10 điều đất nước Israel đã dạy tôi
Đây là một bài viết của một bạn trẻ đang làm việc tại Israel gửi Café Ku Búa. Chúng ta đã biết đến Israel thông qua cuốn sách “Quốc Gia Khởi Nghiệp.” Vậy Israel và dân tộc Do Thái có gì để dạy một anh chàng Việt Nam? Sau đây là những lời tâm sự của anh ta.
- Tinh thần khởi nghiệp — Muốn khởi nghiệp hả? Hãy đi tìm những khó khăn trước đi đã. Rất nhiều công ty khởi nghiệp ở đất nước này đang phát triển theo hướng đó. Mới đây nhất là loại máy biến không khí thành nước lỏng phù hợp với các nước khí hậu nóng ẩm như Việt Nam.
- Sự giản dị — Con người Israel là những người vô cùng đơn giản, đơn giản đến mức độ khó tin. Vẻ bề ngoài không phản ánh con người họ. Một đất nước mà bạn sẽ thấy toàn những chiếc xe hơi loại thường. Hiếm lắm bạn mới gặp được một con BMW S500. Một người Israel có mỗi cái áo thun, quần sọt và đôi xăng đan mà bạn đang đứng nói chuyện có thể là CEO của Viber đấy.
- Suy nghĩ xa — Đi trước hiện tại. Ví dụ đời thường nhất, khi cắt cà chua, hãy nghĩ tuần sau chùm cà bạn không cắt đó sẽ như thế nào, nghĩ tuần sau bạn sẽ cắt gì. Xâu xa hơn, tài nguyên hiện tại quý nhất mà trong tương lai loài người có khi có thế chiến thứ ba vì loại tài nguyên này ? Đáp án : H2O. Vì thế công nghệ biến nước biển thành nước ngọt ra đời và đang phát triển cực mạnh, làm đất nước này thoát khỏi tình trạng khát nước và bán cho các nước xung quanh. Điều này cũng có nghĩa làm giảm nguy cơ chiến tranh khu vực. Các nước xung quanh, nơi đào lên chỉ toàn dầu mỏ đang phải mua nước với một cái giá cắt cổ, vì thế thay vì gây chiến, chơi với thằng kế bên coi bộ được hơn.
- Kỹ năng cá nhân — Mọi thứ bắt đầu bằng ngôi nhà của mình. Ở đây trẻ con được giáo dục từ nhỏ bằng mọi việc vặt trong nhà. 5 tuổi có thể biết quét lau nhà và rửa bát, 7 tuổi có thể nấu được vài món, 9 tuổi là biết mọi thứ từ A đến Z trong nhà. Sau này ra đời sống đâu cũng gọi là nhà được.
- Lời Chào là đầu câu chuyện — Từ mọi cuộc trò chuyện từ chuyện phiếm đến làm ăn chỉ cần “Sherlome” cái là họ sẵn sàng nói từ sáng tới khuya cũng đượcnữa (OK, nếu bạn có đủ chuyện để nói). Yên tâm một điều nữa là người Do Thái hầu hết đều rất thân thiện nên cũng dễ nói (nếu bạn không biết tiếng Ivrit – Hebrew thì tiếng Anh cũng tốt, 90% người Israel biết nói tiếng Anh đấy).
- Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai — Từ 5 tuổi trẻ em ở đây sẽ được dạy tiếng Anh song song với tiếng Hebrew (Do Thái) nên cơ bản là họ khá thông thạo tiếng Anh. Cũng một phần là thế kỷ trước họ cũng hiểu tiếng Anh sớm hay muộn cũng thành ngôn ngữ quốc tế.
- Nói là làm — Người Do Thái đã nói thì chắc chắn sẽ làm. Nếu họ tranh cãi nhau về vấn đề nào đó, họ sẽ lập tức hành động để chứng minh mình đúng. Kể cả bạn có thách thức họ leo đỉnh Everest đi chăng nữa, họ mà OK là có khi tháng sau bạn sẽ thấy họ leo thật đấy. Cái này mình không chắc, khi về Việt Nam sẽ thử, hoặc cố gắng tìm thử ở đây càng sớm càng tốt.
- Kiến thức của người Do Thái được gói gọn trong 5 cuốn sách: sách Xuất hành, Sáng thế, Dân số, Levy và Đệ nhị Luật. Khi được hỏi tại sao người Do Thái lại giỏi như thế, họ chỉ bảo 5 cuốn này. Mình đạo Công giáo nên không rành Cựu Ước lắm.
- Học cách sống chung với kẻ thù — và bằng cách nào đó, kiềm chế và kiểm soát kẻ thù. Israel là một đất nước đặc biệt, bị bao quanh là những nước Hồi Giáo khét tiếng. Nhưng họ vẫn sống đấy thôi, dù trong quá khứ có rất nhiều cuộc chiến tranh lớn nhỏ. Họ kiểm soát Syria và Lebanon, giữ hoà hiếu với Jordan và trong quá khứ họ lập được nền hoà bình với Ai Cập (trả bán đảo Sinai). Gần đây, bằng nguồn nước ngọt lọc từ nước biển, họ đang dần buộc các nước xung quanh dần phụ thuộc vào mình.
- Sự bình đẳng — Điều này là điều một đất nước vĩ đại như Hoa Kỳ nên học: bình đẳng. Bình đẳng màu da, bình đẳng sắc tộc. Tại đây, một người da đen có thể dễ dàng kết bạn với người da trắng. Một người nhập cư vẫn có thể được đăng ký nghĩa vụ quân sự như bao người khác trên đất nước này (Vâng, miễn sao họ nói được tiếng Hebrew). Trong giờ lịch sử Israel, tôi đã được dạy rằng mọi dân tộc đều bình đẳng với nhau, bình đẳng với đấng tạo hóa, và mong muốn lớn nhất của dân tộc Do Thái là được sống chung với mọi dân tộc khác trong hoà bình và cùng nhau xây dựng một trần gian tốt đẹp hơn.
Mai đây, tôi sẽ rời xa đất nước Israel này. Có ai đó có thể nói tôi đã thất bại ở đây. Tuy nhiên, điều lớn nhất là những bài học mà tôi đã học được từ đất nước và dân tộc Do Thái này. Đất nước kỳ diệu này đã vẫy gọi tên tôi và sau này tôi sẽ trở lại trong tương lại.
Khang Khang, một thành viên Việt Nam đang làm việc tại Israel
Biên tập: Café Ku Búa