của cụm từ này. “Mất niềm tin” bao hàm cả nghĩa: không trọng về tài, không tôn về đức. Mà còn hơn thế, là căm hận, nếu Tàu còn đưa người vào đất nước, thực phẩm độc hại còn tiếp tục tuồn qua, tài nguyên còn bị lấy đi, đất biển còn bị mất thêm, kiêu binh còn hoành hành, dân dao búa côn đồ còn nổi lên… với bài hợp ca: “cướp đêm là trộm, cướp ngày là quan”!
Cái lỗi sẽ không do duy nhất bất cứ một thành viên nào, mà do trong thể chế không có mặt nhân dân. Cái lỗi của nhân dân là không có mặt trong thể chế. Nhân dân đang thức giấc về cái lỗi của mình.
Một đòi hỏi vừa phải: Minh bạch – Thực hiện dân chủ – Cùng nhân dân chấn hưng đất nước, bảo vệ chủ quyền.
Phải biến “một thời để chết”, thành một thời để yêu chân và thiện.
Việt Nam đang ở trong một cơ may. Cả thế giới đang tạo vòng vây, cô lập bọn hung hăng Đại Hán, Việt Nam không còn là đối tượng để trở thành bãi chiến trường như thế kỷ trước.
Nhưng là ở cạnh chiến trường.
Tùy theo sự chọn lựa: Việt Nam độc tài, hay Việt Nam dân chủ?
Còn nhân dân thì đã chọn, và xu thế thời đại cũng đã rõ.
Cái thoát cô đọng cuối cùng, là thoát hệ luy của một thể chế bất hợp lý, độc tài và tham nhũng.
2–9–14
H. Đ. N.
Tác giả gửi BVN.