Sau chiến thắng của doanh nhân gốc Việt Trịnh Vĩnh Bình, các chuyên gia pháp luật nói với VOA rằng chính quyền Việt Nam phải tôn trọng luật pháp quốc tế và biết hành xử đúng để hội nhập thế giới, trong khi đó Bộ Tư pháp Việt Nam nói rằng thông tin vụ xử này nên được giữ “bí mật.”
Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nhận định:
“Tuy rằng trước mắt Việt Nam bị mất tiền, mất uy tín, nhưng ngược lại vụ này tạo cho các nhà đầu tư có niềm tin. Nếu nhà đầu tư bị chính quyền xử ép thì họ có thể khởi kiện và thắng kiện.”
Tuy rằng trước mắt Việt Nam bị mất tiền, mất uy tín, nhưng ngược lại vụ này tạo cho các nhà đầu tư có niềm tin.Luật sư Trần Quốc Thuận.
Chuyên gia pháp lý quốc tế Hoàng Việt chia sẻ với VOA:
“Qua đây thấy một điều rất rõ là hệ thống nội bộ pháp luật của Việt Nam có rất nhiều vấn đề không tương thích. Quyền lực giữa trung ương và địa phương có sự mâu thuẫn. Các cơ quan địa phương thường diễn giải theo cách riêng của họ. Các doanh nhân như ông Trịnh Vĩnh Bình đã gặp rất nhiều tai ương trong khi chính quyền trung ương luôn luôn kêu gọi đầu tư và nước ngoài và Việt kiều.”
Qua đây thấy một điều rất rõ là hệ thống nội bộ pháp luật của Việt Nam có rất nhiều vấn đề không tương thích. Quyền lực giữa trung ương và địa phương có sự mâu thuẫn.Luật sư Hoàng Việt
Hôm 11/4, ông Trịnh Vĩnh Bình, một doanh nhân Hà Lan gốc Việt, cho VOA biết Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế (PCA) ra phán quyết yêu cầu Việt Nam bồi thường hàng chục triệu đôla cho ông.
Cuối ngày 12/4, Bộ Tư pháp Việt Nam ra thông cáo, xác nhận phán quyết đã có, nhưng theo quy định, “các bên có trách nhiệm giữ bí mật.”
Thông cáo của Bộ Tư pháp Việt Nam cho biết ngày 10/4, Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Quy tắc Trọng tài UNCITRAL đã ban hành Phán quyết về Vụ kiện đầu tư của ông Trịnh Vĩnh Bình đối với Chính phủ Việt Nam trên cơ sở Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Hà Lan.
Thông báo của Bộ Tư pháp nói: “Theo quy định của tố tụng trọng tài, các bên có trách nhiệm giữ bí mật Phán quyết. Tuy nhiên, hiện nay, một số trang thông tin điện tử và mạng xã hội đưa tin, phản ánh không chính xác nội dung của Phán quyết cùng với những diễn giải, suy đoán chủ quan gây hiểu nhầm trong dư luận.”
Bộ Tư pháp nói thêm rằng Bộ này đang “nghiên cứu kỹ nội dung Phán quyết để thực hiện các bước tiếp theo phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của Chính phủ Việt Nam.”
Trả lời yêu cầu bình luận về kết quả vụ kiện chính phủ Việt Nam của ông Trịnh Vĩnh Bình, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam, cho VOA biết chiều ngày 11/4 khi ông đang chủ trì một cuộc hội thảo tại thủ độ Washington kêu gọi doanh nhân Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam.
“Thôi! cái đó thì hiện nay toà đang xét xử, chúng tôi chưa bình luận cái việc đấy!”
Hôm 11/4, triệu phú Hà Lan gốc Việt đã cho VOA biết về kết luận của Tòa án Trọng tài Thường trực gửi thông báo thắng kiện cho ông, theo đó chính phủ Việt Nam buộc phải bồi thường cho ông Bình tổng cộng hơn 37,5 triệu đôla thiệt hại và gần 7,9 triệu đôla án phí.
Trả lời với VOA sau khi nhận được tin thắng kiện, ông Trịnh Vình Bình cho biết ông hy vọng vụ kiện của ông sẽ mở ra một con đường cho những người dân khác mất đất đai, tài sản tại Việt Nam muốn giành lại công lý.
Đây được xem là một sự kiện chưa từng có đối với chính quyền Việt Nam khi phải bồi thường số tiền lớn cho một doanh gia gốc Việt vì được cho là đã chiếm đoạt sai trái tài sản đầu tư của ông.
Luật sư Trần Văn Thuận nói vụ xử lịch sử này là một bài học cho chính quyền Việt Nam.
“Việt Nam hiện đang hội nhập thì phải chấp nhận những quyết định của luật pháp quốc tế, không thể lấy luật nội địa để xử người khác được. Đây cũng là bài học để Việt Nam tiếp tục hội nhập thế giới.”
Luật sư Hoàng Việt chia sẻ nhận định này.
“Vụ xử này cho thấy công lý được thực thi và được sử dụng như thế nào. Trong tương lai khi Việt Nam gia nhập các công ước quốc tế, bao gồm cả CPTPP và sắp tới là EVFTA, thì những vụ kiện tương tự như thế này sẽ xảy ra.”
Trong tương lai khi Việt Nam gia nhập các công ước quốc tế, bao gồm cả CPTPP và sắp tới là EVFTA, thì những vụ kiện tương tự như thế này sẽ xảy ra.LS Hoàng Việt
Độc giả Pham Long bình luận trên VOA: “Ông ấy thắng kiện thì tốt rồi nhưng thử hỏi nhà nước sẽ lấy tiền ở đâu ra mà đền và ai là người chịu trách nhiệm hay lại lấy ngân sách là đồng tiền xương máu của người dân ra mà trả giá cho sự ngu dốt và quyết tâm cướp trắng trợn của bọn lợi ích nhóm.”
Luật sư Nguyễn Văn Trung nhận định rằng khả năng Việt Nam chấp nhận và thi hành phán quyết này là “rất khó.” Ông bình luận trên trang VOA Tiếng Việt:
“Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) thật ra không phải là một tòa án theo đúng nghĩa vì không có quyền quyết định trực tiếp, mà là một cơ quan điều hợp pháp lý. Nhiệm vụ của PCA là khuyến khích các quốc gia, các tổ chức liên chính phủ và cả tư nhân giải quyết tranh chấp với nhau bằng cách hỗ trợ thành lập các tòa án trọng tài để thụ lý. Có nghĩa là nguyên đơn, bị đơn tranh chấp tại PCA phải là thành viên gia nhập các Công ước Den Haag 1899 và 1907.
“Việt Nam gia nhập Công ước Den Haag 1899 vào ngày 29/12/2011 và Công ước Den Haag 1907 vào ngày 27/12/2012, mà vụ án ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ Việt Nam vào năm 1999. Như vậy liệu phán quyết của PCA có giá trị pháp lý để Việt Nam ‘ói’ tiền cho Trịnh Vĩnh Bình? Nên nhớ những bản án quốc tế chỉ có giá trị khi các bên nguyên đơn, bị đơn là thành viên của Công ước Den Haag.”