“Hội Cờ Đỏ” – một tập hợp của những người bị xem là “cuồng đảng,” những dư luận viên quen mặt và có thể cả những người đại diện cho các hội đoàn chính trị-xã hội của chính quyền như Mặt Trận Tổ Quốc, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Hội Phụ Nữ, Hội Nông Nân, Hội Cựu Chiến Binh, cùng lòng căm thù nhắm thẳng vào giới Công Giáo
“Hội Cờ Đỏ” – một tập hợp của những người bị xem là “cuồng đảng,” những dư luận viên quen mặt và có thể cả những người đại diện cho các hội đoàn chính trị-xã hội của chính quyền như Mặt Trận Tổ Quốc, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Hội Phụ Nữ, Hội Nông Nân, Hội Cựu Chiến Binh, cùng lòng căm thù nhắm thẳng vào giới Công Giáo với những khẩu hiệu sắt máu không thèm che đậy như “quạ đen” (chỉ các linh mục và giám mục), “diệt giặc đạo”… – đã làm sống lại hình ảnh khối Hồng Vệ Binh thời cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc những năm 1960 của thế kỷ XX, hay hình ảnh Chủ Nghĩa Tân Phát Xít ra đời ở Châu Âu từ cuối thế kỷ đó và vẫn tồn tại cho tới nay.
Thay cho những cuộc tập hợp lẻ tẻ với quy mô nhỏ cùng mức độ sách nhiễu, hành hung một vài cá nhân người hoạt động nhân quyền như trước đây, “Hội Cờ Đỏ” đã lần đầu tiên trở thành một “liên minh” với số lượng lên đến 700 người trong đồng phục áo đỏ sao vàng, tổ chức biểu dương lực lượng cùng hành động khiêu khích ngay sát Giáo Học Văn Thai ở xã Sơn Hải, nhắm vào số đông giáo dân nơi đây.
“Loạn rồi!”
Xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An là địa điểm mà “Hội Cờ Đỏ” đã chọn để chính thức ra mắt vào ngày 29 Tháng Mười.
Không biết vô tình hay hữu ý, 29 Tháng Mười lại là thời điểm mà nhân vật đầu đảng là Nguyễn Phú Trọng từ Hà Nội vào miền Trung, cũng tại tỉnh Nghệ An, để làm việc với Quân Khu 4.
Sự trùng hợp khó bỏ qua về tính thời điểm trên đã khiến dư luận phải bật lên dấu hỏi rất lớn: liệu có mối liên hệ nào, hoặc có “quan hệ chỉ đạo” nào giữa chuyến đi Nghệ An của ông Trọng với ngày ra mắt kèm kiêu khích của “Hội Cờ Đỏ?”
Mối nghi ngờ trên có một cơ sở khá vững chắc: vào năm 2016, ngay sau khi vụ xả thải gây ô nhiễm khủng khiếp biển 4 tỉnh miền Trung bị phát hiện và tung ra công luận, Tổng Bí Thư Trọng đã dẫn đầu một đoàn quan chức vào “làm việc” với nhà máy Formosa, nhưng nội dung chỉ là “kiểm tra tiến độ công trình” chứ chẳng ăn nhập gì với hậu quả xả thải mà đã khiến có người bị chết cho tới thời điểm đó.
Mối nghi ngờ trên càng được củng cố khi vào ngày ra mắt, “Hội Cờ Đỏ” đã không trưng ra bất cứ giấy tờ văn bản hay quyết định nào, của một cấp thẩm quyền nào, cho phép hình thành và hoạt động của “Hội Cờ Đỏ,” cho dù ứng với truyền thống của các “cánh tay nối dài của đảng” thì bất kỳ hội đoàn nhà nước nào cũng phải được nghị định số 45 – một văn bản của chính phủ từ năm 2010 quy định về hình thành và hoạt động của các tổ chức hội – cho phép, với chức năng cấp phép của Bộ Nội Vụ và “đồng cấp phép” của Bộ Công An.
Nhưng rất đặc biệt và cũng rất “đặc cách,” bất chấp tuyên bố ra đời của “Hội Cờ Đỏ” là hoàn toàn vô pháp, đã không có một cơ quan nào của chính quyền, không một bóng công an can thiệp vào hoạt động ra mắt rùm beng của “Hội Cờ Đỏ.” Nhiều người đã phải bình luận “Loạn rồi!”…
Hiện tượng “Hội Cờ Đỏ” như thể nhận được sự bảo kê của công an và chính quyền khiến nhiều người buộc phải liên tưởng về “chiến dịch biểu tình đập phá” phản đối giàn khoan Hải Dương 981 củaTrung Quốc xâm phạm vùng lãnh hải Việt Nam Biển Đông vào Tháng Năm, 2014. Chi tiết kỳ lạ của cuộc biểu tình đó là hàng chục ngàn công nhân có vẻ đã được một nhóm “quần chúng tự phát” không phải là công nhân dẫn dắt, đầy dáng vẻ côn đồ, kéo đi đập phá tan tành nhiều nhà máy của doanh nghiệp Trung Quốc ở Bình Dương và Đồng Nai, nhưng toàn bộ lực lượng cảnh sát cơ động và công an giao thông chỉ… đứng nhìn.
Sau đó, rất nhiều dư luận đã cho rằng nhóm “quần chúng tự phát” trên hẳn là “người của chính quyền.”
Vậy ai, hay lực lượng chính trị nào đứng phía sau “chiến dịch biểu tình đập phá” năm 2014?
Cho tới giờ, câu hỏi trên vẫn là một bí ẩn sâu xa.
Ai đứng sau “Hội Cờ Đỏ?”
Còn nếu “Hội Cờ Đỏ” không được Tổng Bí Thư Trọng bật đèn xanh, quan chức nào khác có thể chịu trách nhiệm chỉ đạo? Và nhằm mục đích gì?
Đơn thuần là dùng “Hội Cờ Đỏ” để trả đũa phong trào biểu tình phản đối Formosa của giáo dân miền Trung, hay còn là “đấu tranh nội bộ đảng?”
Người ta cũng không thể không nghĩ đến một kịch bản mà có thể đã được dàn dựng sẵn: Tình báo Hoa Nam đứng phía sau “Hội Cờ Đỏ!”
Bởi vì trong mọi kịch bản hình thành “Hội Cờ Đỏ” và nhất là về tính hậu quả có thể xảy đến do tổ chức này gây ra, hoặc gây ra xung đột lương-giáo trầm trọng, hoặc kích thích phản ứng đồng loạt kéo đi biểu tình của giáo dân và do đó sẽ làm ảnh hưởng đến không khí an ninh của hội nghị APEC diễn ra ở Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11 Tháng Mười Một, hay chính thể Việt Nam sẽ có thêm cơ hội để được “tái hòa nhập” vào CPC (danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo), Trung Quốc chính là kẻ có lợi nhất.
Nếu việc cơ quan tình báo Trung Quốc thọc tay thao túng hoạt động của “Hội Cờ Đỏ” là có thực, những quan chức Việt nào “cõng rắn cắn gà nhà?”
Nhưng bất kể động cơ và mục đích của hiện tượng “Hội Cờ Đỏ” như thế nào, hậu quả ngay trước mắt là quan hệ lương-giáo, cũng như quan hệ “Cộng-Giáo” càng thêm tồi tệ.
Sau sáu chục năm…
Trong tháp ngà của giới chức đảng và chính quyền, dù những bài học dân vận và tôn giáo vận vẫn được lặp đi lặp lại từ ngày này sang tháng nọ, xuyên suốt từ cấp lãnh đạo cao nhất của đảng cho đến cánh tay nối dài của một bộ phận thân thể đã ung hoại đến mức phù trương… nhưng vẫn không làm cách nào được những người luôn “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,” ở ngay quê hương của người đã từng một thời là hội trưởng danh dự của Hội Hướng Đạo Việt Nam, thấm nhuần.
Não trạng và lề thói hành xử phi văn hóa của một bộ phận đáng kể trong ngành công an đã biến ranh giới giữa chính quyền và cộng đồng Công Giáo trở thành một chiến tuyến tiệm cận với xung đột và đối kháng. Ý thức hệ chủ quan đến mức cực đoan về quyền lực càng làm các viên chức chính quyền sa vào tâm thế mà người đời định nghĩa rằng không còn biết đến trời cao đất dày là gì nữa.
Sau 60 năm tạm yên ả, mồi lửa Công Giáo lại có cơ rực đốt trong lòng chế độ. Thay cho cái nhìn khoan dung giữa những người cùng dòng máu Lạc Hồng và quê cha đất tổ, lại là truyền thống thâm thù “Công Giáo-Cộng Sản” đang rừng rực tái hiện, cùng tiếng la hét bạc lòng chới với của dân tình lầm than.
Từ Cồn Dầu ở Đà Nẵng, Cầu Rầm, Con Cuông và Mỹ Yên ở Nghệ An, Đông Yên ở Hà Tĩnh những năm trước đến “Xô Viết Nghệ Tĩnh” phản đối Formosa và phản kháng chính quyền năm 2016-2017 và có thể còn kéo dài vô tận khi ngư dân không biết làm gì ra tiền để sống và cũng chẳng còn gì để ăn.
Tất cả đều là những bằng chứng sống động về tâm trạng máu trào khỏi họng những giáo dân không còn muốn nuốt máu trở vào trong, hình ảnh những người kéo đi đòi trả tự do cho những kitô hữu bị bắt giữ khuất tất, kêu gọi lập lại công bằng cho quan hệ Công Giáo – chế độ và công lý cho những con chiên của Chúa trên chính mảnh đất này…
Một dấu hiệu cáo chung?
Ngay sau vụ ra đời kèm khiêu khích giáo dân của “Hội Cờ Đỏ,” một nhà phân tích đã liên hệ vụ này với vụ nhóm thân chính phủ chống lại biểu tình của dân chúng ở Ai Cập vào năm 2011. Vào thời gian đó, những kẻ chống biểu tình đã cưỡi lạc đà lao vào đám đông biểu tình và quất roi lên đầu đám đông. Nhưng chỉ ít ngày sau, “Cách Mạng Hoa Nhài” đã hoàn tất dấu đóng đinh của nó ở Ai Cập: Tổng Thống Hosni Mubarak phải từ chức và chuyển giao quyền cho Hội Đồng Quân Lực cao cấp.
Phải chăng sự phát sinh của những nhóm cực đoan thân đảng như “Hội Cờ Đỏ” cũng giống với nhóm thân chính phủ trên ở Ai Cập – một dấu hiệu rõ ràng về sự cáo chung của chế độ? (Phạm Chí Dũng)