Đà Nẵng là thành phố có lượng khách du lịch đến khá đông. Và thời điểm hiện tại đang là mùa cao điểm du khách đi tắm biển. Những tin tức về việc nước biển nhiễm độc sẽ khiến cho du khách không dám đến thành phố này để thăm thú, vui chơi.
Cali Today News - Không như thông báo gửi đến các cơ quan truyền thông trước đó, chiều ngày 27/4, Bộ Tài nguyên- Môi trường đã bất ngờ hủy buổi họp báo để công bố nguyên nhân cái chết hàng loạt tại các tỉnh duyên hải miền Trung. Tuy vậy, Bộ này vẫn chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghe phúc trình về nguyên nhân cá chết hàng loạt. Việc làm này của Bộ Tài nguyên- Môi trường khiến dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng có điều gì khuất tất nên Bộ này mới phải giấu dư luận?
Mãi cho đến hiện nay, người dân vẫn phải sống trong nỗi lo lắng, họ vẫn chưa được chính quyền cho biết nguyên nhân cá chết hàng loạt. Trong khi đó, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, các nhà khoa học đã cho biết, cá chết tại địa phương này là do bị nhiễm phải loại độc tố cực độc trong nước biển khiến cá chết hàng loạt.
Tình trạng cá chết hàng loạt đã không dừng lại ở Thừa Thiên- Huế. Sáng ngày 27/4, người dân Đà Nẵng khi đi tắm biển đã phải bàng hoàng sửng sờ khi thấy rất nhiều cá chết trôi dạt vào bờ biển. Như vậy, nước biển nhiễm độc rất có thể đã lan đến vùng biển Đà Nẵng. Không có cơ sở nào để khẳng định rằng, vùng duyên hải ở các tỉnh phía Nam Đà Nẵng sẽ không bị lây lan.
Nước biển nhiễm độc đã lan đến Đà Nẵng. Ảnh: Tuổi Trẻ
Trước tin tức cá chết hàng loạt đã lan đến Đà Nẵng, quan chức thành phố này vẫn chưa có câu trả lời cụ thể. Đây là động thái quen thuộc đối với quan chức CSVN.
Đến trưa ngày 27/4, khi trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Điều- Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường nói rằng, ông vẫn chưa nhận được bất kỳ tin tức nào liên quan đến hiện tượng cá chết. Dường như, Sở Tài nguyên-Môi trường ở Đà Nẵng không hề có bất kỳ ứng phó nào đối với tình trạng nước biển nhiễm độc. Cho dù, Đà Nẵng là thành phố cận kỳ tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Đà Nẵng là thành phố có lượng khách du lịch đến khá đông. Và thời điểm hiện tại đang là mùa cao điểm du khách đi tắm biển. Những tin tức về việc nước biển nhiễm độc sẽ khiến cho du khách không dám đến thành phố này để thăm thú, vui chơi.
Những con số thiệt hại do nước biển bị nhiễm độc không thể nào thống kê hết. Chỉ tính riêng Hà Tĩnh, tỉnh này đã có đến 100 tấn nghêu chết trắng ở vùng bãi biển. Hàng chục hộ dân đang phải lâm vào cảnh nợ nần. Đau lòng nhất là nghêu bị chết lại đang vào mùa thu hoạch để phục vụ cho mùa du lịch biển.
Nghêu bị nhiễm độc chết hàng loạt, bà con phải xúc nghêu đem đổ. Ảnh: Tuổi Trẻ
Trong khi đó, bất chấp việc cá chết hàng loạt, người dân chẳng dám ăn cá biển nhưng tại thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) vẫn xuất hiện hàng chục chiếc thuyền nhỏ dong thuyền đi đánh bắt. Điều đáng nói là vị trí họ đánh bắt chỉ cách bờ khoảng vài chục mét. Theo những người dân địa phương cho biết, đa số không phải là dân địa phương, mà là ngư dân thuộc huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) vào đánh bắt.
Một người dân địa phương cho hay, những ngư dân từ Hà Tĩnh vào nói rằng, do vùng biển ngoài đó không còn con cá nào sống nên họ phải dạt vào tận Quảng Bình để đánh bắt. Tất cả số cá mà họ đánh bắt được sẽ đem bán cho những chiếc xe đông lạnh. Thật khó có thể biết số cá đó sẽ đem làm thực phẩm cho gia súc hay đem bán cho những nhà hàng ở các khu du lịch.
Dư luận cho rằng, việc nước biển bị nhiễm độc là do chất thải được xả ra từ nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa. Tuy nhiên, vào ngày 26/4, công ty Formosa Hà Tĩnh đã ra thông cáo nói rằng, công ty này không liên can đến việc nước biển bị nhiễm độc. Cho đến tận bây giờ, cho dù rất nhiều cơ quan điều tra địa phương (Hà Tĩnh) và đến cả Trung ương đến tìm hiểu nhưng vẫn chưa có bất kỳ kết luận nào khẳng định nước biển nhiễm độc là do Formosa. Cùng với đó, Formosa còn mong các cơ quan có trách nhiệm sớm tìm ra nguyên nhân để "giải oan" cho họ.
Theo những gì đang diễn ra tại các tỉnh duyên hải miền Trung, dư luận có lý khi cho rằng, ngọn nguồn vấn đề đều do Formosa mà ra. Mới đây, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, một người nhái chuyên lặn tại cảng Sơn Dương (Formosa) đã bị nhiễm độc đồng. Cũng như người nhái đã tử vong trước đây, anh này cũng là người Khánh Hòa và được thuê lặn tại cảng Sơn Dương để phục vụ việc xây dựng cảng nước sâu.
Theo những tin tức mà chúng tôi có được, không phải chỉ 5 người nhái được đưa đi điều trị, bệnh viện Trung ương Huế đã đón nhận tất cả 9 người. Tất cả họ được đưa đi bệnh viện vì sức khỏe trong người có vấn đề. Họ đều làm công việc lặn tại vùng biển Vũng Áng.
Không phải chỉ người dân ở các vùng bị ảnh hưởng bởi nước biển nhiễm độc, mà đông đảo người dân cả nước đang rất tức tối trước việc xả thải của công ty Formosa. Dư luận đòi hỏi phải đóng cửa nhà máy, không để cho Formosa tiếp tục đầu độc người dân.
Trong khi đó, chính quyền dường như đang rất lo sợ sẽ có một cuộc bạo động để chống lại "khu tự trị" Formosa. Từ những người dân địa phương tại Kỳ Anh cho biết, Bộ Công an đã điều động đến nơi này một lực lượng công an rất đông, nhằm ứng phó cơn thịnh nộ của người dân. Cùng với đó, công an còn nói rằng, dường như có âm mưu kích động người dân nhằm phá hoại nhà máy Formosa.
Tại Kỳ Anh hiện nay đang rất căng thẳng. Mới đây, chính quyền đã tổ chức một cuộc diễn tập chống bạo động tại Hà Tĩnh nhằm chuẩn bị cho những tình huống xấu có thể xảy ra.
Người Quan Sát CaliToDay