|
"Một con cá lặn, trăm người buông câu..."
|
Nhiều người trong số đó mong muốn được kết hôn và lập gia đình. Thế nhưng họ vẫn phải sống độc thân. Có giải pháp nào cho vấn đề này trong xã hội?
Thuật ngữ “phụ nữ ế chồng” vốn khá phổ biến ở Trung Quốc vào năm 2007, với sự góp phần quảng bá của Hội liên hiệp phụ nữ toàn quốc. Cụm từ này ám chỉ những cô gái già trên 27 tuổi không có gia đình và chưa sinh con. Tuy nhiên, khi đề cập đến nhóm “đàn ông ế vợ”, các phương tiện truyền thông đã chỉ ra rằng lực lượng này còn đông đảo gấp bội và sinh ra nhiều vấn đề xã hội lớn.
Chính sách kế hoạch hóa gia đình và nguyên tắc "mỗi gia đình một con" của Trung Quốc đã dẫn đến chênh lệch trong cân bằng giới tính. Tổng điều tra dân số mới nhất ở Trung Quốc cho thấy tỷ lệ sơ sinh là 118 bé trai trên 100 bé gái. Mặc dù Trung Quốc nghiêm cấm việc chẩn đoán giới tính trước khi sinh và nạo phá thai chọn lọc, số bé trai vẫn cao hơn nhiều so với tỷ lệ tự nhiên. Hiện tượng này dẫn tới một hậu quả nghiêm trọng là hàng chục triệu đàn ông không thể tìm được bạn đời. Số liệu thống kê cho thấy, Trung Quốc có 5,82 triệu phụ nữ chưa lập gia đình tuổi từ 29-39, trong khi đàn ông độc thân ở cùng độ tuổi là 12 triệu người. Cứ 100 phụ nữ Trung Quốc chưa chồng sinh sau năm 1980 thì có 136 đàn ông chưa vợ. Nguy hiểm hơn, tỷ lệ này là 100/206 ở những người sinh từ năm 1970 đến 1980.
Nhiều thanh niên phàn nàn rằng việc theo đuổi các cô gái là chuyện rất tốn kém, đặc biệt khi họ nghiêm túc đi đến hôn nhân. Một số thanh niên khác tìm kiếm “nửa kia” của mình theo nguyên tắc “Thà rằng chim sẻ trong tay, còn hơn lời hứa trên mây hạc vàng”. Trong số này có những chàng trai con nhà giàu, tìm hiểu thông qua dịch vụ đặc biệt và tốn hàng chục nghìn nhân dân tệ trong việc tìm kiếm người phụ nữ lý tưởng của đời mình.
Cần thừa nhận một thực tế rằng phần lớn đàn ông Trung Quốc không vợ là vì lý do kinh tế. Ở Trung Quốc, hầu hết các cô dâu tương lai đều muốn chú rể có căn hộ, ô tô riêng và một công việc đàng hoàng. Theo truyền thống, người đàn ông nên kết hôn với một phụ nữ thấp kém hơn anh ta về tài chính. Tuy nhiên, vì hầu hết những phụ nữ này cũng là con một trong gia đình, thường có trình độ học vấn và thu nhập khá.
Giáo sư Cố Hiểu Minh của Đại học Phúc Đán cho rằng vấn đề đàn ông sống độc thân liên quan đến hệ thống an sinh xã hội ở Trung Quốc. Theo quan điểm của ông, trong một cộng đồng lành mạnh, người đàn ông trẻ đến tuổi lấy vợ phải có tiềm năng kinh tế nhất định để xây dựng gia đình, chẳng hạn như tích cóp đủ tiền để mua một căn hộ vừa phải.
Đề xuất được người giàu nhất Trung Quốc đại lục là Tông Khánh Hậu đưa ra trước kỳ họp Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc không còn bị coi là quá ngông cuồng. Ông Tông Khánh Hậu đề xướng cấp nhà ở tại các thành phố cho tất cả các hộ gia đình Trung Quốc và nói rằng việc thanh niên không đủ khả năng mua hoặc thuê nhà ở các đô thị lớn vì giá quá cao là một vấn đề xã hội nghiêm trọng.
Theo đề nghị của ông Tông Khánh Hậu, công nhân và viên chức trẻ tuổi có thể thuê căn hộ hai phòng của nhà nước, với mức thuê không vượt quá 10% tiền lương. Sau khi họ tích lũy đủ tiền, chính phủ cần cho phép họ mua thế chấp căn hộ riêng trong vòng 15 năm, khoản thanh toán hàng tháng cũng không được vượt quá 20% thu nhập. Rất có thể, biện pháp đó sẽ giúp một bộ phận “đàn ông ế vợ” trở thành “những người đàn ông có gia đình”.