Sau 8 giờ sáng, những ai đi làm, đi buôn bán đã đi. Nhưng ở ngõ này thì vẫn còn nhiều người ngồi hàng nước, hoặc đang làm lặt vặt trong nhà, trước cửa
Thanh niên ở ngõ sống vạ vật qua ngày, ăn cắp vặt lấy tiền sinh sống, thừa chút thì cờ bạc, đi làm buổi có buổi không. Hắn cũng thế, vừa đi làm vừa ăn cắp. Hắn xin được làm chân thợ sơn ở một bệnh viện, công việc hàng ngày là đi sơn cửa sổ, cửa ra vào, giường bệnh, tường, lan can. Đội sơn của hắn có năm người, sơn quanh năm suốt tháng, sơn từ đầu này đến đầu kia thì trở lại chỗ cũ để sơn lại. Đầu tiên hắn làm cẩn thận, cạo rỉ bằng con dao sắt, dùng bàn chải sắt cọ lần nữa , ráp sặt rồi dùng chổi quét một lớp. Trong lúc chờ khô lại đi cạo rỉ, cọ rỉ nơi khác và quay lại sơn chỗ đã khô. Hai tuần đầu tiên hắn làm được không nhiều như người khác, nhưng chỗ hắn sơn bóng đều đẹp. Của người khác do không đánh, cạo nên nhìn xa thấy đã sơn, nhìn gần thấy lồi lõm do rỉ hoen bên trong vẫn còn. Hắn bị chấm công ít hơn đồng nghiệp, hóa ra người chấm công chỉ đứng xa đảo mắt nhìn cứ thấy màu xanh của sơn mới là ông ta chấm công, chẳng bao giờ ông ta lại gần xem chất lượng sơn thế nào. Cứ thấy màu sơn mới trên từng cái cửa là ông ghi sổ tính công.
Hắn không cạo hay đánh rỉ nữa. Hắn đổ mấy hộp sơn vào một cái xô đổ thêm nửa lít xăng. Dùng chổi quét nhà dúng vào xô sơn phết lên cửa cần sơn. Chỉ vài nhát chổi là diện tích sơn đã phủ kín màu sơn, còn lại vài khe hẹp lấy chổi sơn tút tát vài đường. Trước một ngày hắn sơn được một cánh cửa, thì nhờ áp dụng phương pháp mới, một ngày hắn sơn 5 cái cửa. Được một hai hôm hắn bỗng chột dạ lo sợ việc năng suất vượt mấy trăm % thế người ta nghi. Nên hắn quyết định chỉ sơn một ngày 3 cái cửa. Thời gian thừa mênh mông hắn đi bắt cá trong hầm nước bệnh viện.
Bắt cá lúc đầu còn là thú vui tiêu khiển giết, sau trò ấy cũng chán vì nửa ngày mới lừa bắt được một con chỉ hai đến ba lạng. Chả hiểu sao bệnh viện lại có cá, chắc có hồ cá gần quanh nước ngập hay theo đường cống chui vào. Bệnh viện xây từ thời Pháp có những căn hầm , lối đi ở dưới. Người ta không dùng đến để lâu nước ngập đầy. Hắn lội thử vào và phát hiện trong căn hầm có rất nhiều tấm kinh dày 3ly người ta để quên trong đó từ bao giờ, đủ các loại kích cỡ. Chắc trước đây phòng này người ta cắt kính để lắp các cửa sổ nên có nhiều kính như vậy. Vì nước ngập, vì sự quan liêu của quản lý, số kinh bị bỏ quên.
Hắn gặp người quản lý, chấm công. Nói rằng khi sơn của sổ thấy nhiều cánh cửa kính bị vỡ. Giờ ở nhà người quen có số kính tồn, nếu ký hợp đồng cho người quen hắn thay kinh hỏng giá rất rẻ, ông có thế kê phần ông vào. Người quản lý thấy ý kiến cũng hợp tình, bèn trình lên bộ phận sửa chữa bệnh viện. Nhận thông báo ông ấy đồng ý, hắn kiếm thằng bạn nhà làm cắt kính đứng ra nhận việc. Hàng ngày hắn đến sớm, mò kính dưới hầm bê ra lau khô cho thằng bạn đến làm. Thế là hắn kiếm được kha khá , số kính trong hầm rồi cũng hết. Tự nhiên không còn mầu mè để kiếm chác, hắn đâm ra chán bỏ quách cái công việc đồng lương eo hẹp đấy.
Đợt đó cả ngõ nhà hắn có phong trào đi buôn, mọi người đổ xô lên biên giới mua hàng Trung Quốc về bán. Mới mở cửa khẩu quan hệ lại, hàng hóa Việt Nam khan hiếm, nên hàng Tàu đổ về cái gì bán cũng có lãi. Việc đi buôn chả có gì khó, cứ nhảy xe ô tô lên Lạng Sơn mua bừa cái gì đó về từ chai bia, bánh xà phòng, đài cát sét mang về Hà Nội là có lời. Xe khách đậu trước cửa nhà hắn đón mọi người đi từ lúc nửa đêm, chiều về tới chỗ cũ. Nhờ nhanh nhẹn, uy tín nhà lại ngay điểm đỗ xe, người đi buôn để nhờ hàng nhà hắn, sau nhờ hắn bán hàng hộ để họ về nhà tranh thủ tắm rửa nghỉ ngơi. Tối đi chỉ việc cầm tiền và trả công cho hắn một ít, cứ mỗi người một ít thế nên hắn cũng có nguồn thu kha khá.
Không nghề nghiệp cố định, không có kiến thức học vấn. Như bao thanh niên đường phố khác hắn sống ngày quay ngày một cách bất cần. Chẳng có kế hoach gì cho tương lai. Rông dài chơi bời , túng quẫn thì xoay sở mánh mung, buôn lậu vặt, móc mối vặt những mặt hàng bị nhà nước cấm. Không có tiền thì nghĩ cách xoay sở kiếm tiền. Kiếm được tiền thì nghĩ cách ăn chơi tiêu tiền. Cuộc đời của hắn ở phía trước cũng là cuộc đời mà kẻ hắn khinh ghét đã đi và đã sống. Cuộc đời của Phú Mắm, cuộc đời loanh quanh trong con ngõ nhỏ, chỉ biết đến nhu cầu bản thân, mưu toan để phục vụ nhu cầu ấy với tiêu chí là làm sao đỡ mất công mất sức đạt được.
Nhiều năm trôi qua, thấm thoắt hắn đã ngoài 30 tuổi . Nhìn lại quãng đời trôi qua là quân đội, nhà tù, phiêu bạt , đòi nợ thuê, chém người thuê. Mẹ hắn, người phụ nữ nhẫn nhịn và hiền lành chỉ biết khóc thương con mỗi khi hắn sa vào cảnh khó khăn, tù tội vì những việc làm phạm tội hình sự. Hắn quyết định lấy vợ cho mẹ yên lòng.
Vợ hắn sinh ra trong một gia đình tử tế và có trí thức, cô là người khá hiền lành và chịu đựng.Lấy vợ là điều mà hắn làm mẹ hắn vui lòng lần này xa với lần trước đã rất lâu. Phải đến gần 20 năm, đó là khi còn đi học thỉnh thoảng hắn được danh hiệu học sinh giỏi, thậm chí là còn được suất đi thi giỏi văn của thành phố. Mẹ hắn cứ ngỡ hắn sẽ có một tương lai khác với anh chị hắn, khác với trẻ con hàng xóm, mẹ hắn còn nghĩ hắn sẽ vào tới tận đại học. Nhưng không ngờ hắn bị đuổi học ngay những năm đầu cấp 3 và trở thành một tay du thủ, du thực của đường phố. Đứa con mà bà hy vọng chính lại là đứa lấy đi nhiều nước mắt của bà nhất trong gần 20 năm trời đó.
Hắn bị đuổi học vì một lý do thật lạ lùng, dù hắn viết nhiều về tuổi thơ, về ngóc ngách trong mọi quãng đời. Nhưng chưa bao giờ hắn kể vì sao mình bị đuổi học. Có ai hỏi hắn chỉ nói vì nghịch quá mà bị đuổi học cho qua chuyện.
Sự thực hắn bị đuổi học vì tấm hình của ông Hồ Chí Minh, một vị lãnh tụ cộng sản được tôn thờ như thượng đế trong dân chúng.
Hôm đó thầy giáo chủ nhiệm nói lớp cần ảnh Bác Hồ, nhà học trò nào có ảnh Bác( vì được tôn sùng lên từ Bác được viết hoa như từ Chúa và Phật ) thừa chưa dùng đến thì giơ tay.
Hăn giơ tay.
Thầy giáo hỏi.
- Thế ảnh Bác nhà để đâu .?
Hắn trả lời.
- Dạ thưa thầy. Để dưới gầm giường.
Thầy giáo nghe hắn nói. mắt quắc lên những tia sáng dữ dội. Hắn biết mình đã lỡ lời, thầy giáo quát.
- À mày định nắn gân tao à.? Tao sẽ cho mày biết tay.
Hắn ú ới muốn thanh minh nhưng ông giáo bắt ngồi xuống và im miệng, hắn biết ông giáo đã hiểu nhầm ý của mình. Hắn mới 15 tuổi biết thế nào là ' nắn gân' thầy giáo theo kiểu ấy. Thực sự nhà hắn chật, gầm giường thì cao. Dưới gầm giường có một cái hòm gỗ , nhiều thứ không dùng đến để trong đó.
Cái đầu óc ngây thơ của hắn không hiểu thế nào là ' ý thức chính tri' không hiểu hình ảnh của ông Hồ Chí Minh ở trong đầu vị thấy giáo kia vĩ đại thế nào.
Hắn bị kỷ luật và đuổi học.
Các bạn lớp 10D trường PTTH Trần Phú thương mến, có lẽ các bạn chẳng bao giờ nhớ tới tôi, chẳng bao giờ nhớ đến một bạn học là Bùi Thanh Hiếu ở lớp 10 D trường PTTH Trần Phú năm 1987 bị đuổi học thế nào. Tôi cũng không nhớ tên hết các bạn trong lớp vì tôi mới học cùng các bạn chưa được 2 tháng. Tôi chỉ nhớ bạn Thu Thủy lớp trưởng nhà ở Ngô Quyền, nhớ bạn Vân Anh bí thư đoàn lớp nhà ở Lý Thường Kiệt...và nhiều bạn nữa đã có lời xin thầy cho tôi được học tiếp.
Hôm nay tôi viết lại điều này, không phải để thanh minh với ông Hải dạy Lý chủ nhiệm lớp chúng ta 25 năm trước đây Cũng không phải để cho tô vẽ câu chuyện cuộc đời tôi nhuốm màu sắc chính trị ly kỳ . Vì sự thực lúc đó tôi không hề có ý thức chính trị nào về chuyện ảnh vị lãnh tụ mà cả dân tộc thờ như thánh đó bị đặt dưới gầm giường. Trong đầu tôi lúc đó ngoài chuyện học , là chuyện con gà chọi ngũ sắc chân vàng xương tôi phải vần võ, om bóp, chăm sóc. Tôi đâu biết gì đến lãnh tụ, thậm chí đến cái từ Đảng Cộng Sản tôi cũng không hiểu đó là gì. Ông Hồ tôi cũng coi trọng như một vị có công kêu gọi dân ta đánh Pháp, hình ảnh của ông trong tôi cũng tương tự như muôn vàn những người thủ lĩnh khởi nghĩa nhân dân chống giặc ngoại xâm trong lịch sử như Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám, Phùng Hưng, Mai Hắc Đế...
Tôi viết để nói với các bạn rằng lúc đó tôi bị đuổi học vì một sự thực rất ất ơ, tôi không hề có ý đồ ' nắn gân' ông Hải Lý vì tôi không có gan đó, càng không có gan xúc phạm lãnh tụ vì tôi biết gì mà xúc phạm. Nếu tôi nói khác đi rằng ảnh Bác Hồ nhà tôi để trong cái tủ đựng đồ quý giá ,mà chỉ có bố và mẹ tôi cầm chìa khóa. Có lẽ mọi việc sẽ khác đi rất nhiều. Chuyện tấm hình đó để dưới gầm giường chỉ vì đơn giản là ở dưới đó trong cái hòm, tấm ảnh đỡ bị bụi và luôn luôn mới.
Trong cuộc đời sau này, khi ở trong trại tù lao động khổ sai,vác đất chạy dưới cái nắng hè 38 độ giữa cánh đồng để làm gạch. Đội đá từ dưới sà lan lên bờ dốc chênh vênh mang đến lò nung vôi trong cơn gió bấc, mưa phùn lạnh dưới 8 độ. Khi đôi môi nứt nẻ vì khát nước, tôi khoa bàn tay mình xuống vũng nước nông choèn đến mắt cá chân, để xua đám nòng nọc đi, vục thật nhẹ lấy chút nước sợ bùn bị khuấy lên. Uống thứ nước tanh ngòm đó, nhìn bầu trời đổ lửa, chân tay run lẩy bẩy vì đói và kiệt sức. Tôi chưa bao giờ trách ông thầy giáo Hải Lý, chưa bao giờ trách ông Hồ Chí Minh hay bản thân tôi.
Tôi kể cho bố tôi nghe chuyện bị đuổi học. Ông thở dài.
- Thôi.! Nhà mình không có đất học con ạ.
Tôi ôm mặt khóc nức nở. Bố tôi đã không đánh, không mắng gì tôi. Câu chuyện éo le khiến con người phải chịu mất mát ở cuộc đời này là điều thường xuyên mà người từng trải như bố tôi đã thấy. Bởi thế ông không trách con mình. Nhưng trước bố, tôi khóc vì đau đớn thấy niềm hy vọng của ông về một đứa con trai mà ông tin rằng sẽ học hành đến nơi, đến chốn. Để trong gia đình thoát ra khỏi một cái định mệnh là ' nhà không có đất học '. Câu nói của bố tôi như một lời kết cho một cuộc thử nghiệm vượt qua định mệnh không thành.
Tôi vào quân đội, đơn vị của tôi có baỷ thằng lính người Hà Nội. Người ta gọi chúng tôi là trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Một cụm từ nghe rất tự hào thường dành cho con cái bọn dân đen. Con cái nhà các quan chức chẳng thấy được ' trúng tuyển ' bao giờ. Đi bộ đội hồi ấy tập tành loàng xoàng điều lệnh, điều lệ, mốt hai mốt . Nằm lê la bắn súng , ném lựu đạn, chui hàng rào...dăm ba món võ và kế hoạch tác chiến không gì cho lũ trẻ con vẫn chơi. Cuộc đời quân ngũ là đi lao động. Người ta lấy lính nào có phải để tập tành bảo vệ tổ quốc gì đâu, để lấy sức lao động của họ là chính. Một hình thức lấy lao động không phải trả công. Câu thành ngữ ' nước sông công lính ' là như vậy. Tôi đi lính năm 1900, thời thế lúc đó thay đổi nhiều. Biên giới Tây Nam người ta đã rút quân về, biên giới phía Bắc đã quan hệ bình thường. Thời của làm ăn kinh tế, các sĩ quan quân đội tận dụng chúng tôi để làm kinh tế cho họ. Đám lính chúng tôi đi đào mương, đào móng nhà, phụ hồ...rặt toàn công việc dùng đến sức lao động thô sơ. Bữa ăn chỉ có rau kho , rau nấu và một hay may lắm là hai miếng thịt to bằng đốn ngón tay út.
Tôi nhớ thằng Hải gầy đen người Sóc Sơn, nó gầy nhưng rất háu ăn. Nó bán dần quân tư trang mới cấp để mua đồ ăn. Có lần tôi thây nó vượt rào ra khỏi đơn vị, lúc tôi đứng gác bên ngoài. Nó đứng cầm cái áo mưa mới được phát, cứ người nào đạp xe qua là nó giơ chiếc áo ra hỏi.
- Cô ơi mua cháu cái áo...chú ơi mua giúp cháu cái áo.
Hết người này đi qua lắc đầu, lại đến người khác. Thằng Hải mắt mờ đi, nó thất thểu chui qua dãy chuồng lợn để vào doanh trại. Đến chiều nó chui rào ra quán, đổi chiếc áo lấy một bao thuốc lá Du Lịch và một bát mỳ có ít thịt bò bạc nhạc nổi lềnh phềnh.
Ở lớp lính nghĩa vụ trước tôi được hai anh quý, anh Trắng nhà ở Lương Văn Can và anh Hải Bột nhà ở làng Nhân Chính. Anh Dũng nhà giàu, chả hiểu sao phải đi lính. Đời anh đi lính cũng sướng, anh hút thuốc lá Malboro dài bao mềm. Thinh thoảng anh cho tôi vài điếu hút, hoặc anh dặn có đói thì lấy gì ở căng tin ghi tên anh. Hình như anh đóng tiền cho đơn vị nên chẳng phải lao động gì cả. Lúc nào có tập huấn thì anh tập vật vờ cho qua quýt , chẳng chỉ huy nào nói gì anh vì họ nhận tiền của anh hết.
Anh Hải Bột thì khác hẳn anh Dũng, anh Hải Bột đi lính nghĩa vụ hai năm mà hàm trung sĩ, quyền trung đội trưởng. Nhà anh Hải Bột không giàu, nhưng anh có nhiều quân tư trang của các lớp lính hết hạn ra về hay của lính đào ngũ. Anh Hải Bột lại có phụ cấp, mỗi lần đưa quân đi làm nhiệm vụ ( tức đi lao động ) anh còn được bồi dưỡng riêng thêm. Anh Hải hay gọi tôi sang trung đội anh ấy, lúc cho cái quần, lúc cho cái áo, kể cả chăn màn. Tôi bảo tôi có rồi mà, anh bảo mày ngu lắm, lấy mà bán hay đổi lấy cái gì mà ăn. Tôi nhớ ra thằng Hải Sóc Sơn bèn cầm về cho nó bán mua gì hai thằng ăn. Đôi khi anh Hải Bột còn cho tôi ít tiền.
Chẳng hiểu vì sao hai con người trái ngược nhau ấy lại quý tôi. Trong cuộc đời tôi sau này tôi gặp nhiều người tốt như thế, chẳng hiểu họ quý mến hay thương tôi vì điều gì. Anh Dũng Trắng khệnh khạng chả coi ai trong đơn vị ra gì, anh ngồi uống rượu với giò chả trong căng tin, hút thuốc lá xịn. Ai ra vào anh cũng mặc, không thèm đưa mắt nhìn. Nhưng lần đầu anh thấy tôi , gọi lại cho thuốc hút và gói mấy miếng chả bảo tôi cầm về ăn. Đầu tiên tôi nghĩ chắc anh thấy tôi gần nhà anh, nhưng chẳng phải, thằng Tiến Béo nhà ngay hàng Hòm, cách nhà anh chỉ bằng một phần tư đường nhà tôi. Nhưng chả bao giờ anh nói gì với nó. Còn anh Hải Bột đĩnh đạc và nghiêm nghị, anh còn được vào diện cảm tình Đảng, dự định đi học sĩ quan. Các anh ở đại đội khác, chẳng liên quan gì đến đại đội tôi. Nhưng cái thằng tôi láo nháo nhất trong số bọn lính mới vào lại được người như anh Hải quý thì tôi cũng chịu , chẳng hiểu nữa.
Tôi luôn đứng đầu trong số lính bị kỷ luật, không những là lính cũ mà cả lính mới, nói tóm lại là gì chứ trong số lính bị kỷ luật bao giờ cũng có tôi. Kỷ luật tức là lao động, lúc giờ nghỉ trưa cả đơn vị chìm trong giấc ngủ quý báu thì tôi đi gánh phân để tưới rau, đi cuốc luống trồng rau. Lũ kỷ luật có một cán bộ đứng ngồi trong bóng râm ngồi trông.
Tôi gánh phân đi qua sân đổ xuống ruộng rau cần. Lúc lấy phân tôi thấy mẩu báo quân đội nhân dân có ghi ngày 28- 5. Hai hôm sau ở khay thức ăn trong nhà ăn đơn vị. Khi tôi thò đũa gỡ đĩa rau cần cho tơi ra tôi lại thấy mẩu báo bằng hai ngón tay còn nguyên cái đoạn ngày 28-5.
Từ hôm đó tôi toàn gánh thùng không.Anh cán bộ sĩ quan ngồi trong bóng râm đời nào ra nắng mà chúi đầu thùng phân kiểm tra. Tôi đi qua cứ còng cái lưng ra vẻ nặng nhọc. Được vài hôm như thế thì bị lộ. Thì ra cái thùng nặng nó trĩu đòn gánh, dù tôi đi qua chỗ anh ta đứng có cố tình cầm móc xích vít xuống ra vẻ đi nữa thì hai cái thùng và chiếc đòn gánh nó cũng không thể giống thật. Anh sĩ quan gọi tôi lại kiểm tra, khi nhìn thấy hai cái thùng không, anh e hèm.
- Thằng này được, mày qua mặt tao bao nhiêu, đã thế tao gia hạn cho mày thêm 15 ngày nữa.
Tôi nói.
- Anh cho em nói vài lời được không ạ.
Anh sĩ quan gật đầu. Tôi nói.
- Anh ạ, mấy thằng kia kỷ luật chỉ có hạn 3 ngày, thằng 5 ngày là hết. Còn em anh thấy đó, không kể anh gia hạn 15 ngày thì hạn kỷ luật của em cũng cả tháng rồi. Trong vòng một tháng đó em vừa thi hành kỷ luật lại vừa phạm kỷ luật. Đơn giản là em bị kỷ luật liên miên, thì mệt làm sao gấp chăn vuông, lau súng tốt. Mà cái tội gấp chăn, lau súng mỗi tội là 3 ngày. Lại còn trốn đơn vị ra đường nữa, làm sao trong cả một tháng lại không có lần trèo tường ra mua bán gì. Cái đó là sự thật.
Anh sĩ quan nheo mắt gật gù.
- Thế là mày có ý xin tao bớt cho 15 ngày.?
Tôi lắc đầu.
- Nếu xin 15 ngày em không xin, đằng nào cũng thế, em nói rồi, trong vòng hạn cũ 1 tháng kia thì em lại tiếp tục vi phạm và tiếp tục kỷ luật thôi.
Anh sĩ quan gằn giọng.
- Thế mày muốn gánh thùng không thế này qua mặt tao.?
Tôi từ tốn nói.
- Thùng có hay không chẳng quan trọng, vì ruộng rau đâu cần nhiều phân quá. Hình thức kỷ luật là cho thấy người vi phạm đang bị kỷ luật. Chứ đâu phải chuyện ruộng rau cần phân. Em gánh thùng không đi lại như thế này cũng là chịu kỷ luật rồi. Đổ nhiều phân quá chết rau chứ ích gì. Anh đã cho em nói thì em xin nói thế này. Anh bỏ tất tội cho em luôn, em hứa không vi phạm gì nữa. Chứ thời hạn kỷ luật của em giờ dài đến mức em quen với nó, em chịu đựng được, em vẫn vi phạm thềm chả sợ gì nữa. Vì em coi như đời em là đời kỷ luật, giờ có sửa cũng chả làm gì.
Anh cán bộ ngẫm nghĩ, tôi bồi thêm.
- Mà em thi hành kỷ luật dài, anh lại phải đứng trông em dài, cả hai anh em mình hành nhau. Giờ anh tuyên bố bỏ qua tất, em cũng chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, điều lệ, điêu lệnh... anh cũng được cấp trên nói là có phương pháp giáo dục. Kéo dài mãi như thế này chả đi vào đâu, em nói thật là em cũng quen kỷ luật rồi. Mình em đã đành, vì kéo thêm anh phải trông nên chỗ anh em , em nói tình cảm xin anh thế.
Anh cán bộ chỉ huy ngẫm nghĩ một vài phút, anh ta tặc lưỡi.
- Thôi tao tin mày một lần xem sao.
Tôi không vi phạm gì mấy cái vụ lặt vặt nữa. Ở đơn vị tôi có anh Giàn người Hải Dương là chính trị viên đại đội. Quê gốc tôi từ ba đời trước ở Hưng Yên. Có lần Hưng Yên và Hải Dương gộp với nhau làm một tỉnh. Gọi là Hải Hưng, thời ấy lâu lắm rồi khi các anh tôi mới sinh, bởi bố tôi đặt tên hai anh tôi như vậy để nhớ quê hương. Nhưng ở Việt Nam hay có tật nhận đồng hương, đồng hương chỉ cần có dính dáng tí cũng là đồng hương. Tôi và anh Giàn nhận nhau là đồng hương một phần dây mơ , rễ má là vậy. Một phần tôi là thằng hay có trò nghịch oái ăm nhất đại đội, cãi lý cũng vào hàng đầu. Vì là chính trị viên đại đội anh Giàn cũng dây dưa với tôi một phần vì nhiệm vụ của anh. Chính trị viên đại đội Giàn đẹp trai, cười tươi và hiền. Chưa thấy anh nặng lời với lính, thậm chí đến phiên anh trực chỉ huy đại đội, thằng lính nào vi phạm anh cũng xử lý nhẹ hơn đại đội trưởng hay đại đội phó quân sự.
Vậy tôi có ô dù, nhưng tính tôi lạ lùng là không có ô dù có khi tôi còn phá phách. Có ô dù lại giữ gìn, vì không muốn phiền ô dù của mình. Sợ mang tiếng là lợi dụng tình cảm rồi này nọ. Bỗng nhiên tôi ngoan, bọn trung đội tôi cũng thấy làm lạ.
Một tối đến phiên tôi gác ngoài bốt điện của trung đoàn, tít ngoài phố. Bốt điện thì ai trộm cắp hay phá hoại làm gì. Người ta cứ làm cao như là gác mục tiêu quan trọng, nhưng cũng phải có mục tiêu để lính tập canh gác chứ. Tôi vác súng AK ( súng làm quái gì có đạn ) gác một mình, ngắm gái qua lại. Tiền không có , đói meo , thèm thuốc. Cứ vạ vật mong hết phiên người khác ra thay. Buồn ngủ díp cả mắt mà không dám chui vào thềm bốt điện ngủ sợ chỉ huy đi kiểm tra bắt gặp. Đến 10 giờ thì hết ca, tôi uể oải vác súng đi bộ hơn một cây về đơn vị.
Đến giữa sân tôi thấy một tốp lính vẫn đứng dưới ánh đèn đỏ mờ mờ, lại gần tôi mới nhận ra trung đội mình. Họ đang đứng vì bị kỷ luật. Thế là tôi không được ngủ, tôi ngồi phịch trước hàng lính đang đứng im lìm nhẫn nhục, tất cả chúng tôi chờ đợi chỉ huy cho về phòng ngủ. Nhưng chỉ huy chúng tôi ở trong phòng đóng kín cửa xem Wordcup90, chốc có tiếng hò reo vọng ra. Dường như họ đã quên chúng tôi. Tôi ngồi vò đầu , bứt tai sốt ruột chờ, đám đồng đội tôi chốc lại đổi chân, có người ngủ đứng. Mấy chục con người chẳng ai nói gì cả, cứ chống súng xuống đất, chân trụ, chân nghỉ mà gà gật. Đêm sương bắt đầu đọng trên thép súng thành giọt nhỏ. Thoảng có người ngủ gật suýt làm rơi súng hoặc mất đà suýt ngã.
Tôi bắt đầu ngứa chân tay, ngồi mãi cũng chán, đứng dậy đi loanh quanh. Tôi để súng dưới đất gác trên cái mũ, chắp hai tay sau đít tôi đi trước hàng quân. Đi hết đầu này lại vòng lại đầu kia, vừa đi vừa cúi đầu, chốc lại thở dài, chốc lại chép miệng. Đám đồng đội tôi thấy vậy, nhiều đứa đã tỉnh táo lại, họ biết tôi sắp làm gì đó. Tôi hỏi.
- Làm sao riêng trung đội mình bị phạt thế.?
Đám đồng bọn ( trong đồng đội chung thì có vài thằng chơi thân gọi là đồng bọn ) tôi kể. Đại khái khi điểm danh xong, đến phần dặn dò ưu khuyết điểm trong ngày. Đồng chí đại trưởng hỏi.
- Từ giờ các đồng chí có thế không.?
Đằng đầu nghe rõ đồng chí ấy cảnh cáo việc leo tường, lên đồng thành ' không ạ '. Trung đội tôi đăng sau, toàn tân binh đang tuổi ăn , tuổi ngủ. Đếm tầm ấy gà gật mong sao giải tán nhanh để đặt lưng. Nghe gà nghe vịt thế nào tưởng đại trưởng bảo nhất trí cái gì đó không, cả bọn đáp ' có ạ'.
Quá ngán ngẩm vì một điều không đâu, lính cứ phản xạ thế, có và không. Chung quy tại do mệt quá, chả tập trung chứ có phải chống đối gì đâu. Tôi ngồi trên cái mũ, súng ôm vào lòng. Nghĩ lát tôi bắt đầu ngứa mồm nói. Đầu tiên tôi ngứa chân tay, loay hoay một lúc là tôi ngứa mồm. Các cụ bảo lỡ chân tay thì đỡ được, lỡ mồm khó mà đỡ được. Tôi còn trẻ, chả nghĩ được nhiều. Tôi mở miệng diễn thuyết một hồi. Đầu tiên tôi kể chúng ta là con người, đi lính đây là nghĩa vụ, ở nhà cha mẹ chúng ta không hành hạ chúng ta, giờ vào đây cơm ăn thì đói, tập tành khổ cực chúng ta đã gắng chịu.....thế nhưng cái chuyện này là nhầm lẫn nhỏ. Nhưng họ thể hiện quyền uy mà hành hạ chúng ta . Họ chả phải máu mủ gì với mình, họ hành hạ vì họ thấy thế là họ hạnh phúc. Giờ họ xem bóng đá, đêm nay đá liên tiếp mấy trận. Họ quên chúng ta đã cả ngày mệt mỏi, đói khát đang phải đứng đây. Kỷ luật chúng ta vì một điều nhầm lẫn vô thức đã là đáng trách, nhưng mà đưa hình thức kỷ luật xong họ mải vui quên béng chúng ta mà là điều khiên chúng ta phải nghĩ.
Đám quân bắt đầu lao xao, nhiều câu chửi thề, nhiều ý kiến hậm hực.
Tôi nói tiếp.
Giờ tao không liên quan gì, không bị kỷ luật như chúng mày. Nhưng tao thấy thế này quá bất công. Anh em mình đã thế bỏ về nhà hết, bỏ đông thế này họ chả dám làm gì đâu. Vài thằng bỏ mới chết.
Tiếng bàn bạc rộn lên, thằng đồng ý, thằng ngần ngừ. Tôi bảo.
- Thằng nào bỏ về thì về, thằng nào không về thì cứ đứng đây đến sáng mai. Giờ tao đi cất súng tao về nhà xem bóng đá đây.( Đơn vị chúng tôi không xa nhà lắm, thằng nào nhà xa nhất cũng chỉ cách đơn vị 50 cây.) Thằng nào nhà xa thì dạt về thằng nhà gần đêm nay, mai về nhà đỡ mệt.
Lúc tôi vào cất súng, hơn chục thằng bỏ đội ngũ vào cất theo. Tốp đầu tôi đi cùng có 7 thằng, tốp sau hơn 10 thằng. Còn lại hai mươi thằng vẫn đứng.
Nửa đêm tầm khoảng 3 giờ sáng, lúc bọn tôi đang ngủ ở nhà thằng Ái phố Khâm Thiên. Trung đội trưởng gõ cửa. Chúng tôi bị lùa lên xe ô tô về đơn vị.Trở lại đơn vị thấy các chỉ huy lớn nhỏ đứng đó hết, chẳng vị nào nặng lời, họ bảo chúng tôi đi ngủ. Gần sáng thì xe đơn vị đưa nốt đám lính bỏ trốn về không sót thằng nào. Hóa ra hai mươi thằng ở lại sau cũng bỏ về nhà hết sau lúc bọn tôi đi. Cả ngày hôm đấy chúng tôi chờ đợi thấp thỏm xem bị kỷ luật gì không, họp hành kỷ luật gì không. Tuyệt nhiên cả ngày chả thấy gì. Nét mặt chúng tôi thằng nào thằng ấy đầy lo âu, ai cũng đoán là tội nặng quá phải chờ cân nhắc kỷ luật.
Tối điểm danh, trung đội tôi vào buồng chuẩn bị chăn màn ngủ, thì đại trưởng vào. Ông bảo trung đội trưởng đóng cửa phòng lại. Đại trưởng đi lại giữa phòng, mặt mũi nghiêm trọng, ông đợi chúng tôi khiếp hãi mới nói.
- Lịch sử cái đơn vị này từ khi thành lập, chưa bao giờ có chuyện đào ngũ một lúc đông như vậy.
Chúng tôi im lặng, cúi đầu. Đại trưởng gằn giọng hỏi.
- Ai đầu têu, ai bỏ về trước, ai xúi mọi người.?
Chúng tôi im lặng, chẳng ai nói gì.
Đại trưởng quát.
- Tôi hỏi ai đầu têu.?
Chẳng ai trả lời, chúng tôi cúi đầu và cúi đầu.
Đại trưởng nói.
- Tôi sẽ mời bố mẹ các anh lên đơn vị để nói việc này, trước khi kỷ luật các anh, việc các anh làm là rất nghiêm trọng. Có thể phải đưa ra tòa án binh.
Tôi nói, tôi vừa cất tiếng nói thấy mọi người nhìn tôi như họ trút được gánh nặng. Tôi biết nếu ông chỉ huy hỏi kiểu này thì muôn kiếp chả thằng nào khai ra ai. Vì như thế là phản bội đồng đội. Tôi cũng không muốn kéo dài thêm nếu cứ để ông ấy độc thoại mà không ai trả lời. Tôi thưa.
- Thưa anh, chúng em đều đủ 18 tuổi, đủ tuổi đi lính, đủ tuổi chịu trách nhiệm. Bọn em không còn là học trò nữa mà phải mời bố mẹ chúng em đến đây. Chúng em làm sai, chúng em xin chịu.
Đại đội trưởng bảo tôi bước lên gần ông ta. Tôi tiến lên một cách anh dũng. Thật ra không anh dũng thì cũng phải tiến đến vì sợ. Tôi cố đi cho thật đúng tác phong nhà lính, ưỡn ngực, bẻ hai vai về đằng sau, đầu ngẩng cao, chân bước thẳng hàng.
Thật dại dột khi đi kiểu đó, tôi không ngờ đến gần, bị đại trưởng bất thình lình móc cho hai quả đấm vào mỏ ác. Đang ưỡn ngực, vươn vai thì lãnh đủ, tránh sao kịp. Tôi gập người vì đau, nhưng cố gắng đứng dậy lại tư thế thật nhanh trước mặt vị chỉ huy.
Đại trưởng cười. Ô lúc này ông ta lại cười được. Cả đám lính đang sợ hãi cũng phải bật cười rúc rích. Đại trưởng bảo.
- Tao hỏi thế thôi, chứ biết mày là thằng đầu têu. Tao thử thế đoán thế nào mày cũng thò mặt ra, y rằng vậy. Giờ đi ngủ, mai riêng mày lên gặp tao sau giờ ăn sáng.
Hóa ra chuyện mấy chục thằng bỏ về, làm các cấp chỉ huy sợ xanh mặt. Lúc lùa chúng tôi về hết rồi họ mới thở phào, vì trung đoàn chúng tôi đóng độc lập. Nên chỉ huy trung đoàn họp và quyết định coi như không có vụ này.
Sáng ở phòng chỉ huy đại đội, tôi được uống trà. Hút thuốc ngon. Nghe đại trưởng tâm tình đời lính một hồi. Rồi ông ta dẫn tôi lên trung đoàn mang theo nội vụ cá nhân. Tôi chào anh em vác đồ đi. Họ hỏi đi đâu tôi cũng không biết. Mọi người động viên an ủi tôi cố gắng, mạnh khỏe và bình yên.
Tới trung đoàn, tôi được đại trưởng giao cho cán bộ quân lực. Cán bộ quân lực là người điều động lính từ đơn vị này sang đơn vị khác. Lính chúng tôi cho rằng ông ta hơi nhiều mầu, vì ông có thể điều lính đến chỗ ngon lành như nhà bếp, căng tin, nhà xe, nhà kho, hậu cần, tiếp vụ...những chỗ ăn ngon mà lại nhàn hạ. Nhưng ông cũng điều đi những chỗ khổ nhất như sang đơn vị nào đó ở xa khuất nẻo nơi chó ăn đá gà ăn sỏi.
Cán bộ quân lực bảo tôi đi theo, đến phòng bên cạnh phòng ông. Ông bảo tôi bỏ đồ vào đấy rồi sang phòng ông bên cạnh nói chuyện. Tôi sang thấy ông đang cầm hồ sơ của tôi, ông bảo tôi ngồi xuống rồi nói.
- Tôi thấy chữ cậu đẹp, bảo cậu lên đây làm phụ giúp tôi. Sáng cậu đun nước, đi lên nhà ăn lấy 2 suất ăn, trưa và chiều cũng vậy. Giặt quần áo cho tôi và tôi cần ghi chép gì thì cậu ghi theo tôi dặn. Công việc có thế, không phải tập tành gì vất vả như dưới kia. Tối thì từ 7 có đi đâu đến 9 giờ về thì về. Một thời gian nữa tôi sẽ xếp cậu việc khác.
Thời gian nữa là gì, là một thời gian ngắn sau khi phục vụ cán bộ quân lực, ông bảo tôi về nhà, bao giờ áng chừng đến hạn ra quân thì vào đây lấy giấy ra quân.
Tôi thoát khỏi quân đội trên hình thức sớm nhất, nhưng sau trên giấy tờ cũng sớm hơn các đồng đội cùng lứa. Lúc tôi vào lại đơn vị lấy giấy ra quân, thời hạn có 2 năm 8 tháng. Trong khi các bạn cùng lứa tôi phải vài tháng sau mới ra hết hạn phục vụ.
Lúc cầm giấy ra quân về nhà, bố tôi xem tờ giấy đục lỗ nói.
- Có tờ giấy mà 2 chỉ vàng.
Tôi ngạc nhiên hỏi bố vàng nào. Bố tôi mới kể là lúc tôi và các bạn trốn, đơn vị cũng đến nhà tìm. Bố tôi có nói nhỏ ông cán bộ quân lực liệu lo cho tôi. Ông ấy nhận lời. Hôm tôi lên làm phục vụ cho cán bộ quân lực được vài hôm. Ông quân lực đến nhà báo cho bố tôi biết là đã lo tôi như vậy, vài tháng nữa sẽ cho tôi về nhà. Khi nào có giấy ra quân vào lĩnh. Lúc tôi về nhà là bố tôi đưa ông một chỉ vàng, khi ông gọi tôi vào lấy giấy ra quân là đã cầm của bố tôi một chỉ vàng nữa.
Bố tôi kể có biết về chuyện lính về nhà hàng tháng đóng tiền, thỉnh thoảng đến đợt huấn luyện thì vào. Còn khi đi lao động thì hàng tháng đóng tiền được về nhà không phải đi lao động. Thấy cách đóng tiền hàng tháng nó cũng lằng nhằng. Bố tôi làm giá luôn cho gọn với ông quân lực. Tính ra thì cũng rẻ hơn đóng hàng tháng mà đỡ nhiêu khê đi lại.
Tôi xin đi làm ở chỗ cán cao su. Lại làm ban đêm, cái máy cán là hai quả lô bằng sắt to được mô tơ kéo. Chỉ việc nhồi mủ cao su vào cho cán qua cán lại khi mủ cao sủ mềm ra thành từng miếng cao su chưa chín. Trong lúc cán thì đổ hóa chất vào, đủ loại hóa chất và xanh, vàng, đỏ, đen. Cái loại đen là nhiều nhất, lúc đầu mủ cao su màu vàng. Cho cái hóa chất đen đấy vào lát sau cao miếng cao su sống chuyển màu đen. Loại hóa chất đen đấy lại rất nhẹ, nó bay quẩn quanh lô cán. Người ta độn cả bột đá, bột gì nữa cho cao su dôi ra thêm.
Xưởng cán cao su nằm ngoài bãi sông Hồng, mỗi lần làm xong sáng sớm tôi thường xuống xông tắm cho hết bẩn mới về nhà. Ở xưởng cán ra người lúc nào cũng đen nhánh từ đầu đến chân. Tôi nghe kể những người làm bệnh này hay bị ho lao. Một hôm tôi thấy ngứa họng, khạc ra cục đờm đen xịt, nó trôi trên mặt nước sông. Tôi nhìn lạnh người, mấy hôm sau hôm nào tôi cũng ho khạc ra đờm đen kịt hóa chất như vậy. Kéo dài mấy tuần dù đeo khẩu trang kín vẫn bị, đến một sáng tôi làm về tắm táp xong đi ra ăn cháo lòng. Thấy ngoài quán họ kể chuyện ở xưởng cán nọ có người vì làm đêm buồn ngủ cho cả tay vào máy cán, nát đến tận khuỷu tay, may có người nghe tiếng hét vào giật cầu dao máy ngừng mới sống , không nát cả người.
Tôi bỏ làm cán cao su, chuyển sang hấp má phanh và dây cua roa. Công việc cũng dễ dàng, cắt cao su sống thành hình sợi dây áng vừa với khuân rồi quết nhựa để đắp vải mành bọc quanh. Cho vào khuân, dùng máy ép quay đè chặt khuân xuống. Dưới khuân là cái bếp điện. Đến thời gian đủ chín thì dỡ khuân ra là thành sợi dậy cua roa. Việc này đỡ độc hại và đỡ nguy hiểm hơn cán cao su,lại làm về ban ngày, nhưng tiền được ít hơn.
Tiền tôi kiếm được do đi làm, tôi thường hay mua sách đọc. Lúc này tôi đã xa mái trường lâu, đi làm, lang thang ngoài đường phố, những bạn bè của tôi chẳng đứa nào đọc sách. Đứa làm cửu vạn, đứa đạp xích lô, đứa trộm cắp, cờ bạc, làm thuê này nọ. Việc tôi mua sách về đọc là chuyện ngạc nhiên với đám bạn. Có những lần mấy thằng chúng tôi rủ nhau vào kho vải của một xí nghiệp ăn trộm, khuân được máy súc vải. Bán được khá nhiều tiền, bọn bạn tôi đi đánh bạc và mua sắm quần áo, ăn nhậu. Còn tôi khi chia chác tiền xong , tôi từ chối đi cùng chúng. Mang tiền đi mua sách đọc.
Tôi ham đọc sách không phải bắt đầu vì tính tôi hiếu học hay mê văn chương. Ngày bé mẹ tôi cứ nhờ tôi đọc chuyện cho bà nghe, chuyện cổ tích là chuyện mẹ tôi thích nhất. Tối đến học bài xong, nằm cạnh mẹ tôi hay đọc vài truyện cổ tích cho bà nghe. Đọc mãi từ nhiên thành nghiện con chữ, cứ thế thành thói quen vớ cái gì cũng đọc. Chả hiểu cũng đọc, 12 tuổi tôi đọc chuyện của Đốt, Pautopxky, Gongoy...đọc mê mải cám cúi bất cứ lúc nào rảnh. Cứ có tiền là tôi mua sách. Giờ nghĩ lại cầm những trang sách nội dung thơ mộng như Bông Hồng Vàng, Bình Minh Mưa đọc bằng tiền ăn cắp được cũng thấy khôi hài. Nhưng lúc đó thật sự tôi chả bao giờ phân vân , đồng tiền nào cũng là tiền. Khi nào hết tiền chúng tôi lại tính chuyện trộm, lúc thì vào xưởng làm khung xe đạp ăn cắp khung xe. Người ta thấy mất canh chừng kỹ thì chúng tôi chuyển sang bê trộm hàng của bọn buôn đồ cá khô từ Hải Phòng lên. Đám ấy cứ mờ sang là đổ hàng ở chân cầu Chương Dương, chúng tôi rình lúc nhốn nháo xe ô tô đổ hàng xuống là ra tay. Một bao cá khô to bán cũng được ối tiền, đủ bốn thằng chia nhau. Rồi vài lần mất bọn buôn cá khô chuyển địa điểm xuống hàng đi nơi khác. Chúng tôi lại quay sang bê trộm những thùng bánh kẹo của nhóm buôn khác. Khu chúng tôi ở gần cầu Chương Dương, Long Biên gần chợ Đồng Xuân, Bắc Qua , xe chở hàng hóa các tỉnh hay tập trung về khu đó đổ hàng. Không lấy được cái gì giá trị thì bọn tôi ăn trộm cả hoa quả như dứa, dừa, dưa hấu, xoài, mít đúng kiểu hết nạc thì vạc đến xương, méo mó có hơn không, đủ tiền trà thuốc là làm.
Ngày đi làm dây cua roa, tối muộn đi xem có kho hàng, xí nghiệp nào lơi là để trộm. Sáng sớm còn nhập nhoạng đã dậy lượn chỗ chân cầu xem ô tô đổ hàng hóa xuống có cơ hội không để khiêng trộm. Cái trò ăn trộm cũng phải chăm chỉ, kiên trì. Không phải lúc nào cũng có cơ hội, rình rập quan sát bao hôm mới có hôm người ta hở ra. Chỉ tích tắc không ra tay nhanh là hết thời cơ.
Người ta khi mất cắp cứ thắc mắc ' sao bọn trộm tài thế, chỉ loáng cái là mất'. Thực sự bọn trộm không tài, bọn trộm bỏ cả nửa ngày quan sát liên tục để đợi khi nào có cơ hội là tiến hành. Không phải bọn trộm có mặt lúc người ta sơ hở mà đã có mặt từ lúc người ta còn cẩn thận. Bọn trộm kiên trì chờ đợi hàng tiếng đồng hồ, quan sát quy luật. Ví dụ như mỗi lần có tiếng còi xe bên trong xí nghiệp, người gác cổng sẽ bỏ trạm gác chạy ra nhấc cái barie lên. Tên trộm nghe tiếng còi xe thì đi lại gần vờ dừng châm điếu thuốc, người bảo vệ chạy ra nâng cái chắn cổng cho ô tô chở hàng ra chỉ mất có 30 giây đủ để tên trộm len chân vào. Tìm một chỗ ẩn náu đợi đến đêm hành động.
Nhiều năm sau bị triệu tập đến cơ quan an ninh điều tra, nghe hỏi liên miên đủ thứ. Một lần châm điếu thuốc , thấy anh an ninh cúi xuống tìm tờ giấy trong đống hồ sơ, bỗng nhiên tôi nhớ đến cảnh người bảo vệ cúi xuống nâng cái barie. Tôi bật cười thầm, nghĩ chính những người an ninh họ cũng cần mẫn thăm dò, quan sát, rình rập những người mà họ gọi là đối tượng. Y như chúng tôi năm xưa ngồi kiên nhẫn từ xa quan sát ' đối tượng' là người bảo vệ xí nghiệp. Tôi nghĩ đến những người an ninh theo dõi tôi trên đường đi, ngoài cửa nhà, và cả những người âm thầm ngồi trong phòng lạnh mở máy tính vào xem tôi viết những gì, chụp hình lại, in ra , đánh dâu, đọc đi đọc lại tìm chỗ để kết tội. Rồi họ lấy bút xanh đánh dầu, lấy bút bi viết bên lề ghi chú điều 88, điều 254. Thật hài hước là có ngày tôi lại giống người gác cổng xí nghiệp năm xưa mà chúng tôi đã rình rập ông ta sơ hở. Còn cơ quan công an lại là những người rình rập. Phải nói kinh nghiệm rình rập trộm cắp hồi xưa giúp tôi rất nhiều trong việc đề phòng, cẩn thận hay cân nhắc kỹ khi làm gì với cơ quan công an.
Chủ cơ sở làm dây cua roa có một cậu em rất ngoan, cậu em hơn tôi chút tuổi. Cậu ta sống lành mạnh và chăm chỉ. Lúc nào cậu cũng sôi nổi, tràn trề sức sống, đẹp trai , cao to, tham gia hoạt động địa phương, làm bí thư đoàn phường. Tôi đang làm ở đó yên ổn, bỗng nhiên một chiều thấy cả nhà họ khóc um lên. Thì ra cậu mượn được cái xe máy, đèo bạn gái đi chơi lao thẳng vào đằng sau xe tải. Bạn gái cậu ngồi sau bị ngã xuống đường gãy tay. Còn cậu bị đạp đầu mạnh vào đít thùng xe tải, vỡ xương sọ qua đời luôn. Nhà họ ngừng sản xuất để lo ma chay cho cậu em.
Cuộc đời thật éo le. Người như cậu ấy, hy vọng của bao nhiêu người từ gia đình, xã hội. Đi đâu cũng được quý mến thì chết một cách lãng xẹt. Trong khi tôi trộm cắp, đòi nợ thuê, chém thuê tội lỗi đầy người lại sống nhăn răng, chả biết sống sau này làm gì cho cuộc đời. Tôi thấy tương lai tôi mịt mù thăm thẳm ở đáy xã hội, nhiều khi nhìn cậu ấy cầm giấy tờ công tác xã hội, đoàn thể thấy chạnh lòng cho cậu ta. Tôi sờ đầu mình gãi cái vết sẹo bị dao chém, xoa cổ họng sờ cái sẹo cũng bị dao chém sượt qua....con người chắc có số phận. Lúc ấy tôi láng máng tin rằng con người ta sinh ra có những số mệnh của họ.
Cậu em mất đi, gia đình ấy làm ăn chệch choạc chắc do đau buồn. Tôi nghỉ việc loanh quanh theo đám anh chị bến bãi, trộm cắp, cờ bạc bịp. Hàng ngày lang thang ngoài đường với bọn ăn cắp ngày, đêm lang thang với bọn ăn cắp đêm. Tôi không trộm vặt, tôi chỉ lấy kho hàng và bọn buôn chuyến đánh cả xe ô tô tải hàng. Bọn đấy giàu lấy của nó một ít chả ăn thua với nó. Có thằng mất của, sáng hôm sau nó đứng nhìn nhà kho nhếch mép cười khen bọn trộm giỏi. Trộm vặt của những người khó, họ mất của khóc nức nở tội lắm. Tôi không muốn ăn cắp của người khó. Tính tôi vẫn dở hơi bởi ảnh hưởng của những câu chuyển cổ tích hồi bé đọc cho mẹ nghe.
Một hôm tôi về nhà, cưỡi trên cái xe Cup 78 màu mắm tôm lượn phành phạch quanh ngõ. Nhà tôi hỏi xe của ai, tôi nói xe của tôi. Bố tôi để ý dò xét, tôi đi vài hôm đành phải bán, lấy tiền đi Sài Gòn chơi đã đời rồi về. Cái xe ấy là công của một vụ đánh thuê cho một ông nửa trí thức nửa lưu manh. Vợ ông ta trẻ hơn ông ta nhiều tuổi, cặp kè với một thằng cùng làm. Ông dọa thằng đó thì thằng đó chửi ông ta. Đấy là ông kể với tôi thế lúc ông nằm hút thuốc phiện ở cái gác xép trên cao nhà ông. Còn tôi nằm bên cạnh đọc truyện, tôi vẫn nhớ đó là cuốn Ông Già Và Biển Cả . Ông hút đủ cơn phê, xong nằm than thở là ông nhục quá, nó đi với vợ mình còn dọa đánh cả mình. Ông cứ ngậm ngùi làm tôi não ruột. Tôi gấp sách lại hỏi nhà thằng đó ở đâu. Ông nói tên và chỗ làm. Tôi bảo nhà ông có con dao nào lấy cho tôi. Ông ta vùng ngay dậy , tỉnh táo bảo.
- Không dùng dao, phải dùng cái này mới thấu.
Ông tìm một đoạn tuýp sắt ống nước của Nga dày 5ly, đường kính gần 5cm, dài cỡ 60cm. Ông lấy săm cao su quấn quanh ông tuýp rồi đưa tôi nói.
- Vụt cái này vào chân nó hay người nó, không chết mà nó đau nhớ đời.
Tôi hỏi tên tuổi, chỗ làm đầy đủ, ông còn cho tôi xem cả ảnh thằng đó với vợ ông đi tắm biển.
Tôi cầm cái ống tuýp về nhà, chọn cái áo sơ mi màu xanh da trời, cái quần âu mầu đen ống thẳng. Dép xăng đan da, tóc chải rẽ ngôi lệch. Áo bỏ trong quần nghiêm chỉnh, cuốn cái ông tuýp vào tờ báo gọn gàng như một cuộn giấy tìm đến cơ quan thằng kia. Vào tận cơ quan, hỏi phòng nó làm việc, người ta bảo nó nghỉ ở nhà.
Tôi quay lại nhà ông, bảo ông chở tôi đến nhà thằng đó. Ông ta chở đến nơi, đứng ngoài ngõ. Tôi đi vào, nhà thằng đó ở trong ngõ sâu, nhà lại chung trong một số nhà có nhiều hộ. Phải đi qua mấy nhà, qua cái sân mới đến nhà nó. Tôi đến nơi lúc trưa vắng vẻ, nhà nó mở cửa. Tôi vào thấy hai anh em nhà nó đang nằm. Tôi ngắm nhìn xem ai là thằng cần đánh, thấy đúng tôi vụt thẳng một nhát vào đầu nghe đến ' cốp ' cái to. Thằng đó giật nảy người ú ớ ôm đầu vật ra một bên. Thằng kia là anh nó thì phải, vùng dậy mở mắt định la toáng , tôi phang luôn cái vào lưng. Nó ngã dúi dụi nhưng vớ được cái ghế ném đúng người tôi. Tôi nhảy lại gần nện thẳng vào đầu nó một cái, nó ngã lắn quay. Thằng em nó ăn nhát vào đầu đã tỉnh, nó chửi tôi là thằng nào. Nó vừa gượng dậy vừa chửi hỏi, tôi cúi người lia cái ống tuýp vào ống chân nó nghe thành tiếng ' kịch ' khô khốc, khiến nó gào rống ' ối trời ơi ' rồi nằm vật ra.
Hai anh em nhà đấy nằm lăn lộn rên, tôi gằn giọng chửi nhỏ.
- Đm cho mày chết vì đi với vợ người ta còn dọa người ta nhé.
Hai thằng nằm đau đớn, nhìn thấy gương mặt tôi và cái ống tuýp. Chúng chỉ hộc lên trong miệng, không chửi lại câu nào. Tôi đi ra sân, mấy nhà chung quanh có người ngó ra xem. Tôi cười toe toét nói.
- Bán thì bán không bán thì thôi, dền dữ mất thì giờ, đấy xem ai trả cao được hơn.
Mấy người hàng xóm ngơ ngác chưa hiểu cái gì, tôi đã đi qua và ra đầu ngõ, leo lên xe ông bạn già chuồn êm. Về đến nhà ông ta mới biết cái ghế nó ném làm tay bị sưng bầm. Ông bạn già nửa trí thức, nửa lưu manh xoa thuốc cho tôi. Miêng ông lại lẩm nhẩm.
- Khổ, chả đánh được nó lại bị nó đánh cho, phải cẩn thận chứ. Thấy khó ăn thì thôi mình đợi dịp khác, vội làm gì. Cứ giả vờ hỏi nó bán nhà hay bán xe gì đó rồi lui ra. Thanh niên chúng mày là hay nóng vội lắm. Chẹp chẹp.
Ông bê bàn đèn ra, nằm hút, mùi thuốc phiện thơm lừng, cái mùi ngầy ngậy rất thích. Ông bảo tôi làm một điếu cho đỡ đau. Tôi lắc đầu từ chối, đợi ông hút dăm điếu đủ dừng cơn vật vã thuốc. Tôi nói.
- Cháu phang cho hai anh em vào đầu, khéo vỡ sọ. Chú chuồn đi.
Ông già giật nảy mình, ông hoảng hốt trách.
- Sao không vụt vào chân hay vào người.?
Tôi trả lời.
- Tưởng nó có một thằng thì thế, hai thằng phải đánh gục thôi, đánh vào đầu nó còn cho mình như thế này, vụt vào người nó hay chân nó có khi nó cho mình nằm lại.
Ông già hối hả đánh thuốc, rít lấy rít để thêm vài điếu, bảo tôi ở lại để ông đi nghe ngóng. Tiếng đồng hồ sau về mặt xám ngoét nói hai thằng nhà nó đi cấp cứu, năm viện rồi. Nhưng không ai biết mày đâu, chúng nó điều tra cùng lắm nghi tao. Mày cầm cái xe tao mà đi, tao đi xa vào Nam kiếm cửa sống, lúc nào yên tao gọi mày.
Vậy là tôi có con xe máy, ước mơ của bao nhiêu gia đình lúc đó. Vì gia đình để ý chuyện cái xe, tôi bán đi vào Nam ăn chơi hết tiền rồi về.
Bố tôi đang bệnh, ông yếu lắm. Ông gọi tôi vào bảo.
- Nếu con thương bố, con về quê ở, đừng ở đây, con sẽ không thành người được đâu. Bố đã nói chuyện với cô chú rồi. Mai con về đó, hàng tháng bố sẽ gửi tiền cơm và cho con tiêu vặt. Con cố học được nghề trạm trổ điêu khắc gường tủ ở quê. Sau này giỏi nghề, con về nhà mở cửa hàng làm đồ gỗ cũng làm ăn được. Con thương bố thì nghe bố, bố chẳng sống bao lâu nữa.
Tôi khăn gói về quê , học nghề chạm trổ và khảm xà cừ. Ngồi gò lưng cầm cái kéo nhỏ tí cắt mẩu trai theo hình vẽ, ngón tay đau nhức nhối. Sáng ăn cơm nguội với ít lạc, trưa ăn cơm với đậu phụ, rau muống luộc, tối lại lạc rang, cà , dưa, rau luộc, nấu.