GNsP – “Ngày 22/10 có nhóm người từ miền Nam ghé thăm nhà tôi. Họ thương hoàn cảnh khó khăn, tài sản trôi hết, gạo lúa hư, nên có cho quà cùng phong bì. Đoàn của họ vừa đi khỏi thì tui cất quà và mở phong bì được 500.000 đồng. Tôi chưa kịp mừng thì không biết ai báo tin mà ông Bí thư thôn đến nhà thu lại 400.000 đồng. Tôi hỏi lý do thì ông ấy nói sẽ giải thích sau”.
“Cán bộ đến lấy lại toàn bộ số tiền. Tôi hỏi thì họ nói để chia đều ra. Tôi phản đối vì mẹ là người tâm thần, câm điếc, gia đình lại là hộ nghèo nhưng họ dọa nếu không nộp lại thì những đợt hỗ trợ tiếp theo sẽ không có trong danh sách”.
Đó là những lời trần tình đầy búc xúc của cụ già 80 tuổi Lê Thị Liệu và anh Thành, người đang nuôi dưỡng bà mẹ già vừa bệnh tâm thần vừa câm điếc khi bị ông Lê Văn Luận, Phó trưởng thôn Trung Sơn thu lại tiền hỗ trợ.
Sự việc xảy ra tại thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung, TX Ba Đồn, Quảng Bình trong những ngày qua.
Trong khi đó vào ngày 24-10 vừa qua, đáp lại lời mời gọi của quý cha DCCT thuộc Văn phòng Công lý và Hòa bình các Thương phế binh VNCH đã san sẻ cho bà con vùng lũ Miền Trung trong buổi Tầm soát sức khỏe lần thứ 14 trong năm 2016 của chương trình Tri Ân TPB VNCH. Tuy số tiền các ông TPB ủng hộ không nhiều, chỉ vọn vẹn có 1.902.000 VNĐ, nhưng chứng kiến cảnh những người què, cụt, người đui người mù…lần lượt chia sẻ những đồng tiền mà họ dành dụm được cho người nghèo Miền Trung mới thấy thấm thía tận tim gan cái câu “lá rách đùm lá nát”.
Vâng! Với người lành lặn việc mưu sinh đã khó huống là với những người tật nguyền. Nhất là khi chiến tranh là nguyên nhân lấy đi một phần trên thân thể, thì khi thời thế thay đổi, cuộc sống của họ càng éo le, nghiệt ngã và khó khăn đến dường nào. Dù vậy, họ vẫn có thể chia sẻ được những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình cho người dân nghèo lũ lụt miền Trung, bởi lẽ không ai nghèo đến mức không có gì để cho.
Theo ông Phạm Quang Long – Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn thì việc làm của cán bộ thôn là tự phát vì nhận thấy các hộ này được nhận tiền ủng hộ nhiều lần, việc thu hồi để điều tiết (?) trong nội bộ thôn, nhất là khi các đoàn thiện nguyện đến làm từ thiện mà lại không thông qua thôn.
Có lẽ “ăn quen lại không quen nhịn”, vì đã quen ăn chận tiền cứu trợ của dân nghèo, vì thế cho dù tiền đã đến tận tay người cần được cứu trợ thì cán bộ thôn cũng đến giằng lấy chén cơm khỏi miệng người dân nghèo.
Thế mới biết sự tật nguyền trong nhân cách, đạo đức mới là sự khiếm khuyết lớn nhất của con người. Bởi lẽ với những người này cho dù còn đôi mắt nhưng họ chẳng thể nhìn thấy nỗi cơ cực của người đồng loại, còn đôi tay họ cũng chẳng nghe được lời oán trách, than van của người nghèo, còn bộ óc, còn trái tim khỏe mạnh nhưng họ chẳng cảm nhận được gì…
Và ngược lại, cho dù không còn nguyên vẹn hình hài nhưng hình ảnh của những người TPB VNCH lấp lánh vẻ đẹp của lòng đạo đức, của một nhân cách được tỏa sáng qua nghĩa cử của họ.
Cũng xin tri ân các quý cha DCCT thuộc Văn phòng Công lý và Hòa bình đã tổ chức một hoạt động vô cùng ý nghĩa, giàu tính nhân văn vào ngày 24-10 vừa qua. Việc làm này vừa góp phần cứu trợ đồng bào miền Trung, vừa tạo điều kiện cho các TPB – VNCH tìm lại được giá trị bản thân, vì cho dù thân thể của họ TÀN nhưng không PHẾ, bởi lẽ họ còn biết yêu thương và còn có khả năng che chở, đùm bọc những phận người kém may mắn hơn mình.
Điền Phương Thảo