Đoạn Đường Chiến Binh

Bước chân VN trên Hoang Sa

Nếu sự hiện diện của một dân tộc tới lui sinh sống là một yếu tố xác định chủ quyền thì bước chân VN hiện diện sinh hoạt, xây cất, trồng trọt, mưu sinh, đo đạt, cấm mốc v.v..

Bước chân VN trên Hoang Sa

CHỦ QUYỀN HOÀNG SA QUA NHỮNG BƯỚC CHÂN NGƯỜI VIET

Trương Thanh Việt tổng lược

Nếu sự hiện diện của một dân tộc tới lui sinh sống là một yếu tố xác định chủ quyền thì bước chân VN hiện diện sinh hoạt, xây cất, trồng trọt, mưu sinh, đo đạt, cấm mốc v.v.. trên Quần đảo Hoàng Sa đã có từ thời Hậu Lê Chúa Nguyễn vào giữa thế kỷ thứ 17 và liên tục qua các thời kỳ khác nhau như thời Tây Sơn rồi thời Nhà Nguyễn sang đến thời Pháp thuộc và cuối cùng là Việt Nam Cộng Hòa cho tới ngày 19/01/1974 bị chính quyền Cộng Sản Trung Hoa dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn thể quần đảo Hoàng Sa là một sự xác nhận thực tế chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoang Sa.
Trong phạm vi giới hạn của bài này, chúng tôi không đề cập đến các lãnh vục khác về chủ quyền biển đảo như cơ sở pháp lý, địa dư hay tài liệu bản đồ cổ …vv… mà chỉ sưu tầm chuyên biệt vế yếu tố chủ quyền quần đảo Hoàng Sa qua sự hiện diện lâu đời của người Việt.
Bước chân VN trên quần đảo Hoàng Sa được minh chứng bằng nhiều tài liệu giá trị lịch sử  khác nhau của Tây phương, của cả Trung Quốc và lẽ dĩ nhiên của Việt Nam chúng ta. Xin trưng dẫn tài liệu qua từng thời kỳ theo thứ tự thời gian:

1) THỜI HẬU LÊ CHÚA NGUYỄN (1613-1780)
• Trong tài liệu THIÊN NAM TỨ CHÍ LỘ ĐỒ THƯ do Đỗ Bá Cang Đạo soạn, được công bố vào năm 1686 có ghi phần chú thính của bản đồ với nội dung:
“Giữa biển có một dãi cát dài, gọi là bãi cát vàng (Hoàng Sa), dài tới 400 dậm. Từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Kỳ mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi giạt ở đấy; gió Đông Bắc thì thương thuyền chạy ngoài cũng trôi giạt ở đấy, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào cuối mùa Đông đưa 18 chiến thuyền [1] đến đấy lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn …”
Đỗ Bá Công Đạo là người của Đàng Ngoài được Chúa Trịnh gởi công tác liên lạc với miền Nam thuộc Chúa Nguyễn trong thời gian hai họ Trịnh và Nguyễn tam ngừng chiến (1664-1774). Nhờ vậy mà Đỗ Bá Cang Đạo mới thông hiểu được những hoạt động của các Đội Hoàng Sa của Chúa Nguyễn (mà ông gọi là Họ Nguyễn) và biên soạn Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư. Điều này đã nói lên được là các Đội Hoàng Sa đã được thành lập từ khi Chúa Nguyễn mở cuộc Nam tiến tràn qua Bình Định, san bằng kinh đô Đồ Bàn (1613-1687)
• Tập bút ký HẢI NGOẠI KỶ SỰ của Thích Đại Sản xuất bản năm 1696 có viết một đoạn trong quyển 3 đề cập đến địa danh ‘Vạn Lý Trường Sa’ tức ‘Hoàng Sa’ và ông khẳng định rằng Quốc Vương Chúa Nguyễn đã hành sử chủ quyền của minh như sau:
”Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ Đông Bắc qua Tây Nam; đống cao dựng đứng như vách tưòng, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển; mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền đụng phải ắt tan tành; bãi cát rộng cả trăm dậm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là Vạn Lý Trường Sa mù tít chẳng thấy có cỏ cây nhà cửa; nếu thuyền bị trái gió trái nước tấp vào dầu không tan nát cũng không gạo không nước, trở thành ma đói mà thôi. Quảng ấy cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dậm. Thời Quốc Vương trước, hàng năm sai thuyền đi dánh cá dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền bè tấp vào. Mùa Thu nước dâng cạn, chảy rút về hướng Đông bị một sóng đưa thuyền có thể trôi xa cả trăm dậm; sức gió cực mạnh, sợ có hiểm họa Trường Sa”.
Thích Đại Sản là nhà sư Trung Hoa trụ trì chùa Trường Thọ ở Quảng Châu thường đến thăm Đại Việt vào những năm từ 1671 đến 1695 thời Quốc Vương Nguyễn Phúc Chu. Tập bút ký này cũng cho chúng ta một bằng chứng ý nghĩa là Thìch Đải Sản đã đến vùng gọi là “Van Lý Trường Sa’ đã thuộc về một vương quốc tên là Đại Việt hoặc là ông đã gặp chính những ngư dân hoặc thuyền nhân VN đã từng lui tới Hoàng Sa nên ông đã tỏ tường lịch sử khai thác chủ quyền của Đàng Trong Chúa Nguyễn thời bấy giờ đối với quần đảo Hoàng Sa.
• Tài liệu NHẬT KÝ HẢI HÀNH được tìm thấy trên thương thuyền Amphitrite (cũng là tên của nhóm đảo An Vĩnh) của Pháp bị đắm ở Hoàng Sa năm 1701 cho chúng ta một chi tiết quan trọng là Paracels thuộc chủ quyền của nước An Nam. Một đoạn trong nhật ký này được viết như sau:
“Người ta cho tàu nhổ neo, gió rất tốt. Và sau đó một thời gian đi đến mỏm đá Paracels. Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam. Đó là một bãi đá ngầm khủng khiếp có đến hàng trăm dậm, rất nhiều lần xảy ra các nạn đắm tàu ở đó”.
Tài liệu vừa kể cùng với các tài liệu khác như thư từ, nhật ký được tập trung trong một bộ sách Letters des Édifiantes et Curieuses (Văn thư về những kiến trúc và điều kỳ lạ) được cất giữ trong thư khố của Phái bộ truyền giáo Ngoại quốc (Archives des mission Etrangères de Paris 1838, tập 4)
• Một tài liệu cổ khác là PHỦ BIÊN TẠP LỤC của Lê Quý Đôn được phổ biến vào năm 1776. Phủ Biên Tạp Lục có 6 quyển và trong quyển 2 có 2 đoạn đề cập tới việc Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền Đại Việt không những tại Hoàng Sa mà còn các hải đảo khác như Côn Lôn, Phú Quốc bằng sự hiện diện liên tục của người Việt trong các Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải. Xin trích 2 đoạn vừa nói ở trên:
Đoạn 1: “…Ở ngoài cửa biển lớn thuộc về xã An-Vĩnh, huyện Bình-Sơn, phủ Quảng Nghĩa có một hòn núi mang tên là Cù Lao Ré [2]. Chiều rộng núi này có thể hơn 30 dậm. Ngày trước có dân cư phường Tứ-Chính trồng các thứ cây đậu tại ruộng nương nơi đó. Người ta ra biển rồi chèo thuyền đi bốn trống canh nữa có thể đi đến Cù Lao Ré. Ở ngoài núi Cù Lao Ré có đảo ‘Đại Trường Sa’, ngày trước nơi đây thường sản xuất nhiều hải vật chở đi bán các nơi, nên nhà nước có thiết lập một Đội Hoàng Sa để thu nhận các hải vật. Người ta phải đi 3 ngày đêm mới đến được đảo Đại Trường Sa ấy, như thế là đảo Đại Trường Sa đã gần đến xứ Bắc-Hải”.
Đoạn 2: “… Phủ Quảng-Nghĩa, huyện Bình-Sơn có xã An-Vĩnh ở gần biển, ngoài biển  về phía Đông-Bắc có mhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này qua hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chổ có nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng dài ước hơn 20 dậm bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy; trên đảo có vô số yến sào; các thứ chim có hàng nghìn hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Bên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục trông như ngọc trai, cái vỏ có thể đeo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà; có ốc xà-cừ để khảm đồ dung, lại có ốc hương. Các thứ đều có thể muối và ăn được. Đồi mồi thì rất lớn, có con hải-ba tục gọi là bông trắng, giống như đồi mồi nhưng nhỏ hơn, mai mỏng có thể khảm đồ dùng, trứng bằng đầu ngón tay cái, muối ăn được. Có hải-sâm tục gọi là con đồn-đột, bơi lội ở bên bãi, lấy về dùng vôi xát qua, bỏ ruột, phơi khô lúc ăn thì ngâm nước cua đồng, cạo sạch đi, nấu với tôm và thịt lợn càng tốt.
Các thuyền ngoại phiên bị bảo thường bị hư hại nương đậu ở đảo này. Trước đây, Họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã  An-Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng Hai [7] nhận giấy ra đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ [1] (còn gọi là Tiểu điếu thuyền), ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo. Ở đấy tha hồ bắt chin cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu như gươm ngựa, hoa bạc, tiến bạc, hòm bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ xứ, đồ chiên, cùng là tìm kiếm vỏ đồi-mồi, hải-ba, hải-sâm, ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp”. (ghi chú: Cửa Eo hay Yêu-Môn, đến năm Gia Long thứ 13 (1814) đổi thành cửa Thuận An)
Họ Nguyễn lại đặt Đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất hoặc người ở thôn Tứ-Chính ở Bình-Thuận, hoặc người xã Cảnh-Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các  tiền tuần-đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn-Lôn và các đảo ở Hà-Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải-ba, bào-ngư, hải-sâm, cũng sai đội Hoàng Sa cai quản.
Hoàng Sa chính gần phủ Liêm-Châu, đảo Hải-Nam, người đi thuyền có lúc gặp thuyền đánh cá Bắc-quốc, hỏi nhau trên biển. Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn-Xương, Quỳnh-Châu gởi cho Thuận-Hóa nói rằng: năm Kiến-Long thứ 18 (1754) có 10 tên quân nhân xã An-Vĩnh, đội Cát-Liềm, huyện Chương-Nghĩa, phù Quảng-Ngãi, nước An-Nam ngày tháng 7 đến Vạn Lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh-Lan cảng, quan ở đấy xét thực đưa trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Khoát sai Cai bạ Thuận-Hóa là Thức Lượng Hầu viết thư cám ơn.”
Lê Qúy Đôn cũng nói rõ là quần đảo Hoàng Sa nằm gần đảo Hải Nam của Trung Quốc, qua sự việc thuyền của đội Hoàng Sa đi lạc qua Hải Nam đã được chính quyền bên đó ’đưa trả về nguyên quán’. Nếu như Hoàng Sa lúc đó thuộc về Trung Quốc thì chắc chắn rằng không những đội hoàng Sa không thể ngang nhiên ra đó hoạt động không hề bị ngăn cản, mà khi có người của đội Hoàng Sa bị trôi giạt vào cảng Thanh Lan đảo Hải Nam lại còn được chính quyền tại chổ tra xét thấy ngay tình để được trả về mà không bị kết tội ‘xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc’

2) THỜI TÂY SƠN (từ năm 1773)
• Trong VĂN BẢN CHỈ THỊ của  Thái Phó Tổng Lý Quản Bình Dân Chư Vụ Thượng Tướng Công ngày 14 tháng 2 năm 1786 vào thời Thái Đức Đế Nguyễn Nhạc, gởi cho Cai đội Hoàng Sa với nội dung như sau:
“ Sai Hồi Đức Hầu, Cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biên hiệu thủy quân, cưỡi 4 chiếc thuyền câu vượt biển, thẳng đến Hoàng Sa cùng các thứ cù lao ngoài biển, tìm nhặt đồ vàng, đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba cùng đá quý đều chở về Kinh tập trung, nộp theo lệ..Nếu ngạo mạn càn bậy không đến, lại gian dối lấy bớt các vật quý hoặc sinh sự với dân làm muối làm cá đều sẽ bị trị tội.”

3) THỜI TRIỀU NGUYỄN (1802-1909)
• Trong quyển MÉMOIRE SUR LA COCHINCHINE (Hồi ký về xứ Đàng Trong) của Jean Baptiste Chaigneau đã viết vào những năm cuối đời vua Gia Long (1816-1819) như sau:  “Địa thế: Xứ Cochinchine, mà Quốc-Vương ngày nay đã xưng đế-hiệu, gồm có xứ Đàng Trong, Bắc Hà (Tonquin)…, vài đảo gần bờ biển, có dân cư, và quần đảo Paracels, gồm có nhiều đảo và mỏm đá thiếu dân. Vào năm 1816 vị Hoàng-đế đương kim đã tiếp nhận quần đảo này.”
Tập hồi ký này được một viên chức thanh tra thuộc địa – tên A.Salles, công bố trên bulletin des amis du Vieux Huế No 2, Avril-Juin 1923. Sự kiện Vua Gia Long xác định chủ quyền Việt Nam trên Quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816 cũng đã được giám mục Jean Louis Taberd xác nhận trong một tài liệu do ông viết là ‘Note sur la Géographie de la Cochinchine’.
• Tài liệu NOTE SUR LA GÉOGRAPHIE DE LA COCHINCHINE do Giám mục Jean Louis Taberd viết và được in trên Journal of the Royal Asiatic Society of Bengal, Ấn Độ số April 1837 được trích đoạn như sau:
“Quần dảo Hoàng Sa (The Pracel or Paracels) là vùng gồm nhiều đảo nhỏ, đá và bãi cát chằng chịt trải dài đến vĩ tuyến 11 độ Bắc, kinh tuyến 107 độ từ Ba Lê (Paris). Một số nhà hàng hải đã băng ngang qua vùng đá ngầm này bằng lòng gan dạ và may mắn hơn là sự thận trọng, nhưng một số khác đã chịu khổ nạn khi cố vượt qua. Nước Cochinchine (An Nam) gọi vùng này là ‘con-uang’ (cát vàng). Mặc dù quần đảo đó không có gì ngoại trừ đá và độ nước sâu hứa hẹn nhiều bất trắc hơn ưu đãi. Hoàng đế Gia Long nghĩ rằng ngài đã nới rộng quyền trị vì bởi việc sát nhập vùng đảo này. Năm 1816, Hoàng đế đã đến, trân trọng cấm lá quốc kỳ và chính thức sở hữu vùng đá ngầm này mà chẳng có ai muốn tranh chấp với ngài.”
• DƯ ĐỊA CHÍ trong bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú là một công trình biên khảo công phu của 10 năm soạn thảo, được dâng cho vua Minh Mạng thứ 2 năm 1821. Nội dụng hầu hết nói về phong thổ, địa lý vùng Quảng Nam và các hoạt động của Đội Hoàng Sa thời ấy.
Địa Dư Chí được khắc in thành bộ sách riêng có tên là Hoàng Việt Địa Dư Chí không đề tên tác giả nhưng đề năm Minh Mạng thứ 14 (1833). Nội dung không khác gí mấy so với Địa Dư Chí ngoài việc cập nhật hóa vài từ ngữ hành chánh.
• ĐẠi NAM THỰC LỤC được soạn năm 1821 bởi các sứ thần của Quốc Sử Quán của triều đình. Quốc Sử Quán là cơ chế của nhà nước thuộc triều đại Nhà Nguyễn. Đại Nam Thực Lục có 2 phần: phần Tiền biên khắc in năm 1844 và phần Chính biên khắc in năm 1848. Cả 2 phần đều nói rất cụ thể về sự thực thi chủ quyền của VN bằng việc quản lý, hiện diện tới lui và cắm mốc trên quần đảo Hoàng Sa qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị tại quần đảo Hoàng Sa.
Quyển số 50, ghi: “Năm 1815, Gia Định gạo rẽ (một phương gạo giá 5 tiền). [Vua] Sai thành thần đong chứa vào kho. Sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh [3] ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển”
Quyển số 52, ghi: “Năm Bính Tý niên hiệu Gia Long thứ 15 năm 1816, vua ra linh cho thủy quân và đội Hoàng Sa dể xem xét đo đạt thủy trình”
Quyển số 104 (Đệ nhị kỳ), ghi: “Tháng 8, mùa Thu năm Quý Tỵ, Minh Mạng thứ 14, năm 1833, vua bảo bộ Công rằng: Dãi Hoàng Sa trong hải phận Quảng Ngãi, xa trông trời nước một màu không phân biệt được nông sâu. Gần đây thuyền buôn thường bị nạn. Nay nên dự bị thuyền bè đến sang năm sẽ phái người tới dựng miếu, lập bia, lại trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, có thể tránh nhiều nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời vậy”
Quyển số 154 (Đệ nhị kỳ), ghi: “Tháng 6, mùa Hạ, năm Ất Mùi Minh Mạng thứ 16  năm 1835 dựng ‘Thần Từ’ ở Hoàng Sa. Hoàng Sa ở Hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng, phía tây nam có miếu cổ, có tấm bài khắc bốn chữ  ‘Vạn lý ba bình’ (muôn dặm sóng êm), cồn Bạch Sa (cát trắng) chu vi 1070 trượng, tên cũ là núi Phật Tự, bờ đông, tây, nam đều đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phiá bắc, giáp với một cồn toàn đá san hô, sừng sững nổi lên, chu vi 330 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát, gọi là Bàn Thanh thạch. Năm ngoái vua sai Cai Đội Thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ Giám thành cùng phu thuyền tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, chuyên chở vật liệu đến dựng miếu (cách toà miếu cổ 7 trượng). Bên tả miếu bia đá; phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày làm xong, rồi về.”
Quyển số 165 (Đệ Nhị kỳ), ghi: “Năm 1836 (thời Vua Minh Mạng) ‘Bộ Công tâu nói: Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia đã phái vẻ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được 1 nơi, cũng chưa rõ ràng. Hằng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Xin từ năm nay trở về sau, mổi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái biền binh đến Quảng Ngãi, bắt hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa. Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bề xung quang nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạt, vẽ thành bản đồ. Lại, xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào thuyền đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ bến, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dậm. Nhất nhất nói rõ, đem về, dâng trình”
Vua y lời tâu. “Sai suất đội Thủy Quân Phạm Hữu Nhật [3] đem binh thuyền đi. Chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng năm tấc, mặt bài khắc những chữ ‘Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân’, Thủy quân Chánh đội trưởng xuất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”
Cũng trong quyển số 165 (Đệ Nhị kỳ) có ghi thêm: “Năm 1836, Bính Thân, Minh Mệnh năm thứ 17, mùa đông, tháng 12. Thuyền buôn Anh Cát Lợi đi qua Hoàng Sa, mắc cạn, bị vỡ và đắm ; hơn 90 người đi thuyền sam bản đến bờ biển Bình Định. Vua được tin, dụ tỉnh thần lựa chọn nới cho họ trú ngụ, hậu cấp cho tiền và gạo. Lại phái vệ thông ngôn đến dịch thăm hỏi, tuyên Chỉ ban cấp. Bọn họ đều qùy dài, khấu đầu không thôi. Sự cảm kích biểu lộ ra lời nói và nét mặt.”
Phái viên về tâu: ”Họ, tính vốn kiệt hiệt, kiêu ngạo, nay được đội ơn chẩn tuất, bỗng cảm hoá, đổi mục tục man di. Thật đáng khen. Sai thưởng cho thuyền trưởng và đầu mục, mỗi người một áo đoạn vũ hàng màu, một quần vãi tây và chăn vải; các người tùy tùng mỗi người một bộ áo quần bằng vải màu. Sắc phái viên sang Tây là Nguyễn Tri Phương và Vũ Văn Giai đưa họ sang bến Hạ Châu, cho về nước”
• SẮC CHỈ VUA MINH MẠNG năm Ất Mùi 1835.
Một sắc chỉ của Vua Minh Mạng thứ 17 năm Ất Mùi 1835 sai phái một đội thuyền gồm 3 chiếc, với 24 lính thuỷ ra đảo Hoàng Sa vào ngày 15 tháng tư năm 1835 để làm nhiệm vụ bảo vệ hải đảo của Việt Nam.
Sắc chỉ vẫn còn nguyên vẹn với nội dung như sau: “Giao cho ông Võ Văn Hùng ở Lý Sơn chọn thanh niên khỏe mạnh và giỏi nghề bơi lặn để gia nhập đội thuyền, giao ông Đặng Văn Siểm – người có kinh nghiệm đi biển làm người dẫn đường, giao Võ Văn Công đi cùng đội thuyền phụ trách hậu cần…”
Tên tuổi những người đi cùng đều có ghi lại rõ.
Ông Đặng Lên, 69 tuổi, người thuộc gia tộc họ Đặng đang giữ sắc chỉ này nhiều đời nay. Ông cho biết sáu đời trước, cụ kỵ ông là một vị đà công xuất sắc, từng lấy thuyền ra ngoài đảo xa thuộc Hoàng Sa để bảo vệ biên cương của tổ quốc.
Gia đình ông quyết định báo cho nhà nước vì cho sắc chỉ mà họ đang giữ trong tay là “vật quý của ông cha, mà con cháu lâu nay không biết dùng”, giờ được phổ biến rộng rãi có thể giúp các thế hệ sau biết nhiều hơn về chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.[4]
• Trong cuốn sách nhan đề UNIVERS, HISTORE ET DESCRIPTION DE TOUS LES PEUPLES, DE LEURS RELIGIONS, MOEURS ET COUTUNES, xuất bản năm 1850, tác giả Dubois de Jancigny viết những dòng sau đây về Paracels:
“Chúng tôi không đi vào việc kê khai những hòn đảo chính yếu của xứ Cochinchine. Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels – mà người Việt gọi là Cát Vàng (Hoàng Sa), gồm rất nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những đá nhô lên giữa những bãi cát, làm cho những kẻ đi biển rất e ngại – đã được chiếm cứ bởi người Việt xứ Đàng Trong. Chúng tôi không rõ họ có thiết lập một cơ sở nào tại đó không; nhưng có điều chúng tôi biết chắc là Hoàng-đế Gia-Long đã chủ tâm thêm cái đóa hoa kỳ lạ đó vào vương miện của Ngài, vì vậy mà Ngài xét thấy đúng lúc phải thân chinh vượt biển để tiếp thâu quần-đảo Hoàng Sa, và chính là vào năm 1816, mà Ngài đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong”.
• CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN là một tài liệu quí giá khác của Quốc Sử Quán triều Nguyễn gồm những bản tấu, phúc tấu của đình thần như bộ Công, bô Hộ và các cơ quan khác hay những dụ của các nhà vua về việc thực thi chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa trong suốt thế kỷ thứ 19 như việc vãng thám, đo đạc, vẽ họa đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc.
Trong khuôn khổ bài viết này chỉ xin đi vào giới thiệu nội dung của 11 châu bản trong 144 tập châu bản của hai triều vua Minh Mạng và Thiệu Trị (giai đoạn từ năm 1830 đến 1847). 11 văn bản thời Minh Mạng và Thiệu Trị đề cập trực tiếp đến những sinh hoạt của các đội Hoàng Sa gồm 7 Tấu, 2 Phúc Tấu, 2 Dụ. Xin được trích giới thiệu các châu bản này.
Châu bản thứ nhất và thứ hai là hai bản Tấu ngày 27-6 năm Minh Mạng 11 (1830) của Thủ Ngự Đà Nẵng được lưu trong tập Châu bản Minh Mạng 43, trang 57 và 58. Nội dung có đoạn:
“Thuyền buôn của tài phú Pháp Ê-đoa, thuyền trưởng Đô-ô-chi-ly, phái viên Lê Quang Quỳnh cùng thuỷ thủ đoàn, ngày 20 đã rời cảng Đà Nẵng đi Lữ-Tống (Lucon) buôn bán. Giờ dần ngày 27, Ê-đoa và 11 thuỷ thủ đi trên chiếc sam bản lớn cập cảng nói rằng: Canh 2 đêm 21, ở phía tây Hoàng Sa (xứ Cát Vàng) thuyền đụng đá ngầm bị ngập nước. Thuyền trưởng và phái viên còn đi sau. Cảng đã phái thuyền đem theo nước uống đi cứu hộ, giờ ngọ đã gặp và đưa họ về cảng”.
Châu bản thứ ba là bản Dụ ngày 18-7 năm Minh Mạng 16 (1835) được lưu trữ trong tập Châu bản Minh Mạng 54, trang 92. Nội dung có đoạn viết:
“Chuyến đi Hoàng Sa lần này, công vụ hoàn tất. Riêng Cai đội Phạm Văn Nguyên trên đường công hồi đã trì hoãn, có Chỉ giao Bộ Công trị tội. Nay phạt 80 trượng cho phục chức Cai đội. Các tên Giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng vẽ họa đồ Hoàng Sa chưa chu tất, phạt mỗi tên 80 trượng. Các tên hướng dẫn hải trình Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh thưởng mỗi tên một tiểu “Phi Long ngân tiền”. Binh thợ, dân phu hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi theo thưởng mỗi tên 1 quan tiền.”.
Châu bản thứ tư là bản Phúc Tấu của Bộ Công ngày 12-2 năm Minh Mạng 17 (1836) nằm trong tập Châu bản Minh Mạng 55, trang 336. Châu phê (Vua phê):
“Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ ‘Minh Mạng 17 Năm Bính Thân’, họ tên Cai đội Thuỷ quân phụng mệnh đi đo đạc cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu”. Đã phái Thuỷ quân Chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật giờ Mão hôm qua đi Ô – thuyền rời Thuận An vào Quảng Ngãi quản suất việc vãng thám Hoàng Sa kỳ này. Bộ đã cho làm đủ số cột mốc gửi gấp vào Quảng Ngãi.
Châu cải (Vua sửa lại): “Báo gấp cho Quảng Ngãi thực thi ngay, giao cho tên ấy nhận biện”.
Châu phê: “Thuyền nào đi tới đâu, cắm mốc tới đó để lưu dấu”.
Châu bản thứ năm là bản Tấu của Bộ Công ngày 13-7 năm Minh Mạng 18 (1837) lưu trong tập Châu bản Minh Mạng 57, trang 244. Tấu rằng:
“Lần đi Hoàng Sa này trở về, trừ bọn Kinh phái Thuỷ sư Suất đội Phạm Văn Biện, hướng dẫn hải trình Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh, đà công Lưu Đức Trực khởi hành chậm trễ đã bị xử phạt. Nên chăng chiếu lệ thưởng tặng cho binh dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi theo, xin đợi Chỉ.”
Châu bản thứ sáu là bản Dụ ngày 13-7 năm Minh Mạng 18 (1837) lưu tại tập Châu bản Minh Mạng 57, trang 245. Nội dung có đoạn:
“Trước có phái Thủy sư, Giám thành, binh dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi Hoàng Sa đo đạc, cắm mốc, vẽ họa đồ, trừ bọn Phạm Văn Biện gồm 4 tên can tội đã có Chỉ phạt trượng. Còn binh dân đi theo lặn lội biển cả cực khổ, thưởng mỗi tên binh định một tháng lương, dân phu mỗi tên 2 quan tiền”.
Châu bản thứ bảy là văn bản Tấu của Bộ Hộ ngày 11-7 năm Minh Mạng 17 (1837) lưu tại tập Châu bản Minh Mạng 57, tr 211, có đoạn ghi:
“Xin 5 ngày cứu xét tấu sách của Quảng Ngãi xin khai tiêu (thanh toán) việc chi cấp lương tiền cho dân phu công vụ Hoàng Sa”.
Châu bản thứ tám là bản Tấu của Quảng Ngãi ngày 19-7 năm Minh Mạng 19 (1838) lưu trong tập Châu bản Minh Mạng 64, tr.146. Một đoạn Tấu viết:
“Xin chiếu lệ miễn thuế năm nay cho 2 chiếc “Bản chinh thuyền” đã đưa binh dân đến Hoàng Sa đo đạc giáp vòng từ hạ tuần tháng 3 tới hạ tuần tháng 6, hoàn tất công vụ nay đã trở về”.
Châu bản thứ chín là bản Tấu của Bộ Công ngày 2-4 nhuận (tháng 4 nhuận) năm Minh Mạng 19 (1838) lưu trong tập Châu bản Minh Mạng 68, trang 21. Một đoạn Tấu viết:
“Việc phái vãng để đo đạc giáp vòng Hoàng Sa kỳ năm nay, ấn định khởi hành hạ tuần tháng 3, nhưng vì gió đông nổi lên liên tục kèm theo mưa lớn, tới hạ tuần tháng 4 vẫn chưa khởi hành được, xin tấu trình”.
Châu bản thứ mười là văn bản Phúc Tấu của Bộ Công ngày 26-1 năm Thiệu Trị 7 (1847) lưu tại tập Châu bản Thiệu Trị 42, trang 83. Đáp rằng: “Tháng 6 năm Thiệu Trị 5 (1845) phụng Sắc về việc đình hoãn vãng thám Hoàng Sa. Nay phúc tấu đợi Chỉ có nên vãng thám Hoàng Sa kỳ này hay không?
Châu phê (vua phê): “Đình hoãn”.
Châu bản thứ mười một là bản Tấu của Bộ Công ngày 28-12 năm Thiệu Trị 7 (1847) lưu tại tập Châu bản Thiệu Trị 51, trang 125. Có đoạn viết:
“Hàng năm, vào mùa xuân theo lệ phái binh thuyền vãng thám Hoàng Sa thuộc hải cương nước nhà cho thành thục đường đi lối lại. Năm 1845 có Chỉ đình hoãn kỳ vãng thám 1846. Vì công vụ bận rộn, năm nay cũng xin được đình hoãn”.
Châu phê: “Đình hoãn”.
Giới thiệu qua mười một châu bản của hai triều vua Minh Mạng (1820 – 1840) và Thiệu Trị (1841 – 1847), chúng ta có thể thấy rằng: Thứ nhứt, các thuyền buôn bán, giao dịch của nước ngoài khi ra hay vào lãnh hải của Việt Nam đều được tấu rõ lên nhà vua. Thứ hai, hàng năm các triều vua đều có tờ sai các đội đi Hoàng Sa để “thi hành công vụ”. Nhiều khi, chính vua ngự bút phê vào các tờ sai đó cho thuyền ra khơi hay đình hoãn. Sau khi kết thúc công việc đội vãng thám phải chạy thuyền thẳng về Kinh đô để báo cáo tình hình, khai nộp hoá vật, hải vật. Nhà vua thông qua Bộ Công để kiểm tra, đánh giá và tuỳ mức độ đóng góp hay vi phạm mà luận công hay định tội, thưởng phạt công minh. Những người hoàn thành nhiệm vụ đều được Nhà nước ghi nhận.

4) THỜI PHÁP THUỘC (1885-1954)
Suốt trong thời kỳ thuộc Pháp, Quần đảo Hoàng Sa không rời khỏi chủ quyền của Việt Nam. Việc quản trị nội bộ Hoàng Sa vẫn do triều đình Huế đảm trách. Những đội Hoàng Sa vẫn còn hoạt động theo lệnh của chính quyền Việt Nam. Người Pháp khôn khéo chỉ lo việc quản trị thực sự bằng việc xây cất và những liên hệ ngoại giao liên quan đến những tranh chấp quốc tế cho đến khi thế chiến thứ 2 xảy ra, quần đảo Hoàng Sa bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng và đổi tên thành Harita Gunto. Vụ chiếm đóng này đã bị chính phủ Đông Dương nhiều lần lên tiếng chính thức phản đối Nhật. Tiếp theo sau đó là sự vắng mặt của Pháp ở Đông Dương và sự vắng mặt này chỉ tam thời rất ngắn sau khi biến cố Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương ngày 09 tháng 03 năm 1945. Và sau khi Nhật đầu hàng đồng minh, người Pháp đã trở lại bán đảo này với một cương vị khác và trong một nước Việt Nam mà Vương quốc An Nam không còn.
• Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, ký sắc lệnh thiết lập một ngọn hải đăng trên một hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa song dự án không thực hiện được vì thiếu ngân sách.
• Từ năm 1920, Nha Thương-chánh (Douanes) đã tổ chức những cuộc tuần-du chung quanh đảo Hoàng Sa, để ngăn ngừa buôn lậu.
• Năm 1925, Hải-học-viện Nha-Trang có gửi một phái-đoàn bác-học, đi trên tầu De Lanessan, ra Hoàng Sa để nghiên cứu tường tận tại chỗ về địa chất và sinh vật. Phái-đoàn nhận thấy quần-đảo này chứa đựng rất nhiều phốt-phát. Phái-đoàn cũng khảo sát nhiều bằng chứng rằng quần đảo Paracels nằm trên một cao-nguyên chìm dưới biển và dính liền với lục-địa Việt-Nam. Nhiều công-ty Nhật-Bản đã xin phép chính quyền Pháp tại Đông-Dương, để khai thác phốt-phát và họ đã xây một con đê bằng đá phốt-phát (jetée en blocs de phosphate) và một chiếc cầu sắt dài 300 thước nơi đảo Robert, để tiện việc chuyên chở phốt-phát lên tàu thủy.
• Ngày 03 tháng 03 năm 1925, Binh bộ Thượng thư (tức Bộ trưởng Quốc phòng) Thân Trọng Huề của triều đình Huế xác nhận Hoàng Sa thuộc về Việt Nam và không có gì tranh cãi.
• Năm 1930, Thông báo hạm La Malicieuse đến đảo Hoàng Sa
• Tháng 3 năm 1931, chiến hạm Inconstant đến quần đảo Hoàng Sa
• Tháng 5 năm 1932, Pháo hạm Alerte đến quần đảo Hoàng Sa
• Vì có sự giao thiệp với ngoại nhân nơi đảo này, nên chi nhà cầm quyền hồi đó đã ký một nghị-định ngày 15 juin 1932, thiết lập quần-đảo Hoàng Sa thành một đại-lý hành-chánh, gọi là Délégation administrative des Paracels, sáp nhập với tỉnh Thừa-Thiên.
• Tháng 2 năm 1937, Tuần dương hạm Lamotte-Piquet do Phó đô đốc Estava chỉ huy ghé thăm quần đảo Hoàng Sa
• Tháng 10 năm 1937, Kỷ sư Công chánh J.Gauthier được gởi tới Hoàng Sa để nghiên cứu việc xây dựng một hải đăng và một căn cứ không quân (cho thủy phi cơ) ở Pattle (đảo Hoàng Sa)
• Ngày 30 tháng 3 năm 1938, Vua Bảo Đại ký dụ số 10 sát nhập Hoàng Sa từ Quảng Ngãi vào tỉnh Thừa Thiên. Cũng trong năm 1938, Pháp cho dựng ở đảo Hoàng Sa (Pattle) một bia chủ quyền đề chữ: “République Francaise – Royaune d’annam – Archipel des Paracels 1816 – Ìle de Pattle – 1838”
• Xây một trạm khí tượng (có số danh bộ 48860 của Tổ chức Khí tượng Quốc tế -OMM (Organisation Mondial de la Météorologie) hoặc tiếng Anh là WMO (World Meteorological Organisation) và một trạm vô tuyến ở đảo Hoàng Sa (Pattle). Gởi lính Bảo An người Việt đến Hoàng Sa.
• Châu bản thời Bảo Đại năm 1939 (5)
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An ở Huế đã tìm thấy một tờ châu bản tại phủ thờ công chúa Ngọc Sơn (con vua Đồng Khánh, em vua Khải Định và là cô ruột vua Bảo Đại). Đây là tờ châu bản gốc. Trong tờ “tấu” (châu bản) này, tác giả của nó có dùng một số từ Hán Việt khó hiểu, nhưng có thể tóm tắt nội dung chính như sau:
“Vào ngày 10-2-1939, Tòa khâm sứ Trung kỳ có đề nghị Nam triều nên thưởng huy chương Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh ở Trung kỳ, vì họ đã có công trong việc dẹp loạn “man di” ở miền núi và có công trong “việc lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa”. Đến ngày 15-2-1939, tổng lý ngự tiền văn phòng Trần Đình Tùng dâng lên hoàng đế Bảo Đại tờ “tấu” xin nhà vua duyệt y và nhà vua đã phê “Chuẩn” (đồng ý cho thi hành). Còn chi phí về thưởng cấp huy chương thì do ngân sách của Tòa khâm sứ Trung kỳ đài thọ.”Nội dung tờ châu bản
Đây như một cứ liệu mới chứng minh sự quan tâm liên tục chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Cũng vào năm đó, khi trận đệ nhị thế-chiến bùng nổ, quân-đội Thiên-Hoàng Nhật-Bản ngang nhiên chiếm đóng quần-đảo, lập tại đây một căn-cứ quân-sự, cho đến khi họ đầu hàng Đồng-Minh.

5) THỜI VIỆT NAM CỘNG HÒA (1956-1974)
• HIỆP ƯỚC ĐÌNH CHIẾN SAN FRANCISCO  năm 1951.
Hiệp Ước đình chiến San Francisco. Theo Hiệp-ước đình-chiến ký kết tại San Francisco, vào tháng 9 năm 1951, khoản 2, nước Nhật-Bản phải rút lui khỏi các nơi mà họ đã dùng vũ-lực để chiếm đóng trong thời đệ nhị thế-chiến, lẽ tất nhiên là trong đó có hai quần-đảo Paracels và Spratley.
Tại Hội-nghị San Francesco, ngày 7-9-1951, Thủ-Tướng Trần Văn Hữu, Chính-Phủ Quốc gia Việt Nam, Trưởng Phái-đoàn, đã long trọng tuyên bố trước 51 phái-đoàn ngoại-bang như sau :
“Et comme il faut franchement profiter de toutes occasion pour étouffer les germes de discorde, nous afirmons nos droits sur les iles Spratley et Paracels qui, de tout temps, ont fait partie du Viet-Nam”.
Xin tạm dịch là:
“Và cũng vì cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên các quần-đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.
Lời tuyên bố đó đã được Hội-nghị San Francisco long trọng ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái-đoàn phó hội, không có một phái-đoàn nào phản đối gì cả.
• VĂN THƯ CỦA NGOẠI TRƯỞNG VŨ VĂN MẪU năm 1956.
Biến cố Hoàng Sa năm 1956. Ngày 10 tháng 6 năm 1956, Văn thư của Ngoại Trưởng Vũ Văn Mẫu có đính kèm công điện của đài khí tượng VN trên đảo Hoàng Sa (HS) báo cáo Lính Trung Cộng (TC) đã đổ bộ lên đảo Cam Tuyền (Robert island) được gởi tới Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Ngoài ra Ngoại Trưởng Vũ Văn Mẫu cũng cho biết là Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã chỉ thị ông nên xác định là trong trường hợp cần thiết, hành động xâm lược này của TC có cần đến sự can thiệp của khối SEATO hay không?.
Ngoại trưởng Dulles của Hoa Kỳ phát biểu đây là một vấn đề có tầm quan trọng rất lớn, do đó Hoa Kỳ nên có hành động kip thời và hữu hiệu. Theo Dulles, đây là chiến dịch thăm dò của TC và nếu HK có hành động kịp thời ở HS thì sẽ rất hữu ích trong các vấn đề liên quan đến các đảo ngoài khơi Quemoy và Matsu. NT Dulles bác bỏ đề nghị tham khảo các hội viên trong SEATO với lý do là cần phải hành động gấp và chỉ có một cách duy nhất là HK phải hành động và nhận lấy trách nhiệm về hành động của mình. Tuy nhiên ông cũng đồng ý là HK chưa có thể hành động ngay cho đến khi các sự kiện đã được xác nhận từ các phi cơ do thám của Đệ Thất Hạm Đội và trong khi đó những phương cách khả thi khác nhau cũng cần được cứu xét để có hành động nhanh chóng và hữu hiệu.
Tiếp theo đó Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ (BNG/HK) đã gởi điện văn mang số 4021 ngày 11 tháng 6 đến TĐS/HK ở Sài Gòn (điện văn này cũng được gởi đến TĐS/HK ở Đài Loan mang số 766). Nội dung bản văn, BNG/HK ám chỉ đến hai cách thức hoạt động đã được Hoa Thịnh Đốn cân nhắc để tống khứ Trung Cộng ra khỏi Hoàng Sa một cách hữu hiệu. Cuối cùng biến cố không xảy ra nhưng sự kiện đã chứng minh sự hiện diện liên tục của quân đội và nhân viên nha khí tượng của chính quyền VNCH trên các đảo Hoàng Sa thuộc nhóm Nguyệt Thiềm (Croissant group). Cũng cần nói thêm là người Pháp có xây một đài khí tượng trên đảo HS trong khoảng thời gian sau Đệ nhị thế chiến và luôn luôn do 6 người Pháp và một số nhân viên người Việt phụ giúp điều hành cho tới khi người Pháp rút đi khi ấy chỉ có nhân viên khí tượng VN điều hành. Đài khí tượng mang số 48860.
Trong tháng 12-1955 hay tháng 1-1956, Trung Cộng chiếm đóng đảo Phú Lâm (Woody island) trong chòm đảo An Vĩnh thuộc quần đảo Ho àng Sa.????
• SỰ HIỆN DIỆN CỦA THỦY QUÂN LỤC CHIẾN/VNCH năm 1959.
Vào khoảng đầu năm 1959, Đại Đội 3/Tiểu Đoàn 2/TQLC dưới sư chỉ  huy cùa Trung úy Cổ Tấn Tinh Châu được lệnh ra Quần đảo Hoàng Sa để kiểm soát các đảo Pattle, Robert, Duncan, Drumont và Money.
Trong thời gian này, Đại đội 3/TQLC đã đánh đuổi và bắt sống đám dân quân Trung Cộng giả dạng chiếm đảo Duncan và 5 ghe.[6]
•  KÝ ỨC MỘT ĐẢO TRƯỞNG ĐẢO HOÀNG SA từ năm 1969.
Ông Nguyễn Văn Đức là cựu chuẩn úy Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã từng là trưởng đảo Hoàng Sa từ năm 1969, khi đó ông vừa đúng 22 tuổi. Ông là một trong những đảo trưởng trẻ tuổi nhất từng làm nhiệm vụ trấn giữ biên cương hải đảo xa xôi của tổ quốc.
Một ngày cuối tháng 10 năm 1969, ông Đức cùng với 34 người thuộc Trung đội Hoàng Sa và 4 nhân viên khí tượng VN rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) lên đường ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Trên đảo có một tòa nhà lớn được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Trong phòng làm viêc của đảo trưởng, có một bức tường ghi tên tất cả những người lính đã ra đây giữ đảo. Và tên của những người mới đến như ông cũng được ghi lên đó. Ông nói đó là niềm vinh dự lớn lao của một người con đất Việt.
Nhiệm vụ của ông là báo cáo về sở chỉ huy ở đất liền những tin tức ở Hoàng Sa mỗi ngày. Anh em khí tượng làm nhiệm vụ quan trắc và báo cáo tình hình thời tiết để phục vụ cho tàu bè lưu th ông trong vùng.
Những lúc rảnh rỗi chúng tôi thường dùng cano đi qua các đảo lân cận vừa đế quan sát vừa để thưởng thức cảnh quan hữu tình. Khi thủy triều xuống thấp, cả rặng san hô hiện lên tuyệt đẹp như một rừng hoa biển. Có sống ở đảo mới  thấy nhớ đất liền, yêu quê cha đất tổ.
Ông nói có 2 di tích đáng nhớ ở Hoàng Sa. Đó là cái miếu nhỏ ở góc đảo mà an hem lính đảo vẫn thường ra đó để tìm chúc an bình giữa sóng gió. Ông kể mỗi khi sóng to gió lớn hay thấy lòng bất an, anh em chúng tôi thường tìm đến ngôi miếu. Lạ lắm, chỉ cần ngửi thấy mùi nhang khói là cảm giác ở xa đất liền như gần lại. Đó là những điều cần thiết để những người con đất Việt như chúng tôi yên lòng nơi đầu sóng ngọn gió giữ gìn biển đảo của cha ông để lại.
Cạnh đó là một nghĩa trang có hơn 30 ngôi mộ là hài cốt của những chiến sĩ người Việt ngã xuống vì bệnh tật và vì lằn đạn của ngoại bang xâm lược. Có cả những hài cốt của những ngư dân từ niền Trung, miền Bắc gặp nạn trên đường mưu sinh và cả những nắm xương của người lính nước ngoài bị chúng ta hạ gục. Có một điều là chúng tôi không phân biệt bạn thù khi họ đã ngã xuống, vào các ngày rằm hay cuối tháng chúng tôi đều thắp nhang lên từng ngôi mộ hoang. Ông nói ông rất đau xót khi hay tin Trung Cộng cưỡng chiếm Hoàng Sa ngày 19/01/1974, ông chỉ biết tìm lai hình ảnh và tài liệu liên quan đến Hoàng Sa, gói ghém cẩn thận nhằm làm bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Trong số tài liệu có tờ sự vụ lệnh đã nhàu nát úa vang vì thời gian.

Phụ Chú:
[1] Tiểu điếu thuyền: Thuyền của đội Hoàng Sa.
Cũng cần nói thêm về các thuyền của đội Hoàng Sa. Thuyền được đóng bằng gỗ Chò mà người xưa gọi là ‘tiểu điếu thuyền. Thuyền chỉ rộng 3m, dài hơn 10m, chở được 10 người, có 3 cánh bườm và chèo. Đội Hoàng Sa đi từ bờ độ 3 ngày 3 đêm thì tới Hoàng Sa.
[2] Ngôi mộ gió trên Cù lao Ré (đảo Lý Sơn)

Đảo Lý Sơn (Cù lao Ré) nổi tiếng trong lịch sử là nơi tiền tiêu sản sinh ra nhiều đoàn vãng thám đi thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Đã có nhiều người lính ra đi không trở về. Những ngôi mộ gió ở đảo Lý Sơn khắc ghi điều đó. Trước khi giong buồm vượt biển Đông, các thành viên của đội Hoàng Sa được gia đình, họ tộc ‘làm lễ tế sống’ gọi là lễ khao lệ thế linh Hoàng Sa (lễ truy điệu sống, làm đám tang trước để an ủi người đi vì chuyến đi của họ giống như cuộc ra đi của tráng sĩ Kinh Kha, đi thích khách Tần Thủy Hoàng, có đi mà không có về). Lễ này thường diễn ra vào tháng 2 hàng năm trên đảo Lý Sơn. Đây là một tục lệ độc đáo trên thế giới. Chủ quyền hải giới Việt Nam đã được dựng bằng máu và nước mắt của lớp lớp những con người như thế.
Một đoản văn tự thuật dưới đây của Phạm Ngọc Dương sẽ nói lên được phần nào về tập tục ngôi mộ gió: “Trong ráng chiều vàng vọt, khi tán dừa đổ dài nối nhau vắt qua hòn đảo, người đàn bà trẻ vẫn quỳ lạy bên nấm mồ trông như đụn cát với khói hương nghi ngút. Nấm mồ chị đang vái lạy là mộ chôn xác được nặn bằng đất thay cho hài cốt của chồng chị không biết ở phương nào ngoài biển khơi mịt mùng…
Thỉnh thoảng chị lại nhìn ra phía biển. Những ngọn sóng bạc đầu vẫn đuổi nhau bất tận. Trên đầu sóng ngọn gió không có tuổi ấy, chồng chị cùng với không ít người dân trên hòn đảo này đã ra đi mà không trở về”.
Biển Đông có rất nhiều đảo, nhưng không đâu như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), có ước chừng tới cả ngàn ngôi mộ chôn những pho tượng đất thay cho người chết như thế.
Lẫn trong những luống tỏi, trên những bãi cát trắng hoang hoải, là những nấm mộ gió. Gió biển quanh năm vô tình gặm mòn những nấm mộ đắp bằng cát trắng.
Giữa đảo. sau ngôi Miếu thiêng thờ hải đội Hoàng Sa loang lổ vết thời gian ấy là nấm mộ gió dài của cai đội Phạm Quang Ảnh.
Tục đắp mộ gió của người dân trên đảo có cách đây hơn 200 năm. Những ngôi mộ gió đầu tiên trên đảo là mộ của Phạm Quang Ảnh cùng với 24 lính của hải đội Hoàng Sa. Ngày ấy Phạm Quang Ảnh cùng với 5 chiến thuyền làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển và đo đạc thủy trình đã gặp bão, mất tích giữa biển khơi…

Vua Gia Long đau lòng, ra tận đảo làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Trong đoàn tùy tùng phục vụ lễ chiêu hồn có một thầy phong thủy nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Thầy phong thủy sai dân chúng lên núi Giếng Tiền lấy đất sét về, nhào nặn cho nhuyễn, rồi tự tay ông nặn đất thành hình 25 người đã chết. Ông cứ nặn đến khi nào những người thân thấy giống người chết mới thôi.
Nặn xong 25 tượng đất của hải đội, ông lập đàn cúng chiêu hồn ròng rã suốt đêm, gọi linh hồn các tử sĩ nhập vào tượng đất, rồi đem an táng như người chết bình thường, cũng quần dài, áo the, khăn xếp, cũng quan quách đầy đủ.
Sau này, qua nhiều lần mưa gió, xói mòn, đắp lại, 25 ngôi mộ riêng biệt đã thành một ngôi mộ lớn, dài hơn chục mét như ngày nay. Và cũng từ đó những người dân đi biển không may gặp nạn không vớt được xác, người thân của họ trên đảo đắp mộ gió cho họ…
Theo tập tục cho rằng cây dâu, con tằm là biểu tượng của cuộc sống thiên biến vạn hóa, sự xoay vần của trời đất. Con tằm ăn dâu, nhả ra tơ, đan thành kén, đẻ ra nhộng, sinh ra bướm, mới hóa con tằm. Cũng chính vì vậy mà ông dùng tơ tằm làm những sợi gân cho hình nhân. Cành dâu chẻ đôi xếp vào bụng tượng đất làm xương sườn. Đàn ông 7 nhánh, đàn bà 9 nhánh xương sườn. Xương sống, xương ống tay, ống chân đều được làm bằng thân cây dâu. Một vốc đất đen lấy ở chỗ ngã ba đường được nhào nước cho dẻo rồi nặn thành lá gan.
Đốt cây thụ đao, một giống cây bông trắng, trái chùm mọc nhiều trên đảo Lý Sơn để lấy than làm phổi. Than củi thụ đao rất lạ, cứ quánh vào nhau, trông như lá phổi thật.
Mọi bộ phận của con người, từ mắt, mũi, miệng, tai, đến cả hậu môn, bộ phận sinh dục đều phải đầy đủ như một người thật.
Số đất sét lấy về phải được nặn bằng hết, bởi người ta tin rằng, đất sét còn thừa, rơi vãi, cũng như xương thịt của người chết vẫn còn thất lạc. Những nét cơ bản của người chết phải được thể hiện rõ trên tượng.  Bước cuối cùng là dùng lòng đỏ trứng gà quét lên khắp hình nhân. Khi trứng khô, trông da tượng như da người thật.
Tượng nặn xong thì được mặc quần áo, đồ liệm giống như người thật, linh vị đặt trên mặt, rồi người ta khiêng đặt vào quan tài.
Một cỗ thuyền mô hình, với những mâm lễ được thả xuống biển cúng linh hồn cùng các vị thần ngự ngoài biển khơi. Cúng chiêu hồn xong, người ta tin rằng linh hồn người chết mất xác đã trở về nhập vào hình nhân để an nghỉ, phù hộ cho những người thân còn sống. Người ta thả quan tài xuống huyệt và lấp đất, đắp mồ. Ngày giỗ, người thân ra mộ thắp hương, lễ thanh minh cũng đi tảo mộ như những ngôi mộ khác.
Với khí hậu khô nóng, mưa ít, nắng nhiều, nên những tượng đất dưới mộ ở đảo Lý Sơn được bảo vệ rất tốt. Theo ông Toại, nhiều nấm mộ gió được chôn từ hàng trăm năm trước, khi cải táng ra chỗ khác, tượng hình nhân vẫn nguyên vẹn. Đi khắp đảo Lý Sơn, đến bãi tha ma nào cũng gặp mộ gió. Không có đất, người ta đắp mộ gió cả trong ruộng tỏi, ngay trong vườn nhà
Cũng chính vì lý do dùng đất sét nặn hình người chết mà từ xưa đến nay người dân đảo Lý Sơn không bao giờ dùng đất sét làm nhà.
Những ngày biển động, sóng to gió lớn, những người đàn bà quỳ lạy trước mộ từ chiều đến nhọ mặt người mới đứng lên. Họ cầu linh hồn người đã chết phù hộ cho chồng, con thoát khỏi hiểm nguy trên biển …
Cũng cần nói thêm là công việc của đội Hoàng Sa chuyên lo việc săn tìm, vãng thám, đo đạc, cắm mốc ở Hoàng Sa và Trường Sa là vô cùng gian nan nguy hiểm.. Phương tiện ra khơi ngày ấy khi đó chỉ là những chiến thuyền nhỏ. Mỗi chuyến ra khơi có khi kéo dài tới 6 tháng. Chuyến đi dài ngày, sóng to bão lớn, nên nhiều chiến thuyền đã ra đi mãi mãi, không một người trở về.

[3] Đảo Hữu Nhựt (Robert Island) và đảo Quang Ảnh (Money island)

Bản dập Mộc bản vua Minh Mạng phái suất Phạm Hữu Nhật ra Hoàng Sa

Ngoài cái tên đảo Cam Tuyền (Robert Island) còn có tên đảo Hữu Nhựt và đảo Vĩnh Lạc (Money Island) cũng còn được người dân Việt gọi là đảo Quang Ảnh. Sở dĩ đảo có tên là Hữu Nhựt bởi vì vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836) đã sai viên cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhựt đem binh thuyền ra đảo Hoàng Sa đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cấm mốc, trồng cây, thu lượm hải vật. Sau đó về lại đất liền trình vua. Không có tài liệu cho biết Phạm Hữu Nhựt đã đi bao nhiêu chuyến, nhưng có một điều chắc chắn rằng lần cuối cùng ông ra đi mà không có ngày trở về và gia đình họ tộc cùng với dân trên đảo Cù lao Ré đã an tang cho ông bằng nắm mộ chiêu hồn. Tổ quốc khắc ghi sự hy sinh của ông bằng việc đặt tên ông cho hòn đảo Robert.
Trường hợp của cai đội Phạm Quang Ảnh cũng vậy, tên của ông cũng được đặt cho đảo Money. Cũng một lần đội Hoàng Sa của Phạm Quang Ảnh đã gặp bão, mất tích giữa biển khơi…
Vua Gia Long đau lòng, ra tận đảo làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Hiện tại trên Cù lao Ré, Ngôi mộ gió đầu tiên và dài nhất của ông cùng với 24 đội viên chôn chung vẫn còn hiện diện sau ngôi miếu thiêng thờ hải đội Hoàng Sa nằm giữa đảo, ngôi miếu thờ nay đã loang lổ vết thời gian.

[4] Sắc chỉ Vua Minh Mạng thứ 16 Ất Mùi 1835

    Sắc chỉ cùng con dấu của triều đình sai phái đội thuỷ quân ra Hoàng Sa (Ảnh: Anh San)

Ngày 31.3.2009, Ông Đặng Lên – ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn – đã báo cáo với ngành văn hoá tỉnh Quảng Ngãi về một tài liệu quan trọng liên quan đến đội Hoàng Sa (trích báo LD số 71 ngày 01/04/2009). Đó là sắc chỉ của Vua Minh Mạng phái một đội thuyền gồm 3 chiếc, với 24 lính thuỷ ra đảo Hoàng Sa vào ngày 15 tháng tư năm Minh Mạng thứ 16 (Ất Mùi – 1835) để làm nhiệm vụ bảo vệ hải đảo của Việt Nam.
Sắc chỉ vẫn còn nguyên vẹn với nội dung như sau: “Giao cho ông Võ Văn Hùng ở Lý Sơn chọn thanh niên khỏe mạnh và giỏi nghề bơi lặn để gia nhập đội thuyền, giao ông Đặng Văn Siểm – người có kinh nghiệm đi biển làm người dẫn đường, giao Võ Văn Công đi cùng đội thuyền phụ trách hậu cần…” Tên tuổi những người đi cùng đều có ghi lại rõ.
Ông Đặng Lên, 69 tuổi, người thuộc gia tộc họ Đặng đang giữ sắc chỉ này nhiều đời nay. Ông cho biết sáu đời trước, cụ kỵ ông là một vị đà công xuất sắc, từng lấy thuyền ra ngoài đảo xa thuộc Hoàng Sa để bảo vệ biên cương của tổ quốc.
Gia đình ông quyết định báo cho nhà nước vì cho sắc chỉ mà họ đang giữ trong tay là “vật quý của ông cha, mà con cháu lâu nay không biết dùng”, giờ được phổ biến rộng rãi có thể giúp các thế hệ sau biết nhiều hơn về chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.

[5] Châu bản thời Bảo Đại năm 1939
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An ở Huế đã tìm thấy hai châu bản của vua Bảo Đại tại phủ thờ công chúa Ngọc Sơn (con vua Đồng Khánh, em vua Khải Định và là cô ruột vua Bảo Đại). tọa lạc tại 31 Nguyễn Chí Thanh (TP. Huế). Sở dĩ nhà nghiên cứu Phan Thuận An tìm được và đứng ra công bố tài liệu châu bản quý vì công chúa Ngọc Sơn chính là bà nội của vợ ông. Trung quân đô thống, phò mã Nguyễn Hữu Tiến (chồng của công chúa Ngọc Sơn) – một vị quan có vai vế trong triều đình đã đưa về nhà cất giữ một tập châu bản với khoảng 70 văn bản có chữ phê, chữ ký của vua Bảo Đại. Hiện tại, hai châu bản này đã được bàn giao cho Bộ Ngoại giao để lưu trữ.
Hai tờ châu bản đều có kích cỡ giấy 21,5x31cm và đều có niên đại năm Bảo Đại thứ 13 (1939). Đây là loại giấy tốt, chuyên dùng ở Ngự tiền Văn phòng dưới thời vua Bảo Đại. Bởi vậy, ở góc phía trên bên trái của mỗi tờ, ngoài hai hàng chữ Pháp “Palais Impérial” (Hoàng Cung) và “Cabinet Civil de Sa Majesté” (Ngự tiền Văn phòng), tờ nào cũng có in dòng chữ Hán “Ngự tiền Văn phòng dụng tiên”. “Tiên” là loại giấy có vẽ hình đẹp làm nền, ngày xưa thường dùng để viết thư, cũng thường
gọi là giấy “hoa tiên”.
Phan Thuận An giải thích rằng vào đầu triều Nguyễn, ‘châu bản’ là loại văn thư chữ Hán viết trên giấy, nói về một công việc hay một công lệnh nào đó của triều đình, do các quan ở văn phòng nhà vua soạn thảo và dâng lên vua duyệt khán. Sau khi xem xét nội dung văn bản, nhà vua cho ý kiến của mình, hoặc đồng ý, hoặc bác bỏ, hoặc sửa chữa một số chi tiết trong đó bằng cách dùng bút phê ngay trên văn bản. Nhưng mực của vua dùng để phê ở đây phải là mực màu đỏ (châu), cho nên ý kiến của vua được gọi là ‘châu phê’ và văn bản đã được vua phê duyệt gọi là ‘châu bản’. Ngay sau đó, văn kiện này được các nhân viên của văn phòng nhà vua sao chép ra để gửi đi thi hành. Còn bản chính được lưu trữ ở tòa nhà Đông Các, tức là thư viện của hoàng gia trong Tử Cấm thành.
Về bộ phận văn phòng làm việc bên cạnh nhà vua, từ thời Minh Mạng gọi là ‘nội các’, đến thời Bảo Đại đổi tên là ‘ngự tiền văn phòng’. Các vua trước kia đều phê duyệt bằng chữ Hán với bút lông chấm mực son. Đến thời Bảo Đại, các châu bản được đánh máy bằng tiếng Việt hoặc tiếng Pháp và nhà vua thường phê chuẩn bằng tiếng Việt với chữ ‘Chuẩn’ (nghĩa là đồng ý cho thi hành) và ký tắt hai chữ BĐ (nghĩa là Bảo Đại) bằng bút chì màu đỏ ở ngay dưới chữ Chuẩn”.
Dưới đây là một trong hai tờ châu bản (2 tờ châu bản tuy khác nhau về nội ding và thời gian nhưng có chung một vấn đề)

    Châu bản ngày 15-2-1939 có chữ châu phê của vua Bảo Đại

Vì đây là một văn bản tương đối ngắn gọn nên chúng tôi xin chép lại nguyên văn phần nội dung chính của nó như sau:
Huế, ngày 27 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13
(15 Février 1939)
Ngự tiền văn phòng kính tâu:
Nay văn phòng chúng tôi có tiếp thơ số 177s-sp, ngày 10 tháng 2 năm 1939 của quí khâm sứ đại thần thương rằng ngạch binh thanh khố Trung kỳ có nhiều công lao trong việc dẹp yên các miền man di dấy loạn và việc lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa, nghĩ nên thưởng ngũ hạng Long tinh cho hiệu kỳ ngạch ấy và nhờ chúng tôi tâu lên hoàng đế ban chuẩn.
Phí ngân cấp chỉ và thiệt chất huy chương ấy sẽ do ngân sách Trung kỳ đài thọ.
Chúng tôi có phụng nghĩ dạng bản dụ ngữ ban chuẩn huy chương ấy cho ngạch binh thanh khố Trung kỳ, kính tâu lên hoàng đế tài định, như mông du doãn, hậu chỉ lục tuân.
Nay kính tâu.
Tổng lý đại thần,
Thần:
(ký tên: Trần Đình Tùng)
Bên lề trái của văn bản, nhà vua có phê chữ “Chuẩn” và ký tắt hai chữ BĐ (Bảo Đại).

[6] Thủy Quân Lục Chiến trên quần đảo Hoàng Sa năm 1959
Dưới đây là một đoạn trích trong bài tường thuật của Cổ Tấn Tinh Châu, Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến VNCH: “… Đại đội tôi đang đóng ở Cam Ranh thì được lệnh đem đại đội ra kiểm soát các đảo trong quẩn đảo Hoàng Sa là Pattle (đảo chánh), Robert, Duncan, Drumont và Money. Khi đến quần đảo Hoàng Sa thì tôi đóng quân tại đảo Pattle với 2 trung đội, còn một trung đội thì đóng trên đảo Robert. Hai ngày sau tôi nhận được lệnh di chuyển bằng chiến hạm do HQ Trung Úy Vũ Xuân An làm hạm trưởng đến kiểm soát đảo Ducan, sau này tên Việt Nam là đảo Quang Hòa, cách đảo Pattle chừng 1 giờ 30 phút đi bằng tàu.
Tôi chỉ đi với một trung đội cộng, phần còn lại đóng và giữ hai đảo Pattle và Robert. Tàu chạy được khoảng gần một giờ thì hạm trưởng Vũ Xuân An chiếu ống nhòm và nói với tôi là trên đảo Ducan có lá cờ nhưng không phải là cờ đỏ sao vàng, rồi anh đưa ống nhòm cho tôi xem. Sau khi quan sát kỹ, tôi nói với anh đó là cờ Trung Cộng, cờ đỏ 5 sao vàng.
Tôi và hạm trưởng hội ý với nhau và quyết định dừng tàu lại để báo cáo về Bộ Tư Lệnh Hải Quân, vì thời gian đó TQLC còn dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Sau chừng một tiếng thì chúng tôi nhận được lệnh thượng cấp cho chiếm đảo Ducan. Chiến hạm chở chúng tôi không phải là loại tàu đổ bộ nên tàu phải đậu cách bờ trên một cây số, vì đây là bãi san hô, không thể vào gần hơn được cũng không có xuồng để vào bờ. Tôi có nêu vần đề khó khăn này với hạm trưởng và yêu cầu báo cáo về BTL/HQ thì tôi được lệnh “bằng mọi giá phải chiếm”.
Đây là lúc khó khăn nhất mà tôi “đơn thân độc mã” phải quyết định một mình, không liên lạc được với Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Thành Yên để vấn kế. Không có xuồng thì phải lội trên bãi san hô gập ghềnh ngập nước nông sâu chứ đâu phải bãi cát phẳng phiu như BTL/HQ nghĩ rồi cho lệnh “bẳng mọi giá”! Rõ là lệnh đi với lạc.
Đảo Ducan hình móng ngựa, có cây cối khá nhiều, nhìn lên đảo tôi thấy có hai dẫy nhà vách cây lợp lá, thấp thoáng có bóng người đi lại sinh hoạt bình thường, dường như họ không biết có Hải Quân và TQLC/VN đang chuẩn bị tấn công họ để chiếm lại đảo.
Khi có lệnh phải chiếm đảo bằng mọi giá mà tàu không vào sát bờ được, tàu cũng không có xuồng đổ bộ, để hạn chế tối đa thiệt hại cho đơn vị mình, tôi đã yêu cầu hạm trưởng yểm trợ hải pháo, tác xạ tối đa lên mục tiêu trước khi TQLC đổ bộ. Nhưng sau khi quan sát tình hình trên đảo tôi thay đổi ý định và yêu cầu HQ chỉ tác xạ lên mục tiêu khi chúng tôi đã nổ súng trước. Sở dĩ tôi thay đổi kế hoạch hỏa lực yểm trợ vì những lý do:
Thứ 1: Cờ Trung Cộng rõ ràng trên đảo, nhưng chưa xác định được những người trên đó là quân hay dân hoặc cả hai lẫn lộn nên nếu HQ tác xạ hải pháo lên đảo trước thì chắc chắn có thương vong, chết dân tội nghiệp.
Thứ 2: Dường như lực lượng trên đảo không biết sắp bị tấn công nên tôi chưa xin HQ tác xạ lên mục tiêu trước để giữ yếu tố bất ngờ.
Thứ 3: Nếu trên đảo là quân TC, có vũ khí, khi HQVN nổ súng coi như báo động cho họ chạy ra tuyến phòng thủ thì khi TQLCVN bì bõm lội nước tiến lên thì chắc chắn sẽ là những tấm bia di chuyển dưới nước để quân địch trên bờ tác xạ, thiệt hại cho TQLC là chắc chắn nhưng chưa chắc đã chiếm được đảo.
Đây là những giờ phút quan trọng nhất của các cấp chỉ huy trực tiếp tại mặt trận. Phải thi hành như thế nào giữa cái lệnh thượng cấp “bằng mọi giá” mà cái giá là sinh mạng của người lính? Mạng sống của người lính kéo theo mạng sống của gia đình vợ con họ ở hậu phương. Đành rằng nhiệm vụ của người lính là hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc, nhưng thượng cấp ở tuyến sau, ở hậu phương cứ nhắm mắt ra lệnh bắt lính tại chiến trường hy sinh một cách không cần thiết, hy sinh vô ích cho một mục tiêu không đáng, hay mục đích cá nhân của người ra lệnh thì quả thật lệnh này là lệnh-lạc.
Tình hình địch trên đảo không rõ ràng, không cung cấp phương tiện đổ bộ nhưng lệnh ra thì phải thi hành, mà tôi là cấp chỉ huy trực tiếp tại mặt trận, sống chết của đồng đội, của thuốc cấp nằm trong tay tôi, phải thi hành như thế nào đây? Mạng sống của con người, kể cả hai phía ta va địch đâu phải là con giun con trùng, thượng cấp ở hậu phương đâu có đẻ ra chúng tôi, đâu có biết mạng sống quý như thế nào? Do đó tôi yêu cầu HQ sẵn sàng và chỉ trực xạ và bắn tối đa lên mục tiêu khi có súng của địch quân từ trên đảo bắn vào TQLC chúng tôi đang lội nước, đạp lên đá san hô tiến vào bờ.
Chúng tôi đổ bộ xuống, tiến quân rất chậm và khó vì bước trên đá san hô. Khi đến gần bờ thì nước lại sâu nên tiến quân không nhanh được, có nơi chúng tôi phải kéo binh sĩ lên khỏi những vũng sâu. Vừa tiến quân vừa hồi hộp, nếu lúc này có tiếng súng nổ, dù chỉ một vài cây AK trên đảo bắn ra thì TQLC chịu trận nằm giữa 2 lằn đạn. đạn của địch từ trên dảo bắn ra và hải pháo của quân bạn HQ từ ngoài biển tác xạ vào, thương vong chắc chắn là lớn với cái lệnh là “bẳng mọi giá”! Mà cái giá là chính thân xác của anh em TQLC chúng tôi.
Rất may mắn, phải gọi là may mắn chứ không thể nói là tài ba, lính TQLC không phải là mình đồng da sắt mà bắt xung phong vào lửa đạn, đã không có một tiếng súng nổ khi chúng tôi hô “xung phong” ào ạt tiến lên đảo, bắt được tất cả là 60 ‘thanh niên’ không trang bị vũ khí, rồi đưa ra chiến hạm của Trung úy An bằng xuồng của Trung cộng.
Tôi suy nghĩ đây không phải là thường dân Trung Cộng mà là dân quân, chắc chắn chúng phải có vũ khí, nhưng chúng đã chôn dấu kỹ để khỏi lộ diện là mang quân đi xâm lăng nước láng giềng mà chỉ là giả dạng thường dân đi tha phương “cẩu sực” mà thôi, ngoài ra còn có mục đích để dò phản ứng của VNCH và Hoa Kỳ nữa. Vì vào thời điểm này TC còn quá yếu so với HK. Nghĩ vậy, nhưng đó là chuyện của thượng cấp, còn tôi chỉ là cấp đại đội trưởng TQLC đã hoàn tất nhiệm vụ, đã bắt được ‘dân TC’ trên đảo, có nghĩa là đã thi hành nhiệm vụ xong, không tốn một viên đạn, máu TQLC có chảy nhưng do san hô đâm. Chúng tôi để nguyên hai dẫy nhà đã xây cất 5 hay 6 tháng rồi, chúng tôi chỉ tịch thu lá cờ Trung Cộng mà thôi.
Sau đó chiến hạm cũng phát giác quanh đảo Ducan thêm 5 ghe nữa, chúng tôi đuổi theo bắt được và kéo về đảo chính Pattle nơi Đại Đội 3/TĐ.2/TQLC đóng quân, còn hơn 60 “dân TC” thì đem về Đà Nẵng.
Chiều hôm đó Thiếu Tá Lê Như Hùng CHT/TQLC đã dùng máy bay Dakota (C47) bay vòng vòng trên đảo Pattle để khuyến khích khen ngợi tinh thần anh em binh sĩ, vì ở Hoàng Sa không có sân bay.
Một tuần sau, số người bị bắt trên ghe được đưa trở ra đảo Pattle và thả họ cùng trả mấy chiếc ghe lại cho họ. Còn 60 dân (quân) TC bắt được trên đảo Ducan thì một tháng sau trao trả sang Hồng Kông. Và sau đó thì TQLC chỉ đóng quân trên 2 đảo Pattle và Robert mà thôi, không có ai đóng quân trên đảo Ducan nữa.”

[7] Tại sao Đội Hoàng Sa luôn luôn khởi hành ra khơi đi công tác Hoàng Sa vào tháng 2.
Để giải thích cho sự kiện này, trong dân gian có câu nói: “Tháng ba bà già đi biển”, y nói thời tiết tháng ba là thời tiết đi biển tốt nhứt trong năm, biển êm sóng lặn. Đây là một kinh nghiệm đi biển lâu đời của ngư dân Việt Nam, kinh nghiệm nay cũng được giải thích theo khoa hoc như sau: “Đối với khoa thiên văn, ngoài sự chuyển động của trái đất tự xoay quanh trục Bắc Nam (1 ngày) còn một chuyển động song hành khác là trái đất xoay quanh mặt trời (1năm) với một hiên tượng là trục trái đất nghiêng một góc 23.4 độ đối với trục tưởng tượng thẳng đứng với hoàng đạo, chính điều này tạo nên thời tiết bốn mùa. Theo chu kỳ chuyển động hàng năm, khi cực Bắc trái đất có khuynh hướng gần mặt trời nhứt (cực Nam xa nhứt) thì thời điểm này rơi vào (khoảng) ngày 21 tháng 6 và được được gọi là Hạ chí (Summer Solstice). Sự chuyển động sẽ tiếp diễn đến các thời điểm khác như Thu phân (Autumnal equinox) khoảng 23 tháng 9 (Bắc và Nam cực có khoảng cách đối với mặt trời bắng nhau), rồi Đông chí (Winter Solstice) khoảng 21 tháng 12 (cực Bắc xa mặt trời nhứt) và Xuân phân (Vernal Equinox) khoảng 21 tháng 3 (giống như Thu phân). Rơi vào 2 khoảng thời gian Xuân phân và Thu phân, thời gian giữa ngày và đêm bằng nhau và nhiệt độ không khí trái đất tương đối đồng đều nhau nên không tạo nên những luồn gió mạnh. Gió chỉ được tạo nên bởi sự di chuyển của không khí giữa 2 vùng có nhiệt độ khí hậu nóng lạnh khác nhau. Vì vậy mặt biển thông thường trở nên êm ả vào những ngày trước sau thời điểm Xuân phân và Thu phân có nghĩa là vào khoảng tháng 2 âm lịch và tháng 8 âm lich.

Sơ đồ chuyển động trục trái đất quanh mặt trời

http://hqvnch.org

Sinh Tồn chuyển

Bàn ra tán vào (0)

Comment




  • Input symbols

Bước chân VN trên Hoang Sa

Nếu sự hiện diện của một dân tộc tới lui sinh sống là một yếu tố xác định chủ quyền thì bước chân VN hiện diện sinh hoạt, xây cất, trồng trọt, mưu sinh, đo đạt, cấm mốc v.v..

Bước chân VN trên Hoang Sa

CHỦ QUYỀN HOÀNG SA QUA NHỮNG BƯỚC CHÂN NGƯỜI VIET

Trương Thanh Việt tổng lược

Nếu sự hiện diện của một dân tộc tới lui sinh sống là một yếu tố xác định chủ quyền thì bước chân VN hiện diện sinh hoạt, xây cất, trồng trọt, mưu sinh, đo đạt, cấm mốc v.v.. trên Quần đảo Hoàng Sa đã có từ thời Hậu Lê Chúa Nguyễn vào giữa thế kỷ thứ 17 và liên tục qua các thời kỳ khác nhau như thời Tây Sơn rồi thời Nhà Nguyễn sang đến thời Pháp thuộc và cuối cùng là Việt Nam Cộng Hòa cho tới ngày 19/01/1974 bị chính quyền Cộng Sản Trung Hoa dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn thể quần đảo Hoàng Sa là một sự xác nhận thực tế chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoang Sa.
Trong phạm vi giới hạn của bài này, chúng tôi không đề cập đến các lãnh vục khác về chủ quyền biển đảo như cơ sở pháp lý, địa dư hay tài liệu bản đồ cổ …vv… mà chỉ sưu tầm chuyên biệt vế yếu tố chủ quyền quần đảo Hoàng Sa qua sự hiện diện lâu đời của người Việt.
Bước chân VN trên quần đảo Hoàng Sa được minh chứng bằng nhiều tài liệu giá trị lịch sử  khác nhau của Tây phương, của cả Trung Quốc và lẽ dĩ nhiên của Việt Nam chúng ta. Xin trưng dẫn tài liệu qua từng thời kỳ theo thứ tự thời gian:

1) THỜI HẬU LÊ CHÚA NGUYỄN (1613-1780)
• Trong tài liệu THIÊN NAM TỨ CHÍ LỘ ĐỒ THƯ do Đỗ Bá Cang Đạo soạn, được công bố vào năm 1686 có ghi phần chú thính của bản đồ với nội dung:
“Giữa biển có một dãi cát dài, gọi là bãi cát vàng (Hoàng Sa), dài tới 400 dậm. Từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Kỳ mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi giạt ở đấy; gió Đông Bắc thì thương thuyền chạy ngoài cũng trôi giạt ở đấy, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào cuối mùa Đông đưa 18 chiến thuyền [1] đến đấy lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn …”
Đỗ Bá Công Đạo là người của Đàng Ngoài được Chúa Trịnh gởi công tác liên lạc với miền Nam thuộc Chúa Nguyễn trong thời gian hai họ Trịnh và Nguyễn tam ngừng chiến (1664-1774). Nhờ vậy mà Đỗ Bá Cang Đạo mới thông hiểu được những hoạt động của các Đội Hoàng Sa của Chúa Nguyễn (mà ông gọi là Họ Nguyễn) và biên soạn Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư. Điều này đã nói lên được là các Đội Hoàng Sa đã được thành lập từ khi Chúa Nguyễn mở cuộc Nam tiến tràn qua Bình Định, san bằng kinh đô Đồ Bàn (1613-1687)
• Tập bút ký HẢI NGOẠI KỶ SỰ của Thích Đại Sản xuất bản năm 1696 có viết một đoạn trong quyển 3 đề cập đến địa danh ‘Vạn Lý Trường Sa’ tức ‘Hoàng Sa’ và ông khẳng định rằng Quốc Vương Chúa Nguyễn đã hành sử chủ quyền của minh như sau:
”Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ Đông Bắc qua Tây Nam; đống cao dựng đứng như vách tưòng, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển; mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền đụng phải ắt tan tành; bãi cát rộng cả trăm dậm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là Vạn Lý Trường Sa mù tít chẳng thấy có cỏ cây nhà cửa; nếu thuyền bị trái gió trái nước tấp vào dầu không tan nát cũng không gạo không nước, trở thành ma đói mà thôi. Quảng ấy cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dậm. Thời Quốc Vương trước, hàng năm sai thuyền đi dánh cá dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền bè tấp vào. Mùa Thu nước dâng cạn, chảy rút về hướng Đông bị một sóng đưa thuyền có thể trôi xa cả trăm dậm; sức gió cực mạnh, sợ có hiểm họa Trường Sa”.
Thích Đại Sản là nhà sư Trung Hoa trụ trì chùa Trường Thọ ở Quảng Châu thường đến thăm Đại Việt vào những năm từ 1671 đến 1695 thời Quốc Vương Nguyễn Phúc Chu. Tập bút ký này cũng cho chúng ta một bằng chứng ý nghĩa là Thìch Đải Sản đã đến vùng gọi là “Van Lý Trường Sa’ đã thuộc về một vương quốc tên là Đại Việt hoặc là ông đã gặp chính những ngư dân hoặc thuyền nhân VN đã từng lui tới Hoàng Sa nên ông đã tỏ tường lịch sử khai thác chủ quyền của Đàng Trong Chúa Nguyễn thời bấy giờ đối với quần đảo Hoàng Sa.
• Tài liệu NHẬT KÝ HẢI HÀNH được tìm thấy trên thương thuyền Amphitrite (cũng là tên của nhóm đảo An Vĩnh) của Pháp bị đắm ở Hoàng Sa năm 1701 cho chúng ta một chi tiết quan trọng là Paracels thuộc chủ quyền của nước An Nam. Một đoạn trong nhật ký này được viết như sau:
“Người ta cho tàu nhổ neo, gió rất tốt. Và sau đó một thời gian đi đến mỏm đá Paracels. Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam. Đó là một bãi đá ngầm khủng khiếp có đến hàng trăm dậm, rất nhiều lần xảy ra các nạn đắm tàu ở đó”.
Tài liệu vừa kể cùng với các tài liệu khác như thư từ, nhật ký được tập trung trong một bộ sách Letters des Édifiantes et Curieuses (Văn thư về những kiến trúc và điều kỳ lạ) được cất giữ trong thư khố của Phái bộ truyền giáo Ngoại quốc (Archives des mission Etrangères de Paris 1838, tập 4)
• Một tài liệu cổ khác là PHỦ BIÊN TẠP LỤC của Lê Quý Đôn được phổ biến vào năm 1776. Phủ Biên Tạp Lục có 6 quyển và trong quyển 2 có 2 đoạn đề cập tới việc Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền Đại Việt không những tại Hoàng Sa mà còn các hải đảo khác như Côn Lôn, Phú Quốc bằng sự hiện diện liên tục của người Việt trong các Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải. Xin trích 2 đoạn vừa nói ở trên:
Đoạn 1: “…Ở ngoài cửa biển lớn thuộc về xã An-Vĩnh, huyện Bình-Sơn, phủ Quảng Nghĩa có một hòn núi mang tên là Cù Lao Ré [2]. Chiều rộng núi này có thể hơn 30 dậm. Ngày trước có dân cư phường Tứ-Chính trồng các thứ cây đậu tại ruộng nương nơi đó. Người ta ra biển rồi chèo thuyền đi bốn trống canh nữa có thể đi đến Cù Lao Ré. Ở ngoài núi Cù Lao Ré có đảo ‘Đại Trường Sa’, ngày trước nơi đây thường sản xuất nhiều hải vật chở đi bán các nơi, nên nhà nước có thiết lập một Đội Hoàng Sa để thu nhận các hải vật. Người ta phải đi 3 ngày đêm mới đến được đảo Đại Trường Sa ấy, như thế là đảo Đại Trường Sa đã gần đến xứ Bắc-Hải”.
Đoạn 2: “… Phủ Quảng-Nghĩa, huyện Bình-Sơn có xã An-Vĩnh ở gần biển, ngoài biển  về phía Đông-Bắc có mhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này qua hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chổ có nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng dài ước hơn 20 dậm bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy; trên đảo có vô số yến sào; các thứ chim có hàng nghìn hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Bên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục trông như ngọc trai, cái vỏ có thể đeo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà; có ốc xà-cừ để khảm đồ dung, lại có ốc hương. Các thứ đều có thể muối và ăn được. Đồi mồi thì rất lớn, có con hải-ba tục gọi là bông trắng, giống như đồi mồi nhưng nhỏ hơn, mai mỏng có thể khảm đồ dùng, trứng bằng đầu ngón tay cái, muối ăn được. Có hải-sâm tục gọi là con đồn-đột, bơi lội ở bên bãi, lấy về dùng vôi xát qua, bỏ ruột, phơi khô lúc ăn thì ngâm nước cua đồng, cạo sạch đi, nấu với tôm và thịt lợn càng tốt.
Các thuyền ngoại phiên bị bảo thường bị hư hại nương đậu ở đảo này. Trước đây, Họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã  An-Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng Hai [7] nhận giấy ra đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ [1] (còn gọi là Tiểu điếu thuyền), ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo. Ở đấy tha hồ bắt chin cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu như gươm ngựa, hoa bạc, tiến bạc, hòm bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ xứ, đồ chiên, cùng là tìm kiếm vỏ đồi-mồi, hải-ba, hải-sâm, ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp”. (ghi chú: Cửa Eo hay Yêu-Môn, đến năm Gia Long thứ 13 (1814) đổi thành cửa Thuận An)
Họ Nguyễn lại đặt Đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất hoặc người ở thôn Tứ-Chính ở Bình-Thuận, hoặc người xã Cảnh-Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các  tiền tuần-đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn-Lôn và các đảo ở Hà-Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải-ba, bào-ngư, hải-sâm, cũng sai đội Hoàng Sa cai quản.
Hoàng Sa chính gần phủ Liêm-Châu, đảo Hải-Nam, người đi thuyền có lúc gặp thuyền đánh cá Bắc-quốc, hỏi nhau trên biển. Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn-Xương, Quỳnh-Châu gởi cho Thuận-Hóa nói rằng: năm Kiến-Long thứ 18 (1754) có 10 tên quân nhân xã An-Vĩnh, đội Cát-Liềm, huyện Chương-Nghĩa, phù Quảng-Ngãi, nước An-Nam ngày tháng 7 đến Vạn Lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh-Lan cảng, quan ở đấy xét thực đưa trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Khoát sai Cai bạ Thuận-Hóa là Thức Lượng Hầu viết thư cám ơn.”
Lê Qúy Đôn cũng nói rõ là quần đảo Hoàng Sa nằm gần đảo Hải Nam của Trung Quốc, qua sự việc thuyền của đội Hoàng Sa đi lạc qua Hải Nam đã được chính quyền bên đó ’đưa trả về nguyên quán’. Nếu như Hoàng Sa lúc đó thuộc về Trung Quốc thì chắc chắn rằng không những đội hoàng Sa không thể ngang nhiên ra đó hoạt động không hề bị ngăn cản, mà khi có người của đội Hoàng Sa bị trôi giạt vào cảng Thanh Lan đảo Hải Nam lại còn được chính quyền tại chổ tra xét thấy ngay tình để được trả về mà không bị kết tội ‘xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc’

2) THỜI TÂY SƠN (từ năm 1773)
• Trong VĂN BẢN CHỈ THỊ của  Thái Phó Tổng Lý Quản Bình Dân Chư Vụ Thượng Tướng Công ngày 14 tháng 2 năm 1786 vào thời Thái Đức Đế Nguyễn Nhạc, gởi cho Cai đội Hoàng Sa với nội dung như sau:
“ Sai Hồi Đức Hầu, Cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biên hiệu thủy quân, cưỡi 4 chiếc thuyền câu vượt biển, thẳng đến Hoàng Sa cùng các thứ cù lao ngoài biển, tìm nhặt đồ vàng, đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba cùng đá quý đều chở về Kinh tập trung, nộp theo lệ..Nếu ngạo mạn càn bậy không đến, lại gian dối lấy bớt các vật quý hoặc sinh sự với dân làm muối làm cá đều sẽ bị trị tội.”

3) THỜI TRIỀU NGUYỄN (1802-1909)
• Trong quyển MÉMOIRE SUR LA COCHINCHINE (Hồi ký về xứ Đàng Trong) của Jean Baptiste Chaigneau đã viết vào những năm cuối đời vua Gia Long (1816-1819) như sau:  “Địa thế: Xứ Cochinchine, mà Quốc-Vương ngày nay đã xưng đế-hiệu, gồm có xứ Đàng Trong, Bắc Hà (Tonquin)…, vài đảo gần bờ biển, có dân cư, và quần đảo Paracels, gồm có nhiều đảo và mỏm đá thiếu dân. Vào năm 1816 vị Hoàng-đế đương kim đã tiếp nhận quần đảo này.”
Tập hồi ký này được một viên chức thanh tra thuộc địa – tên A.Salles, công bố trên bulletin des amis du Vieux Huế No 2, Avril-Juin 1923. Sự kiện Vua Gia Long xác định chủ quyền Việt Nam trên Quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816 cũng đã được giám mục Jean Louis Taberd xác nhận trong một tài liệu do ông viết là ‘Note sur la Géographie de la Cochinchine’.
• Tài liệu NOTE SUR LA GÉOGRAPHIE DE LA COCHINCHINE do Giám mục Jean Louis Taberd viết và được in trên Journal of the Royal Asiatic Society of Bengal, Ấn Độ số April 1837 được trích đoạn như sau:
“Quần dảo Hoàng Sa (The Pracel or Paracels) là vùng gồm nhiều đảo nhỏ, đá và bãi cát chằng chịt trải dài đến vĩ tuyến 11 độ Bắc, kinh tuyến 107 độ từ Ba Lê (Paris). Một số nhà hàng hải đã băng ngang qua vùng đá ngầm này bằng lòng gan dạ và may mắn hơn là sự thận trọng, nhưng một số khác đã chịu khổ nạn khi cố vượt qua. Nước Cochinchine (An Nam) gọi vùng này là ‘con-uang’ (cát vàng). Mặc dù quần đảo đó không có gì ngoại trừ đá và độ nước sâu hứa hẹn nhiều bất trắc hơn ưu đãi. Hoàng đế Gia Long nghĩ rằng ngài đã nới rộng quyền trị vì bởi việc sát nhập vùng đảo này. Năm 1816, Hoàng đế đã đến, trân trọng cấm lá quốc kỳ và chính thức sở hữu vùng đá ngầm này mà chẳng có ai muốn tranh chấp với ngài.”
• DƯ ĐỊA CHÍ trong bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú là một công trình biên khảo công phu của 10 năm soạn thảo, được dâng cho vua Minh Mạng thứ 2 năm 1821. Nội dụng hầu hết nói về phong thổ, địa lý vùng Quảng Nam và các hoạt động của Đội Hoàng Sa thời ấy.
Địa Dư Chí được khắc in thành bộ sách riêng có tên là Hoàng Việt Địa Dư Chí không đề tên tác giả nhưng đề năm Minh Mạng thứ 14 (1833). Nội dung không khác gí mấy so với Địa Dư Chí ngoài việc cập nhật hóa vài từ ngữ hành chánh.
• ĐẠi NAM THỰC LỤC được soạn năm 1821 bởi các sứ thần của Quốc Sử Quán của triều đình. Quốc Sử Quán là cơ chế của nhà nước thuộc triều đại Nhà Nguyễn. Đại Nam Thực Lục có 2 phần: phần Tiền biên khắc in năm 1844 và phần Chính biên khắc in năm 1848. Cả 2 phần đều nói rất cụ thể về sự thực thi chủ quyền của VN bằng việc quản lý, hiện diện tới lui và cắm mốc trên quần đảo Hoàng Sa qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị tại quần đảo Hoàng Sa.
Quyển số 50, ghi: “Năm 1815, Gia Định gạo rẽ (một phương gạo giá 5 tiền). [Vua] Sai thành thần đong chứa vào kho. Sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh [3] ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển”
Quyển số 52, ghi: “Năm Bính Tý niên hiệu Gia Long thứ 15 năm 1816, vua ra linh cho thủy quân và đội Hoàng Sa dể xem xét đo đạt thủy trình”
Quyển số 104 (Đệ nhị kỳ), ghi: “Tháng 8, mùa Thu năm Quý Tỵ, Minh Mạng thứ 14, năm 1833, vua bảo bộ Công rằng: Dãi Hoàng Sa trong hải phận Quảng Ngãi, xa trông trời nước một màu không phân biệt được nông sâu. Gần đây thuyền buôn thường bị nạn. Nay nên dự bị thuyền bè đến sang năm sẽ phái người tới dựng miếu, lập bia, lại trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, có thể tránh nhiều nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời vậy”
Quyển số 154 (Đệ nhị kỳ), ghi: “Tháng 6, mùa Hạ, năm Ất Mùi Minh Mạng thứ 16  năm 1835 dựng ‘Thần Từ’ ở Hoàng Sa. Hoàng Sa ở Hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng, phía tây nam có miếu cổ, có tấm bài khắc bốn chữ  ‘Vạn lý ba bình’ (muôn dặm sóng êm), cồn Bạch Sa (cát trắng) chu vi 1070 trượng, tên cũ là núi Phật Tự, bờ đông, tây, nam đều đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phiá bắc, giáp với một cồn toàn đá san hô, sừng sững nổi lên, chu vi 330 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát, gọi là Bàn Thanh thạch. Năm ngoái vua sai Cai Đội Thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ Giám thành cùng phu thuyền tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, chuyên chở vật liệu đến dựng miếu (cách toà miếu cổ 7 trượng). Bên tả miếu bia đá; phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày làm xong, rồi về.”
Quyển số 165 (Đệ Nhị kỳ), ghi: “Năm 1836 (thời Vua Minh Mạng) ‘Bộ Công tâu nói: Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia đã phái vẻ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được 1 nơi, cũng chưa rõ ràng. Hằng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Xin từ năm nay trở về sau, mổi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái biền binh đến Quảng Ngãi, bắt hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa. Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bề xung quang nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạt, vẽ thành bản đồ. Lại, xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào thuyền đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ bến, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dậm. Nhất nhất nói rõ, đem về, dâng trình”
Vua y lời tâu. “Sai suất đội Thủy Quân Phạm Hữu Nhật [3] đem binh thuyền đi. Chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng năm tấc, mặt bài khắc những chữ ‘Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân’, Thủy quân Chánh đội trưởng xuất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”
Cũng trong quyển số 165 (Đệ Nhị kỳ) có ghi thêm: “Năm 1836, Bính Thân, Minh Mệnh năm thứ 17, mùa đông, tháng 12. Thuyền buôn Anh Cát Lợi đi qua Hoàng Sa, mắc cạn, bị vỡ và đắm ; hơn 90 người đi thuyền sam bản đến bờ biển Bình Định. Vua được tin, dụ tỉnh thần lựa chọn nới cho họ trú ngụ, hậu cấp cho tiền và gạo. Lại phái vệ thông ngôn đến dịch thăm hỏi, tuyên Chỉ ban cấp. Bọn họ đều qùy dài, khấu đầu không thôi. Sự cảm kích biểu lộ ra lời nói và nét mặt.”
Phái viên về tâu: ”Họ, tính vốn kiệt hiệt, kiêu ngạo, nay được đội ơn chẩn tuất, bỗng cảm hoá, đổi mục tục man di. Thật đáng khen. Sai thưởng cho thuyền trưởng và đầu mục, mỗi người một áo đoạn vũ hàng màu, một quần vãi tây và chăn vải; các người tùy tùng mỗi người một bộ áo quần bằng vải màu. Sắc phái viên sang Tây là Nguyễn Tri Phương và Vũ Văn Giai đưa họ sang bến Hạ Châu, cho về nước”
• SẮC CHỈ VUA MINH MẠNG năm Ất Mùi 1835.
Một sắc chỉ của Vua Minh Mạng thứ 17 năm Ất Mùi 1835 sai phái một đội thuyền gồm 3 chiếc, với 24 lính thuỷ ra đảo Hoàng Sa vào ngày 15 tháng tư năm 1835 để làm nhiệm vụ bảo vệ hải đảo của Việt Nam.
Sắc chỉ vẫn còn nguyên vẹn với nội dung như sau: “Giao cho ông Võ Văn Hùng ở Lý Sơn chọn thanh niên khỏe mạnh và giỏi nghề bơi lặn để gia nhập đội thuyền, giao ông Đặng Văn Siểm – người có kinh nghiệm đi biển làm người dẫn đường, giao Võ Văn Công đi cùng đội thuyền phụ trách hậu cần…”
Tên tuổi những người đi cùng đều có ghi lại rõ.
Ông Đặng Lên, 69 tuổi, người thuộc gia tộc họ Đặng đang giữ sắc chỉ này nhiều đời nay. Ông cho biết sáu đời trước, cụ kỵ ông là một vị đà công xuất sắc, từng lấy thuyền ra ngoài đảo xa thuộc Hoàng Sa để bảo vệ biên cương của tổ quốc.
Gia đình ông quyết định báo cho nhà nước vì cho sắc chỉ mà họ đang giữ trong tay là “vật quý của ông cha, mà con cháu lâu nay không biết dùng”, giờ được phổ biến rộng rãi có thể giúp các thế hệ sau biết nhiều hơn về chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.[4]
• Trong cuốn sách nhan đề UNIVERS, HISTORE ET DESCRIPTION DE TOUS LES PEUPLES, DE LEURS RELIGIONS, MOEURS ET COUTUNES, xuất bản năm 1850, tác giả Dubois de Jancigny viết những dòng sau đây về Paracels:
“Chúng tôi không đi vào việc kê khai những hòn đảo chính yếu của xứ Cochinchine. Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels – mà người Việt gọi là Cát Vàng (Hoàng Sa), gồm rất nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những đá nhô lên giữa những bãi cát, làm cho những kẻ đi biển rất e ngại – đã được chiếm cứ bởi người Việt xứ Đàng Trong. Chúng tôi không rõ họ có thiết lập một cơ sở nào tại đó không; nhưng có điều chúng tôi biết chắc là Hoàng-đế Gia-Long đã chủ tâm thêm cái đóa hoa kỳ lạ đó vào vương miện của Ngài, vì vậy mà Ngài xét thấy đúng lúc phải thân chinh vượt biển để tiếp thâu quần-đảo Hoàng Sa, và chính là vào năm 1816, mà Ngài đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong”.
• CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN là một tài liệu quí giá khác của Quốc Sử Quán triều Nguyễn gồm những bản tấu, phúc tấu của đình thần như bộ Công, bô Hộ và các cơ quan khác hay những dụ của các nhà vua về việc thực thi chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa trong suốt thế kỷ thứ 19 như việc vãng thám, đo đạc, vẽ họa đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc.
Trong khuôn khổ bài viết này chỉ xin đi vào giới thiệu nội dung của 11 châu bản trong 144 tập châu bản của hai triều vua Minh Mạng và Thiệu Trị (giai đoạn từ năm 1830 đến 1847). 11 văn bản thời Minh Mạng và Thiệu Trị đề cập trực tiếp đến những sinh hoạt của các đội Hoàng Sa gồm 7 Tấu, 2 Phúc Tấu, 2 Dụ. Xin được trích giới thiệu các châu bản này.
Châu bản thứ nhất và thứ hai là hai bản Tấu ngày 27-6 năm Minh Mạng 11 (1830) của Thủ Ngự Đà Nẵng được lưu trong tập Châu bản Minh Mạng 43, trang 57 và 58. Nội dung có đoạn:
“Thuyền buôn của tài phú Pháp Ê-đoa, thuyền trưởng Đô-ô-chi-ly, phái viên Lê Quang Quỳnh cùng thuỷ thủ đoàn, ngày 20 đã rời cảng Đà Nẵng đi Lữ-Tống (Lucon) buôn bán. Giờ dần ngày 27, Ê-đoa và 11 thuỷ thủ đi trên chiếc sam bản lớn cập cảng nói rằng: Canh 2 đêm 21, ở phía tây Hoàng Sa (xứ Cát Vàng) thuyền đụng đá ngầm bị ngập nước. Thuyền trưởng và phái viên còn đi sau. Cảng đã phái thuyền đem theo nước uống đi cứu hộ, giờ ngọ đã gặp và đưa họ về cảng”.
Châu bản thứ ba là bản Dụ ngày 18-7 năm Minh Mạng 16 (1835) được lưu trữ trong tập Châu bản Minh Mạng 54, trang 92. Nội dung có đoạn viết:
“Chuyến đi Hoàng Sa lần này, công vụ hoàn tất. Riêng Cai đội Phạm Văn Nguyên trên đường công hồi đã trì hoãn, có Chỉ giao Bộ Công trị tội. Nay phạt 80 trượng cho phục chức Cai đội. Các tên Giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng vẽ họa đồ Hoàng Sa chưa chu tất, phạt mỗi tên 80 trượng. Các tên hướng dẫn hải trình Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh thưởng mỗi tên một tiểu “Phi Long ngân tiền”. Binh thợ, dân phu hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi theo thưởng mỗi tên 1 quan tiền.”.
Châu bản thứ tư là bản Phúc Tấu của Bộ Công ngày 12-2 năm Minh Mạng 17 (1836) nằm trong tập Châu bản Minh Mạng 55, trang 336. Châu phê (Vua phê):
“Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ ‘Minh Mạng 17 Năm Bính Thân’, họ tên Cai đội Thuỷ quân phụng mệnh đi đo đạc cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu”. Đã phái Thuỷ quân Chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật giờ Mão hôm qua đi Ô – thuyền rời Thuận An vào Quảng Ngãi quản suất việc vãng thám Hoàng Sa kỳ này. Bộ đã cho làm đủ số cột mốc gửi gấp vào Quảng Ngãi.
Châu cải (Vua sửa lại): “Báo gấp cho Quảng Ngãi thực thi ngay, giao cho tên ấy nhận biện”.
Châu phê: “Thuyền nào đi tới đâu, cắm mốc tới đó để lưu dấu”.
Châu bản thứ năm là bản Tấu của Bộ Công ngày 13-7 năm Minh Mạng 18 (1837) lưu trong tập Châu bản Minh Mạng 57, trang 244. Tấu rằng:
“Lần đi Hoàng Sa này trở về, trừ bọn Kinh phái Thuỷ sư Suất đội Phạm Văn Biện, hướng dẫn hải trình Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh, đà công Lưu Đức Trực khởi hành chậm trễ đã bị xử phạt. Nên chăng chiếu lệ thưởng tặng cho binh dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi theo, xin đợi Chỉ.”
Châu bản thứ sáu là bản Dụ ngày 13-7 năm Minh Mạng 18 (1837) lưu tại tập Châu bản Minh Mạng 57, trang 245. Nội dung có đoạn:
“Trước có phái Thủy sư, Giám thành, binh dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi Hoàng Sa đo đạc, cắm mốc, vẽ họa đồ, trừ bọn Phạm Văn Biện gồm 4 tên can tội đã có Chỉ phạt trượng. Còn binh dân đi theo lặn lội biển cả cực khổ, thưởng mỗi tên binh định một tháng lương, dân phu mỗi tên 2 quan tiền”.
Châu bản thứ bảy là văn bản Tấu của Bộ Hộ ngày 11-7 năm Minh Mạng 17 (1837) lưu tại tập Châu bản Minh Mạng 57, tr 211, có đoạn ghi:
“Xin 5 ngày cứu xét tấu sách của Quảng Ngãi xin khai tiêu (thanh toán) việc chi cấp lương tiền cho dân phu công vụ Hoàng Sa”.
Châu bản thứ tám là bản Tấu của Quảng Ngãi ngày 19-7 năm Minh Mạng 19 (1838) lưu trong tập Châu bản Minh Mạng 64, tr.146. Một đoạn Tấu viết:
“Xin chiếu lệ miễn thuế năm nay cho 2 chiếc “Bản chinh thuyền” đã đưa binh dân đến Hoàng Sa đo đạc giáp vòng từ hạ tuần tháng 3 tới hạ tuần tháng 6, hoàn tất công vụ nay đã trở về”.
Châu bản thứ chín là bản Tấu của Bộ Công ngày 2-4 nhuận (tháng 4 nhuận) năm Minh Mạng 19 (1838) lưu trong tập Châu bản Minh Mạng 68, trang 21. Một đoạn Tấu viết:
“Việc phái vãng để đo đạc giáp vòng Hoàng Sa kỳ năm nay, ấn định khởi hành hạ tuần tháng 3, nhưng vì gió đông nổi lên liên tục kèm theo mưa lớn, tới hạ tuần tháng 4 vẫn chưa khởi hành được, xin tấu trình”.
Châu bản thứ mười là văn bản Phúc Tấu của Bộ Công ngày 26-1 năm Thiệu Trị 7 (1847) lưu tại tập Châu bản Thiệu Trị 42, trang 83. Đáp rằng: “Tháng 6 năm Thiệu Trị 5 (1845) phụng Sắc về việc đình hoãn vãng thám Hoàng Sa. Nay phúc tấu đợi Chỉ có nên vãng thám Hoàng Sa kỳ này hay không?
Châu phê (vua phê): “Đình hoãn”.
Châu bản thứ mười một là bản Tấu của Bộ Công ngày 28-12 năm Thiệu Trị 7 (1847) lưu tại tập Châu bản Thiệu Trị 51, trang 125. Có đoạn viết:
“Hàng năm, vào mùa xuân theo lệ phái binh thuyền vãng thám Hoàng Sa thuộc hải cương nước nhà cho thành thục đường đi lối lại. Năm 1845 có Chỉ đình hoãn kỳ vãng thám 1846. Vì công vụ bận rộn, năm nay cũng xin được đình hoãn”.
Châu phê: “Đình hoãn”.
Giới thiệu qua mười một châu bản của hai triều vua Minh Mạng (1820 – 1840) và Thiệu Trị (1841 – 1847), chúng ta có thể thấy rằng: Thứ nhứt, các thuyền buôn bán, giao dịch của nước ngoài khi ra hay vào lãnh hải của Việt Nam đều được tấu rõ lên nhà vua. Thứ hai, hàng năm các triều vua đều có tờ sai các đội đi Hoàng Sa để “thi hành công vụ”. Nhiều khi, chính vua ngự bút phê vào các tờ sai đó cho thuyền ra khơi hay đình hoãn. Sau khi kết thúc công việc đội vãng thám phải chạy thuyền thẳng về Kinh đô để báo cáo tình hình, khai nộp hoá vật, hải vật. Nhà vua thông qua Bộ Công để kiểm tra, đánh giá và tuỳ mức độ đóng góp hay vi phạm mà luận công hay định tội, thưởng phạt công minh. Những người hoàn thành nhiệm vụ đều được Nhà nước ghi nhận.

4) THỜI PHÁP THUỘC (1885-1954)
Suốt trong thời kỳ thuộc Pháp, Quần đảo Hoàng Sa không rời khỏi chủ quyền của Việt Nam. Việc quản trị nội bộ Hoàng Sa vẫn do triều đình Huế đảm trách. Những đội Hoàng Sa vẫn còn hoạt động theo lệnh của chính quyền Việt Nam. Người Pháp khôn khéo chỉ lo việc quản trị thực sự bằng việc xây cất và những liên hệ ngoại giao liên quan đến những tranh chấp quốc tế cho đến khi thế chiến thứ 2 xảy ra, quần đảo Hoàng Sa bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng và đổi tên thành Harita Gunto. Vụ chiếm đóng này đã bị chính phủ Đông Dương nhiều lần lên tiếng chính thức phản đối Nhật. Tiếp theo sau đó là sự vắng mặt của Pháp ở Đông Dương và sự vắng mặt này chỉ tam thời rất ngắn sau khi biến cố Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương ngày 09 tháng 03 năm 1945. Và sau khi Nhật đầu hàng đồng minh, người Pháp đã trở lại bán đảo này với một cương vị khác và trong một nước Việt Nam mà Vương quốc An Nam không còn.
• Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, ký sắc lệnh thiết lập một ngọn hải đăng trên một hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa song dự án không thực hiện được vì thiếu ngân sách.
• Từ năm 1920, Nha Thương-chánh (Douanes) đã tổ chức những cuộc tuần-du chung quanh đảo Hoàng Sa, để ngăn ngừa buôn lậu.
• Năm 1925, Hải-học-viện Nha-Trang có gửi một phái-đoàn bác-học, đi trên tầu De Lanessan, ra Hoàng Sa để nghiên cứu tường tận tại chỗ về địa chất và sinh vật. Phái-đoàn nhận thấy quần-đảo này chứa đựng rất nhiều phốt-phát. Phái-đoàn cũng khảo sát nhiều bằng chứng rằng quần đảo Paracels nằm trên một cao-nguyên chìm dưới biển và dính liền với lục-địa Việt-Nam. Nhiều công-ty Nhật-Bản đã xin phép chính quyền Pháp tại Đông-Dương, để khai thác phốt-phát và họ đã xây một con đê bằng đá phốt-phát (jetée en blocs de phosphate) và một chiếc cầu sắt dài 300 thước nơi đảo Robert, để tiện việc chuyên chở phốt-phát lên tàu thủy.
• Ngày 03 tháng 03 năm 1925, Binh bộ Thượng thư (tức Bộ trưởng Quốc phòng) Thân Trọng Huề của triều đình Huế xác nhận Hoàng Sa thuộc về Việt Nam và không có gì tranh cãi.
• Năm 1930, Thông báo hạm La Malicieuse đến đảo Hoàng Sa
• Tháng 3 năm 1931, chiến hạm Inconstant đến quần đảo Hoàng Sa
• Tháng 5 năm 1932, Pháo hạm Alerte đến quần đảo Hoàng Sa
• Vì có sự giao thiệp với ngoại nhân nơi đảo này, nên chi nhà cầm quyền hồi đó đã ký một nghị-định ngày 15 juin 1932, thiết lập quần-đảo Hoàng Sa thành một đại-lý hành-chánh, gọi là Délégation administrative des Paracels, sáp nhập với tỉnh Thừa-Thiên.
• Tháng 2 năm 1937, Tuần dương hạm Lamotte-Piquet do Phó đô đốc Estava chỉ huy ghé thăm quần đảo Hoàng Sa
• Tháng 10 năm 1937, Kỷ sư Công chánh J.Gauthier được gởi tới Hoàng Sa để nghiên cứu việc xây dựng một hải đăng và một căn cứ không quân (cho thủy phi cơ) ở Pattle (đảo Hoàng Sa)
• Ngày 30 tháng 3 năm 1938, Vua Bảo Đại ký dụ số 10 sát nhập Hoàng Sa từ Quảng Ngãi vào tỉnh Thừa Thiên. Cũng trong năm 1938, Pháp cho dựng ở đảo Hoàng Sa (Pattle) một bia chủ quyền đề chữ: “République Francaise – Royaune d’annam – Archipel des Paracels 1816 – Ìle de Pattle – 1838”
• Xây một trạm khí tượng (có số danh bộ 48860 của Tổ chức Khí tượng Quốc tế -OMM (Organisation Mondial de la Météorologie) hoặc tiếng Anh là WMO (World Meteorological Organisation) và một trạm vô tuyến ở đảo Hoàng Sa (Pattle). Gởi lính Bảo An người Việt đến Hoàng Sa.
• Châu bản thời Bảo Đại năm 1939 (5)
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An ở Huế đã tìm thấy một tờ châu bản tại phủ thờ công chúa Ngọc Sơn (con vua Đồng Khánh, em vua Khải Định và là cô ruột vua Bảo Đại). Đây là tờ châu bản gốc. Trong tờ “tấu” (châu bản) này, tác giả của nó có dùng một số từ Hán Việt khó hiểu, nhưng có thể tóm tắt nội dung chính như sau:
“Vào ngày 10-2-1939, Tòa khâm sứ Trung kỳ có đề nghị Nam triều nên thưởng huy chương Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh ở Trung kỳ, vì họ đã có công trong việc dẹp loạn “man di” ở miền núi và có công trong “việc lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa”. Đến ngày 15-2-1939, tổng lý ngự tiền văn phòng Trần Đình Tùng dâng lên hoàng đế Bảo Đại tờ “tấu” xin nhà vua duyệt y và nhà vua đã phê “Chuẩn” (đồng ý cho thi hành). Còn chi phí về thưởng cấp huy chương thì do ngân sách của Tòa khâm sứ Trung kỳ đài thọ.”Nội dung tờ châu bản
Đây như một cứ liệu mới chứng minh sự quan tâm liên tục chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Cũng vào năm đó, khi trận đệ nhị thế-chiến bùng nổ, quân-đội Thiên-Hoàng Nhật-Bản ngang nhiên chiếm đóng quần-đảo, lập tại đây một căn-cứ quân-sự, cho đến khi họ đầu hàng Đồng-Minh.

5) THỜI VIỆT NAM CỘNG HÒA (1956-1974)
• HIỆP ƯỚC ĐÌNH CHIẾN SAN FRANCISCO  năm 1951.
Hiệp Ước đình chiến San Francisco. Theo Hiệp-ước đình-chiến ký kết tại San Francisco, vào tháng 9 năm 1951, khoản 2, nước Nhật-Bản phải rút lui khỏi các nơi mà họ đã dùng vũ-lực để chiếm đóng trong thời đệ nhị thế-chiến, lẽ tất nhiên là trong đó có hai quần-đảo Paracels và Spratley.
Tại Hội-nghị San Francesco, ngày 7-9-1951, Thủ-Tướng Trần Văn Hữu, Chính-Phủ Quốc gia Việt Nam, Trưởng Phái-đoàn, đã long trọng tuyên bố trước 51 phái-đoàn ngoại-bang như sau :
“Et comme il faut franchement profiter de toutes occasion pour étouffer les germes de discorde, nous afirmons nos droits sur les iles Spratley et Paracels qui, de tout temps, ont fait partie du Viet-Nam”.
Xin tạm dịch là:
“Và cũng vì cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên các quần-đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.
Lời tuyên bố đó đã được Hội-nghị San Francisco long trọng ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái-đoàn phó hội, không có một phái-đoàn nào phản đối gì cả.
• VĂN THƯ CỦA NGOẠI TRƯỞNG VŨ VĂN MẪU năm 1956.
Biến cố Hoàng Sa năm 1956. Ngày 10 tháng 6 năm 1956, Văn thư của Ngoại Trưởng Vũ Văn Mẫu có đính kèm công điện của đài khí tượng VN trên đảo Hoàng Sa (HS) báo cáo Lính Trung Cộng (TC) đã đổ bộ lên đảo Cam Tuyền (Robert island) được gởi tới Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Ngoài ra Ngoại Trưởng Vũ Văn Mẫu cũng cho biết là Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã chỉ thị ông nên xác định là trong trường hợp cần thiết, hành động xâm lược này của TC có cần đến sự can thiệp của khối SEATO hay không?.
Ngoại trưởng Dulles của Hoa Kỳ phát biểu đây là một vấn đề có tầm quan trọng rất lớn, do đó Hoa Kỳ nên có hành động kip thời và hữu hiệu. Theo Dulles, đây là chiến dịch thăm dò của TC và nếu HK có hành động kịp thời ở HS thì sẽ rất hữu ích trong các vấn đề liên quan đến các đảo ngoài khơi Quemoy và Matsu. NT Dulles bác bỏ đề nghị tham khảo các hội viên trong SEATO với lý do là cần phải hành động gấp và chỉ có một cách duy nhất là HK phải hành động và nhận lấy trách nhiệm về hành động của mình. Tuy nhiên ông cũng đồng ý là HK chưa có thể hành động ngay cho đến khi các sự kiện đã được xác nhận từ các phi cơ do thám của Đệ Thất Hạm Đội và trong khi đó những phương cách khả thi khác nhau cũng cần được cứu xét để có hành động nhanh chóng và hữu hiệu.
Tiếp theo đó Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ (BNG/HK) đã gởi điện văn mang số 4021 ngày 11 tháng 6 đến TĐS/HK ở Sài Gòn (điện văn này cũng được gởi đến TĐS/HK ở Đài Loan mang số 766). Nội dung bản văn, BNG/HK ám chỉ đến hai cách thức hoạt động đã được Hoa Thịnh Đốn cân nhắc để tống khứ Trung Cộng ra khỏi Hoàng Sa một cách hữu hiệu. Cuối cùng biến cố không xảy ra nhưng sự kiện đã chứng minh sự hiện diện liên tục của quân đội và nhân viên nha khí tượng của chính quyền VNCH trên các đảo Hoàng Sa thuộc nhóm Nguyệt Thiềm (Croissant group). Cũng cần nói thêm là người Pháp có xây một đài khí tượng trên đảo HS trong khoảng thời gian sau Đệ nhị thế chiến và luôn luôn do 6 người Pháp và một số nhân viên người Việt phụ giúp điều hành cho tới khi người Pháp rút đi khi ấy chỉ có nhân viên khí tượng VN điều hành. Đài khí tượng mang số 48860.
Trong tháng 12-1955 hay tháng 1-1956, Trung Cộng chiếm đóng đảo Phú Lâm (Woody island) trong chòm đảo An Vĩnh thuộc quần đảo Ho àng Sa.????
• SỰ HIỆN DIỆN CỦA THỦY QUÂN LỤC CHIẾN/VNCH năm 1959.
Vào khoảng đầu năm 1959, Đại Đội 3/Tiểu Đoàn 2/TQLC dưới sư chỉ  huy cùa Trung úy Cổ Tấn Tinh Châu được lệnh ra Quần đảo Hoàng Sa để kiểm soát các đảo Pattle, Robert, Duncan, Drumont và Money.
Trong thời gian này, Đại đội 3/TQLC đã đánh đuổi và bắt sống đám dân quân Trung Cộng giả dạng chiếm đảo Duncan và 5 ghe.[6]
•  KÝ ỨC MỘT ĐẢO TRƯỞNG ĐẢO HOÀNG SA từ năm 1969.
Ông Nguyễn Văn Đức là cựu chuẩn úy Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã từng là trưởng đảo Hoàng Sa từ năm 1969, khi đó ông vừa đúng 22 tuổi. Ông là một trong những đảo trưởng trẻ tuổi nhất từng làm nhiệm vụ trấn giữ biên cương hải đảo xa xôi của tổ quốc.
Một ngày cuối tháng 10 năm 1969, ông Đức cùng với 34 người thuộc Trung đội Hoàng Sa và 4 nhân viên khí tượng VN rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) lên đường ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Trên đảo có một tòa nhà lớn được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Trong phòng làm viêc của đảo trưởng, có một bức tường ghi tên tất cả những người lính đã ra đây giữ đảo. Và tên của những người mới đến như ông cũng được ghi lên đó. Ông nói đó là niềm vinh dự lớn lao của một người con đất Việt.
Nhiệm vụ của ông là báo cáo về sở chỉ huy ở đất liền những tin tức ở Hoàng Sa mỗi ngày. Anh em khí tượng làm nhiệm vụ quan trắc và báo cáo tình hình thời tiết để phục vụ cho tàu bè lưu th ông trong vùng.
Những lúc rảnh rỗi chúng tôi thường dùng cano đi qua các đảo lân cận vừa đế quan sát vừa để thưởng thức cảnh quan hữu tình. Khi thủy triều xuống thấp, cả rặng san hô hiện lên tuyệt đẹp như một rừng hoa biển. Có sống ở đảo mới  thấy nhớ đất liền, yêu quê cha đất tổ.
Ông nói có 2 di tích đáng nhớ ở Hoàng Sa. Đó là cái miếu nhỏ ở góc đảo mà an hem lính đảo vẫn thường ra đó để tìm chúc an bình giữa sóng gió. Ông kể mỗi khi sóng to gió lớn hay thấy lòng bất an, anh em chúng tôi thường tìm đến ngôi miếu. Lạ lắm, chỉ cần ngửi thấy mùi nhang khói là cảm giác ở xa đất liền như gần lại. Đó là những điều cần thiết để những người con đất Việt như chúng tôi yên lòng nơi đầu sóng ngọn gió giữ gìn biển đảo của cha ông để lại.
Cạnh đó là một nghĩa trang có hơn 30 ngôi mộ là hài cốt của những chiến sĩ người Việt ngã xuống vì bệnh tật và vì lằn đạn của ngoại bang xâm lược. Có cả những hài cốt của những ngư dân từ niền Trung, miền Bắc gặp nạn trên đường mưu sinh và cả những nắm xương của người lính nước ngoài bị chúng ta hạ gục. Có một điều là chúng tôi không phân biệt bạn thù khi họ đã ngã xuống, vào các ngày rằm hay cuối tháng chúng tôi đều thắp nhang lên từng ngôi mộ hoang. Ông nói ông rất đau xót khi hay tin Trung Cộng cưỡng chiếm Hoàng Sa ngày 19/01/1974, ông chỉ biết tìm lai hình ảnh và tài liệu liên quan đến Hoàng Sa, gói ghém cẩn thận nhằm làm bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Trong số tài liệu có tờ sự vụ lệnh đã nhàu nát úa vang vì thời gian.

Phụ Chú:
[1] Tiểu điếu thuyền: Thuyền của đội Hoàng Sa.
Cũng cần nói thêm về các thuyền của đội Hoàng Sa. Thuyền được đóng bằng gỗ Chò mà người xưa gọi là ‘tiểu điếu thuyền. Thuyền chỉ rộng 3m, dài hơn 10m, chở được 10 người, có 3 cánh bườm và chèo. Đội Hoàng Sa đi từ bờ độ 3 ngày 3 đêm thì tới Hoàng Sa.
[2] Ngôi mộ gió trên Cù lao Ré (đảo Lý Sơn)

Đảo Lý Sơn (Cù lao Ré) nổi tiếng trong lịch sử là nơi tiền tiêu sản sinh ra nhiều đoàn vãng thám đi thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Đã có nhiều người lính ra đi không trở về. Những ngôi mộ gió ở đảo Lý Sơn khắc ghi điều đó. Trước khi giong buồm vượt biển Đông, các thành viên của đội Hoàng Sa được gia đình, họ tộc ‘làm lễ tế sống’ gọi là lễ khao lệ thế linh Hoàng Sa (lễ truy điệu sống, làm đám tang trước để an ủi người đi vì chuyến đi của họ giống như cuộc ra đi của tráng sĩ Kinh Kha, đi thích khách Tần Thủy Hoàng, có đi mà không có về). Lễ này thường diễn ra vào tháng 2 hàng năm trên đảo Lý Sơn. Đây là một tục lệ độc đáo trên thế giới. Chủ quyền hải giới Việt Nam đã được dựng bằng máu và nước mắt của lớp lớp những con người như thế.
Một đoản văn tự thuật dưới đây của Phạm Ngọc Dương sẽ nói lên được phần nào về tập tục ngôi mộ gió: “Trong ráng chiều vàng vọt, khi tán dừa đổ dài nối nhau vắt qua hòn đảo, người đàn bà trẻ vẫn quỳ lạy bên nấm mồ trông như đụn cát với khói hương nghi ngút. Nấm mồ chị đang vái lạy là mộ chôn xác được nặn bằng đất thay cho hài cốt của chồng chị không biết ở phương nào ngoài biển khơi mịt mùng…
Thỉnh thoảng chị lại nhìn ra phía biển. Những ngọn sóng bạc đầu vẫn đuổi nhau bất tận. Trên đầu sóng ngọn gió không có tuổi ấy, chồng chị cùng với không ít người dân trên hòn đảo này đã ra đi mà không trở về”.
Biển Đông có rất nhiều đảo, nhưng không đâu như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), có ước chừng tới cả ngàn ngôi mộ chôn những pho tượng đất thay cho người chết như thế.
Lẫn trong những luống tỏi, trên những bãi cát trắng hoang hoải, là những nấm mộ gió. Gió biển quanh năm vô tình gặm mòn những nấm mộ đắp bằng cát trắng.
Giữa đảo. sau ngôi Miếu thiêng thờ hải đội Hoàng Sa loang lổ vết thời gian ấy là nấm mộ gió dài của cai đội Phạm Quang Ảnh.
Tục đắp mộ gió của người dân trên đảo có cách đây hơn 200 năm. Những ngôi mộ gió đầu tiên trên đảo là mộ của Phạm Quang Ảnh cùng với 24 lính của hải đội Hoàng Sa. Ngày ấy Phạm Quang Ảnh cùng với 5 chiến thuyền làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển và đo đạc thủy trình đã gặp bão, mất tích giữa biển khơi…

Vua Gia Long đau lòng, ra tận đảo làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Trong đoàn tùy tùng phục vụ lễ chiêu hồn có một thầy phong thủy nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Thầy phong thủy sai dân chúng lên núi Giếng Tiền lấy đất sét về, nhào nặn cho nhuyễn, rồi tự tay ông nặn đất thành hình 25 người đã chết. Ông cứ nặn đến khi nào những người thân thấy giống người chết mới thôi.
Nặn xong 25 tượng đất của hải đội, ông lập đàn cúng chiêu hồn ròng rã suốt đêm, gọi linh hồn các tử sĩ nhập vào tượng đất, rồi đem an táng như người chết bình thường, cũng quần dài, áo the, khăn xếp, cũng quan quách đầy đủ.
Sau này, qua nhiều lần mưa gió, xói mòn, đắp lại, 25 ngôi mộ riêng biệt đã thành một ngôi mộ lớn, dài hơn chục mét như ngày nay. Và cũng từ đó những người dân đi biển không may gặp nạn không vớt được xác, người thân của họ trên đảo đắp mộ gió cho họ…
Theo tập tục cho rằng cây dâu, con tằm là biểu tượng của cuộc sống thiên biến vạn hóa, sự xoay vần của trời đất. Con tằm ăn dâu, nhả ra tơ, đan thành kén, đẻ ra nhộng, sinh ra bướm, mới hóa con tằm. Cũng chính vì vậy mà ông dùng tơ tằm làm những sợi gân cho hình nhân. Cành dâu chẻ đôi xếp vào bụng tượng đất làm xương sườn. Đàn ông 7 nhánh, đàn bà 9 nhánh xương sườn. Xương sống, xương ống tay, ống chân đều được làm bằng thân cây dâu. Một vốc đất đen lấy ở chỗ ngã ba đường được nhào nước cho dẻo rồi nặn thành lá gan.
Đốt cây thụ đao, một giống cây bông trắng, trái chùm mọc nhiều trên đảo Lý Sơn để lấy than làm phổi. Than củi thụ đao rất lạ, cứ quánh vào nhau, trông như lá phổi thật.
Mọi bộ phận của con người, từ mắt, mũi, miệng, tai, đến cả hậu môn, bộ phận sinh dục đều phải đầy đủ như một người thật.
Số đất sét lấy về phải được nặn bằng hết, bởi người ta tin rằng, đất sét còn thừa, rơi vãi, cũng như xương thịt của người chết vẫn còn thất lạc. Những nét cơ bản của người chết phải được thể hiện rõ trên tượng.  Bước cuối cùng là dùng lòng đỏ trứng gà quét lên khắp hình nhân. Khi trứng khô, trông da tượng như da người thật.
Tượng nặn xong thì được mặc quần áo, đồ liệm giống như người thật, linh vị đặt trên mặt, rồi người ta khiêng đặt vào quan tài.
Một cỗ thuyền mô hình, với những mâm lễ được thả xuống biển cúng linh hồn cùng các vị thần ngự ngoài biển khơi. Cúng chiêu hồn xong, người ta tin rằng linh hồn người chết mất xác đã trở về nhập vào hình nhân để an nghỉ, phù hộ cho những người thân còn sống. Người ta thả quan tài xuống huyệt và lấp đất, đắp mồ. Ngày giỗ, người thân ra mộ thắp hương, lễ thanh minh cũng đi tảo mộ như những ngôi mộ khác.
Với khí hậu khô nóng, mưa ít, nắng nhiều, nên những tượng đất dưới mộ ở đảo Lý Sơn được bảo vệ rất tốt. Theo ông Toại, nhiều nấm mộ gió được chôn từ hàng trăm năm trước, khi cải táng ra chỗ khác, tượng hình nhân vẫn nguyên vẹn. Đi khắp đảo Lý Sơn, đến bãi tha ma nào cũng gặp mộ gió. Không có đất, người ta đắp mộ gió cả trong ruộng tỏi, ngay trong vườn nhà
Cũng chính vì lý do dùng đất sét nặn hình người chết mà từ xưa đến nay người dân đảo Lý Sơn không bao giờ dùng đất sét làm nhà.
Những ngày biển động, sóng to gió lớn, những người đàn bà quỳ lạy trước mộ từ chiều đến nhọ mặt người mới đứng lên. Họ cầu linh hồn người đã chết phù hộ cho chồng, con thoát khỏi hiểm nguy trên biển …
Cũng cần nói thêm là công việc của đội Hoàng Sa chuyên lo việc săn tìm, vãng thám, đo đạc, cắm mốc ở Hoàng Sa và Trường Sa là vô cùng gian nan nguy hiểm.. Phương tiện ra khơi ngày ấy khi đó chỉ là những chiến thuyền nhỏ. Mỗi chuyến ra khơi có khi kéo dài tới 6 tháng. Chuyến đi dài ngày, sóng to bão lớn, nên nhiều chiến thuyền đã ra đi mãi mãi, không một người trở về.

[3] Đảo Hữu Nhựt (Robert Island) và đảo Quang Ảnh (Money island)

Bản dập Mộc bản vua Minh Mạng phái suất Phạm Hữu Nhật ra Hoàng Sa

Ngoài cái tên đảo Cam Tuyền (Robert Island) còn có tên đảo Hữu Nhựt và đảo Vĩnh Lạc (Money Island) cũng còn được người dân Việt gọi là đảo Quang Ảnh. Sở dĩ đảo có tên là Hữu Nhựt bởi vì vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836) đã sai viên cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhựt đem binh thuyền ra đảo Hoàng Sa đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cấm mốc, trồng cây, thu lượm hải vật. Sau đó về lại đất liền trình vua. Không có tài liệu cho biết Phạm Hữu Nhựt đã đi bao nhiêu chuyến, nhưng có một điều chắc chắn rằng lần cuối cùng ông ra đi mà không có ngày trở về và gia đình họ tộc cùng với dân trên đảo Cù lao Ré đã an tang cho ông bằng nắm mộ chiêu hồn. Tổ quốc khắc ghi sự hy sinh của ông bằng việc đặt tên ông cho hòn đảo Robert.
Trường hợp của cai đội Phạm Quang Ảnh cũng vậy, tên của ông cũng được đặt cho đảo Money. Cũng một lần đội Hoàng Sa của Phạm Quang Ảnh đã gặp bão, mất tích giữa biển khơi…
Vua Gia Long đau lòng, ra tận đảo làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Hiện tại trên Cù lao Ré, Ngôi mộ gió đầu tiên và dài nhất của ông cùng với 24 đội viên chôn chung vẫn còn hiện diện sau ngôi miếu thiêng thờ hải đội Hoàng Sa nằm giữa đảo, ngôi miếu thờ nay đã loang lổ vết thời gian.

[4] Sắc chỉ Vua Minh Mạng thứ 16 Ất Mùi 1835

    Sắc chỉ cùng con dấu của triều đình sai phái đội thuỷ quân ra Hoàng Sa (Ảnh: Anh San)

Ngày 31.3.2009, Ông Đặng Lên – ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn – đã báo cáo với ngành văn hoá tỉnh Quảng Ngãi về một tài liệu quan trọng liên quan đến đội Hoàng Sa (trích báo LD số 71 ngày 01/04/2009). Đó là sắc chỉ của Vua Minh Mạng phái một đội thuyền gồm 3 chiếc, với 24 lính thuỷ ra đảo Hoàng Sa vào ngày 15 tháng tư năm Minh Mạng thứ 16 (Ất Mùi – 1835) để làm nhiệm vụ bảo vệ hải đảo của Việt Nam.
Sắc chỉ vẫn còn nguyên vẹn với nội dung như sau: “Giao cho ông Võ Văn Hùng ở Lý Sơn chọn thanh niên khỏe mạnh và giỏi nghề bơi lặn để gia nhập đội thuyền, giao ông Đặng Văn Siểm – người có kinh nghiệm đi biển làm người dẫn đường, giao Võ Văn Công đi cùng đội thuyền phụ trách hậu cần…” Tên tuổi những người đi cùng đều có ghi lại rõ.
Ông Đặng Lên, 69 tuổi, người thuộc gia tộc họ Đặng đang giữ sắc chỉ này nhiều đời nay. Ông cho biết sáu đời trước, cụ kỵ ông là một vị đà công xuất sắc, từng lấy thuyền ra ngoài đảo xa thuộc Hoàng Sa để bảo vệ biên cương của tổ quốc.
Gia đình ông quyết định báo cho nhà nước vì cho sắc chỉ mà họ đang giữ trong tay là “vật quý của ông cha, mà con cháu lâu nay không biết dùng”, giờ được phổ biến rộng rãi có thể giúp các thế hệ sau biết nhiều hơn về chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.

[5] Châu bản thời Bảo Đại năm 1939
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An ở Huế đã tìm thấy hai châu bản của vua Bảo Đại tại phủ thờ công chúa Ngọc Sơn (con vua Đồng Khánh, em vua Khải Định và là cô ruột vua Bảo Đại). tọa lạc tại 31 Nguyễn Chí Thanh (TP. Huế). Sở dĩ nhà nghiên cứu Phan Thuận An tìm được và đứng ra công bố tài liệu châu bản quý vì công chúa Ngọc Sơn chính là bà nội của vợ ông. Trung quân đô thống, phò mã Nguyễn Hữu Tiến (chồng của công chúa Ngọc Sơn) – một vị quan có vai vế trong triều đình đã đưa về nhà cất giữ một tập châu bản với khoảng 70 văn bản có chữ phê, chữ ký của vua Bảo Đại. Hiện tại, hai châu bản này đã được bàn giao cho Bộ Ngoại giao để lưu trữ.
Hai tờ châu bản đều có kích cỡ giấy 21,5x31cm và đều có niên đại năm Bảo Đại thứ 13 (1939). Đây là loại giấy tốt, chuyên dùng ở Ngự tiền Văn phòng dưới thời vua Bảo Đại. Bởi vậy, ở góc phía trên bên trái của mỗi tờ, ngoài hai hàng chữ Pháp “Palais Impérial” (Hoàng Cung) và “Cabinet Civil de Sa Majesté” (Ngự tiền Văn phòng), tờ nào cũng có in dòng chữ Hán “Ngự tiền Văn phòng dụng tiên”. “Tiên” là loại giấy có vẽ hình đẹp làm nền, ngày xưa thường dùng để viết thư, cũng thường
gọi là giấy “hoa tiên”.
Phan Thuận An giải thích rằng vào đầu triều Nguyễn, ‘châu bản’ là loại văn thư chữ Hán viết trên giấy, nói về một công việc hay một công lệnh nào đó của triều đình, do các quan ở văn phòng nhà vua soạn thảo và dâng lên vua duyệt khán. Sau khi xem xét nội dung văn bản, nhà vua cho ý kiến của mình, hoặc đồng ý, hoặc bác bỏ, hoặc sửa chữa một số chi tiết trong đó bằng cách dùng bút phê ngay trên văn bản. Nhưng mực của vua dùng để phê ở đây phải là mực màu đỏ (châu), cho nên ý kiến của vua được gọi là ‘châu phê’ và văn bản đã được vua phê duyệt gọi là ‘châu bản’. Ngay sau đó, văn kiện này được các nhân viên của văn phòng nhà vua sao chép ra để gửi đi thi hành. Còn bản chính được lưu trữ ở tòa nhà Đông Các, tức là thư viện của hoàng gia trong Tử Cấm thành.
Về bộ phận văn phòng làm việc bên cạnh nhà vua, từ thời Minh Mạng gọi là ‘nội các’, đến thời Bảo Đại đổi tên là ‘ngự tiền văn phòng’. Các vua trước kia đều phê duyệt bằng chữ Hán với bút lông chấm mực son. Đến thời Bảo Đại, các châu bản được đánh máy bằng tiếng Việt hoặc tiếng Pháp và nhà vua thường phê chuẩn bằng tiếng Việt với chữ ‘Chuẩn’ (nghĩa là đồng ý cho thi hành) và ký tắt hai chữ BĐ (nghĩa là Bảo Đại) bằng bút chì màu đỏ ở ngay dưới chữ Chuẩn”.
Dưới đây là một trong hai tờ châu bản (2 tờ châu bản tuy khác nhau về nội ding và thời gian nhưng có chung một vấn đề)

    Châu bản ngày 15-2-1939 có chữ châu phê của vua Bảo Đại

Vì đây là một văn bản tương đối ngắn gọn nên chúng tôi xin chép lại nguyên văn phần nội dung chính của nó như sau:
Huế, ngày 27 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13
(15 Février 1939)
Ngự tiền văn phòng kính tâu:
Nay văn phòng chúng tôi có tiếp thơ số 177s-sp, ngày 10 tháng 2 năm 1939 của quí khâm sứ đại thần thương rằng ngạch binh thanh khố Trung kỳ có nhiều công lao trong việc dẹp yên các miền man di dấy loạn và việc lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa, nghĩ nên thưởng ngũ hạng Long tinh cho hiệu kỳ ngạch ấy và nhờ chúng tôi tâu lên hoàng đế ban chuẩn.
Phí ngân cấp chỉ và thiệt chất huy chương ấy sẽ do ngân sách Trung kỳ đài thọ.
Chúng tôi có phụng nghĩ dạng bản dụ ngữ ban chuẩn huy chương ấy cho ngạch binh thanh khố Trung kỳ, kính tâu lên hoàng đế tài định, như mông du doãn, hậu chỉ lục tuân.
Nay kính tâu.
Tổng lý đại thần,
Thần:
(ký tên: Trần Đình Tùng)
Bên lề trái của văn bản, nhà vua có phê chữ “Chuẩn” và ký tắt hai chữ BĐ (Bảo Đại).

[6] Thủy Quân Lục Chiến trên quần đảo Hoàng Sa năm 1959
Dưới đây là một đoạn trích trong bài tường thuật của Cổ Tấn Tinh Châu, Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến VNCH: “… Đại đội tôi đang đóng ở Cam Ranh thì được lệnh đem đại đội ra kiểm soát các đảo trong quẩn đảo Hoàng Sa là Pattle (đảo chánh), Robert, Duncan, Drumont và Money. Khi đến quần đảo Hoàng Sa thì tôi đóng quân tại đảo Pattle với 2 trung đội, còn một trung đội thì đóng trên đảo Robert. Hai ngày sau tôi nhận được lệnh di chuyển bằng chiến hạm do HQ Trung Úy Vũ Xuân An làm hạm trưởng đến kiểm soát đảo Ducan, sau này tên Việt Nam là đảo Quang Hòa, cách đảo Pattle chừng 1 giờ 30 phút đi bằng tàu.
Tôi chỉ đi với một trung đội cộng, phần còn lại đóng và giữ hai đảo Pattle và Robert. Tàu chạy được khoảng gần một giờ thì hạm trưởng Vũ Xuân An chiếu ống nhòm và nói với tôi là trên đảo Ducan có lá cờ nhưng không phải là cờ đỏ sao vàng, rồi anh đưa ống nhòm cho tôi xem. Sau khi quan sát kỹ, tôi nói với anh đó là cờ Trung Cộng, cờ đỏ 5 sao vàng.
Tôi và hạm trưởng hội ý với nhau và quyết định dừng tàu lại để báo cáo về Bộ Tư Lệnh Hải Quân, vì thời gian đó TQLC còn dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Sau chừng một tiếng thì chúng tôi nhận được lệnh thượng cấp cho chiếm đảo Ducan. Chiến hạm chở chúng tôi không phải là loại tàu đổ bộ nên tàu phải đậu cách bờ trên một cây số, vì đây là bãi san hô, không thể vào gần hơn được cũng không có xuồng để vào bờ. Tôi có nêu vần đề khó khăn này với hạm trưởng và yêu cầu báo cáo về BTL/HQ thì tôi được lệnh “bằng mọi giá phải chiếm”.
Đây là lúc khó khăn nhất mà tôi “đơn thân độc mã” phải quyết định một mình, không liên lạc được với Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Thành Yên để vấn kế. Không có xuồng thì phải lội trên bãi san hô gập ghềnh ngập nước nông sâu chứ đâu phải bãi cát phẳng phiu như BTL/HQ nghĩ rồi cho lệnh “bẳng mọi giá”! Rõ là lệnh đi với lạc.
Đảo Ducan hình móng ngựa, có cây cối khá nhiều, nhìn lên đảo tôi thấy có hai dẫy nhà vách cây lợp lá, thấp thoáng có bóng người đi lại sinh hoạt bình thường, dường như họ không biết có Hải Quân và TQLC/VN đang chuẩn bị tấn công họ để chiếm lại đảo.
Khi có lệnh phải chiếm đảo bằng mọi giá mà tàu không vào sát bờ được, tàu cũng không có xuồng đổ bộ, để hạn chế tối đa thiệt hại cho đơn vị mình, tôi đã yêu cầu hạm trưởng yểm trợ hải pháo, tác xạ tối đa lên mục tiêu trước khi TQLC đổ bộ. Nhưng sau khi quan sát tình hình trên đảo tôi thay đổi ý định và yêu cầu HQ chỉ tác xạ lên mục tiêu khi chúng tôi đã nổ súng trước. Sở dĩ tôi thay đổi kế hoạch hỏa lực yểm trợ vì những lý do:
Thứ 1: Cờ Trung Cộng rõ ràng trên đảo, nhưng chưa xác định được những người trên đó là quân hay dân hoặc cả hai lẫn lộn nên nếu HQ tác xạ hải pháo lên đảo trước thì chắc chắn có thương vong, chết dân tội nghiệp.
Thứ 2: Dường như lực lượng trên đảo không biết sắp bị tấn công nên tôi chưa xin HQ tác xạ lên mục tiêu trước để giữ yếu tố bất ngờ.
Thứ 3: Nếu trên đảo là quân TC, có vũ khí, khi HQVN nổ súng coi như báo động cho họ chạy ra tuyến phòng thủ thì khi TQLCVN bì bõm lội nước tiến lên thì chắc chắn sẽ là những tấm bia di chuyển dưới nước để quân địch trên bờ tác xạ, thiệt hại cho TQLC là chắc chắn nhưng chưa chắc đã chiếm được đảo.
Đây là những giờ phút quan trọng nhất của các cấp chỉ huy trực tiếp tại mặt trận. Phải thi hành như thế nào giữa cái lệnh thượng cấp “bằng mọi giá” mà cái giá là sinh mạng của người lính? Mạng sống của người lính kéo theo mạng sống của gia đình vợ con họ ở hậu phương. Đành rằng nhiệm vụ của người lính là hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc, nhưng thượng cấp ở tuyến sau, ở hậu phương cứ nhắm mắt ra lệnh bắt lính tại chiến trường hy sinh một cách không cần thiết, hy sinh vô ích cho một mục tiêu không đáng, hay mục đích cá nhân của người ra lệnh thì quả thật lệnh này là lệnh-lạc.
Tình hình địch trên đảo không rõ ràng, không cung cấp phương tiện đổ bộ nhưng lệnh ra thì phải thi hành, mà tôi là cấp chỉ huy trực tiếp tại mặt trận, sống chết của đồng đội, của thuốc cấp nằm trong tay tôi, phải thi hành như thế nào đây? Mạng sống của con người, kể cả hai phía ta va địch đâu phải là con giun con trùng, thượng cấp ở hậu phương đâu có đẻ ra chúng tôi, đâu có biết mạng sống quý như thế nào? Do đó tôi yêu cầu HQ sẵn sàng và chỉ trực xạ và bắn tối đa lên mục tiêu khi có súng của địch quân từ trên đảo bắn vào TQLC chúng tôi đang lội nước, đạp lên đá san hô tiến vào bờ.
Chúng tôi đổ bộ xuống, tiến quân rất chậm và khó vì bước trên đá san hô. Khi đến gần bờ thì nước lại sâu nên tiến quân không nhanh được, có nơi chúng tôi phải kéo binh sĩ lên khỏi những vũng sâu. Vừa tiến quân vừa hồi hộp, nếu lúc này có tiếng súng nổ, dù chỉ một vài cây AK trên đảo bắn ra thì TQLC chịu trận nằm giữa 2 lằn đạn. đạn của địch từ trên dảo bắn ra và hải pháo của quân bạn HQ từ ngoài biển tác xạ vào, thương vong chắc chắn là lớn với cái lệnh là “bẳng mọi giá”! Mà cái giá là chính thân xác của anh em TQLC chúng tôi.
Rất may mắn, phải gọi là may mắn chứ không thể nói là tài ba, lính TQLC không phải là mình đồng da sắt mà bắt xung phong vào lửa đạn, đã không có một tiếng súng nổ khi chúng tôi hô “xung phong” ào ạt tiến lên đảo, bắt được tất cả là 60 ‘thanh niên’ không trang bị vũ khí, rồi đưa ra chiến hạm của Trung úy An bằng xuồng của Trung cộng.
Tôi suy nghĩ đây không phải là thường dân Trung Cộng mà là dân quân, chắc chắn chúng phải có vũ khí, nhưng chúng đã chôn dấu kỹ để khỏi lộ diện là mang quân đi xâm lăng nước láng giềng mà chỉ là giả dạng thường dân đi tha phương “cẩu sực” mà thôi, ngoài ra còn có mục đích để dò phản ứng của VNCH và Hoa Kỳ nữa. Vì vào thời điểm này TC còn quá yếu so với HK. Nghĩ vậy, nhưng đó là chuyện của thượng cấp, còn tôi chỉ là cấp đại đội trưởng TQLC đã hoàn tất nhiệm vụ, đã bắt được ‘dân TC’ trên đảo, có nghĩa là đã thi hành nhiệm vụ xong, không tốn một viên đạn, máu TQLC có chảy nhưng do san hô đâm. Chúng tôi để nguyên hai dẫy nhà đã xây cất 5 hay 6 tháng rồi, chúng tôi chỉ tịch thu lá cờ Trung Cộng mà thôi.
Sau đó chiến hạm cũng phát giác quanh đảo Ducan thêm 5 ghe nữa, chúng tôi đuổi theo bắt được và kéo về đảo chính Pattle nơi Đại Đội 3/TĐ.2/TQLC đóng quân, còn hơn 60 “dân TC” thì đem về Đà Nẵng.
Chiều hôm đó Thiếu Tá Lê Như Hùng CHT/TQLC đã dùng máy bay Dakota (C47) bay vòng vòng trên đảo Pattle để khuyến khích khen ngợi tinh thần anh em binh sĩ, vì ở Hoàng Sa không có sân bay.
Một tuần sau, số người bị bắt trên ghe được đưa trở ra đảo Pattle và thả họ cùng trả mấy chiếc ghe lại cho họ. Còn 60 dân (quân) TC bắt được trên đảo Ducan thì một tháng sau trao trả sang Hồng Kông. Và sau đó thì TQLC chỉ đóng quân trên 2 đảo Pattle và Robert mà thôi, không có ai đóng quân trên đảo Ducan nữa.”

[7] Tại sao Đội Hoàng Sa luôn luôn khởi hành ra khơi đi công tác Hoàng Sa vào tháng 2.
Để giải thích cho sự kiện này, trong dân gian có câu nói: “Tháng ba bà già đi biển”, y nói thời tiết tháng ba là thời tiết đi biển tốt nhứt trong năm, biển êm sóng lặn. Đây là một kinh nghiệm đi biển lâu đời của ngư dân Việt Nam, kinh nghiệm nay cũng được giải thích theo khoa hoc như sau: “Đối với khoa thiên văn, ngoài sự chuyển động của trái đất tự xoay quanh trục Bắc Nam (1 ngày) còn một chuyển động song hành khác là trái đất xoay quanh mặt trời (1năm) với một hiên tượng là trục trái đất nghiêng một góc 23.4 độ đối với trục tưởng tượng thẳng đứng với hoàng đạo, chính điều này tạo nên thời tiết bốn mùa. Theo chu kỳ chuyển động hàng năm, khi cực Bắc trái đất có khuynh hướng gần mặt trời nhứt (cực Nam xa nhứt) thì thời điểm này rơi vào (khoảng) ngày 21 tháng 6 và được được gọi là Hạ chí (Summer Solstice). Sự chuyển động sẽ tiếp diễn đến các thời điểm khác như Thu phân (Autumnal equinox) khoảng 23 tháng 9 (Bắc và Nam cực có khoảng cách đối với mặt trời bắng nhau), rồi Đông chí (Winter Solstice) khoảng 21 tháng 12 (cực Bắc xa mặt trời nhứt) và Xuân phân (Vernal Equinox) khoảng 21 tháng 3 (giống như Thu phân). Rơi vào 2 khoảng thời gian Xuân phân và Thu phân, thời gian giữa ngày và đêm bằng nhau và nhiệt độ không khí trái đất tương đối đồng đều nhau nên không tạo nên những luồn gió mạnh. Gió chỉ được tạo nên bởi sự di chuyển của không khí giữa 2 vùng có nhiệt độ khí hậu nóng lạnh khác nhau. Vì vậy mặt biển thông thường trở nên êm ả vào những ngày trước sau thời điểm Xuân phân và Thu phân có nghĩa là vào khoảng tháng 2 âm lịch và tháng 8 âm lich.

Sơ đồ chuyển động trục trái đất quanh mặt trời

http://hqvnch.org

Sinh Tồn chuyển

BÀN RA TÁN VÀO

Đề bài :"Tiếng Việt, yêu & ghét" - Lê Hữu ( Trần Văn Giang ghi lại )

'vô hình trung' là nghĩa gì vậy, sao cứ thích dùng, hình như có nghĩa là 'vô tình'

Xem Thêm

Đề bài :TIN CHIẾN SỰ MỚI NHẤT[ CẬP NHẬT NGÀY 20 -5 - 2022 ]

Suu cao,thue nang,nhu yeu pham tang gia.Kinh te eo seo...Vay ma dang Lua van lay tien cua dan tro giup linh tinh.Mo cua bien gioi.Ung ho toi ac truc tiep khi sua luat cho phep trom cuop o muc do <1.000 dollars thi vo toi....Neu vao thoi diem Trump,bon Lua da ho hoan nhu the nao ??? Nhung nguoi bau ban vi chut tu loi ,nghi gi ve dat nuoc ??? Phai chang day khong phai la dat nuoc minh ??? bat qua,lai tro ve que huong cu...Neu vay,ban la thang cho chet ! mien ban !

Xem Thêm

Đề bài :Tin Mới Nhất Về Chiến Sư Ucraina [ CẬP NHẬT NGÀY 14-5-2022 ]

Chung nao moi vet nho cua ho nha Dan da duoc tay xoa trang boc,thi Uk moi co hy vong...ngung chien.Cung vay,ngay nao ma cac cong ty ,co goc gac tu cac dang bac nu luu-anh hao cua khoi tu do va ong chief police va dang Lua thi moi giai xong phuong trinh tau cong !

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Hình cũ - Hà Thượng Thủ

Ngắm lại hình xưa chịu mấy ông Những Linh, Tùng, Duẫn với Mười, Đồng Mặt mày ai lại đi hồ hởi Phấn khởi khi Tàu cướp Biển Đông Phải chăng “quý” mặt đã thành mông Con mắt nay đà có nhưng không Nên mới chổng khu vào hải đảo Gia tài gấm vóc của tổ tông?

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm