Văn Học & Nghệ Thuật
“CON VỀ NGÕ NHỎ”: BÀI THƠ MỚI QUEN - PHẠM ĐỨC NHÌ
( HNPĐ ) Khi bắt đầu viết bài này tôi chỉ mới biết Ngọc Mai, tác giả bài thơ, khoảng một tuần trên Facebook. Chỉ mới quen biết, chưa kết bạn. Chị thường ghé vào bình luận những bài viết của tôi. Lời bình ngôn ngữ lịch sự, biểu lộ một sự hiểu biết về thơ khá vững. Nhắn tin qua lại mấy ngày chị tiết lộ “Em cũng làm thơ nhưng thơ chỉ nói về gia đình, làng xóm, quê hương, không có gì mới lạ đâu.” Chị rất ngại ngùng nhưng tôi khuyến khích chị gởi tập thơ của chị cho tôi đọc. Sau hai ngày du ngoạn trong thế giới thơ của Ngọc Mai, tôi chọn Con Về Ngõ Nhỏ để viết lời bình.
Con Về Ngõ Nhỏ
Con về ngõ nhỏ thoảng hương
lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều
đâu rồi bóng mẹ liêu xiêu
đâu rồi dải yếm rất nhiều gió hong
còn đâu chổi quét lá bòng
còn đâu bông bưởi trắng trong rụng đầy
chẳng còn hoa khế tím cây
chẳng còn vai mẹ hao gầy gió sương
mơ màng khói bếp còn vương
thoáng hơi nước vối tỏa hương ngọt ngào
gạo khuya ai giã đêm sao
thèm nghe tiếng mẹ ho bào canh thâu
Trăng non (*) khóc đẫm lá trầu
kìa như tay mẹ chải đầu cho trăng!
(Ngọc Mai)
(*) Tác giả ví mình như vầng trăng non, lúc còn bé thơ thường đứng bên giàn trầu của mẹ mà
khóc dỗi hờn để được mẹ dỗ dành và chải đầu cho.
Tứ Thơ:
Không có ẩn dụ nên ý với tứ là một – tác giả qua ngõ nhỏ về thăm nhà, chỉ thấy quang cảnh cũ gợi lại biết bao kỷ niệm êm đềm, còn mẹ già đã khuất bóng.
Thể Thơ:
Thơ lục bát ngắn, 14 câu nhưng tác giả gieo vần nghiêm túc quá nên hơi “cứng”. Có 13 cặp vần thì đến 12 cặp là chính vận (y boong), chỉ có một cặp thông vận (hương, ươm). Giá tác giả bớt đi vài cặp chính vận thì âm điệu nhẹ nhàng hơn. Cũng may, bài thơ liền mạch, tứ thơ chảy thành dòng từ câu đầu đến câu cuối, chưa có hội chứng nhàm chán vần thì bài thơ đã hết.
Ngôn Ngữ Hình Ảnh:
Ngôn ngữ bình dị, dễ cảm, dễ thương, những hình ảnh dân quê, gần gũi đầy dấu tích, kỷ niệm của mẹ như: dáng mẹ liêu xiêu, giải yếm, chổi quét lá bòng, bông bưởi, hoa khế, nước vối, tiếng giã gạo, tiếng ho … đã được nữ thi sĩ liệt kê một cách rất nghệ thuật. Nói chung, ngôn ngữ, hình ảnh rất đậm “mùi” Nguyễn Bính nhưng ở tầm thấp hơn.
Những Câu Thơ Hay:
a/ Lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều
Câu thơ tả cảnh lối vào trong nắng chiều thật đẹp.
b/ Mơ màng khói bếp còn vương
thoảng hơi nước vối tỏa hương ngọt ngào
Chỉ là hình ảnh ấm nước vối sôi trên bếp nhưng những con chữ kết hợp khéo léo đã vẽ lên một bức tranh rất thơ, có cả hương thơm ngọt ngào lan tỏa trong không gian.
Đoạn Kết Hay
Trăng non khóc đẫm lá trầu
kìa như tay mẹ chải đầu cho trăng
Đọc chú thích của “trăng non” mới hiểu được niềm mơ ước đơn sơ nhưng thấm đậm nỗi nhớ thương mẹ hiền của tác giả. Hai câu kết vừa đẹp, vừa nên thơ, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
Cảm Xúc
Quang cảnh của “ngõ nhỏ” vắng lặng quá. Nhưng sức mạnh của những hình ảnh trong ký ức hiện về làm sống lại những kỷ niệm thân thương với mẹ hiền. Tác giả đã khéo léo đem niềm nhớ thương và nỗi buồn man mác ấy rải đều trên mỗi bóng hình của thời son trẻ, thơ dại. Phải nói bài thơ khá nhiều cảm xúc, nhưng hình như từ trong sâu thẳm của vô thức có một tiếng nói vô hình nào đó thì thầm, chỉ dẫn để dòng cảm xúc trong thơ chỉ ở mức vừa phải chứ không dậy sóng tràn bờ.
Theo tôi, Con Về Ngõ Nhỏ tròn trịa, không sai sót, có thể nói là bài thơ hay nhưng khi đọc lên vẫn không thấy cái gì đó thật đặc biệt. Nó như một viên đá quý, không tì vết nhưng lại không có nét riêng để hấp dẫn những tay chơi ngọc sành sõi. Nói rõ ra, Con Về Ngõ Nhỏ là bài thơ thiếu cá tính nên không gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc.
“Hoa đẹp nằm khuất trên giàn
Em xinh đứng lẫn trong hàng, ai hay?” (PĐN)
Vâng! Bài thơ như một cô gái đẹp. Các chuyên viên thẩm mỹ nhìn cô - từ khuôn mặt đến vóc dáng - không nhìn thấy điểm nào không vừa ý để chê bai. Nhưng cách ăn mặc, cách giao tiếp làm cho cô chìm khuất giữa đám đông. Giá cô biết thỉnh thoảng ăn mặc khác thường một tý (nhưng đừng lố lăng) và đứng ở một chỗ riêng biệt để vẻ đẹp của mình lộ diện, nổi bật trước mắt mọi người, thì chỉ cần thế thôi, cô sẽ có trong tầm ngắm của mình vô số những chàng trai hào hoa phong nhã, biết thưởng thức sắc đẹp và nét duyên dáng của phụ nữ, miệt mài săn đón.
Tôi chọn bình Con Về Ngõ Nhỏ vì quý một tài thơ chưa phát huy hết sức mạnh của mình. Ngọc Mai có kỹ thuật thơ nhuần nhuyễn, hồn thơ nhạy cảm nhưng còn e thẹn, ngại ngùng, chưa dám mở tung cánh cửa tâm hồn để những cảm xúc, những khát khao cháy bỏng của “cái tôi đích thực” đổ ập xuống trang thơ.
Kết Luận
Con Về Ngõ Nhỏ là bài thơ “mới quen”. Tác giả của nó là người thơ ở mãi tận Bắc Giang chưa hề gặp. Ngay cả tấm hình trên Facebook để biết mặt mũi ra sao cũng không có. Thôi thì cứ như Hoài Thanh, qua thơ, “lấy hồn ta để hiểu hồn người”. Hiểu rồi thì viết mấy lời bình phẩm. Nếu tác giả đọc bài viết này và dám “nghe lời xúi dại”, tôi tin rằng chị sẽ ung dung bước vào làng thơ với túi hành trang trên vai trong đó chứa nhiều bài thơ còn hay hơn nũa.
Phạm Đức Nhì ( HNPĐ )
Bàn ra tán vào (0)
“CON VỀ NGÕ NHỎ”: BÀI THƠ MỚI QUEN - PHẠM ĐỨC NHÌ
( HNPĐ ) Khi bắt đầu viết bài này tôi chỉ mới biết Ngọc Mai, tác giả bài thơ, khoảng một tuần trên Facebook. Chỉ mới quen biết, chưa kết bạn. Chị thường ghé vào bình luận những bài viết của tôi. Lời bình ngôn ngữ lịch sự, biểu lộ một sự hiểu biết về thơ khá vững. Nhắn tin qua lại mấy ngày chị tiết lộ “Em cũng làm thơ nhưng thơ chỉ nói về gia đình, làng xóm, quê hương, không có gì mới lạ đâu.” Chị rất ngại ngùng nhưng tôi khuyến khích chị gởi tập thơ của chị cho tôi đọc. Sau hai ngày du ngoạn trong thế giới thơ của Ngọc Mai, tôi chọn Con Về Ngõ Nhỏ để viết lời bình.
Con Về Ngõ Nhỏ
Con về ngõ nhỏ thoảng hương
lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều
đâu rồi bóng mẹ liêu xiêu
đâu rồi dải yếm rất nhiều gió hong
còn đâu chổi quét lá bòng
còn đâu bông bưởi trắng trong rụng đầy
chẳng còn hoa khế tím cây
chẳng còn vai mẹ hao gầy gió sương
mơ màng khói bếp còn vương
thoáng hơi nước vối tỏa hương ngọt ngào
gạo khuya ai giã đêm sao
thèm nghe tiếng mẹ ho bào canh thâu
Trăng non (*) khóc đẫm lá trầu
kìa như tay mẹ chải đầu cho trăng!
(Ngọc Mai)
(*) Tác giả ví mình như vầng trăng non, lúc còn bé thơ thường đứng bên giàn trầu của mẹ mà
khóc dỗi hờn để được mẹ dỗ dành và chải đầu cho.
Tứ Thơ:
Không có ẩn dụ nên ý với tứ là một – tác giả qua ngõ nhỏ về thăm nhà, chỉ thấy quang cảnh cũ gợi lại biết bao kỷ niệm êm đềm, còn mẹ già đã khuất bóng.
Thể Thơ:
Thơ lục bát ngắn, 14 câu nhưng tác giả gieo vần nghiêm túc quá nên hơi “cứng”. Có 13 cặp vần thì đến 12 cặp là chính vận (y boong), chỉ có một cặp thông vận (hương, ươm). Giá tác giả bớt đi vài cặp chính vận thì âm điệu nhẹ nhàng hơn. Cũng may, bài thơ liền mạch, tứ thơ chảy thành dòng từ câu đầu đến câu cuối, chưa có hội chứng nhàm chán vần thì bài thơ đã hết.
Ngôn Ngữ Hình Ảnh:
Ngôn ngữ bình dị, dễ cảm, dễ thương, những hình ảnh dân quê, gần gũi đầy dấu tích, kỷ niệm của mẹ như: dáng mẹ liêu xiêu, giải yếm, chổi quét lá bòng, bông bưởi, hoa khế, nước vối, tiếng giã gạo, tiếng ho … đã được nữ thi sĩ liệt kê một cách rất nghệ thuật. Nói chung, ngôn ngữ, hình ảnh rất đậm “mùi” Nguyễn Bính nhưng ở tầm thấp hơn.
Những Câu Thơ Hay:
a/ Lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều
Câu thơ tả cảnh lối vào trong nắng chiều thật đẹp.
b/ Mơ màng khói bếp còn vương
thoảng hơi nước vối tỏa hương ngọt ngào
Chỉ là hình ảnh ấm nước vối sôi trên bếp nhưng những con chữ kết hợp khéo léo đã vẽ lên một bức tranh rất thơ, có cả hương thơm ngọt ngào lan tỏa trong không gian.
Đoạn Kết Hay
Trăng non khóc đẫm lá trầu
kìa như tay mẹ chải đầu cho trăng
Đọc chú thích của “trăng non” mới hiểu được niềm mơ ước đơn sơ nhưng thấm đậm nỗi nhớ thương mẹ hiền của tác giả. Hai câu kết vừa đẹp, vừa nên thơ, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
Cảm Xúc
Quang cảnh của “ngõ nhỏ” vắng lặng quá. Nhưng sức mạnh của những hình ảnh trong ký ức hiện về làm sống lại những kỷ niệm thân thương với mẹ hiền. Tác giả đã khéo léo đem niềm nhớ thương và nỗi buồn man mác ấy rải đều trên mỗi bóng hình của thời son trẻ, thơ dại. Phải nói bài thơ khá nhiều cảm xúc, nhưng hình như từ trong sâu thẳm của vô thức có một tiếng nói vô hình nào đó thì thầm, chỉ dẫn để dòng cảm xúc trong thơ chỉ ở mức vừa phải chứ không dậy sóng tràn bờ.
Theo tôi, Con Về Ngõ Nhỏ tròn trịa, không sai sót, có thể nói là bài thơ hay nhưng khi đọc lên vẫn không thấy cái gì đó thật đặc biệt. Nó như một viên đá quý, không tì vết nhưng lại không có nét riêng để hấp dẫn những tay chơi ngọc sành sõi. Nói rõ ra, Con Về Ngõ Nhỏ là bài thơ thiếu cá tính nên không gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc.
“Hoa đẹp nằm khuất trên giàn
Em xinh đứng lẫn trong hàng, ai hay?” (PĐN)
Vâng! Bài thơ như một cô gái đẹp. Các chuyên viên thẩm mỹ nhìn cô - từ khuôn mặt đến vóc dáng - không nhìn thấy điểm nào không vừa ý để chê bai. Nhưng cách ăn mặc, cách giao tiếp làm cho cô chìm khuất giữa đám đông. Giá cô biết thỉnh thoảng ăn mặc khác thường một tý (nhưng đừng lố lăng) và đứng ở một chỗ riêng biệt để vẻ đẹp của mình lộ diện, nổi bật trước mắt mọi người, thì chỉ cần thế thôi, cô sẽ có trong tầm ngắm của mình vô số những chàng trai hào hoa phong nhã, biết thưởng thức sắc đẹp và nét duyên dáng của phụ nữ, miệt mài săn đón.
Tôi chọn bình Con Về Ngõ Nhỏ vì quý một tài thơ chưa phát huy hết sức mạnh của mình. Ngọc Mai có kỹ thuật thơ nhuần nhuyễn, hồn thơ nhạy cảm nhưng còn e thẹn, ngại ngùng, chưa dám mở tung cánh cửa tâm hồn để những cảm xúc, những khát khao cháy bỏng của “cái tôi đích thực” đổ ập xuống trang thơ.
Kết Luận
Con Về Ngõ Nhỏ là bài thơ “mới quen”. Tác giả của nó là người thơ ở mãi tận Bắc Giang chưa hề gặp. Ngay cả tấm hình trên Facebook để biết mặt mũi ra sao cũng không có. Thôi thì cứ như Hoài Thanh, qua thơ, “lấy hồn ta để hiểu hồn người”. Hiểu rồi thì viết mấy lời bình phẩm. Nếu tác giả đọc bài viết này và dám “nghe lời xúi dại”, tôi tin rằng chị sẽ ung dung bước vào làng thơ với túi hành trang trên vai trong đó chứa nhiều bài thơ còn hay hơn nũa.
Phạm Đức Nhì ( HNPĐ )