Màu đen tiếp tục ngự trị trên trang nhất báo Pháp
Le Figaro, với manchette trên nền đen thay vì màu xanh lơ như thường lệ, chạy tựa trang nhất « Nước Pháp tràn ngập nỗi xúc động », với bức ảnh đông đảo người biểu tình giơ cao biểu ngữ « Je suis Charlie » (Tôi là Charlie). Trong ngày quốc tang hôm qua, người dân Pháp đoàn kết lại trong im lặng, tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố ở tòa soạn Charlie Hebdo.
Cũng trên nền đen, tờ Aujourd’hui en France đăng ảnh những bó hoa tràn ngập trước chân dung các nhà báo bị sát hại, chạy tựa « Chuyện kể khủng khiếp của những người sống sót », và bên trong dành 20 trang cho hồ sơ « Je suis Charlie ». Cũng với hình ảnh đám đông biểu tình mỗi người đều cầm tờ giấy mang dòng chữ « Je suis Charlie », nhật báo công giáo La Croix ghi nhận « Một sự thức tỉnh trên cả nước » : vô số sáng kiến trên toàn quốc vinh danh các nạn nhân, và một cuộc biểu tình lớn sẽ diễn ra vào Chủ nhật tới.
Nhật báo kinh tế Les Echos nhắc nhở : « Đối mặt với khủng bố là thử thách của công cuộc đoàn kết quốc gia ». Libération chạy tựa « Cuộc truy lùng » với hình ảnh một người cảnh sát đặc nhiệm với đoàn xe trên đường truy tìm các hung thủ tối qua ở vùng Picardie .Nhật báo cộng sản L’Humanité cũng với ảnh trang nhất là làn sóng người biểu tình đông đảo, kêu gọi : « Tất cả đứng dậy chống lại hận thù ». Trên nền đen của một biển người, Le Monde khẳng định đây là « Sự kiện ngày 11 tháng 9 của nước Pháp ».
« Tôi là Charlie »
Trong bài xã luận mang tựa đề « Tự do, cùng đứng vững bên nhau », Le Monde viết : Xúc động, sững sờ đồng thời phẫn nộ và quyết tâm, những ngôn từ khó thể biểu đạt nổi tầm vóc của cú sốc trên khắp nước Pháp, sau vụ tấn công khủng bố vào tuần báo Charlie Hebdo.
Theo tờ báo, cú sốc này đưa người Pháp về với thời kỳ của vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 vào nước Mỹ, gây căm phẫn trên toàn thế giới.
Giữa thanh thiên bạch nhật và ngay giữa thủ đô Paris, những kẻ cuồng tín máu lạnh đã giết hại một cách hèn hạ các nhà báo, các họa sĩ, nhân viên và cả các cảnh sát có nhiệm vụ bảo vệ họ. Mười hai cái chết, bị sát hại bằng súng liên thanh, đa số ngay tại trụ sở của tờ báo chủ trương tự do và độc lập này. Trong đó có những tên tuổi như các họa sĩ Cabu, Charb, Honoré, Tignous, Wolinski, nhà kinh tế Bernard Maris. Từ nhiều năm qua, nhiều thập kỷ qua, bằng ngòi bút trào lộng, họ đã chiến đấu chống lại những kẻ quá khích, tố cáo những hành động ngu xuẩn.
Từ mười năm qua, họ bị đe dọa và họ biết thế : những tên cuồng tín về Thượng đế của đạo Hồi luôn thù hận những người dám « báng bổ » tiên tri của chúng. Nhưng ê-kíp Charlie Hebdo không hề lùi bước. Mỗi tuần, với vũ khí là những cây bút chì đơn sơ, họ tiếp tục cuộc chiến cho tự do tư tưởng và tự do biểu đạt. Một số không giấu diếm nỗi sợ, nhưng tất cả rốt cuộc đều vượt qua được sợ hãi. Là các chiến binh của tự do – tự do của chúng ta – tất cả đều đã chết. Chết vì những bức biếm họa.
Thông qua những nhà báo ấy, chính là tự do ngôn luận – của báo chí cũng như tất cả các công dân – đang bị đe dọa. Chính sự tự do này mà bọn sát nhân muốn triệt hạ dưới những lằn đạn. Sự gắn bó với tự do chính là trái tim của nền dân chủ. Nhưng bọn thánh chiến đã nhắc nhở một cách thô bạo rằng tự do tư tưởng và ngôn luận là mối đe dọa không thể dung thứ cho luật của Thượng đế mà chúng mơ sẽ áp đặt.
Tờ báo kết luận, vâng, « chúng ta đều là Charlie ». Đó là câu trả lời tốt nhất cho hành động tuyên chiến của bọn cuồng tín, và là bổn phận đối với các nạn nhân.
Ác thú mang khuôn mặt người
Các hung thủ là người như thế nào ? Nhiều tờ báo cùng tìm cách vẽ lại chân dung của hai tên sát thủ, thông qua lời kể của những người quen biết, hàng xóm, cũng như những thông tin về vụ án trước đây liên quan đến việc đưa người đi thánh chiến ở Irak.
Theo lời mô tả của các láng giềng, và các tiểu thương cạnh khu nhà xã hội nơi Chérif Kouachi cư ngụ, thì hai vợ chồng đều là những người kín tiếng. Chérif thậm chí còn sẵn sàng giúp đỡ một số người xung quanh khi cần mang giúp đồ đạc, người vợ thì luôn trùm kín khăn choàng Hồi giáo từ đầu đến chân, chỉ chừa có đôi mắt. Lãnh trợ cấp xã hội, anh ta khi bán cá trong một siêu thị, khi lại bán các vật dụng cầu nguyện và đồ thờ cúng ở chợ. Hai anh em thường xuyên đi dự những buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu. Một giáo sĩ Hồi giáo cho biết, khi ông kêu gọi tín đồ đi bầu cử Tổng thống, Saïd đã giận dữ bỏ ra khỏi đền thờ - những kẻ cuồng tín đều coi những người ôn hòa là « kẻ phản bội ».
Giám sát và tự do cá nhân
Một khi tội ác đã phạm, cuộc điều tra thường vạch ra được cuộc sống hai mặt của các thủ phạm, vốn tỏ ra là những người láng giềng bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Với nhận định này, bài xã luận « Nhân danh tự do của chúng ta » trên tờ Le Figaro đặt ra vấn đề, hàng chục và có lẽ hàng trăm kẻ cực đoan sẵn sàng hành động nhân danh Thượng đế, trên lãnh thổ nước Pháp. Làm thế nào nhận diện, giải giới và vô hiệu hóa để chúng không thể giết người ?
Theo Le Figaro, đây là một mối đe dọa bất cân xứng. Một bên là Nhà nước dân chủ, với luật lệ và lực lượng an ninh công khai bảo vệ an toàn cho các công dân. Một bên là bọn khủng bố giấu mặt, có tổ chức ít nhiều, hành động bất định không thể đoán trước và muốn phá hoại tất cả. Sau vụ thảm sát ở Charlie Hebdo hôm thứ Tư và vụ nổ súng ở Montrouge hôm qua, người ta không thể không đặt ra câu hỏi, khi nào và ở đâu sẽ xảy ra vụ tấn công mới ?
Nhắc lại những cái tên Mohamed Merad, sát thủ ở Toulouse, Mehdi Nemmouche ở Bruxelles và nay là Chérif Kouachi, Le Figaro nhấn mạnh tất cả đều có quá trình tương tự. Tất cả đều bị nhồi sọ thánh chiến, đều có tiền án và có tên trong danh sách cần theo dõi. Nhưng tất cả bọn chúng lại được tự do di chuyển trước khi trở thành những quả bom người. Sự nguy hiểm chưa được đánh giá đúng mức ? Có thể nói như thế.
Đã hẳn thử thách là rất lớn lao, đặt ra cho mọi nền dân chủ, gắn bó với nguyên tắc thiêng liêng về tự do cá nhân. Không ai có thể được an toàn, và những thảm kịch lặp đi lặp lại. Tại Pháp, luật chống khủng bố mới vừa được thông qua. Cần phải đi xa hơn nữa hay không ? Le Figaro cho rằng chắc chắn phải như thế. Theo tờ báo, việc giám sát thường xuyên, không ngơi nghỉ « những kẻ thù từ bên trong này » - từ ngữ của Thủ tướng Manuel Valls - là phương tiện duy nhất để bảo vệ người dân. Đó là cái giá của sự an toàn, nhân danh tự do của tất cả chúng ta.
Đâu là Thượng đế của tình thương ?
Còn nhật báo La Croix than thở « Và Thượng đế trong tất cả những chuyện này », khi nêu vấn đề bọn khủng bố đã tuyên chiến với Charlie Hebdo đã hành động nhân danh Thượng đế và Hồi giáo, cho rằng câu hỏi này trước hết được đặt ra cho những người theo đạo Hồi.
Những kẻ thánh chiến cực đoan liệu có liên quan gì đến đức tin của họ, hay chỉ là một sự lạc lối, khoác nhầm lên chiếc áo Hồi giáo ? Đối với hầu hết các giáo sĩ và tín đồ Hồi giáo, tín ngưỡng này không có điểm gì chung với bọn sát nhân. Họ lên án bạo lực, một số thậm chí còn cảm thấy bực bội khi phải biện minh, trong khi họ nghĩ mình hoàn toàn là người Pháp, hoàn toàn là một công dân của nước cộng hòa.
Tờ báo nhấn mạnh, chính các tín đồ cần nói lên và cần chứng minh, rằng Thượng đế của mình là một Thượng đế của hòa bình và tình thương. Còn đối với những người ngoại đạo, cần nhìn nhận tín ngưỡng không phải là những điều sai trái như thế, và việc chối từ Thượng đế cũng dẫn đến những thảm kịch.
Tác giả kết luận, khi đọc những lời phân ưu và vinh danh của nhiều người, trong đó có cả Đức Giáo hoàng, mà một ngày đó chợt thấy mình bị châm biếm trên trang nhất Charlie Hebdo, khi nghe tiếng chuông cầu nguyện ở nhà thờ Đức Bà Paris cũng như ở Lourdes cho các nạn nhân…rõ ràng là sự trào lộng không có phe phái cũng không có biên giới.
Quyền thông tin và nghĩa vụ im lặng
Ở góc độ báo chí, bài viết mang tựa đề « Quyền thông tin và nghĩa vụ im lặng », trên trang diễn đàn của Le Figaro, nêu ra trách nhiệm cá nhân của các nhà báo trong việc thông tin.
Vụ thảm sát ở Charlie Hebdo từ lúc 11 giờ 30 trưa hôm thứ Tư 07/01/2015 đã trở thành một chương trình đặc biệt khổng lồ, với tường thuật chi tiết của báo giấy, báo mạng, đài phát thanh, đài truyền hình…
Trước đây các phóng viên theo dõi từng giây từng phút công việc của cảnh sát, nhưng các yếu tố được tiết lộ thường được tiết chế. Còn bây giờ, theo nhìn nhận của Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve, lực lượng an ninh gặp rất nhiều khó khăn khi các nghi can có thể theo dõi gần như trực tiếp công việc của cảnh sát, trên truyền thông và mạng xã hội.
Trước những sự kiện bi thảm nhưng không kém phần ly kỳ đang diễn ra, thông tin như thế nào trong cuộc chiến truyền thông này để không làm ảnh hưởng đến cuộc điều tra, đó là điều mà mọi nhà báo đều phải cân nhắc. Tác giả nhắc lại lời của Pierre Péan, một nhà báo điều tra nổi tiếng : « Nguyên tắc chính của tôi không chỉ đơn thuần là báo chí : tôi muốn mỗi buổi sáng khi nhìn vào gương soi không cảm thấy xấu hổ. Tôi biểt rằng tôi có quyền, thậm chí có nghĩa vụ không nói ra tất cả. Làm báo, không chỉ đơn giản là tìm kiếm thông tin, mà còn là chọn lựa thông tin ».