* Từ trại dân sự chiến đấu Polei Kleng đến tiểu đoàn 62 BĐQ Biên phòng ở căn cứ Lệ Khánh:
Tháng 8/1970, theo kế hoạch của bộ Quốc phòng VNCH, tất cả thành phần
Dân sự Chiến đấu trực thuộc Lực lượng Đặc biệt được chuyển sang binh
chủng Biệt động quân để thành lập các tiểu đoàn Biệt động quân Biên
phòng. Theo lịch trình cải tuyển, ngày 31 tháng 8/1970, trại Dân sự
chiến đấu Polei Kleng được tổ chức thành tiểu đoàn 62 Biệt động quân với
quân số ban đầu là 403 quân nhân, trong đó 2/3 là người Thượng. Trại
còn có tên Việt là Lệ Khánh.
Về mặt địa lý, Polei Kleng là tên một ngọn đồi lớn nằm về phía Tây Bắc
Kontum, cách tỉnh lỵ này hơn 20 km. Từ hạ tuần tháng 4/1972, Cộng quân
đã gia tăng áp lực nặng tại hai tiền cứ Ben Het và trại Polei Kleng (Lệ
Khánh) bằng các trận pháo liên tục để khống chế quân trú phòng, vì rằng
vị trí của hai tiền cứ này đã án ngữ trục di chuyển tiếp vận của Cộng
quân vào các khu vực mà các sư đoàn CSBV đang tập trung để chuẩn bị tấn
công Kontum.
* Chiến sĩ Tiểu đoàn 62 BĐQ và vợ con binh sĩ tử chiến với CSBV:
Trong 10 ngày cuối của tháng 4/1972, các cuộc triệt thoái tại Tân Cảnh,
Dakto và Võ Định đã ảnh hưởng đến các đơn vị tiền đồn. Tại căn cứ Lệ
Khánh, Cộng quân đã tung 1 trung đoàn bao vây quân trú phòng, hàng ngày
địch đã pháo liên tục vào căn cứ. Dù bị cô lập, nhưng tiểu đoàn 62 Biệt
động quân Biên phòng vẫn giữ vững tiền cứ với sự yểm trợ mạnh mẽ của
Không quân Hoa Kỳ. Đại úy Bửu Chuyển, tiểu đoàn trưởng, trung úy Phan
Thái Bình, tiểu đoàn phó, và các đại đội trưởng của tiểu đoàn này đã
điều động quân sĩ chống trả các đợt tấn công của CQ.
Đầu tháng 5/1972, Cộng quân gia tăng mức độ pháo kích và số lần tấn
công. Thông tin tình báo kỹ thuật ghi nhận là trung đoàn 64 CSBV và 1
đơn vị chiến xa T 54 đang bao vây Lệ Khánh được lệnh phải san bằng tiền
đồn này với bất cứ giá nào. Theo tài liệu nói về cuộc chiến Mùa Hè 1972
do cựu trung tướng Ngô Quang Trưởng và một cựu số sĩ quan cao cấp
QL/VNCH biên soạn cho Ủy ban quân sử Hoa Kỳ, trận tấn công cường tập của
Cộng quân vào căn cứ Lệ Khánh diễn ra vào ngày 6 tháng 5/1972. Khởi đầu
trận đánh, pháo binh đối phương đã pháo liên tục trong hơn 4 giờ với
hàng ngàn đạn pháo 82 ly và hỏa tiễn 122 ly. Tiếp đó, cả trung đoàn 64
CSBV với hơn 20 chiến xa T 54 dẫn đầu tung cuộc xung phong biển người
vào các vị trí phòng ngự của Biệt động quân. Trong những đợt tấn công
biển người, Cộng quân dàn hàng ngang, mỗi đợt địch quân tiến cách nhau
khoảng 50 mét. Dù bị áp đảo về quân số và hỏa lực, nhưng tiểu đoàn 62
BĐQ đã đẩy lùi được được các xung phong của địch quân. Trong thời xảy ra
trận chiến, vợ con của anh em binh sĩ trong căn cứ được phát súng, phụ
giúp đơn vị trong các nhiệm vụ quan sát, canh gác, chuyển đạn từ kho ra
đến tận chiến hào, đưa anh em bị thương vào trạm xá.
Ngày 7 tháng 5/1972, Cộng quân mở đợt tấn công ở hướng Tây Bắc, một chi
đội gồm 5 chiếc T 54 đã trúng bãi mìn khi đang dẫn bộ binh CQ tấn công
vào tuyến phòng ngự của Biệt động quân ở hướng này. Trong ba ngày từ 6
đến 8/5/1972, tiểu đoàn 62 Biệt động quân và gia đình binh sĩ trong trại
đã chịu đựng hàng loạt trận mưa pháo của Cộng quân. Trong những ngày
này, các phi tuần B 52 chiến lược của Không lực Hoa Kỳ đã oanh tạc dữ
dội vào đội hình của Cộng quân đang khai triển quanh căn cứ và đối
phương đã phải trả giá rất đắt trong các đợt tấn công vào tiền đồn này.
Lúc Cộng quân tiến hành cuộc tấn công vào Lệ Khánh thì trung tướng Ngô
Du vẫn còn giữ chức vụ tư lệnh Quân đoàn 2 (ngày 10/5/1972, thiếu tướng
Nguyễn Văn Toàn được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cử thay thế ông). Để
tưởng thưởng cho quân nhân hữu công của tiểu đoàn 62BĐQ trong suốt thời
gian bị CQ bao vây và tấn công căn cứ, ngày 7 tháng 5/1972, vị tư lệnh
Quân đoàn 2 đã bay trực thăng trên trại Lệ Khánh để thả lon thiếu tá cho
đại úy Bửu Chuyển-tiểu đoàn trưởng, lon đại úy cho trung úy Phan Thái
Bình. 20 quân nhân cũng được thăng cấp và tưởng thưởng huy chương trong
dịp này. Lon của các quân nhân tân thăng được thả dù từ trực thăng phi
cơ xuống đã bị rơi ở giữa hàng rào.
* Cuộc triệt thoái đầy bi tráng của tiểu đoàn 62 BĐQ và gia đình binh sĩ trại Lệ Khánh:
Trở lại với cuộc tấn công của Cộng quân, dù bị tổn thất nặng, nhưng đối
phương vẫn cố đánh chiếm tiền cứ này. Ngày 9 tháng 5/1972, bộ tư lệnh B3
(chỉ huy lực lượng Cộng quân tại Cao nguyên) đã tăng viện cho trung
đoàn 64 CSBV 2 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn chiến xa để mở thêm cuộc
tấn công biển người. Dù B52 đã nhanh chóng can thiệp, nhưng tiềm lực cố
thủ của tiểu đoàn đã bị giảm do số quân nhân thương vong cao. Trước
tình hình này, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 cho lệnh tiểu đoàn 62 tùy nghi
hành động.
Chiều 9/5/1972, tiểu đoàn trưởng Bửu Chuyển đã họp với ban chỉ huy và
các đại đội trưởng để bàn thảo. Cuối cùng vị chỉ huy căn cứ quyết định
rút. Tiểu đoàn phó Bình báo động là nếu rút ra sẽ bị đụng nặng, nên cần
phải tìm hướng rút để có thể tránh giao tranh. Theo nhận xét của vị tiểu
đoàn phó, trong số 13 lô cốt quanh căn cứ, chỉ có lô cốt 13 là cụm điểm
ít bị pháo nhất, do đó tiểu đoàn nên rút theo hướng này. Khó khăn đầu
tiên là phải phá hàng rào kẻm gai ở hướng lô cốt 13. Hạ sĩ quan thủ kho
đạn được lệnh kiểm kê tất cả các đoạn bangalo để nối thành một ống dài
đủ sức công phá những lớp hàng rào chằng chịt trên hướng rút quân. Đêm
9/5/1972, tất cả quân nhân tiểu đoàn và gia đình binh sĩ được lệnh chuẩn
bị sẵn sàng. Ba lô gọn nhẹ, cần nhất là súng đạn và lương thực đi
đường. Rạng sáng, tiểu đoàn trưởng cho lệnh triệt thoái. Chùm bangalo nổ
tung trong tiếng pháo của địch, cả lớp hàng rào kẽm gai bị xé một đường
dài cho đoàn quân rút ra.
Theo phân nhiệm, thiếu úy Kchong, đại đội trưởng đại đội 1 dẫn đại đội
mở đường. Tiểu đoàn trưởng Chuyển và ban chỉ huy tiểu đoàn theo sau tiến
về hướng Đông. Tiểu đoàn phó Bình dẫn 1 cánh quân cùng với gia đình
binh sĩ rút sau cùng. Vừa ra khỏi căn cứ, cánh quân của tiểu đoàn phó
chiếm ngay một ngọn đồi gần đó, phá được tổ đại liên của địch để yểm trợ
cho cánh quân của tiểu đoàn trưởng. Sau đó, tiểu đoàn tách ra làm hai,
cánh của tiểu đoàn phó đi về hướng Bắc. Vừa khi tiểu đoàn ra khỏi căn
cứ, phi cơ quan sát L 19 của Không quân VNCH đã bắt được liên lạc với
tiểu đoàn phó Bình. Quan sát viên trên phi cơ thấy chiến xa và bộ binh
CQ đã tràn ngập căn cứ, quan sát viên đã gọi oanh tạc cơ đến dội bom
ngay vào tiền đồn này, CQ tổn thất nặng.
Về phía tiểu đoàn 62 BĐQ, tiểu đoàn phó Bình tiếp tục liên lạc với L 19
để nhờ dẫn đường nhưng không nhận được hồi đáp. Nhìn lên, anh thấy phi
cơ đã bị trúng đạn và bốc cháy. Cánh dù bung ra. Đoàn quân lên đường với
những gian nguy chờ ở phía trước. Phải đến buổi chiều, hai cánh quân
của tiểu đoàn trưởng Chuyển và tiểu đoàn phó Bình mới gặp nhau. Xem bản
đồ, cả tiểu đoàn mới rời căn cứ được khoảng 5 km. Sau khi kiểm lại quân
số, tiểu đoàn trưởng nói với tiểu đoàn phó: Tiếp tục đi, anh vẫn theo
hướng Bắc và giữ mặt Bắc cho cánh của tôi.
Hai cánh quân lại chia tay lên đường. Di chuyển được khoảng 500 mét thì
cánh quân của tiểu đoàn trưởng bị Cộng quân bao vây. Nghe tiếng súng nổ
rền, tiểu đoàn phó Bình chụp máy gọi tiểu đoàn trưởng Chuyển hỏi có bị
đụng nặng không và có cần tiếp ứng không. Tiểu đoàn trưởng Chuyển trả
lời: Tôi bị vây, nhưng anh cứ dẫn anh em đi đi. Sau đó, thì cả hai không
còn liên lạc được với nhau nữa. Cánh quân của tiểu đoàn phó Bình lại bị
địch chận đánh. Anh vừa điều động quân, vừa chống trả vừa di chuyển
tiếp. Đoàn người đến bờ sông Poko, lúc bấy giờ vào mùa khô, nước cạn. Cả
đoàn quân và gia đình binh sĩ cố vượt qua sông. Tiểu đoàn phó Bình và
một toán quân ở lại bên này bờ để bảo vệ. Một phụ nữ Thượng đai đứa con
trước ngực bị trúng đạn của Cộng quân, người mẹ nằm chết bên bờ sông,
trong khi đứa bé vẫn còn ngậm vú mẹ. Trước cảnh tượng đau thương đó, anh
Bình ra lệnh cho một người lính Thượng ẳm đứa bé qua bên kia sông, tìm
một nhà người Thượng để gửi.
Khi đoàn người bắt đầu vượt sông, Cộng quân tràn đến, bắn đuổi theo,
nhiều phụ nữ, trẻ em gia đình quân nhân của tiểu đoàn đã ngã xuống trên
dòng sông Poko. Rất may là bên kia bờ có liên đội 385 Địa phương quân
đóng quân. Đơn vị này đã kịp thời yểm trợ cho đoàn quân dân qua sông.
Qua khỏi sông Poko, tiểu đoàn phó Bình kiểm soát lại quân số. Khi rời
trại, cánh của anh có 360 người, giờ chỉ còn lại 97 người. Một số bị
thất lạc, một số bị thương, một phần bị địch bắt. Đại tá Nguyễn Văn
Đương, chỉ huy trưởng Biệt động quân Quân khu 2 đón đoàn người trở về ở
ngay tại căn cứ của liên đội Địa phương quân. Đại tá Đương ôm chầm anh
Bình, ông ngạc nhiên khi thấy tiểu đoàn phó 62 BĐQ vẫn còn mang lon
trung úy, anh Bình giải thích: Cặp lon rơi giữa hàng rào nên không ra
lấy được. Sau đó, đại tá Đương đã gắn 3 bông mai vàng cho người tiểu
đoàn phó dũng cảm này rồi ra lệnh đưa 97 người về Kontum. Tuy nhiên, đại
úy Bình xin cho anh và một số anh em ở lại vào ngày để chờ đón số anh
em còn thất lạc. Ba ngày sau, có thêm một số quân nhân trở về, trong đó
có hạ sĩ quan truyền tin của tiểu đoàn trưởng. Người lính này cho đại úy
Bình biết là thiếu tá Chuyển bị thương, Cộng quân bắt dẫn đi, nhưng ông
không đi, bị địch bắn chết tại chỗ.
Trước khi về Kontum, tiểu đoàn phó Bình gọi máy báo cho đại tá Đương,
giọng nghẹn ngào: Bửu Chuyển chết rồi. Cuối tháng 5/1972, quyết định
chính thức của đại tướng Tổng tham mưu trưởng về việc thăng cấp cho tiểu
đoàn trưởng Bửu Chuyển và tiểu đoàn phó Phan Thái Bình được ban hành để
hợp thức hóa quyết định thăng cấp tại mặt trận của tư lệnh Quân đoàn.
Trong buổi lễ tưởng thưởng quân nhân hữu công trong cuộc chiến Mùa Hè
1972 tổ chức tại bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 vào thượng tuần tháng 6/1972,
tiểu đoàn phó Phan Thái Bình được thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn-tư lệnh
Quân đoàn 2, gắn cấp đại úy một lần nữa. Còn thiếu tá Bửu Chuyển đã vĩnh
viễn ở lại với rừng núi Cao nguyên.
https://vietbao.com/a49611/chien-si-t-d-62-bdq-vo-con-tu-chien-giu-can-cu-le-khanh