Lịch Sử, Quân Sử & Huyền Thoại
Các tổng thống Mỹ và việc lạm dụng Churchill
Nguồn: Ian Buruma ,“Abusing Churchill,” Project Syndicate, 08/12/2016.
Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng
Bức tượng bán thân bằng đồng của Winston Churchill, được trưng bày tại Nhà Trắng từ những năm 1960, là chủ đề bàn tán không ngớt của phe cánh hữu tại Washington. Có tin cho rằng khi dọn vào Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama đã trả bức tượng về Đại Sứ quán Anh để thể hiện ông không ưa gì nước Anh. Thật ra Obama chưa từng làm vậy. Bức tượng ấy vẫn luôn nằm trong Nhà Trắng, chỉ trừ một khoảng thời gian ngắn phải mang đi sửa chữa dưới thời Tổng thống George W. Bush.
Nhưng Obama cũng đúng nếu như ông thật sự di dời bức tượng. Việc sùng bái Churchill chưa từng mang đến lợi ích toàn diện cho nước Mỹ. Có quá nhiều tổng thống Mỹ tự cho mình là truyền nhân đích thực của Churchill. Bush cũng có một bản sao của bức tượng, được Tony Blair cho mượn, đặt trong Phòng Bầu dục. Ông thích khắc họa bản thân mình như một “tổng thống thời chiến,” một “nhà hoạch định,” và một “lãnh tụ vĩ đại” như Churchill. Ông thích mặc quân phục. Và ông cũng đẩy đất nước vào một cuộc chiến ngu ngốc.
Ông bạn chí thân người Anh của Donald Trump, Nigel Farage, cựu lãnh đạo của Đảng Độc lập Anh Quốc (UKIP) từng đề nghị Trump đặt lại bức tượng vào Phòng Bầu dục. Trump coi đó là ý tưởng tuyệt vời.
Trump là nhân vật ít phù hợp nhất để tự đưa mình vào khuôn mẫu của Churchill. Nếu nói ông có quan điểm nhất quán về thứ gì đó, thì đó là việc ông thù địch với hầu hết những gì Churchill đứng ra bảo vệ. Quan điểm “nước Mỹ trên hết” của ông, tách biệt với các đồng minh phương Tây, chính là thái độ chống lại những gì mà Churchill và Franklin D. Roosevelt đã đấu tranh để đánh bại Đế chế thứ Ba của Hitler.
Mùa hè 75 năm trước, trước khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, Churchill và Roosevelt đã gặp nhau tại Vịnh Placentia, Newfoundland, để bày ra những lý tưởng của mình về một thế giới hậu chiến. Hiến chương Đại Tây Dương ra đời sau đó bao gồm tất cả những gì mà Trump dường như phản đối: hạ thấp các rào cản thương mại, hợp tác kinh tế, và nâng cao phúc lợi xã hội.
Khi Hitler đã bị đánh bại, Churchill là một người ủng hộ sự thống nhất châu Âu, ngay cả khi chính ông còn không rõ về vai trò của Anh trong liên minh tương lai. Chiến dịch ủng hộ Brexit của Farage, thường mượn luận điệu thời chiến của Churchill về thời khắc khải hoàn của nước Anh khi bảo vệ nền dân chủ khỏi ách bạo quyền, cũng nhằm mục tiêu phá bỏ chính dự án mà Churchill từng ủng hộ.
“Mối quan hệ đặc biệt” giữa Mỹ và Anh, được thiết lập trong Thế chiến II, chưa bao giờ thực chất như Churchill và những người khác muốn tin. Với vị thế siêu cường thống trị sau cuộc chiến, Mỹ đã theo đuổi những lợi ích của riêng mình bất kể Anh có thích hay không. Niềm kiêu hãnh của Anh khi đứng trơ trọi chống lại Đức Quốc xã và quan niệm tự phóng đại rằng mình là đối tác đặc biệt của Mỹ đã ngăn Anh thể hiện đầy đủ sức mạnh của một cường quốc trong EU.
Các nhà lãnh đạo Mỹ đôi lúc cũng đãi bôi về mối quan hệ đặc biệt đó để tâng bốc các thủ tướng Anh đến thăm hoặc đẩy Anh vào những cuộc phiêu lưu quân sự mập mờ. Đã có những cuộc nói chuyện về việc đưa mối quan hệ ấy vào giai đoạn mới trong thời đại của Trump và Brexit. Trong khi Obama cảnh báo rằng nước Anh khi tách khỏi EU sẽ phải chịu thiệt thòi trong các thỏa thuận thương mại đặc biệt, Chủ tịch Hạ viện Paul D. Ryan gần đây lại tuyên bố rằng Mỹ nên nhanh chóng đưa ra một thỏa thuận mới với Anh để thể hiện “tình đoàn kết” với một “đồng minh không thể thiếu.”
Sự mềm mỏng đặc biệt của Mỹ đối với nước Anh hậu Brexit – Trump tự gọi mình một cách kỳ quặc là “Ngài Brexit” – gợi ý việc tăng cường tình đoàn kết của hai quốc gia bằng việc theo đuổi hình thức chủ nghĩa dân tộc kinh tế của mỗi nước. Một lần nữa, điều này chính là con đường mà Churchill và Roosevelt tìm cách tránh; suy cho cùng, chủ nghĩa dân tộc kinh tế là một trong những lý do khiến người châu Âu gần như đã hủy hoại toàn bộ châu lục của mình.
Đương nhiên, việc Trump yêu mến Brexit có thể chỉ là lời nói, giống như rất nhiều thứ khác mà ông bầu lớn này phát biểu mà thôi. Khó mà tưởng tượng Mỹ sẽ gây nguy hại cho các lợi ích kinh tế của mình bằng việc ưu tiên Anh mà bỏ qua lợi ích lớn hơn của mình tại phần còn lại của châu Âu.
Nhưng lời nói cũng rất quan trọng, như Churchill hiểu rất rõ. Một lần nữa, luận điệu của Trump cùng những người ủng hộ ông và cả những người ủng hộ Brexit đã rời rất xa tinh thần của Hiến chương Đại Tây Dương. Nói về các chủ ngân hàng quốc tế nham hiểm và “những công dân không quốc tịch” khác (cụm từ của Thủ tướng Anh Theresa May), cùng với tầng lớp tinh hoa tự do không gốc rễ, những người “bình thường,” “thực tế,” và “đàng hoàng” (cách nói của Farage) là dấu hiệu của tuyên truyền bài Do Thái từng nổi lên trên khắp châu Âu trong những năm 1930. Và chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra phản ứng của Churchill trước thái độ niềm nở của Trump và các nhóm cực hữu châu Âu với nước Nga của Vladimir Putin.
Không điều nào trong số này có nghĩa là Churchill luôn đúng hay là một hình tượng để noi theo. Ông là một tượng đài vào năm 1940 khi nâng cao nhuệ khí của nước Anh; khi nhuệ khí là điều duy nhất người Anh có lợi thế. Nhưng ông không phải là một hình mẫu chính trị gia tốt trong những giai đoạn ít ngặt nghèo hơn. Quan điểm của ông về chế độ thực dân đã hết thời trước cuộc chiến và trở thành quan điểm phân biệt chủng tộc lỗi thời khi chiến tranh kết thúc. Những ý tưởng lãng mạn về sự ưu vượt về mặt đạo đức của các dân tộc nói tiếng Anh cũng lỗi thời trong thời đại của ông, và ngớ ngẩn ngạo mạn thời nay.
Nhưng Churchill không nhỏ nhặt hay tỉnh lẻ. Tầm nhìn của ông, ít nhất là nói trong thế giới phương Tây, có thể lãng mạn nhưng cũng có một sự cao quý nhất định. Không thể nói như vậy về ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng. Ý tưởng rằng Trump, với sự cố vấn của Farage, sử dụng bức tượng bán thân bằng đồng của Churchill như một vật tổ có thể khiến chính Churchill phải rùng mình.
Ian Buruma là Giáo sư về Dân chủ, Nhân quyền, và Báo chí tại Bard College. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and The Limits of Tolerance và Year Zero: A History of 1945.
( Nghiên Cứu Quốc Tế )
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
- "Người Do Thái và Nước Mỹ" - by Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Ý Kiến Về Hai Chữ GIAO CHỈ" - Tôn Thất Tuệ / Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Ý Kiến Về Hai Chữ GIAO CHỈ" - Tôn Thất Tuệ / Trần Văn Giang (ghi lại).
- "Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm Nhà tiên tri của Việt tộc" - Trần Văn Giang (ghi lại)
- "Giao Chỉ hay Giao Châu?" - Hồ Bạch Thảo - Trần Văn Giang (ghi lại)
Các tổng thống Mỹ và việc lạm dụng Churchill
Nguồn: Ian Buruma ,“Abusing Churchill,” Project Syndicate, 08/12/2016.
Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng
Bức tượng bán thân bằng đồng của Winston Churchill, được trưng bày tại Nhà Trắng từ những năm 1960, là chủ đề bàn tán không ngớt của phe cánh hữu tại Washington. Có tin cho rằng khi dọn vào Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama đã trả bức tượng về Đại Sứ quán Anh để thể hiện ông không ưa gì nước Anh. Thật ra Obama chưa từng làm vậy. Bức tượng ấy vẫn luôn nằm trong Nhà Trắng, chỉ trừ một khoảng thời gian ngắn phải mang đi sửa chữa dưới thời Tổng thống George W. Bush.
Nhưng Obama cũng đúng nếu như ông thật sự di dời bức tượng. Việc sùng bái Churchill chưa từng mang đến lợi ích toàn diện cho nước Mỹ. Có quá nhiều tổng thống Mỹ tự cho mình là truyền nhân đích thực của Churchill. Bush cũng có một bản sao của bức tượng, được Tony Blair cho mượn, đặt trong Phòng Bầu dục. Ông thích khắc họa bản thân mình như một “tổng thống thời chiến,” một “nhà hoạch định,” và một “lãnh tụ vĩ đại” như Churchill. Ông thích mặc quân phục. Và ông cũng đẩy đất nước vào một cuộc chiến ngu ngốc.
Ông bạn chí thân người Anh của Donald Trump, Nigel Farage, cựu lãnh đạo của Đảng Độc lập Anh Quốc (UKIP) từng đề nghị Trump đặt lại bức tượng vào Phòng Bầu dục. Trump coi đó là ý tưởng tuyệt vời.
Trump là nhân vật ít phù hợp nhất để tự đưa mình vào khuôn mẫu của Churchill. Nếu nói ông có quan điểm nhất quán về thứ gì đó, thì đó là việc ông thù địch với hầu hết những gì Churchill đứng ra bảo vệ. Quan điểm “nước Mỹ trên hết” của ông, tách biệt với các đồng minh phương Tây, chính là thái độ chống lại những gì mà Churchill và Franklin D. Roosevelt đã đấu tranh để đánh bại Đế chế thứ Ba của Hitler.
Mùa hè 75 năm trước, trước khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, Churchill và Roosevelt đã gặp nhau tại Vịnh Placentia, Newfoundland, để bày ra những lý tưởng của mình về một thế giới hậu chiến. Hiến chương Đại Tây Dương ra đời sau đó bao gồm tất cả những gì mà Trump dường như phản đối: hạ thấp các rào cản thương mại, hợp tác kinh tế, và nâng cao phúc lợi xã hội.
Khi Hitler đã bị đánh bại, Churchill là một người ủng hộ sự thống nhất châu Âu, ngay cả khi chính ông còn không rõ về vai trò của Anh trong liên minh tương lai. Chiến dịch ủng hộ Brexit của Farage, thường mượn luận điệu thời chiến của Churchill về thời khắc khải hoàn của nước Anh khi bảo vệ nền dân chủ khỏi ách bạo quyền, cũng nhằm mục tiêu phá bỏ chính dự án mà Churchill từng ủng hộ.
“Mối quan hệ đặc biệt” giữa Mỹ và Anh, được thiết lập trong Thế chiến II, chưa bao giờ thực chất như Churchill và những người khác muốn tin. Với vị thế siêu cường thống trị sau cuộc chiến, Mỹ đã theo đuổi những lợi ích của riêng mình bất kể Anh có thích hay không. Niềm kiêu hãnh của Anh khi đứng trơ trọi chống lại Đức Quốc xã và quan niệm tự phóng đại rằng mình là đối tác đặc biệt của Mỹ đã ngăn Anh thể hiện đầy đủ sức mạnh của một cường quốc trong EU.
Các nhà lãnh đạo Mỹ đôi lúc cũng đãi bôi về mối quan hệ đặc biệt đó để tâng bốc các thủ tướng Anh đến thăm hoặc đẩy Anh vào những cuộc phiêu lưu quân sự mập mờ. Đã có những cuộc nói chuyện về việc đưa mối quan hệ ấy vào giai đoạn mới trong thời đại của Trump và Brexit. Trong khi Obama cảnh báo rằng nước Anh khi tách khỏi EU sẽ phải chịu thiệt thòi trong các thỏa thuận thương mại đặc biệt, Chủ tịch Hạ viện Paul D. Ryan gần đây lại tuyên bố rằng Mỹ nên nhanh chóng đưa ra một thỏa thuận mới với Anh để thể hiện “tình đoàn kết” với một “đồng minh không thể thiếu.”
Sự mềm mỏng đặc biệt của Mỹ đối với nước Anh hậu Brexit – Trump tự gọi mình một cách kỳ quặc là “Ngài Brexit” – gợi ý việc tăng cường tình đoàn kết của hai quốc gia bằng việc theo đuổi hình thức chủ nghĩa dân tộc kinh tế của mỗi nước. Một lần nữa, điều này chính là con đường mà Churchill và Roosevelt tìm cách tránh; suy cho cùng, chủ nghĩa dân tộc kinh tế là một trong những lý do khiến người châu Âu gần như đã hủy hoại toàn bộ châu lục của mình.
Đương nhiên, việc Trump yêu mến Brexit có thể chỉ là lời nói, giống như rất nhiều thứ khác mà ông bầu lớn này phát biểu mà thôi. Khó mà tưởng tượng Mỹ sẽ gây nguy hại cho các lợi ích kinh tế của mình bằng việc ưu tiên Anh mà bỏ qua lợi ích lớn hơn của mình tại phần còn lại của châu Âu.
Nhưng lời nói cũng rất quan trọng, như Churchill hiểu rất rõ. Một lần nữa, luận điệu của Trump cùng những người ủng hộ ông và cả những người ủng hộ Brexit đã rời rất xa tinh thần của Hiến chương Đại Tây Dương. Nói về các chủ ngân hàng quốc tế nham hiểm và “những công dân không quốc tịch” khác (cụm từ của Thủ tướng Anh Theresa May), cùng với tầng lớp tinh hoa tự do không gốc rễ, những người “bình thường,” “thực tế,” và “đàng hoàng” (cách nói của Farage) là dấu hiệu của tuyên truyền bài Do Thái từng nổi lên trên khắp châu Âu trong những năm 1930. Và chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra phản ứng của Churchill trước thái độ niềm nở của Trump và các nhóm cực hữu châu Âu với nước Nga của Vladimir Putin.
Không điều nào trong số này có nghĩa là Churchill luôn đúng hay là một hình tượng để noi theo. Ông là một tượng đài vào năm 1940 khi nâng cao nhuệ khí của nước Anh; khi nhuệ khí là điều duy nhất người Anh có lợi thế. Nhưng ông không phải là một hình mẫu chính trị gia tốt trong những giai đoạn ít ngặt nghèo hơn. Quan điểm của ông về chế độ thực dân đã hết thời trước cuộc chiến và trở thành quan điểm phân biệt chủng tộc lỗi thời khi chiến tranh kết thúc. Những ý tưởng lãng mạn về sự ưu vượt về mặt đạo đức của các dân tộc nói tiếng Anh cũng lỗi thời trong thời đại của ông, và ngớ ngẩn ngạo mạn thời nay.
Nhưng Churchill không nhỏ nhặt hay tỉnh lẻ. Tầm nhìn của ông, ít nhất là nói trong thế giới phương Tây, có thể lãng mạn nhưng cũng có một sự cao quý nhất định. Không thể nói như vậy về ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng. Ý tưởng rằng Trump, với sự cố vấn của Farage, sử dụng bức tượng bán thân bằng đồng của Churchill như một vật tổ có thể khiến chính Churchill phải rùng mình.
Ian Buruma là Giáo sư về Dân chủ, Nhân quyền, và Báo chí tại Bard College. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and The Limits of Tolerance và Year Zero: A History of 1945.
( Nghiên Cứu Quốc Tế )